Sốt xuất huyết vào giai đoạn cao điểm
KHÁNH NGUYỄN
Ngày 17-8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang vào giai đoạn cao điểm, với số người mắc tăng nhanh. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2015 nay, cả nước đã ghi nhận trên 20.000 trường hợp mắc SXH với 12 ca tử vong. Trong đó nhiều địa phương có số mắc SXH lũy tích tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: TPHCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Nội.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 8 tới nay, số ca mắc SXH tiếp tục có chiều hướng tăng mạnh do dịch bệnh nguy hiểm này bắt đầu giai đoạn cao điểm. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thời điểm này số ca mắc SXH đang tăng cao, nhất là ở khu vực các tỉnh thành phía Nam là do đã vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và làm lây lan dịch bệnh. Giai đoạn cao điểm của dịch bệnh SXH sẽ kéo dài đến hết mùa mưa (tháng 10-2015).
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch SXH, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát tình hình SXH trong cả nước. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình bông, bát nước kê chân chạn. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt kéo dài, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Bộ Y tế cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt tại các điểm nóng để có chỉ đạo kịp thời. Tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống SXH tại các tỉnh có số mắc tăng cao, nhất là ở các tỉnh thành phía Nam. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền và tổ chức các sự kiện để vận động chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống SXH.
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/8/393252/
Thành lập Đơn vị Giám sát kháng thuốc quốc gia
MINH KHANG
Ngày 16-8, trước tình trạng kháng thuốc ngày càng trở nên nghiêm trọng với nhiều loại kháng sinh thế hệ mới bị vi khuẩn kháng thuốc, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Đơn vị Giám sát kháng thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, gồm 8 thành viên do PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh điều hành.
Đơn vị Giám sát kháng thuốc quốc gia có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động phòng chống kháng thuốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ tổng kết, báo cáo, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống kháng thuốc cho lãnh đạo Bộ Y tế. Trước đó, thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc đến năm 2020, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc và thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng thuốc. Qua khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh thành phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Có đến 88% thuốc kháng sinh được mua mà không cần kê đơn. Loại thuốc này đóng góp đến gần 14% ở thành thị và khoảng 19% ở nông thôn trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Đáng chú ý, nhiều người mua kháng sinh để điều trị ho - tỷ lệ này ở thành thị lên đến gần 32%.
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/8/393240/
Đề xuất hỗ trợ thẻ BHYT cho hơn 62.300 người cận nghèo
ĐƯỜNG LOAN
Ngày 17-8, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết, đơn vị này vừa trao đổi với Sở LĐTB-XH TPHCM và thống nhất sẽ hỗ trợ thẻ BHYT cho hơn 62.300 người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn TPHCM.
Số tiền hỗ trợ dự kiến là 2,9 tỷ đồng được trích trong số tiền 120 tỷ đồng mà TP được để lại từ kết dư quỹ BHYT năm 2015. Trước mắt, việc hỗ trợ thẻ BHYT thực hiện đối với 3 tháng còn lại của năm 2015 (từ ngày 1-10 đến ngày 31-12). Theo quy định, người thuộc diện cận nghèo trên địa bàn TP được ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí tham gia BHYT; người cận nghèo đóng 30% còn lại. Tuy nhiên, rất ít người bỏ thêm 30% nên đến nay, toàn TP còn hơn 62.300 người thuộc hộ cận nghèo chưa có thẻ BHYT.
Trước tình hình trên, hai sở - ngành cùng trình UBND TP đồng ý thực hiện phương án hỗ trợ 30% kinh phí tham gia BHYT còn lại cho đối tượng hộ cận nghèo.
Theo ông Cao Văn Sang, đến tháng 7-2015, toàn TP thực hiện độ bao phủ về BHYT mới đạt hơn 70%, còn khá thấp so với chỉ tiêu đặt ra của UBND TP (đến cuối năm 2015 là 76%, năm 2020 là 90%). Việc hỗ trợ diện cận nghèo mua thẻ BHYT (70% từ ngân sách, 30% từ kết dư quỹ BHYT) vừa giúp làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho hộ cận nghèo, vừa góp phần mở rộng độ bao phủ về BHYT của TP.
http://www.sggp.org.vn/xahoi/2015/8/393251/
Bệnh viện Chợ Rẫy mở 4 phòng khám chuyên gia
L.TH.H.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa đưa vào hoạt động bốn phòng khám chuyên gia (tại lầu 1 khu khám bệnh) để nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng khám chuyên gia do các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện là các phó giáo sư, tiến sĩ hoặc trưởng, phó khoa... đảm trách.
Phòng khám này có tính chất cao cấp hơn phòng khám dịch vụ vì cung cấp tốt nhất các dịch vụ cho người bệnh, người bệnh được quyền yêu cầu bác sĩ mà họ tin tưởng khám cho mình, được lấy máu xét nghiệm, thu tiền viện phí tại chỗ, được thực hiện cận lâm sàng nhanh hơn... Giá một lần khám 500.000 đồng.
Phòng khám chuyên gia nhận bệnh nhân khám nội tổng quát, nội tiết, ngoại thần kinh (một tuần hai ngày: thứ hai và thứ năm); khám nội tim mạch, cơ xương khớp, chỉnh hình (thứ ba và thứ sáu); khám nội tiêu hóa, ngoại tiêu hóa, gan mật tụy (thứ tư); khám tai mũi họng (khám ba buổi sáng: thứ ba, tư và năm); khám mắt (thứ hai đến thứ sáu).
Bệnh nhân muốn khám tại phòng khám chuyên gia đăng ký trực tiếp tại khoa khám bệnh, qua tổng đài 1080 hoặc số điện thoại 08. 39556079 (giờ hành chính).
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150816/benh-vien-cho-ray-mo-4-phong-kham-chuyen-gia/952512.html
LÂM THIÊN - MAI VINH
Sau 3 ngày nhập viện và điều trị, hiện tại sức khỏe của 18 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì đã hồi phục.
Chiều 17-8, bác sĩ Lê Văn Tiến - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng - cho biết từ ngày 14 đến ngày 16-8 có tổng cộng 32 ca bệnh nhân đến khám tại bệnh viện sau khi ăn bánh mì và có triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm.
Trong đó, 18 bệnh nhân đã nhập viện để điều trị và theo dõi, gồm 13 ca tại khoa Lây và 5 ca tại khoa Nhi.
Theo ông Tiến, hiện tại đã có 2 cháu tại khoa Nhi xuất viện; 3 cháu còn lại đã khỏe nhưng vẫn phải theo dõi thêm, trong đó 1 cháu đang được tiêm kháng sinh. Tại khoa Lây, sức khỏe của 13 bệnh nhân đã hồi phục và đang được theo dõi.
Cùng ngày, bác sĩ Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng, khẳng định bánh mì nhân thập cẩm của tiệm bánh mì 24H trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.7, TP. Đà Lạt) là nguyên nhân gây ngộ độc đối với các ca bệnh sau khi ăn bánh mì của cơ sở này.
“Trước đó chúng tôi chỉ nghi vấn vì có thể nạn nhân ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau ngoài bánh mì, giờ thì đã có thể khẳng định được vì tất cả các nạn nhân đều ăn bánh mì, nhiều hay ít đều bị ngộ độc” - bác sĩ Độ nói.
Ông Độ cho hay kết luận này dựa trên thăm dò tình hình sử dụng thực phẩm của nạn nhân và gia đình. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được cụ thể loại thực phẩm nào gây ra ngộ độc vì nhân bánh mì chứa nhiều loại thực phẩm khác nhau, các loại thực phẩm này đều thuộc loại dễ phân huỷ, biến chất.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra toàn diện tiệm bánh mì 24H sau khi xuất hiện các ca ngộ độc thực phẩm và ghi nhận cơ sở này đang giữ các loại thực phẩm dùng làm nhân bánh mì: chả lụa, chả thủ, thịt nguội, thịt heo nướng, chà bông gà, patê gan heo…
Các thực phẩm này được bảo quản sơ sài, không được che đậy cẩn thận và đa số được chế biến ngay tại tiệm bánh mì. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm ghi nhận khâu chế biến thực phẩm tại cơ sở không đảm bảo an toàn, vệ sinh kém, bảo quản thực phẩm không đúng cách.
Hiện tại, Tiệm bánh mì 24H trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đã ngưng hoạt động. Theo một chủ tiệm bánh mì 24H trên đường Phù Đổng Thiên Vương (P.8), TP Đà Lạt có tổng cộng 5 tiệm bánh mì mang tên bánh mì 24H.
Các tiệm này do nhiều người trong một gia đình thành lập và quản lý riêng.
Xử lý những đơn vị “ngó lơ” lệnh thu hồi mỹ phẩm chứa paraben
Vân Sơn
Thời hạn 15 ngày để các công ty thực hiện việc thu hồi mỹ phẩm có chứa chất nguy hại paraben đã hết. Bắt đầu từ giữa tháng 8 đến hết tháng 12, Thanh tra Sở Y tế thành phố sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm những đơn vị sai phạm.
Paraben là loại chất bảo quản được cho là có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng. Các nghiên cứu khoa học của thế giới chỉ ra loại chất này có thể ảnh hưởng tới hệ nội tiết, gây dị ứng. Mặc dù những tác hại của nó chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng để tránh nguy hại cho người tiêu dùng, theo lộ trình chung của các nước ASEAN từ 31/7/2015, những loại mỹ phẩm chứa paraben sẽ bị ngưng sử dụng.
Từ ngày 1/8, cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã chính thức cấm các sản phẩm chứa paraben lưu hành trên thị trường, đồng thời ra “tối hậu thư” cho các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối trong thời hạn nửa tháng phải thu hồi toàn bộ các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường.
Thực hiện chỉ đạo của Cục quản lý Dược, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản hướng dẫn việc thu hồi mỹ phẩm gửi đến các doanh nghiệp có liên quan. Ngày 17/8, đại diện thanh tra Sở Y tế cho hay, đến nay Sở đã nhận được thông tin báo cáo sơ bộ về việc thu hồi mỹ phẩm của các doanh nghiệp và những giải pháp xử lý, tiêu hủy sản phẩm sau thu hồi. Dù Sở chưa thống kê cụ thể, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều có động thái tích cực.
Để thực hiện công tác hậu kiểm, sau thời gian triển khai thu hồi, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố đã ký công văn chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành mỹ phẩm trên toàn thành. Theo đó, từ giữa tháng 8 đến hết tháng 12/2015, đoàn thanh tra sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc thu hồi mỹ phẩm có chứa paraben đối với tất cả các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
Chương trình kiểm tra đặc biệt sẽ tập trung vào các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không có phiếu công bố sản phẩm, hoặc công thức không đúng với phiếu công bố. Các loại mỹ phẩm bị thanh kiểm tra sẽ được lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra chất lượng. Sở Y tế yêu cầu đoàn thanh tra xử lý nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm lệnh thu hồi mỹ phẩm chứa paraben, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng hoặc chứa chất gây hại cho người sử dụng.
Tai biến do tiêm chủng sẽ được bồi thường
Tạ Nguyên
Sẽ không chỉ là điều tra nguyên nhân; xử lý cá nhân, đơn vị có sai phạm; rút kinh nghiệm trong ngành… mà từ năm 2016, khi Nghị định về tiêm chủng chính thức có hiệu lực, những tai biến do tiêm chủng sẽ được bồi thường. Đó là nội dung chính trong dự thảo Nghị định về tiêm chủng mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý.
Nhiều tai biến
Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, ở xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội tá hỏa khi kiểm tra lại phiếu tiêm của đứa con 6 tuổi, vừa đi tiêm vắcxin sởi- rubella về: Cán bộ tiêm chủng đã tiêm liều vắcxin dành cho trẻ 9 tháng cho con chị Thắm. Quá lo sợ, gia đình chị Thắm đã đến ngay trạm y tế huyện để phản ánh tình hình. Trạm y tế đã phải cử người đến theo dõi sức khỏe của cháu bé, rất may đã không xảy ra nguy hiểm nào. Ngay sau đó, Trung tâm y tế dự phòng huyện Hoài Đức đã họp và khiển trách cán bộ y tế tiêm nhầm cho cháu bé.
Thực tế, trong thời gian qua, việc tiêm nhầm, tiêm thiếu do lơ là, do thiếu năng lực của một bộ phận cán bộ y tế; cùng với nhiều vụ tai biến nặng xảy ra trong thời gian qua, đã khiến dư luận rất hoang mang, lo lắng. Theo Cục Y tế dự phòng, trong nửa đầu năm 2015, cả nước ghi nhận hơn 3.600 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng và 13 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó có 3 trường hợp hồi phục và 10 trường hợp tử vong.
“Một trong những nguyên nhân khiến Chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua chưa hoàn toàn đạt hiệu quả như mong muốn; cũng là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh đổ xô đi tiêm chủng dịch vụ, với giá cao ngất trời và còn phải chầu chực; đó là sự lo ngại trước những tai biến sau tiêm chủng, nhất là với vắcxin Quinvaxem. Điều đáng nói là chưa có quy định nào về việc bồi thường sau tai biến do trách nhiệm của cán bộ, cơ sở y tế. Mỗi sự việc xảy ra, tùy theo xử lý của từng đơn vị, có trường hợp được bồi thường, có trường hợp chỉ là một lời xin lỗi”, một đại diện ngành y tế chia sẻ.
Trong bối cảnh này, dự thảo Nghị định về tiêm chủng của Bộ Y tế ra đời sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc quy định trách nhiệm thực hiện, quản lý, bồi thường trong tiêm chủng thời gian tới.
Bồi thường trước, truy xét sau
Theo dự thảo nghị định, người được tiêm chủng sẽ được bồi thường nếu xảy ra tai biến nặng khi sử dụng vắcxin bắt buộc. Nếu trường hợp bị tai biến để lại di chứng khuyết tật, tổn thương cơ thể từ 15- 80%, sẽ được hỗ trợ bằng mức lương cơ sở tại thời điểm đó; nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên thì mức bồi thường bằng 30 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đó; nếu thiệt hại đến tính mạng thì được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở, còn những người thân được bù đắp tổn thất tinh thần bằng 10 lần mức lương cơ sở…
Làm rõ hơn về quy định bồi thường, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: Chỉ các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắcxin mới được bồi thường. “Nếu nguyên nhân của tai biến là do vắcxin thì nhà sản xuất, đơn vị cung cấp vắcxin phải bồi hoàn lại cho Nhà nước. Còn nếu nguyên nhân do sai sót trong quy trình tiêm thì cán bộ tiêm chủng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn. Với các trường hợp tai biến được xác định do trùng lập ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ hoặc do quá mẫn cảm với vắcxin, thì sẽ có sự cân nhắc việc bồi thường, nhưng khả năng bồi thường cho các trường hợp này rất ít”, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu xảy ra tai biến phải bồi thường, Nhà nước sẽ đứng ra chi trả trước để kịp thời giải quyết vụ việc, sau đó mới truy xét tìm nguyên nhân, những đối tượng nào vi phạm sẽ phải trả lại số tiền này cho Nhà nước. Còn khi sự việc đã cấu thành tội phạm hình sự, thì sẽ thực thi theo Bộ Luật Hình sự, không nằm trong phạm vi quy định của nghị định nữa.
Mặc dù dự thảo Nghị định về hoạt động tiêm chủng đã làm rõ trách nhiệm mức bồi thường trong công tác tiêm chủng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với quy định bồi thường như trên thì rất ít trường hợp được bù đắp thiệt hại. Vì theo Nghị định, chỉ những trường hợp được khẳng định do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắcxin mới được bồi thường. “Thời gian qua, kết quả điều tra các vụ tai biến nặng sau tiêm chủng của Bộ Y tế đều kết luận nguyên nhân là do quá mẫn cảm với vắcxin. Nếu áp dụng đúng quy định như trong dự thảo Nghị định thì các trường hợp tai biến này đều không được bồi thường, như vậy vẫn bất hợp lý, bởi trách nhiệm của ngành y tế không chỉ là tiêm đúng thuốc, đúng quy trình, mà còn phải tư vấn được cho các bậc phụ huynh về sức khỏe của con cái họ khi phải tiêm chủng, nếu không, chúng tôi biết tin vào đâu?”, một phụ huynh chia sẻ.
“Cần truy rõ trách nhiệm với các vụ tai biến và xử phạt thật nghiêm. Với các cá nhân, đơn vị vi phạm gây ra các tai biến trong tiêm chủng, Bộ Y tế phải yêu cầu đứng ra nhận trách nhiệm và xử lý thật mạnh tay mới đủ sức để răn đe, chứ không chỉ nộp phạt bằng tiền là xong. Cùng với đưa Nghị định đi vào cuộc sống, cần xây dựng quy trình kiểm soát vắcxin cho thật nghiêm ngặt. Bên cạnh đó cũng phải đào tạo nhân viên tiêm chủng cho thật lành nghề, quy định chặt chẽ về y đức, tác phong khi làm việc để tránh tiêm nhầm, tiêm thiếu...”, một đại diện ngành y tế khẳng định.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp, để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhất và hoàn thiện nghị định này trong thời gian tới.
http://baotintuc.vn/suc-khoe/tai-bien-do-tiem-chung-se-duoc-boi-thuong-20150817221500621.htm
Chuẩn bị hội nghị về kiểm soát bệnh phổi
T.TRÀ
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn năm triệu người mắc bệnh hen, hơn 1,3 triệu người mắc bệnh phổi mãn tính và tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ngày càng tăng. Để thực hiện tốt công tác phòng chống các bệnh hô hấp, đặc biệt là lao và phổi, trong hai ngày 21, 22-8, Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam phối hợp Bệnh viện Phổi T.Ư sẽ tổ chức Hội nghị khoa học Bệnh phổi toàn quốc lần thứ VI với chủ đề “Kiểm soát tốt các bệnh hô hấp từ bệnh viện đến cộng đồng”.
Tiếp nối thành công của các hội nghị trước, hội nghị lần này nhằm mục đích tăng cường tiếp cận của người dân với các kỹ thuật hiện đại ngay ở các bệnh viện trong nước và tại cộng đồng. Tại hội nghị sẽ có các hội thảo chuyên đề: Cập nhật Hướng dẫn kiểm soát Hen và COPD tại Việt Nam (VNAC2015); Điều trị toàn diện Ung thư phổi; Ngoại khoa lồng ngực – Định hướng mới; Viêm phổi bệnh viện (HAP); Suy hô hấp và điều trị; Tiến bộ mới trong nội soi chẩn đoán và can thiệp trong các bệnh lý lồng ngực…
Bên cạnh việc thảo luận và chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, các chuyên gia, học giả, đại biểu được thăm quan các gian hàng triển lãm những sản phẩm thiết bị y tế, tài liệu thuộc ngành lao, các bệnh hô hấp... Qua đó thúc đẩy trao đổi ý tưởng mới, đồng thời cũng là cơ hội để phát triển các mối quan hệ, hợp tác trong nghiên cứu.
Ông Vũ Văn Hà, Giám đốc công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội chia sẻ: với tình trạng ô nhiềm môi trường ngày càng gia tăng, bệnh phổi đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người mắc bệnh hen, hơn 1,3 triệu người mắc bệnh phổi mãn tính và tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ngày càng tăng. Nước ta cũng là quốc gia xếp thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 14/27 nước có tính trạng lao đa kháng và siêu kháng thuốc cao. Bởi vậy, hội thảo này là cơ hội rất lớn để các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành lao và phổi Việt Nam cập nhật kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm triển khai một cách hiệu quả các tiến bộ mới trong y học và công nghệ để chăm sóc và điều trị tốt hơn cho người bệnh.
http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_suckhoe/_mobile_tintucsk/item/27182802.html
Tạm dừng lưu hành 11 lô thực phẩm chức năng
Tú Anh
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định tạm dừng lưu thông 11 lô sản phẩm thực phẩm chức năng của 04 công ty ghi nhãn không đúng quy định. Ngoài ra, trong 7 ngày cũng xử phạt 7 công ty liên quan đến việc quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa được cấp phép.
Cụ thể, từ ngày 07/8 đến 14/8/ 2015, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 112.000.000 đồng (Một trăm mười hai triệu đồng) và ra quyết định tạm đình chỉ lưu hành 11 lô thực phẩm chức năng do vi phạm về quy định ghi nhãn.
Theo đó, công ty Cổ phần VN Pharma, địa chỉ: Số 666/10/3 đường 3/2, phường 4, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh bị phạt số tiền 15 triệu đồng vì quảng cáo 02 sản phẩm thực phẩm chức năng VN Pharma Collagen Plus và viên nhau thai cừu Bioprotus trên website http://www.vnpharma.com.vn mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Tương tự, doanh nghiệp tư nhân bào chế Đông Dược Việt (Số 850, Ấp 2, xã Bình Tân, thành phố Tân An, tỉnh Long An) bị xử phạt do quảng cáo 02 sản phẩm thực phẩm chức năng Mỹ Xuân và trinh Nữ Hoàng Cung trên website http://dongduocviet.vn mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Công ty TNHH Dược phẩm và thiết bị Y tế Minh Phát (tập thể Cục An ninh quân đội, tổ 50, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) : Quảng cáo thực phẩm chức năng Cốm Casua 3+ trên website duocminhphat.com, nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Trang Ly (Số nhà 05-G19, tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) thực hiện việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng Trà bổ thận Traly trên website http://tranglypharma.com mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Xanh (Số 695 Lê Hồng phong, phường 10, quận 10, Tp Hồ Chí Minh) quảng cáo 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Glammy estrogenz và viên giảm cân Glammy slimz trên website http://glammy.com.vn mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng xử phạt ông ty TNHH Thương mại K& K Toàn Cầu (Số 430 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) số tiền 25 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty nhập khẩu 17 sản phẩm thực phẩm mà không có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Minh Quân (Số 7 ngách 61/4, ngõ 61 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nôi) cũng bị xử phạt do lưu hành 02 lô sản phẩm thức ăn bổ sung: Ngũ cốc Blendina Bledine vị vani Blendina Blendine Croissance vanile Gourmande 500g cho trẻ 12 tháng tuổi và thực phẩm bổ sung bột dinh dưỡng Ble¢dina Ble¢dilait Croissance 3 cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến 3 tuổi nhưng nội dung ghi nhãn phụ không đúng các nôi dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông báo thêm về 04 công ty có lô sản phẩm tạm dừng lưu thông gồm: Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Uy (Số nhà 258 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nôi 03 sản phẩm); Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc (Số 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) 03 sản phẩm; Công ty TNHH Thương mại Khánh Tân (Số 79 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) 03 sản phẩm; Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Thành Phát (Số 77B ngõ 97 phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) 02 sản phẩm.
Như vậy, từ ngày 01/01/2015 đến nay Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 119 cơ sở sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng, trong đó đại đa số là các sai phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, với 00 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử phạt 1.806.000.000 đồng. Thu hồi 11 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 05 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các công ty vi phạm về thực phẩm chức năng. Tạm dừng lưu thông 33 lô sản phẩm, thu hồi tiêu hủy 02 sản phẩm vi phạm về chất lượng và ghi nhãn. Chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/tam-dung-luu-hanh-11-lo-thuc-pham-chuc-nang-20150817150734068.htm
Nghệ An: Bắt vụ vận chuyển hơn 1 tấn thịt lợn sữa đã bốc mùi
Nguyễn Phê
Trong lúc làm nhiệm vụ, qua kiểm tra, lực lượng CSGT trạm CSGT Diễn Châu (thuộc Phòng CSGT CA tỉnh Nghệ An) đã bắt vụ vận chuyển 1.100 kg lợn sữa không có giấy tờ hợp lệ và đặc biệt là đã bốc mùi hôi thối.
Sáng 17/8, trạm CSGT Diễn Châu cho PV Dân trí biết, vụ việc được thực hiện vào lúc 3h45’, ngày 16/8/2015.
Theo đó, vào thời gian nêu trên, trong lúc đang tuần tra tại km418 quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) - Tổ công tác của Trạm CSGT Diễn Châu đã phát hiện xe ô tô khách mang BKS: 76B – 006.42, do tài xế Lê Văn Liệu (SN1972, trú tại thành phố Quảng Ngãi) điều khiển, chạy hướng Nam - Bắc có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe chở 19 thùng xốp, bên trong có chứa 1100 kg lợn sữa đã qua sơ chế. Đặc biệt hơn, số lợn này đã bốc mùi hôi, thối…
Tại thời điểm kiểm tra, nhà xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
Theo lời khai ban đầu của lái xe thì số lợn sữa trên là của 1 chủ hàng ở Quảng Ngãi thuê vận chuyển ra Thanh Hóa tiêu thụ. Tuy nhiên, khi trên đường vận chuyển đến địa bàn Nghệ An thì bị lực lượng CSGT trạm Diễn Châu bắt giữ.
Hiện tổ CSGT trạm Diễn Châu đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số lợn sữa và bàn giao cho Trạm thú y Diễn Châu xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghệ An: Cứu thành công bệnh nhân bị đạn bắn thấu tim
Hoàng Yến
Sau 3 ngày trải qua ca phẫu thuật cấp cứu “sinh tử”, anh Vi Văn Hải - bệnh nhân bị chấn thương tim nặng do bị đạn bắn thấu - đã dần bình phục. Đây là ca bệnh đặc biệt nguy hiểm được cứu sống nhờ sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.
Vào lúc 2h15’ sáng 15/8, BVHNĐK Nghệ An tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Vi Văn Hải (SN1981, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông), nhập viện trong tình trạng có vết thương do đạn bắn từ sau lưng, thấu tim, gây tổn thương tim nặng nề, niêm mạc nhợt nhạt, khó thở, thở nhanh nông, trụy tim mạch, tiên lượng tử vong rất cao.
Ngay lập tức, buổi hội chẩn liên khoa Ngoại - Tim mạch- Lồng ngực, Cấp cứu đã tiến hành chụp cắt lớp vi tính 64 dãy cho bệnh nhân, phát hiện có hình ảnh mẩu kim khí (đầu đạn) nằm giắt trong tim, giữa 2 tâm thất trái và phải (vách liên thất). Bệnh nhân bị chảy máu liên tục, gây tràn máu khoang màng phổi trái số lượng nhiều.
Sau hội chẩn, bệnh viện quyết định: tiến hành phẫu thuật cấp cứu do nguy cơ tử vong tăng theo từng giờ. Bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành mổ tim hở sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng, êkip cấp cứu Gây mê Hồi sức, Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực đã thăm dò các buồng tim, lấy mảnh kim khí kích thước 0,5×0,6cm, khâu cầm máu vết rách, phục hồi các buồng tim của bệnh nhân Hải. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh viện đã phải chuyền cho bệnh nhân 1.250ml máu.
Sau mổ, người bệnh được chuyển về theo dõi tích cực tại đơn vị hồi sức tim phổi máy, khoa Hồi sức Ngoại khoa trong tình trạng ổn định, các thông số huyết động được kiểm soát, chức năng tim được duy trì tốt.
“Bệnh nhân Vi Văn Hải được thở máy sau mổ khoảng 15 tiếng. Trong quá trình Hồi sức sau mổ, bệnh nhân có xuất hiện 1 đợt suy tim cấp, nên chúng tôi nhanh chóng cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim. Đến sáng hôm qua, 16/8, bệnh nhân đã ổn định nên chúng tôi rút máy thở, bệnh nhân tự thở tốt, các thông số huyết động khối tốt. Các kết quả xét nghiệm huyết học, sinh hóa trong giới hạn bình thường cho thấy việc duy trì bảo vệ chức năng gan thận trong mổ được tiến hành hiệu quả với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể”, Thạc sỹ, bác sỹ Trần Minh Long - Trưởng khoa Hồi sức Ngoại khoa nhận định.
Đến nay, bệnh nhân Vi Văn Hải bắt đầu vận động nhẹ, ăn uống bình thường qua đường miệng, đau ít, thở khá dễ chịu; không sốt; huyết áp được kiểm soát tốt và dần trở về ổn định; các xét nghiệm trong giới hạn bình thường nên sẽ sớm được rút ống dẫn lưu ngực.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/cuu-thanh-cong-benh-nhan-bi-dan-ban-thau-tim-20150817213345996.htm
Chẩn đoán chính xác của bác sĩ cứu sống bé bị chấn thương sọ não
Lê Phương
Gần 12h trưa, chuẩn bị đi ăn thì bác sĩ Nguyễn Quang Vy nhận cuộc gọi từ khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước. Một bé trai 17 tháng nhập viện trong tình trạng mất ý thức.
Chẩn đoán ban đầu ghi trong bệnh án nhập viện là bé bị viêm não, động kinh. “Thế nhưng tại sao bệnh nhi vẫn khóc, tri giác không rối loạn, tứ chi vẫn vận động hình thường…”, bác sĩ Vy băn khoăn khi tiếp xúc với cháu bé và nhìn lại bệnh án.
Theo người nhà, trong bữa sáng hôm ấy bé có biểu hiện lơ đãng mệt mỏi, mẹ kêu tên vài lần vẫn không quay lại. Bé không ngất xỉu, co giật nhưng lười vận động, ít tiếp xúc. Theo dõi khi bé vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước thì không có gì bất thường. Bác sĩ khoa Nội nhi khám, nghi ngờ bé bị viêm não, động kinh và chỉ định chọc dò dịch não tủy. Chẩn đoán rồi nhưng các bác sĩ vẫn còn nhiều băn khoăn nên khoa cấp cứu tiếp tục mời bác sĩ nội thần kinh đến kiểm tra thêm.
Bác sĩ Vy là chuyên gia thần kinh đã 25 năm trong nghề. Tiếp xúc với bé, các biểu hiện bệnh mơ hồ, kín đáo khiến việc thăm khám của ông đứng trước nhiều trăn trở. Kết quả thăm dò cho thấy các phản xạ da bìu của bệnh nhi bình thường. Phản xạ da bụng thì bên trái vẫn có nhưng chậm và giảm hơn một ít. Lật tới lật lui hồ sơ bệnh án với chẩn đoán nghi ngờ viêm não, động kinh, bác sĩ Vy lần lượt làm phép loại trừ.
"Trường hợp này không thể chẩn đoán bị động kinh vì bệnh nhi không co giật và không mất ý thức. Loại trừ cả viêm não bởi bé không sốt, cổ mềm, không có biểu hiện của rối loạn tri giác", bác sĩ Vy cân nhắc suy tư. Nếu bỏ qua các triệu chứng bất thường khác và chỉ xác định động kinh thông thường mà cho bệnh nhi về, nhiều khả năng khối máu tụ chèn ép, chảy máu lớn thì sẽ nguy hiểm tính mạng. Ngược lại, chỉ định chọc dò não tủy khi chưa nắm được có khối máu choán chỗ, tăng áp lực nội sọ thì bệnh nhi đứng trước nguy cơ tụt não và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Giữa phòng cấp cứu, vị bác sĩ đứng tuổi cứ chần chừ, dè dặt với từng thăm dò phản ứng bệnh nhi. Vừa ngồi ghi bệnh án vừa quan sát cháu bé, ông vừa cố nhớ lại những ca bệnh từng gặp, những tài liệu nghiên cứu từng đọc, suy nghĩ để tìm sự liên hệ. Nhớ lại hình ảnh giải phẫu học, trường hợp da bìu bình thường mà da bụng lười có thể gợi mở những tổn thương bó tháp từ tùy trán và thùy đỉnh, từ đó ông nghĩ đến xu hướng chẩn đoán máu tụ.
Trầm ngâm mãi, khi cháu bé khóc, bác sĩ Vy để ý thấy miệng bé hơi méo trong khi nhân trung không lệch thật sự, dấu hiệu này cho thấy không có tổn thương thần kinh VII trung ương. Môi trên bên trái có dấu vết sưng nề kín đáo, tìm kỹ hơn thấy trán trái bệnh nhi có vết xanh rất nhạt. Khi ấy người mẹ mới nhớ cách đây vài ngày cháu bé bị ngã nên sưng môi. Tìm ra được điểm mấu chốt, bác sĩ Vy quyết định ghi chẩn đoán T/D Hématom (máu tụ ngoài màng cứng vùng thái dương - trán do tai nạn sinh hoạt) và đề nghị cho bé đi chụp CT Scan. Ông đề nghị đồng nghiệp khoa cấp cứu không được chọc dò dịch não tủy trước khi có kết quả CT.
Ý thức rõ kết quả chẩn đoán quan trọng như thế nào đối với phác đồ điều trị một bệnh nhân, nhiều khi ảnh hưởng đến cả sinh mạng con người, bác sĩ Vy trở về khoa nội thần kinh sau khi ghi kết quả chẩn đoán cho bé mà tâm tư ngổn ngang suy nghĩ. Ông bỏ cả cơm trưa, cứ lo lắng mông lung về ca bệnh. Mãi đến khi khoa Hồi sức Cấp cứu thông báo kết quả CT đúng như ông chẩn đoán, cháu bé được can thiệp cứu sống kịp thời, bác sĩ Vy mới thở phào nhẹ nhõm. Ông vội chạy xuống khoa cấp cứu để được tận mắt xem hình ảnh CT vết thương của bé, hồ hởi "nghịch lý là ở chỗ biết bệnh nhân chẩn đoán có bệnh mà mình lại vui".
"Trường hợp này bé ngã bị chấn thương não gây tụ máu nhưng vẫn tỉnh táo nên gia đình chủ quan. Nếu chẩn đoán bệnh sai, điều trị muộn, tình trạng máu tụ sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng cháu bé", bác sĩ Vy chia sẻ.
Hơn 25 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Quang Vy quan niệm mỗi bệnh nhân như một quyển sách, mỗi tình huống bệnh tật luôn có những chuyển biến không thể nào lường hết được nên người làm nghề y phải luôn cẩn thận tìm hiểu. Tích lũy nhiều kinh nghiệm giúp bác sĩ nhạy bén hơn trong chẩn đoán, điều trị nhưng việc cẩn thận sẽ không bao giờ thừa.
Siêu bệnh viện và tàu đổ bộ hải quân Mỹ đến Tiên Sa
Ngày 17-8, hai tàu hải quân Mỹ là tàu bệnh viện USNS Mercy và tàu đổ bộ cao tốc USNS Millinocket đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo tại đây.
Tàu USNS Mercy là tàu bệnh viện, hoán đổi công năng từ tàu chở dầu từ năm 1986 với trọng lượng nước rẽ hơn 69.000 tấn, dài 272m, rộng 32m, mớn nước 10m, tốc độ 17,5 hải lý/giờ, có sân bay trực thăng.
Còn tàu USNS Millinocket là tàu hộ tống, đổ bộ tốc độ cao (43 hải lý) với quân số 350 sĩ quan và thủy thủ đoàn cùng hai trực thăng.
Trong thời gian từ ngày 17 đến 28-8 sẽ diễn ra các hoạt động y bác sĩ hải quân Mỹ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các y bác sĩ Việt Nam trong kỹ thuật y tế hiện đại, y tế và cứu trợ thảm họa, can thiệp nha và các chương trình xây dựng dân sự. Các thành viên trên cả hai tàu sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng.
Ngoài ra, sẽ có hơn 20 hội thảo chuyên đề liên quan đến y tế trong cứu trợ thảm họa, y khoa về các bệnh thường gặp, kỹ thuật phẫu thuật chỉnh hình và chăm sóc quân nhân cũng sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng.
Các cuộc diễn tập với 50 trường hợp giả định thương vong, đào tạo nhân viên cứu hộ dưới nước có chứng chỉ, người hướng dẫn cứu hộ và an toàn dưới nước sẽ đào tạo cùng với các nhân viên cứu hộ Việt Nam; diễn tập cứu hộ y tế đối với thảm hoạ bờ biển sẽ được tổ chức xuyên suốt chương trình.
Tàu USNS Mercy được mệnh danh là “siêu” bệnh viện trên biển của hải quân Mỹ với quy mô lên đến 1.000 giường bệnh, 12 phòng mổ tiêu chuẩn kỹ thuật cao với khả năng thực hiện phẫu thuật đa khoa, chỉnh hình… cùng hơn 16.000 sĩ quan, bác sĩ từ Mỹ, Úc và New Zealand.
http://www.nguoiduatin.vn/usns-mercy-benh-vien-noi-khong-lo-cua-hai-quan-my-den-da-nang-a202446.html
http://daidoanket.vn/suc-khoe/tau-benh-vien-usns-mercy-tah19-1000-giuong-den-da-nang/61332
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/256867/tau-benh-vien--khung--cua-hai-quan-my-den-da-nang.html
Cấm tặng sữa công thức trong bệnh viện
ĐĂNG KHOA
Hiện tỉ lệ cho con bú sữa mẹ trong một tháng sau sinh ở Mexico chỉ 1/7, số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, thấp nhất trong khu vực Mỹ La tinh.
Trong nỗ lực nhằm tăng tỉ lệ cho con bú sữa mẹ đang suy giảm ở nước này, giữa tuần rồi, Cơ quan Giám sát rủi ro sức khỏe Mexico ban hành lệnh cấm các hãng sữa tặng sữa công thức cho trẻ sơ sinh ở các bệnh viện và phòng khám, tin từ hãng tin AP (Mỹ).
Sữa công thức chỉ có thể được đưa vào bệnh viện nếu có đề nghị của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể hoặc vì mục đích nghiên cứu.
Trong khi đó, một nghiên cứu mới của Hiệp hội Nuôi con bằng sữa mẹ Úc cho rằng sữa công thức thậm chí còn có hại cho trẻ hơn là sữa của những bà mẹ cho con bú sau khi uống 1-2 ly rượu.
Sở dĩ có nghiên cứu và kết luận này vì ở Úc ngày càng nhiều bà mẹ chỉ cho con bú sau sinh vài tuần rồi ngưng vì muốn đi chơi và uống rượu.
Các bà mẹ hoàn toàn có thể vừa cho con bú vừa hưởng thụ cuộc sống, miễn là ghi nhớ và làm theo những điều sau:
- Tránh uống rượu trong một tháng đầu sau sinh.
- Có thể uống 1-2 ly rượu/ngày nhưng không phải hằng ngày.
- Cho con bú trước khi uống rượu.
- Ăn trước và trong khi uống rượu.
- Nên có kế hoạch cho con bú, dự trữ sữa mẹ nếu bạn dự định sẽ uống hơn tiêu chuẩn hai ly.
http://phapluattp.vn/suc-khoe/cam-tang-sua-cong-thuc-trong-benh-vien-574061.html