Đã có kết quả xét nghiệm 2 bệnh nhân nghi cúm gia cầm
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có kết quả xét nghiệm đối với 2 nam bệnh nhân (ở Hà Nội và Quảng Ninh) bị viêm phổi nặng nghi mắc cúm gia cầm nguy hiểm đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo đó, kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 2 bệnh nhân đều đồng nhiễm và cúm B. Đây là các chủng cúm mùa thông thường. Hiện 2 trường hợp này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại Bệnh viện.
Trước đó, bệnh nhân nam ở Hà Nội khởi phát bệnh ngày 30/1, nhập viện ngày 1/2. Bệnh nhân nam còn lại ở Quảng Ninh, khởi phát bệnh ngày 1/2, nhập viện ngày 4/2
Trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi cả nước ghi nhận 525 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, số mắc rải rác chủ yếu tại các tỉnh thành phố phía Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, toàn quốc ghi nhận hơn 2.600 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó 1 bệnh nhân tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời phát hiện 664 trường hợp mắc bệnh sởi, rải rác tại các tỉnh, thành phố và ghi nhận 1 trường hợp nghi mắc bệnh dại đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (An ninh Thủ đô, trang 8; Tuổi trẻ, trang 6).
Từ 1/3/2019 thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử
Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1/3/2019 các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử.Hướng đến mục đích phục vụ công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2019 và sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế.
Theo đó, việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Nguyên tắc thực hiện là mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu như: phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy. Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.
Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Mục 2, Chương II Luật An toàn thông tin mạng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư này.
Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.
Thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ.
Trên cơ sở kết quả tư vấn của Hội đồng chuyên môn được quy định thoặc của đơn vị tư vấn độc lập, Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy. (Tiền phong, trang 6).
Nguy cơ bệnh sởi bùng phát
Trong khi dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và được cân nhắc như “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”, các chuyên gia dịch tễ lo ngại thời tiết mưa ẩm, lạnh khiến căn bệnh này bùng phát ở nhiều tỉnh, thành.
Tăng ở nhiều nơi
Chiều 11.2, Sở Y tế Hà Nội cho biết từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 114 ca mắc sởi (cùng kỳ 2018 có 8 ca). Trong tháng 1.2019, trên địa bàn TP có 65 trường hợp mắc sởi.
Các điều tra dịch tễ cho thấy, 53,1% trường hợp mắc sởi là trẻ trên 5 tuổi và người lớn. Phần lớn số ca mắc chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều (chiếm đến 89,1%).
Giám sát của hệ thống y tế dự phòng cũng cho thấy, bệnh nhân mắc sởi đã được ghi nhận tại 66 xã, phường thuộc 23 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Tuy không tập trung thành ổ dịch nhưng các chuyên gia dịch tễ lo ngại thời tiết bắt đầu mưa ẩm, lạnh là yếu tố rất thuận lợi khiến bệnh đường hô hấp như: sởi, ho gà, cúm gia tăng.
Còn tại Đắk Lắk, bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Krông Bông, cho biết ngày 5.2 trên địa bàn huyện ghi nhận một trường hợp trẻ em có dấu hiệu mắc bệnh sởi phải nhập viện.
“Đây là bệnh nhân xuất hiện trong vùng dịch trước đó là thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, H.Krông Bông, nên cơ quan y tế rất quan tâm theo dõi. Trong tháng 1.2019, cả 9 ca mắc sởi của huyện đều nằm tại xã này, trong đó có 4 ca ở thôn Noh Prông”, ông Vũ cho biết thêm.
Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 14 - 25.1, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp mắc sởi tại các huyện: Krông Bông, Krông Ana, Lắk và Cư M’gar; trong đó tập trung chủ yếu ở huyện: Krông Bông (9 ca) và Cư M’gar (5 ca).
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 3 - 11.2 toàn TP đã có 221 trường hợp mắc sởi. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 978 trường hợp mắc sởi. Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết hiện bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Riêng các ca mắc sởi chưa có dấu hiệu giảm, cả 24 quận, huyện đều có ca mắc, trong đó các quận, huyện có số ca mắc nhiều là: quận 7, 8, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức.
Chủ động phòng bệnh
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận việc bùng phát trở lại các ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh sau gần hai tháng khống chế thành công dịch sởi là khá bất thường. Nguyên nhân có thể do thời tiết đông xuân lạnh, ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi phát triển, diễn biến phức tạp. Trước đó, trong năm 2018 cả tỉnh có 50 ca mắc sởi, đến đầu tháng 12.2018 thì không còn phát hiện ca mắc mới nào. Số người mắc bệnh trong năm 2018 và đầu năm nay được ghi nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cả trẻ em và người lớn.
“Chúng tôi đã triển khai nhanh việc rà soát, thống kê, tiêm phòng sởi đối với tất cả trẻ từ 1 - 15 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại những xã có nhiều người mắc sởi như: xã Hòa Phong, H.Krông Bông và xã Ea M’Đroh, H.Cư M’gar và trong phạm vi bán kính 200 m xung quanh khu vực nhà bệnh nhân ở các huyện: Lắk và Krông Ana”, ông Lào nói.
Trong khi đó, để phòng chống bệnh sởi có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong tiêm vắc xin phòng bệnh. Các gia đình cần đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1; khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2.
Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi và kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 3 tháng, cần được tư vấn tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cộng đồng. (Thanh niên, trang 4).
Cảnh báo lạm dụng rượu ở phụ nữ trẻ
Các bác sĩ thuộc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo về tình trạng ngộ độc rượu ở nữ giới gần đây.
Hôn mê, nguy kịch sau một lần uống rượu
“Sau 9 giờ đồng hồ vẫn không thấy con tôi tỉnh rượu, bạn bè cháu mới gọi báo cho gia đình. Chúng tôi đến đón thì thấy con mình không biết gì, tay chân buông thõng, nâng tay con lên thả ra thì lại rơi xuống, hoàn toàn không cử động được”, mẹ của nữ bệnh nhân 19 tuổi đang điều trị tại Trung tâm chống độc kể lại.
Bà cũng chia sẻ: “Chỉ nghĩ vì lần đầu uống rượu nên con say, do đó gia đình nhờ một bác sĩ quen khám và truyền nhanh 5 chai nước ở nhà trong hơn 2 tiếng. Nhưng dù vậy con vẫn không tỉnh được nên gia đình lo quá đưa con thẳng từ Mộc Châu về Bệnh viện (BV) Bạch Mai lúc rạng sáng 8.2 (mùng 4 tết)”. Mẹ nữ sinh chưa hết lo lắng nhớ lại: “Khi đưa con đến BV, chúng tôi xác định cơ hội sống của con là 50 - 50 vì cháu không biết gì, gọi hỏi không thưa. Lại cũng sợ con bị uống phải rượu có bỏ thêm chất lạ gì vào”.
Trước đó, ngày 7.2, cô gái này đi chúc tết cùng bạn bè và về nhà một bạn trong nhóm ăn cơm, uống rượu mừng năm mới. Sau bữa tiệc, cô rơi vào tình trạng hôn mê.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, phải đặt ống thở và điều trị tích cực. Sau gần 20 giờ điều trị, bệnh nhân đã tỉnh và có thể nói chuyện được, đã qua giai đoạn nguy hiểm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân không có cồn công nghiệp methanol nhưng có thể rơi vào nguy kịch do uống nhiều rượu.
Lạm dụng chất cồn có xu hướng tăng lên
Đặc biệt, các bác sĩ cảnh báo tình trạng lạm dụng nghiện chất cồn có xu hướng tăng lên. Ngoài nữ bệnh nhân 19 tuổi nêu trên, tại Trung tâm chống độc cũng đang điều trị một nữ bệnh nhân 23 tuổi. Cô được đưa đến viện do bệnh lý liên quan mạch máu hiếm gặp, nhưng qua trao đổi, gia đình cho hay, bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều và hút thuốc lá.
Đáng lưu ý, cô gái này uống rượu nhiều, các loại khác nhau, với khoảng 500 - 700 ml rượu mỗi ngày. Các bác sĩ nhận định, lạm dụng rượu và sử dụng thuốc lá trong thời gian dài có thể là tác nhân quan trọng gây nên căn bệnh mạch máu mà cô mắc phải.
Bác sĩ Nguyên lưu ý các gia đình cần quan tâm đến con em, dù là bia rượu nhẹ hay nặng thì lạm dụng đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt gan, thận, thần kinh.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Uống rượu ngay cả khi chưa bị các tác hại trực tiếp về sức khỏe nhưng vẫn có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh tim mạch...), tăng nguy cơ chấn thương và nhiễm độc. Uống bao nhiêu để không gây hại cho sức khỏe?
Một số ý kiến cho rằng uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng. Tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gram cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).
Uống rượu nhiều còn gây mất trí nhớ, rối loạn tinh thần. Phụ nữ uống nhiều rượu không chỉ nguy hại cho bản thân mà có nhiều tác hại như: gây sinh non khi mang thai, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%). Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia. (Thanh niên, trang 14).
Cảnh giác dịch bệnh lây lan sau tết
Theo nhận định của Bộ Y tế, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng người dân di chuyển giữa các địa phương tăng cao (để du xuân và tham gia các lễ hội đầu năm mới) khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể lây lan, nhất là các bệnh về đường hô hấp, cúm, sởi, thủy đậu, ho gà.
Cùng với đó, thời tiết mùa xuân thường có mưa ẩm và lạnh cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn nguy hại bùng phát, đe dọa sức khỏe người. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước và khu vực trên thế giới lại đang diễn ra phức tạp, rất dễ xâm nhập vào nước ta.
Viêm phổi nặng vì cúm mùa
Theo Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tại các địa phương trong cả nước không ghi nhận ổ dịch bệnh truyền nhiễm tập trung và các trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Tuy nhiên, đáng lo ngại khi tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm. Cả 2 bệnh nhân này đều là nam giới, đến từ Hà Nội và Quảng Ninh. Sau khi khởi phát bệnh với các biểu hiện ho, sốt, khó thở, tức ngực, cả 2 bệnh nhân này đều được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị trong tình trạng viêm phổi nặng.
Trước việc ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nghi nhiễm cúm gia cầm rất nguy hiểm, các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương và cơ sở y tế tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân trên đã tiến hành khử trùng môi trường và tổ chức theo dõi sức khỏe của những người tiếp gần xúc gần với 2 người bệnh này.
Đặc biệt, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm sâu; kết quả xét nghiệm cho thấy cả 2 bệnh nhân này bị đồng nhiễm cúm A/H1N1 và cúm B. Đây là các chủng cúm mùa thông thường, hiện các trường hợp này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại bệnh viện.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân viêm phổi nặng này cho thấy, kể từ năm 2015 tới nay, dịch cúm gia cầm H5N1 rất nguy hiểm ở trên người vẫn được khống chế thành công ở nước ta. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan trước nguy cơ mắc cúm mùa, qua giám sát trong thời gian qua, các trường hợp mắc cúm trên người chủ yếu là cúm mùa: A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Hơn nữa, trong giai đoạn mùa đông - xuân hiện nay, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người không hề nhỏ, nhất là khi nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia cầm tăng cao.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, trong số các chủng cúm thì virus cúm A/H5N1 và A/H7N9 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường từ gia cầm lây sang người. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh, qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín. Biểu hiện của bệnh thường là sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ... Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Nguy hiểm hơn, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh cho người.
Cảnh giác trước nhiều dịch bệnh
Mặc dù không ghi nhận các ổ dịch tập trung truyền nhiễm nhóm A và không ghi nhận dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, nhưng trong thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã ghi nhận lẻ tẻ các ổ dịch sởi, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng, quai bị... Trong đó, đối với dịch bệnh tay chân miệng, cả nước ghi nhận 525 trường hợp mắc và không tử vong. Cùng với đó là 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có tử vong.
Đặc biệt, sốt xuất huyết ghi nhận hơn 2.640 trường hợp mắc, trong đó có một ca tử vong tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, hiện nay là thời điểm mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi làm cơ thể con người giảm sức đề kháng, nên người yếu nhất là trẻ em không thích nghi kịp, rất dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, điều kiện thời tiết này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cũng cần lưu ý đây cũng là giai đoạn của lễ hội đầu xuân năm mới, người dân đi lại giữa các địa phương rất nhiều cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, cúm…, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết; đặc biệt không ăn tiết canh cũng như các loại thịt gia súc, gia cầm chưa được nấu chín. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng. Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng khí. Ngủ mùng, phòng chống muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng ngừa, các gia đình cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trên thế giới đang có đợt dịch Ebola bùng phát tại Congo (với 789 người mắc, trong đó 488 người đã tử vong từ ngày 1-8-2018 đến 10-2-2019). Cùng với đó, dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, với số mắc lên tới hơn 357.000 người. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Ebola và các dịch bệnh khác trên thế giới, để có các biện pháp đáp ứng một cách phù hợp, hiệu quả.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào nhưng nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm vào Việt Nam là rất cao, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới với các nước. Đặc biệt, qua giám sát cũng cho thấy tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm type A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9 tương đối cao ngay trên đàn gia cầm khỏe mạnh, chiếm khoảng 5%. (Sài Gòn giải phóng, trang 14).
Trị liệu miễn phí tại nhà cho người khuyết tật
Trên địa bàn TPHCM, hiện có mô hình các bác sĩ, kỹ thuật viên đến tận nhà tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng miễn phí giúp người khuyết tật. Qua tập luyện, nhiều người dần được phục hồi.
Cải thiện dần
Ông Nguyễn Bình Thành (75 tuổi, ngụ phường 5 quận 4) bị tai biến, yếu nửa người bên trái. Ông thường nằm trên giường, cần có người hỗ trợ mới ngồi dậy được. 3 tháng qua, ông được các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM đến tận nhà thăm khám, hướng dẫn tập luyện.
“Ban đầu, bác sĩ đến định bệnh, xác định tôi là khuyết tật vận động, rồi lần lượt 3 kỹ thuật viên thay nhau đến tập vật lý trị liệu cho tôi”, ông Thành chia sẻ. “Ông thấy cải thiện ra sao”, một người bạn tới thăm, hỏi. “Cải thiện nhiều lắm! Trước đây trong người cứ ngang ngang, không cảm giác, chỗ nào ngứa ngáy cũng không biết. Cả người mất cảm giác. Giờ thì đã biết chỗ nào ngứa, chỗ nào tê, cảm giác nhận biết tốt hơn, co duỗi cũng tốt hơn”, ông Thành phấn khởi kể.
Và cái được lớn nhất, theo ông Thành, chính là động lực các bác sĩ, kỹ thuật viên trao cho ông và niềm tin ông tìm thấy ở chính bản thân mình. Ông Thành tâm sự, dù ông chưa đi lại được nhưng đã được bác sĩ, kỹ thuật viên phân tích là “cứ từ từ”, một số bệnh phải tập một vài năm mới đi lại tốt. Ông hiểu lộ trình của mình không thể một sớm một chiều, từ đó cố gắng kiên trì tập luyện, không lo nhiều như lúc mới ngã bệnh.
Trong hoạn nạn, ông Thành cũng cảm thấy hạnh phúc bởi được bác sĩ, kỹ thuật viên ngày ngày đến tận nhà thăm khám, hướng dẫn tập vật lý trị liệu miễn phí. Ông Thành thổ lộ: “Tôi biết tôi có hy vọng lắm! Giá như những người không may mắn như chúng tôi đều được tiếp cận sự chăm sóc y tế tốt như thế này”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thủy (57 tuổi, ngụ quận 6) cũng chuyển biến tốt sau 3 tháng được tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng miễn phí. Nhớ lại ngày trở bệnh, bà Thủy đến giờ vẫn chưa tin nổi bệnh lại trở nhanh như thế. Bà Thủy cho hay, sau kỳ nghỉ lễ, ngày 3-9-2018, bà mệt nên vào một bệnh viện ở quận Bình Tân khám và nằm lại điều trị. Đang nằm nghỉ ngơi trên giường bệnh, tự dưng bà bị tai biến tại chỗ, chân tay không nhúc nhích, không cử động được. Sau đó, bà Thủy chuyển viện điều trị rồi về nhà tập vật lý trị liệu hàng ngày, theo dịch vụ, với chi phí khoảng 200.000 đồng/buổi tập.
Đầu tháng 10-2018, bà Thủy được trạm y tế phường thông tin về chương trình tập vật lý trị liệu miễn phí của thành phố đang triển khai. Bà nộp hồ sơ tới phường, được cấp giấy xác định mức độ khuyết tật rồi theo chương trình từ đó trở đi. Bà Thủy tự nhận xét, bà đã tiến bộ rất nhiều, trước đó phải bám vịn mới đi được, bây giờ có thể đi vững vàng hơn. “Nhưng tôi đi cũng còn xấu lắm, các em kỹ thuật viên đang sửa từng chút một và chỉ cho nhiều kỹ thuật để lúc một mình cứ tập y như vậy. Tôi đã tự đánh răng, tắm rửa, làm việc lặt vặt trong nhà, chứ không phụ thuộc vào con cái nhiều nữa”, bà Thủy chia sẻ.
Chị Trần Thị Ánh Hồng, cử nhân Vật lý trị liệu (Trung tâm Y tế quận 6), cho hay với những động tác phức tạp thì kỹ thuật viên sẽ tập giúp người bệnh. Những động tác dễ hơn, kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân tự tập thêm để sớm phục hồi.
Mở rộng địa bàn phục vụ
Không riêng bà Thủy, tại quận 6, hàng ngày có 26 người khuyết tật đến Trung tâm Y tế quận tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và 51 người được kỹ thuật viên tới tận nhà giúp tập. 12/14 phường trong quận đều có kỹ thuật viên phụ trách, mỗi kỹ thuật viên hàng ngày tới từng nhà tập cho 8 bệnh nhân, mỗi người 30 phút. Bà Nguyễn Thị Mỹ Tiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 6, nhận xét: “Chương trình có tính nhân văn sâu sắc”.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Tiên, giả sử bản thân mình có người nhà trở bệnh như vậy, tất nhiên phải phân công người ở nhà chăm sóc. Trong khi đó, với chương trình này, bác sĩ, kỹ thuật viên được cử tới tận nhà thăm khám, hỗ trợ người bệnh. Những người mới bệnh thì giúp phục hồi rất tốt, tự vận động, tự làm vệ sinh cá nhân, không lệ thuộc vào người nhà. Còn người bệnh lâu năm, bệnh nặng, việc tập luyện cũng giúp họ có thể thích nghi với hoàn cảnh sống hiện tại tốt hơn. Sự chuyển biến tích cực đó giúp san sẻ phần nào gánh nặng với chính người bệnh và gia đình họ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Tiên cho hay, sau 3 tháng tập miễn phí tại nhà (hoặc tại trung tâm, tùy người khuyết tật chọn) thì người khuyết tật có thể tới trung tâm y tế để tiếp tục tập và được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí theo quy định.
Trên toàn địa bàn TPHCM, 3 tháng qua, có 351 người khuyết tật đã được khám sàng lọc, tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng miễn phí. Bước đầu, chương trình thực hiện thí điểm ở các quận 4, 6, 8 và Tân Phú.
Bác sĩ Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM), báo tin vui: Từ năm 2019, chương trình mở rộng thêm 7 quận là quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình và Bình Tân. Như vậy, người khuyết tật ở 11 quận trên có thể tới điểm tập ở trung tâm y tế hoặc ở Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8) để tập miễn phí. Trong trường hợp người khuyết tật không có điều kiện di chuyển tới điểm tập được, bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ tới tận nhà khám bệnh và mang máy móc tới nhà giúp người khuyết tật tập phục hồi chức năng.
Theo bác sĩ Đinh Quang Thanh, người khuyết tật, hay người có các khiếm khuyết chức năng do các bệnh mãn tính như di chứng tai biến mạch máu não, di chứng chấn thương sọ não, di chứng tổn thương tủy sống, trẻ bại não, trẻ chậm phát triển vận động, bệnh Parkinson, bệnh viêm đa dây đa rễ thần kinh ngoại biên, gù vẹo cột sống… đều có thể tham gia. Tùy dạng tật, người khuyết tật sẽ được chỉ định các phương pháp tập vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, thủy trị liệu, phục hồi chức năng phù hợp với tình trạng bệnh. Để tham gia chương trình, người khuyết tật chỉ cần giấy xác định mức độ khuyết tật do phường xã, thị trấn cấp. Mỗi bệnh nhân được hưởng quyền lợi tập miễn phí 3 tháng, không cần giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế khi điều trị ngoại trú.
Với 13 quận - huyện còn lại trên địa bàn TPHCM, do chưa có kỹ thuật viên “cắm chốt” ở từng phường - xã nên người khuyết tật cần đến Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp tập miễn phí; hoặc một nhóm 7 - 10 người khuyết tật tự họp lại, chọn một điểm tập tại nhà bất kỳ, kỹ thuật viên sẽ mang máy móc tới tận nơi phục vụ tập, miễn phí. (Sài Gòn giải phóng, trang 14).
Vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Bộ Y tế vừa ban văn bản quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực thực hiện từ 15-3 tới.
Theo đó, cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Cũng theo quy định này, vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.
Người nhận mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng, tức là chị - em cùng cha mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ, chị em con chú bác, con cô cậu.
Quy định này cũng nêu rõ, người nhận phôi phải thuộc một trong các trường hợp sau: người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng; người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà vợ chồng đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại, trừ trường hợp mang thai hộ; phụ nữ độc thân mà không có noãn, hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.
Quy định này cũng yêu cầu trước khi cho tặng tinh trùng, trứng, người cho được xét nghiệm để đảm bảo không mắc bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không nhiễm HIV, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. (Sài Gòn giải phóng, trang 14).
Ngộ độc rượu bia, tai nạn do pháo nổ gia tăng
Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết tại TPHCM đã khám chữa bệnh cho hơn 90.000 lượt người, trong đó số ca bệnh nhân ngộ độc rượu bia, tai nạn do pháo nổ gia tăng. Những bệnh nhân trên có nguy cơ gây tổn hại nặng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Số ca bệnh nhập viện tăng cao
Sở Y tế TPHCM vừa công bố thông tin: trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các bệnh viện trên địa bàn đã thực hiện khám chữa bệnh cho 91.215 người, trong đó có 27.086 trường hợp đến cấp cứu do các tai nạn. Trong số 27.086 ca cấp cứu do tai nạn, đứng đầu vẫn là do tai nạn giao thông với 2.417 trường hợp, tăng 218 trường hợp so với kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018. Tai nạn sinh hoạt với 2.374 trường hợp và 22 trường hợp do tai nạn pháo nổ.
Ngoài ra, các bệnh viện cũng ghi nhận số người phải cấp cứu do ngộ độc rượu bia tăng cao hơn năm 2018, lên đến 33 trường hợp. Về số vụ việc phải cấp cứu do ẩu đả, đánh nhau cũng tăng, 526 trường hợp so với 433 trường hợp của kỳ nghỉ Tết năm ngoái. Tính từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết, có 80 trường hợp tử vong tại các bệnh viện, trong đó có 7 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông.
Về ngộ độc rượu bia, trước đó TS.BS Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, tại khoa tiếp nhận ca điển hình: bệnh nhân D.V.M (37 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) tử vong lúc 5 giờ sáng 1.2 do ngộ độc rượu. Theo đó, bệnh nhân nhập cấp cứu trong tình trạng đau bụng, mệt, khó thở, lơ mơ. Bệnh nhân có pH máu hạ thấp và đe dọa sự sống; kèm tổn thương gan thận, mê sâu, đồng tử 2 bên giãn 4 mm. Kết quả chụp CT Scanner cho thấy bệnh nhân không bị tổn thương não, nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc rượu - methanol, nồng độ methanol trong máu bệnh nhân sau 36 giờ uống là 54,1 mg/dl, trong khi nồng độ tử vong là 40 mg/dl. BV đã tiến hành điều trị thuốc vận mạch, lọc máu liên tục nhưng không cải thiện. Bệnh nhân đã tử vong.
Đối với tai nạn do pháo nổ, theo tổng hợp báo cáo nhanh của Bộ Y tế về tình hình khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua đã có hàng trăm trường hợp phải khám, cấp cứu do pháo nổ, không có trường hợp nào tử vong. Năm nay toàn quốc ghi nhận số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng cao. Ghi nhận trong ngày mùng 2 Tết vẫn có 18 trường hợp khám cấp cứu do pháo nổ, tăng 10 ca so với cùng ngày Tết Mậu Tuất. Ghi nhận 3 trường hợp nhập viện do chất nổ khác và 1 ca tử vong cháu trai 10 tuổi, bị bắn bằng súng tự chế tại tỉnh Đồng Nai. Chỉ trong 5 ngày Tết (tính đến 7h sáng ngày mùng 3 Tết) đã có 275 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại.
Xử trí ngộ độc rượu bia và tai nạn pháo nổ
Một bác sĩ (BS), Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn (TPHCM) cho biết, trong những ngày Tết vừa qua, khoa cấp cứu bệnh viện (BV) này, đã tiếp nhận 1 ca vết thương bỏng da do pháo nổ. Theo đó, các ca bệnh do pháo gây ra đối với các nạn nhân chủ yếu xảy ra ở hai tay, vùng mặt, cổ, ngực…. Ngoài ra, có trường hợp nạn nhân bị thương ở mắt và có nguy cơ bị mù vĩnh viễn... “Trước tình hình các ca nhập viện do pháo nổ gia tăng như hiện nay, người dân cần phải nhận thức rõ mối nguy hiểm của pháo nổ, không tự ý đốt pháo, chế tạo pháo nổ tại nhà… Với trường hợp nạn nhân không may bị tổn thương do pháo nổ thì cần đến các trung tâm y tế, bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ điều trị kịp thời”, một BS khuyến cáo.
Đối với ngộ độc rượu, các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn tùy vào lượng uống vào. Thường có 2 giai đoạn ngộ độc: Giai đoạn kín đáo (từ vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau.
Ở giai đoạn đầu, do triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ nên dễ bị bỏ qua. Ở giai đoạn sau (giai đoạn nặng) thường gặp bao gồm: Mắt: Lúc đầu bình thường. Sau đó nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị. Tiêu hóa: Đau bụng, nôn, tiêu chảy. Hô hấp: Thở nhanh, sâu rồi dần thở yếu, ngừng thở. Tim mạch: Giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim. Ngoài ra, có thể đau lưng, cứng gáy, cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi. Với thần kinh: Giai đoạn đầu thường tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt. Sau đó có biểu hiện bồn chồn, hưng cảm rồi dần ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.
“Khi phát hiện các triệu chứng ngộ độc như trên, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị…”, BS Khâu Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp BV Nhân Dân 115 khuyến cáo. (Lao động, trang 8).
Hơn 3.700 trường hợp ngộ độc thức ăn phải khám, cấp cứu
Theo báo cáo tổng hợp công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết đã có hơn 3.700 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa.
Số các trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn và rối loạn tiêu hóa chiếm 1% trong tổng số khám, cấp cứu.
Trong đó có gần 900 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia. Có hơn 800 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến (tăng 23%) so với năm trước. Đặc biệt, có 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
So với cùng kỳ của Tết Mậu Tuất, số ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn/rối loạn tiêu hóa giảm 14%, số ca ngộ độc rượu, bia giảm 19%, tuy nhiên số ca ngộ độc thức ăn tự chế biến tăng 19%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, trong dịp nghỉ Tết, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ. (Hà Nội mới, trang 7).