Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra việc ứng phó dịch MERS của Hà Nội
VTV.vn - Sáng nay (18/6), Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra việc đáp ứng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nếu có bệnh nhân nhiễm MERS - CoV xâm nhập vào Việt Nam.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và con người, đủ năng lực để xét nghiệm và phát hiện sớm virus Corona gây bệnh MERS.
Cũng trong sáng nay, Bộ Y tế sẽ làm việc với UBND thành phố Hà Nội về khả năng ứng phó nếu có bệnh nhân MERS xâm nhập vào Hà Nội. Tất cả các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã được tập huấn về nhận biết, điều trị và dự phòng lây nhiễm chéo.
Hiện nay, Hà Nội đã tập huấn cho tất cả các bệnh viện về nhận biết, điều trị và dự phòng lây nhiễm chéo. Các bệnh viện được chỉ định đón nhận bệnh nhân MERS đã sẵn sàng và bố trí khoa phòng để cách ly cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân MERS, kể cả tính đến trường hợp xấu nhất sẵn sàng cách ly cả bệnh viện. http://vtv.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-y-te-kiem-tra-viec-ung-pho-dich-mers-cua-ha-noi-20150618052554505.htm
Tạm dừng ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú tại BV Ung bướu Nghệ An
Cuối năm 2014 BV Ung bướu Nghệ An công bố chữa khỏi ung thư vú ca đầu tiên nhờ ghép tế bào gốc. Tuy nhiên Bộ Y tế cho rằng, BV công bố như vậy là sai bản chất, gây hiểu lầm và BV phải dừng phương pháp này cho đến khi chứng minh được hiệu quả.
Theo đó, cuối năm 2014 Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố thành công Ca ghép tế bào gốc trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam bằng ghép tế bào gốc. Đây là một bệnh nhân nữ 53 tuổi, ở thị trấn Yên Thành, Nghệ An; được xác định bị ung thư vú bên phải thể ống xâm nhập độ II.
Sau sự kiện này, rất nhiều chuyên gia về ung bướu hàng đầu đã có văn bản gửi lên Bộ Y tế vì rất nhiều người bệnh muốn chuyển về Nghệ An, Huế để chữa trị bằng cách ghép tế bào gốc để chữa trị ung thư vú. Trước sự việc này, Bộ Y tế đã giao Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo tìm hiểu vấn đề.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết, việc bệnh viện công bố chữa khỏi ung thư vú nhờ ghép tế bào gốc gây hiểu nhầm cho người bệnh và người dân, là sai bản chất vấn đề.
Sau cuộc họp vừa diễn ra giữa Bộ Y tế với Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện tạm dừng phương pháp này.
“Trong cuộc họp mới tổ chức bàn về phương pháp điều trị này, bệnh viện cho rằng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị suy tủy đã được Bộ Y tế cho phép. Đúng là Bộ Y tế đã cấp phép ghép tế bào gốc nhưng với mục đích điều trị suy tủy. Việc BV lại công bố lần đầu tiên sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh ung thư là sai về mặt bản chất, gây hiểu nhầm cho người bệnh và người dân. Nếu muốn thông tin, bệnh viện chỉ có thể công bố khả năng hỗ trợ của ghép tế bào gốc, còn không thể công bố nhờ ghép tế bào gốc điều trị khỏi ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Hai việc này hoàn toàn khác nhau giữa hỗ trợ điều trị và có tác dụng trị bệnh”, ông Quang nhấn mạnh.
“Bởi trong điều trị ung thư, các liệu pháp hóa chất, xạ trị có tác dụng phụ là gây suy tủy xương. Ghép tế bào gốc điều trị suy tủy xương là giúp tăng thể lực, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân chứ không có căn cứ nào chứng minh ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng hiệu quả. Vì thế, trước mắt Bộ yêu cầu tạm dừng ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An”, ông Quang khẳng định.
Theo các chuyên gia việc công bố gây hiểu nhầm như vậy thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự sống của người bệnh. Ở VN, Bộ Y tế mới cho phép ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc trung mô điều trị viêm khớp, thí điểm ghép tế bào gốc điều trị tim mạch... vì đã chứng minh được hiệu quả của nó.
Còn với các loại ung thư khác, đến nay tế bào gốc chưa được chứng minh có thể tiêu diệt được tế bào ung thư hay khống chế sự phát triển của ung thư. Nghiên cứu trên thế giới cũng chưa có chỉ định ghép tế bào gốc để điều trị những bệnh lý này.
“Việc khiến người bệnh hiểu nhầm thông tin, đợi chờ, mong muốn ghép tế bào gốc có thể mất đi cơ hội điều trị của người bệnh. Bởi ung thư vú tiên lượng điều trị rất khả quan nến phát hiện sớm, có thể kết hợp phẫu thuật, điều trị hóa chất để kéo dài sự sống cho người bệnh”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, quan điểm của Bộ Y tế là ủng hộ các bệnh viện nghiên cứu, phát triển kỹ thuật mới. Tuy nhiên nếu Bệnh viện muốn dùng tế bào để điều trị ung thư vú thì phải xây dựng đề tài khoa học chi tiết, phải đánh giá được hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư sau ghép tế bào gốc. Trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ có hội đồng thẩm định dựa trên khoa học, đạo đức và quyền lợi của người bệnh để xem có cho phép hay không vì đây là phương pháp mới. http://dantri.com.vn/suc-khoe/tam-dung-ghep-te-bao-goc-dieu-tri-ung-thu-vu-tai-bv-ung-buou-nghe-an-1086629.htm
Đình chỉ 2 thuốc điều trị dạ dày không đạt chất lượng
(HQ Online)- Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập và các công ty liên quan đình chỉ lưu hành thuốc viên bao tan trong ruột Prazovite, thuốc Mirazole điều trị viêm loét dạ dày do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Cụ thể, đình chỉ lưu hành thuốc viên bao tan trong ruột Prazovite (Pantoprazole 40mg), SĐK: VN-8095-09, số lô: U060211401, HD: 12-1-2017 do Công ty U Square Lifescience Pvt.Ltd., India sản xuất và Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex NK.
Đình chỉ lưu hành thuốc Mirazole (Lansoprazol capsule 30mg), SĐK: VN-12871-11, số lô: MZV004, NSX: 10-6-2014, HD: 9-6-2017 do Công ty Miracle Labs Ltd., India sản xuất, Công ty cổ phần tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco NK..
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu chi nhánh Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex tại Hà Nội, Công ty Cổ phần tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco phối hợp với nhà cung cấp và phân phối gửi báo cáo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng và tiến hành thu hồi toàn bộ các lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên và gửi báo cáo thu hồi về Sở Y tế Hà Nội.
Các đơn vị y tế trong và ngoài công lập rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Phòng Y tế các quận, huyện thông báo đến các cơ sở hành nghề, các nhà thuốc và kiểm tra việc đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn quản lý.
Sở Y tế giao bộ phận thanh tra là thường trực, phối hợp cùng các bộ phận chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát việc thu hồi, báo cáo thu hồi và xử lý thuốc thu hồi. http://www.baohaiquan.vn/pages/dinh-chi-2-thuoc-da-day-khong-dat-chat-luong.aspx
Rút số đăng ký lưu hành thuốc omeprazole capsules
Cục Quản lý Dược vừa mới có Quyết định về việc dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ đăng ký thuốc...
Cục Quản lý Dược vừa mới có Quyết định về việc dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ đăng ký thuốc, rút số đăng ký lưu hành thuốc ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký tại Việt Nam đối với thuốc omeprazole capsules (omeprazole 20mg); là thuốc thường được dùng trong điều trị chứng trào ngược dịch dạ dày - thực quản, loét dạ dày - tá tràng, hội chứng Zollinger - Ellison; số đăng ký VN-11336-10 do Công ty Syncom Formulations (India) Ltd đứng tên đăng ký do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế.
Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi toàn bộ thuốc nêu trên. Các cơ sở nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu thuốc này thực hiện thông báo thu hồi, thu hồi và báo cáo kết quả thu hồi thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký lần đầu, hồ sơ đăng ký lại và không cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đã nộp, ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ nhập khẩu thuốc đối với các thuốc do Công ty Syncom Formulations (India) Ltd đăng ký hoặc sản xuất trong thời hạn 24 tháng. http://suckhoedoisong.vn/duoc-si-tu-van/rut-so-dang-ky-luu-hanh-thuoc-omeprazole-capsules-20150618171158128.htm
Bảo vệ, trông xe bệnh viện phải học cách ứng xử với người bệnh
Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện không chỉ tập huấn cho các bác sĩ, nhân viên y tế mà ngay cả nhân viên hành chính, bảo vệ trông xe cũng cần phải được tập huấn kỹ năng ứng xử, giao tiếp với người bệnh.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Kế hoạch này nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh; đồng thời nhằm tạo điều kiện tốt để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam,
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu toàn bộ ngành y tế thực hiện 8 hoạt động cụ thể đó là: Tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; Thành lập các đơn vị chăm sóc “khách hàng”; Quy định trang phục của cán bộ y tế; Tiếp tục thực hiện “đường dây nóng”; Duy trì, củng cố hòm thư góp ý; Triển khai Đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện”; Xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; Ký cam kết và thực hiện các nội dung cam kết.
Về vấn đề tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện không chỉ tập huấn cho các bác sĩ, nhân viên y tế mà ngay cả nhân viên hành chính, bảo vệ trông xe cũng cần phải được tập huấn. Trước hết, cần phải tập huấn theo các tình huống giả định, các mẫu ứng xử với từng đối tượng người bệnh khác nhau, tại từng địa điểm khác nhau trong bệnh viện mà Bộ Y tế xây dựng.
Ngoài ra, trong kế hoạch này Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến việc tiếp nhận và xử lý những phản ánh và thắc mắc của người bệnh và người dân tới các cơ sở y tế. Bởi vậy, việc tiếp tục triển khai, kiên toàn và hoàn thiện đường dây nóng là rất cần thiết. Do đó, các bệnh viện tuyến trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trong toàn ngành phân công công chức, viên chức trực điện thoại “đường dây nóng” 24/24h.
Về việc xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực, Bộ Y tế yêu cầu các khoa, phòng, bệnh viện quán triệt khẩu hiệu: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, Bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần phải tăng cường các giải pháp nhằm khắc phục những hành vi ứng xử không tốt của cán bộ y tế đối với người bệnh như thờ ơ, cáu gắt, hách dịch, cửa quyền, có biểu hiện gợi ý nhận tiền, quà, gây phiền hà cho người bệnh…
Ngoài những yêu cầu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế còn triển khai một số các hoạt động khác như: triển khai bộ phận chăm sóc “khách hàng”, quy định về hòm thư góp ý, tiếp sức người bệnh trong bệnh viện. Đặc biệt là việc triển khai quy định về trang phục y tế nhằm giúp người bệnh và nhân dân biết các chức danh chuyên môn nghề nghiệp của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh…
Để thực hiện được kế hoạch trên, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu cán bộ y tế ở tất cả các cấp ký cam kết và thực hiện các nội dung như: nhân viên y tế trong các khoa phòng cam kết với Trưởng khoa, phòng; Trưởng các khoa, phòng ký cam kết với Giám đốc bệnh viện; Giám đốc bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố ký cam kết với Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế ký cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế; Giám đốc các Sở Y tế ký cam kết với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố.
Tất cả các hoạt động này sẽ được triển khai thực hiện ngay từ tháng 6/2015 và sẽ được thanh tra, kiểm tra thường xuyên từ tháng 8/2015. http://khampha.vn/tin-nhanh/bao-ve-trong-xe-benh-vien-phai-hoc-cach-ung-xu-voi-nguoi-benh-c4a338276.html
Quản lý lịch tiêm ngừa của trẻ bằng mã số
“Bộ Y tế đang phối hợp đơn vị chuyên môn xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhằm hạn chế thấp nhất trẻ bị bỏ sót các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng dịch vụ”.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý vaccine và xét nghiệm thuộc Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết thông tin trên tại hội thảo đánh giá kết quả triển khai hệ thống báo cáo tiêm chủng dịch vụ được tổ chức vào sáng 18-6.
Theo ông Trường, trẻ vừa ra đời sẽ có mã số riêng và được lưu vào phần mềm máy tính. Cha mẹ gõ mã số sẽ biết trẻ phải tiêm vaccine ngừa bệnh gì, vào thời điểm nào. “Hệ thống phần mềm quản lý tiêm ngừa cho trẻ sẽ thống nhất trên phạm vi cả nước. Do vậy, dù trẻ có dịch chuyển nơi cư trú thì cơ quan y tế vẫn nắm được lịch tiêm ngừa của trẻ” - ông Trường nói.http://phapluattp.vn/suc-khoe/quan-ly-lich-tiem-ngua-cua-tre-bang-ma-so-563189.htm
An toàn thực phẩm Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức
Thực phẩm không đảm bảo chất lượng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Môi trường ô nhiễm, sử dụng vô tội vạ hóa chất, chất bảo quản bị cấm trong sản xuất, chế biến là thách thức lớn đối với chất lượng thực phẩm.
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng, để quản lý được chất lượng nguồn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn là nhiệm vụ không đơn giản của cơ quan chức năng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 40 triệu vụ ngộ độc xảy ra, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 50%. Theo tổ chức Y tế thế giới, 50% ca tử vong trên toàn cầu có liên quan đến thực phẩm.
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, cho hay: ở các quốc gia đang phát triển, ước tính mỗi năm có 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra. Tiêu chảy do thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 2,2 triệu người, hầu hết trong số đó là trẻ em.
Chế độ ăn uống không lành mạnh, liên quan tới 4 trong 10 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên thế giới như: thừa cân béo phì, huyết áp cao, đường huyết cao, cholesterol cao. Hiện số người thừa cân béo phì ngày càng tăng, chi phí chống béo phì toàn cầu ước khoảng 2 nghìn tỷ USD mỗi năm, nhưng chưa có sự phối hợp giữa các quốc gia để giảm tỷ lệ thừa cân béo phì.
Trong Hội thảo Vệ sinh an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng (diễn ra ngày 18/6 tại TPHCM) ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, Đảng - Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật có liên quan, Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản nghị định. Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng thực phẩm đang là vấn đề đáng lưu tâm, tính riêng năm 2014, trên cả nước có tới 194 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 5.203 người mắc, 43 người chết.
Việt Nam đang phải đổi mặt với nhiều thách thức do cây trồng vật nuôi bị nhiễm hóa chất kim loại nặng thải ra từ các khu công nghiệp dưới dạng khí thải, nước thải, chất thải rắn không qua xử lý. Tình trạng sử dụng các hóa chất ngoài danh mục hoặc chất bị cấm như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, các chất bảo quản, phụ gia, chất ngọt tổng hợp, phẩm màu công nghiệp… trong chế biến, bảo quản thực phẩm dễ dẫn đến ô nhiễm.
Nhiều nguồn thực phẩm nhập khẩu không đảm bảo từng được phát hiện như: sữa nhiễm Melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc, thạch rau câu có chất phụ gia chứa DEHP, hạt trân châu có chứa a xít maleic (chất gây suy thận) có nguồn gốc Đài Loan, hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, hàng chục tấn thịt bò Úc, Canada hết hạn 2 năm… cho thấy chất lượng thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu qua biên giới còn nhức nhối: gà thải loại (có năm đến 8 triệu con), hóa chất, chất bảo quản trong trong trồng trọt chăn nuôi tràn vào theo con đường phi pháp.
Theo phân tích của ông Mạnh Hùng, người tiêu dùng sử dụng phải nguồn thực phẩm không đảm bảo một phần là do thông tin quảng cáo tràn lan thiếu kiểm chứng, quảng cáo không trung thực gây nhầm lẫn; nguồn cung ứng tiếp thị của các công ty thiếu thông tin cập nhật khiến người tiêu dùng ngày càng khó lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh.
Trước vấn đề trên, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kiến nghị Nhà nước không cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng động vật, gà thải loại từ nước ngoài, có giải pháp cứng rắn ngăn chặn thực phẩm Trung Quốc không an toàn nhập lậu qua biên giới như: phủ tạng động vật, trứng gia cầm, hoa quả…
Mặt khác, chính người tiêu dùng đang thiếu kiến thức về các loại thực phẩm, trong đó thiếu cả kiến thức cơ bản nhất về những loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên như: cá nóc, ốc biển, so biển, độc tố trong nấm, nấm mốc là nguyên nhân đã và đang gây ra hàng loạt vụ ngộ độc cấp tính, mạn tính.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo, để tránh sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tránh ăn phải các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên. Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm sai phạm, cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường. http://dantri.com.vn/suc-khoe/an-toan-thuc-pham-viet-nam-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-1086912.htm
Đề nghị giữ nguyên trang phục điều dưỡng viên
“Đề nghị giữ nguyên quy chế trang phục y tế hiện hành, sử dụng màu trắng cho cả bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế, nữ hộ sinh, kể cả tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân”.
Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục đã có văn bản với nội dung như trên gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế về đề án trang phục mới của nhân viên y tế đang được Bộ Y tế xây dựng.
Hội Điều dưỡng Việt Nam cho rằng hầu hết nội dung trong quy chế trang phục hiện hành là khoa học và phù hợp điều kiện Việt Nam, đề nghị Bộ Y tế cân nhắc hiệu quả và tác động của quy chế trang phục mới, với những thay đổi đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để triển khai. Trước đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra dự thảo quy chế trang phục y tế mới, đề xuất chỉ bác sĩ mới mặc áo blouse trắng như hiện hành; điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế, nhân viên hành chính trong bệnh viện sẽ mặc các kiểu và màu áo khác nhau. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150618/de-nghi-giu-nguyen-trang-phuc-dieu-duong-vien/763176.html
Dịch MERS-CoV là bệnh đặc biệt nguy hiểm
Bộ Y tế vừa có quyết định bổ sung dịch bệnh MERS-CoV vào danh mục các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm...
Theo thông tin Quyết định số 2369/QĐ-BYT, dịch bệnh MERS-CoV được đưa vào danh mục các bệnh đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 3, của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Quyết định trên của Bộ Y tế căn cứ vào tính chất nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong của Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV); căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/08/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế đồng thời xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
Các cơ quan chức năng liên quan trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày 16/06/2015.
Gần 90 tỉ đồng để chống dịch MERS
Theo kế hoạch phòng chống MERS-CoV, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương dự trù kinh phí cho tình huống khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam là trên 88 tỉ đồng.
Sáng 18/6, trước tình hình dịch MERS-CoV tại Hàn Quốc diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương.
Báo cáo với Bộ trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện cho biết, trong 2 tuần vừa qua, mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm MERS do đi từ các vùng có dịch đến khám. Một số trường hợp còn chủ động xin cách ly luôn.
Tuy nhiên đến nay tất cả các trường hợp xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với MERS, một số ca sốt xét nghiệm dương tính với cúm A.
Bệnh viện cũng đã bố trí 2 phòng riêng biệt ngay bên ngoài khu khám bệnh để tiếp nhận những trường hợp đến khám vì nghi ngờ.
Theo kế hoạch phòng chống MERS-CoV, Bệnh viện bệnh nhiệt đới TƯ dự trù kinh phí cho tình huống khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam là trên 88 tỉ đồng.
Tình huống xuất hiện ca bệnh là gần 105 tỉ đồng; Khi dịch lây lan trong cộng đồng là 133 tỉ.
Chi phí này bao gồm toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, đào tạo, tập huấn, vệ sinh môi trường, truyền thông...
Sẽ cách ly bệnh nhân MERS khỏi nội thành
PGS.TS Kính cho biết, trường hợp số ca mắc MERS ít, bệnh viện sẽ dành toàn bộ khoa cấp cứu tầng 2 để cách ly, đồng thời lên danh sách những người tiếp xúc bao gồm cả người nhà và nhân viên y tế yêu cầu ăn ở luôn tại bệnh viện để tránh lây lan ra cộng đồng. Nếu đông hơn nữa, sẽ tính đến phương án cách ly toàn bệnh viện.
Tuy nhiên kế hoạch này không nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Y tế.
Theo Bộ trưởng, khi dịch MERS vào Việt Nam cần phải chuyển toàn bộ bệnh nhân sang cơ sở 2 của Bệnh viện Nhiệt đới tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội để cách ly. Hệ thống máy móc, nhân viên y tế cũng phải đi theo và ăn ở luôn tại đó, tránh lây lan ra cộng đồng.
"Cơ sở 1 hiện quá chật chội, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất nhanh. Khi có ca bệnh càng không thể đưa sang Bạch Mai nơi mỗi ngày tiếp đón 3.000-5.000 bệnh nhân. Tốt nhất tiến hành cách ly tại cơ sở 2, tránh tình trạng phải đóng cửa bệnh viện", Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành Y tế cam kết sẽ bổ sung kinh phí để mua thêm máy thở, máy lọc máu, phục vụ công tác phòng chống dịch, giảm tối đa tỉ lệ tử vong.
Bà cũng khuyến cáo, người dân cần thay đổi thói quen kéo theo đông người khi đi thăm bệnh nhân để hạn chế lây nhiễm.
Xác định chống nhiễm khuẩn là khâu then chốt, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh cho biết, đến nay 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã được kích hoạt công tác này.
Bộ Y tế cũng đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho các khu vực tập trung đông người Hàn Quốc sinh sống và khu vực đông người Việt Nam từ Hàn Quốc trở về.
Tính đến ngày 18/6, sau gần 1 tháng phát hiện ca nhiễm MERS đầu tiên, Hàn Quốc đã ghi nhận 165 ca nhiễm với 23 trường hợp tử vong. Riêng ngày 18/6 có thêm 3 ca tử vong mới trong đó có 2 y tá ở 2 bệnh viện địa phương tham gia chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/244839/gan-90-ti-dong-de-chong-dich-mers.html |
Hà Nội chi 25 tỷ đồng phòng chống dịch MERS
VTV.vn - TP. Hà Nội đã chi 25 tỷ đồng để mua trang thiết bị phục phòng chống dịch, tổ chức tập huấn và truyền thông cho người dân về dịch bệnh MERS.
Sáng nay (18/6), Bộ Y tế đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội và kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh MERS của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại buổi làm việc, Bộ Y tế khẳng định phải tăng cường giám sát để không có ca nhiễm MERS xâm nhập vào Việt Nam.
Cũng tại buổi làm việc, UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đã chi 25 tỷ đồng để mua trang thiết bị phục phòng chống dịch, tổ chức tập huấn và truyền thông cho người dân về dịch MERS. Hiện Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn trong việc giám sát người trở về từ vùng dịch và trang thiết bị vẫn còn thiếu để xét nghiệm xác định ca bệnh đầu tiên.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ về vấn đề xét nghiệm và con người nếu phát hiện bệnh nhân nhiễm MERS. Hà Nội đã tập huấn cho tất cả các bệnh viện về việc nhận biết, điều trị và dự phòng lây nhiễm chéo. Các bệnh viện được chỉ định đón nhận bệnh nhân MERS đã sẵn sàng và bố trí khoa, phòng để cách ly cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm MERS và trường hợp xấu nhất là sẵn sàng cách ly cả bệnh viện.
Trước đó, Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân MERS tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 2 - 3 người nghi nhiễm MERS đến làm xét nghiệm.
Nhằm đối phó và phòng lây chéo trong bệnh viện, Bệnh viện đã tổ chức phòng khám riêng và lối đi riêng cho bệnh nhân nghi nhiễm MERS. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và con người, đủ năng lực để xét nghiệm và phát hiện sớm virus Corona gây MERS.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nghĩ tới phương án nếu có bệnh nhân MERS xâm nhập vào Việt Nam thì chuyển hệ thống điều trị và xét nghiệm ra cơ sở 2 ở Đông Anh để tránh lây nhiễm rộng. http://vtv.vn/xa-hoi/ha-noi-chi-25-ty-dong-phong-chong-dich-mers-20150618132524098.htm
Lập phòng khám riêng cho bệnh nhân về từ vùng dịch MERS
ANTĐ - Đây là yêu cầu của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước tại cuộc họp về dịch MERS vừa diễn ra.
Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện cần lập một phòng khám riêng các trường hợp có tiền sử đi từ vùng có dịch MERS với các triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…), tránh để người bệnh đi lại nhiều nơi trong bệnh viện.
Tại buồng khám riêng biệt này phải khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ các nước vùng Trung Đông và Hàn Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính do MERS cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho Y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời. http://www.anninhthudo.vn/khoe-dep/lap-phong-kham-rieng-cho-benh-nhan-ve-tu-vung-dich-mers/616742.antd
Tập huấn phát hiện sớm bệnh MERS-CoV
Tại Thái Nguyên ngày 17-6, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế nhằm phát hiện sớm bệnh do virus MERS-CoV, cách ly kịp thời, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh cũng như tại cộng đồng.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết bệnh do virus MERS-CoV có đặc điểm thời gian ủ bệnh lâu (2-14 ngày), khó phân biệt với một số bệnh như cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, vì vậy cán bộ y tế phải khai thác tiền sử đi lại xem có đi từ vùng có dịch về không. Đặc biệt, các cơ sở y tế phải bố trí phòng khám riêng để khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm phải cách ly tạm thời và lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, MERS-CoV có thể xuất hiện ở bất cứ địa phương nào bởi mỗi ngày có hàng ngàn người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đó là người đến Việt Nam du lịch hoặc là người lao động trở về địa phương. Do đó việc phát hiện trường hợp bệnh đầu tiên rất quan trọng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay đến ngày 17-6 đã có 1.329 nhiễm MERS-CoV, trong đó có 466 ca tử vong tại 26 nước. http://phapluattp.vn/suc-khoe/tap-huan-phat-hien-som-benh-merscov-562599.html
Phòng MERS-CoV: Hãy đeo khẩu trang y tế khi vào bệnh viện
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế đi vào bệnh viện nếu không cần thiết, khi phải vào bệnh viện, cần đeo khẩu trang y tế.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc và một số quốc gia trên thế giới, chiều 18/6, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với Văn phòng EOC để đánh giá công tác phòng chống dịch MERS-CoV đã triển khai trong thời gian qua và chỉ đạo triển khai các hoạt động thực hiện trong thời gian tới đáp ứng tình huống dịch bệnh. Tham dự cuộc họp còn có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ).
Tại buổi họp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới tính đến sáng ngày 18/6/2015. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, có 1.332 trường hợp nhiễm MERS-CoV tại 26 nước, trong đó có 470 ca tử vong. Hai quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất là Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út.
Đại diện WHO đưa ra nhận định về một số yếu tố góp phần làm cho dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc lan truyền, khó kiểm soát, như: Đây là một bệnh mới với hầu hết các nhân viên y tế Hàn Quốc; Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện chưa được thực hiện tốt; Các phòng hồi sức tại bệnh viện quá đông và có nhiều giường bệnh trong một phòng nên dễ dàng bị lây truyền bệnh đường hô hấp; Người dân có thói quen đi khám tại các cơ sở y tế khi có bệnh; Một số bệnh nhân nhiễm MERS-CoV đi khám nhiều cơ sở y tế khác nhau để kiểm chứng kết quả chẩn đoán và điều trị; Phong tục khi đau ốm có nhiều người thân, bạn bè, các thành viên gia đình đến thăm, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện làm tăng nguy cơ lây nhiễm thế hệ hai giữa những người tiếp xúc…
WHO cũng nhận định đây là dịch lớn và phức tạp nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các biện pháp y tế thông thường như phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện. Các chuyên gia cũng cho biết vi rút MERS-CoV tại Hàn Quốc chưa có sự biến đổi về gen và cách lan truyền.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông thông tin nhằm ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, rút kinh nghiệm từ bài học của y tế Hàn Quốc. Song song với việc cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tới người dân, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan đưa ra những khuyến cáo rõ ràng, cụ thể, thiết thực để nhân viên y tế và cộng đồng hiểu rõ hơn về dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch MERS-CoV.
Cán bộ y tế cần được biết những thông tin hướng dẫn cụ thể về điều trị, chăm sóc và xử lý rác thải sinh hoạt của bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV để tránh trường hợp lây nhiễm bệnh. Các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện và các cơ sở y tế cũng phải được thông tin, tập huấn đầy đủ, chi tiết.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhanh chóng và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch MERS-CoV trên các phương diện: Kiểm tra, giám sát; Tập huấn, diễn tập; Điều trị; Xét nghiệm; Công tác truyền thông; Công tác hậu cần.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành với các Bộ, Ban, Ngành nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch MERS-CoV. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, thông tin sẽ được đẩy mạnh hơn thông qua hệ thống Website chính thức, Fanpage của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng.
Đồng thời, Bộ Y tế xây dựng sổ tay về phòng chống dịch MERS-CoV, các tờ rơi, poster bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả Rập hướng dẫn cho khách nhập cảnh và người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.
Vì MERS-CoV lây truyền theo đường hô hấp nhưng có thể thông qua tiếp xúc gần, dùng chung vật dụng với người bệnh… nên chúng ta có thể phòng bệnh bằng cách để môi trường thông thoáng, đeo khẩu trangkhi đi đến nơi đông người, đặc biệt là các cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hạn chế đi vào bệnh viện nếu không cần thiết, khi phải vào bệnh viện, cần đeo khẩu trang y tế. http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/phong-mers-cov-hay-deo-khau-trang-y-te-khi-vao-benh-vien-20150618204316692.htm
Tỉnh Lào Cai tăng cường phòng chống MERS-CoV ở mức cao
Ngày 18/6, Sở Y tế Lào Cai cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch MERS-CoV trên thế giới và các nước cận kề Trung Đông, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và Bộ Y tế, các cơ sở y tế của tỉnh đã tăng cường phòng chống MERS-CoV ở mức cao.
Các cửa khẩu, các điểm du lịch và các cơ sở thu dung điều trị dự phòng đã được tăng cường tối đa về quân số và trang thiết bị.
Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nơi có lượng khách thường xuyên qua lại đông, trong đó có những hành khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau, ngành đã bố trí 2 máy soi thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra sức khỏe hành khách nhập cảnh đề phòng mang theo mầm bệnh từ các quốc gia có dịch MERS-CoV.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Lào Cai, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm hoặc nghi MERS-CoV trên địa bàn, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này đang được ngành y tế triển khai giám sát chặt dịch xâm nhập ngay tại cửa khẩu.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai Nông Văn Hùng cho biết bên cạnh việc phòng chống, ngành đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không hoang mang về dịch bệnh, tránh lẫn lộn triệu chứng hô hấp thông thường với MERS-CoV để rồi đổ dồn lên tuyến trên, gây hiện tượng quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.
Ngành Y tế tỉnh đã có phương án thành lập các cơ sở khám và điều trị cách ly đặt tại các trung tâm tuyến tỉnh và huyện./.http://www.vietnamplus.vn/tinh-lao-cai-tang-cuong-phong-chong-merscov-o-muc-cao/328600.vnp
Bình dương: 68% phụ nữ mang thai có HIV là công nhân
Ngày 17/6, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có buổi làm việc với ngành y tế và tập huấn trao đổi thông tin với báo chí tại tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ Vương Thế Linh - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương - cho biết, mỗi năm toàn tỉnh có từ 12-14 nghìn phụ nữ sinh con, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV toàn tỉnh chỉ đạt 80%.
Qua rà soát từ tháng 1/2014 đến hết tháng 3/2015, có 96 phụ nữ có HIV sinh con tại tỉnh, 68% là công nhân và đến từ tỉnh khác. Trong đó, có 3 trẻ sinh ra dương tính với HIV.
1. Đối diện nguy cơ bệnh HIV/AIDS bùng phát mạnh trở lại
http://infonet.vn/doi-dien-nguy-co-benh-hivaids-bung-phat-manh-tro-lai-post166873.info
18/06/15 13:00
Nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang bị cắt giảm dần dần và khả năng đến 2017, nguồn viện trợ này sẽ bị cắt hoàn toàn.
Người mắc bệnh tăng hàng năm
Tại lớp tập huấn về công tác phòng chống HIV/AIDS vừa được tổ chức tại TPHCM, TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, 5 tháng đầu năm 2015, trên cả nước ghi nhận 3.204 người nhiễm HIV mới, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.326, số người nhiễm HIV đã tử vong là 438.
Lũy tích sau 25 năm Việt Nam đã có hơn 300.000 người nhiễm HIV/AIDS, số bệnh nhân hiện còn sống là hơn 227.000 người. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được báo cáo, rất nhiều người bị nhiễm HIV nhưng không đi xét nghiệm, dự đoán con số này khoảng 270.000 người.
Hiện nay, 100% tỉnh thành phố đã có dịch HIV; 98,9% số huyện có người nhiễm, 80,3% số phường xã có người bệnh và số người nữ mắc bệnh đang ngày một tăng. Nhóm tuổi nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung từ 20 đến 40 tuổi.
Đây là nhóm tuổi lao động giữ trụ cột trong sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội; độ tuổi có nhu cầu quan hệ tình dục cao; tuổi có nhiều người tiêm chích; tuổi sinh sản ở nữ giới. Việc nhiễm bệnh trong độ tuổi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội và chất lượng nòi giống.
Con đường lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang ngày một tăng cao, vượt qua lây truyền bằng đường máu. Điều này đã khiến dịch lan rộng ra cộng đồng, khả năng khống chế rất khó vì để thay đổi được hành vi đảm bảo an toàn trong quan hệ tình dục của người dân là một thách thức vô cùng to lớn.
Giám sát trọng điểm cho thấy, cứ 5 gái mại dâm thì có 1 người nhiễm HIV, 10 người nghiện chích ma túy có 1 người nhiễm, đồng thời có đến 20% người nhiễm vừa là mại dâm vừa sử dụng ma túy và có 6,7% tình dục đồng giới nam nhiễm HIV.
Khả năng bùng phát dịch và kháng thuốc ARV
TS.BS Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam nhưng mức độ bao phủ của dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế. Số bao cao su, bơm kim tiêm sạch mới đáp ứng 50% nhu cầu; cai nghiện bằng methadone mới đạt 22% chỉ tiêu và mới quản lý hồ sơ được 15% số người nghiện. Tại miền núi, vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận với các dịch vụ này.
Khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam là viện trợ từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR, World Bank…; 100% tiền thuốc methadone và 95% tiền thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) là từ viện trợ.
Tuy nhiên, một số dự án viện trợ đã kết thúc, một số dự án còn lại đang giảm mạnh kinh phí (Quỹ Toàn cầu ngừng viện trợ đến 2016, PEPFAR đến 2017). Trong khi đó, ngân sách nhà nước đã cắt giảm nghiêm trọng kinh phí cho chương trình này, từ 245 tỷ năm 2013 xuống còn 83 tỷ năm 2014.
Chính vì thế, chương trình can thiệp bao cao su và bơm kim tiêm sạch đang giảm nghiêm trọng: Năm 2014 đã phát 30 triệu bơm kim tiêm sạch cho nhóm tiêm chích ma túy, 30 triệu bao cao su nhưng 5 tháng đầu năm 2015 mới phát được hơn 3 triệu bơm kim tiêm, 1,7 triệu bao cao su do không có kinh phí.
Năm 2015, chỉ tiêu điều trị cai nghiện bằng methadone phải đạt 80 nghìn người nhưng đến tháng 6/2015 cả nước mới chỉ có hơn 30 nghìn bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. Sau thời gian được uống miễn phí, đến nay người bệnh đang phải chi trả khoảng 10 nghìn đồng mỗi ngày cho việc uống thuốc. Bên cạnh đó, vì rất nhiều lý do như sợ vỡ quỹ, thủ tục phức tạp…, hiện nay bảo hiểm y tế vẫn chưa chấp nhận chi trả cho việc xét nghiệm và điều trị HIV.
TS.BS Hoàng Đình Cảnh cho biết, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế cắt viện trợ mà ngân sách nhà nước không đầu tư thì chắc chắn dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại. Thiếu thuốc ARV, nguy cơ lây nhiễm của những người mang bệnh ra cộng đồng là rất cao, người nhiễm sẽ chết, hoặc bị kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.http://www.tienphong.vn/xa-hoi/binh-duong-68-phu-nu-mang-thai-co-hiv-la-cong-nhan-873402.tpo
2,7 triệu USD phòng chống lây nhiễm HIV ở TP HCM
Dự án do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tài trợ với mục tiêu giảm lây nhiễm HIV thông qua các biện pháp dự phòng, cải thiện việc chăm sóc, hỗ trợ điều trị người bệnh.
UBND TP HCM vừa phê duyệt Dự án "Củng cố và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, phòng ngừa và giám sát HIV/AIDS cho các đối tượng có nguy cơ tại TP HCM năm 2015". Tổng kinh phí cho dự án hơn 2,7 triệu USD (hơn 58 tỷ đồng) do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ tài trợ không hoàn lại.
Mục tiêu của dự án nhằm góp phần giảm sự lây nhiễm HIV thông qua các biện pháp dự phòng, cải thiện việc chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Dự án giúp nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống căn bệnh này tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thông qua việc đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên của Ủy ban Phòng chống AIDS thành phố và các đơn vị thứ cấp...
Dự án gồm các hoạt động tư vấn và xét nghiệm, mua sắm hàng hóa, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm và chăm sóc, điều trị người bệnh. Dự án cũng phát triển các nhóm tự lực tại cộng đồng để hỗ trợ người nghiện và tiêm chích ma túy, giúp họ không tái nghiện và hội nhập cộng đồng.
Theo thống kê cuối năm 2014 của Bộ Y tế, với hơn 220.000 người nhiễm HIV được báo cáo, Việt Nam là quốc gia có số ca bệnh thế kỷ đứng thứ 5 khu vực châu Á -Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan). TP HCM có hơn 60.000 người nhiễm HIV tính đến tháng 2 năm nay, trong đó đã tử vong hơn 10.000 người. http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/2-7-trieu-usd-phong-chong-lay-nhiem-hiv-o-tp-hcm-3235790.html
Hiệu quả từ chương trình bệnh viện vệ tinh
VTV.vn - Đã có nhiều kỹ thuật khó về điều trị chấn thương, ung bướu, sản khoa được BV Đa khoa Hà Tĩnh thực hiện thành công sau khi tham gia đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế.
Bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nhưng vẫn trực tiếp được tư vấn về phương pháp chữa trị từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến trên, được thụ hưởng những dịch vụ y tế hiện đại. Đây là kết quả từ quá trình thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh do Bộ Y tế triển khai.
Sau 3 năm tham gia đề án, nhiều kỹ thuật khó trên lĩnh vực chấn thương, ung bướu, sản khoa đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh áp dụng hiệu quả, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và chia sẻ khó khăn cho bệnh nhânhttp://vtv.vn/xa-hoi/hieu-qua-tu-chuong-trinh-benh-vien-ve-tinh-20150618155604489.htm
Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 3000 trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, hở hàm ếch
Đây là con số được tổ chức Operation Smile Việt Nam (Phẫu thuật nụ cười Việt Nam) công bố trước thềm sự kiện gây quỹ thường niên lần thứ 22 có tên “Dạ tiệc nụ cười” sẽ được tổ chức tại TPHCM ngày 27.6.
Theo tổ chức Operation Smile ước tính cứ 700 trẻ em Việt Nam sinh ra thì có một em bị dị tật hở môi hoặc hở hàm ếch. Con số 38.000 trẻ em được khám và điều trị trong suốt 25 năm qua cùng 26 chương trình phẫu thuật đã thực hiện sẽ không thể so sánh được với thực tế là có hơn 3.000 trẻ em sinh ra với dị tật bẩm sinh môi, hàm ếch mỗi năm.
Chương trình “Dạ tiệc Nụ Cười” sắp diễn ra cũng sẽ đánh dấu những thay đổi và nỗ lực của tổ chức trên chặng đường mới với tên gọi “Kỷ nguyên của những Nụ Cười”. Dạ tiệc sẽ đón tiếp hơn 300 khách tham gia với mục đích gây quỹ phẫu thuật cho các trẻ em bị dị tật bẩm sinh hàm - mặt thông qua việc đấu giá các tác phẩm hội họa của họa sĩ trẻ như Trần Đình Khương, Đoàn Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Hoài Thương, Nguyễn Ngọc Anh, Đinh Ngọc Thắng, Phạm Hoàng Anh và một số vật phẩm khác tài trợ bởi các cá nhân và tổ chức khác. http://laodong.com.vn/suc-khoe/moi-nam-o-viet-nam-co-hon-3000-tre-em-sinh-ra-bi-di-tat-bam-sinh-ho-ham-ech-343048.bld
Thầy thuốc bộ đội đến với dân nghèo
QĐND - “Nâng cao y đức, rèn luyện y thuật”, tập trung chăm lo tốt cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho trạm y tế nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa… Những việc làm thiết thực của ngành quân y Quân khu 9 đã góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo…
Trách nhiệm với dân nghèo
Bốn giờ sáng, chúng tôi lên xe cùng đoàn y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9), bắt đầu chuyến hành trình vượt hơn 200km về khám bệnh, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, hộ nghèo tại xã An Minh Bắc-vùng sâu, vùng xa của huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ngồi cạnh tôi là Thiếu tá Đặng Ngọc Thuyết, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức. Anh công tác tại Bệnh viện Quân y 121 đã hơn 20 năm và là một trong những bác sĩ thường xuyên tình nguyện tham gia các chuyến đi về những vùng xa xôi khám bệnh cho dân nghèo. Anh chia sẻ:
- Điểm chung của các đợt khám bệnh, chữa bệnh miễn phí là chúng tôi nhận được sự ngóng đợi của bà con nhân dân, ánh mắt vui mừng biết ơn khi được khám bệnh và nhận thuốc. Đặc biệt là sự quan tâm, nhiệt tình tạo mọi điều kiện của lãnh đạo chính quyền địa phương. Đây cũng chính là động lực, tiếp sức cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ chúng tôi làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc.
Quả đúng như lời anh nói, mới đầu giờ sáng mà đã có hàng trăm người dân đến khu vực trạm xá theo lịch mời đến khám-chữa bệnh. Sau khi đo điện tim, siêu âm và nhận thuốc, ông Thạch Danh, gần 80 tuổi, ngụ ấp Minh Thoại, phấn khởi nói:
- Tôi bị đau nhức khắp người và một số bệnh khác. Bác sĩ đã kê đơn cho thuốc và dặn không được tiếp xúc lâu với nước lạnh hay nằm dưới đất để tránh bị phong hàn. Tôi sẽ uống thuốc và làm theo lời bác sĩ để còn sống lâu với con cháu.
Đến gần 14 giờ, khi khám xong cho người bệnh cuối cùng, đoàn y sĩ, bác sĩ mới nghỉ tay để ăn trưa. Anh Trương Trọng Thể, Bí thư Đảng ủy xã An Minh Bắc tâm sự:
- Xã cách trung tâm huyện gần 20km nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe. Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 121 đến khám-chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí đã góp phần nâng cao ý thức chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, đồng thời củng cố lòng tin yêu của nhân dân với quân đội và chính quyền cơ sở.
Tìm hiểu, tôi được biết từ năm 2010 đến nay, ngành quân y Quân khu 9 đã khám bệnh, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 48 nghìn lượt gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; ngoài ra, ngành còn khám-chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí giúp hơn 36 nghìn lượt người dân các tỉnh nước bạn Cam-pu-chia tiếp giáp vùng biên giới, với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Đại tá Dương Văn Thấm, Chủ nhiệm Quân y Quân khu 9 trao đổi:
- Để tránh tình trạng khám-chữa bệnh miễn phí theo kiểu đại trà, làm cho có, ngành quân y đã đặt ra tiêu chí cụ thể, sử dụng máy móc hiện đại để phát hiện sớm bệnh và nhân viên quân y tận tình tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân. Trong đó, chúng tôi rất chú trọng đến khâu tư vấn cho người bệnh hiểu để phòng bệnh cũng như có kế hoạch chữa bệnh lâu dài. Chính vì vậy, tuy các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc… đều đã có chính sách và sự hỗ trợ từ địa phương, nhưng mọi người dân đều tín nhiệm và mong muốn được các đoàn y sĩ, bác sĩ quân đội đến khám-chữa bệnh.
Chung sức xây dựng tuyến y tế cơ sở
Đại tá, bác sĩ Dương Văn Thấm khẳng định, xây dựng tốt tuyến y tế cơ sở là rất cấp thiết, vì góp phần giảm chi phí, thời gian đi lại, giảm mức độ nguy hiểm đến tính mạng và tăng khả năng sống cho bệnh nhân. Để làm tốt nhiệm vụ này, ngành quân y Quân khu 9 đã phối hợp với ngành y tế các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp thành lập và kiện toàn Ban Quân dân y quân khu và quân dân y các tỉnh, thành phố đúng và đủ thành phần theo quy định để thực hiện nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, cũng như hỗ trợ trang thiết bị y tế và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ y tế tuyến cơ sở.
Trung úy, bác sĩ Nguyễn Văn Hiền, phụ trách Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu cho biết:
- Năm 2014, Bệnh xá Trung đoàn 152, Quân khu 9 và Trạm y tế xã Thổ Châu được kết hợp nâng lên thành Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu. Từ những cơ sở y tế nhỏ lẻ, thiếu thốn, bệnh xá đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại tổng trị giá hàng tỷ đồng. Đồng thời, được ngành quân y quân khu tăng cường một ê kíp phẫu thuật là các y sĩ, bác sĩ quân y có tay nghề chuyên môn giỏi ra đảo tăng cường có thời hạn. Nhờ vậy, bác sĩ quân dân y của bệnh xá vừa được hướng dẫn nâng cao tay nghề chuyên môn, sớm làm chủ được trang thiết bị y tế… góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chức trách được giao. Từ năm 2014 đến nay, bệnh xá đã thực hiện thành công gần 130 ca phẫu thuật tiểu phẫu và 6 ca trung phẫu (5 ca mổ ruột thừa cấp và 1 ca bị dao đâm thấu gan), bảo đảm tốt công tác y tế cho ngư trường vùng biển, đảo Tây Nam.
Đối với những trạm y tế xã vùng biên giới, xã nghèo vùng sâu, vùng xa cũng được sự quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, ngành quân y quân khu đã hỗ trợ kinh phí tu sửa, xây dựng và trao tặng trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu cho 44 trạm xá với tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Hơn nữa, các trạm y tế này đều được giao cho ban quân dân y các tỉnh, thành có trách nhiệm trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, đào tạo chuyên môn để phát huy cao nhất tiềm lực chăm sóc sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh cho đồng bào nghèo nơi biên cương, vùng sâu, vùng xa khu vực Tây Nam Bộ. http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/thay-thuoc-bo-doi-den-voi-dan-ngheo/364856.html
Hải Dương: Lần đầu tiên cứu sống trẻ 27 ngày tuổi bằng ECMO
Ngày 17/6 BV Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhi 27 ngày tuổi bị viêm phổi nặng, suy tuần hoàn bằng phương pháp sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO)
Bệnh nhi may mắn này là cháu P.Đ.Vinh (ở Hải Dương) được chuyển từ BV tỉnh Hải Dương lên BV Nhi trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng, đã được đặt nội khí quản, hô hấp hỗ trợ kèm theo tình trạng nhiễm trùng nặng.
Trước đó, bệnh nhi này đã điều trị tại BV tỉnh Hải Dương 2 tuần với chẩn đoán viêm phổi, nhưng bệnh ngày một nặng hơn, khó thở tăng dần và cần can thiệp hô hấp nhân tạo.
Sau khi chẩn đoán, cháu P.Đ Vinh bị viêm phổi nặng, tràn khí màng phổi, suy tuần hoàn. Bệnh nhi được điều trị tích cực bằng chọc hút và dẫn lưu khí màng phổi, thở máy tần số cao, hỗ trợ tim mạch bằng thuốc vận mạch, điều trị nhiễm trùng và hỗ trợ dinh dưỡng.
Tuy nhiên, dù được điều trị rất tích cực bằng các biện pháp điều trị nội khoa tốt nhất, nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhi vẫn không cải thiện, diễn biến xấu dần. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và chỉ định sử dụng phương pháp cuối cùng là kỹ thuật ECMO bởi nếu không được hỗ trợ kịp thời bằng ECMO, tiên lượng tỷ lệ tử vong có thể lên tới 100%.
Sau 1 tuần hỗ trợ bằng kỹ thuật ECMO, tình trạng bệnh nhi cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi phục hồi, chức năng trao đổi oxy của phổi rất tốt, chức năng các cơ quan ổn định.
Bệnh nhi được rút nội khí quản, tự thở oxy qua mặt nạ, tình trạng nhiễm trùng giảm nhiều. Được biết, trước đó, bệnh viện đã áp dụng thành công phương pháp ECMO cứu sống gần 20 trẻ suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn nhưng với độ tuổi lớn hơn. http://alobacsi.com/tin-y-te/hai-duong-lan-dau-tien-cuu-song-tre-27-ngay-tuoi-bang-ecmo-a20150618111315475c308.htm
Khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân Thạch Mỹ
(Baohatinh.vn) Sáng 18/6, Cục 11 (Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) tổ chức khám chữa bệnh cho người dân xã Thạch Mỹ (Lộc Hà).
Các y bác sỹ Cục 11 đã khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 300 lượt người dân trên địa bàn xã Thạch Mỹ, tổng giá trị các cơ số thuốc khoảng 60 triệu đồng.
Cán bộ, y bác sỹ Cục 11 cũng đã đến thăm hỏi, động viên, tặng 70 suất quà trị giá 35 triệu đồng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn xã; tặng sách vở, giấy bút cho các trường học; tặng dụng cụ y tế cho Trạm Y tế xã Thạch Mỹ và thiết bị văn phòng cho UBND xã Thạch Mỹ với tổng số tiền 70 triệu đồng
Trước đó, vào tối 17/6, Cục 11 (Tổng cục II) phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã Thạch Mỹ tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng, tạo không khí vui tươi, tăng thêm tình đoàn kết quân dân.http://baohatinh.vn/news/nhip-cau-yeu-thuong/kham-cap-thuoc-mien-phi-cho-nguoi-dan-thach-my/97420
Vaccine miễn phí vẫn được ưu ái
KTĐT - Dù những lời than đi kèm với nỗi sốt ruột chờ vaccine dịch vụ vẫn tồn tại ở các điểm tiêm chủng, song không thể phủ nhận, người dân đã có nhận thức tốt hơn đối với vaccine miễn phí.
Vì thế, tỷ lệ trẻ tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại các trạm y tế xã, phường tăng lên rõ rệt.
Tiện cho gia đình
Có mặt ở Trạm y tế xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) trong một buổi tiêm chủng miễn phí đầu tháng 6 dễ dàng nhận ra điều ấy. Dù mới 7 giờ sáng, nhưng đã khá nhiều gia đình đưa con đến tiêm. Thời tiết nắng nóng, oi bức, nhưng khuôn viên trong trạm y tế khá mát mẻ vì được "hưởng" bóng mát của cây, khu vực tiếp đón và theo dõi sau tiêm cũng được bố trí quạt đầy đủ.
Tại đây, các y tá thực hiện tiêm cho trẻ đều đeo khẩu trang, găng tay đảm bảo an toàn. Đa phần phụ huynh đưa con đến tiêm đều tỏ ra hài lòng với cách bố trí, tổ chức tiêm chủng lẫn cách dỗ dành trẻ khi tiêm của các nhân viên y tế. Buổi tiêm ở Trạm y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng diễn ra tương tự. Khu vực ngồi chờ tiêm và theo dõi trẻ sau tiêm 30 phút đan xen cả tiếng khóc "ăn vạ" của trẻ lẫn những lời thăm hỏi, chia sẻ của các bà mẹ xung quanh việc tiêm chủng cho con vào thời gian nào, chọn loại vaccine nào...
Trước đây, lịch tiêm chủng miễn phí cho trẻ theo chương trình TCMR được thực hiện 1 đợt/tháng. Song từ năm 2015, Hà Nội đã thay đổi lịch tiêm chủng cho trẻ thành 2 đợt/tháng, mỗi đợt kéo dài đến 10 ngày. Chị Nguyễn Thị Ngân cho con đến tiêm tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt chia sẻ, lịch tiêm chủng như vậy tiện cho gia đình, nếu không kịp đưa con đi tiêm vào đợt 1 thì vẫn có đợt 2. Cán bộ y tế tại đây cũng phân chia trẻ ở các tổ dân phố theo từng ngày, nên các bé đến tiêm không phải đợi lâu, không phải lo các bệnh lây nhiễm chéo do đông người tập trung. Bên cạnh đó, kể từ khi tại các trạm y tế xã, phường được phép tiêm vaccine dịch vụ đã "mở" thêm cơ hội để người dân tiếp cận thêm với các vaccine không nằm trong chương trình TCMR.
Nâng cao chất lượng bảo quản vaccine
Trước kia và ngay cả bây giờ, các loại vaccine tổng hợp như "5 trong 1", "6 trong 1" luôn đắt giá và đắt khách. Một số cha mẹ hiện nay chưa đặt hết niềm tin vào vaccine miễn phí nên vẫn giữ con chờ vaccine dịch vụ (hiện nguồn dự trữ đang hết). Một số gia đình có điều kiện kinh tế, thì chọn sinh con ở các bệnh viện quốc tế như Việt - Pháp, Vinmex… để được tiêm tại bệnh viện. Tuy nhiên con số đó không nhiều. Điều này được thể hiện khá rõ nét qua con số 11.000 mũi tiêm vaccine Quinvaxem (vaccine "5 trong 1" nhập khẩu từ Hàn Quốc) miễn phí cho trẻ trong 6 tháng đầu năm 2015. Ngoài ra, ngành y tế cũng chủ động trong việc cung cấp vaccine phục vụ người dân. Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chia sẻ, Trung tâm đã yêu cầu các địa phương thống kê và đề xuất lượng vaccine dự phòng, để Hà Nội chủ động báo cáo Cục Y tế dự phòng đặt hàng vaccine phục vụ nhu cầu người dân. Nghĩa là ngành y tế rất nỗ lực để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, trước kia trạm y tế xã, phường khi tổ chức tiêm chủng thì từ sáng sớm phải đến trung tâm y tế quận, huyện để lấy vaccine, sau buổi tiêm nếu thừa phải mang trở lại để bảo quản. Song từ đầu năm đến nay, TP đã trang bị đầy đủ thiết bị bảo quản vaccine cho 584 điểm tiêm chủng thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn, cán bộ trực tiếp thực hiện công việc bảo quản vaccine cũng được tập huấn bài bản. Bên cạnh đó, TP cũng thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng tại các địa phương, nhờ vậy, chất lượng vaccine tiêm cho trẻ sẽ luôn được đảm bảo.
Ông Cảm khẳng định, chất lượng vaccine miễn phí không kém vaccine dịch vụ, chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm không đáng có. Và bản thân người dân cũng sẽ "ưu ái" vaccine miễn phí hơn khi những người làm công tác này tại các trạm y tế xã, phường chủ động nâng cao chất lượng phục vụ. http://www.ktdt.vn/xa-hoi/y-te/2015/06/8102cdf9/vaccine-mien-phi-van-duoc-uu-ai/
Cần Thơ: Khám tư vấn miễn phí bệnh phình động mạch chủ bụng
Chiều 18/6, bác sĩ Lê Quang Võ - Giám đốc Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ cho biết, bệnh này phối hợp với khoa Phẫu thuật tim mạch - BV ĐH Y Dược TPHCM tổ tư vấn và khám miễn phí về bệnh phình động mạch chủ bụng cho bệnh nhân lúc 8h, ngày 20/06/2015.
Chương trình sẽ tư vấn đồng thời siêu âm bụng miễn phí cho 150 người đăng ký tham dự sớm nhất. Bác sĩ Nguyễn Trần Trung Toàn - khoa Ngoại Lồng ngực, bệnh viện ĐKTP Cần Thơ cho biết, phình động mạch chủ bụng là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới. Bệnh tiến triển trong nhiều năm cùng với quá trình xơ vữa động mạch.
Một trong các biến chứng nguy hiểm của phình động mạch chủ là vỡ túi phình, với tỉ lệ tử vong lên đến 85%. Do tiến triển thầm lặng, phình động mạch chủ thường không có các triệu chứng điển hình cho đến khi khối phình to lên và biểu hiện bằng triệu chứng dọa vỡ. Nam giới trên 55 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, các bệnh mạch máu khác và tiền sử gia đình có người mắc bệnh phình động mạch chủ là những đối tượng nguy cơ của căn bệnh này.
Liên hệ đăng ký tham dự miễn phí tại Khoa Ngoại Lồng ngực bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ, ĐT: 01204817071; BS. Nguyễn Trần Trung Toàn, ĐT: 0949.664 492. http://dantri.com.vn/suc-khoe/can-tho-kham-tu-van-mien-phi-benh-phinh-dong-mach-chu-bung-1086911.htm
Việt Nam chưa có Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường
(VnMedia) - Hiện Việt Nam vẫn chưa có Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường (NEHAP), trong khi đó, nước ta đang phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường.
Thông tin trên được PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, chuyên gia cao cấp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế chia sẻ tại "Hội thảo tư vấn Quản lý Sức khỏe Môi trường: Thách thức và lộ trình phát triển" do Hội Y tế công cộng Việt Nam và Tổng Cục Môi trường kết hợp tổ chức sáng 18/6.
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga cũng cho biết, Việt Nam hiện cũng là nước cuối cùng trong ASEAN chưa có NEHAP. Nước ta đang phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường của một quốc gia chậm phát triển cũng như các yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường của quốc gia đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường rất cụ thể như thiêu nguồn nước sạch. Hiện tại mới có 85% hộ gia đình nông thôn có nguồn nước sạch, trong đó, mới hơn 40% đạt tiêu chuẩn nước nông thôn theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Vệ sinh môi trường nước ta cũng kém. Hiện tại chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế và còn gần 4 triệu người vẫn phóng uế ra môi trường.
Đồng thời nước ta đang phải đối mặt với các nguy cơ sức khỏe môi trường do các vấn đề an toàn thực phẩm; ô nhiễm không khí ngoài trời cũng như trong nhà; quản lý chất thải rắn và chất thải lỏng (29 triệu tấn/năm); thảm họa tự nhiên như mưa, bão, lụt, hạn hán; các bệnh lây lan qua môi trường; ô nhiễm nguồn nước, đất do phát triển công nghiệp và nông nghiệp không được kiểm soát; ô nhiễm tại các làng nghề; biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên…
Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, tuy Việt Nam đã có những hoạt động về chuyên ngành sức khỏe môi trường ở các bộ, ngành và các cơ sở nhưng chưa có một hệ thống phù hợp với sự chỉ đạo thống nhất. Trước năm 2014, Bộ Y tế theo truyền thống được coi là cơ quan đầu mối về sức khỏe môi trường nhưng không phân công nhiệm vụ chính thức…
Vì vậy, tại hội thảo trên nhiều đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến và cùng đưa ra quan điểm cho rằng, Việt Nam cần có một lộ trình hành động quốc gia về sức khỏe môi trường với các mục tiêu: nghiên cứu, dự báo, cảnh báo, dự phòng các nguy cơ sức khỏe môi trường và đề xuất các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng có hại lên sức khỏe con người. Việt Nam cần củng cố hành lang pháp lý và thực thi pháp luật; Có cơ quan đầu mối và cơ chế phối hợp liên ngành, hệ thống quản lý thống nhất. Đồng thời, nước ta cần nâng cao nhận thức về sức khỏe môi trường, thiết lập hệ thống đào tạo chuyên về sức khỏe môi trường để có đủ năng lực trong tương lai. http://vnmedia.vn/vn/xa-hoi/dan-sinh/viet-nam-chua-co-ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-ve-suc-khoe-moi-truong-20-3862285.html
Thái Lan xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm MERS
Ngày 18/6, các quan chức y tế Thái Lan thông báo một doanh nhân đến từ Oman, 75 tuổi, đã được xác định nhiễm virus Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS). Đây là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Thái Lan kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát ở Hàn Quốc.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Rajata Rajatanavin khẳng định: "Qua các kết quả xét nghiệm, chúng tôi có thể khẳng định đã phát hiện virus MERS". Bộ trưởng còn cho biết người đàn ông này đã cùng với gia đình tới Thái Lan vài ngày trước.
MERS được phát hiện lần đầu tại Saudi Arabia năm ngoái. Mặc dù số người bị nhiễm còn ít nhưng tỷ lệ tử vong lên tới 60%. Khoảng 75% số ca mắc phải ở Saudi Arabia là nam giới, phần lớn đều có các vấn đề về sức khỏe từ trước. Cho tới nay, nguồn gốc căn bệnh vẫn chưa được xác định. Hiện virus đã lan tới Hàn Quốc, Séc và Đức, gây hoang mang sợ hãi cho người dân tại các quốc gia này.