Phóng viên: Vừa qua, Bộ Y tế đã có thông tư 45/2015/TT-BYT chỉ đạo các cơ sở y tế cả nước thực hiện thay đổi trang phục y tế với mục đích nhằm phân định chức danh nghề nghiệp thông qua trang phục, bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa giúp cho người bệnh và gia đình họ có thể dễ dàng tìm được sự giúp đỡ khi đến khám, chữa bệnh. Ông đáng giá sao về chủ trương này của Bộ Y tế?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Đổi mới trang phục y tế là một chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Mỗi một cán bộ y tế là một gương mặt đại diện cho ngành Y nên cần có một tác phong chuyên nghiệp. Điều này một phần được thể hiện qua trang phục. Trang phục có đẹp thì người mặc sẽ tự chỉn chu, ý thức hơn về hành động, cử chỉ, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, công việc được giao, góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc qui định về trang phục y tế, không những giúp đáp ứng tốt hơn trong công tác chuyên môn mà còn đảm bảo vệ sinh, thỏa mái, thuận tiện và tạo phong cách chuyên nghiệp cho nhân viên y tế, đồng thời, giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hỏi đúng người, đúng chỗ khi cần, tránh xảy ra hiểm lầm giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Trước đây, khi Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư 45/2015/TT-BYT, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã nghiên cứu và đưa mẫu trang phục cán bộ y tế giúp phân định chức năng nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên, người lao động làm trong Bệnh viện. Nên khi Bộ Y tế ban hành Thông tư này, Bệnh viện có được sự đồng thuận rất cao và chủ động thực hiện nhiệm vụ này.
Phóng viên: Vậy Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện công tác này như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Ngay khi nhận được chỉ đạo từ Thông tư 45/2015/TT-BYT, Bệnh viện đã khẩn trương họp giữa các phòng hữu quan với Ban Giám đốc để nghiên cứu Thông tư; tập hợp ý kiến góp ý của các nhóm nhân viên của Bệnh viện như bác sĩ, điều dưỡng các khoa, kỹ thuật viên, đội ngũ chăm sóc khách hàng, nhân viên hành chính, đồng thời, phối hợp cùng với một số công ty may để xây dựng các mẫu thiết kế theo đúng quy định của Bộ Y tế và phù hợp với điều kiện cụ thể của Bệnh viện như trang phục phải thuận tiện khi mặc, khi thao tác chuyên môn; bảo đảm an toàn cho người bệnh và người sử dụng; mang tính truyền thống, đặc trưng của ngành Y tế; chất liệu đảm bảo ít nhăn, mềm mại, dễ giặt, dễ khử khuẩn, thấm mồ hôi và phù hợp với khí hậu vùng miền; kiểu dáng, màu sắc hài hòa, thân thiện, đơn giản, hiện đại, lịch sự, kín đáo, phù hợp với công việc. Tất cả các mẫu trang phục đều có in logo biểu trưng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ban Giám đốc cũng đã chỉ đạo để trang phục của Bệnh viện được tổ chức giặt là, sửa chữa tập chung ngay trong Bệnh viện. Điều này giúp tiết giảm chi phí, phòng chống nhiễm khuẩn, không để các yếu tố gây hại xâm nhập vào cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bệnh viện cũng gặp phải một số vấn đề như việc chọn lựa mẫu giầy, dép sao cho nhất quán, phù hợp. Bệnh viện mong rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ có chỉ đạo rõ hơn về loại trang phục này.
Phóng viên: Sau một thời gian triển khai thực hiện, Bệnh viện nhận được phản hồi nào từ các y bác sĩ, cũng như người bệnh và gia đình họ?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Nhìn chung, các y, bác sĩ đều khá hài lòng với bộ trang phục này vì những ưu điểm mà nó mang lại. Chúng tôi cũng liên tục thu nhận các ý kiến đóng góp của cán bộ, người lao động trong Bệnh viện phàn hồi sau khi thực hiện thay đổi trang phục để chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất. Đối với người dân, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Trang phục điều dưỡng và trang phục của nhân viên chăm sóc khách hàng được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đánh giá cao về kiểu dáng, mẫu mã, lịch sự, dễ nhận biết và tính thẩm mỹ, dễ nhận biết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định rằng, để có được hình ảnh đẹp trong mắt người bệnh, thì thái đội phục vụ, sự tận tâm của các cán bộ y tế Bênh viện đối với bệnh nhân mới là điều thực sự quan trọng. Do vậy, bên cạnh đổi mới về hình thức, việc đổi mới thái độ phục vụ luôn được Bệnh viện hết sức quan tâm, thực hiện. Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội luôn quán triệt đến mỗi cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện, đó là trong hoạt động chuyên môn phải luôn lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ. Do đó, Bệnh viện đã liên tục đổi mới và nâng cao hơn nữa tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh văn minh, thân thiện, vì người bệnh những cũng không gây áp lực cho nhân viên y tế. Bệnh viện đã triển khai Mô hình tiếp sức người bệnh; duy trì hoạt động đường dây nóng, tiếp nhận và xử lý các ý kiến đóng góp của người bệnh với bệnh viện, với nhân viên y tế để có giải pháp thực hiện hiệu quả; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế. Điều này giúp nâng cao uy tín của bệnh viện, giúp bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô và cả nước.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Bệnh viện nhằm làm tốt công tác thực hiện Thông tư 45/2015/TT-BYT?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Một số kinh nghiệm mà chúng tôi tổng kết được trong quá trình thực hiện, đó là: cần đầu tư thời gian, nghiên cứu rõ các nội dung chỉ đạo của Thông tư; tổ chức phân công nhiêm vụ, quy định rõ trách nhiệm với các cá nhân, tập thể phòng, ban thực hiện nhiệm vụ; trong quá trình thực hiện, thường xuyên lấy ý kiến đóng góp của cán bộ cũng như người bệnh để đánh giá các nội dung liên quan đến trang phục y tế, kịp thời điều chỉnh bổ xung cho phù hợp; tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi, lựa chọn nhà thầu có uy tín, chất lượng để may đo trang phục.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Nguyễn Hiển