Tại Việt Nam, cho đến nay tuy chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ebola nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn có thể xảy ra. Để cung cấp thêm thông tin về công tác ứng phó phòng chống và điều trị dịch bệnh do vi rút Ebola, Phóng viên Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế về vấn đề này.
Phóng viên: Cho dù, dịch bệnh Ebola hiện nay đã có chiều hướng khả quan hơn, nhưng để ứng phó với nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này, công tác điều trị được Bộ Y tế chuẩn bị như thế nào thưa ông?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát tại các nước Tây Phi, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Ebola. Ngày 8/8/2014, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Ebola đã được ban hành kèm theo Quyết định số 2968/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau khi có hướng dẫn, Bộ Y tế đã triển khai tập huấn cho các cơ sở y tế để tăng cường phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, các cơ sở y tế cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, cách ly hạn chế lây lan; các văn bản đề nghị các Bộ ngành liên quan phối hợp để phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola. Phối hợp với các tổ chức quốc tế liên tục cập nhật thông tin để hoàn chỉnh hướng dẫn. Ngày 5/11/2014, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Ebola được cập nhật và ban hành kèm theo hướng dẫn số 4600/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn cập nhật, chi tiết và bổ sung các quy trình như lấy mẫu bệnh phẩm, phân tuyến, xử lý chất thải… đến nay, công tác điều trị đã được Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng nếu có ca bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam.
Công tác phát hiện sớm các ca nghi ngờ tại các cửa khẩu, theo dõi các trường hợp đi từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam đều được thực hiện sát sao. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, sẽ có đáp ứng các tình huống cách ly như đưa người bệnh từ cửa khẩu, cộng đồng đến cơ sở khám, chữa bệnh được quy định để cách ly, theo dõi và điều trị. Để đáp ứng tình huống thực tế, công tác trên đã được các đơn vị y tế diễn tập thuần thục tại 2 thành phố lớn, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, 4 đội phản ứng nhanh của 4 khu vực đã được thành lập và luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có thông tin. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh dự trữ phương tiện phòng hộ cá nhân, dung dịch sát khuẩn, trang thiết bị, khu cách ly để sẵn sàng tiếp nhận, cách ly người bệnh nghi ngờ. Tập huấn cho các đơn vị về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân để sử dụng khi tiếp xúc, điều trị và chăm sóc người bệnh. Xây dựng các tờ rơi, pano, clip hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và chuyển đến các đơn vị y tế để làm tài liệu đào tạo, thực hành.
Tại Việt Nam, công tác xét nghiệm được vi rút Ebola hiện có 3 cơ sở y tế đã được công nhận là: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Các cơ sở này có khả năng xét nghiệm để bước đầu đánh giá tình hình người bệnh, tiến hành các biện pháp tiếp theo đối với người bệnh. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang hoàn thiện lại cơ sở vật chất để thẩm định cấp phép tiếp. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác kiểm soát lây nhiễm Ebola trong cơ sở khám chữa bệnh và cập nhật các thông tin về công tác cách ly, điều trị, chăm sóc và xử lý chất lây nhiễm của người bệnh.
Phóng viên: Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói chung, bệnh Ebola nói riêng, theo PGS ở Việt Nam có bao nhiêu bệnh viện có thể đảm bảo được công tác điều trị?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói chung và Ebola nói riêng hệ thống y tế tại Việt Nam đã có phân tuyến điều trị bệnh truyền nhiễm cụ thể theo từng tình huống như sau: Một là: Khi có các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đầu tiên, tại khu vực miền Bắc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sẽ tiếp nhận bệnh nhân từ Hà Tĩnh trở ra. Khu vực miền Trung, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận bệnh nhân khu vực miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Khánh Hoà). Khu vực Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Lắc tiếp nhận bệnh nhân từ khu vực Tây Nguyên. Khu vực miền Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhân thuộc các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào. Hai là: Phát hiện có các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở phạm vi hẹp tại các địa phương, tại khu vực miền Bắc: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi trung ương bố trí thêm đơn nguyên điều trị để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và hỗ trợ tuyến dưới. Các bệnh viện thuộc Hà Nội như: Bắc Thăng Long, Đức Giang, Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn và Bệnh viện Hà Đông sẽ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân khi cần thiết.
Các bệnh viện vùng như đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí và các bệnh viện đa khoa tỉnh mỗi bệnh viện chuẩn bị 10-15 giường cách ly được trang bị đầy đủ. Khu vực cách ly dự trữ khoảng 30 giường bệnh sẽ được sử dụng khi dịch bùng phát tại khu vực. Khu vực miền Trung, mở rộng khu vực cách ly tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trung ương Huế để có thể thu dung được khoảng 30 bệnh nhân. Các bệnh viện đa khoa tỉnh của khu vực, mỗi bệnh viện bố trí 10-15 giường cách ly được trang bị đầy đủ tại Khoa Truyền nhiễm. Khu vực Tây Nguyên, cũng mở rộng khu cách ly tại Khoa Truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Lắc để có thể thu dung được 30 bệnh nhân. Các bệnh viện đa khoa tỉnh của khu vực, mỗi bệnh viện bố trí 10-15 giường cách ly được trang bị đầy đủ tại Khoa Truyền nhiễm, được sử dụng khi dịch bùng phát tại khu vực. Khu vực miền Nam, 5 bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh truyền nhiễm như sau: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, 30 giường; Bệnh viện Chợ Rẫy: 20 giường; Bệnh viện Nhân dân 115: 20 giường; Bệnh viện Nhi đồng 1: 20 giường và Bệnh viện Nhi đồng 2 là 20 giường bệnh. Các bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, đa khoa tỉnh bố trí 10-15 giường cách ly được trang bị đầy đủ tại khoa Truyền nhiễm để sử dụng khi dịch bùng phát tại khu vực. Ba là: Khi dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểmbùng phát ra cộng đồng, huy động tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tham gia vào công tác chống dịch. Ngoài các đơn vị đã được phân công như trong trường hợp dịch vừa bùng phát, Bộ Y tế sẽ huy động tất cả các bệnh viện đa khoa trung tâm của tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh, bệnh viện huyện, bệnh viện ngành tham gia thu dung và điều trị bệnh nhân; thiết lập bệnh viện dã chiến ở địa phương nếu có nhiều người nhiễm Ebola. Sử dụng các cơ sở công cộng sẵn có để thiết lập bệnh viện dã chiến (trường học, doanh trại quân đội...).
Phóng viên: PGS có nhận định như thế nào về tình hình dịch Ebola trong thời gian tới và triển vọng khống chế dịch bệnh này trên thế giới và Việt Nam?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Hiện nay trên thế giới, dịch bệnh Ebola vẫn tiếp tục gia tăng tại 3 nước Châu Phi là Guinea, Liberia, Sierra Leone và 4 nước khác là Nigeria, Senegal Leone, Congo và Tây Ban Nha. Đã qua 42 ngày, không có ca bệnh mới. Tuy nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể khống chế hoàn toàn được dịch bệnh này tại Tây Phi, do các nước này còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự và phong tục...
Tại Việt Nam, được sự quan tâm sát sao của Chính phủ, sự tham gia, phối hợp của các ngành chức năng liên quan, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch bệnh Ebola; đồng thời, Việt Nam cũng là nước đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác khống chế các dịch bệnh nguy hiểm trước đây như SRAR, Cúm... do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể phát hiện sớm, cách ly, điều trị và chăm sóc các ca bệnh nghi ngờ, không để lây lan ra cộng đồng, hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Xin trân trọng cám ơn PGS.TS. Lương Ngọc Khuê!