Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 23 tháng 10 năm 2016

  • |
Tuần tới sẽ công bố nguyên nhân trẻ đầu nhỏ ở Đắk Lắk; Gia tăng ngộ độc ma túy tổng hợp; Lào Cai: Bắt giữ hơn 1 tấn thực phẩm nhập lậu qua biên giới...

Tuần tới sẽ công bố nguyên nhân trẻ đầu nhỏ ở Đắk Lắk

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tuan-toi-se-cong-bo-nguyen-nhan-tre-dau-nho-o-dak-lak-660239.html

http://vov.vn/xa-hoi/tuan-toi-se-cong-bo-nguyen-nhan-chau-be-mac-chung-dau-nho-562485.vov

Theo tin từ Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận khoảng 10 người nhiễm virus Zika. Trong đó, lần đầu tiên phát hiện một cháu bé bốn tháng tuổi ở Đắk Lắk bị chứng đầu nhỏ nghi do virus Zika gây ra. Cháu bé mắc chứng đầu nhỏ tên là H’Lệ, ở huyện Krông Buk, Đắk Lắk, là con của một phụ nữ 23 tuổi, người dân tộc Ê Đê. Khi mang thai cháu H’Lệ ba tháng, người mẹ có triệu chứng sốt, phát ban.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành xét nghiệm năm lần thì cả năm lần đều cho kết quả là trong cơ thể của người mẹ và cháu bé đã có kháng thể đối với virus Zika, chứng tỏ trước đó cả hai mẹ con đều nhiễm virus này. Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết Viện đang phối hợp với ĐH Nagasaki, Nhật Bản để xét nghiệm xem cháu bé mắc chứng đầu nhỏ là do virus Zika hay do những nguyên nhân khác. Tuần tới sẽ công bố kết quả xét nghiệm.Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta đang lưu hành virus Zika trong muỗi Ades (muỗi vằn) nên nhiều khả năng dị tật đầu nhỏ của cháu H’Lệ liên quan đến virus Zika. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai nếu có triệu chứng mắc virus Zika như sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ… cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.

 

Gia tăng ngộ độc ma túy tổng hợp

http://www.baogiaothong.vn/gia-tang-ngo-doc-ma-tuy-tong-hop-d173205.html

Tin từ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, tại đây mỗi ngày cấp cứu cho ít nhất 1-2 trường hợp nhập viện do sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có ma túy đá.

Đa số các trường hợp này đều ở trong tình trạng mất kiểm soát, vật vã, hoang tưởng hoặc nói năng lảm nhảm. Hầu hết các bệnh nhân đó đều còn rất trẻ, từ 20 - 30 tuổi.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng ma túy chủ yếu là heroin thì nay chuyển sang ma túy tổng hợp. Bệnh nhân ngộ độc ma túy tổng hợp thường có khuynh hướng bạo lực, kích động khiến công tác cấp cứu, chữa trị gặp nhiều khó khăn. Ngộ độc ma túy tổng hợp không chỉ ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe, gây hôn mê, co giật tức thời mà còn có xu hướng tự gây thương tích cho bản thân. Bên cạnh đó, cũng gây ra biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, xuất huyết não, viêm cơ, suy thận, rối loạn tâm thần.

 

Lào Cai: Bắt giữ hơn 1 tấn thực phẩm nhập lậu qua biên giới

http://vov.vn/an-sach-song-khoe/lao-cai-bat-giu-hon-1-tan-thuc-pham-nhap-lau-qua-bien-gioi-562683.vov

Lô hàng vận chuyển lậu từ Trung Quốc sang địa bàn gồm các loại chả cá, chả tôm, chả viên, thịt xiên, xúc xích, chim cút mổ sẵn, gà cay…

Vào rạng sáng nay (23/10), trong quá trình tuần tra biên giới, lực lượng biên phòng Lào Cai đã phát hiện, ngăn chặn lô hàng hơn 1 tấn thực phẩm không an toàn trước khi được nhập lậu trót lọt qua biên giới.

Theo đó, khoảng 1h45, tại khu vực sông biên giới Nậm Thi, thuộc địa bàn tổ 10, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, lực lượng biên phòng tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện đối tượng Hà Văn Quyên, sinh năm 1993, dân tộc Thái, trú tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang có hành vi dùng thuyền máy vận chuyển trái phép hàng hóa vượt biên giới bằng đường sông từ Trung Quốc về Việt Nam.

Qua kiểm tra xác minh, lô hàng vận chuyển lậu gồm các loại chả cá, chả tôm, chả viên, thịt xiên, xúc xích, chim cút mổ sẵn, gà cay, thịt lợn ba chỉ, thịt nạc miếng đóng ép túi, sủi cảo gà, vịt… với tổng trọng lượng gần 1,4 tấn, giá trị ước tính khoảng 100 triệu đồng.

Xác định đây là lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng Biên phòng Lào Cai đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tịch thu toàn bộ lô hàng; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy lô hàng theo quy định của pháp luật.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ./.

 

Kiến ba khoang lại xuất hiện nhiều tại Hà Nội

http://anninhthudo.vn/doi-song/kien-ba-khoang-lai-xuat-hien-nhieu-tai-ha-noi/705684.antd

Khoảng 1 tháng trở lại đây, kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều tại Hà Nội, đặc biệt là các khu dân cư ven nội thành. Nhiều người bị kiến ba khoang đốt, nhưng không biết cách xử trí đúng dẫn đến vết thương bội nhiễm, khó lành.

Sau gần 3 tuần bị kiến ba khoang tấn công, vết thương ở tay và má con trai chị Dương Thị Diệp (phường Đại Kim, Hoàng Mai) vẫn chưa lành. Chị Diệp cho biết, dù sống ở tầng 10 của khu chung cư nhưng thời gian gần đây, nhà chị vẫn xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang. Mỗi lần nhìn thấy kiến, chị phải lấy giấy vệ sinh chụp lại, sau đó cho vào bồn cầu xả đi. Cậu con trai của chị khi thấy kiến cũng bắt chước mẹ làm vậy, nhưng do không cẩn thận nên dịch của kiến dính lên tay, rồi lại quệt lên má. Sau 1 đêm ngủ dậy, các vết thương sưng lên thành bóng nước. Chị Diệp ra hiệu thuốc mua thuốc bôi nhưng mấy ngày không đỡ, phải vào viện khám. Ở khu chung cư nhà chị Diệp cũng có nhiều người bị kiến ba khoang đốt, nhiều nhất là trẻ con.

Theo các chuyên gia, hiện miền Bắc vào mùa thu, đây cũng là dịp người dân thu hoạch lúa nên côn trùng, đặc biệt là kiến ba khoang xuất hiện nhiều, nhất là các khu dân cư vùng ven có nhiều cây cối, ruộng vườn xung quanh. Kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng đèn, vì vậy, vào buổi tối điện bật sáng sẽ thu hút kiến bay vào nhà. Độc chất từ kiến ba khoang tùy theo mức độ tiếp xúc với da sẽ gây viêm da nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh cảm thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thì đỏ cộm thành vệt và nổi những mụn nước to nhỏ không đều kích thước 1-5 mm, 1 đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Khi ấy cảm giác đau rát càng tăng, có thể kèm theo sốt, khó chịu...

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám vì bị kiến ba khoang đốt tăng mạnh, mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị khoảng 50-70 bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang. Đa phần do không biết cơ chế gây hại của chúng là từ chất dịch nên nhiều người đã dùng tay không giết kiến rồi bôi lên những bộ phận khác của cơ thể, sau đó lại không điều trị đúng cách dẫn đến biến chứng nặng. Nặng nhất là những vết thương ở khu vực mắt, hay thậm chí là tổn thương bộ phận sinh dục. Rất nhiều bệnh nhân khi đến khám cho rằng bị viêm da do zona (giời leo) nên trước đó đã tự mua thuốc điều trị, song bệnh không khỏi mà còn nặng hơn nên mới đến viện. Có người vào viện khám khi vết thương đã bị bội nhiễm mưng mủ, loang rộng so với ban đầu.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ Khoa Chống độc, Bệnh viên Bạch Mai, để xử lý ban đầu khi bị kiến ba khoang đốt, trong mỗi nhà nên chuẩn bị sẵn các loại dung dịch sát khuẩn (cồn 70 độ, Betadine), mỡ kháng sinh hoặc corticoid và kem phenaegan. Khi bị dính chất độc kiến ba khoang, dùng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng rửa sạch vùng da bị thương, sau đó bôi mỡ kháng viêm corticoid (4-6 lần một ngày), bôi kem phenaegan (8-10 lần một ngày).

Nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người hay quần áo, đồ đạc trong nhà, người dân tuyệt đối không nên dùng tay giết kiến mà nên thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho kiến bò lên rồi lấy ra khỏi người.

Để hạn chế kiến ba khoang, người dân nên đóng cửa, kéo rèm và hạn chế bật đèn. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này. Khi làm việc trên đồng ruộng, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

 

Phẫu thuật thành công cho bé gái có khối u nguyên bào gan lớn

http://www.baogiaothong.vn/phau-thuat-thanh-cong-cho-be-gai-co-khoi-u-nguyen-bao-gan-lon-d173223.html

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư vừa phẫu thuật thành công, cắt gan phải mở rộng cho bé gái 14 tháng tuổi có khối u ác tính lớn ở gan phải.

Bệnh nhi tên Nguyễn Phương L., (14 tháng tuổi, ở Thái Bình) phát hiện khối u ở gan khi mới 9 tháng tuổi. Theo BS. Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi T.Ư, ca mổ khá phức tạp do khối u quá lớn việc phẫu thuật cần đảm bảo diện cắt không còn tế bào ung thư và phần gan trái còn lại đủ cho cơ thể em bé phát triển. Thêm vào đó, phẫu thuật viên còn phải đối diện với nguy cơ bệnh nhân chảy máu trong mổ và rò mật sau mổ. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.

Theo BS. Hiền, u gan ở trẻ em nói chung là bệnh lý tương đối hiếm gặp, chỉ chiếm 1-3% các khối u ở trẻ em. Hầu hết các khối u nguyên bào gan thường bắt đầu ở thùy phải của gan và vị trí di căn phổ biến nhất là phổi. Loại u này chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em từ sơ sinh đến 5 tuổi. Phần lớn các trường hợp xuất hiện trong 18 tháng đầu đời.

 

Chuyển mùa khổ vì zona

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/chuyen-mua-kho-vi-zona-301176.html

Zona là bệnh do vi rút gây nên, tấn công chủ yếu lên da và thần kinh ở vùng da, thường khởi phát đột ngột, diễn biến cấp tính. Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát. Tuy zona là bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị kịp thời, bệnh nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng.

Chuyển mùa khổ vì zona

Bệnh nhân mắc các bệnh về da, zona thần kinh tăng cao khi thời tiết giao mùa

Nguy cơ mắc bệnh cao ở người lớn tuổi

Bệnh zona thường gặp ở mọi lứa tuổi, trừ trẻ sơ sinh nhưng xảy ra ở người lớn nhiều hơn, có tới gần 70% người bị zona trên 45 tuổi, gần 5% trường hợp trẻ dưới 15 tuổi. Người khỏe mạnh cũng bị zona tấn công nhưng thường gặp hơn ở người cao tuổi, càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Tác nhân gây bệnh zona do cùng một loại vi rút gây bệnh thủy đậu là vacirella zoster gây nên, biểu hiện bằng các triệu chứng: sốt, đau rát da như phải bỏng tại chỗ bị vi rút xâm nhập và mụn nước. Người có sức đề kháng kém hoặc đang dùng các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc ức chế miễn dịch, người suy giảm miễn dịch,… là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Nếu không điều trị đúng, bệnh zona nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng. 

Biến chứng thường gặp nhất là đau dây thần kinh sau bệnh zona, nhất là ở người cao tuổi. Các cơn đau đôi khi kéo dài cả năm sau khi vết thương trên da đã lành. Nhiều trường hợp bị biến chứng gây bội nhiễm da, tạo thành mụn mủ loét sâu, viêm màng não, viêm tụy cắt ngang, xuất huyết giảm tiểu cầu,... do điều trị bệnh muộn và sai cách. Nguy hiểm hơn khi zona tấn công dây thần kinh tam thoa ở mặt, mụn nước sẽ mọc trên mặt, trong miệng và mắt, tổn thương vào dây thần kinh thị giác sẽ gây mù mắt, bệnh tấn công vào tai, có thể giảm thính lực.

Chị Nguyễn Kim Ngân phải nhập viện do bệnh zona thần kinh cho biết: “Tôi nhập viện trong tình trạng một bên mắt trái sưng to có những mụn nước đỏ. Ban đầu, nghĩ đau mắt nên tự mua thuốc điều trị đau mắt tại cửa hàng thuốc gần nhà. Ba ngày sau, tôi thấy ngứa, rát và đau mắt nhiều hơn kèm theo xuất hiện nhiều mụn nước hơn, các nốt mụn vỡ da. Vào viện khám, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị zona thần kinh và phải nhập viện để điều trị”.

Một trường hợp khác, anh Trần Quốc Khoa (Vạn Phúc – Hà Đông) cho biết: “Tôi xuất hiện các mụn nước sau gáy, sau ba ngày các vết mụn vỡ ra gây đau nhức. Tôi nhập viện trong tình trạng vùng cổ sau gáy sưng to do những nốt mụn nước đã bị nhiễm trùng”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng - Bệnh viện Da liễu Trung ương, chẩn đoán bệnh zona khi đã xuất hiện mụn nước, bọng nước rất dễ dàng, nhưng chẩn đoán sớm khi mới có triệu chứng đau thường dễ bị nhầm với các bệnh lý đau khác. Các mụn zona chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, phát triển thành từng nhóm nhỏ, trong có nước được gọi là những mụn nước, sau đó vỡ ra để lại sẹo vảy, kéo dài khoảng vài tuần. Trong những trường hợp nặng, mụn nước có thể để lại những vết sẹo vĩnh viễn, đau nhức hoặc có thể hơi tê và làm nhạt màu da.

Điển hình có các biến chứng viêm giác mạc, viêm giác mạc nhu mô, thậm chí loét giác mạc, viêm mống mắt, teo mống mắt,... Một trong số các biến chứng này có khả năng gây mù cho người bệnh nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Nguy hiểm hơn, khi phụ nữ mang thai mắc bệnh zona có thể gây hại cho thai nhi.

Bệnh có khả năng lây nhiễm và phát triển thành dịch

Biểu hiện bệnh ban đầu của bệnh zona là đau dây thần kinh hoặc dị cảm trước khi xuất hiện thương tổn, đau nhức, cảm giác bỏng rát, ngứa, đôi khi thấy bứt rứt khó chịu ở một vùng da. Đau trong giai đoạn này có thể nhầm với đau nửa đầu, thiên đầu thống, đau do bệnh lý tim, đau bụng ngoại khoa.

Tại vùng thương tổn, ban đầu là rát đỏ, sau đó vài ngày các mụn nước mọc thành chùm, liên kết với nhau thành bọng nước, mụn nước xuất hiện và tồn tại vài ngày, sau đó đóng vẩy tiết rồi bong vẩy trong vài ngày đến vài tuần. Giai đoạn mọc mụn nước gọi là giai đoạn hoạt tính của bệnh, tiến triển của bệnh thường lành tính, khỏi sau vài tuần. Triệu chứng đau sau zona thường khỏi sau vài tháng, chỉ có một số nhỏ người bệnh còn đau kéo dài và có khi đến hàng năm. Giai đoạn đau sau zona người bệnh thường bị trầm cảm, một số bệnh nhân có biến chứng bội nhiễm các thương tổn da, viêm não, viêm gan, thận...

Theo các chuyên gia, cũng như bệnh thủy đậu, bệnh zona thần kinh là bệnh truyền nhiễm, có thể phát triển thành dịch vào mùa hè, mùa mưa, khi thời tiết giao mùa do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với những người mắc bệnh. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần và có thể dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác.

Khi ở chung những người mắc bệnh zona, những người đã tiêm ngừa zona hay thủy đậu, không có miễn dịch bền vững vẫn có thể lây bệnh thông qua việc tiếp xúc thông thường như dùng chung khăn mặt, khăn tắm với người bệnh. Khi những mụn nước do bệnh zona đã khô, bệnh không còn khả năng lây nhiễm. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ người bị nhiễm sang trẻ em hay người lớn mà những người này trước đây không mắc bệnh thuỷ đậu, những người đã mắc bệnh thuỷ đậu sẽ không bị nhiễm zona từ người khác.

Điều trị sớm bệnh zona thần kinh ngay sau khi phát hiện bệnh là điều cần thiết. Một số loại thuốc được khuyến cáo nên dùng khi phát hiện bị zona thần kinh như: thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc làm dịu da khi bị bỏng rát; thuốc chống nhiễm khuẩn và ức chế virus phát tán...  để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh.

 “Tuyệt đối không được đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam, ngậm rồi phun một loại chất lỏng lên vùng tổn thương da. Cách làm đó không chữa được bệnh mà còn tăng nguy cơ bội nhiễm da, gây loét, kích ứng da... Người bệnh khi thấy những triệu chứng mới hoặc không thể kiểm soát được cơn đau hoặc cơn ngứa, cần đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời”, dược sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

 

Cô bé “chân voi” tiến gần giấc mơ chân sáo đến trường

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/co-be-chan-voi-tien-gan-giac-mo-chan-sao-den-truong-301160.html

Sau  gần chục năm sống chung với căn bệnh “chân voi” quái ác, may mắn đã mỉm cười với cô bé Nguyễn Thị Loan khi được em được một doanh nghiệp Đài Loan đài thọ toàn bộ chi phí để ra nước ngoài trị bệnh. Nhờ vậy, cô bé nghèo đến từ Tây Nguyên đã và đang tiến gần giấc mơ nhảy chân sáo đến trường bằng sự tiến bộ của y học, tình nhân ái của cả cộng đồng và nghị lực của bản thân.

Cô bé Nguyễn Thị Loan (SN 2004, ở xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) là con thứ 2 trong một gia đình nghèo. Ngay từ khi mẹ Loan mang bầu cô bé này, các bác sỹ đã phát hiện phần chân trái thai nhi phát triển dị thường, to gấp nhiều lần phía còn lại. Tuy nhiên, vì thương đứa con đã thành hình nên cha mẹ em vẫn quyết tâm giữ lại cái thai và chỉ biết thầm cầu mong trời Phật phù hộ cho em chào đời mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông.

Ngày Loan chào đời, cha mẹ em mừng rơi nước mắt thấy con gái mình xinh như công chúa với đôi má bầu bĩnh, đôi mắt đen láy, hàng mi cong vút.  Duy chỉ chân trái của em to hơn bình thường, sưng đỏ, cha mẹ em hy vọng rồi nó sẽ “điều chỉnh” lại bình thường.

Đâu ngờ từ lúc em ra đời cũng là bắt đầu cuộc hành trình cả gia đình cùng em chống chọi với căn bệnh quái ác. Do chân trái bị dị tật, to hơn bình thường gây khó chịu, đau đớn nên từ lúc ra đời lúc nào Loan cũng khóc ngằn ngặt, không ngừng nghỉ. Hai mươi ngày tuổi, Loan nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM do chân trái mỗi lúc lại phình to hơn, da căng cứng gây vô cùng đau đớn.

Quyết tâm chữa bệnh cho con, cha mẹ Loan đã lần lượt bán các tài sản, nhà đất trong nhà để có kinh phí đưa con xuống Sài Gòn chữa bệnh. Nhưng bệnh tình của Loan chỉ có thể cầm chừng chứ không khỏi được. Đến năm bé Loan được 3 tuổi, khối u phát triển đột biến khiến chân trái lớn gấp 6-7 lần chân phải bình thường. Cái chân voi như một khối thịt khổng lồ khiến cô bé đau đớn, không thể tự đứng lên, đi lại được. Từ đó, cuộc sống của Loan gắn liền với bệnh viện, với những lần điều trị đau đớn.

Mặc dù bệnh tật vậy nhưng Loan rất thông minh và ham học. Dù cái chân gây đau đớn, khó chịu nhưng ngày ngày Loan vẫn được cha mẹ cõng, chở đến trường, và nhiều năm em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đến năm 2012, chân trái của em đã nặng tới… 15kg, trong khi cả cơ thể chỉ có 25kg. Các bác sĩ trong nước chẩn đoán bé mắc chứng ung thư máu lan tỏa hiếm gặp khiến chân to bất thường, cần có phương tiện điều trị kỹ thuật cao mà các cơ sở trong nước hiện chưa đáp ứng được.

Nghĩa là căn bệnh của Loan nếu có thể chữa trị thì phải ra nước ngoài, phải tốn kém rất nhiều tiền. Trong khi thực tế nhà cửa, ruộng vườn đã được bán để chữa bệnh cho Loan nhưng căn bệnh quái ác vẫn không thuyên giảm.

Chân trái của em vẫn không nhỏ đi mà còn phát triển lấn át khiến phần dưới cơ thể cũng bị ảnh hưởng, biến dạng theo khiến cuộc sống, sinh hoạt của em trở nên nặng nề, bế tắc. Cha mẹ em thương con quặn lòng cũng chỉ biết ngồi nhìn con đau đớn, những tưởng buông xuôi theo số phận.

Nhưng đúng khi hy vọng tưởng chừng như  lụi tắt thì phép màu đã xảy ra. Trong một dịp đoàn công tác của Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan đến thăm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), trường hợp của Loan đã được biết đến.

Cảm động trước nghị lực của cô bé, tổ chức này đã đứng ra làm cầu nối, cùng với Tập đoàn Công nghiệp Hồng Phúc - một doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Việt Nam tài trợ kinh phí để Loan sang Bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc) điều trị theo chương trình y tế nhân đạo.

Tháng 6/2012, lần đầu tiên Loan được xuất ngoại bằng đường hàng không sang Đài Loan điều trị. Lúc này cô bé Loan mới có 8 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 25kg, trong đó riêng phần chân trái đã chiếm tới 2/3 tổng trọng lượng.

Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết trực tràng bệnh nhân bị xuất huyết dẫn tới tình trạng đi ngoài ra máu; 1/5 lượng dinh dưỡng bị chiếc chân quái ác nuốt trọn. Ngoài ra, bộ phận sinh dục của em cũng bị biến dạng; dạ dày phù nề do bị chèn ép; đùi sưng to và lở loét, tình trạng rất xấu. Do Loan còn quá bé, nên các y, bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn khi phẫu thuật. Máu liên tục chảy ra, rất khó cầm lại. Một số bộ phận sưng phù quá lớn nên buộc phải cắt bỏ.

Trải qua 6 tháng đầu tiên, về cơ bản, phần dạ dày, trực tràng và bộ phận sinh dục của Loan được điều chỉnh lại. Chiếc chân trái cũng được xử lý gọn lại. Sáu tháng điều trị bên Đài Loan, bé Loan đã trải qua 8 cuộc phẫu thuật. Khối thịt thừa hơn 15kg ở chân bé tạm thời được cắt bỏ, bộ phận sinh dục cũng được phẫu thuật để trở lại bình thường.

Tuy nhiên, khi về nước căn bệnh quái ác vẫn chưa buông tha em khi chân trái em tiếp tục sưng to, khối u không có dấu hiệu dừng lại. Với quyết tâm chữa bằng được cho cô bé, một lần nữa, năm 2016 Tập đoàn Hồng Phúc cùng các đối tác Đài Loan lại đưa Loan “xuất ngoại”.

Được biết, toàn bộ chi phí cho việc chữa bệnh, ăn ở được Tập đoàn Hồng Phúc đài thọ lên tới 2,5 triệu Đài tệ (17,7 tỷ đồng). Đáp lại sự giúp sức đắc lực về kinh tế của tổ chức từ thiện, cô bé Loan đã kiên trì chiến đấu kiên cường, để một ngày có thể thực hiện giấc mơ được chạy nhảy trên chính đôi chân của mình.

Theo phác đồ điều trị, dự kiến, trong thời gian tới, bé Loan sẽ tiếp tục được xử lý nốt vấn đề với hậu môn. Sau giai đoạn này, cô bé sẽ được tập vận động nhẹ để cơ và gân chân trái linh hoạt trở lại. Được biết, sau rất nhiều ngày phải nằm im, không thể đứng được, đầu tháng 10/2016, dưới sự hướng dẫn của Viện phó Trần Hồng Cơ, cô bé Nguyễn Thị Loan đã lại chập chững bước đi trên chính đôi chân của mình trong hành lang bệnh viện.

Nhiều tiếng vỗ tay, cổ vũ khích lệ cho em, trong nụ cười vui mừng có cả nước mắt. Mặc dù việc đi lại còn khó khăn, nặng nhọc nhưng ai cũng tin rằng rồi đây Loan sẽ đi đứng vững vàng. Đến cuối tháng 11, hai bố con Loan sẽ có thể về Việt Nam.

 

Điều dưỡng 'chẩn đoán' cụ ông mang thai bị đình chỉ công tác

http://phununews.vn/tin-tuc/dieu-duong-chan-doan-cu-ong-mang-thai-bi-dinh-chi-cong-tac-84567/

Vào nhầm mã bệnh khiến cụ ông bị bệnh hen chuyển thành "biến chứng thai nghén", nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị đình chỉ công tác.

Ngày 23/10, ông Võ Viết Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đã đình chỉ công tác điều dưỡng Lê Thị Nga (công tác tại Khoa Nội) để viết tường trình vì tự ý viết giấy ra viện và nhập nhầm mã bệnh cho một bệnh nhân.

Trước đó, sáng 10/10, ông Nguyễn Đình Trương (67 tuổi, trú xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) thấy mệt nên gọi con dâu chở đi khám ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà.

Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị hen, do tăng huyết áp có sẵn "chưa xác định rõ gây biến chứng cho thai nghén, khi đẻ và sau khi đẻ, thận mạn/thiếu máu đề kháng/không xác định".

Ông Trương sau đó được đưa vào khoa Nhi lây cấp cứu vì huyết áp cao. "0h ngày 11/10, ông ra mồ hôi, sau khi tiêm một mũi thuốc bác sĩ chuyển ông lên Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh chưa trị, song gần vào đến nơi thì tắt thở", người con dâu Phan Thị Dung nói.

Người nhà ông Trương bức xúc cho rằng Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà chẩn đoán bệnh "khôi hài", bất hợp lý nên yêu cầu làm rõ.

Theo giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà, hôm xảy ra sự việc, thay vì viết giấy chuyển viện, điều dưỡng Nga đã tự ý viết giấy ra viện cho bệnh nhân Trương. Việc chẩn đoán ông Trương "bị thai nghén" là do lỗi hành chính đơn thuần khi vào mã bệnh, hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn.

"Đáng lẽ điều dưỡng Nga phải áp mã bệnh I10 (tăng huyết áp vô căn) đối với bệnh nhân Trương, song do sơ suất nên đã áp nhầm mã bệnh O10.9 (tăng huyết áp có sẵn chưa xác định chưa rõ gây biến chứng cho thai nghén khi đẻ và sau khi đẻ), từ đó dẫn đến hiểu nhầm", ông Quang nói và cho hay bệnh viện đã đình chỉ công tác điều dưỡng Nga từ hôm thứ 6. Đầu tuần tới, Bệnh viện sẽ căn cứ vào bản tường trình để đưa ra hình thức xử lý.

Ra mắt Đơn vị Điều trị vết thương chuẩn hóa đầu tiên tại TP. HCM

http://suckhoedoisong.vn/ra-mat-don-vi-dieu-tri-vet-thuong-chuan-hoa-dau-tien-tai-tp-hcm-n124005.html

Sáng 22/10 tại TP. HCM, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM (Bệnh viện 1A) phối hợp với Khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động “Đơn vị Điều trị chuyên sâu vết thương bàn chân đái tháo đường và mạn tính”, được chuẩn hóa thông qua việc áp dụng tài liệu “Hướng dẫn thực hành lâm sàng chăm sóc vết thương phần mềm” do Hội Bỏng Việt Nam phát hành tháng 2/2016, đây là tài liệu hướng dẫn điều trị vết thương chuẩn hóa cho nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam. Dự kiến đơn vị điều trị vết thương theo phương pháp mới này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các bệnh viện khác ở khu vực TP.HCM trong năm 2017.

Đái tháo đường (ĐTĐ) hiện nay được xem là đại dịch trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2013 Việt Nam có tỷ lệ mắc đái tháo đường 5.3% dân số tuổi lao động. Theo thống kê của hiệp hội ĐTĐ thế giới (IDF), số lượng bệnh nhân ĐTĐ có vết loét bàn chân chiếm 10% tỷ lệ bệnh nhân điều trị ĐTĐ, trong đó 85% bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ buộc phải cưa chân khi có vết loét dưới bàn chân.

Theo BS. CK2. Đỗ Trọng Ánh - Giám đốc BV 1A, việc đưa vào hoạt động “Đơn vị Điều trị chuyên sâu vết thương bàn chân đái tháo đường và mạn tính” giúp bệnh nhân được điều trị và chăm sóc vết thương theo các kỹ thuật tiên tiến về cắt lọc, xử lý vết thương bằng các băng gạc hiện đại, giảm tải tại chỗ cho vết thương ...., các kỹ thuật và kinh nghiệm này đã được Khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ cũng như hỗ trợ chuyên môn.

Để giảm thiểu rủi ro đoạn chi, giảm bớt thời gian điều trị và tăng hiệu quả kinh tế, đối với bệnh nhân ĐTĐ có vết loét dưới bàn chân, BS. CK2. Trần Đoàn Đạo – Phó Chủ tịch Liên Chi hội Điều trị Vết thương TP.HCM (chủ biên Tài liệu Hướng dẫn Điều trị vết thương phần mềm đầu tiên tại Việt Nam), khuyến cáo tất cả bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi vết thương theo phác đồ chuẩn hóa để vết thương có thể phục hồi trong thời gian sớm nhất.

Khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện 1A để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp chăm sóc vết thương tiên tiến hiện nay, nhằm góp phần giảm tải bệnh nhân tại các Bệnh viện lớn theo như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. ThS. BS. Lâm Văn Hoàng – Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.

 

Xử phạt nghiêm việc cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch

http://suckhoedoisong.vn/xu-phat-nghiem-viec-co-tinh-khong-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-n124004.html

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika và dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có chỉ thị gửi Sở Y tế tất cả các tỉnh thành, yêu cầu khẩn trương tiến hành diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy lần thứ 2. Chỉ thị cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục tiến hành xử phạt nghiêm các tổ chức,cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh do vi rút Zika tiếp tục có những diễn biến khó lường khi hiện tại cả nước đã phát hiện 9 trường hợp dương tính. Đồng thời, bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh.

Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, chủ động phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm và vận động người dân tích cực tham gia, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị  Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn tỉnh, thành phố lần thứ 2 (trong tháng 10 và tháng 11 năm 2016) nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể, vận động mọi người dân tham gia vào hoạt động của chiến dịch. Ngành y tế hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chủ động diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) để phòng chống dịch bệnh; tham mưu cho chính quyền địa phương tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của địa phương.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu địa phương duy trì các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn với nhiều hình thức như: Phát thường xuyên, liên tục các thông điệp truyền thông hướng dẫn người dân diệt loăng quăng (bọ gậy) trên đài truyền hình, đài phát thanh của địa phương, loa đài xã phường, lồng ghép tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong các cuộc họp, hoạt động của Hội, tổ dân phố, sinh hoạt tập thể tại cộng đồng; đặt khuyến cáo phòng chống bệnh do vi rút Zika tại nơi dễ nhìn khu vực cửa khẩu để hành khách đi từ vùng dịch về chủ động theo dõi sức khỏe và khai báo khi cần thiết.

Ngành y tế đẩy mạnh công tác điều tra giám sát trường hợp bệnh và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, chủ động lấy mẫu bệnh phẩm (bao gồm cả mẫu huyết thanh và nước tiểu) các đối tượng nghi ngờ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tăng cường lấy mẫu tại các phòng khám (bao gồm cả phòng khám tư nhân) và cộng đồng do người nhiễm vi rút Zika thường có triệu chứng nhẹ có thể không đến khám và điều trị tại bệnh viện. Ngành y tế kịp thời gửi mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của vi rút Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả trên địa bàn.

Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng là đầu mối chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết và chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” lần 2 trên phạm vi toàn quốc. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em triển khai tốt việc quản lý thai sản, khám, sàng lọc phụ nữ có thai nghi nhiễm vi rút Zika để tiến hành tư vấn và xét nghiệm khi cần thiết.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai tốt công tác phân tuyến, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, tránh hiện tượng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên; tập huấn và tập huấn lại về giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết cho tất cả các cơ sở y tế các tuyến bao gồm cả hệ thống điều trị tư nhân nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” lần 2 tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phụ trách. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm; chuẩn bị đầy đủ vật tư, sinh phẩm chẩn đoán để đáp ứng kịp thời cho công tác giám sát, xét nghiệm, phòng chống dịch.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện Chỉ thị này; chỉ đạo chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành liên quan, các các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, huy động quần chúng nhân dân phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn; đồng thời đáp ứng kinh phí kịp thời và đầy đủ cho công tác phòng chống dịch…

 

Chú trọng hơn nữa đào tạo kỹ năng giao tiếp, ửng xử cho điều dưỡng

http://suckhoedoisong.vn/chu-trong-hon-nua-dao-tao-ky-nang-giao-tiep-ung-xu-cho-dieu-duong-n124003.html

Nhiều nghiên cứu cho thấy, đóng góp của người điều dưỡng trong việc chăm sóc chữa bệnh cho người bệnh chiếm ít nhất 50% trong việc an toàn và chất lượng điều trị cho người bệnh.

Hiện nay, vai trò của người điều dưỡng ngày càng quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đóng góp của người điều dưỡng trong việc chăm sóc chữa bệnh cho người bệnh chiếm ít nhất 50% trong việc an toàn và chất lượng điều trị cho người bệnh.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc đào tạo kỹ năng giao tiếp và ứng xử với người bệnh cho đội ngũ này vẫn còn đang rất thiếu và không được chú trọng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học về điều dưỡng với chủ đề “Xây dựng môi trường an toàn người bệnh: Những bằng chứng trong đào tạo, quản lý và thực hành chăm sóc” vừa diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức.

Có 17 báo cáo được trình bày, trong đó có 14 báo cáo của điều dưỡng các bệnh viện lớn trong cả nước và 3 báo cáo quốc tế không chỉ tập trung vào các vấn đề về chuyên môn nghề nghiệp của điều dưỡng mà còn quan tâm thảo luận đến việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho người điều dưỡng... Bởi đây cũng là nội dung quan trọng mà ngành y tế hướng đến trong Chương trình Hành động quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Theo các chuyên gia, an toàn người bệnh đang là vấn đề thách thức của ngành y tế trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự cố y khoa trong những năm gần đây chiếm tỷ lệ 3,7%-16,6% trên thế giới. Tại Việt Nam, thực trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương… đã khiến công việc của điều dưỡng rất vất vả. Tính trung bình tại các bệnh viện trên thì cứ 1 điều dưỡng chăm sóc từ 4- 6 người bệnh.

Chia sẻ về vấn đề này bên lề hội nghị, GS.TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Việt Đức cho hay, người điều dưỡng có nhiều thời gian tiếp xúc với người bệnh cần phải có thái độ ứng xử tốt đồng thời thực hiện đúng quy trình về chuyên môn. Trước đây, điều dưỡng ở trong nước chỉ qua đào tạo 6 tháng hoặc trình độ trung cấp nhưng ngày nay, chất lượng đào taok điều dưỡng đã được nâng lên ở trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Tại Bệnh viện Việt Đức đã có điều dưỡng trưởng bệnh viện, điều dưỡng trưởng các khoa có trình độ đại học và sau đại học, thậm chí có người còn được đào tạo bài bản về chuyên môn điều dưỡng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, GS.TS Trần Bình Giang cũng thẳng thắn cho rằng, trên thực tế của công tác khám chữa bệnh, đội ngũ điều dưỡng thường tiêp xúc với người bệnh, người nhà bệnh nhân nhiều nhất.“Lời khen, tiếng chê” hay nói cách khác là sự hài lòng của người bệnh/ người nhà bệnh nhân khi đến cơ sở y tế cũng từ đó mà ra. Thế nhưng, điều quan trọng nhất trong việc đào tạo điều dưỡng hiện nay đang bỏ ngỏ là việc tập huấn đào tạo kỹ năng ứng xử và giao tiếp với người bệnh. Đây là một trong những yếu tố đóng góp vào sự thành công điều trị các ca bệnh. Do đó, tại Bệnh viện Việt Đức cùng với việc thường xuyên có các buổi sinh hoạt chuyên môn trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ cho điều dưỡng, công tác tập huấn, đào tạo về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh/ người nhà bệnh nhân thường xuyên được chú trọng…

 

Theo chân các bà các mẹ trong ngày đầu tiên của chiến dịch tầm soát ung thư vú

http://dantri.com.vn/suc-khoe/theo-chan-cac-ba-cac-me-trong-ngay-dau-tien-cua-chien-dich-tam-soat-ung-thu-vu-20161021092913536.htm

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế và các nghệ sĩ, hàng ngàn chị em phụ nữ đã đăng ký và khám miễn phí tại các điểm khám ở Hà Nội và TPHCM trong ngày thứ 7 đầu tiên của Chiến dịch.

Từ 8h sáng nay, tại các bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM, các bà, các mẹ đã có mặt từ sớm để thực hiện tầm soát ung thư vú. Do thực hiện đăng ký trước nên hoàn toàn không có cảnh chờ đợi.Tại bệnh viện K Trung Ương (Quán Sứ), có 2 phòng khám vú, 2 phòng siêu âm và 1 phòng chụp nhũ ảnh sẵn sàng phục vụ chị em tới khám.

BS Nguyễn Xuân Hưng, bệnh viện K Trung ương (Quán Sứ) cho biết, trong hơn 1 tiếng kể từ khi bắt đầu chương trình, BS và cộng sự Nguyễn Duy Thái đã siêu âm khoảng hơn 40 trường hợp và chưa phát hiện trường hợp nào đáng ngờ.

Theo ghi nhận từ ban tổ chức, hàng ngàn phụ nữ đã tới các điểm tầm soát ung thư vú trong ngày thứ 7 đầu tiên thực hiện của chiến dịch tầm soát ung thư vú tuổi 40 do Quỹ Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) tổ chức.

 

Cà Mau: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 92% vào năm 2020

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ty-le-bao-phu-bao-hiem-y-te-tren-92-vao-nam-2020-20161023125851169.htm

UBND tỉnh Cà Mau vừa có quyết định giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ BHYT bao phủ toàn tỉnh là trên 92%.

Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau do ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, cho biết, trong năm 2016, tỷ lệ BHYT bao phủ toàn tỉnh đạt 76,5% (trên 934.000 dân. Mục tiêu đặt ra năm 2017 đạt trên 80,7%; năm 2018 đạt gần 85%; năm 2019 đạt trên 88,5% (gần 1,1 triệu dân) và đến năm 2020 đạt trên 92% (trên 1,1 triệu dân).

So với tỷ lệ bao phủ BHYT theo Quyết định của Thủ tướng (năm 2016: 75%, năm 2017: 79,2%, năm 2018: 83,3%, năm 2019: 86,8%, năm 2020: 90%), tỉnh Cà Mau đều đạt tỷ lệ bao phủ cao hơn, mỗi năm khoảng từ 1-2%.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách, quỹ vì người nghèo hoặc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ 10% mức đóng cho người cận nghèo; hỗ trợ mức đóng BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo 100% người cận nghèo và học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Yêu cầu cấp huyện chỉ đạo cấp xã triển khai xác định hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình để được hỗ trợ mức đóng BHYT. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BHYT trên địa bàn. Yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh mở rộng, đa dạng hóa mạng lưới đại lý thu BHYT; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia BHYT.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; giảm thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh. Yêu cầu Sở GD-ĐT tăng cường các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh-sinh viên và các bậc phụ huynh về trai trò, ý nghĩa, lợi ích của BHYT học sinh-sinh viên.

 

5.000 trái tim kết nối từ tấm lòng

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/5000-trai-tim-ket-noi-tu-tam-long-660369.html

Các bác sĩ và chương trình “Nhịp tim cho em” là người sinh ra các con lần thứ hai. Người mẹ Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ dân phố Lộc An, phường Cam Lộc, TP Nha Trang, Khánh Hòa) bày tỏ lòng biết ơn khi nói đến chương trình  “Nhịp tim cho bé”. Bé Minh Th. con gái của chị Xuân được xác định mắc bệnh tim bẩm sinh khi còn trong bụng mẹ. Bác sĩ khuyên bỏ con để an toàn cho cả hai mẹ con nhưng tình mẫu tử và niềm mong mỏi có con đã giúp chị vượt qua tất cả, chờ đón ngày con chào đời.

Tuần thai thứ 38, con gái chị chào đời được 2,9 kg nhưng không khóc, da tím tái. Bé được đưa vào BV TP Nha Trang, nuôi lồng kính, hồi sức. Đó là triệu chứng của bệnh lý tim mạch bẩm sinh từ bé.

Chị Xuân nuôi con trong khó nhọc khi nhiều tháng liền bé cũng chỉ được 4,7 kg, trong khi phải đủ 10 kg con chị mới có thể được mổ tim. “Có những lúc tôi rơi vô tuyệt vọng, cứ nghĩ mình đã làm sai, đã ích kỷ sinh con ra để con phải gánh chịu nỗi đau đớn một mình mà không cách nào giúp được. Gia đình lại không có điều kiện đưa con đi nhiều nơi. Cho đến khi có đoàn bác sĩ về các xã thuộc TP Nha Trang khám miễn phí, tôi mới biết con mình có cơ hội” - chị Xuân nói.

Trong một chuyến khám và tầm soát tim cho trẻ em ở Khánh Hòa, chị Xuân được BS Cao Đằng Khang, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bé Th. có thể mổ được ở thời điểm này (chưa đủ 10 kg). Và chỉ sau một ngày biết được thông tin, chị cùng chồng khăn gói đưa con vào TP.HCM để được mổ tim miễn phí. Tất cả chi phí mổ tim của con chị Xuân đều được bệnh viện và chương trình lo chu toàn.

Đây chỉ là một trong 5.000 trường hợp mổ tim miễn phí mà các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM và Quỹ tài trợ VinaCapital (VCF) thực hiện nhằm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có cơ hội phẫu thuật tim, thông qua chương trình “Nhịp tim cho em” diễn ra nhiều năm nay.

Bé Trịnh Phúc Gia N., ba tuổi, trở thành nhân vật thứ 5.000 đã được mổ tim thành công cách đây vài ngày. Trước đó khoảng hai tháng, thông qua chương trình khám sàng lọc của chương trình tại Ninh Thuận, bé được chẩn đoán thông liên nhĩ và đưa về BV ĐH Y Dược TP.HCM để điều trị. Do cha của bé cũng mắc bệnh tim nên cuộc sống rất khó khăn, chị Hiền - mẹ của bé không có điều kiện đưa con đi khám.

“Bé sinh ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng cuộc sống vất vả, vợ chồng tôi không đủ điều kiện chữa trị bệnh cho con, chỉ cầu mong bé sống được ngày nào thì mừng ngày đó. Khi nghe thông báo về chương trình khám sàng lọc, chúng tôi vội đưa bé đến khám. Bác sĩ bảo con tôi có khả năng được chữa khỏi, vợ chồng tôi mừng lắm vì con tôi được cứu rồi!” - chị Hiền chia sẻ.

Chỉ sau vài ngày phẫu thuật, bé Gia N. đã phục hồi, nhìn bé chơi đùa trên giường bệnh, mấy ai nghĩ rằng bé vừa trải qua ca phẫu thuật để có được trái tim như bao người bình thường khác, chào đón những hạnh phúc mới vô bờ bến. Và đây là ca thứ 5.000 may mắn được chương trình hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐH Y Dược, người đồng hành cùng chương trình “Nhịp tim cho em” đến các vùng sâu, vùng xa để khám và phát hiện sớm bệnh lý tim mạch cho trẻ em nghèo, chia sẻ: Đây là chương trình đầu tiên mà VCF phối hợp với các bệnh viện với mục đích giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật tim. Chương trình đã thực hiện các chuyến khám sàng lọc đến các vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm các em nhỏ bị tim bẩm sinh chưa từng được chẩn đoán.

Hơn 65.000 trẻ em đã được thăm khám, hơn 8.300 trẻ được phát hiện cần phẫu thuật tim thông qua các chương trình khám sàng lọc. Tính đến tháng 10-2016, chương trình đã cứu sống 5.000 trẻ - đánh dấu chặng đường hoạt động 10 năm của chương trình này.

8/1.000 là tỉ lệ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam. Dựa vào tỉ lệ sinh tại Việt Nam, hơn 12.000 trẻ em được sinh ra mỗi năm với khuyết tật về tim. Trong đó gần một nửa các em cần được phẫu thuật.

 

Con nguy kịch vì cha mẹ tự ý làm bác sĩ

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/con-nguy-kich-vi-cha-me-tu-y-lam-bac-si-660357.html

Những loại thuốc dành cho người lớn mà cha mẹ thường cho trẻ sử dụng và dễ bị ngộ độc như thuốc ho, chống ói, nhỏ mũi.

“Kết quả khảo sát cho thấy 80% trẻ cấp cứu là do sử dụng nhầm thuốc. Trong đó, nguyên nhân do cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc không đúng hướng dẫn chiếm tỉ lệ khá cao” - BS Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM, ngày 22-10 cho biết.

Cách đây không lâu, bé gái VTHT (một tháng tuổi, ở TP.HCM) được đưa vô bệnh viện (BV) chuyên khoa nhi trong tình trạng mê man, ngưng thở, tím tái. Người mẹ cho biết bé thường ho, ọc sữa nên ra tiệm thuốc Tây mua viên thuốc ho Neo Codion. Sau đó, người mẹ nghiền nhỏ và cho bé uống 1/6. Do là ngày đầy tháng của bé nên người mẹ giao bé cho đứa con độ năm tuổi trông chừng rồi lo làm thức ăn đãi khách.

Một tiếng sau, khách quen đến chơi và đi vào buồng thăm bé T. Người này hoảng hồn khi thấy bé tím tái, thở chậm nên vội vàng kêu mẹ bé đưa tới BV. “Do phát hiện kịp thời nên bé T. được cứu sống. Thuốc ho Neo Codion chỉ dành cho người lớn, trong khi bé T. mới một tháng tuổi nên bị ngộ độc cho dù sử dụng liều lượng nhỏ” - BS Cam cho biết.

Mới đây, bé trai NHM (hai tuổi, ở Long An) được đưa vô BV chuyên khoa nhi trong tình trạng ưỡn cổ, gồng người, mắt trợn. Người nhà cho biết bé thường ọc sữa, ọc cháo sau khi ăn. Nóng ruột vì sợ con bị đói nên cha của bé ra tiệm mua viên thuốc chống ói Primperan rồi cho bé M. uống. Tuy nhiên, sau khi uống, bé M. có hiện tượng trên.

“Ngay với người lớn, thuốc Primperan có thể gây ra những cơn co giật. Trong khi bé M. quá nhỏ nên thuốc gây ảnh hưởng quá lớn, cho dù uống liều nhỏ. May mắn là bé M. được các bác sĩ cứu sống” - BS Cam cho biết.

Theo BS Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM, khi trẻ bị bệnh, cha mẹ nên đưa tới bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc để tránh nguy kịch tính mạng. Khi thấy trẻ có hiện tượng ngộ độc thuốc sau khi sử dụng thì cha mẹ tìm cách làm cho trẻ ói ra. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ uống than hoạt tính được nghiền nhỏ, mịn. Than hoạt tính có tác dụng hấp thu độc tố và thải ra ngoài theo phân. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới BV trước sáu tiếng kể từ lúc bị ngộ độc thuốc.

 

Nối gân, xương cho người bị chém dã man ở Sài Gòn

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/noi-gan-xuong-cho-nguoi-bi-chem-da-man-o-sai-gon-335546.html

Đội ngũ bác sĩ 10 người thực hiện ca mổ nối cơ, gân, xương, cứu sống nạn nhân bị chém dã man ở Sài Gòn. Sau khi bị côn đồ truy sát, chém trọng thương, người đàn ông được đưa vào bệnh viên Nhân dân Gia Định cấp cứu. Tại đây, đội ngũ bác sĩ 10 người thực hiện ca mổ nối cơ, gân, xương, cứu sống nạn nhân.

Tin từ bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, chiều 21/10, bệnh viện tiếp nhận một nam bệnh nhân tên Đỗ Thanh Bình (41 tuổi) trong tình trạng đa chấn thương, cẳng tay phải bị chém gần đứt lìa, lộ xương bánh chè gối trái, đứt bán phần cơ rộng đùi trái, mất nhiều máu.

Sau khi hội chẩn, e kíp gồm 10 y bác sĩ tiến hành phẫu thuật nối cơ, gân, xương cho bệnh nhân. Sau hơn 6 giờ thực hiện ca mổ, ông Bình cơ bản qua cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tích cực.

Ông Đỗ Thanh Bình chính là nạn nhân của vụ truy sát xảy ra chiều 21/10 trên đường Đinh Tiên Hoàng (P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Sau khi được phẫu thuật, ông Bình và gia đình bước đầu làm việc với Công an Q.Bình Thạnh để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Theo đó, ông Bình đang chạy xe trên đường thì bị một nhóm người lạ mặt truy đuổi, vung dao chém. Nạn nhân bỏ chạy đến đường Đinh Tiên Hoàng thì va chạm với xe máy khác, ngã ra đường. Lúc này, nhóm côn đồ lao vào truy sát, chém ông bị thương nặng.

Camera giám sát của nhà dân ở hiện trường ghi lại được cảnh ông Bình điều khiển xe tay ga chạy ngược chiều trên đường Đinh Tiên Hoàng hướng từ cầu Bông về chợ Bà Chiểu (P.3, Q.Bình Thạnh) với tốc độ khá cao.

Khi đến điểm ngắt dải phân cách giữa 2 chiều đường (trước trường THPT Võ Thị Sáu, P.3, Q.Bình Thạnh), ông Bình tông vào một xe máy khác đang chuyển hướng, ngã ra đường và bị 4 thanh niên mặc quần áo, đội nón giống công nhân điện lực đi trên 2 xe máy ập đến tấn công.

Nạn nhân bỏ chạy về hướng cầu Bông nhưng bị 3 thanh niên cầm mã tấu truy sát. Đến trước cửa hàng thời trang B.L (P.1, Q.Bình Thạnh), anh B. vấp ngã và bị 2 tên côn đồ lao vào chém tới tấp.

Hiện, công an Q. Bình Thạnh đang khẩn trương truy bắt nhóm hung thủ gây án.

 

Người nghèo thứ 500.000 được mổ mắt miễn phí

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nguoi-ngheo-thu-500-000-duoc-mo-mat-mien-phi-3487899.html

Bà Huỳnh Thị Tánh là bệnh nhân thứ 500.000 được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM tài trợ mổ mắt miễn phí.

Người phụ nữ ở vùng quê hẻo lánh Giồng Trôm, Bến Tre, bị hỏng mắt trái trong một lần gặp tai nạn khi đẩy xe đi bán dừa. Cách đây vài năm, mắt bên phải bị cườm, mờ dần. Không có hơn chục triệu đồng để phẫu thuật, bà Tánh đành chấp nhận sống cảnh tăm tối, mọi sinh hoạt thực hiện theo quán tính. May mắn được chọn mổ mắt miễn phí, bà lên TP HCM tìm lại ánh sáng.

"Bao nhiêu năm sống trong mù lòa khổ sở, tôi không nghĩ có ngày lại nhìn rõ mọi thứ như thế này", góa phụ 70 tuổi rưng rưng trong giây phút được mở băng phẫu thuật.

Suốt chặng đường 20 năm qua, 500.000 hoàn cảnh nghèo như bà Tánh đã được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM thực hiện mổ mắt miễn phí. Ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội cho biết mỗi năm đơn vị này tài trợ mổ cho khoảng 20.000 trường hợp trên cả nước và cả bệnh nhân nghèo ở Lào, Campuchia.

Ngày 22/10, Hội tổ chức mổ cho 200 bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. Các bệnh nhân được hỗ trợ cơm ăn, nước uống và một phần quà bồi dưỡng. Số tiền 7-8 triệu đồng cho một ca phẫu thuật, nhiều người nghèo không kham nổi chi phí và chấp nhận sống trong tăm tối ở tuổi già.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của chương trình, hy vọng hoạt động ngày càng phát triển để tiếp tục đem lại ánh sáng, niềm vui cho nhiều bệnh nhân nghèo.

 

Mẫu nước mắm kiểm nghiệm không phát hiện chất độc hại

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=380319

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 8568/VPCP-TTĐT ngày 10.10.2016, ngày 12.10.2016, Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan, tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp trên thị trường và một số siêu thị, để kiểm nghiệm tại các viện kiểm nghiệm hàng đầu của ngành y tế là Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Nha Trang.

Kết quả cho thấy, 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện thạch tín (asen) vô cơ và cũng không phát hiện thấy các kim loại nặng như chì, thủy ngân và cadimi. Kết quả kiểm nghiệm cũng không phát hiện mẫu nước mắm nào được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối, hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau.

Cục An toàn thực phẩm lưu ý, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép, nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng, không được vượt ngưỡng theo quy định, đảm bảo độ tinh khiết và không quy định số lượng phụ gia thực phẩm tối đa được phép dùng trong một sản phẩm thực phẩm. Quy định này của Bộ Y tế là hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN.

Như vậy, theo Bộ Y tế, các thông tin nước mắm là “nước pha hóa chất”, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân, và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh ngành nước mắm.

 

Bệnh mùa lũ

http://daidoanket.vn/suc-khoe/benh-mua-lu/129544

Người dân nhiều tỉnh miền Trung đang đối mặt với muôn vàn khó khăn sau lũ lụt, trong đó có nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh tật bởi trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau lũ lụt, các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Ở các vùng miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể, như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp.

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Khi bị cảm, cơ thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho. Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa... Viêm gan E là bệnh lây qua thức ăn, nước uống. Trong mùa mưa lũ, rác thải, nước thải tràn về có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus viêm gan E, nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt.

Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) sau mưa, lũ, lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước. Trong và sau mưa, lũ, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể và gây bệnh.

Cục Y tế dự phòng hướng dẫn, sau mưa lũ, ngập lụt cần phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Với xác động vật chất trong mưa lũ cần thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chon, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Người dân cũng cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương. Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

 

Lo zika lan rộng

http://daidoanket.vn/suc-khoe/lo-zika-lan-rong/129543

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM ngày 20/10, phát hiện thêm một trường hợp nhiễm Zika là bé gái 4 tuổi trú huyện Bến Lức, Long An. Nâng số người nhiễm virus này lên con số 9. Bộ Y tế cũng đã chính thức nâng mức cảnh báo với dịch bệnh này.

Tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Ở Việt Nam tính đến ngày 20-10 đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 5 trường hợp tại TP.HCM, 2 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus Zika trong thai kỳ. Những thông tin dồn dập về số người nhiễm virus nguy hiểm này khiến người dân lo ngại dịch zika có nguy cơ lan rộng.

Về trường hợp cháu bé tại Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ, ngày 20/10, ông Trần Đắc Phu cho biết Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thực địa để kiểm tra, khảo sát tình hình. Tuy chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm virus (Rubella), vi khuẩn (Giang mai), ký sinh trùng (Toxoplasma), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền, song theo ông Trần Đắc Phu do cháu bé mới sinh được 4 tháng lại đúng thời điểm dịch bệnh do virus Zika đang hoành hành thì các chuyên gia phải nghĩ nhiều đến việc cháu mắc dị tật này do Zika. Đây cũng chính là vấn đề cộng đồng đang quan tâm.

Do đó, bên cạnh việc điều tra thực địa, Đoàn còn nghiên cứu thêm các yếu tố dịch tễ học, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu của bệnh nhân, của người mẹ và những người hàng xóm xung quanh. Ngoài ra các cán bộ còn tìm hiểu thêm thông tin bà mẹ có tiếp xúc với thuốc trừ sâu, bị chất độc hóa học hay có bị các bệnh lý khác không để xác định chính xác nguyên nhân.

Về thông tin có thêm 2 trường hợp trẻ là chị em ruột bị chứng đầu nhỏ tại Đắk Lắk, Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định Đoàn công tác chưa đến được thực địa nhưng đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên điều tra. Nhưng cá nhân ông cho rằng 2 em bé này có thể không mắc hội chứng đầu nhỏ do virus Zika, vì hai bệnh nhân đều đã lớn (1 bé 7 tuổi, 1 bé 4 tuổi) và không có những dấu hiệu điển hình về lâm sàng của Zika. Chính vì vậy, rất có thể do các yếu tố khác gây nên.

Các chuyên gia cảnh báo, số người mắc Zika trong cộng đồng nhiều sẽ tạo cơ hội cho người mang thai mắc nhiều. Với tình hình sốt xuất huyết đang gia tăng như hiện nay, tiên lượng  tiếp tục phát hiện các ca nhiễm virus Zika trong thời gian tới là không thể tránh khỏi.

TS Trần Đắc Phu cho biết, bệnh do virus Zika vốn lành tính hơn sốt xuất huyết, thường tự khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu lại có nguy cơ vì Zika có thể gây ra hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Dù vậy, tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.

TS Trần Danh Cường- Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cũng khuyến cáo các thai phụ không quá lo lắng bởi không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Trên thế giới, cụ thể ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ cũng chỉ khoảng 10%. Vì thế, việc theo dõi chặt trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó vì bằng siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay.

Trước sự lo lắng bất an của những phụ nữ mang thai sống gần khu vực có người nhiễm Zika trong thời điểm này, ông Phu trấn an chị em không nên quá lo lắng mà đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm nếu không có triệu chứng gì. Còn trong thời kỳ mang thai nếu có triệu chứng mắc virus Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…) cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ sản khoa, kịp thời theo dõi diễn biến phát triển của thai nhi.

Cùng quan điểm này, trong buổi làm việc với Viện Pauster vào chiều 19/10, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã nhắc nhở: Công tác tuyên truyền về dịch bệnh Zika phải vừa đủ liều lượng để người dân không chủ quan và cũng không hoang mang, không gây kỳ thị.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để ngăn ngừa sự lây lan của virus Zika, biện pháp hiệu quả nhất cho đến thời điểm này là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh và tránh để muỗi đốt. Người dân được khuyến cáo giữ vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ, đậy kín các dụng cụ chứa nước, phát quang bụi rậm, loại bỏ ao tù nước đọng và phun thuốc diệt muỗi định kỳ. Ngoài ra, nên sử dụng lưới chống muỗi, mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài và hạn chế di chuyển đến vùng có dịch.

Hiện Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối với bệnh do virus Zika. Đồng thời tăng cường biện pháp giám sát tại các cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, khai thác tiền sử dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika.

Với việc xuất hiện liên tiếp những ca sốt xuất huyết và dịch bệnh do virus Zika, TP HCM hôm 18/10 đã công bố dịch ở quy mô xã, phường trên toàn thành phố. Các bệnh viện quận, huyện của TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát bệnh do virus  Zika đến hết năm 2016. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh do virus Zika sẽ được xét nghiệm và tìm virus miễn phí. Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, Sở Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika tại các bệnh viện trên toàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên tuyên truyền cho người dân thêm thông tin về bệnh và cách phòng bệnh do virus Zika. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, do cùng một véc-tơ truyền bệnh là muỗi vằn nên với tình hình sốt xuất huyết đang gia tăng như hiện nay, tiên lượng sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm virus Zika trong thời gian tới. Ông Lân cho rằng: Trước mắt là chúng ta cần phải làm chậm lại quá trình lưu hành của virus Zika trong cộng đồng để các nhà khoa học tìm ra các loại thuốc, vaccine phòng ngừa. 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang