PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong năm 2018, Việt Nam không ghi nhận sự xâm nhập của các bệnh nguy hiểm mới nổi. Các dịch bệnh lưu hành tiếp tục được khống chế. Tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất vắc xin cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A(H1N1)/9, A(H3N2), cúm B, vắc xin cúm tiền đại dịch A(H5N1) - đây là loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Cùng với đó, vắc xin sởi do Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngày 18/10/2018, WHO công bố Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết ra khỏi các vấn đề y tế công cộng.
Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng cảnh báo về dịch bệnh có thể xảy ra mùa Lễ hội và Tết Nguyên đán năm 2019 như sởi, tay chân miệng, cúm gia cầm động lực cao. Ông Phu cho biết, trong dịp tết và lễ hội 2019, điều kiện khí hậu đông xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi làm cơ thể con người giảm sức đề kháng, nên người yếu nhất là trẻ em không thích nghi kịp rất dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, điều kiện thời tiết này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo nguy cơ về các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm không đạt vệ sinh. Thời điểm tết, thói quen sinh hoạt, ăn uống của nhiều người dân thường bị đảo lộn. Có cái quá thừa hoặc quá thiếu dẫn tới bộ máy tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, một số người sử dụng phải các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh nên dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa. PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng cảnh báo về bệnh liên cầu lợn, mặc dù, chỉ ghi nhận rải rác, lẻ tẻ chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, nhưng tỷ lệ tử vong vì mắc liên cầu lợn rất cao. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, không mua bán, giết mổ lợn ốm hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Điều đáng nói, ngay cả lợn khỏe cũng có thể nhiễm khuẩn liên cầu lợn, do vậy tuyệt đối không ăn tiết canh lợn.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng chống bệnh trong dịp Tết Nguyên đán 2019, người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh; giữ ấm cơ thể khi thời gian chuyển lạnh; tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến chỗ đông người; đảm bảo vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Khi có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm cần thông báo cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Như Hiển