Bệnh viện trực Tết 24/24h, tặng suất ăn, đưa bệnh nhân về quê miễn phí
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần, nhiều người sắp xếp để trở về nhà đón Tết sum vầy, thế nhưng tại nhiều bệnh viện (BV), không ít người bệnh vì lý do sức khỏe vẫn phải ở lại để điều trị.
Để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh dịp Tết và chia sẻ, động viên bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đến thời điểm hiện tại, các BV đã hoàn thành công tác chuẩn bị phương án khám, chữa bệnh (KCB), cấp cứu..., đồng thời tích cực chuẩn bị những cái Tết nghĩa tình đầm ấm ngay trong BV.
Tuyệt đối không gây phiền hà cho người bệnh dịp Tết
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: Để đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân dịp Tết, tại BV Bạch Mai, Ban giám đốc BV Bạch Mai cho biết, đã yêu cầu các đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác KCB cho người bệnh tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng đùn đẩy người bệnh, tránh gây phiền hà cho người bệnh và gia đình người bệnh. Đồng thời, các đơn vị, khoa phòng có kế hoạch đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh, đặc biệt trong công tác tiếp đón và xử trí những tình huống cấp cứu, đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp nào; Dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế tiêu hao đảm bảo phục vụ người bệnh, tuyệt đối không để người bệnh phải mua ngoài. Trong những ngày nghỉ lễ, Giám đốc BV cũng yêu cầu nhân viên BV tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp ứng xử ân cần, hòa nhã.
Giám đốc BV Bạch Mai cũng yêu cầu một số đơn vị trọng điểm như Khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nhi, Khoa Hồi sức tích cực, Phòng khám cấp cứu Ngoại, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống... cần phối hợp chặt chẽ để sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cần cấp cứu hàng loạt xảy ra trong dịp Tết. Các đơn vị cũng cần sẵn sàng phương án hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn cho cơ sở y tế khác khi có yêu cầu; đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh (nếu có rét đậm, rét hại). Trong những ngày Tết, tại Khoa Thận nhân tạo vẫn tiếp tục duy trì làm việc 4 ca/ngày như bình thường để thực hiện các ca chạy thận nhân tạo, duy trì sức khỏe cho người bệnh, không để bất kì một bệnh nhân nào phải lùi ca chạy thận. Đội cấp cứu ngoại viện cần chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư tiêu hao... sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu của lãnh đạo bệnh viện hoặc trực lãnh đạo BV.
Tại BV Việt Đức, công tác chuẩn bị phục vụ Tết đã sẵn sàng. GS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức cho biết, do đặc thù luôn phải tiếp nhận các ca cấp cứu ngoại khoa nặng, nhất là các vụ tai nạn giao thông nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật của BV luôn sẵn sàng. Bên cạnh đó, BV cũng tổ chức kíp trực ngoại viện với xe cấp cứu, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng ứng phó. Một số bác sĩ cũng được phân công trực 24/24h để tư vấn, giúp đỡ tuyến dưới phẫu thuật các ca khó mà không thể vận chuyển về Hà Nội.
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, BV Phụ sản TW vẫn duy trì việc Ban giám đốc BV tham gia trực trong tất cả các ngày Tết. BV này cũng đã lên các phương án phân công bác sĩ trực ở tất cả các khoa, phòng, đồng thời cử một kíp trực cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng ứng cứu người bệnh trong tình huống cần thiết. Trung bình 1 tua trực có khoảng 180-200 cán bộ y tế và các bộ phận liên quan, song song đó, 1 đội cấp cứu ngoại viện với xe cấp cứu, cơ số thuốc và nhân sự đã được chuẩn bị sẵn để kịp thời cấp cứu bệnh nhân nặng ngoại viện khi cần. Trong những ngày Tết, BV vẫn duy trì các bàn khám cấp cứu 24/24h. Riêng với những bệnh nhân lưu tại BV trong dịp Tết, BV đã lên kế hoạch cùng các nhà hảo tâm tặng quà và suất ăn miễn phí...
Vài chục “Chuyến xe yêu thương”, “Chuyến xe nghĩa tình” dành cho người bệnh nghèo
Tại BV K, ThS. Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV K cho biết, BV K phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” chở miễn phí đi các tỉnh thành đưa người bệnh, người nhà người bệnh về quê đón Tết.
Theo ThS. Nguyễn Bá Tĩnh, “Chuyến xe yêu thương” không chỉ dành cho người bệnh đang điều trị tại BV K, các đơn vị tổ chức chương trình sẽ cùng chung tay chia sẻ với bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia, BV Nhi TW, BV Bạch Mai, BV Việt Đức.
Đã thành thông lệ, nhiều năm nay, để chia sẻ khó khăn với người bệnh/người nhà bệnh, Viện Huyết học và Truyền máu TW đều tổ chức các “Chuyến xe nghĩa tình” đưa hàng trăm bệnh nhân/người nhà bệnh nhân của Viện về quê ăn Tết. Đây là những chuyến xe miễn phí mà Viện và các nhà hảo tâm tài trợ.
Đến tận giường bệnh trao quà, động viên bệnh nhân
Tại BV Ung bướu Hà Nội, TS.BS. Bùi Vinh Quang - Giám đốc BV cho biết, với các bệnh nhân phải ở lại bệnh viện điều trị trong những ngày nghỉ Tết, Ban Giám đốc sẽ tặng suất ăn miễn phí tại căng-tin bệnh viện. Ngay trong cuối tuần vừa qua, BV Ung bướu Hà Nội và các nhà hảo tâm đã tổ chức chương trình “Tết bình an” và sinh hoạt câu lạc bộ hỗ trợ bệnh nhân ung thư.
Để động viên tinh thần người bệnh phải ở lại điều trị dịp Tết, từ ngày 27 tháng Chạp, lãnh đạo BV Bạch Mai sẽ đi thăm, tặng quà bệnh nhân. Bên cạnh đó, trong 3 ngày Tết (từ 30 - hết mồng 2 Tết), tất cả bệnh nhân và nhân viên y tế được BV cung cấp toàn bộ suất ăn Tết miễn phí.
TS. Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW cho biết, ngày Tết, lãnh đạo BV và các khoa, phòng sẽ thay nhau đến tặng quà và động viên người bệnh, trao suất ăn miễn phí cho người bệnh... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Tai nạn ở trẻ dịp tết tăng lên
Những ngày cận tết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM liên tiếp điều trị cho bệnh nhi bị phỏng nước sôi, bình gas, hóc dị vật...
Nhiều trường hợp cấp cứu kịp thời, giữ được mạng sống nhưng cũng có trường hợp tử vong sau ít giờ cấp cứu.
Cha mẹ thiếu chú ý
Mới đây, khoa bỏng - tạo hình Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhân T.B.L. (3 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị phỏng nước sôi cấp độ 2-3, với diện tích phỏng 7%.
Chị H. - mẹ bé L. - kể lại trong ân hận: "Ấm nước sôi sùng sục, tôi tắt bếp, đặt ấm nước sôi cạnh lu nước. Bé chập chững bước đến rồi vô tình đạp trúng ấm nước...".
Trường hợp khác, bệnh nhân H.T.H.Y. (10 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Trị) chẩn đoán phỏng lửa gas cấp độ 2-3, với diện tích phỏng lên đến 72%.
Ngoài ra, bé Y. còn bị suy hô hấp, có phỏng hô hấp đi kèm. Đôi mắt sưng húp vì khóc quá nhiều, bà Hoàng Thị Phú - mẹ bé Y. - kể lại: "Thường ngày, hai vợ chồng nhận hàng gia công về làm tại nhà. Sáng đó tôi đi họp phụ huynh, còn con và chồng đang ngủ ở nhà thì hỏa hoạn bất ngờ ập tới.
Hiện chồng đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) còn con thì điều trị tại bệnh viện này, nhìn thân hình bé nhỏ của con bị bó buộc bởi dải băng trắng, không cựa quậy nổi mà đau xót không tả".
Thương tâm nhất là trường hợp một bệnh nhi 2 tuổi, ngụ tỉnh Long An, đã tử vong sau một ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, với diện tích phỏng lúc nhập viện lên tới hơn 95% diện tích cơ thể.
"Bệnh nhi cùng các bạn gom rác đốt để vui chơi thì cạnh bên có chai đựng xăng rồi chai xăng phát nổ. Bệnh nhi bị phỏng rất nặng, các bé còn lại phỏng nhẹ" - ThS.BS Diệp Quế Trinh (khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Nhi đồng 1) thuật lại lời kể từ gia đình.
Nguy hiểm khó lường
Ngoài phỏng nước sôi, nổ bình gas, dịp tết cũng là thời điểm trẻ hóc dị vật tăng cao.
Điển hình trường hợp bé trai L.H.M. (6 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) khi đang chơi kèn nhựa thì bất ngờ ho sặc sụa, mỗi lần bé cố gắng nói hay ho thì phát ra tiếng "tè tè".
"Biết con bị hóc lưỡi kèn từ cây kèn nhựa đính kèm mỗi cây kẹo mút, gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ chụp X- quang, chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1" - anh Lý Nghiệp Bình, cha bé M., cho hay.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết bệnh viện tiếp nhận cháu M. trong tình trạng người tím tái, thở mệt.
Khi vừa đặt lên giường cấp cứu, cháu bé ngưng tim, ngưng thở. Sau gần 2 giờ tiến hành các thủ thuật và gắp dị vật ra khỏi ống khí quản, cháu M. đã vượt qua cơn nguy kịch. Hiện cháu M. đã tỉnh táo, nói được nhưng giọng còn khàn.
Hãy chú ý đến trẻ!
Đây là khuyến cáo của các bác sĩ đến phụ huynh khi có con trẻ.
Theo các bác sĩ, ở lứa tuổi này trẻ thường hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh, chưa ý thức hết được hiểm nguy có thể gặp với đồ chơi, thức ăn, đồ uống nên tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra.
Đặc biệt trong dịp tết, có nhiều yếu tố dễ bị tai nạn như: phụ huynh bận rộn hơn so với ngày thường nên không để mắt đến trẻ, khiến trẻ có thể bị phỏng từ nồi bánh chưng, bánh tét, thức ăn nóng, đốt vàng mã... hay bị hóc dị vật từ các loại hạt, rau câu, mứt hoa quả có hạt, đồ chơi...
ThS.BS Diệp Quế Trinh cho biết ngày tết nhiều gia đình tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét, phụ huynh phải quan sát và nhắc trẻ tránh xa nơi nấu bánh. Sau khi đun nấu xong phải triệt để dập tắt bếp và than lửa.
Còn đối với trẻ bị hóc dị vật, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 - khuyến cáo phụ huynh cần chọn đồ chơi an toàn, phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, cần chú ý các loại hạt vì chúng đều có thể trở thành dị vật khi vô tình nuốt phải.
"Dị vật đường thở là một tai nạn rất thường gặp ở trẻ nhưng hết sức nguy hiểm bởi trẻ có thể tử vong nếu xử trí không đúng và kịp thời" - BS Tuấn Như nhấn mạnh.
Cảnh giác tai nạn do pháo nổ
Mới đây, một thiếu niên 15 tuổi ở Nam Định bị cụt gần hết bàn tay do nổ pháo tự chế.
Bác sĩ Hoàng Minh Thắng, khoa phẫu thuật chấn thương chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 13-1 trong tình trạng giập nát các ngón, xương bàn tay, khớp bàn tay đều bị gãy rời tả tơi.
Theo thông tin từ gia đình, thiếu niên này đã mua thuốc pháo về tự chế, khi đang chế thì bất ngờ pháo phát nổ, gần cả bàn tay trái của bệnh nhân giập nát, các bác sĩ rất cố gắng nhưng không bảo tồn được bàn tay cho bệnh nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tết năm 2018 đã có 190 người nhập viện do tai nạn pháo nổ, rất nhiều nạn nhân trong đó là trẻ em.
Mặc dù Việt Nam đã cấm pháo nhiều năm nhưng năm nào cũng xảy ra tai nạn pháo.
Bộ Y tế cũng cảnh báo trong dịp tết dễ xảy ra các tai nạn do vật liệu nổ, vật liệu tự chế, các vụ tai nạn sinh hoạt mà nạn nhân là trẻ em như phỏng nước sôi, té ngã do trèo cây...
Dịp tết là mùa lạnh ở miền Bắc, việc chở trẻ đi xa bằng xe máy khiến trẻ bị lạnh dẫn đến viêm phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Gần đây Bệnh viện Nhi T.Ư đã khuyến cáo: Dịp tết là dịp trẻ được nghỉ dài ngày, dễ xảy ra tai nạn thương tích nếu gia đình trông giữ trẻ không cẩn thận. (Tiền phong, trang 14).
CĐ Y tế VN tặng quà Tết tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương
PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch CĐ Y tế VN - đã đến thăm, chúc Tết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Tại đây, đồng chí Phạm Thanh Bình trao 2 phần quà Tết (gồm quà trị giá 1 triệu đồng và tiền mặt 5 triệu đồng) cho đoàn viên và người lao động tại Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực. Đây là 2 khoa có cường độ làm việc cao, liên quan đến tính mạng của người bệnh, đặc biệt áp lực trong dịp Tết nguyên đán. Đồng chí Phạm Thanh Bình cũng trao 4 suất quà cho 4 đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo của bệnh viện, mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng.
Cùng với lời chúc Tết, Chủ tịch CĐ Y tế VN động viên cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện vượt lên khó khăn, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của CĐ Y tế VN đến đoàn viên và người lao động trong bệnh viện. Đồng chí đã chia sẻ các hoạt động của bệnh viện tại cơ sở mới, khẳng định Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn tạo mọi điều kiện để CĐ Bệnh viện hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền, lợi ích của đoàn viên và người lao động tại bệnh viện.
Trước đó, CĐ Y tế VN đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho đoàn viên, người lao động tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Đắk Lắk, TPHCM, Đồng Tháp, Phú Thọ... (Lao động, trang 5).
Hết năm 2020, phấn đấu giảm 15-20% số vụ vi phạm an ninh trật tự bệnh viện
Bộ Y tế vừa ký quyết định phê duyệt đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế. Theo đó, tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.365 bệnh viện. Hằng năm, các cơ sở này đã khám trên 160 triệu lượt người và điều trị nội trú cho trên 28 triệu lượt người. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, hoặc một số kẻ côn đồ gây mất an ninh trật tự, an toàn bệnh viện…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh và ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Do đó, tại đề án này, Bộ Y tế đặt mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp, lãnh đạo ngành Y tế, cán bộ, nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và của toàn xã hội.
Bộ Y tế là cơ quan đầu mối cùng phối hợp với các đơn vị (gồm: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công Thương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…) triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế, phấn đấu đến hết năm 2020 giảm từ 15 đến 20% số vụ phạm tội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến công tác an ninh trong cơ sở y tế.
Mục tiêu định hướng đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong các cơ sở y tế... Thời gian thực hiện đề án từ năm 2019-2020. (Hà Nội mới, trang 5).
Phát hiện và chữa trị lao ngoài phổi ở trẻ em
Bệnh lao ngoài phổi do vi khuẩn lao gây ra.
Ban đầu vi khuẩn thường xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, lan truyền vào máu rồi đến cư trú ở bất kỳ cơ quan nào đó và gây bệnh. Tùy theo vị trí gây bệnh mà người ta chia bệnh lao thành 2 thể chính là: Lao phổi (vi khuẩn lao gây bệnh ở trong phổi) và lao ngoài phổi (vi khuẩn lao gây bệnh tại các bộ phận khác không phải là phổi).
Trong các bệnh lao ngoài phổi ở trẻ em, lao hạch ngoại vi là thể bệnh lao thường gặp và đứng hàng thứ hai sau lao phổi. Trẻ được chẩn đoán mắc lao hạch ngoại vi khi có các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng ghi nhận. Về lâm sàng, hạch lao thường gặp ở vùng cổ, tiến triển chậm, to dần, kích thước trên 2cm, không đối xứng, không đau, không đỏ; trong giai đoạn muộn nếu không được điều trị có thể dò ra chất bã đậu, lâu liền sẹo; triệu chứng toàn thân có thể gặp như sốt, ra mồ hôi ban đêm, sụt cân; điều trị kháng sinh phổ rộng khoảng 1-2 tuần không đáp ứng. Về cận lâm sàng, xét nghiệm tế bào học có thể thấy chất hoại tử bã đậu, tế bào bán liên, tế bào khổng lồ trong các bệnh phẩm lâm sàng hạch từ chọc hút, dịch mủ; xét nghiệm mô bệnh học bệnh phẩm sinh thiết hạch thấy có hình ảnh nang lao điển hình với ở giữa là vùng hoại tử bã đậu, bao quanh là các tế bào bán liên, tế bào khổng lồ và tế bào lympho, ngoài cùng là lớp tế bào xơ; có thể xét nghiệm soi trực tiếp, xét nghiệm Xpert MTB/RIF hoặc nuôi cấy tìm vi khuẩn lao từ bệnh phẩm mủ hạch. Lưu ý cần chẩn đoán phân biệt với hạch viêm do phản ứng BCG, vị trí thường gặp là trong hố nách, thượng đòn cùng bên với chỗ tiêm BCG và thường xuất hiện trong năm đầu tiên sau khi tiêm; trường hợp này cần xử trí tại chỗ, không dùng phác đồ điều trị lao hạch; nếu hạch BCG có hiện tượng lan tỏa, cần hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa lao để định hướng điều trị.
Ngoài lao hạch ngoại vi là thể bệnh khá phổ biến của bệnh lao ngoài phổi, trên thực tế còn gặp các thể bệnh lao ngoài phổi khác cũng cần được lưu ý như lao màng phổi, thể lao lan tràn và nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Lao màng phổi có biểu hiện lâm sàng thường gặp là nghe tiếng rì rào phế nang giảm và gõ đục, có thể có đau tức; thực hiện xét nghiệm chụp phim Xquang, chọc dịch màng phổi để giúp chẩn đoán; khuyến cáo cần điều trị bệnh lao, nếu dịch màng phổi có mủ cần xem khả năng viêm mủ màng phổi và chuyển lên tuyến trên.
Trẻ em dưới 5 tuổi có thể mắc thể lao lan tràn và nặng như lao màng não, lao kê. Lao màng não có biểu hiện lâm sàng hay gặp với triệu chứng đau đầu, khó chịu, quấy khóc, nôn, hôn mê, giảm hoặc mất ý thức, co giật, cổ cứng, thóp phồng, liệt...; xét nghiệm chọc dò tủy sống lấy dịch não tủy, chụp phim Xquang phổi để xác định, trường hợp này được khuyến cáo nên nhập viện để điều trị lao. Lao kê với dấu hiệu lâm sàng có thể rầm rộ như khó thở, sốt cao, tím tái không tương xứng dấu hiệu thực thể ở phổi, hôn mê, suy kiệt...; cần chụp phim Xquang phổi để xác định; trường hợp bệnh lý này được khuyến cáo điều trị tại chỗ hoặc chuyển lên tuyến trên.
Trẻ em từ 5 tuổi trở lên có thể mắc các bệnh lao ngoài phổi như lao màng bụng, lao cột sống, lao màng ngoài tim, lao xương khớp. Lao màng bụng với biểu hiện lâm sàng hay gặp là bụng to dần, cổ trướng, gõ đục phần thấp hoặc có các đám cứng trong ổ bụng; xét nghiệm chọc hút màng bụng để xác định; trường hợp này nên chuyển lên tuyến trên để điều trị. Lao cột sống với biểu hiện lâm sàng hay gặp là đau cột sống vùng tổn thương, đau tăng khi vận động, cột sống bị biến dạng, có thể chân bị yếu hay bị liệt; chụp phim Xquang cột sống để xác định và nên chuyển lên tuyến trên để điều trị. Lao màng ngoài tim với biểu hiện lâm sàng hay gặp là nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ, mạch khó bắt, khó thở; chụp phim Xquang lồng ngực, siêu âm tim, chọc dịch màng tim để xác định và nên chuyển lên tuyến trên để điều trị. Lao xương khớp với biểu hiện lâm sàng hay gặp ở cuối các xương dài, khớp sưng biến dạng, hạn chế vận động, có hiện tượng tràn dịch một bên và thường xảy ra ở khớp gối hoặc khớp háng; cần chụp phim Xquang, hút dịch ổ khớp để xác định; trường hợp này cần chuyển lên tuyến trên để điều trị. Lưu ý dịch bệnh phẩm được lấy ra theo kỹ thuật chọc hút có đặc điểm là dịch lỏng màu vàng chanh, protein cao, nhuộm và soi trực tiếp có các tế bào bạch cầu, chủ yếu là tế bào lympho. Các trường hợp này cần được điều trị bệnh lao tại chỗ theo phác đồ quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Cứu cánh tay liệt hơn một năm của nam thanh niên bằng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới
Sau bị tai nạn giao thông, nam thanh niên 25 tuổi ở Nam Định đã mất cảm giác vận động tay. Tình trạng đó kéo dài suốt hơn một năm và đã được “hoá giải” bởi các bác sĩ Bệnh viện TW Quân đội 108...
TS Nguyễn Việt Nam – Chủ nhiệm khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện TW Quân đội 108, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho hay, hơn một năm trước bệnh nhân bị vết thương nặng dập nát cánh cẳng tay trái cánh cẳng tay bên trái do tai nạn giao thông và được chuyển từ BV tỉnh Nam Định đến Bệnh viện TWQĐ 108 để cấp cứu.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ cắt lọc vết thương, kết xương bằng cố định ngoài, kiểm tra ba dây thần kinh quay, trụ, giữa và nối động mạch cánh tay. Toàn bộ cánh cẳng tay trái đã được cứu, tuy nhiên còn để lại di chứng liệt hầu toàn bộ cẳng tay, tổn thương 3 dây thần kinh dạng đứt sợi trục mức độ nặng, toàn bộ cơ ở vùng cẳng tay xơ hóa do chấn thương.
Một câu hỏi khó được đặt ra cho tập thể y bác sĩ của khoa làm sao phục hồi lại một số động tác cơ bản của cẳng bàn tay trái khi toàn bộ các phương pháp kinh điển như chuyển gân, chuyển ghép thần kinh đều không có giá trị
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phục hồi một số động tác cơ bản của bàn tay bằng phẫu thuật chuyển cơ động lực. Tại Việt Nam, đây là một phẫu thuật rất ít nơi có thể làm được.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra tiếp cho các bác sĩ là làm sao nối những mạch máu nhỏ của đơn vị cơ được chuyển đến vào mạch máu đã ghép trước đó. Lại một quyết định táo bạo nữa được đưa ra, đó là dùng Coupler lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam để nối mạch.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, các Bác sĩ Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bằng hai kỹ thuật chuyên sâu lần đầu tiên cùng áp dụng tại Việt Nam: kỹ thuật chuyển cơ động lực và kỹ thuật coupler - thao tác nối vi phẫu động mạch và tĩnh mạch bằng vòng nối cho bệnh nhân chỉ mất khoảng vài phút.
Từ việc cắt lọc vết thương, kết xương gãy bằng cố định ngoài; cắt đoạn động mạch bị huyết khối, ghép phục hồi động mạch cánh tay bằng đoạn ghép tĩnh mạch hiển đến phẫu thuật chuyển cơ động lực đã giúp bệnh nhân thoát khỏi trạng thái tâm lý bị “tàn phế” cả đời.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 9 giờ với hai kíp thực hiện song song. Một kíp thực hiện phẫu thuật lấy toàn bộ đơn vị cơ vùng đùi (bao gồm da, cơ) có mạch máu, thần kinh để chuyển đến vùng cần phục hồi. Một kíp bộc lộ nơi cần ghép cơ, chuẩn bị động mạch cho, tĩnh mạch nhận, và các sợi trục thần kinh sẽ chỉ đạo cho cơ mới. Sau đó, các bác sĩ dùng Coupler (các vòng nối mạch vi phẫu) để nối động mạch, tĩnh mạch, cuối cùng là cố định cơ, nối gân và nối thần kinh chỉ đạo cơ.
Khi nối thần kinh cho bệnh nhân cũng một câu hỏi khó cho kíp mổ cũng được đặt ra là làm sao chỉ chọn được những sợi trục vận động của dây thần kinh trụ và thần kinh giữa, sử dụng máy kích thích thần kinh.
Trong suốt quá trình mổ các bác sĩ sử dụng kính vi phẫu - hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất tại Việt Nam giúp phóng đại những mạch máu nhỏ nhất mà mắt thường nhìn không rõ.
Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, hiện đã hồi phục cử động tay, tình trạng tê bì giảm hẳn. Các bác sĩ đã hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu 3-6 tháng cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
TS Nguyễn Việt Nam cho hay, kỹ thuật chuyển ghép cơ động lực có nối thần kinh, mạch máu vi phẫu có thể trả lại chức năng vận động cho người liệt hoàn toàn, điều mà trước kia không thể làm được. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).