Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 15/9/2016

  • |
T5g.org.vn - 80% dược liệu nhập khẩu không rõ nguồn gốc; Cần sự phối hợp đa ngành trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Báo động thuốc đông dược pha lẫn tân dược "lòe" dân; Bộ Y tế yêu cầu rà soát các loại xà phòng rửa tay; Một người Việt Nam nhiễm virus Zika tại Nhật Bản

80% dược liệu nhập khẩu không rõ nguồn gốc

 (PL)- Mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại nhưng số có nguồn gốc xuất xứ chỉ vỏn vẹn 1.400 tấn.

Đó là con số được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đưa ra trong hội nghị tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu, diễn ra sáng 14-9 tại Hà Nội.

Khoảng 80%-85% dược liệu được sử dụng hiện nay là nhập từ Trung Quốc. Hầu hết đều không nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ các đường tiểu ngạch, không chính thống…

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, ngoài số dược liệu không rõ nguồn gốc thì hiện người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với những loại dược liệu kém chất lượng, giả do lòng tham của một số cá nhân, đơn vị gây ra.

Ông Tiến cho rằng để quản lý nguồn dược liệu tốt hơn, vấn đề quan trọng nhất là các nhà sản xuất phải có khả năng nuôi trồng dược liệu.Tuy nhiên, hiện tại việc nuôi trồng, khai thác dược liệu ở nước ta vẫn còn manh mún, công tác quy hoạch còn thiếu quy củ.

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/80-duoc-lieu-nhap-khau-khong-ro-nguon-goc-652572.html

Cần sự phối hợp đa ngành trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm

 (Thanh tra) - Chiều 12/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn cấp cao về các bệnh không lây nhiễm và sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật tử vong ngày càng lớn của các bệnh không lây nhiễm. Ước tính năm 2012 có 73% trường hợp tử vong và 66% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc là do các bệnh này, chủ yếu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính. 40% số trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu liên quan đến các thói quen, tập quán của người dân và do mức độ gia tăng các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Pratiba Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là sự gia tăng tuổi thọ của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm. Để giải quyết tình trạng này, theo bà Pratiba Mehta, Việt Nam cần có sự phối hợp đa ngành. Đồng thời có những biện pháp kiểm soát và theo dõi bệnh không lây nhiễm để có kế hoạch phòng, chống hiệu quả...

Trước tình hình bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam ngày càng gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam cần tăng cường chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia. Ngành Y tế cần có các can thiệp hiệu quả để giảm tiêu thụ muối thông qua các chương trình truyền thông giáo dục cảnh báo về tác hại đối với sức khỏe khi ăn nhiều muối. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình kiểm soát thừa cân béo phì lồng ghép trong kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Đồng thời tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, bảo đảm các dịch vụ tại trạm y tế xã để phát hiện sớm và quản lý điều trị liên tục, lâu dài đối với một số bệnh không lây nhiễm phổ biến (như tăng huyết áp, đái tháo thường…).

http://www.thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/can-su-phoi-hop-da-nganh-trong-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem_t114c9n109036

Báo động thuốc đông dược pha lẫn tân dược "lòe" dân

Người dân vừa điều trị tân dược, vừa thích uống đông dược “bổ sung”. Nếu đông dược có tân dược sẽ dẫn đến quá liều lượng, gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng...

Ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương đã chia sẻ ngày 14/9 tại Hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế tô chức.

Theo ông Lâm, thời gian qua, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương phát hiện nhiều thuốc đông dược có pha lẫn tân dược, bao gồm cả thuốc tễ, viên hoàn được chế biến sẵn, thuốc siro và cả trong từng thang thuốc. Cá biệt, xuất hiện thuốc đông dược trộn tới 3-4 loại tân dược.

“Có ông lang sau khi bốc thuốc đã “phát” cho bệnh nhân 1 lọ thuốc kháng sinh bột với lời dặn, sau khi sắc thuốc xong thì pha một ít thuốc bột vào nước thuốc và uống” - ông Lâm kể.

Theo ông Lâm, các thuốc đông dược thường được pha trộn tân dược như thuốc giảm đau, thuốc chữa khớp, thuốc chữa ho, thuốc tễ cho trẻ em. Điển hình như thuốc tân dược paracetamol được pha trong thuốc đông dược điều trị cảm sốt; thuốc corticoid trộn trong thuốc đông dược trị khớp, hen, ăn uống kém; Glibenclamid và metformin trộn vào thuốc đông dược chữa tiểu đường; sidenafil được trộn trong đông dược có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lực dùng cho nam giới.

“Đánh vào tâm lý thích dùng thuốc đông y với hy vọng lành tính, ít tác dụng phụ, giá thành rẻ nhưng lại muốn khỏi bệnh nhanh của người dân, không ít thày lang, bác sĩ đông y đã trộn tân dược vào đông y để tăng tác dụng điều trị.

Tuy nhiên, thuốc tân dược cần phải có kê đơn của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng bệnh và được khuyến cáo, theo dõi những tác dụng phụ. Nếu người dân uống đông dược trộn tân dược có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. Đáng ngại nhất là người dân vừa điều trị tân dược, vừa thích uống đông dược “bổ sung”. Nếu đông dược có tân dược sẽ dẫn đến quá liều lượng, gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể dẫn đến quá liều” - ông Lâm phân tích.

Theo ông Lâm, đáng ngại nhất là tân dược Corticoid có các tác dụng phụ rất nghiêm trọng, vốn được chỉ định chặt chẽ về liều lượng và thời gian.Còn thuốc đông dược lại điều trị lâu dài. Do đó, nếu người dân dùng thuốc đông dược có Corticoid trong thời gian dài có thể gặp các hậu quả nghiêm trọng như loãng xương, giữ nước gây phù, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đái tháo đường, rối loạn tâm thần, đục thủy tinh thể, suy thượng thận…

TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện dược liệu dùng cho sản xuất thuốc tại Việt Nam vẫn còn chưa đảm bảo chất lượng. Hơn 80% trong số 60.000 dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam là nhập khẩu, đa số lại nhập theo con đường tiểu ngạch. Khi đó, các dược liệu lại được nhập như nông sản hoặc đăng ký sản xuất mỹ phẩm nên khó đạt tiêu chuẩn để làm thuốc.

TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cũng cho biết, từ tháng 3/2016 đến này, Cục mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn. “Mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu, trong đó 80% dược liệu là nhập khẩu.Trong khi đó mới có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ.Điều này cho thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến rất phức tạp.

http://www.nguoitieudung.com.vn/bao-dong-thuoc-dong-duoc-pha-lan-tan-duoc-loe-dan-d45823.html

Bộ Y tế yêu cầu rà soát các loại xà phòng rửa tay

 (CLO) Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam báo cáo các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn chứa 19 chất cấm, sau khi FDA Hoa Kỳ liệt kê danh sách hóa chất bị cấm.

Theo đó, sau khi cơ quan Quản lý thực phẩm và dược Hoa Kỳ (FDA) liệt kê 19 hoá chất bị cấm trong thành phần rửa tay diệt khuẩn, phổ biến nhất là triclosan, triclocarban, từ tháng 9 tới, bất kỳ sản phẩm rửa tay nào chứa 1 trong các chất nói trên sẽ bị cấm lưu thông.

Trước lệnh cấm này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam rà soát lại thành phần các sản phẩm rửa tay diệt khuẩn để báo cáo về Cục.

Đối với các sản phẩm diệt khuẩn dùng trong y tế và các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước hiện vẫn chưa có “phán quyết” do FDA đang yêu cầu các nhà sản xuất nộp dữ liệu báo cáo chứng minh tính an toàn.

Các sản phẩm xà phòng phải báo cáo là xà phòng kháng khuẩn sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng (xà phòng lỏng và xà phòng bánh).

FDA nhận định: Việc sử dụng xà phòng diệt khuẩn không tốt hơn so với xà phòng thông thường. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra các thành phần kháng khuẩn còn có thể gây nguy hại cho sức khoẻ như làm kháng thuốc hoặc ảnh hưởng đến nội tiết tố khi sử dụng lâu dài.

FDA khuyến cáo: Để ngăn chặn mầm bệnh, người tiêu dùng chỉ cần rửa tay bằng xà phòng thông thường. Trường hợp không có xà phòng, buộc phải dùng chế phẩm sát khuẩn khô như biện pháp thay thế thì nên chọn các sản phẩm chứa ít nhất 60% cồn.

Được biết, việc ban hành danh mục các chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, bao gồm cả xà phòng rửa tay với nước thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước và chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế

Trước khi lưu hành tại Việt Nam, các chế phẩm này phải thực hiện việc đăng ký lưu hành để thẩm định tính an toàn và hiệu lực của chế phẩm theo quy định của Chính phủ.

Trong quá trình lưu hành, nếu phát hiện chế phẩm không còn đảm bảo an toàn và hiệu lực hoặc có khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế về hoạt chất không đảm bảo an toàn, Bộ Y tế sẽ xem xét rút số đăng ký lưu hành và chấm dứt việc lưu hành chế phẩm trên.

http://congluan.vn/bo-y-te-yeu-cau-ra-soat-cac-loai-xa-phong-rua-tay/

Một người Việt Nam nhiễm virus Zika tại Nhật Bản

 (Chinhphu.vn) - Bộ Y tế Việt Nam vẫn đang chờ nhận thông tin chi tiết từ phía cơ quan đầu mối điều lệ y tế quốc tế của Nhật Bản về liên lạc cá nhân cũng như nơi thường trú của bệnh nhân Việt Nam nhiễm Zika được phát hiện tại Nhật Bản để phục vụ công tác giám sát, điều tra xác minh ổ dịch.

Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội của Nhật Bản hôm 12/9 đã ghi nhận một người Việt Nam được chẩn đoán nhiễm virus Zika trong thời gian du lịch tại Nhật Bản. Đó là một phụ nữ 40 tuổi, đến du lịch tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 8/9.

Trước đó, ngày 5/9, bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu và phát ban; đến ngày 9/9, bệnh nhân đi khám bệnh tại Tokyo với các triệu chứng phát ban, nhức đầu, đau mắt, đau khớp và sau đó được xét nghiệm dương tính với virus Zika bằng phương pháp PCR.

Bệnh nhân đã được điều trị và cách ly kịp thời, đến nay tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội của Nhật Bản coi đây là trường hợp nhiễm virus Zika xâm nhập vào Nhật Bản. Đến nay Nhật Bản ghi nhận 11 trường hợp nhiễm virus này và tất cả đều là các trường hợp xâm nhập.

Bộ Y tế Việt Nam vẫn đang chờ nhận thông tin chi tiết từ phía cơ quan đầu mối điều lệ y tế quốc tế của Nhật Bản về liên lạc cá nhân cũng như nơi thường trú của bệnh nhân tại Việt Nam để phục vụ công tác giám sát, điều tra xác minh ổ dịch.

Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika, vì vậy ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong thời gian tới hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp mới nhiễm virus Zika tại cộng đồng.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt; những người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về chủ động thực hiện đầy dủ các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

http://baochinhphu.vn/doi-song/mot-nguoi-viet-nam-nhiem-virus-zika-tai-nhat-ban/286617.vgp

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/mot-nguoi-viet-nam-nhiem-virus-zika-khi-du-lich-nhat-ban-652458.html

http://toquoc.vn/y-te/mot-phu-nu-viet-nam-duoc-phat-hien-nhiem-zika-210297.html

TPHCM:Bé trai 7 tuổi tử vong bất thường khi đang ăn sáng

Dân trí Chỉ qua 1 đêm sốt nhẹ và vẫn sinh hoạt bình thường, bất ngờ khi đang ngồi cạnh mẹ, bé trai 7 tuổi quỵ xuống rồi tử vong trên đường đi cấp cứu.

Đến chiều nay 14/9, bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM đã liên hệ với công an quận 12, TPHCM để cùng phối hợp làm rõ nguyên nhân tử vong của bé Lữ V. N. (7 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) trước khi giao cho gia đình lo hậu sự.

Theo thông tin từ người thân của bé N., hôm qua (13/9), bé bị sốt nhẹ và gia đình đã đưa bé đi khám bệnh tại phòng mạch của một bác sĩ gần nhà trọ ở khu vực chợ An Phú Đông (phường An Phú Đông, quận 12) thăm khám, uống thuốc.

Sáng sớm nay 14/9, khi vừa ngủ dậy, N. ra ngồi cạnh bên mẹ để ăn sáng thì bất ngờ bé gục xuống, cơ thể bất động. Quá hốt hoảng, mẹ của N. đã truy hô cầu cứu và cùng những người hàng xóm nhanh chóng đón xe đưa bé đến bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu. Tuy nhiên khi đến nơi, các bác sĩ cho biết, bé N. đã tắt thở trước khi đến bệnh viện.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/be-trai-7-tuoi-tu-vong-bat-thuong-khi-dang-an-sang-20160914190814321.htm

TP.HCM: Hàng loạt nhà hàng vi phạm an toàn thực phẩm

Chi cục ATVSTP TP.HCM vừa công bố danh sách xử phạt hành chính hàng loạt các doanh nghiệp, công ty vị phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong tháng 8.

Theo đó, có tất cả 47 cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống bị Chi cục ATVSTP TP.HCM xử phạt.

Khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hầu hết các nhà hàng này vi những hành vi sau: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết thời hạn, hoặc không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Có nhà hàng vi phạm 2 đến 3 lỗi, và bị xử phạt hành chính với số tiền rất lớn. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Wakadaishyo (địa chỉ 22 Ngô Văn Năm, P. Bến Nghé, Q. 1), và Công ty TNHH Dragon Seventeen (địa chỉ 17 Ngô Văn Năm, P.Bến Nghé, Q.1), cùng bị Chi cục ATVSTP TP.HCM phạt mỗi doanh nghiệp 20 triệu đồng.

Công ty Liên Doanh Khách sạn Sài Gòn Inn (địa chỉ 76 Lê Lai, P.Bến Thành, Q.1), và Doanh nghiệp tư nhân Nhà hàng Ngôi Sao (địa chỉ 180bis Hai Bà Trưng, P.Đa Kao, Q.1), cùng bị phạt 26 triệu đồng.

Cá biệt, có Doanh nghiệp tư nhân Trăng Mật (Tầng 2 - Chung cư H3 Hoàng Diệu, P.6, Q.4) bị phạt 38 triệu đồng.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-hang-loat-nha-hang-vi-pham-an-toan-thuc-pham-20160914203247763.htm

Hàng loạt đồ chơi cực độc không nên mua cho trẻ ngày Trung thu

 (VietQ.vn) - Tết Trung thu là dịp các cửa hàng tung ra hàng loạt đồ chơi, nhưng phụ huynh nên nhớ không phải loại đồ chơi nào cũng an toàn đối với trẻ.

Đất sét nặn ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản

Kinh doanh & Pháp luật dân thông tin trên trang Binzhou, qua kiểm tra 100 mẫu đất sét nặn đang bán trên thị trường, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện 63 mẫu chứa hàm lượng chất có hại tương đối cao như nguyên tố kim loại có thể di chuyển, chất bảo quản, aromatic amine, chất hữu cơ TVOC.

Nếu trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với sản phẩm này, các chất độc hại sẽ đi vào cơ thể thông qua hệ hô hấp, da, khoang miệng gây kích ứng da hoặc tổn hại đến hệ thần kinh, khí quản…

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, một số loại đất sét còn chứa hàm lượng boron quá cao, khoảng 3.884mg/kg.Trong khi đó, nuốt phải hoặc tiếp xúc với hàm lượng boron quá lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là làm tổn hại hệ thống sinh sản của trẻ.

Nhẫn, vòng trang trí cho bé gái

Theo chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nồng độ nickel trong những hạt cườm nhựa của các loại trang sức dành cho bé gái vượt quá mức quy định. Khi đeo lâu ngày, lớp nhựa phủ dần mất màu, bong tróc có thể gây ngứa ngáy, sưng... phần da mà trẻ tiếp xúc hoặc đeo món đồ chơi này.

Nguy hiểm hơn, việc tiếp xúc lâu dài qua da, qua đường hô hấp, hay khi bé ngậm đồ chơi trong miệng có thể gây mẫn cảm mạnh, phản ứng dị ứng, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới gan và thận.

Miếng dán hoạt hình và mặt cười Trung Quốc

Các bậc phụ huynh có thể dễ dàng bắt gặp những miếng dán hoạt hình với kiểu dáng, màu sắc bắt mắt tại những cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của RAPEX (hệ thống cảnh báo nhanh các loại sản phẩm không phải là thực phẩm thuộc liên minh châu Âu) cho thấy, những miếng dán hình thú hay mặt cười của Trung Quốc có chứa DEHP và DINP với tỉ lệ cao (lần lượt là 15,1% và 0.4% so với khối lượng sản phẩm).

Khi xâm nhập qua da, đường miệng hay đường hô hấp, DEHP và DINP có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ, đặc biệt là hệ sinh sản.

Ngoài ra, những miếng dán hoạt hình này còn chứa Cadmium vượt quá cao so với mức an toàn. Chất này đặc biệt nguy hiểm đối với cơ thể con người, có thể tàn phá nội tạng như gan, thận và gây ra ung thư.

Đồ chơi bạo lực

Theo Zing News, hiện nay trên thị trường có nhiều đồ chơi bạo lực như súng, kiếm nhựa, mặt nạ quái dị đã tràn ngập khắp nơi phục vụ mùa Trung thu. Những chiếc súng có giá bán 200.000 đồng, bắn bằng đạn nhựa được thiết kế bắt mắt.

Tuy nhiên, hầu hết các đồ chơi trên đều có nguồn gốc từ Trung Quốc được tiểu thương nhập từ chợ Tân Thanh (Lạng Sơn) hoặc nhập thẳng từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) với số lượng lớn.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc để con trẻ chơi các đồ chơi này dễ dẫn đến các hành vi mang tính bạo lực, côn đồ rất khó kiểm soát.

Đồ chơi nhựa cá sấu của Trung Quốc

Trước đó như Chất Lượng Việt Nam đưa tin, theo danh mục sản phẩm bị thu hồi RAPEX của Hội người tiêu dùng Liên Minh Châu Âu (CoEU), cơ quan chức năng bảo vệ người tiêu dùng tại Ý đang tiến hành thu hồi sản phẩm đồ chơi Trung Quốc loại đồ chơi cá sấu nhựa bởi sản phẩm này chứa thành phần gây ung thư.

Giới chức trách cho biết, loại sản phẩm đồ chơi này có tên KOCCODRILLI &Co, mang nhãn hiệu De Agostini và mã vạch của sản phẩm là 50002, 9772037787001.

Loại đồ chơi này thuộc danh mục đồ chơi 86000000 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Các chuyên gia khẳng định, sản phẩm này có chứa chất xylene với giá trị rất lớn tính được lên đến 4.5 mg/l. Giới chức trách khuyến cáo, chất xylene là chất độc hại dễ bay hơi, cháy nổ, gây kích ứng hô hấp, tiêu hóa, mắt, da… Hóa chất xylene thường được sử dụng như một dung môi của các ngành công nghiệp in ấn, cao su và da.

Việc sử dụng phổ biến nhất hóa chất xylene trong các ngành công nghiệp như chất tẩy rửa và cũng thường được sử dụng trong vecni trong ngành công nghiệp sơn.Khi tiếp xúc với chất này, trẻ sẽ bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến khó chịu, trầm cảm, mất ngủ, kích động, mệt mỏi, run, mất tập trung giảm trí nhớ, gây sung phổi, tức ngực, khó thở. Tiếp xúc nhiều có thể gây phù phổi, có thể đe dọa đến tính mạng như tràn dịch màng phổi. Ở mức độ cao, xylene có thể gây tổn thương gan và thận, thậm chí có thể gây ung thư.

Lưu ý

Hiện nay trên thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam có rất nhiều loại đồ chơi bằng nhựa mà đa phần là có xuất xứ từ Trung Quốc.Đồ chơi nhựa Trung Quốc thường đa dạng màu sắc, bắt mắt, giá rẻ nên được nhiều trẻ em yêu thích.Tuy nhiên những loại chơi bằng nhựa giá rẻ này lại tiềm ẩm nguy cơ nhiễm độc cho trẻ em.

Chính vì thế mà nhiều chuyên gia sức khỏe cảnh báo rằng, các bậc phụ huynh nên lưu ý khi mua đồ chơi cho trẻ em.Tốt nhất nên hạn chế các loại đồ chơi phủ sơn sặc sỡ, đồ chơi Trung Quốc. Nên chọn các loại mặt hàng đồ chơi truyền thống, do Việt Nam sản xuất hoặc bố mẹ tự chế tạo đồ chơi cho trẻ bằng những thứ đơn giản để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

http://vietq.vn/hang-loat-do-choi-cuc-doc-me-khong-nen-mua-cho-tre-ngay-trung-thu-d102597.html

Gánh nặng từ ý thức

Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng những bệnh lây nhiễm mới là gánh nặng bệnh tật của xã hội, số lượng tử vong cao, do tính chất lây lan rộng, thậm chí thành đại dịch trong cộng đồng. Song, theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện những căn bệnh không lây nhiễm do lối sống, do môi trường mới là tác nhân đang âm thầm cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm và là gánh nặng bệnh tật của xã hội.

Con số thống kê mới đây của Bộ Y tế không khỏi khiến nhiều người giật mình, đó là tỷ lệ tử vong trên toàn quốc đối với bệnh không lây nhiễm lên tới 73%, tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của cả nước cũng chính là bệnh không lây nhiễm, chiếm tới 66%.

Nhiều chuyên gia y tế thế giới khi tham dự các cuộc hội thảo về bệnh không lây nhiễm đã khẳng định, chính từ ý thức chủ quan của cộng đồng nên nhiều người đã không thực sự lưu tâm tới cách phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm. Đó là lý do khiến Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm.

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42,6% trong năm 1976 lên tới 71,6% trong năm 2010. Từ những năm 2012, WHO đã cảnh báo gánh nặng của bệnh không lây nhiễm sẽ chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong do tất cả các nguyên nhân tại Việt Nam.

WHO khẳng định, mặc dù rất nguy hiểm nhưng bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng hiệu quả thông qua kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: Hút thuốc, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít vận động. Liên quan đến vấn đề này, đã có không ít hội nghị, hội thảo từ cấp cục, đến cấp bộ, hoặc do các nhà khoa học, chuyên gia y tế cả trong và ngoài nước tổ chức, tập trung thảo luận các giải pháp để kiểm soát yếu tố nguy cơ và dự phòng bệnh không lây nhiễm.

Cũng đã có nhiều kinh nghiệm, mô hình của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được các đại biểu chia sẻ, song có vẻ như để đẩy lùi, hay chí ít là kiểm soát được gánh nặng của bệnh không lây nhiễm là điều không hề đơn giản.

Ngay như một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Nhật, Úc... đã áp dụng những biện pháp mạnh để tạo môi trường hỗ trợ, thúc đẩy lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm chủ động dự phòng hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, song kết quả cũng chưa thực sự đạt được như mong muốn. Riêng đối với Việt Nam, để kiểm soát tiến tới giảm thiểu gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, nhiều ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về y tế đề xuất tăng cường các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng trong việc phòng chống bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Khổ nỗi, thay vì dùng “mũi nhọn” về nhân lực, vật lực của ngành y tế để xuyên phá vào trọng điểm là các bệnh lây nhiễm cấp tính có nguy cơ bùng phát thành đại dịch trong cộng đồng xã hội, thì nay nguồn lực phải dàn mỏng ra để đối phó với “nguy cơ kép”. Chẳng thế mà ThS Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Hiện, Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm. Các bệnh truyền nhiễm cấp tính mặc dù có xu hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp, khó lường trước, vậy mà Việt Nam lại phải gánh thêm sức nặng về bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh phổi mãn tính, đái tháo đường...

Chính lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận rằng, các bệnh không lây nhiễm chiếm 2/3 số ca tử vong trong cả nước đang là gánh nặng đối với với ngành y. Điều đáng lo ngại nhất là số người mắc các bệnh không lây nhiễm lại rơi chủ yếu ở tuổi trung niên là lực lượng lao động chính cho xã hội. Thống kê chưa đẩy đủ của Cục Y tế dự phòng cho thấy, tính đến năm 2015 tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc huyết áp, 2,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản. Con số bệnh nhân ung thư được cấp nhật mỗi năm khoảng 125.000 người mắc mới.

Trong khi đó, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm nghìn người tàn phế, mất sức lao động mỗi năm. Còn đối với bệnh đái tháo đường, ThS Bảo cho rằng đây là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong khi có các biến chứng suy thận, thần kinh, viêm loét chân thậm chí phải cắt bỏ chân vì đái tháo đường. Tóm lại, các chuyên gia y tế khẳng định: Các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Những con số và thông tin trên không phải quá ư đáng sợ, đáng lo ngại lắm sao?

Tại Việt Nam, Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm đã được triển khai từ năm 2002 với các bệnh huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần và đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên cho đến nay các chính sách về phòng chống bệnh không lây nhiễm chưa được đầy đủ và tuân thủ chưa tốt.

Thiếu nhiều chính sách đa ngành để giảm các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như giảm ăn muối, chất béo, cấm hút thuốc; bia rượu cần hạn chế tiếp thị và quảng cáo... Các chuyên gia y tế của WHO cho rằng, cần tổ chức hệ thống y tế lấy sức khỏe con người làm trung tâm và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ngăn chặn các yếu tố gây nguy cơ giúp cho việc phòng chống bệnh không lây nhiễm đạt kết quả cao.

Cũng theo khuyến cáo của WHO, phòng chống bệnh không lây nhiễm cần có sự cam kết của Chính phủ với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức để tạo ra một giải pháp toàn diện. Chính từ sự cấp thiết của vấn đề gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà cách đây 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng với ý thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng được nâng lên, tin rằng gánh nặng của bệnh không lây nhiễm sẽ không chỉ được kiểm soát tốt, mà còn được đẩy lùi trong tương lai gần.   

http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/ganh-nang-tu-y-thuc/121408

Thoát ung thư phổi di căn nhờ kỹ thuật hiện đại

Dù mang trong mình căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn vào xương từ lâu nhưng suốt 5 năm qua PGS.TS Đỗ Quốc Hùng vẫn miệt mài khám chữa bệnh cho biết bao bệnh nhân của Viện Tim Quốc gia.

Cuộc trò chuyện với vị bác sĩ bị ngắt quãng liên tục vì ông có điện thoại bệnh nhân hẹn khám.Vẻ ngoài của PGS Hùng không ai nghĩ ông đã 62 tuổi và mang bệnh trọng trong thời gian dài như vậy.Chỉ nếu trò chuyện lâu ông sẽ hơi mệt một chút. Phát hiện bị ung thư đầu năm 2012 sau những cơn ho kéo dài chừng 3-4 tuần dùng kháng sinh không đỡ. Là bác sĩ, linh cảm khiến ông tự đi chụp tim, phổi. Một khối u lớn được tìm thấy trong phổi của ông cũng là lúc bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ đã ở giai đoạn cuối, di căn vào xương và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.

Bệnh viện Bạch Mai, nơi ông công tác đã tổ chức hội chẩn gồm những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực hô hấp, ung bướu, tim mạch, ngoại khoa, giải phẫu bệnh... do PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện chủ trì. Ngay sau đó, bác sĩ Hùng được điều trị tại Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai) với phác đồ  điều trị do chính GS Mai Trọng Khoa, Giám đốc trung tâm, Phó giám đốc Bệnh viện lập ra.

Tháng 5/2012, PGS Hùng bắt đầu được điều trị hoá chất 6 đợt liên tiếp. Phác đồ được tính toán kĩ, có sự tham vấn của đồng nghiệp tại nước ngoài và dùng thêm thuốc nhắm trúng đích với giá 2,6 triệu đồng/viên/ngày. Sau liệu trình đầu tiên, kiểm tra các khối u đã dần biến mất, PGS Hùng quay trở lại làm việc bình thường.

Thế nhưng một thời gian sau, bệnh di căn vào tủy. Tiếp sau 2 năm rưỡi nữa, tế bào ung thư di căn vào xương chậu. Cơn đau khiến ông không thể ngủ và có cảm giác chỉ muốn chết vì đau. Lúc này PGS Hùng phải ngồi xe lăn. Bệnh trở nặng được xác định nguyên nhân do kháng thuốc nhắm trúng đích và tiếp tục đợt hóa, xạ trị mới. Lần thứ 3 tế bào ung thư di căn vào não, năm 2015.

Bác sĩ Hùng cho biết, lúc đó chỉ thấy mắt hơi mờ nhưng không đau đớn gì. Kết quả khám mắt cho thấy bị bong võng mạc do một khối sau nhãn cầu đè vào gây phù nề. Khi chụp PET/CT, MRI sọ não thì khối u trong não đã to như quả trứng với kích thước 3x4cm. Thông thường khi bệnh nhân ung thư bị di căn lên não, khối u không mổ được vì nguy cơ tử vong gần như 100% nên sẽ chỉ được chăm sóc giảm nhẹ.

Nhưng kỹ thuật hiện đại đã mang lại cơ hội sống cho ông, khi được phẫu thuật cắt nhỏ khối u bằng dao gamma quay kết hợp truyền một đợt hoá chất mới và dùng thuốc nhắm trúng đích mới. Sau khoảng 8 tháng các tổn thương đã hoàn toàn biến mất trên chụp CT. GS Khoa cho hay, với những bệnh nhân ung thư, trường hợp sống sót sau 5 năm phát hiện đã được coi là khỏi bệnh.

Sức khoẻ hồi phục, bác sĩ Hùng tiếp tục với công việc khám và điều trị cho bệnh nhân. PGS Đỗ Quốc Hùng cho biết để chiến đấu với bệnh ung thư, đến nay ông đã đúc kết được lại kinh nghiệm cho mình đó là 4 chữ T: Tâm lý, Thuốc, Thức ăn và Thể dục thể thao. Theo ông, quá trình điều trị ung thư của bản thân thành công do các bác sĩ Việt Nam hiện đã hoàn toàn cập nhật những tiến bộ mới nhất của y học trong điều trị ung thư như PET/CT, xạ trị biến liều, phẫu thuật bằng dao gamma.

GS Khoa cho biết thêm, PET/CT là kỹ thuật giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí khối u lan tỏa theo không gian 3 chiều, sử dụng hình ảnh đó để mô phỏng kế hoạch điều trị nên không lo xạ sai chỗ. Sau mỗi liệu trình điều trị, bệnh nhân cũng sẽ phải kiểm tra PET một lần nữa để phát hiện còn tế bào ung thư hay không. Điều đặc biệt là kỹ thuật này tại Việt Nam rẻ hơn nước ngoài 10 lần

http://eva.vn/suc-khoe/thoat-ung-thu-phoi-di-can-nho-ky-thuat-hien-dai-c131a280608.html

Thời tiết giao mùa, bệnh nhi nhập viện tăng

VOV.VN - Không chỉ số lượng bệnh nhi tăng nhiều so với trước giai đoạn chuyển mùa mà còn tăng so với cùng kỳ năm trước

Từ đầu tháng 9 đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có gần 30.000 lượt bệnh nhi đến khám, tức là trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 7.000 lượt bệnh nhi. Không chỉ số lượng bệnh nhi tăng nhiều so với trước giai đoạn chuyển mùa mà còn tăng so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu là mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt virus và sốt xuất huyết…

Tháng 9 và tháng 10 hàng năm là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp và tiêu chảy ở trẻ em vì đây là giai đoạn chuyển mùa. Ngày nắng nóng, sáng và đêm se lạnh khiến sức đề kháng giảm, mà cơ địa trẻ còn yếu, không thích nghi được nên dễ mắc bệnh.

Nhiều cháu tái phát bệnh về đường hô hấp nhiều lần trong thời gian ngắn.Tuy nhiên, năm nay tính chất bệnh giao mùa ở trẻ không có gì bất thường. Để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ; giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; cho trẻ ăn những đồ ăn giàu vitamin C, kẽm và đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng. Thực hiện theo chỉ định của bác sỹ và không lạm dụng kháng sinh./.

http://vov.vn/suc-khoe/thoi-tiet-giao-mua-benh-nhi-nhap-vien-tang-550058.vov

http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/hang-chuc-ngan-tre-em-nhap-vien-vi-thay-doi-cua-thoi-tiet-giao-mua-d99643.html

Ùn ùn trẻ nhập viện, bệnh hô hấp bước vào giai đoạn đỉnh điểm

Dân trí Tại các bệnh viện, bệnh nhi đến khám tăng từ 20 - 25%. Quá nửa trong số đó là mắc các bệnh  sốt vi rút, viêm đường hô hấp và đặc biệt là viêm phổi ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Tại BV Nhi Trung ương, từ ngày 1/9 đến nay đã ghi nhận 27.000 lượt bệnh nhi tới khám.

50% là bệnh lý hô hấp

BV Nhi Trung ương cho biết, tính trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhi đến khám. Các bệnh trẻ thường mắc trong thời gian này là bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ nhỏ, tiêu hóa, sốt vi rút, sốt xuất huyết…

BS Phan Thị Ngọc Lan, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương lý giải tình trạng trẻ mắc các bệnh hô hấp, sốt vi rút, viêm phổi, viêm phế quản tăng vọt là do miền Bắc đang vào giai đoạn chuyển mùa từ thu sang đông. Thời tiết ngày nóng, sáng sớm và đêm se se lạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm nồng độ vi khuẩn, vi rút trong không khí tăng lên khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng lên trong thời gian gần đây. Năm nào cũng vậy, tháng 9 và tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ.

Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, BS Nguyễn Thành Nam, phụ trách khoa Nhi cho biết, 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh hô hấp tăng lên. Mỗi ngày, Khoa đón tới 400 - 500 bệnhnhân, trong đó, số bệnh nhi đến khám vào buổi tối lên tới khoảng 100 - 150 ca.

Trong tổng số bệnh nhi đến khám, quá 50% là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm phổi, sốt vi rút. Có những trẻ vừa khỏi sốt vi rút tuần lại bị tái nhiễm viêm đường hô hấp, viêm tiểu phế quản.

Đặc biệt viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Vì thế, với những bệnh nhi ngoại trú, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh. Với nhóm tuổi này, các bậc phụ huynh cần chú ý 3 dấu hiệu cơ bản để xác định tình trạng bệnh của bé, kịp thời đưa tới viện. Đó là theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé.

Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc); thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường… cần nhanh chóng đưa trẻ đi tái khám. Có trẻ sáng khám bình thường, chiều đã xuống phổi.

Bên cạnh đó, sốt vi rút khiến nhiều bà mẹ hoang mang, lo lắng bởi thời gian tái sốt quá gần, chỉ sau 3 - 4 tiếng dùng thuốc hạ sốt trẻ đã sốt trở lại, sốt cao 39 - 40 độ. Việc hạ sốt phải tuân thủ dùng paracetamol đúng liều từ 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 tiếng một lần. Giữa các lần dùng thuốc trẻ bị tái sốt cần chườm nước ấm vào các vùng nách, bẹn, cổ… để hạ sốt cho trẻ.

Phòng bệnh cho trẻ như thế nào?

Theo các bác sĩ, sự gia tăng của các bệnh hô hấp trong thời điểm này không có gì là bất thường, năm nào cũng xảy ra do trẻ chưa thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Vì thế, các bố mẹ không nên quá lo lắng, hãy chăm sóc trẻ chu đáo để phòng bệnh trong giai đoạn chuyển mùa này.

Theo BS Lan, việc quan trọng đầu tiên để phòng bệnh cho trẻ là tiêm chủng đầy đủ. Tiếp đến là cần giữ vệ sinh sạch sẽ phòng ốc, vệ sinh cơ thể trẻ, người chăm trẻ cũng cần giữ vệ sinh tốt, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Bên cạnh đó, cần chú ý để trẻ thích nghi với nhiệt độ thay đổi. Theo đó, giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng. Nhiều trẻ chỉ vì bố mẹ để quên quạt, điều hòa chỉnh gió quá to… ngủ say mà quên chỉnh lại, trẻ có thể nhiễm lạnh và đổ bệnh.

Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang….

Cho trẻ ăn phong phú, uống đủ nước, chơi ở nơi thoáng mát. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, không nên dùng tấm trải sàn.

Ngoài ra cũng cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình (khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách mà bị viêm mũi dị ứng, lên cơn hen). Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/un-un-tre-nhap-vien-benh-ho-hap-buoc-vao-giai-doan-dinh-diem-20160914102357946.htm

Bộ Y tế rà soát các xà phòng chứa chất cấm

 (PetroTimes) - Sau khi cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Hoa Kỳ (FDA) công bố sản phẩm xà phòng kháng khuẩn dùng trong gia dụng có chứa một số hoạt chất sẽ không được tiếp tục bán trên thị trường, Việt Nam đang thực hiện rà soát các mặt hàng này.

Trong một thông báo cách đây khoảng chục ngày, FDA khẳng định: "Các công ty sản xuất xà phòng sẽ không còn được quảng cáo về sản phẩm vệ sinh kháng khuẩn với các thành phần triclosan và triclocarban. Đồng thời phải giảm lượng benzalkonium chloride có trong sản phẩm xà phòng "diệt khuẩn". Bởi họ đã không chứng minh được chúng hiệu quả hơn so với xà bông thường trong việc ngăn ngừa bệnh tật cũng như sự lây lan của một số loại nhiễm trùng nhất định. Xà phòng diệt khuẩn cũng không thực sự an toàn để sử dụng hàng ngày trong một thời gian dài".

Sau khi có kết luận trên, FDA đã quy định đối với các loại xà phòng có chứa ít nhất 1 trong số 19 thành phần hoạt chất đặc biệt, bao gồm các thành phần thông dụng nhất - triclosan và triclocarban sẽ không được bán ra thị trường từ ngày 6/9/2017.

Quy định nói rõ: Các sản phẩm nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định này là các dạng xà phòng kháng khuẩn dùng trong gia dụng, được sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng. Và đương nhiên các sản phẩm sát khuẩn tay không dùng nước hoặc khăn ướt tẩm hóa chất khử khuẩn, hoặc các sản phẩm diệt khuẩn được sử dụng trong y tế không nằm trong phạm vi điều chỉnh của FDA.

Trước thông tin này, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành danh mục các chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, bao gồm cả xà phòng rửa tay với nước thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Hóa chất.

Bộ Y tế cũng khẳng định có trách nhiệm quản lý các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước và chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế. Các chế phẩm này trước khi lưu hành tại Việt Nam phải thực hiện việc đăng ký lưu hành để thẩm định tính an toàn và hiệu lực của chế phẩm.

Trong quá trình lưu hành, nếu phát hiện chế phẩm không còn đảm bảo an toàn và hiệu lực hoặc có khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế về hoạt chất không đảm bảo an toàn, Bộ Y tế sẽ xem xét việc rút số đăng ký lưu hành và chấm dứt việc lưu hành chế phẩm trên lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi FDA thông báo quy định, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu báo cáo về Cục việc họ có hay không sử dụng 19 chất này trong thành phần sản phẩm xà phòng rửa tay tiệt trùng.

Trước đó, kể từ khi FDA đưa ra dự thảo quy định vào năm 2013, các nhà sản xuất đã bắt đầu giảm dần việc sử dụng các thành phần hoạt chất nhất định trong tẩy rửa kháng khuẩn, bao gồm cả triclosan và triclocarban.

Đồng thời, FDA khẳng định, việc rửa bằng xà phòng thông thường và nước vẫn là một trong những bước quan trọng nhất mà người tiêu dùng có thể làm để phòng ngừa bệnh tật và ngăn chặn mầm bệnh lây lan cho người khác. Trong trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, thì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo sử dụng chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước là các sản phẩm chứa chứa ít nhất 60% cồn.

http://petrotimes.vn/bo-y-te-ra-soat-cac-xa-phong-chua-chat-cam-478896.html

http://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-se-rut-so-dang-ky-che-pham-sat-khuan-khong-dam-bao-an-toan-n122373.html

Bướu khủng khiến hai người đàn ông “như mang bầu”

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/326611/buou-khung-khien-hai-nguoi-dan-ong-nhu-mang-bau.html

Khối bướu sau phúc mạc có kích thước quá lớn khiến bụng của 2 đàn ông quê Sóc Trăng và Đồng Nai to như phụ nữ mang bầu sắp tới kỳ sinh nở.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhân Đỗ Đức L. (60 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) và Võ Bảo C. (30 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bị bướu khổng lồ sau phúc mạc.

BS Thái Minh Sâm – Trưởng khoa Tiết Niệu cho hay, cả hai người này đều nhập viện trong tình trạng bụng to dần trong 4 đến 8 tháng trở lại đây và thường xuyên đau tức bụng khó chịu.

Trường hợp ông C. đã đi khám nhiều lần ở nhiều BV khác nhau.Bác sĩ nghi ngờ ông bị bướu ác tính nên không thể tiến hành phẫu thuật.Ông C. đã phải uống thuốc nam khiến bệnh tình mỗi ngày một nặng thêm.

Qua thăm khám tại BV Chợ Rẫy, bác sĩ siêu âm và nhận thấy khối bướu lớn chiếm toàn bộ vùng bụng, đẩy tim gan, lách lên phía trên lồng ngực, đẩy ruột xuống phía dưới, khối bướu lớn hình thoi, không gây đau nhưng rắn chắc, ít di động.

Qua lấy mẫu bệnh phẩm sinh thiết, kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy tế bào của khối bướu thuộc dạng lành tính, bác sĩ tiến hành phẫu thuật bóc thành công khối bướu có chiều dài 44cm ngang 33cm, cân nặng 6,7kg thành cho ông C.

Với anh C., do khối bướu quá lớn nằm bên phải đã đẩy quả thận bên phải sang sát với bên trái, ôm trọn vùng bụng bệnh nhân.

Sau hội chẩn, BV Chợ Rẫy đã thực hiện mổ lấy khối bướu nặng 7,3kg, dài 53cm, rộng 35cm thành công trong bụng bệnh nhân này ra ngoài.

Mỗi năm, BV Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 80 ca bướu sau phúc mạc nhưng đây là hai trường hợp mổ lấy khối bướu khổng lồ nhất từ trước đến nay.

Bướu sau phúc mạc phần lớn là tế bào trung mô có nguồn gốc từ phôi thai nên đa số là dạng bướu ác tính và dễ tái phát. Nguyên nhân gây ra bướu hiện chưa thể xác định và cũng chưa có giải pháp can thiệp triệt để.

Giải pháp phẫu thuật sẽ hạn chế sự phát triển của bướu, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.Những bệnh nhân sau mổ bị bướu tái phát sẽ phải phẫu thuật lại.

http://petrotimes.vn/bo-y-te-ra-soat-cac-xa-phong-chua-chat-cam-478896.html

http://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-se-rut-so-dang-ky-che-pham-sat-khuan-khong-dam-bao-an-toan-n122373.html

Giao mùa, mỗi ngày có khoảng 6000-7000 trẻ đến khám bệnh và các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến con trẻ

Hàng năm vào tháng 9, tháng 10 thời tiết thay đổi khiến tình trạng sức khỏe của trẻ em có hướng diễn biến phức tạp.

Mỗi ngày có khoảng 6000-7000 trẻ khám bệnh

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ 1-13 tháng 9, bệnh viện có 27 nghìn lượt bệnh nhi đến khám (trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 đến 7.000), đông hơn so với cùng kỳ năm trước. Trẻ thường mắc các bệnh trong thời gian này là bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt virus, sốt xuất huyết…

Trao đổi với PV tại khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương, BS Phan Thị Ngọc Lan cho hay, hàng năm cứ vào tháng 9 và tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp và tiêu chảy ở trẻ.

“Do thời tiết đang chuyển sang thu, ngày nắng nóng, sáng và đêm se se lạnh. Vì vậy, sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm độ ẩm trong không khí tăng, số trẻ mắc các bệnh hô hấp cũng gia tăng. Thậm chí, có trẻ vừa điều trị viêm phổi một tuần, chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi”, BS Lan nói.

Chị Nguyễn Hải Yến (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, mấy ngày hôm nay con gái chị 10 tháng tuổi có biểu hiện ho, ho khan và có dấu hiệu khó thở nên chị đưa con đến bệnh viện thăm khám.

“Từ khi sinh đến khi được 6 tháng tuổi, bé nhà tôi được bú sữa mẹ nên không mấy khi bị ốm. Nhưng vài tháng nay bé được cai sữa nên phát sinh nhiều thứ bệnh như ho, sốt, thở khò khè… uống thuốc mấy ngày không khỏi. Hiện cháu đang chờ đến lượt vào khám bác sĩ”, chị Yến chia sẻ.

BS Lan cho biết, năm nay không có bệnh gì bất thường ở trẻ. Do thời tiết thay đổi nên cơ địa trẻ còn yếu, không thích nghi được nên dễ mắc những bệnh thông thường như viêm hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết...

Theo BS Lan, điều quan trọng đầu tiên để phòng bệnh cho trẻ là các mẹ phải tiêm chủng cho trẻ đầy đủ. Thứ hai là giữ vệ sinh cho trẻ, làm sao để không khí trong phòng ở được lưu thông; trẻ được tắm rửa vệ sinh sạch sẽ..

Ngoài ra, dinh dưỡng cũng là một kênh quan trọng trong việc chăm sóc các bé. Trong thời tiết giao mùa, các mẹ nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, đủ dinh dưỡng để các bé có đủ sức khỏe, sức đề kháng để chống lại được bệnh tật.

“Google” để mua thuốc khiến trẻ nhờn kháng sinh

Một số bà mẹ thường lên mạng xã hội tra cứu bệnh rồi tự mua thuốc cho con, hoặc thậm chí có những bà mẹ dùng lại đơn thuốc cũ.

Cũng không ít bà mẹ cứ thấy con hắt hơi, sổ mũi là ra hiệu thuốc bảo người bán thuốc bán cho kháng sinh về cho con uống mà không cần đơn bác sĩ. Thực tế là những trẻ bị bệnh do nhiễm khuẩn mới cần điều trị bằng kháng sinh.

Thậm chí, khi trẻ sốt thông thường do mọc răng hay thời tiết thay đổi… nhiều bà mẹ vẫn vô tư mua kháng sinh ở tiệm thuốc về cho con uống.

BS Lan cho rằng, điều này rất nguy hiểm, khiến bệnh của trẻ kéo dài, chữa mãi không khỏi, nhiều trẻ bị nhờn thuốc kháng sinh khiến việc điều trị về sau còn khó khăn, rủi ro và tốn kém gấp nhiều lần.

“Việc này đã dẫn đến việc trẻ bị tác dụng phụ, lâu dần bị nhờn kháng sinh.Mới đây bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì dùng kháng sinh quá liều. Sau lộ trình điều trị của bác sĩ tại BV Nhi TW, hiện bệnh nhi đó đã ổn định sức khỏe”, BS Lan chia sẻ.

BS Lan cũng khuyến cáo, biểu hiện bệnh ở trẻ nhỏ rất giống nhau. Trẻ bị viêm hô hấp bị hắt hơi, sổ mũi… cũng giống với các triệu chứng của trẻ bị tiêu chảy. Trong khi đó với trẻ đang bú mẹ, biểu hiện lâm sàng thường kín đáo, không rầm rộ, sốt không cao, ho ít nên gia đình khó phát hiện, dễ bỏ qua.

Vì thế, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như ăn uống, bú kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể bé đang bị bệnh và cần đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám đầy đủ, điều trị theo lộ trình của bác sĩ.

 http://afamily.vn/giao-mua-moi-ngay-co-khoang-6000-7000-tre-den-kham-benh-va-cac-me-can-dac-biet-luu-y-den-con-tre-20160914095726586.chn

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/bac-si-canh-bao-viec-cha-me-len-mang-chua-benh-cho-con-174124.html

Hướng dẫn đối tượng được Nhà nước đóng BHYT

SKĐS - Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 25/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định đối tượng được Nhà nước đóng BHYT theo quy định tại Khoản 4...

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 25/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định đối tượng được Nhà nước đóng BHYT theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Người phục vụ người có công với cách mạng, bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình; Người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình; Người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình.

Cựu chiến binh, bao gồm: Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước; Người được hưởng chính sách theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg; Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được hưởng chế độ theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quân nhân được hưởng chế độ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Người được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Thanh niên xung phong được hưởng chế độ theo Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 và Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế.

Trẻ em dưới 6 tuổi.

Người thuộc diện được cấp thẻ BHYT theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; người đang sinh sống tại vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Học sinh, sinh viên đang theo học tại các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/3/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2016 - 2020.

http://suckhoedoisong.vn/huong-dan-doi-tuong-duoc-nha-nuoc-dong-bhyt-n122404.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang