Bệnh đái tháo đường - kẻ giết người thầm lặng
Ông Vũ Thế Quyền, 55 tuổi, trú tại Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, cách đây 8 năm, do thấy trong người có nhiều dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, uống nước nhiều nhưng vẫn cảm thấy khát... nên ông đã đến khám tại bệnh viện địa phương và Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Kết quả khám bệnh cho biết, ông đã bị đái tháo đường týp 2. Cũng như nhiều bệnh nhân đái tháo đường khác, ông Quyền chỉ phát hiện ra bệnh của mình khi bệnh đã ở thể nặng và mạn tính. TS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, không nhiều các bệnh nhân phát hiện ra bệnh đái tháo đường của mình ở giai đoạn “tiền đái tháo đường”. Trong khí đó, việc phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh kịp thời được can thiệp, điều trị, tránh mắc phải bệnh mạn tính hay những biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Những biến chứng nguy hại của bệnh đái tháo đường như: biến chứng bàn chân do tổn thương đến hệ thần kinh, huyết quản bị tắc. Nếu tắc nghiêm trọng sẽ dẫn đến phù nề, loét, hoại tử, có thể phải phẫu thuật cắt bỏ; biến chứng bệnh thận (suy thận, chứng độc niệu...); biến chứng các bệnh về mắt như bệnh lý võng mạc, bệnh lý biểu mô sắc tố võng mạc, đục thủy tinh thể, thay đổi thần kinh thị giác, tăng nhãn áp, thay đổi tật khúc xạ, có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường có thể gây nên các bệnh về tim mạch, não, da liễu...
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tại Việt Nam, trong 10 năm (từ 2002 đến 2012), tỷ lệ mắc đái tháo đường đã tăng gấp 2 lần, từ 2,7% lên 5,4%. GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ước tính, hiện tại, Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, đặc biệt, trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh. Gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này cũng rất lớn. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: đái tháo đường là một trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Chung tay phòng chống đẩy lùi bệnh đái tháo đường
TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh đái tháo đường có nguyên nhân chủ yếu từ việc bổ sung dinh dưỡng không hợp lý. Người bệnh thường thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Đây là nguyên nhân đáng lưu ý vì hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có 1/4 số người uống ở mức nguy hại. Thống kê cũng cho thấy, có khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây và có tới gần 30% thiếu hoạt động thể lực. Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh - chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh đái tháo đường. Để phòng tránh bệnh đái tháo đường, mọi người nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hợp lý: ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn thịt nạc, dùng dầu thực vật để nấu nướng; hạn chế tinh bột, chất béo, đường, không ăn những loại bánh kẹo, thực phẩm giàu năng lượng. Chế độ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, không chỉ trong một bữa ăn mà trong cả mỗi món ăn. Ăn vừa phải không ăn quá no; hạn chế ăn mặn; tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, tránh khoảng thời gian tĩnh (không hoạt động) và nói không với hút thuốc, không lạm dụng rượu, bia; duy trì cân nặng hợp lý.
Nhằm tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, TS. Phan Hướng Dương, khuyến nghị, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng hay 1 năm một lần, trong đó, có việc xét nghiệm đường huyết để tầm soát bệnh đái tháo đường. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ như người: từ 40 tuổi trở lên; từng được xác định rối loại đường huyết; thừa cân, béo phì; mắc bệnh lý tim mạch; có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường; phụ nữ từng mặc đái tháo đường thai kỳ.
TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, việc phòng chống, đẩy lùi bệnh đái tháo đường không phải là việc “một sớm, một chiều” có thế thực hiện được. Điều này đòi hòi không chỉ sự nỗ lực của ngành Y tế mà còn từ phía Chính phủ trong việc kiểm soát, hạn chế nguy cơ gây bệnh, bằng việc tạo hành lang pháp lý hạn chế thực phẩm có hại như rượi, bia, thuốc lá hay tiến tới là đồ uống có nhiều đường; gia tăng các chính sách khuyến khích hoạt động thể chất; giảm ô nhiễm môi trường... hay đối với người dân là thực hiện chế độ ăn uống khoa học, giữ lối sống lành mạnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Khuyến cáo của Bộ Y tế phòng chống bệnh đái tháo đường 1.Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung. 2.Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm. 3.Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc. |
Bài, ảnh: Như Hiển