Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 26/8/2015

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm chính thức New Zealand; Tăng cường hợp tác Y tế Việt Nam – New Zealand; Bệnh viện cam kết đổi mới phong cách, thái độ: Hứa cũng như… không!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm chính thức New Zealand

http://www.vietnamembassy-newzealand.org/vi/nr070521165843/nr070725040335/ns150825092312

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ An toàn thực phẩm New Zealand Jo Goodhew, Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến Auckland, bắt đầu chuyến thăm chính thức New Zealand từ ngày 20- 21/8/2015. Tham gia đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng.

Mục đích chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là nhằm triển khai các nội dung hợp tác đã thống nhất giữa Thủ tướng hai nước nhân chuyến thăm chính thức New Zealand hồi tháng 3/2015 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, góp phần vào các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-New Zealand cũng như đẩy mạnh sự hợp tác trên những lĩnh vực ưu tiên là y tế và an toàn thực phẩm.
Tại Auckland, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm Jo Goodhew theo đó hai bên nhất trí tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thông qua việc cử các chuyên gia của New Zealand sang hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ của Việt Nam và Việt Nam cử các cán bộ sang New Zealand học tập kinh nghiệm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có cuộc gặp và làm việc với Ngài Peseta Sam Lotu-liga, Bộ trưởng phụ trách Dân tộc thiểu số, Bộ trưởng phụ trách người dân ở đảo Thái Bình Dương kiêm Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Tại cuộc làm việc, hai Bên nhất trí tăng cường hợp tác về các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe tâm thần, phòng chống tác hại thuốc lá, đào tạo cán bộ, hợp tác trong lĩnh vực dược và mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế mà New Zealand có nhiều kinh nghiệm. Hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ thảo luận và đi đến ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực y tế, dự kiến sẽ ký kết nhân dịp Thủ tướng New Zealand sang thăm chính thức Việt Nam vào cuối năm nay.  
Trong thời gian ở thăm Auckland, Đoàn đã thăm và làm việc với Assure Quality - một Công ty 100% vốn của Chính phủ New Zealand được thành lập với chức năng cung cấp dịch vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học; Thăm Pharmac, cơ quan thuộc chính phủ New Zealand, thay mặt cho Hội đồng y tế các hạt của New Zealand quyết định danh mục thuốc và trang thiết bị y tế được sử dụng tại bệnh viện và cơ sở y tế công ở New Zealand; Thăm Hội đồng y tế Ko Awatea thuộc vùng Manukau, một trung tâm y tế hàng đầu, phục vụ cho khoảng 500.000 dân cư trong khu vực; Thăm Tập đoàn Orion Health - nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu về các hệ thống phần mềm công nghệ thông tin y tế đã được sử dụng ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Thăm Tập đoàn Orion Health - nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu về các hệ thống phần mềm công nghệ thông tin y tế đã được sử dụng ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức New Zealand, đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế tiếp tục chuyến thăm chính thức tới Australia từ ngày 24-25/8/2015./.

 

Tăng cường hợp tác Y tế Việt Nam – New Zealand

http://kcb.vn/tang-cuong-hop-tac-y-te-viet-nam-new-zealand.html

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 ngày 20-21/8/2015, Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi thăm chính thức song phương New Zealand theo lời mời của Bộ trưởng Bộ An toàn thực phẩm New Zealand.

Mục đích chuyến thăm New Zealand của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhằm triển khai các nội dung hợp tác đã thống nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ New Zealand, góp phần vào các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – New Zealand. Chuyến thăm cũng nhằm triển khai thực hiện hợp tác đối tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và New Zealand, trong đó y tế và an toàn thực phẩm những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa hai nước.
Sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm New Zealand vào ngày 27/7/2015, hai bên đã ký kết được Chương trình Hợp tác về An toàn thực phẩm giữa Tổng Vụ trưởng phụ trách hoạch định chiến lược thị trường, Bộ các ngành cơ bản của New Zealand và Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam.

Tiếp nối kết quả đó, tại chuyến thăm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm Jo Goodhew. Phía New Zealand đã chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tổ chức của Bộ các ngành Công nghiệp Cơ bản (Ministry of Primary Industries) của New Zealand, là Bộ được sát nhập từ 3 Bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy sản và Cơ quan An toàn Thực phẩm. Bộ An toàn thực phẩm là cơ quan xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và xây dựng các quy định, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình quản lý thống nhất của một Bộ sẽ tăng cường hiệu quả quản lý tốt hơn hơn là chia sẻ trách nhiệm cho 3 Bộ riêng biệt như trước đây.

Tại chuyến thăm lần này, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thông qua việc cử các chuyên gia của New Zealand sang hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ của Việt Nam và Việt Nam cử các cán bộ sang New Zealand học tập kinh nghiệm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đoàn đã làm việc với Assure Quality, là Công ty 100% vốn của Chính phủ New Zealand được thành lập với chức năng cung cấp dịch vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Các hoạt động của Assure Quality được chia thành hai nhóm chính là kinh doanh và các hoạt động xét nghiệm nghiên cứu và chẩn đoán. Công ty này hoàn toàn độc lập với Bộ An toàn Thực phẩm, với mô hình này, New Zealand đảm bảo được sự khách quan, minh bạch trong quản lý an toàn thực phẩm.

Trong thời gian thăm New Zealand, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với Ngài Peseta Sam Lotu-liga, Nghị sỹ Quốc hội, Bộ trưởng phụ trách Dân tộc thiểu số, Bộ trưởng phụ trách người dân ở đảo Thái Bình Dương kiêm Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Tại buổi làm việc, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về các lĩnh vực sau: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe tâm thần, phòng chống tác hại thuốc lá, đào tạo cán bộ, hợp tác trong lĩnh vực dược và mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế mà New Zealand có nhiều kinh nghiệm. Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế New Zealand cũng chia sẻ chính sách y tế của New Zealand là tập trung vào chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng thông qua hệ thống bác sỹ gia đình, đồng thời có sự kết nối chặt chẽ giữa các bệnh viện và hệ thống bác sỹ gia đình tại cộng đồng. Hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ thảo luận và đi đến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực y tế, dự kiến sẽ ký kết vào dịp Thủ tướng Chính phủ New Zealand sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2015 sắp tới.

Đoàn cũng đã làm việc với PHARMAC là cơ quan thuộc chính phủ New Zealand. Cơ quan này thay mặt cho Hội đồng y tế các hạt của New Zealand quyết định danh mục thuốc và trang thiết bị y tế được sử dụng tại bệnh viện và cơ sở y tế công ở New Zealand. PHARMAC đàm phán các giá tốt nhất cho các sản phẩm dược, bao gồm cả vắc xin và các sản phẩm y tế khác. Thông qua hệ thống mua sắm được đầu tư kỹ càng về chuyên môn, PHARMAC có vị thế để thúc đẩy các nhà cung cấp dược phẩm cạnh tranh trở thành nhà cung cấp dược phẩm cho PHARMAC. Hệ thống này giúp cho giá thuốc của New Zealand thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp chuyến thăm, Đoàn đã đi thăm Hội đồng y tế các hạt thuộc vùng Manukau có tên gọi là Ko Awatea, phục vụ cho khoảng 500.000 dân cư trong khu vực. Hội đồng y tế Ko Awatea là một trung tâm y tế hàng đầu của Hội đồng y tế các hạt thuộc vùng Manukau được đặt tại một bệnh viện chính của Auckland. Trung tâm này vận hành việc chăm sóc sức khỏe tại vùng có cộng đồng người dân Maori, người nhập cư từ các quốc đảo Thái Bình Dương và người châu Á sinh sống. Tại đây, các bệnh mãn tính được kiểm soát, sàng lọc và theo dõi điều trị rất tốt ở cộng đồng. Các hoạt động nâng cao sức khỏe được đẩy mạnh, giúp người dân có ý thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Với mô hình lồng ghép về y tế này, mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình và các bệnh viện rất chặt chẽ, các dịch vụ y tế được cung ứng đầy đủ, có chất lượng cao, nhờ đó các chỉ số y tế của người dân trong vùng được cải thiện rõ rệt.

Đoàn cũng đã đến thăm Tập đoàn Orion Health là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu về các hệ thống phần mềm công nghệ thông tin y tế đã được sử dụng ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức New Zealand, đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế tiếp tục đi thăm chính thức Úc từ ngày 24 – 25/8/2015.

TS. Trần Thị Giáng Hương – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế
(Từ Auckland, New Zealand)

 

Bệnh viện cam kết đổi mới phong cách, thái độ: Hứa cũng như… không!

http://motthegioi.vn/xa-hoi/thoi-su-xa-hoi/benh-vien-cam-ket-doi-moi-phong-cach-thai-do-hua-cung-nhu-khong-224341.html

Khi các bệnh viện, nhất là các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải đăng ký cam kết với Bộ Y tế: “đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh” khiến không ít người mừng ra mặt. Nhưng sau gần 1 tháng thực hiện cam kết, những điều cốt lõi mà các bệnh viện này cam cam kết vẫn…giậm chân tại chỗ.

Chẳng có “ 3 xin”

Cách đây gần 1 tháng, khi lãnh đạo một số bệnh viện tiến hành đăng ký cam kết với Bộ Y tế thực hiện “đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh”, nhiều người đã mừng thầm, khi biết trong cam kết này các bệnh viện phải thực hiện “ 3 xin” ( xin chào, xin lỗi và xin cám ơn). Trong xin chào, bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân phải tự giới thiệu tên, nơi mình đang công tác và hỏi tên bệnh nhân. Khi khám bệnh phải ân cần, chu đáo, để bệnh nhân chờ lâu phải xin lỗi. Đặc biệt sau khi khám, chữa bệnh cho bệnh nhân xong phải nói lời cám ơn. Tất cả những câu nói khi tiếp xúc với bệnh nhân phải được mở đầu bằng  từ “xin” một cách trân trọng. 

Ngồi ở khu vực phòng tiếp nhận của khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Yến ( 43 tuổi, quê Cần Thơ) than: Đi khám bệnh từ sáng sớm, nhưng đến  gần 10 giờ mới đến đây lấy giấy hẹn để chụp CT Scan. Chờ khám bệnh ở đây lâu quá.

“Lúc sáng tui khám ở khoa ngoại thần kinh, các bác sĩ nghi tui có một khối u ở tuyến yên nên đề nghị chụp CT Scan để xác định chính xác.  Bác sĩ chỉ hỏi về bệnh tật chứ không có giới thiệu tên của bác sĩ hay cám ơn gì cả”, chị Yến cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Út (53 tuổi, quê ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) sau hơn 1 tháng trở lại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy để tái khám căn bệnh u gan của mình lại phân trần: “Nghe nói bệnh viện này vừa ký cam kết đổi mới phong cách và thái độ phục vụ nhưng có thấy thay đổi gì đâu, khám bệnh cũng chờ lâu như trước chứ đâu có giảm hơn. Bác sĩ khám, chữa bệnh cũng vậy, phải ngồi chờ chực khá lâu”.

Ông Út cho biết, ông từ Hậu Giang đến Sài Gòn sáng sớm hôm trước và khám bệnh tại đây mất 1 ngày. Ông xét nghiệm máu, chụp X.quang, siêu âm và chụp CT Scan bụng đã hết 1 ngày, bệnh viện hẹn ngày hôm sau mới đến lấy kết quả. “Giờ đang chờ lấy kết quả đây, nhưng thấy lâu quá, không biết có kịp quay về lại Hậu Giang trong ngày hôm nay không”, ông Út tỏ vẻ sốt ruột.

Bà Vân (ngụ ở Bình Chánh, TP.HCM) đưa cháu trai 3 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM (bệnh viện vừa ký cam kết với Bộ Y tế đổi mới phong cách và thái độ phục vụ) khám bệnh vì mấy ngày qua cháu khó đi phân, lúc đi được thì phân có màu xanh rất lạ.

Bà Vân cho biết, cháu trai bà được bác sĩ khoa tiêu hóa khám và chẩn đoán cháu bị :“rối loạn tiêu hóa”. “Lúc đó tui hỏi thêm bác sĩ, cháu đi phân xanh có bị sao không vậy?  Bác sĩ chẳng nói chẳng rằng, chỉ đưa tay khoát đi nên tui ra ngoài mua thuốc. Nói thật tui cũng đi bác sĩ tư điều trị nhưng không hết mới đến bệnh viện, chứ đến bệnh viện mệt lắm chú ơi, bác sĩ có nhiệt tình gì đâu”, bà Vân phân trần.

Nhân viên còn quát tháo bệnh nhân

Chúng tôi có mặt hơn 1 tiếng đồng hồ ở khu vực phòng tiếp nhận giấy và trả kết kết của khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi gọi tên bệnh nhân đến phát phiếu đi làm các chẩn đoán lâm sàng, cô nhân viên y tế ở đây đều không có bất kỳ một từ “xin” nào đối với bệnh nhân.

Mặc dù trong giờ làm việc nhưng cô nhân viên y tế này không mang bảng tên. Xen lẫn với tiếng gọi tên của bệnh nhân một cách trống không vào lấy phiếu đi làm các chẩn đoán lâm sàng, cô nhân viên y tế này liên tục la hét những bệnh nhân chưa gọi tên nhưng vẫn đứng chờ ở khu vực quầy, không chịu vào ghế ngồi.

Những bệnh nhân lớn tuổi, cần được tư vấn về cách ăn uống và địa điểm làm các chẩn đoán cận lâm sàng bị cô nhân viên y tế này tỏ vẻ khó chịu và nói với giọng như quát: “xem trong trong phiếu đó, hỏi gì mà hỏi hoài”.

Nhiều bệnh nhân, vì chờ đợi lâu, chưa nghe gọi tên mình nên tiến lại gần quầy xem đến tên mình chưa, bị nhân viên y tế ở đây xua đuổi với một mệnh lệnh nghe chát chúa: “Đề nghị cô bác bước ra ngoài”.

TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, để thay thực hiện những thay đổi trên không phải dễ, không thể ngày một ngày 2. Điều này cần phải có một thời gian dài. Một số nhân viên y tế vẫn còn có thói quen xem bệnh nhân là người ban ơn nên để chuyển sang người được phục cần phải có thời gian.

“Cái gì cũng cần có thời gian, chúng ta không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Đăng ký là để bệnh viện hướng đến, và chúng tôi đang cố gắng để đạt được những điều như đã cam kết”, ông Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, với những cam kết đổi mới phong cách và thái độ phục được thực hiện một cách rầm rộ nhưng thực tế vẫn giậm chân tại chỗ, không đúng như những gì cam kết khiến không ít bệnh nhân bị hụt hẫng, nhiều người  xem đây như là một phong trào, chứ chẳng đi đến đâu. Điều đó có nghĩa bệnh nhân vẫn còn bị bệnh viện hành dài dài, chưa biết khi nào hết, dù đã có cam kết đổi mới phong cách và thái độ phục vụ.

Hồ Quang 

 

Gia tăng số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế

http://dantri.com.vn/suc-khoe/gia-tang-so-hoc-sinh-sinh-vien-tham-gia-bao-hiem-y-te-20150825062655847.htm

Nếu như năm học 2006 - 2007, chỉ có 45% học sinh sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì đến hết năm học 2014 - 2015, cả nước đã có trên 85% HSSV tham gia BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, con số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đang tiếp tục gia tăng. Sau 05 năm tổ chức thực hiện Luật BHYT, với quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia, đến hết năm 2014, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92% học sinh và 78% sinh viên trong cả nước, BHYT đang ngày càng khẳng định những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp trồng người, vì sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước.

Nhờ tỉ lệ bao phủ của BHYT trong nhóm HSSV không những tạo điều kiện để các em có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế kịp thời, có chất lượng tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước với phạm vi quyền lợi ngày càng mở rộng do quỹ BHYT chi trả mà quan trọng hơn, việc tăng tỉ lệ bao phủ của BHYT trong nhóm đối tượng này còn là tiền đề để y tế học đường phát triển. Theo thống kê, mỗi năm quỹ BHYT chi trả một khoản kinh phí rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em, điều này đã giúp cho gia đình các em bớt đi khó khăn về kinh tế, nhất là đối với các em thuộc diện chính sách, hộ gia đình nghèo...

Đặc biệt, cùng với sự gia tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT, y tế học đường cũng có điều kiện phát triển. Bởi theo quy định, từ năm học 1994 - 1995, khi chính sách BHYT HSSV chính thức được triển khai sẽ trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu BHYT phục vụ phát triển YTTH. Báo cáo thống kê hàng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTTH ngày càng tăng. Con số này  năm 2006 là 75 tỷ đồng thì đến năm 2013 đã là 441 tỷ đồng, tăng gấp 5,8 lần; còn đến năm 2014 là trên 500 tỷ đồng.

Nhờ nguồn kinh phí này, hệ thống y tế trường học đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại nhà trường. Hệ thống y tế học đường được củng cố và phát triển do được bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, vật tư và thuốc thiết yếu, xử lý chấn thương, tai nạn, tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, các bệnh học đường...

Tú Anh

 

Từ ngày 1-9: Khám bệnh ngày nghỉ, lễ được thanh toán BHYT

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/8/394059/

 (SGGP).- Đó là thông tin được Bộ Y tế cho biết ngày 24-8 khi triển khai Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC do liên bộ Y tế - Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT). Một trong những nội dung quan trọng của thông tư nói trên quy định cơ sở y tế nào có tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, nếu có thông báo trước cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, người bệnh cũng sẽ được hưởng BHYT.

Ngoài ra, thông tư nêu rõ cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai và thông báo trước những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng khi tham gia BHYT…

Như vậy, với thông tư trên, các cơ sở y tế có nhu cầu tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ để đáp ứng nhu cầu người bệnh chỉ cần có thông báo trước cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để người bệnh được hưởng BHYT.

GIA PHÚ

- See more at: http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/8/394059/#sthash.Zw5kFBwJ.dpuf

 

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng, dễ bùng phát thành dịch

http://cand.com.vn/y-te/Benh-sot-xuat-huyet-gia-tang-de-bung-phat-thanh-dich-363150/

Cho đến nay, đã có hơn 21.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) ở 48 tỉnh thành, trong đó ở các tỉnh phía Nam, số ca mắc SXH tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Bệnh xuất hiện chủ yếu vào nhóm trẻ từ 15 tuổi trở xuống, thay vì chỉ ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi như trước đây.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, SXH tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai,... là khu vực có số mắc SXH tăng cao nhất. 

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện đang là thời gian cao điểm SXH nên dự kiến số mắc còn tăng. Thời gian qua, số người mắc SXH phải nhập viện gia tăng ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk. Riêng TP Hồ Chí Minh đã có trên 300 người nhập viện chỉ trong một tuần, tăng 34% so với tháng trước.

Trong khi đó, tại Hà Nội, theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội dự báo, năm nay số bệnh nhân SXH có thể gia tăng do chu kỳ dịch sau 4 - 5 năm, tính từ năm 2009 - thời điểm có dịch lớn xảy ra tại Hà Nội.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, tại Việt Nam lưu hành nhiều tuýp virus SXH, nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. Bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và biến chứng thành xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, có nguy cơ tử vong. Vì vậy, khi có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, cần tới ngay các trung tâm y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Ngành Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống SXH, tuy nhiên còn một số người dân chưa hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, còn để các vật dụng chứa nước không thau rửa, các phế thải quanh nhà không được thu gom xử lý nên là ổ chứa bọ gậy của muỗi truyền bệnh SXH. Một số hộ gia đình chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện cho phun hóa chất diệt muỗi hoặc chỉ cho phun ở tầng 1, không cho phun ở các tầng trên nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh. 

Đại diện Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Việc chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh rất quan trọng với việc từng người ý thức, thay đổi từ những hành vi nhỏ, nhằm loại trừ ổ bọ gậy nguồn ngay trong hộ gia đình, không có chỗ trú đậu cho muỗi, phối hợp với các cơ quan y tế trong các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các tầng, phòng trong nhà được phun hóa chất là yếu tố tiên quyết để hướng tới một môi trường sống lành mạnh không có sốt xuất huyết.

Dạ Miên

 

Hàng chục bác sĩ cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim

http://nld.com.vn/suc-khoe/hang-chuc-bac-si-cuu-song-benh-nhan-bi-dam-thung-tim-20150825101821516.htm

 (NLĐO) – Ngay sau khi hội chẩn khẩn cấp, bệnh viện quyết định điều hơn 10 bác sĩ mổ cấp cứu người đàn ông bị đâm thủng tim dù không có người nhà bệnh nhân.

Sáng 25-8, ThS-BS Phạm Phú Cường - Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk) - cho biết sau 4 ngày cấp cứu và điều trị đặc biệt, hiện bệnh nhân Nguyễn Mạnh Tường (36 tuổi, ngụ xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị đâm thủng tim đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt.

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 21-8, bệnh viện tiếp nhận anh Tường trong tình trạng nguy kịch; mặt tím tái, không nghe tiếng tim, mạch không bắt được, huyết áp không đo được với một vết thương vùng trước tim đang chảy máu. Ngay sau khi hội chẩn khẩn cấp, bệnh viện đã quyết định mổ cấp cứu dù không có người nhà bệnh nhân. Ba ê-kíp với hơn 10 bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật khâu vết thương ở tâm nhĩ phải, truyền 750 ml máu cứu sống bệnh nhân.

Theo anh Tường, chiều 21-8, anh nhận được điện thoại thông báo em trai đang bị đánh ở gần nhà nên chạy tới. Trong lúc can ngăn, anh Tường đã bị một tượng đã dùng kéo đâm một nhát ở vùng ngực, gục tại chỗ và được người dân đưa đi cấp cứu.

Tin - ảnh: C. Nguyên

 

Vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin miễn phí?

http://vnmedia.vn/vn/doi-song/suc-khoe/vac-xin-dich-vu-tot-hon-vac-xin-mien-phi-73-4043789.html

 

(VnMedia) - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, nhiều người dân cho rằng cái gì miễn phí thì không tốt bằng dịch vụ, theo đó ngại cho con tiêm miễn phí là quan điểm hoàn toàn sai lầm.   

Theo ông Phu, vắc xin dịch vụ phải trả tiền cao hơn, vì người dân phải trả tiền cho từng mũi. Vắc xin miễn phí mua số lượng lớn lại được Nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí. Chính những hiểu sai về vắc xin đã khiến lượng trẻ đi tiêm phòng giảm. 

Do vậy, trong thời gian vừa qua, do không có vắc xin tương ứng trong tiêm dịch vụ như vắc xin 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim) mà một số bà mẹ cứ chờ đợi nên con họ đã bị mắc ho gà.  

Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị cho gần 300 trường hợp, chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi bị mắc bệnh ho gà, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trẻ mắc bệnh phần lớn là dưới 2 tháng tuổi, tức là chưa đến tuổi tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ 3 mũi vắc xin. Do vậy, PGS-TS Phu khuyến cáo, các bà mẹ hãy đưa con em đi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ và đúng lịch. 

 

Bồi thường tai biến tiêm chủng: Không dễ!

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/8/394058/

Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động tiêm chủng do Bộ Y tế xây dựng đang được người dân rất quan tâm khi có hẳn một chương quy định về việc bồi thường tai biến tiêm chủng khi sử dụng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc đưa ra những quy định cụ thể về bồi thường tai biến tiêm chủng là sự tiến bộ trong quản lý công tác tiêm chủng.

Bồi thường cả sức khỏe và tinh thần

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết đây là lần đầu tiên, một nghị định riêng quy định cụ thể về hoạt động tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế xây dựng, đưa ra lấy ý kiến nhân dân và các bộ, ngành chức năng. Dự kiến nghị định này có hiệu lực vào năm 2016. Đáng chú ý, dự thảo này dành hẳn một chương quy định về việc bồi thường tai biến sau tiêm chủng. Cụ thể, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vaccine được nhà nước bồi thường bao gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; bị tử vong.

Theo đó, trường hợp người tiêm chủng bị tai biến nặng có bảo hiểm y tế (BHYT) thì được BHYT chi trả theo quy định. Trường hợp không có thẻ BHYT cũng sẽ được nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí. Với người bị tai biến nặng phải sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của BHYT thì được thanh toán phần chênh lệch theo hóa đơn nhưng mức tối đa không quá khung giá dịch vụ do liên bộ Y tế - Tài chính quy định. Đáng chú ý, quy định cũng rất cụ thể đối với từng mức độ bồi thường, nếu tai biến tiêm chủng để lại di chứng, người bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ thêm bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể từ 11% - 15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% đến 80%. Mức hỗ trợ cao nhất bằng 30 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên. Đồng thời, người bị thiệt hại được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định về người khuyết tật.

Trường hợp người được tiêm chủng tử vong do vaccine hoặc sai sót trong thực hành tiêm chủng, ngoài chi phí khám chữa bệnh, thiệt hại vật chất cho người thân phải nghỉ làm không hưởng lương để chăm sóc, nhà nước sẽ hỗ trợ thêm mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở. Cùng với đó, nhà nước cũng bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc cho người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại... Mức bù đắp tổn thất về tinh thần bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.

Coi chừng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 30 năm thực hiện Chương trình tiêm chủng đã đem lại những kết quả rất lớn trong phòng chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện Chương trình tiêm chủng cũng có rất nhiều ca tai biến, tử vong đã xảy ra, nhưng số trường hợp được bồi thường là rất hiếm. Thống kê cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 3.600 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng và đặc biệt có 13 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng tại 11 tỉnh/thành phố, trong đó có 12 ca tử vong. Thế nhưng, tất cả 13 trường hợp bị tai biến nặng trên đều không được bồi thường vì sau khi xảy ra tai biến, hội đồng chuyên môn do cơ quan y tế ở các địa phương và Bộ Y tế lập ra đều tiến hành kiểm tra làm rõ nguyên nhân với kết luận 8 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên về bệnh lý (chiếm 67%), 3 trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân (chiếm 25%), 1 trường hợp do sốc phản vệ đã hồi phục và đặc biệt không có trường hợp nào tử vong do vaccine hay quy trình tiêm chủng sai sót.

Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng với kết luận nguyên nhân như trên sẽ khiến nhiều người, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ tai biến nặng sau tiêm chủng, không thực sự “tâm phục, khẩu phục”. Bởi lẽ hiện nay, toàn bộ quá trình tiêm chủng từ việc kiểm định ban đầu chất lượng vaccine, bảo quản, vận chuyển vaccine, thực hiện tiêm chủng cho tới kiểm tra đánh giá, công bố nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng đều do cơ quan y tế thực hiện nên khó bảo đảm khách quan. Trong khi đó, một số chuyên gia y tế cho biết, còn nhiều nguyên nhân khiến cơ quan chuyên môn y tế khó có thể đưa ra kết luận chính xác về các ca tai biến sau tiêm chủng vaccine như: gia đình từ chối mổ tử thi, trẻ tiêm xong tới ngày hôm sau mới tử vong; sau khi tiêm, trẻ đột ngột nhiễm bệnh rồi tử vong... nên việc tìm ra bằng chứng rõ ràng liên quan giữa nguyên nhân tử vong sau tiêm chủng với chất lượng vaccine và quy trình tiêm chủng là không hề dễ dàng.

Vì thế, để đảm bảo khách quan và công bằng trong bồi thường và làm rõ trách nhiệm trước các ca tai biến tiêm chủng, đòi hỏi cần phải có một cơ quan hay một hội đồng độc lập với ngành y tế để giám sát, đánh giá các nguyên nhân tai biến. Nếu không thì cho dù có quy định cụ thể thế nào chăng nữa về hoạt động tiêm chủng, người dân vẫn sẽ khó có thể nhận được bồi thường khi xảy ra tai biến tiêm chủng.

TRUNG KIÊN


Phân biệt vắc xin dịch vụ và vắc xin miễn phí

Vắc xin Quinvaxem : là vắc xin được đưa vào tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam từ tháng 6/2010, còn gọi là vắc xin "5 trong 1" là vắc xin phối hợp gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên virut viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae type b.

Vắcxin Quinvaxem phòng được các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib.Vắc xin Quinvaxem do hãng Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được WHO khuyến cáo sử dụng từ năm 2006. Tính tới nay hơn 400 triệu liều vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng ở 91 quốc gia. 
Pentaxim (xuất xứ Pháp, còn gọi là vắc xin 5 trong 1, ngừa năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib) 

Infanrix-hexa (xuất xứ Bỉ, còn gọi là vắc xin 6 trong 1, ngừa sáu bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ do Hib) 

2 loại vắc xin Pentaxim và Infanrix là vắc xin dịch vụ khi tiêm phải trả tiền. 

Về sự khác nhau giữa 2 loại vắc xin tiêm dịch vụ với loại vắc xin tiêm miễn phí (là vắc xin Quinvaxem) cơ bản nhất nằm ở thành phần ngừa ho gà. Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc có thành phần ho gà là vắc xin toàn tế bào, còn vắc xin của Pháp và Bỉ là vô bào, do đó, nó làm giảm tác dụng không mong muốn sau khi tiêm. 

Ở vắc xin Quinvaxem có chứa các vi khuẩn ho gà đã chết được tinh lọc và phản ứng thường do protein trong vi khuẩn đó gây ra (gồm sốt, sưng đỏ chỗ tiêm, có thể tự khỏi sau 1-2 ngày, nặng hơn là bị sốc phản vệ). Còn các vắc xin dịch vụ là vắc xin vô bào nên không có thành phần xác vi khuẩn ho gà mà thay thế bằng thành phần kháng nguyên đặc thù, do đó sẽ tinh khiết hơn. 

Đưa quả tim thoi thóp bên ngoài vào lại cơ thể

http://nld.com.vn/suc-khoe/dua-qua-tim-thoi-thop-ben-ngoai-vao-lai-co-the-2015082512203487.htm

 (NLĐO) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, một bé gái bị dị tật phức tạp ở quả tim, các cơ quan trong bụng lộ ra ngoài được các chuyên gia hợp sức cứu chữa thành công trong niềm vui khôn xiết của gia đình

Sáng 25-8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh viện đã phẫu thuật đưa tim trở vào người thành công cho bé gái V.H.B.T (16 tháng tuổi), bị dị tật hiếm gặp tim nằm ngoài lồng ngực.

Bé T. sinh năm 2013, cha mẹ đều là công nhân, phát hiện bị bệnh tim từ khi còn trong bụng mẹ. Sau khi chào đời, bé tím nhiều nên được chuyển đến theo dõi tại một bệnh viện nhi TP. Tuy nhiên, bé chậm phát triển hơn bình thường, ngày càng tím tái, khối phồng to ở ngực và bụng.

Thông qua một chương trình nhân đạo, bé T. được Bệnh viện Đại học Y Dược đón nhận điều trị trong tình trạng dị tật phức tạp như: Khuyết xương ức và thành bụng làm tim và các cơ quan trong bụng lộ ra ngoài, tim chỉ có 1 buồng tống máu, không đủ máu lên phổi…

Sau nhiều lần hội chẩn liên khoa gồm phẫu thuật tim mạch, tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật nhi, tiêu hoá và gây mê hồi sức…, ngày 26-6, bé được can thiệp phẫu thuật lần 1 để sửa chữa tổn thương trong tim. 3 ngày sau đó, các bác sĩ phẫu thuật lần 2 đưa tim bé vào lồng ngực, đưa các cơ quan khác vào bụng, đồng thời tái tạo thành ngực, thành bụng, tạo màng ngăn cách 2 khoang ngực và bụng riêng biệt.

Sau mổ, bé được chăm sóc tích cực tại khu Hồi sức Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược. Mới đây, tái khám sau 2 tuần xuất viện, bé T. đã hồi phục tốt về thể chất, tinh thần.

Theo các chuyên gia, trên thế giới chỉ có 150 trường hợp người bệnh có trái tim nằm ngoài lồng ngực, chỉ được bao bọc bởi 1 lớp da mỏng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Trường hợp của bé T. là một dạng bệnh tim phức tạp, hiếm gặp trên thế giới và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được phẫu thuật thành công, mang lại niềm vui cho gia đình và nền y học nước nhà.

Nguyễn Thạnh

 

Cứu sống bệnh nhân bị ngã từ nhà cao tầng

http://phapluattp.vn/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-bi-nga-tu-nha-cao-tang-575802.html

(PL)- BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) chiều 25-8 cho hay vừa tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân LĐD (ngụ Điện Bàn, Quảng Nam).

Trước đó một ngày, anh D. đang quét sơn tại một tòa nhà cao tầng thì bị ngã từ cầu thang của tầng 3 xuống đất, được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng gãy xương sườn, tràn khí màng phổi trái, suy hô hấp. Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ để can thiệp khẩn cấp.

“Trường hợp anh D. rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được phẫu thuật mở lồng ngực bên trái vì bị dập tụ máu cả lá phổi bên trái, rách rốn phổi, máu đầy khoang màng phổi trái. Sau khi cắt toàn bộ lá phổi trái để cầm máu thì phát hiện bệnh nhân rách khí quản và chúng tôi đã tiến hành khâu lại kịp thời. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định” - ThS-BS Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng khoa Ngoại tim mạch lồng ngực, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cho biết.

DƯƠNG HẰNG

 

Coi chừng con tử vong vì sốt xuất huyết

http://eva.vn/tin-nong-trong-ngay/coi-chung-con-tu-vong-vi-sot-xuat-huyet-c248a235151.html

Sự kiện: Sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ mất nước qua da, qua hơi thở… khá nhiều nên cần cho uống nhiều nước để bù đắp. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng cô đặc máu, nếu bị cô đặc máu, bệnh dễ trở nặng.

Sốt xuất huyết là bệnh của mùa mưa gây ra những nguy hiểm với người bệnh. Cần có những kiến thức về căn bệnh này để tránh hậu quả đáng tiếc khi mắc bệnh. Cùng tìm hiểu về Sốt xuất huyết trên Sức khỏe của Eva.vn.

Bị sốt cần đưa đến cơ sở y tế ngay

Đại diện bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khoảng nửa tháng trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng nhiều so với những tháng trước. Theo đó,  trước đây, mỗi ngày có khoảng từ 28 đến 40 bệnh nhi thì nay tăng từ 80 đến 90 bệnh nhi. Nhiều trẻ nhập viện khi nốt ban đỏ nhiều, sốt ly bì… Mặc dù vậy, đến nay, chưa có bất kì trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng trẻ nhập viện cũng tăng hơn gấp đôi so với những tháng trước.

Bác sĩ cho biết, bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Người mắc bệnh này rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí nặng hơn lần trước. Người mắc bệnh này thường chủ quan vì rất dễ nhầm với các triệu chứng bệnh lý về đường hô hấp. Thời gian qua, tại TP HCM, một số trường hợp sốt xuất huyết nhập viện muộn vì cứ ngỡ là bị sốt phát ban hay sốt virus… Nếu bị bệnh này nhập viện trễ, không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Trần Thị Kim Ngân (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, thời gian này là mùa dịch sốt xuất huyết, do đó, nếu bị sốt kéo dài, người dân cần đến cơ sở y tế khám và tư vấn điều trị, không được tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh sốt xuất huyết thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2 đến 7 ngày. Người nhiễm bệnh có các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau khớp, da xung huyết… Đối với các trường hợp bị nặng có thể vật vã, li bì, đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít…

Đối với trẻ, không được cho uống thuốc hạ sốt nhiều. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là Paracetamol đơn chất, liều dùng 10 đến 15 mg/kg cân nặng một lần, cách nhau từ 4 đến 6 giờ. Đặc biệt, không được dùng thuốc quá 60 mg/kg trong vòng 24 giờ.

Hiện tại, có nhiều phụ huynh cho trẻ dùng aspirin, analgin… để điều trị cho con bị sốt xuất huyết là không nên. Bởi, các loại thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu.

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ mất nước qua da, qua hơi thở… khá nhiều nên cần cho uống nhiều nước để bù đắp. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng cô đặc máu, nếu bị cô đặc máu, bệnh dễ trở nặng.

Cần người dân chung tay

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM) cho hay, Nam Bộ đang vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để lăng quăng, muỗi phát triển. Đây là nguyên nhân góp phần đầy mạnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Bên cạnh đó, học sinh đang vào mùa tựu trường, nếu dịch sốt xuất huyết xảy ra dẫn đến nguy cơ lây lan rộng trong môi trường trường học.

Ông cho hay, từ đầu năm đến nay, có khoảng 6.400 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 47% so với cùng kì năm trước. Từ đầu tháng đến nay, tại TP HCM, số lượng người nhập viện vì mắc sốt xuất huyết tăng cao. Theo ghi nhận, trong tuần đầu tháng 8/2015, có hơn 300 trường hợp nhập viện, cao hơn 34% so với trung bình của trung bình bốn tuần trước đó.

Điều đáng nói, nhiều khu vực có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao, dù phía y tế cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, phải nhắc đến quận 8, Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Để tránh tình trạng sốt xuất huyết lan rộng, phát triển thành dịch, Sở Y tế TP HCM đang tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi, tuyên truyền kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết cho cộng đồng.

Giải pháp quan trọng trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun hóa chất, tiêu diệt muỗi trưởng thành. Do đó, các đơn vị y tế khi phun thuốc diệt muỗi phải đảm bảo phun tất cả các hộ gia đình, trong tất cả các tầng nhà, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác…

Ông Dũng kêu gọi người dân cùng cán bộ y tế chung tay diệt sạch lăng quăng trong và ngoài nhà mình trước khi và sau khi phun hóa chất diệt muỗi. Nếu thực hiện được điều này, trên địa bàn sẽ không có lăng quăng, đồng nghĩa với việc muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết không còn. Và lúc này, bệnh sốt xuất huyết sẽ bị diệt tận gốc.

Theo Nhật Phát (Khám phá)

 

Thanh Hóa: Người nghiện có nhiều cơ hội được điều trị bằng Methadone tại cơ sở

http://dantri.com.vn/suc-khoe/thanh-hoa-nguoi-nghien-co-nhieu-co-hoi-duoc-dieu-tri-bang-methadone-tai-co-so-20150825230829177.htm

Dân trí Lâu nay, khu vực miền núi với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, quá trình truyền thông, tư vấn của các cán bộ cơ sở điều trị Methadone cho người nghiện chích ma túy gặp nhiều trở ngại, khiến cho người nghiện ma túy ngại đến cơ sở điều trị.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 12 cơ sở điều trị Methadone và 3 cơ sở cấp phát thuốc, đang điều trị cho hơn 1.720 bệnh nhân nghiện ma túy. Tuy nhiên, công tác điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện cho người nghiện chích ma túy bằng Methadone tại các huyện miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các huyện miền núi biên giới như Quan Hóa, Mường Lát.

Năm 2013, cơ sở điều trị Methadone ở huyện Quan Hóa và Mường Lát được thành lập. Sau một năm  đi vào hoạt động, tại hai cơ sở này chỉ  có 75  người nghiện ma túy tham gia điều trị. Trong quá trình điều trị có hơn 20 trường hợp bỏ dở giữa chừng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do đồng bào sinh sống ở khu vực miền núi có trình độ dân trí chưa cao nên quá trình truyền thông, tư vấn của các cán bộ cơ sở điều trị Methadone cho người nghiện chích ma túy gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, có nơi cách xa cơ sở điều trị từ 30 đến hơn 50km, khiến cho người nghiện ma túy ngại đến cơ sở điều trị.

Để giúp người nghiện có cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị hiểu quả, có tác dụng, huyện Quan Hóa và Mường Lát đã tìm cách đưa thuốc Methadone về gần khu dân cư có nhiều người nghiện ma túy, thông qua hình thức mở thêm các cơ sở điều trị Methadone vệ tinh.

Tại huyện Mường Lát đã có 2 cơ sở điều trị Methadone vệ tinh ở xã Trung Lý và Mường Lý; còn tại huyện Quan Hóa có thêm 1 cơ sở tại xã Thành Sơn. Hiện nay việc điều trị Methadone là biện pháp hữu hiệu nhất, đã và đang được người dân ủng hộ cao.

Theo Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa, chỉ sau 2 tháng triển khai, cơ sở đã tiến hành điều trị được cho 64 trường hợp nghiện chích ma túy và trong thời gian tới, số lượng người đến tham gia điều trị sẽ còn tăng cao.

Duy Tuyên

 

6.000 người bệnh tâm thần, chỉ có 3 bác sĩ

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150825/6000-nguoi-benh-tam-than-chi-co-3-bac-si/957894.html

TT - Tỉnh Long An có khoảng 6.000 bệnh nhân tâm thần (số phát hiện quản lý được), nhưng chỉ có ba bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang công tác. 

Thạc sĩ Lê Thanh Liêm - giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An chia sẻ thống kê này tại hội thảo “Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL” năm 2015 tổ chức ở Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

Theo ông Liêm, chưa kể số lượng lớn người bệnh có dấu hiệu bệnh lý tâm thần kinh chưa được phát hiện và điều trị ở cộng đồng, có thể gây nguy hiểm lớn cho cả người bệnh và người xung quanh. Vì thế, theo bác sĩ Liêm, cần ưu tiên tăng chỉ tiêu xét tuyển cũng như có những ưu đãi để thu hút người theo học và về công tác ở chuyên ngành bác sĩ tâm thần.

Tại TP Cần Thơ, bác sĩ Thiều Quang Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ - cho biết trong sáu tháng đầu năm 2015 bệnh viện khám cho hơn 11.000 lượt người có các triệu chứng rối loạn tâm thần, đáng lo là hiện nay các bệnh lý tâm thần phân liệt - hoang tưởng, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, trầm cảm... ngày càng gia tăng.

“Bên cạnh đó bệnh viện còn quản lý điều trị tại cộng đồng gần 3.000 bệnh nhân, trong khi đó số lượng bác sĩ chuyên ngành tâm thần chỉ có bảy người (một người đang học liên thông từ y sĩ lên bác sĩ). Sắp tới xây dựng bệnh viện mới, tăng quy mô giường bệnh, việc tìm kiếm bác sĩ về công tác sẽ vô cùng khó khăn” - bác sĩ Hùng nói.

T.LŨY

 

Nguy cơ cao nếu chảy máu khi sinh

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150825/nguy-co-cao-neu-chay-mau-khi-sinh/957909.html

TT - Đây là ý kiến của PGS.TS Lưu Thị Hồng, trước nguy cơ tai biến sản khoa ở sản phụ có tiền sử rối loạn đông máu hoặc chảy máu phát sinh bất thường trong khi sinh.

Một số ca tai biến sản khoa ở tuyến dưới gần đây với nguyên nhân chính là chảy máu ồ ạt sau sinh khiến dư luận quan tâm không khỏi thắc mắc: làm sao để hạn chế những cái chết đau lòng này?

Đón con, mất vợ

Ngày 24-8, bác sĩ Lê Văn Thành - chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - cho biết đang kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Thúy Hà (36 tuổi, ở xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Hà.

Theo ông Lê Trung Bớt - chồng bà Hà, khoảng 9g30 ngày 10-8 ông đưa vợ đến Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh sinh con thứ ba. “Tôi đồng ý ký giấy để vợ tôi được sinh mổ. Đến khoảng 11g30 y tá nói vợ tôi đã sinh con trai nặng 3,7kg. Đến gần 13g cùng ngày y tá nói là vợ tôi băng huyết, cần người nhà đến cho máu. Nhưng đó cũng là lúc bệnh viện đưa vợ tôi ra xe cấp cứu chuyển lên tuyến trên. Đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, khi đang làm thủ tục cắt tử cung thì vợ tôi mất” - ông Bớt đau buồn kể.

Trong khi đó, tại cuộc làm việc với gia đình sản phụ ngày 20-8, bác sĩ Trần Tấn Thiện - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh - cho biết bà Hà nhập viện với chẩn đoán thai lần ba, mẹ thừa cân, có xét nghiệm nước tiểu thấy protein niệu 2+, có nguy cơ tiền sản giật.

Theo bác sĩ Thiện, bà Hà chuyển dạ nhanh, các cơ tử cung chưa giãn kịp gây rách cổ tử cung. Bác sĩ điều trị trực tiếp đã khâu cổ tử cung cho sản phụ Hà, nhưng thấy máu sản phụ chảy nhiều, nghi có hiện tượng đờ tử cung.

Tuy nhiên Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh chỉ còn một đơn vị máu dự trữ và việc phẫu thuật cắt tử cung loại 2 thuộc bệnh viện tuyến trên nên trung tâm cho truyền đơn vị máu dự trữ duy nhất cho sản phụ Hà, hồi sức tích cực và chuyển bà Hà lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa.

Theo kết luận của Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, nguyên nhân tử vong của sản phụ Hà là do băng huyết sau sinh. Gia đình ông Bớt đang rất khó khăn khi ông phải bỏ việc đi làm thợ hồ mưu sinh hằng ngày để chăm đứa con vừa chào đời đã mất mẹ cùng hai con lớn mới 7 tuổi và 12 tuổi.

Một cái chết đau lòng khác là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thạch Hoa (36 tuổi, trú huyện Long Mỹ, Hậu Giang). Theo gia đình, bà Hoa chuyển dạ nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ khoảng 13g ngày 16-8. Lúc nhập viện, sức khỏe bà Hoa bình thường, đến 20g cùng ngày bà Hoa được đưa vào phòng sinh với chỉ định sinh thường.

Tuy nhiên do lo ngại chuyển dạ kéo dài, gia đình có yêu cầu bác sĩ cho mổ bắt con. Lúc này bác sĩ Nguyễn Thanh Nhã - trưởng khoa ngoại Bệnh viện huyện Long Mỹ - trực tiếp mổ, bé gái sinh ra cân nặng 3,6kg, bà Hoa được đưa đến phòng hồi sức.

Tuy nhiên hai giờ sau khi mổ, gia đình được thông báo bà Hoa bị ói và ra nhiều máu phải cấp cứu lần hai. Khoảng 4g30 ngày 17-8, Bệnh viện huyện Long Mỹ chuyển bà Hoa lên tuyến trên là Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hậu Giang nhưng trên đường đi bà Hoa đã tử vong.

Theo bác sĩ Phanh Thanh Thuấn - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ, bà Hoa bị chảy máu sau mổ lấy thai, bị băng huyết làm đờ tử cung nên phải mổ cấp cứu lần hai. Các bác sĩ đã cầm máu, bà Hoa bị đờ tử cung nên được cắt tử cung bán phần nhưng không thể cứu vãn. Hồi tháng 4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang đã xảy ra ca tử vong đáng tiếc của sản phụ Đỗ Thị Phương Dung (27 tuổi, ngụ TP Vị Thanh, Hậu Giang) vì sốc mất máu nặng do băng huyết sau sinh, gây rối loạn đông máu.

Cần được chẩn đoán
kịp thời để chuyển
tuyến trên

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế, trường hợp sản phụ được phát hiện có rối loạn đông máu trước khi sinh nên được chuyển sớm lên tuyến trên để tránh biến chứng, do cấp cứu cho sản phụ bị chảy máu ồ ạt từ các cơ quan nội tạng, chảy máu âm đạo không cầm được sẽ nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.

“Cấp cứu các trường hợp bệnh nhân như vậy đòi hỏi hồi sức cấp cứu nhanh, cần đội ngũ hồi sức cấp cứu giỏi, các trang thiết bị phù hợp nên nhiều cơ sở y tế tuyến dưới chưa có đủ. Hiện chỉ có một phần sản phụ có rối loạn đông máu biết trước tình trạng của mình, phần còn lại các chị em, chủ yếu là các chị em ở vùng sâu vùng xa, vẫn chưa biết nguy cơ” - bà Hồng cho biết.

Bà Hồng nhận định hầu hết bệnh viện tuyến tỉnh đã có khả năng cấp cứu sản khoa trong trường hợp rối loạn đông máu hoặc chảy máu bất thường, tuy nhiên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa sản phụ không được xét nghiệm phát hiện hoặc không biết trước tình trạng rối loạn đông máu.

Một nguy cơ nữa là tình trạng chảy máu trong ca sinh, nếu chảy máu từ 1l trở lên trong quá trình sinh do các nguyên nhân thai to, đa thai, từng sinh nhiều con, có tiền sử đẻ băng huyết trong các lần sinh trước... đều có nguy cơ tai biến.

Những trường hợp này cần được sớm chuyển tuyến hoặc đề nghị kíp hồi sức giỏi hỗ trợ sớm. Bà Hồng khuyến cáo sản phụ nên xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng bệnh để có thể xử trí kịp thời trước và trong ca sinh, nhất là với các trường hợp nguy cơ cao kể trên.

 

Nguy cơ mù lòa vì tự mua thuốc nhỏ mắt

http://news.zing.vn/Nguy-co-mu-loa-vi-tu-mua-thuoc-nho-mat-post572694.html

Theo các bác sĩ, sử dụng thuốc nhỏ mắt không qua thăm khám có thể gây mù lòa vĩnh viễn, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Mỗi năm, cả nước có hàng nghìn trường hợp bị giảm thị lực, đục thủy tinh thể, tổn thương thần kinh thị giác và nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Tuy vậy, đa số người dân Việt Nam coi đau mắt là bệnh thông thường và có thể tự điều trị và tự ý mua thuốc không qua thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Chia sẻ trong chương trình Giờ gia đình (VTV2), bác sĩ Nghiêm Thị Thu Trang, khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cho hay: "Trong trường hợp người dân đi mua thuốc và sử dụng thuốc không khỏi, nguyên nhân vì thuốc không điều trị đúng bệnh. Thuốc nhỏ mắt có nhiều loại khác nhau, từ kháng sinh đến corticoid… Mỗi loại bệnh lại có chỉ định riêng.

Tuy nhiên, người dân tự ý mua thuốc không có chỉ định, dẫn đến nhiều người dùng thuốc corticoid kéo dài, có nguy cơ gây bệnh glôcôm. Đặc biệt, nhiều bố mẹ tự ý sử dụng thuốc corticoid cho trẻ nhỏ đã dẫn đến mùa lòa và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của các em sau này".

 

Bệnh nhân Ebola cuối cùng ở Sierra Leone đã xuất viện

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/the-gioi/benh-nhan-ebola-cuoi-cung-o-sierra-leone-da-xuat-vien/375029.html

QĐND Online - Giới chức y tế Sierra Leone cho hay, bệnh nhân được xác nhận là người nhiễm Ebola cuối cùng của nước này đã xuất viện vào ngày 24-8 và nước này cũng bắt đầu đếm ngược 42 ngày cho đến khi được tuyên bố không còn loại virus này.

Theo đó, bệnh nhân Ebola cuối cùng được xuất viện là bà Adama Sankoh, 35 tuổi, đã rời trung tâm điều trị Ebola ở vùng ngoại ô thành phố Makeni, Sierra Leone, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày 24-8 đối với virus Ebola. Các nhân viên y tế đã ăn mừng sự kiện này trong một buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Ernest Bai Koroma. Bà Sankoh nhiễm virus Ebola từ người con trai đã tử vong vì virus này. Bà Sankoh  bày tỏ lòng cảm ơn tới những nhân viên y tế đã chăm sóc bà trong khoảng thời gian bà lâm bệnh.

 
 
 

Để được tuyên bố hết bệnh Ebola, Sierra Leone phải vượt qua 42 ngày không xuất hiện một ca nhiễm mới. 

Liberia cũng là quốc gia được tuyên bố hết Ebola hồi tháng 5, nhưng lại chứng kiến căn bệnh này tái xuất hiện vào chỉ gần 2 tháng sau đó với một số ca nhiễm mới.

 

​Một tuần 49 người nhiễm MERS, Saudi Arabia báo động

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150825/mot-tuan-49-nguoi-nhiem-mers-saudi-arabia-bao-dong/958194.html

TTO - Nhà chức trách Saudi Arabia đã đóng cửa khu cấp cứu ở một trong những bệnh viện lớn nhất nước sau khi phát hiện thêm 49 ca nhiễm MERS chỉ trong 1 tuần.

Theo xác nhận ngày 24-8 của Bộ Y tế Saudi Arabia, chỉ trong tuần qua họ đã phát hiện thêm 49 ca nhiễm MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) mới, trong có đến 47 ca là ở thủ đô Riyadh, với 5 trường hợp trong số này đã tử vong. Hiện bộ này chưa biết vì sao số ca nhiễm MERS lại tăng vọt như vậy, đặc biệt ở Riyadh. 

Trang dispatchtimes.com đưa tin Saudi Arabia hiện đã đóng cửa khu cấp cứu ở một trong những bệnh viện lớn nhất nước. Nước này cũng đang điều tra mối liên quan giữa những trường hợp bị nhiễm bệnh ở Riyadh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tất cả bệnh nhân đều là người lớn, tuổi đời từ 34-87. 

Bộ này cũng cho biết sẽ mở một chiến dịch nhằm nâng cao ý thức về dịch bệnh cho công dân Saudi Arabia, người nước ngoài và nhân viên y tế để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Saudi Arabia phát hiện ca nhiễm MERS đầu tiên vào năm 2012. Đến nay nước này đã ghi nhận 1.147 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 487 trường hợp đã tử vong. Triệu chứng thường gặp của bệnh là sốt, khó thở, viêm phổi và suy thận.

Ngoài Saudi Arabia, virus này cũng xuất hiện ở châu Âu, Mỹ và châu Á, trong đó quốc gia châu Á bị ảnh hưởng nặng nhất là Hàn Quốc với 186 ca nhiễm, 36 ca tử vong và khiến ngành du lịch nước này bị thiệt hại nặng nề.

MINH ANH

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang