Thủ tướng nhắc nhở Bộ Y tế 8 vấn đề
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-nhac-nho-Bo-Y-te-8-van-de/289186.vgp
(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở Bộ Y tế 8 vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan tới công tác cán bộ.
Ngày 18/10, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu, đã kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Y tế là đơn vị thứ bảy được Tổ công tác kiểm tra. Mục tiêu của Tổ công tác là rà soát, kiểm tra toàn bộ các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, quan điểm là không để sót nhiệm vụ nào, không để nhiệm vụ nào không hoàn thành.
Từ khi Tổ công tác được thành lập (ngày 19/8) tới nay, thời gian không dài, nhưng hoạt động của Tổ đã tạo sự lan tỏa rất lớn. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương đã chuyển biến rất tốt, số nhiệm vụ quá hạn, nợ đọng giảm rõ rệt; các bộ ngành, địa phương lập nhiều tổ công tác đôn đốc, rà soát các nhiệm vụ do bộ trưởng, chủ tịch địa phương giao.
Trong những năm qua, dưới dự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế đã có những cố gắng vượt bậc, nổi trội là công tác xây dựng thể chế, nhất là khi Chính phủ mới kiện toàn, xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng 11 nghị định về điều kiện kinh doanh trên cơ sở hơn 70 thông tư của Bộ. Đây là thành công lớn.
Cùng với đó, công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chỉ đạo quyết liệt, có chuyển biến về y đức, chuyên môn, đầu tư cho các bệnh viện từ tuyến Trung ương cho tới cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là việc nâng cao y đức và quyết tâm giảm tải các bệnh viện Trung ương với mục tiêu không để 2 bệnh nhân nằm một giường…
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Tổ công tác truyền đạt tới Bộ trưởng Bộ Y tế 8 vấn đề cần lưu ý, ngoài những nhiệm vụ đã giao.
Thứ nhất, mặc dù Bộ Y tế và các bộ được phân công đã có nhiều cố gắng, nhưng người dân vẫn rất quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì kết quả đạt được chưa nhiều. Trong đó, có việc Cục Quản lý dược nhập salbutamol để sản xuất thuốc, nhưng quản lý sơ hở, có 6/9 tấn trôi nổi trên thị trường có thể bị sử dụng để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi. Cùng với đó là thông tin, dù đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra, nhưng 40.000 thùng hàng nước giải khát vẫn bị nhiễm chì…
Thứ hai, trong thời gian gần đây, báo chí và người dân rất quan ngại tình trạng bệnh viện và người bệnh câu kết để trục lợi từ chính sách bảo hiểm y tế, dẫn tới mất công bằng, thiếu minh bạch, bất bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ ba, Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm tải bệnh viện, đặc biệt 38 bệnh viện Trung ương đã cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Nhưng sức ép quá tải rất lớn, báo chí phản ánh một số bệnh viện vẫn có tình trạng 2 bệnh nhân nằm một giường, hiện Bộ đã giảm mục tiêu xuống còn không nằm ghép quá 48 giờ. Thủ tướng chỉ đạo Bộ phải đặc biệt quan tâm vấn đề này.
Thứ tư, cùng với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế có tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn ngân sách chậm, nhất là trong việc xây dựng 5 bệnh viện lớn đã có khoản kinh phí 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ cần hết sức quan tâm vấn đề đào tạo nhân lực và chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho các bệnh viện này.
Thứ năm, Bộ đã có nhiều nỗ lực, nhưng chất lượng hệ thống y tế tuyến xã, phường vẫn có nhiều bất cập. Có nơi thiết bị tốt nhưng không có người dùng, có nơi có người dùng, có thiết bị… nhưng chất lượng bác sĩ khiến người dân thiếu niềm tin, dồn lên tuyến tỉnh, Trung ương.
Thứ sáu là vấn đề đấu thầu thuốc. Tiền thuốc chiếm khoảng 50% chi phí khám chữa bệnh, Bộ đã trình và được Thủ tướng đồng ý việc thành lập cơ quan trực thuộc Bộ quản lý vấn đề này. Hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc, chỉ định thuốc tràn lan, vẫn còn bất cập trong đấu thầu thuốc ở một số địa phương.
Thứ bảy, vừa qua báo chí phản ánh những vụ việc người nhà bệnh nhân, bệnh nhân có thái độ không tốt, thậm chí đe dọa, hành hung cán bộ y tế. Bộ Y tế cần quan tâm, chấn chỉnh, tăng cường an ninh tại các bệnh viện.
“Việc hành hung, gây gổ với y, bác sĩ là không thể chấp nhận được. Nhưng ngược lại, ngành y cũng cần chấn chỉnh những vụ việc như bảo vệ bệnh viện chặn xe vận chuyển em nhỏ sắp qua đời… khiến dư luận cho rằng có ‘bảo kê’ của lãnh đạo bệnh viện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế kiểm tra quyết liệt, không để lặp lại tình trạng trên.
Thứ tám, gần đây báo chí phản ánh một số vấn đề liên quan tới công tác cán bộ ngành y, như thông tin liên quan tới Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Thủ tướng Chính phủ cũng nhận được một số đơn thư liên quan tới công tác cán bộ của ngành. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hết sức quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt cần giữ đoàn kết. Với các vụ việc báo chí nêu, cần kiểm tra, làm rõ, công khai sớm với dư luận, nếu cán bộ có khuyết điểm thì kỷ luật, nếu không có thì cũng không để cán bộ bị "oan".
“Phải khẳng định rằng Bộ đã có rất nhiều cố gắng, làm được rất nhiều việc. Nhiều vấn đề nói trên có thể có ở nơi này, nơi khác, chứ không hẳn hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Bộ, nhưng phải nêu ra và giải quyết để tác động lan tỏa tới các nơi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Hà Chính
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Y tế
http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/To-cong-tac-cua-Thu-tuong-kiem-tra-Bo-Y-te/289249.vgp
(Chinhphu.vn) – Bộ Y tế giải trình với Tổ công tác của Thủ tướng nhiều vấn đề nóng liên quan tới công tác tổ chức cán bộ, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chất salbutamol bị cấm trong chăn nuôi, chậm giải ngân xây dựng 5 bệnh viện lớn…
Như tin đã đưa, ngày 18/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế.
Đánh giá cổ phần hóa - giao Bộ Y tế có đúng không?
Theo rà soát trước buổi kiểm tra, tính từ đầu năm 2016 tới ngày 10/10, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 95 nhiệm vụ cho Bộ Y tế, đã hoàn thành thành 33 nhiệm vụ. Còn 62 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 7 nhiệm vụ đã quá hạn.
Phần lớn thời gian của cuộc kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo các Vụ, Cục giải trình về 7 nhiệm vụ chậm trễ; đồng thời báo cáo làm rõ về 8 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở Bộ Y tế thông qua Tổ công tác.
Qua giải trình, báo cáo của Bộ Y tế, Tổ công tác ghi nhận trong số 7 nhiệm vụ nói trên, Bộ đã hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ, đó là xây dựng dự thảo Nghị định quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; xử lý sau thanh tra việc thực hiện Đề án 930 về đầu tư cho một số bệnh viện bằng trái phiếu Chính phủ.
Riêng về nhiệm vụ đánh giá kết quả thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải, hiện đã quá hạn 48 ngày, Bộ Y tế cho rằng nhiệm vụ này không nên giao cho Bộ Y tế chủ trì, với lý do Bệnh viện này thuộc Bộ Giao thông vận tải. “Vậy giao nhiệm vụ này cho Bộ Y tế có đúng không?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Sau khi hỏi lại rất kỹ các Vụ của VPCP, ý kiến Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc giao nhiệm vụ này cho Bộ Y tế là hoàn toàn đúng. Vì mục đích cổ phần hóa là nâng cao chất lượng hoạt động của bệnh viện, việc đánh giá nhằm chỉ rõ mặt được, mặt chưa được.
Tuy nhiên, nội dung nhiệm vụ được giao không rõ, dẫn tới cách hiểu chưa thống nhất. “VPCP xin nhận lỗi với Bộ trưởng Bộ Y tế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn và cam kết VPCP sẽ tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể hơn trong vấn đề này cho Bộ Y tế và Bộ GTVT, Bộ Tài chính.
Chậm “gỡ khó” cho DN theo yêu cầu của Chính phủ
Cả 3 nhiệm vụ Bộ Y tế chưa hoàn thành đều liên quan đến những vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Về sửa đổi quy định để miễn kiểm tra, miễn ghi nhãn phụ tiếng Việt với thực phẩm, nguyên liệu… nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ đã làm việc với các Bộ NNPTNT, Công Thương và thấy rằng Nghị định 38 năm 2012 không cho phép miễn. Do đó, các Bộ thống nhất trong thời gian chờ sửa Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38, trong tuần tới sẽ trình Chính phủ cho phép miễn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thành viên Tổ công tác, không đồng tình với cách giải thích này. “Nhiệm vụ này không trái với Luật, cũng không vướng Nghị định 38, vì luật và nghị định không quy định rõ, nên mới đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ. Cái này cần bàn thêm với Bộ Tư pháp, nhưng theo tôi, nghị định chưa rõ, còn nghị quyết của Chính phủ đã cho phép thì các Bộ được quyền hướng dẫn”, Thứ trưởng Tuấn nêu quan điểm.
Về nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo Cục An toàn thực phẩm, hiện Bộ đã ban hành mã số HS với 864 dòng sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, chỉ còn 12 dòng sản phẩm chưa thể ban hành vì quá phức tạp, dù đã họp rất nhiều lần với hải quan. Tuy nhiên, Bộ đã thống nhất với hải quan sẽ xử lý theo hướng khi hàng về tới cảng, doanh nghiệp sẽ tự khai báo, tự chịu trách nhiệm để hải quan áp mã. Nội dung này hiện đang xin ý kiến doanh nghiệp và sắp công bố.
Khi Tổ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu thời hạn cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ trước 5/11 phải ban hành xong.
Về nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 năm 2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong trường hợp sản phẩm chỉ thay đổi về kích cỡ vật liệu bao gói, Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngay trong Thông tư 19 đã có quy định cho phép trong trường hợp thay đổi kích cỡ vật liệu bao gói thì doanh nghiệp không cần phải công bố lại.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Khoa giáo văn xã, VPCP cho rằng đây là nhiệm vụ được giao ngay từ năm 2015, tới 2016 Chính phủ lại tiếp tục giao, tính ra đã quá hạn hơn 1 năm. Nếu thấy rằng nhiệm vụ này không cần thiết, thì Bộ Y tế cần báo cáo lại Chính phủ.
Tố cáo Vụ trưởng Bộ Y tế không có bằng chứng
Cũng tại buổi kiểm tra, Bộ Y tế đã làm rõ thêm 8 vấn đề được Thủ tướng nhắc nhở.
Trong đó, về các lô hàng nước giải khát có hàm lượng chì vượt quá quy định, đã xử phạt doanh nghiệp 6,8 tỷ đồng, đồng thời giám sát việc tiêu hủy từng chai nước. Về chất salbutamol, Bộ đã kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng xử lý hình sự hành vi sử dụng chất này trong chăn nuôi để tạo nạc. Bộ cũng đang đẩy mạnh các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chấn chỉnh tình trạng trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm an ninh, an toàn tại các bệnh viện…
Đặc biệt, về việc giải ngân xây dựng 5 bệnh viện lớn, nghe giải trình của Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn chỉ rõ, nhiều ý kiến phản ánh ngoài những nguyên nhân khách quan, thì việc giải ngân gặp khó khăn liên quan tới chính Vụ này, phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng ý kiến của Tổ trưởng Tổ công tác là “hoàn toàn chính xác”.
Liên quan tới vấn đề đang rất được quan tâm là công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết qua kiểm tra cho thấy không có bằng chứng về nội dung tố cáo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Tuy nhiên, đang trong giai đoạn hoàn thiện kết luận thì lại có đoàn của Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ khối cơ quan Trung ương nên đoàn của Bộ Y tế tạm dừng không kết luận mà chờ kết luận từ đoàn kiểm tra của Đảng uỷ khối.
Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định công tác quy hoạch, quy trình bổ nhiệm cán bộ của Bộ cơ bản đúng, rất thận trọng, công khai, minh bạch.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ cao. Bộ cũng đã giải trình nghiêm túc về 8 vấn đề Thủ tướng yêu cầu và các nhiệm vụ quá hạn, nêu nguyên nhân rõ ràng, thuyết phục.
Trong thời gian tới, Bộ cần tiếp tục hết sức quan tâm tới vấn đề quỹ bảo hiểm y tế, giảm quá tải bệnh viện… “Tinh thần là trên cơ sở các ý kiến của Thủ tướng, Bộ cần triển khai thực hiện quyết liệt với kế hoạch chi tiết, khắc phục từng vấn đề người dân còn kêu ca”, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu.
Về phía VPCP, sẽ phải rút kinh nghiệm một số vấn đề như tham mưu giao nhiệm vụ rõ ràng hơn. Trong quá trình theo dõi các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, việc cập nhật thông tin cũng cần kịp thời, chính xác hơn… Kết quả kiểm tra sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo đầy đủ, khách quan tại phiên họp Chính phủ sắp tới.
Hà Chính
Cùng nội dung giống như trên có các báo sau đưa tin:
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/to-cong-tac-cua-chinh-phu-nhac-nho-bo-y-te-8-van-de-659306.html
http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Thu-tuong-nhac-nho-Bo-Y-te-viec-quan-ly-thuoc-dau-thau-thuoc-va-cong-tac-can-bo-413061/
http://viettimes.net.vn/thu-tuong-nhac-nho-bo-y-te-8-van-de-83698.html
Nước mắm hoá chất”: Phụ gia pha chế đảm bảo thì vẫn an toàn?
http://dantri.com.vn/chinh-tri/nuoc-mam-hoa-chat-phu-gia-pha-che-dam-bao-thi-van-an-toan-20161018115001131.htm
Khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm với liên tiếp chuyện nước giải khát nhiễm chì, chất cấm trôi nổi được dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, nước mắm toàn hoá chất… lại trở thành câu chuyện “nóng” tại cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Bộ Y tế của Tổ công tác của Thủ tướng sáng nay, 18/10.
“Bó tay” việc xử hình sự vụ chất cấm Salbutamol trôi nổi
Đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều nỗ lực của Bộ Y tế trong việc xây dựng văn bản, thể chế, trong công tác chuyên môn (hoạt động khám chữa bệnh, chấn chỉnh y đức, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ người bệnh với chủ trường không để 2 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh…) nhưng vẫn còn những tồn tại “cố hữu” ngành y tế cần khắc phục.
Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, có 8 vấn đề Thủ tướng yêu cầu truyền đạt với lãnh đạo Bộ Y tế tại cuộc kiểm tra.
Trước hết, đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dù người dân rất mong đợi, Chính phủ đốc thúc nhiều nhưng kết quả đạt được chưa đáng kể. Dư luận vẫn bức xúc với việc sử dụng chất cấm, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm.
Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập trách nhiệm của Cục Quản lý dược – cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép nhập khẩu Salbutamol đã sở hở để 6/9 tấn chất này nhập về bị lưu hành trôi nổi trên thị trường, bị sử dụng cho mục đích chăn nuôi nhằm tạo nạc cho gia súc. Vụ nước giải khát URC nhiễm chì khiến dư luận bức xúc vừa qua cũng là một việc Thủ tướng yêu cầu đoàn kiểm tra nhắc nhở Bộ Y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ báo cáo về nội dung Thủ tướng truyền đạt.
Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong giải thích thêm việc viện kiểm nghiệm cho DN nhập 4000 tấn chì, làm phát sinh hiện tượng nước giải khát URC nhiễm chì. Theo ông Phong, “lỗi” trong sự việc này nằm ở phía doanh nghiệp (DN) vì lô sản phẩm mang đi kiểm nghiệm thì đảm bảo nhưng khi đưa vào sản xuất thì lô nước C2, Rồng đỏ lại để vượt quá hàm lượng. Bộ đã tiến hành phạt gần 7 tỷ đồng – mức phạt lớn nhất từ trước đến nay.
Mở rộng sang chuyện nước mắm pha bằng nước và hoá chất, ông Phong khẳng định, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều như vậy. Tất cả các sản phẩm nước mắm được công bố tức là có sử dụng chất phụ gia đúng danh mục, đảm bảo độ tinh khiết, hàm lượng cho phép thì đều an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế cũng chủ trì lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, cùng Bộ Nông nghiệp, Công thương, hiện đang đi khảo sát tại Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc (kiểm tra cả khâu nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, ghi nhãn sản phẩm), sẽ báo cáo trước 22/10.
Việc 3 tấn Salbutamol trôi nổi, Phó Cục trưởng Cục quản lý dược giải thích thêm, sau khi có thông tin từ Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra toàn diện các công ty và yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động nhập chất cấm này. Có 3 đơn vị bị phát hiện bán Salbutamol không đúng quy trình, Bộ Y tế cũng chuyển hồ sơ sang CQĐT Bộ Công an nhưng vì pháp luật hình sự chưa quy định về tội danh, hành vi này nên phía Bộ Công an trả lại hồ sơ cho Bộ Y tế vì chưa đủ căn cứ điều tra.
Đại diện Cục quản lý dược thông tin, trong số 3 tấn Salbutamol đó, một DN ở TPHCM quản lý 2,5 tấn, đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành quy trình để tịch thu, tiêu huỷ số hoá chất cấm đó.
“Theo quy định, chỉ cần DN đủ điều kiện kinh doanh (kho bãi), giấy phép kinh doanh chế biến sản xuất thuốc thì được phép nhập khẩu Salbutamol nên rất khó quản lý. Cũng do yêu cầu tổ chức hải quan 1 cửa, nếu DN thực hiện đầy đủ việc kê khai mua bán, công bố trên mạng thì có thể tự ký hợp đồng với nước ngoài, nếu xảy ra việc gì ở trong nước sau đó cũng rất khó kiểm soát, xử lý” – đại diện Cục quản lý dược phân trần. Ông này cũng cho biết, tới đây, luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2015 được Quốc hội xem xét thông qua thì có thể xử lý hành vi vi phạm này với mức 1-20 năm tù.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế quan tâm việc đoàn kết nội bộ
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trao đổi tiếp những nội dung khác. Vấn đề quá tải bệnh viện, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề cập, theo chủ trương của Chính phủ về việc chấm dứt cảnh nằm ghép trong năm 2015, Bộ Y tế đã có những nỗ lực, triển khai cho các bệnh viện ký cam kết thực hiện. Trong đó, 38 bệnh viện tuyến TƯ đã cam kết chấm dứt cảnh nằm ghép trong năm 2015.
Tuy nhiên, do sức ép quá tải lớn, “tiêu chí” thực hiện sau đó đã phải hạ xuống mức “không để bệnh nhân nằm ghép sau 24-48h”. Vậy nhưng thực tế, theo phản ánh, những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Viện K… hiện tượng nằm ghép vẫn phổ biến và không chỉ dừng ở mức 2 bệnh nhân ghép chung 1 giường.
Vấn đề an ninh, an toàn tại các bệnh viện cũng là một điểm Thủ tướng lưu ý với Tổ trưởng Tổ công tác để trao đổi trong cuộc làm việc với Bộ Y tế. Dẫn lại vụ việc xe cấp cứu đón một cháu bé hấp hối về quê bị ngăn cản tại viện Nhi khiến dư luận nghi ngờ về việc lãnh đạo bệnh viện “bảo kê” cho hoạt động điều tiết xe cấp cứu ra vào viện. Vụ mất an toàn xảy ra tại Bệnh viện Việt – Tiệp (Hải Phòng), Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ cũng được nhắc đến.
Tổ trưởng tổ công tác cũng đề cập, gần đây báo chí nêu vấn đề công tác cán bộ của ngành y tế như trường hơp của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bị tố đi hầu đồng. Có đơn thư phản ánh lên Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Bộ Y tế; đề nghị Bộ quan tâm đến giáo dục chính trị tư tưởng, đoàn kết trong nội bộ; nếu có việc này thì nên xem xét, rà soát, chấn chỉnh, có kết luận công khai sớm.
Ngoài ra, vấn đề triển khai trung tâm đấu thầu thuốc tập trung, tiến độ giải ngân vốn thấp (như báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, có 20.000 tỷ đồng phân cho ngành y tế để cải thiện các bệnh viện nhưng không giải ngân được, mới chỉ 1 bệnh viện ở TPHCM nhận được tiền triển khai)… cũng là các nội dung được Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ trưởng Y tế: Thuyết trình 15 phút để chọn Thứ trưởng
- Sẽ có 2 ứng viên cho vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế đang khuyết. Sau các vòng lấy phiếu, mỗi người sẽ có 15 phút thuyết trình đề án.
Báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng sáng nay về công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, quy trình bổ nhiệm tại Bộ hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch và tương đối thận trọng.
Theo các văn bản quy định từ các nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Y tế bổ nhiệm cấp trưởng, phó đơn vị thuộc và trực thuộc đều dựa theo quyết định của Ban chấp hành TƯ và Bộ Nội vụ.
Với đơn vị trực thuộc Bộ, các vị trí cấp trưởng, phó cục, vụ đều phải qua quy trình 2 vòng lấy phiếu vô định rồi Ban cán sự mới duyệt.
“Với cấp thứ trưởng, sau lấy phiếu vô định, BCH Đảng bộ 63 Sở Y tế còn phải lấy phiếu 2 vòng đơn vị chủ chốt để chọn ra 2 ứng viên. Sau đó mỗi người sẽ có 15 phút để thuyết trình đề án của mình”, Bộ trưởng Y tế thông tin.
Sau đó, nếu bổ nhiệm thứ trưởng sẽ phải qua 3 vòng bỏ phiếu nữa, trong đó có 1 vòng cán bộ chủ chốt, 1 vòng Thường vụ Đảng uỷ và cuối cùng là lấy phiếu kín ở Ban cán sự.
Tại các bệnh viện trực thuộc, việc bổ nhiệm cũng tương tự trên cơ sở quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt và cấp uỷ đơn vị trước khi trình Bộ Y tế thảo luận, lấy phiếu kín.
Không có chứng cứ tố cáo vụ trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết liên quan đến việc tố cáo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ về việc bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ Y tế đã lập đoàn thanh tra.
Sau gần 2 tháng kiểm tra, Bộ Y tế ra kết luận chưa công bố thì có thêm đoàn thanh tra của Đảng uỷ Khối các cơ quan TƯ cùng vào cuộc nên Bộ tạm chờ kết luận chính thức từ đoàn TƯ.
Kết luận của Bộ Y tế là nội dung tố cáo không có chứng cứ. "Nhiều tờ báo đăng đơn tố cáo vừa qua là không đúng vì chưa có kết quả xử lý, cần chờ kết luận thanh tra", bà Tiến nói và cho biết kết luận này đã được gửi đến Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan chức năng khác.
Về việc bổ nhiệm chậm trễ giám đốc các bệnh viện Việt Đức, Hữu Nghị, Mắt Trung ương như báo chí phản ánh, Bộ trưởng Y tế cho biết có 2 lý do.
Thứ nhất, do bản thân các bệnh viện này không tìm ra được ai hơn ai sau nhiều vòng lấy phiếu.
Thứ hai, Bộ Y tế từng trình Bộ Chính trị đề án thí điểm thi tuyển cán bộ chủ chốt tại các đơn vị trực thuộc, đã được đồng ý nhưng khi xin văn bản hướng dẫn thì Chính phủ nói phải chờ.
“Chúng tôi đã chờ hơn 1 năm nhưng không được duyệt nên sau đó xin bổ nhiệm lại theo quy trình cũ. Do đó có sự chậm trễ”, Bộ trưởng Tiến giải thích.
Thủ tướng nhắc nhở chấn chỉnh nội bộ
Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt 8 lưu ý của Thủ tướng tới Bộ Y tế.
Trong đó nổi cộm là vấn đề quá tải bệnh viện. Theo chủ trương của Chính phủ, các bệnh viện phải chấm dứt nằm ghép trong năm 2015, 38 bệnh viện tuyến TƯ đã cam kết.
Tuy nhiên do sức ép, nên sau đó Bộ Y tế đã hạ xuống không để nằm ghép trong 24-48 giờ.
“Vậy nhưng thực tế, theo phản ánh, những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, K… hiện tượng nằm ghép vẫn còn và không chỉ dừng ở 2 bệnh nhân 1 giường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng.
Ông cũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng về việc chấn chỉnh công tác cán bộ của ngành, đề nghị Bộ quan tâm đến giáo dục chính trị tư tưởng, đoàn kết trong nội bộ; nếu có thì cần xem xét, rà soát, chấn chỉnh, có kết luận công khai sớm.
Ngoài ra vấn đề giải ngân vốn đầu tư quá thấp. Bộ KH&ĐT cho biết ngành y tế được đầu tư 20.000 tỉ đồng để cải thiện các bệnh viện nhưng không giải ngân được, duy chỉ có 1 bệnh viện tại TP.HCM nhận được tiền triển khai.
Thúy Hạnh
Tố cáo Vụ trưởng Bộ Y tế không có bằng chứng
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/to-cao-vu-truong-bo-y-te-khong-co-bang-chung-20161018131349022.htm
(NLĐO)- Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 18-10 cho biết đơn tố cáo Vụ trưởng Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế Phạm Văn Tác là của một Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương.
Báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Y tế ngày 18-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Liên quan đến vụ việc ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, chúng tôi đã kiểm tra và cho thấy đơn tố cáo không có chứng cứ".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đơn tố cáo ông Phạm Văn Tác là của một Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương. Sau khi nhận được đơn tố cáo, Bộ Y tế đã lập đoàn kiểm tra. Sau gần 2 tháng kiểm tra và đang trong giai đoạn hoàn thiện kết luận thì lại có đoàn của Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ khối cơ quan Trung ương nên đoàn của Bộ Y tế tạm dừng không kết luận mà chờ kết luận từ đoàn kiểm tra của Đảng uỷ khối.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho biết Bộ Y tế kết luận là không có chứng cứ với nội dung tố cáo của công dân đó. "Báo chí đăng đơn tố cáo vừa qua là chưa đúng vì chưa có kết quả xử lý, cần chờ kết luận thanh tra"-Bộ trưởng Bộ Y tế nói
Bà Tiến cũng khẳng định công tác quy hoạch, quy trình bổ nhiệm của Bộ Y tế cơ bản đúng, rất thận trọng. Đơn cử như việc bổ nhiệm lãnh đạo BV Mắt Trung ương và BV Việt Đức, Bộ Y tế đã yêu cầu 2 lãnh đạo của bệnh viện mỗi người trình bày 15 phút sau đó bỏ phiếu theo quy trình nhiều bước.
Giải thích việc chậm bổ nhiệm lãnh đạo BV Mắt và BV Việt Đức thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết bộ này đã từng trình Chính phủ đề án thi tuyển cán bộ chủ chốt các đơn vị trực thuộc bộ, tuy nhiên Chính phủ chưa đồng ý. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc bổ nhiệm quy trình cũ. "Việc chậm bổ nhiệm lãnh đạo BV Việt Đức là vì chúng tôi phải chờ hơn 1 năm"- bà Tiến nói.
Trước đó, nội dung đơn tố cáo ông Phạm Văn Tác cho rằng ông Tác để xảy ra nhiều sai phạm trong việc quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ suốt 6 năm tại 81 đơn vị thuộc diện quản lý của Bộ Y tế như chậm trễ làm quy trình bộ nhiệm lãnh đạo; bổ nhiệm chậm nhiều chức danh; bổ nhiệm khi không đủ một nhiệm kỳ…tại nhiều cơ quan trực thuộc Bộ Y tế.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết có 8 vấn đề Thủ tướng yêu cầu truyền đạt với lãnh đạo Bộ Y tế, trong đó đó có các vấn đề về an toàn thực phẩm, quá tải BV, an ninh BV, đấu thầu thuốc….
Tổ trưởng tổ công tác cũng đề cập việc gần đây báo chí nêu vấn đề công tác cán bộ của ngành y tế như trường hợp của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bị tố đi hầu đồng. Đã có đơn thư phản ánh lên Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Bộ Y tế; đề nghị Bộ quan tâm đến giáo dục chính trị tư tưởng, đoàn kết trong nội bộ; nếu có việc này thì nên xem xét, rà soát, chấn chỉnh, có kết luận công khai sớm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc làm việc, trong 9 tháng đầu năm 2016, Bộ Y tế nhận được tổng cộng 73 văn bản giao nhiệm vụ với 95 nhiệm vụ được giao. Trong đó, 18 nhiệm vụ đã hoàn thành (trong đó có 10 nhiệm vụ đúng hạn, 8 nhiệm vụ quá hạn), 72 nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện và có 3 nhiệm vụ đã quá hạn mà chưa hoàn thành.
Tin-ảnh: N.Dung
Cục Y tế dự phòng giám sát trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika
http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/cuc-y-te-du-phong-giam-sat-truong-hop-nghi-nhiem-vi-rut-zika-179760.html
(Công lý) - Sáng ngày 18/10, Đoàn công tác gồm Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đến gia đình bé 4 tháng tuổi nghi mắc vi rút Zika tại tỉnh Đắk Lắk.
Đoàn công tác gồm GS-TS Đặng Quốc Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
Theo đó, bệnh nhân bị mắc chứng đầu nhỏ, nghi nhiễm vi rút Zika là em H’Lệ Mlô (4 tháng tuổi), con chị H’Blươn Mlô, buôn TLan, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk.
Trước đó, chị H’Blươn Mlô mang thai 3 tháng có triệu chứng phát ban toàn thân, đau đầu, mệt mỏi, được điều trị tại phòng khám tư nhân. Đến tháng 6/2016, chị H’Blươn sinh bé H’Lệ tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ.
Đến ngày 8/9, sau khi phát hiện bé H’Lệ Mlô có triệu chứng đầu nhỏ, chị H’Blươn Mlô và gia đình đã đưa cháu bé đi khám tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk và sau đó chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị. Tại đây bé được chẩn đoán bị chứng đầu nhỏ.
Được biết, trong quá trình mang thai, chị H’Blươn không đi nước ngoài cũng như các tỉnh thành trong nước có bệnh nhân mắc Zika. Sau khi điều tra bệnh, Cục Y tế dự phòng đã hướng dẫn người nhà cách điều trị, chăm sóc bé H’Lệ Mlô, tiếp tục lấy mẫu nước tiểu những người thân trong gia đình để tiến hành làm xét nghiệm, chẩn đoán.
GS-TS Đặng Quốc Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết : “Sáng nay, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến gia đình cháu bé nghi mắc vi rút Zika, hiện chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm để đưa ra kết luận chính thức. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị các bà mẹ mang thai cần đi khám theo dõi thai nhi thường xuyên, khi phát hiện có dị tật, nghi vấn do vi rút Zika cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý”.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đầu nhỏ như trẻ mắc Rubela, nhiễm trùng, nhiễm độc, giang mai… Đối với trường hợp của cháu H’Lệ Mlô, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu phối hợp với Đại học Nagasaki Nhật Bản xét nghiệm".
Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương, Tổ công tác cũng đề nghị ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường, giám sát phòng chống sốt xuất huyết, Zika theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, tổ chức phun hóa chất, khoanh vùng dập dịch, vận động người dân tự diệt muỗi. Tuyên truyền cho phụ nữ có dự định mang thai, phụ nữ có thai thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh như mặc áo dài tay, mua kem chống muỗi…
Chưa khẳng định cháu bé bị chứng đầu nhỏ do virus Zika
http://news.zing.vn/chua-khang-dinh-chau-be-bi-chung-dau-nho-do-virus-zika-post690687.html
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đến gia đình cháu bé 4 tháng tuổi tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) để kiểm tra tình hình.
Ngày 18/10, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, và ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương - đã đến thăm gia đình cháu bé nghi bị chứng đầu nhỏ vì mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai.
Đó là cháu Nhân (4 tháng tuổi), con chị Y Thanh ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk.
Chị Thanh cho biết đã bị sốt, phát ban khi mang thai ở tháng thứ 3 và 6. Khi đó, tại khu vực này, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.
"Đến tháng thứ 8, tôi đi siêu âm thì bác sĩ nói cháu bị chứng đầu nhỏ, rồi cho về. Sau khi sinh cháu được thời gian, hàng xóm nói con bị nhiễm virus Zika, nên đưa đi khám", chị Thanh nói.
"Đến tháng thứ 8, tôi đi siêu âm thì bác sĩ nói cháu bị chứng đầu nhỏ, rồi cho về. Sau khi sinh cháu được thời gian, hàng xóm nói con bị nhiễm virus Zika, nên đưa đi khám", chị Thanh nói.
Theo đại diện Sở Y tế Đắk Lắk, sau khi nhận được thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm virus Zika. Các lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
"Để đảm bảo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã lấy mẫu gửi các cơ quan chức năng xét nghiệm lại và đến nay chưa có kết quả", vị này nói.
Thông tin tại nhà nạn nhân, Cục trưởng Phu cho biết cháu Nhân bị bệnh đầu nhỏ là chắc chắn.
Tuy nhiên, chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra, như virus (Rubella), vi khuẩn (giang mai), ký sinh trùng (Toxoplasma), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền.
"Cục đang phối hợp với các đơn vị để lấy mẫu đi xét nghiệm để đưa ra kết quả cuối cùng", ông Phu nói.
Theo các cơ quan chức năng, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất hiện trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus này.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc hội chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã nâng cấp độ cảnh báo dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam lên cấp độ 3.
Tên bệnh nhân được thay đổi.
TP.HCM: Người dân lo sợ dịch Zika
http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-nguoi-dan-lo-so-dich-zika-d48340.html
(NTD) - Người dân đang lo sợ trước thông tin TP.HCM công bố dịch Zika. Hiện nay dịch Zika như là nỗi ám ảnh đối với nhiều người sau trường hợp một em bé bị dị tật bẩm sinh nghi ngờ liên quan đến virus Zika tại Đăk Lăk.
TIN LIÊN QUAN
Chiều 17/10 Cục Y tế dự phòng thông báo phát hiện một bé gái 4 tháng tuổi tại tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc hội chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika. Ngay lập tức thông tin này thu hút giới truyền thông và người dân trong khắp cả nước.
Rất nhiều người lo lắng cho sức khỏe của con em mình nếu đại dịch này xảy ra. Hiện nay, nhiều trẻ em được người thân đưa đi kiểm tra y tế vì quá hoảng với loại virus Zika này.
"Tôi đang lo lắng khi TP.HCM công bố có dịch Zika. Hiện tại tôi đang mang thai, nhìn thấy trường hợp bé 4 tháng tuổi bị mắc bệnh đó khiến tôi lạnh cả xương sống. Phải sống sao khi dịch Zika có nguy cơ bùng phát tại TP.HCM. Chắc tôi phải xin nghỉ làm để về quê ở chờ sinh con" - chị Bích ngụ quận Bình Thạnh chia sẻ.
Trước thông tin Cục Y tế dự phòng thông báo phát hiện một bé gái 4 tháng tuổi tại tỉnh Đăk Lăk mắc bệnh nghi do nhiễm virus Zika thì từ ngày 10/10, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình đề nghị về việc công bố dịch bệnh trên. Tuy nhiên đến hôm nay UBND TP.HCM mới chính thức công bố dịch bệnh này. Phải chăng các cơ quan chức năng tại TP.HCM vẫn chưa biết mức độ nguy hiểm đáng sợ của virus Zika?
Còn theo thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM, đã phát hiện thêm 2 ca mới nhiễm virus Zika. Thông tin ban đầu cho thấy đây là hai bệnh nhân nữ sống tại Quận 2 và 12. Hiện sức khỏe của cả hai bệnh nhân đã ổn định.
Như vậy tính đến thời điểm này Việt Nam đã có 7 trường hợp nhiễm virus Zika tập trung tại TP.HCM (4 ca), Bình Dương, Khánh Hòa và Phú Yên (mỗi tỉnh 1 ca).
Được biết, virus Zika được phát hiện đầu tiên trong những năm 1940 nhưng hầu hết mọi người đều không biết đến bệnh dịch này cho đến năm 2015, bởi trước đó, dịch Zika chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ và gây ra tác hại không quá lớn.
Tuy nhiên từ cuối năm 2015, nạn dịch Zika bùng nổ ở Brazil, ảnh hưởng tới hơn 1 triệu người và làm thay đổi quan điểm về loại virus do muỗi truyền nhiễm này. Các nhà khoa học cho rằng đây là loại virus nguy hiểm, tác hại trực tiếp đến bộ não của bào thai dẫn đến tình trạng sức khỏe yếu, không thể chữa khỏi hoặc nhận thức chậm.
Do những hậu quả như vậy, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ ngày 1/2/2016.
Chu Du
TPHCM công bố dịch Zika
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/10/438060/
(SGGPO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch do virus Zika, sáng 18-10, Sở Y tế TPHCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa có văn bản công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các Sở - ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, các đơn vị trên cũng phải quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn TP, tiếp tục tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu dân cư và hộ gia đình và không để phát sinh các ổ dịch bệnh mới.
Trước đó, qua giám sát, Sở Y tế TPHCM vừa ghi nhận thêm 2 phụ nữ nhiễm virus Zika (một ở quận 2 và một ở quận 12). Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng 2 quận tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà và xung quanh nhà bệnh nhân, phun hoá chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhân viên y tế dự phòng cũng trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về kết quả xét nghiêm và những việc cần làm để phòng bệnh trong gia đình. Đồng thời truyền thông nhằm chuyển tải thông điệp phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika cho người dân trong khu vực bệnh nhân sinh sống, lập danh sách và tư vấn phòng bệnh trực tiếp cho thai phụ trong phạm vi ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh mới…
Tại địa bàn quận 9, Sở Y tế TPHCM cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm virus Zika. Bệnh nhân là nữ, 28 tuổi, nội trợ, khởi phát bệnh với triệu chứng phát ban kèm theo sốt, đau cơ, đau khớp. Trước khi bị bệnh, bệnh nhân không đi ra khỏi nơi ở. Trong nhà và xung quanh không ai bị bệnh tương tự…
Trước diễn biến phức tạp của dịch do virus Zika, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus Zika và đặc biệt tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh do virus Zika trên toàn thành phố.
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, thời gian qua, thành phố tiến hành giám sát dịch trọng điểm theo hệ thống tại 30 bệnh viện của thành phố; đã thực hiện lấy mẫu tầm soát dịch là 748 mẫu, kết quả đã phát hiện 2 ca dương tính với virus Zika ở quận 2 và quận 9. Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được tiến hành thường xuyên, trong đó có phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đánh giá người dân vẫn chưa nhận thức đúng về bệnh, nguy cơ lây nhiễm của bệnh nên còn hoang mang, lo lắng quá mức dẫn đến việc kỳ thị với người bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch do virus Zika, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, BS Nguyễn Hữu Hưng, yêu cầu các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường giám sát, truyền thông, đặc biệt tư vấn trực tiếp đến thai phụ, tập trung ở các phòng khám sản khoa. Để bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng trước dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống như tăng cường hoạt động Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC), hướng dẫn, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đẩy mạnh công tác truyền thông...; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi mỗi người dân, gia đình và cộng đồng cũng như các ban, ngành đoàn thể, tổ chức hãy nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Bộ Y tế đề nghị người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai và dự định có thai cần thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng chống lây truyền bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Cũng trong ngày 18-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã trực tiếp xuống giám sát địa bàn quận 2- nơi đã xuất hiện 2 ca mắc do virus Zika. Theo BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, tuần qua trên địa bàn quận đã ghi nhận thêm một ca mắc Zika, đó là cô gái 20 tuổi, ngụ khu phố 1, phường An Phú. “Hiện quận 2 có 3 khu vực có nguy cơ phát sinh nhiều muỗi, dịch Zika là phường Bình Lợi, An Phú và phường Bình An”, BS Phước quan ngại.
Với diễn biến nguy hiểm của dịch do virus Zika, Giám đốc Sở Y tế, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP và các quận huyện quyết liệt giám sát, xử lý môi trường. Đồng thời, triển khai giám sát ngay tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân và kể cả nhà thuốc để phát hiện sớm các ca nghi ngờ. “Giám sát chặt chẽ, có triệu chứng là cho xét nghiệm ngay để phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, cái quan trọng là các quận huyện phải vệ sinh môi trường, không tạo điều kiện cho phát sinh lăng quăng, muỗi”, PGS Bỉnh nhìn nhận
Đánh giá cao sự chủ động của UBND quận 2, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu lo lắng vì hiện trên địa bàn có quá nhiều công trình xây dựng, từ cơ sở hạ tầng đến dân cư. Để ngăn ngừa hiệu quả dịch do virus Zika cũng như dịch sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thị Thu yêu cầu UBND quận 2 tập trung diệt lăng quăng, diệt muỗi. “Những nơi có nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi phải vệ sinh ngay, không tạo điều kiện cho sinh sôi, phát triển”, Phó chủ tịch Thu chỉ đạo.
Tin, ảnh: TƯỜNG LÂM
Bệnh sốt xuất huyết còn tăng cao ở Bạc Liêu, Cà Mau
Theo ngành Y tế các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, trong 9 tháng qua, bệnh sốt xuất huyết đều tăng so với cùng kỳ và có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là đang vào mùa mưa.
Ngành y tế tỉnh Bạc Liêu thông tin, qua thống kê trong 9 tháng qua, bệnh xuất huyết có 488 ca, tăng mạnh so với cùng kỳ (cùng kỳ 178 ca). Trong đó, sốt Dengue nặng 41 ca (cùng kỳ 18 ca). Tuy nhiên, đến nay không có ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng, không có ca tử vong.
Cũng theo ngành y tế Bạc Liêu, các bệnh khác đều giảm so cùng kỳ năm 2015 như tay chân miệng (có 633 ca, cùng kỳ 1.039 ca), lỵ, cúm, tiêu chảy… được giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không có dịch xảy ra.
Trong 9 tháng năm 2016, có 83 ca nhiễm HIV (tăng 1% so cùng kỳ), chuyển sang AIDS 66 ca (giảm 27% so cùng kỳ), tử vong 25 ca (cùng kỳ 15 ca ).
Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã khám trên 2,5 triệu lượt bệnh, tăng 26% so cùng kỳ. Số bệnh nhân tử vong tại các cơ sở y tế là 204 người (cùng kỳ 330 người).
Theo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, trong những tháng còn lại của năm 2016, ngành y tế sẽ tích cực chủ động giám sát, khống chế không để dịch bệnh xảy ra, nhất là dịch tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, dịch cúm AH5N1, H1N1, H7N9, các bệnh lây qua đường tiêu hóa,…
Còn tại tỉnh Cà Mau, ngành Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, trong 9 tháng qua, công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh sốt xuất huyết.
Trong tháng 9, bệnh sốt xuất huyết tăng trên 60% so với tháng 8 và tăng trên 71% so cùng kỳ; bệnh tiêu chảy trăng 6% so tháng trước và tăng gần 11% so cùng kỳ; riêng bệnh tay-chân-miệng giảm khoảng 20%.
Qua thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2016, bệnh sốt xuất huyết tăng 2,96 lần so vùng kỳ (có 1 ca tử vong, tương đương cùng kỳ). Trong đó, các địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao như: huyện Phú Tân: (239 ca), huyện Cái Nước (244 ca), huyện Đầm Dơi (152 ca, tử vong 1 ca), huyện Thới Bình (117 ca), TP Cà Mau (hơn 100 ca),…
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp và tăng, UBND các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cho biết, đã chỉ đạo ngành Y tế và các địa phương chủ động phương án phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, nhất là trong mùa mưa này.
Huỳnh Hải
Hoang mang nước mắm nhiễm asen độc hay không độc?
http://dantri.com.vn/suc-khoe/hoang-mang-nuoc-mam-nhiem-asen-doc-hay-khong-doc-20161018155810954.htm
Việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường với 67% mẫu nhiễm asen (thạch tín) vượt ngưỡng, nước mắm độ đạm càng cao tỷ lệ nhiễm càng cao đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh kết quả công bố này.
Nước mắm càng nhiều đạm càng nhiều asen tự nhiên
Theo như kết quả do ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký VINASTAS công bố chiều 17/10, có 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định về hàm lượng asen tổng (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/L với hàm lượng asen tổng của các mẫu không đạt theo quy định dao động từ trên 1 mg/L đến 5 mg/L. Đặc biệt đáng lưu ý, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (lên tới 95,65% mẫu khảo sát).
Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ hoặc chỉ phát hiện 0,01mg/L. “Như vậy, nước mắm trên thị trường vẫn an toàn. Chỉ có điều người tiêu dùng đang phải trả tiền thật nhưng mua phải nước mắm có độ đạm ảo”, ông Tuấn nói.
Về hàm lượng thạch tín hữu cơ trong nước mắm, bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản cho biết, bản chất trong nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, khác với asen vô cơ (là công nghiệp, cho vào sản phẩm, sử dụng liều cao gây ung thư, tử vong), asen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí có ở châu Âu còn cho phép hàm lượng asen trong nước chấm lên tới 30 mg/lít.
Một chuyên gia khác của Đại học Bách Khoa khẳng định: “Hàm lượng đạm càng cao thì hàm lượng asen càng cao là hiển nhiên bởi trong quá trình làm nước mắm thì đầu tiên hàm lượng đạm loãng. Muốn nâng cao hàm lượng đạm thì phải cô đặc lại. Giảm bớt hàm lượng nước để hàm lượng đạm nâng lên thì hiển nhiên hàm lượng asen cũng phải tăng lên”.
Trong khi đó, thử nghiệm của VINASTAS với 20 mẫu mắm có hàm lượng asen vượt ngưỡng thì đều không phát hiện Asen vô cơ – mà là asen hữu cơ.
Cơ quan chức năng từ chối bình luận kết quả
Có mặt tại cuộc họp công bố kết quả của VINASTAS, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) từ chối không đưa ra bình luận về kết quả này.
“Đây mới là kết quả khảo sát, chưa phải giám định, kiểm định làm cơ sở cho xử lý. Rất mong báo chí tuyên truyền bà con hiểu đúng chất lượng nước mắm. Chỉ khi cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế thực sự lấy mẫu mắm kiểu tra về hàm lượng đạm có các chất gây hại cho sức khỏe là kim loại nặng và vi sinh, khi đó Bộ Y tế sẽ công bố”, ông Quang nói.
Chia sẻ về dư luận cho rằng mục đích của việc công bố mẫu nước mắm nhiễm thạch tín hữu cơ (tự sinh ra trong quá trình ủ, lên men) liên quan với 1 “cuộc chiến” giữa mắm truyền thống - công nghiệp, ông Vũ Huy Quang, Vụ Pháp chế cho rằng không nên có cuộc chiến nào về nước mắm truyền thống, công nghiệp mà việc cạnh tranh phải lành mạnh, công khai để mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
“Độ đạm của mắm, đầu tiên phải từ con cá và muối, sản xuất theo lên men bằng phương pháp thủ công truyền thống, như mắn Phan Thiết, Phú Quốc… đều có truyền thống từ lâu. Với nước mắm này, độ đạm càng lớn, có nghĩa nước mắm càng ngon, đảm bảo chất lượng tốt hơn”, ông Quang nói.
Ông Phạm Tiến Dũng, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, asen hữu cơ trong nước mắm là tự sinh ra trong quá trình ủ lên men. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá với hàm lượng nào thì có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Về lâu dài cần nghiên cứu vì là món ăn không thể thiếu của người Việt.
Trước ý kiến cho rằng sản xuất thủ công có nguy cơ nhiều độc tố hơn công nghiệp? Ông Quang cho rằng, với kinh nghiệm truyền thống ngàn năm của người dân vùng biển, các sản phẩm nước mắm truyền thống của Việt Nam đã có tiếng vang lớn trên thị trường trong nước, quốc tế. Còn nước mắm có độ đạm khác bằng phương pháp khác (có thể công nghiệp), nhưng dù bằng phương pháp thủ công truyền thống hay công nghiệp đều phải đảm bảo an toàn, đạt các giới hạn cho phép của kim loại nặng, của vi sinh vật. Thời gian tới cũng sẽ đề nghị lãnh đạo bộ sớm xây dựng quy chuẩn nước mắm, công khai các chỉ số nước mắm, đảm bảo an toàn.
Bộ Y tế đang rà soát chất lượng nước mắm
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang kiểm tra nước mắm trên thị trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới.
Trước đó, từ 12/10 đến nay, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP.HCM, sắp tới ra cả Phú Quốc (Kiên Giang)... Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.
Theo ông Phong, ở Việt Nam không tồn tại khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố.
“Cần phải phân biệt hóa chất và phụ gia. Nói một cách chính xác, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm để làm mắm, là những phụ gia trong danh mục, đúng hàm lượng, đảm bảo độ tinh khiết thì không ảnh hưởng sức khoẻ”, ông Phong nói.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Tuy nhiên tất cả nguyên liệu đầu vào hiện đang do Bộ NN&PTNT kiểm soát, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết thêm, đã giao lực lượng thanh tra các địa phương rà soát và lấy mẫu nước mắm làm cơ sở cho việc
Hồng Hải
Bé trai 3 tuổi nuốt dị vật hình chữ thập chiếm hết lòng thực quản
http://suckhoedoisong.vn/be-trai-3-tuoi-nuot-di-vat-hinh-chu-thap-chiem-het-long-thuc-quan-n123829.html
SKĐS - Dị vật rất to, hình chữ thập chiếm hết lòng thực quản, nguy cơ trầy, rách thực quản rất cao khi can thiệp thủ thuật lấy dị vật.
Đêm trực ngày 8/10/2016, khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa gắp dị vật thực quản thành công cho một bé trai 3 tuổi quê Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nhập viện vì nuốt đau.
Qua thăm hỏi bệnh, cha bé cho biết, ông nội trông cháu và cháu nuốt dị vật lúc nào không biết. Bé than đau cổ, người nhà đưa bé vào bệnh viện huyện Trảng Bàng, tình Tây Ninh rồi chuyển lên bệnh viện Củ Chi, tại đây bé được bác sĩ cho chụp X quang thấy dị vật cản quang vùng cổ nên chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1.
Qua thăm khám và X quang cổ thẳng nghiêng, bác sĩ trực đêm nhận định dị vật cản quang vẫn nằm nguyên vị trí ở miệng thực quản. Dị vật rất to, hình chữ thập chiếm hết lòng thực quản, nguy cơ trầy, rách thực quản rất cao khi can thiệp thủ thuật lấy dị vật.
Sau khi gây mê, mất hơn 15 phút xoay trở, ê kíp phẫu thuật cẩn thận tìm cách gắp dị vật ra khỏi miệng thực quản một cách nhẹ nhàng. May mắn, sau khi đã gắp dị vật ra, soi kiểm tra thấy lòng thực quản chỉ tổn thương niêm mạc ít.
Một số trường hợp khác khi dị vật kẹt ở vùng thực quản, nếu lòng thực quản bị tổn thương nhiều, sau gắp dị vật, bé phải nằm viện lâu và phải ăn qua ống sonde dạ dày lâu dài, rất khó chịu.
Hiện tại, tình hình sức khỏe của bé đã ổn định, cha mẹ cùng những người thân trong gia đình và ê kíp y bác sĩ khoa Tai mũi họng rất vui mừng khi nhìn thấy bé vui vẻ và bình yên trong vòng tay mọi người.
Qua trường hợp trên đây, các y bác sĩ muốn nhắc nhở đến các bậc phụ huynh nên trông cháu nhỏ thật cẩn thận, không nên cho các cháu bé chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ, dễ làm cho các bé tò mò rồi bỏ vào miệng ngậm, nuốt làm các bé sẽ bị dị vật gây ra hậu quả nhiều lúc thật đáng tiếc.
BS. Phạm Đoàn Tấn Tài
(Khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1)
Nước mắm: Nên quan tâm đến kim loại nặng hơn là độ đạm
http://danviet.vn/kinh-te/nuoc-mam-nen-quan-tam-den-kim-loai-nang-hon-la-do-dam-716420.html
(Dân Việt) Trao đổi với PV Danviet sáng nay, ông Lê Ngọc Anh, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Lê Gia (Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng: “Theo tôi, người tiêu dùng nên quan tâm tới hàm lượng kim loại nặng là chì, là salen… chứ không phải là nồng độ đạm, cái này mới là nguy hiểm ”.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội VINASTAS cho biết: “Mục đích của khảo sát này là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của ngành nước mắm chứ không có ý làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp".
Sau thông tin của VINASTAS, công bố, trao đổi với PV Danviet sáng nay, ông Lê Ngọc Anh, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Lê Gia (Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng: Trong báo cáo mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố: “Nồng độ đạm càng cao thì Arsen càng cao”. Thực tế, người tiêu dùng cũng chưa hiểu đúng về vấn đề này, bởi thường thì việc sản xuất nước mắm truyền thống độ đạm rất khó vượt ngưỡng 40 độ.
“Trừ khi cơ sở sản xuất mua máy cô trên không. Quá trình cô sẽ làm bay hơi nước, nhưng sẽ phá hủy các axit amin, giá trị dinh dưỡng trong nước mắm… thì nồng độ đạm mới đạt được 60-70 độ. Và nếu vậy thì mùi vị tự nhiên của nước mắm cũng sẽ mất và nồng độ Arsen cũng sẽ cao hơn” – anh Lê Ngọc Anh nói.
“Theo tôi, người tiêu dùng nên quan tâm tới hàm lượng kim loại nặng là chì, là salen… chứ không phải là nồng độ đạm, cái này mới là nguy hiểm ” ông Anh nói thêm.
Nước mắm công nghiệp không phạm quy nhưng cần phải minh bạch. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm theo khẩu vị, nhưng nhà sản xuất cần phải minh bạch về thành phần.
“Mặc dù các phụ gia vẫn nằm trong danh mục cho phép, nhưng pha thế nào, lượng bao nhiêu….có kiểm soát không? nếu sử dụng một lượng lớn phụ gia như vậy trong thời gian dài thì cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe không”, ông Anh nói.
Về vấn đề nhận diện nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống, Tiến sĩ, Trần Thị Dung, nguyên cán bộ khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho rằng, không khó để người tiêu dùng có thể phân biệt.
Bằng việc đọc thông tin về cách sản xuất và thành phần ghi trên nhãn sản phẩm. Ví dụ, nước mắm truyền thống có ghi rõ nồng độ đạm, thường thì nồng độ đạm không bao giờ vượt quá 35-40gN/L. Nước mắm công nghiệp ngoài ghi nồng độ đạm, còn ghi cả các chất phụ gia trong nước mắm.
“Nước mắm truyền thống ngon sẽ mang một mùi vị thơm dịu, mặn và ngọt có hậu vị hài hòa, bùi bùi. Còn nước mắm công nghiệp dùng hương nhân tạo để tạo mùi, hóa chất phụ gia trong nước mắm sẽ làm cho sản phẩm có mùi lạ, sộc ngay lên mũi” – bà Dung nói.
Còn theo ông Lê Ngọc Anh thì nước mắm truyền thống có vị mặn đậm đà. Nó được tạo thành từ công thức muối 3 cá 1, không dùng chất bảo quản. Khi nếm có cảm giác ở đầu lưỡi là mặn, rồi lan tỏa mặn - ngọt. Trong khi đó nước mắm công nghiệp có vị ngọt lợ của đường hóa học và điều vị. Nước mắm truyền thống cũng có màu vàng tươi cánh gián, còn nước mắm công nghiệp có màu vàng nhạt.
Áp dụng thành công phương pháp lấy sỏi thận qua da
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/ap-dung-thanh-cong-phuong-phap-lay-soi-than-qua-da-659439.html
PL)- Tin từ BV ĐH Y Dược TP.HCM ngày 18-10 được TTXVN dẫn cho biết bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận qua da.
Đây là phương pháp kỹ thuật cao, ít sang chấn thay thế cho phương pháp mổ hở truyền thống.
Bệnh nhân là một phụ nữ 59 tuổi, nhập viện vì đau hông trái kéo dài nhiều năm, đã đi khám ở các bệnh viện khác và đều được chỉ định mổ hở lấy sỏi, thậm chí có nơi còn yêu cầu cắt bỏ thận có sỏi. Sau khi thăm khám và chụp CT-scan, các bác sĩ khoa Tiết niệu BV ĐH Y Dược TP.HCM phát hiện người bệnh bị sỏi san hô kích thước 74 x 48 mm, chiếm hết toàn bộ thận và các đài thận. Đây là trường hợp sỏi thận phức tạp, hiếm gặp.
Trải qua bốn lần nội soi gắp sỏi, hiện người bệnh đã sạch gần 98% sỏi. Vụn sỏi còn lại sẽ tiếp tục được tán sỏi ngoài cơ thể cho sạch hết. Trường hợp này không cần truyền máu, người bệnh xuất viện khỏe mạnh.
N.ANH
Tầm soát ung thư miễn phí cho 500 phụ nữ
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/10/438028/
(SGGP)- Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Bệnh viện Ung bướu TPHCM phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư ngày mai tươi sáng - Chi nhánh TPHCM tổ chức chương trình khám và phát hiện sớm bệnh ung thư vú miễn phí cho 500 chị em phụ nữ nhằm phòng và phát hiện sớm căn bệnh này.
Đối tượng là chị em phụ nữ từ 40 tuổi trở lên hoặc các chị em phụ nữ từ 35 tuổi trở lên nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái mắc bệnh ung thư vú. Địa điểm tầm soát tại Khoa Tầm soát ung thư (lầu 1, Khu E - Bệnh viện Ung bướu TPHCM). Thời gian: sáng thứ bảy (22-10); các sáng chủ nhật (23-10; 30-10; 6-11 và 13-11). Có thể đăng ký trước qua điện thoại: (08) 38418929, trong giờ hành chính từ thứ hai - thứ sáu (gặp cán bộ y tế Trần Ngọc Quỳnh Như hoặc Lê Thị Kim Hằng).
GIA PHÚ
Sợ phẫu thuật, bệnh nhân bị “tảng” sỏi san hô lấp đầy thận
Sau lần phẫu thuật nhiều đau đớn nhưng sỏi thận vẫn tái phát, nữ bệnh nhân sợ đụng dao kéo khiến bệnh diễn tiến nặng. Sau gần 6 năm phát triển, “tảng” sỏi như san hô biển đã chiếm toàn bộ bể thận và các đài thận, gây đau đớn kéo dài.
Ngày 18/10, thông tin từ ThS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị sỏi thận rất lớn dạng san hô. Bệnh nhân là bà Võ Thị S. (59 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau hông trái kéo dài nhiều năm.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân từng phẫu thuật lấy sỏi thận một lần, tuy nhiên, bệnh lại tiếp tục tái diễn. Hơn 5 năm trước, bệnh nhân biết mình bị sỏi lớn ở thận trái, đã được bác sĩ chỉ định mổ hở để lấy sỏi. Tuy nhiên, do ám ảnh từ đợt “dao kéo” lần trước nên bệnh nhân từ chối phẫu thuật. Tiếp đó, khi bệnh trở nặng, bà đi kiểm tra thì được tư vấn phẫu thuật cắt bỏ thận. Nhưng cũng như lần trước, bà S. chấp nhận sống chung với sỏi thận vì sợ.
Trước cảnh đau đớn triền miên của bà S. gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y Dược kiểm tra. Qua các kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định người bệnh bị sỏi thận dạng san hô. Do không được can thiệp sớm nên sỏi phát triển lớn (kích thước 7,4cm x 4,8cm) chiếm toàn bộ bể thận và các đài thận. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài, người bệnh không chỉ bị sỏi tàn phá khiến thận mất hoàn toàn chức năng mà còn gây nhiễm trùng tái đi tái lại, nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi hội chẩn với sự chấp thuận của bệnh nhân các bác sĩ quyết định can thiệp nội soi qua da lấy sỏi cho người bệnh. Ê kíp phẫu thuật đã tạo một đường hầm nhỏ xuyên từ ngoài da vào trong thận, dùng tia laser tán sỏi và gắp vụn sỏi ra ngoài. Do tảng sỏi quá lớn nên phải mất 4 lần nội soi gắp sỏi, bác sĩ mới lấy được 98% “tảng” sỏi khổng lồ trong thận người bệnh. Hiện, bệnh nhân vẫn còn 1 mảnh vụn 5mm còn sót lại, dự kiến bà S. sẽ được tiếp tục tán sỏi ngoài cơ thể cho đến khi sạch hoàn toàn. Sau can thiệp, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng thận của người bệnh để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Thông tin chuyên môn từ BS Hoàng Đức cho hay, sỏi thận là bệnh thường gặp ở người Việt Nam. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở những người từ 40 đến 70 tuổi. Khoảng 30% người bị sỏi thận diễn tiến âm thầm không có triệu chứng đặc hiệu, người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi cơ thể gặp phải các biến chứng mủ thận, suy thận, sốc nhiễm trùng.
Nguyên nhân sỏi thận ở người Việt Nam có thể do khí hậu nhiệt đới nên khả năng mất nước trong cơ thể làm tăng cao sự cô đặc của nước tiểu, các tinh thể can xi dễ lắng đọng trong nước tiểu, hình thành sỏi. BS Hoàng Đức khuyến cáo cộng đồng, giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa sỏi thận là uống nhiều nước (từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày). Người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm sỏi thận qua phương pháp siêu âm bụng.
Vân Sơn
Bé 3 tuổi thoái hóa đốt sống cổ vì sự dễ dãi của bố mẹ
http://soha.vn/be-3-tuoi-thoai-hoa-dot-song-co-vi-su-de-dai-cua-bo-me-20161017161756796.htm
Bỏ qua tất cả những lời "báo động đỏ", tỉ lệ trẻ em sử dụng điện thoại và máy tính bảng như một món đồ chơi không những không giảm mà còn có xu hướng ngày càng gia tăng.
Đã có hàng trăm bài báo viết về tác hại của việc cho trẻ em dùng điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (Ipad). Đã có hàng ngàn ý kiến của các chuyên gia cảnh báo về những hiểm họa khôn lường từ việc này đối với trẻ em. Thế nhưng...
Video dưới đây là câu chuyện về bé Phương Phương (3 tuổi) ở Trung Quốc. Cũng như nhiều gia đình hiện nay, do bố mẹ sớm cho trẻ tiếp xúc với thiết bị di động, nên Phương Phương có "niềm say mê" với thiết bị công nghệ từ lúc 2 tuổi.
Ngày 11/6/2016, Phương Phương tự nhiên bị sốt cao 38,5 ℃. Sang ngày thứ hai thì bố mẹ thấy em có hiện tượng bị vẹo cổ sang bên trái và cứ thế giữ yên không quay được. Bé quấy khóc dữ dội, bố mẹ vội vàng đưa đến bệnh viện.
Tại BV Phổ nhân, Giám đốc, BS Hồ Tiểu Quân chẩn đoán là viêm amiđan mủ cấp tính, do thoái hóa đốt sống cổ, tổn thương nặng vùng cơ trên phần cổ, cần phải lập tức điều trị phục hồi chức năng, trị liệu nhanh để hồi phục công năng hoạt động của cổ.
Căn bệnh này còn gây hậu quả khác là vào mùa hè, nếu cha mẹ không chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận, trẻ có hệ thống miễn dịch yếu có thể dễ dàng dẫn đến bệnh tật.
BS Quân cho rằng, mới chỉ 3 tuổi mà đã bị thoái hóa đốt sống cổ như vậy thì quả thực cần phải báo động đặc biệt đối với các bậc phụ huynh.
Nguy cơ 'đầu độc' mới: Nghi án thịt lợn nhiễm chất gây ung thư
Sau chất cấm Salbutamol, hiện trên thị trường lại xuất hiện một chất tăng trọng, tạo nạc mới trong thịt lợn có tên Cysteamine. Đáng lo ngại là nếu người ăn thịt lợn có tồn dư chất tạo nạc mới này trong thời gian dài dễ mắc bệnh ung thư.
Chất tạo nạc Tàu được dùng tràn lan
Cách đây hơn một năm, cả nước rúng động với thông tin chất cấm salbutamol được sử dụng tràn lan từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến các trang trại, bởi lợn ăn chất này sẽ có tác dụng bung đùi, nở vai, giảm tỷ lệ mỡ, tăng tỷ lệ nạc.
Người tiêu dùng ăn phải loại thịt này có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, đến nay, việc sử dụng chất này gần như đã được kiểm soát và bước đầu khống chế.
Nhưng điều đáng cảnh báo là gần đây, trong quá trình thanh tra, cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT lại phát hiện ra một chất tạo nạc, tăng trọng lượng cho lợn mới là có tên Cysteamine.
Tại cuộc họp bàn về việc cấm hay cho phép sử dụng chất Cysteamine vào ngày 13/10, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết, chất tạo nạc, tăng trọng mới này có nguồn gốc từ Trung Quốc, đang được sử dụng phổ biến từ Bắc vào Nam.
Theo ông Việt, lực lượng chức năng liên tục phát hiện có tình trạng các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và cả người nuôi sử dụng Cysteamine. Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyện ngành (Thanh tra Bộ) nói thêm, quá trình thanh tra phát hiện Cysteamine được sử dụng tràn lan tại Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La.
Mới đây, Thanh tra Bộ đã phát hiện một công ty ở Bình Lục, Hà Nam trong vòng 3 tháng đã nhập khẩu tới 7 tấn Maxsure. “Giá họ mua vào là 4,1 triệu đồng/gói 25kg ở phía Bắc và ở phía Nam là 5,5 triệu đồng và một số người dân ở Hưng Yên chúng tôi đã phát hiện được có dùng Cysteamine và mức họ mua là 6,5-10 triệu đồng/gói 25kg".
Các doanh nghiệp rất thích dùng chất Cysteamine vì buôn chất này hiện lãi hơn rất nhiều so với buôn ma túy. Trong khi đó, cám được trộn với chất Cysteamine bán rất chạy, thậm chí còn cháy hàng, ông Dũng chia sẻ.
Ăn thịt lợn tồn dư Cysteamine có nguy cơ bị ung thư
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Cysteamine là một peptit có hoạt tính sinh học, có thể sinh ra trong cơ thể, là chất chuyển hóa từ Cystein, có công thức hóa học: C2H7NS (HSCH2CH2NH2), nồng độ trong máu thấp (khoảng 10µM).
Trong y học, từ năm 1994, Cysteamine được sử dụng để điều trị một số bệnh liên quan đến thận, cơ, tuyến giáp, não và mắt. Gần đây, Cysteamine được sử dụng để điều trị những bệnh rối loạn suy giảm thần kinh do di truyền trong các bệnh Huntington và Parkinson.
Trong chăn nuôi, thú y, Cysteamine kết hợp với Dexamethasone và axit ascorbic điều trị một số bệnh rối loạn trao đổi chất như: Bệnh thở thơm và mất tính ham ăn ở bò, ngựa; viêm vú; viêm tử cung và mất sữa ở lợn nái. Cysteamine kích thích tăng trọng nhanh, tăng khả năng ăn vào, giảm mỡ lưng, tăng tỷ lệ nạc, có thể nói đây là chất gián tiếp tăng trọng vật nuôi.
Nhiều nghiên cứu trên động vật cho rằng liều cao Cysteamine là nguyên nhân loét tá tràng (hoặc viêm loét dạ dày và tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa), hoại tử vỏ thượng thận và di tật thai nhi.
Đặc biệt, theo Viện Thú y, Cysteamine được sử dụng như một phụ gia thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trưởng thì những người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt, suy yếu hệ thống miễn dịch,...
Trong khi các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT vẫn còn đang tranh cãi về vấn đề cấm hay cho phép sử dụng chất Cysteamine trong chăn nuôi (hiện Trung Quốc là quốc gia quy nhất trên thế giới quy định Cysteamine CH1 được sử dụng làm phụ gia chăn nuôi), thì người tiêu dùng tỏ ra bất an, sợ mua phải các loại thịt tồn dư chất Cysteamine.
Chị Phạm Thu Ngân ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi có thông tin lợn được nuôi bằng chất tăng trọng, tạo nạc chị đã không dám mua ở chợ, chỉ ăn thịt lợn ở quê gửi lên vì nhà nuôi bằng cám gạo, cám ngô.
“Gần đây tôi mới ra chợ mua thịt lợn ăn vì thấy cơ quan chức năng nói là đã kiểm soát được việc sử dụng chất cấm. Thế mà giờ đây chất tạo nạc mới lại xuất hiện, người nuôi còn sử dụng nhiều hơn cả chất cũ. Mà ăn nhiều thịt lợn tồn dư chất này cũng có nguy cơ gây ung thư. Nên mấy ngày nay tôi chỉ lo mua phải loại thịt có chất độc hại”, chị Ngân lo lắng.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hải Hà (Thành Công - Ba Đình - Hà Nội) cũng chia sẻ, thịt lợn là món ăn phổ biến, ở thành thị hầu như mâm cơm nhà nào cũng có món thịt lợn.
Song, trước thông tin về chất tạo nạc mới, bà cảm thấy vô cùng bất an. Theo bà Hà, đã là chất có nguy cơ độc hại cho sức khỏe con người thì cơ quan chức năng nên cấm sử dụng. Hiện nay đã có rất nhiều loại thuốc hữu cơ không gây hại thay thế nên việc cấm hóa chất trên là cần thiết và không có lý do nào để chần chừ
Bảo Phương