Rượu, bia là thủ phạm khiến phòng mổ BV Việt Đức kín đặc bệnh nhân cấp cứu
http://suckhoedoisong.vn/ruou-bia-la-thu-pham-khien-phong-mo-bv-viet-duc-kin-dac-benh-nhan-cap-cuu-n131090.html
Thống kê từ BV Việt Đức cho thấy, trong số bệnh nhân đưa vào cấp cứu vì tai nạn trong 4 ngày nghỉ lễ (29/4-2/5), thì có quá nửa bệnh nhân có sử dụng bia rượu…
Bệnh nhân N.M.H (26 tuổi) bị tai nạn xe máy đêm 1/5 tại Ba Vì (Hà Nội), sau khi được sơ cứu tại BV địa phương, bệnh nhân được chuyển đến BV Việt Đức sáng sớm ngày 2/5 trong tình trạng kích thích vật vã do đa chấn thương. Bệnh nhân có vết thương vùng trán, sưng nề hàm mặt, gãy xườm vòm phải vết thương vai trái, vỡ xương nền sọ trước.
Theo BS Trần Hà Phương, đang trực cấp cứu tại Khoa Khám bệnh cho biết, bệnh nhân dù đến Việt Đức sau hơn 6 tiếng tai nạn nhưng nồng độ rượu trong máu vẫn ở ngưỡng cao 100mg/dl. Rượu không chỉ khiến người bệnh không tỉnh táo gây tai nạn, mà hiện tại ảnh hưởng rất xấu đến quá trình cấp cứu người bệnh do bệnh nhân chảy máu nhiều. Đến trưa ngày 2/5, các bác sĩ vẫn đang phải theo dõi, chưa thể phẫu thuật ngay do tiên lượng chảy máu nhiều trong cuộc mổ do ảnh hưởng của rượu.
“ Qua 4 ngày nghỉ lễ, tính đến trưa 2/5 BV Việt Đức tiếp nhận gần 400 bệnh nhân vào khám, cấp cứu, trong đó hơn 215 trường hợp tai nạn giao thông, 150 ca do tai nạn sinh hoạt, số còn lại là các trường hợp khác. Trong số 12 trường hợp nặng xin về thì có tới 9 ca là tai nạn giao thông, 3 ca tai nạn sinh hoạt”- BS Trần Hà Phương thông tin
Dự kiến cuối ngày 2/5 lượng bệnh nhân được chuyển về sẽ đông hơn do người dân di chuyển nhiều sau kỳ nghỉ lễ.
Do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối, các ca tai nạn do các địa phương chuyển về, tai nạn gặp trên đường quốc lộ, với tốc độ nhanh nên khi xảy ra va chạm bệnh nhân chấn thương rất nặng nề, nhiều trường hợp đa chấn thương, chấn thương sọ não. Tại khoa Cấp cứu, quân số đi làm trong những ngày nghỉ lễ không khác gì ngày thường, thậm chí tăng cường nhưng luôn trong tình trạng căng thẳng vì lượng bệnh nhân tăng. Ngoài những trường hợp chuyển mổ cấp cứu, theo dõi tại khoa, nhiều trường hợp được chuyển về các khoa phòng liên quan để giải phóng giường bệnh cho bệnh nhân.
Đáng nói, trong số bệnh nhân đưa vào cấp cứu vì tai nạn thì có quá nửa bệnh nhân có sử dụng bia rượu. Bên cạnh đó, các ca tai nạn do ẩu đả, đánh nhau vì “rượu vào, lời ra” cũng rất đáng báo động. Trong số 150 ca tai nạn sinh hoạt, nhiều trường hợp là ẩu đả có nguyên nhân từ bia rượu.
Dù đã dự kiến số ca tai nạn, cấp cứu tăng hơn ngày thường, tăng thêm bàn mổ, nhưng gần trưa ngày nghỉ lễ cuối cùng (2/5) tại Khoa Cấp cứu (BV Việt Đức), lượng bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu vì tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng. 5 phòng mổ tại bệnh viện hoạt động hết công suất, ưu tiên mổ ca nặng, cấp cứu nhưng bệnh nhân vẫn phải chờ vì quá tải.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày các bác sĩ mổ cấp cứu 30 ca nặng tại phòng mổ, ngay tại phòng mổ của khoa khám bệnh cũng mổ từ 15 – 20 ca, đối với trường hợp nhẹ.
Các ca phẫu thuật luôn được thực hiện ưu tiên với trường hợp nặng, đe dọa tính mạng, các trường hợp khác phải theo dõi hoặc không nguy kịch mới phải chờ.
Theo các bác sĩ, năm nào cũng vậy, cứ vào các dịp nghỉ lễ kéo dài là lượng bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn, ẩu đả liên quan đến rượu bia lại tăng lên, nhất là ở nhóm người trẻ do gặp gỡ bạn bè, họp lớp khi uống bia rượu không làm chủ bản thân, vẫn tham gia giao thông nên gây ra tai nạn đáng tiếc.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi đã uống bia rượu tuyệt đối không lái xe. Bởi nồng độ rượu ethanol trong máu ở ngưỡng 20 – 50mg/dl đã có thể gây nên tình trạng rối loạn ức chế, kích thích nghịch thường, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều. Ở ngưỡng 50 – 100mg/dl, người uống rượu sẽ chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, mất điều hòa vận động biên độ nhỏ, loạn vận ngôn dẫn đến lái xe không an toàn, đi đường có thể gây tai nạn, đe dọa tính mạng bản thân, gây họa cho người khác.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 29/4-2/5/2017, Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận 273 lượt yêu cầu, trong đó có 185 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, đánh nhau và ghi nhận 7 trường hợp tử vong tại nhà. Ngoài ra, các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã khám cấp cứu cho hơn 5.300 ca, trong đó tai nạn sinh hoạt chiếm số lượng cao nhất với 437 ca, tiếp đến là tai nạn giao thông 384 ca, tai nạn lao động 108 ca... Số ca tử vong được các bệnh viện ghi nhận là 19 ca, trong đó có 11 ca tử vong do bệnh lý, 6 ca tử vong do tai nạn giao thông, 1 ca do đuối nước, 1 ca do tai nạn sinh hoạt. Bên cạnh đó, trong các ngày nghỉ, tình hình dịch bệnh ổn định và không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm
TP HCM: Ít nhất 6 người tử vong do tai nạn giao thông dịp lễ
http://vov.vn/tin-24h/tp-hcm-it-nhat-6-nguoi-tu-vong-do-tai-nan-giao-thong-dip-le-619917.vov
Thông tin từ Sở Y tế TP HCM cho biết, tính đến hết ngày 1/5, trên địa bàn Thành phố có ít nhất 6 ca tử vong do tai nạn giao thông.
Thống kê của 57/103 bệnh viện cho thấy, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa ngoại cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp cấp cứu chủ yếu là do tai nạn giao thông.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, mỗi ngày có từ 300 đến 330 trường hợp cấp cứu, chủ yếu là các nạn nhân tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt, ngộ độc và đánh nhau.
Riêng ngày 30/4, bệnh viện này có 271 bệnh nhân đến khám, cấp cứu, trong đó 28 trường hợp là nạn nhân tai nạn giao thông. Đến ngày 1/5, số bệnh nhân đến khám, cấp cứu tăng lên 318 trường hợp, trong đó, 30 trường hợp tai nạn giao thông. Đặc biệt, trong sáng nay, có gần 45 ca tai nạn giao thông đến cấp cứu, trong đó có nhiều ca nặng xin về nhà và có 4 ca tử vong.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, trong kỳ nghỉ lễ, mỗi ngày tiếp nhận từ 70 đến 90 ca cấp cứu do tai nạn giao thông mà chủ yếu là do xe máy gây ra.
Trong ngày 30/4 có 68 ca tai nạn giao thông trong đó có 1 ca chấn thương đầu. Ngày 1/5, bệnh viện đã tiếp nhận 83 ca nhập viện vì tai nạn giao thông. Đến sáng 2/5 đã ghi nhận 23 ca tai nạn giao thông.
Ngày 2/5 là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, các bác sĩ cho biết, đây là thời gian mệt mỏi nhất do bệnh nhân dồn về thành phố đông, mật độ giao thông cao nên nguy cơ tai nạn sẽ gia tăng./.
Thông tin về trường hợp bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang
Ngày 2-5, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết: Sau khi tiến hành khám nghiệm, giải phẫu tử thi bệnh nhân Nguyễn Thị S., tử vong tại bệnh viện vào đêm 30-4, bước đầu có thể nhận định đây là trường hợp tử vong do bệnh lý.
Cụ thể, bệnh nhân bị phình, vỡ động mạch chủ gần tim, đây là trường hợp hiếm gặp và khi mắc những triệu chứng bệnh lý trên thì cơ hội sống của bệnh nhân là hầu như không có. Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân vẫn phải đợi kết luận chính thức từ Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.
Khoảng 14 giờ, chiều 30-4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận bệnh nhân tên là Nguyễn Thị S., SN 1954, ở xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, với chẩn đoán ban đầu là cơn đau thắt ngực và được theo dõi điều trị tại Khoa Nội - Tim mạch. Từ khoảng 14 giờ đến 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân có đau ngực.
Đến khoảng 20 giờ 40 phút, bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực dữ dội, các bác sĩ có chỉ định tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Trong lúc tiêm thuốc, bệnh nhân xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn. Ngay sau đó, các bác sĩ đã ngừng tiêm thuốc và thực hiện các biện pháp hồi sức cấp cứu tích cực nhưng đến khoảng 23 giờ 30 phút, bệnh nhân đã tử vong. Sau đó, người nhà bệnh nhân đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.
Sáng 1-5, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã tiến hành khám nghiệm, giải phẫu tử thi với sự chứng kiến của đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, một số cơ quan chức năng liên quan và người nhà nạn nhân. Theo kết quả sơ bộ, ở vùng ngực, bụng bệnh nhân bị rách mặt sau quai động mạch chủ kích thước 1,3 x 0,6 cm, bờ mép bầm tụ máu, trên diện bầm tụ máu quai động mạch chủ kích thước 4,5 x 4 cm; xơ vữa quai động mạch chủ, khối phình quai động mạch chủ kích thước 9 x 3 cm, trong lòng khối phình có khối máu đông kích thước 6,5 x 2,5 x 2 cm; chu vi động mạch vành phải là 1,4 cm, vành trái là 0,9 cm, nhiều xơ; thất trái dầy 1,8 cm, van tim xơ vữa...
Sáng 2-5, gia đình đã đưa bà Nguyễn Thị S. về nhà tổ chức an táng, đại diện lãnh đạo và đoàn cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã đến chia buồn cùng gia đình.
Tháng 6, sử dụng vắc xin sởi-rubella trong nước sản xuất
http://www.thesaigontimes.vn/159641/thang-6-su-dung-vac-xin-soi-rubella-trong-nuoc-san-xuat.html/
Theo Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), từ tháng 6 tới, trung tâm này sẽ cung cấp khoảng 2,5 triệu liều vắc xin đầu tiên cho Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ tại Việt Nam, thay thế vắc xin nhập khẩu của Ấn Độ đang sử dụng hiện nay. Giá của vắc xin do trung tâm sản xuất chỉ bằng một nửa so với vắc xin nhập ngoại.
Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, cho biết Bộ Y tế vừa cấp giấy phép lưu hành vắc xin phối hợp sởi-rubella do trung tâm sản xuất, đánh dấu việc nghiên cứu thành công vắc xin theo công nghệ mới, được sản xuất đại trà và cung cấp ra thị trường.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, tháng 5-2013, trung tâm bắt đầu nghiên cứu, cử cán bộ sang Nhật Bản học tập công nghệ. Tháng 3-2016, vắc xin phối hợp sởi-rubella được Bộ Y tế đánh giá thử nghiệm lâm sàng với kết quả có tính an toàn rất cao, khả năng bảo vệ bệnh tốt. Trên cơ sở đó, vừa qua Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành cho sản phẩm, sớm hơn một năm so với dự kiến.
Vắc xin phối hợp sởi-rubella là vắc xin thứ hai của Việt Nam sản xuất theo công nghệ phối hợp hai thành phần trong một sản phẩm, trong khi các vắc xin còn lại đều là vắc xin một thành phần. Sử dụng vắc xin sẽ phòng được hai bệnh sởi và rubella cùng lúc.
Cũng theo ông Hiền, việc làm chủ được công nghệ mới trong sản xuất vắc xin phối hợp vừa qua sẽ là cơ sở để trung tâm tiếp tục nghiên cứu các vắc xin phối hợp nhiều thành phần hơn trong tương lai.
Việt Nam là nước thứ tư tại châu Á sản xuất được loại vắc xin phối hợp sởi-rubella, giúp chủ động được nguồn vắc xin phòng chống dịch bệnh sởi-rubella. Vắc xin mới này phù hợp tiêm phòng cho trẻ nhỏ và bà mẹ đang mang thai để phòng tránh những nguy cơ bị tật cho trẻ khi sinh ra.
Trẻ ùn ùn nhập viện vì bố mẹ tự mua thuốc điều trị
http://cand.com.vn/y-te/Thoi-tiet-that-thuong-tre-nhap-vien-tang-cao-439322/
Những ngày thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường như hiện nay đang khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng gấp 1,3-1,5 lần ngày thường.
Theo BS Trương Văn Quý – Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) hiện mỗi ngày, các bác sĩ của Khoa phải tiếp nhận khoảng 400-500 trẻ đến khám, trong đó ¼ là các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi. Số trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tăng hơn trước 10-15%.
Bé Nguyễn Thị Mai A. nhập viện Nhi Trung ương khi đã bị suy hô hấp nặng. Các bác sĩ phải tiến hành kháng sinh đồ để điều trị cho cháu.Hỏi ra mới biết, khi thấy cháu bị ho, mẹ cháu đã không đưa đến Bệnh viện mà ra hiệu thuốc tự ý mua kháng sinh về điều trị. Thuốc không đúng bệnh khiến cháu bé ngày càng nặng, khó thở khi đó, gia đình mới đưa đến Bệnh viện.
Hay như cháu Trần Duy T. bị ho và sốt, bố cháu đã tự ý đi mua thuốc về cho con theo đơn lần trước do bác sĩ điều trị kê, mà không biết rằng, bệnh của cháu lần này không giống lần trước, dẫn đến cháu bị biến chứng nặng. Nhiều gia đình còn “tự làm bác sĩ” và ra hiệu thuốc chọn thuốc điều trị cho con dù không có kiến thức về y tế và chỉ khi bệnh trở nặng, suy hô hấp nặng mới hốt hoảng đưa con nhập viện.
Việc làm này rất nguy hiểm vì khiến cho việc chữa trị cho trẻ khó khăn hơn và kéo dài hơn, thậm chí có trẻ còn phải thở máy điều trị do viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản, thậm trí trẻ có thể tử vong nếu đến quá muộn. Dĩ nhiên, khi đưa đến Bệnh viện muộn thì việc điều trị sẽ kéo dài hơn nhiều, làm tăng chi phí chữa bệnh.
Theo các bác sĩ, tình trạng có nhiều bé bị biến chứng thành viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng…là do bố mẹ tự ý mua thuốc về điều trị hoặc ra hiệu thuốc để người bán thuốc kê đơn, dù không khám bệnh cũng như, khá phổ biến.
BS.Trương Văn Quý lưu ý các bậc phụ huynh là bệnh viêm phổi có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân nhập viện điều trị hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp.Bệnh dễ diễn biến nhanh, nặng nhanh nếu không phát hiện điều trị kịp thời, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Hiện nay, 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Các loại virus hay gặp là hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, Adenovirus, Rhinovirus...
Các trường hợp còn lại có thể do vi khuẩn hoặc các nguyên nhân khác... Vì vậy, không phải lúc nào trẻ bị viêm đường hô hấp cũng điều trị bằng kháng sinh.Vì thế, các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh mà cần đưa trẻ đến bác sĩ khám và đưa ra quyết định điều trị.
Các bác sĩ cho biết, những trẻ dễ mắc bệnh nặng hô hấp và nguy cơ tử vong cao là trẻ dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh; trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân do suy dinh dưỡng bào thai; trẻ không được bú sữa mẹ; trẻ bị mắc các bệnh bẩm sinh như: tim bẩm sinh, dị dạng bộ máy hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh; cơ địa dị ứng vv… Việc thay đổi khí hậu, môi trường sống ô nhiễm, nhất là suy dinh dưỡng là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp.
BS.Trương Văn Quý chỉ ra những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ nhằm giúp các bậc phụ huynh sớm phát hiện trẻ mắc bệnh để đưa đi điều trị.Theo đó, dấu hiệu bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể nhận biết qua các triệu chứng thường gặp như ho, mệt, bú kém, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, khó thở và trẻ có thể bị tím tái nếu tiến triển nặng.
Khi thấy trẻ có các dấu hiện trên thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị. Đặc biệt, nếu trẻ trẻ sốt cao hơn và tần số sốt dầy hơn, mệt và li bì hơn, ăn uống kém, thở nhanh chứng tỏ bé đã bị bệnh nặng. Do đó, phụ huynh nên vén áo, quan sát lồng ngực để đếm nhịp thở vì trẻ bị viêm phổi có nhịp thở nhanh, là dấu hiệu nhận biết sớm. Ngoài ra, khi có biến chứng suy hô hấp sẽ có các dấu hiệu rút co rút lồng ngực khi thở và bị tím tái.
Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, ngay từ khi có thai các bà mẹ cần được chăm sóc dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ. Chăm và nuôi dưỡng trẻ trong môi trường vệ sinh; đặc biệt chú ý tránh khói thuốc lá, khói than, bụi bẩn và tiêm chủng đầy đủ đúng theo lịch quy định vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.
“Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, vì có thể làm trẻ bị nặng thêm do chậm được đưa đến cơ sở y tế, hoặc do thuốc không đúng bệnh” là khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa.
Dân thành thị mắc trĩ nhiều hơn nông thôn
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/dan-thanh-thi-mac-tri-nhieu-hon-nong-thon-370086.html
Do môi trường làm việc căng thẳng, chế độ sinh hoạt đảo lộn nên người thành thị mắc trĩ nhiều hơn nông thôn và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc trĩ
BS Hoàng Đình Lân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết, tỉ lệ mắc bệnh trĩ tại Mỹ ở những người từ 50 tuổi trở lên chiếm trên 70%.
“Tại Việt Nam, qua một số thống kê chúng tôi thấy rằng từ trên 40 tuổi, số người mắc trĩ chiếm đến 60-70%”, BS Lân thông tin.
Đáng lưu ý, gần đây tỉ lệ người trẻ mắc trĩ ngày càng nhiều hơn, nhất là khối văn phòng hoặc những người thường xuyên sử dụng rượu bia.
Theo BS Lân, người trẻ hiện đang phải đối mặt với nhiều áp lực như sức ép công việc, sức ép xã hội. Cộng thêm đó là lối sống thiếu kiểm soát, dùng nhiều rượu bia, ăn uống thất thường, thể dục thể thao hạn chế...
“Có bạn còn quên ăn, quên ngủ để dành thời gian lướt mạng cộng với nhiều loại thực phẩm hiện nay không đảm bảo vệ sinh dễ gây viêm đại tràng, dẫn tới bệnh trĩ.Hoặc sinh hoạt thái quá, dễ dẫn tới các bệnh nhiễm trùng, phải dùng điều trị kháng sinh thì cũng sẽ dễ mắc trĩ”, BS Lân giải thích.
Nghiên cứu sâu hơn đặc điểm dân cư, TS Nguyễn Thị Quỹ, Phó Chủ tịch hội Tiêu hóa Hà Nội cho biết, xu hướng chung của bệnh trĩ là tỉ lệ mắc ngày càng lớn, kể cả thành thị và nông thôn.
“Tuy nhiên có sự khác biệt là tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở thành thị cao hơn nông thôn do môi trường làm việc căng thẳng, cường độ làm việc quá nhiều, hay thức khuya, chế độ sinh hoạt đảo lộn”, BS Quỹ chia sẻ.
Với một số bệnh nhân làm việc tại những cơ quan hành chính hoặc ở trong các văn phòng ít hoạt động, ít giao lưu, thường xuyên ngồi nhiều là nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở người thành thị cao hơn.
Trong khi đó ở nông thôn, do đặc thù phải làm nhiều việc nặng nhọc, bê vác nhiều là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.
Thêm vào đó, chế độ ăn uống ở nông thôn còn nhiều thiệt thòi, nhiều trường hợp bị viêm đại tràng do nhiễm khuẩn đường ruột và gây nên các chứng như kiết lị, đi ngoài nhiều lần. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho trĩ xuất hiện.
Đi khám khi đã muộn
Anh Lâm Tiến Thanh, 35 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, anh mắc bệnh trĩ gần 5 năm nay, mỗi lần đi đại tiện rất rát nhưng cố chịu.
Gần 3 tháng nay, khi búi trĩ sa dài xuống, sưng to, không co vào trong được, đi đại tiện lúc ra máu tươi, lúc nhỏ giọt khiến bản thân đau đớn không chịu được mới đi khám thì bệnh đã chuyển trên cấp độ 4 với 3 búi trĩ, chỉ định phẫu thuật.
Chị Hằng (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) kể chị bị trĩ từ hồi năm 2 ĐH nhưng nghĩ bệnh chỗ kín không ai biết nên cố giấu.
“Sau khi lấy chồng, bệnh ngày càng nặng thêm. Hôm nào chỉ vui miệng ăn tương ớt hay mắm ớt là y như rằng hậu môn chảy máu liên tục, ngồi khóc rưng rức ở nhà vệ sinh”, chị kể.
Đỉnh điểm sau khi sinh con xong, tần suất chảy máu ngày một nhiều khiến người chị gầy rộc. Búi trĩ sưng to, chạm vào là đau khiến chị không thể ngồi dậy bế con được. Khi đi khám, bác sĩ yêu cầu phải phẫu thuật càng sớm càng tốt không nguy cơ bị hoại tử.
Tình trạng của chị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) còn nghiêm trọng hơn. Khi sinh con, phần vì rặn không đúng cách, phần có tiền sử bệnh trĩ nhẹ từ trước nên 2 búi trĩ dài ra 2 đốt ngón tay, sưng tấy đỏ, không co lên được. Mỗi khi đi lại, ngồi hay nằm đều đau nhức khó chịu vô cùng.
Từ thực tế thăm khám cho vài nghìn bệnh nhân mỗi năm, TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền TƯ cho biết, có tới 60% bệnh nhân mắc trĩ đều đến bệnh viện khám khi đã ở giai đoạn 3, 4.
Trong khi nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 1, 2, chỉ cần điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc thay đổi chế độ sinh hoạt để bệnh không nặng thêm thì đến giai đoạn 3-4 sẽ phải phẫu thuật.
Hút thuốc và chế độ ăn uống chiếm 65% nguyên nhân ung thư
http://vov.vn/suc-khoe/hut-thuoc-va-che-do-an-uong-chiem-65-nguyen-nhan-ung-thu-619781.vov
Chế độ ăn uống chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư và nguyên nhân do hút thuốc lá là 30%.
Trước những ý kiến khác nhau về việc thực phẩm bẩn có phải là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư hay không, mới đây, ông Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư khẳng định, chế độ ăn uống và hút thuốc lá là 2 nguyên nhân hàng đầu của bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng nhanh ở nước ta. Trong đó, chế độ ăn uống chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư và nguyên nhân do hút thuốc lá là 30%.
Năm 2000, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam là 69.000 nhưng đến nay tỷ lệ này đã tăng gấp đôi. Theo ước tính, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất 190.000 ca mắc mới ung thư mỗi năm. 5 loại ung thư thường gặp nhiều nhất ở nữ giới gồm: Ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày. 5 loại ung thư nhiều nhất ở nam giới gồm: Ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đầu trực tràng và ung thư thực quản.
Theo Viện Nghiên cứu ung thư, có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư, trong đó, do rối loạn nội tiết, tổn thương cơ thể và yếu tố di truyền chỉ chiếm dưới 10%. Đặc biệt, có tới 80% nguyên nhân gây ung thư do các yếu tố liên quan môi trường sống, trong đó có thực phẩm bẩn.
Phó Giáo sư Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ưng thư, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Trong số các nguyên nhân liên quan đến yếu tố môi trường, hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm tới 65% nguyên nhân gây ung thư. Trong đó, 30% là do hút thuốc và 35% do chế độ ăn uống không khoa học, ăn những thực phẩm không đảm bảo an toàn, ăn ít rau, quả”.
Các nghiên cứu mới đây trên thế giới cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc ung thư ngày càng trẻ hóa và với những phụ nữ uống thuốc tránh thai liên tục hơn 10 năm thì nguy cơ gây ung thư tăng gấp từ 2 đến 4 lần so với bình thường./.
Nhiều loại cây có độc lực mạnh đang được trồng trong các trường học Việt Nam
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương triển khai phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên ở một số loài cây, hoa trong khuôn viên các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên đơn vị.
Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này.
Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra danh mục một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải. Cụ thể như cây lá ngón (Gelsemium elegans); cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc.
Cây Trúc đào (Nerium oleander L.); cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.); Bông tai (Asclepias curassavica L.)… có chứa Glycosid tim
Cây thầu dầu (Ricinus communis L.); cây Ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin).
Cục An toàn thực phẩm cho hay, thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên tại các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.
Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải.
Để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc khẩn trương triển khai các biện pháp xử trí, xác minh tác nhân gây ngộ độc để dự phòng, điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả của ngộ độc gây ra.
Đồng thời có công văn đề nghị một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT phối hợp khẩn trương triển khai một số các biện pháp cấp bách trên toàn quốc.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.
Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.
Suýt mất mạng vì uống nước lá chữa táo bón
http://dantri.com.vn/suc-khoe/suyt-mat-mang-vi-uong-nuoc-la-chua-tao-bon-20170502062819322.htm
Bị bệnh táo bón, anh N. hái lá lộc mại nấu nước uống.Tuy nhiên, sau hai ngày anh N. đã phải nhập viện vì bị nhiễm độc và phải cấp cứu khẩn cấp.
Ngày 2/5, khoa Hồi sức Tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An cho biết, những ngày qua, khoa đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân La Thanh N. (37 tuổi, trú huyện Con Cuông) bị ngộ độc lá lộc mại.
Tại bệnh viện, anh N. cho biết: Anh có tiền sử bệnh táo bón tái phát nhiều lần. Theo kinh nghiệm truyền miệng dân gian, anh đã từng hái lá cây lộc mại về nấu canh ăn để chữa bệnh. Nhận thấy cách trị bệnh này hiệu quả, ngày 21/4 vừa qua, anh N. tiếp tục hái lá lộc mại, sắc trong ấm lớn để lấy nước uống.
Tuy nhiên, 2 ngày sau, anh N. có biểu hiện vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, sốt 2 ngày, đi kèm triệu chứng chóng mặt, chán ăn.
Gia đình đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện huyện và nhanh chóng được chuyển tuyến lên bệnh viện HNĐK Nghệ An. Khi vào viện, anh N. đã bị nhiễm độc gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng.
Nhờ được cấp cứu kịp thời nên sau 2 ngày nhập viện anh N. đã qua cơn nguy kịch và đang được các bác sỹ theo dõi, điều trị tích cực.
Theo khuyến cáo của các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An, thì lá lộc mại là loại lá rất độc và có thể gây tử vong rất nhanh nếu như ăn và uống với số lượng lớn. Từ đầu năm đến nay, khoa Hồi sức Tích cực chống độc của Bệnh viện đã tiếp nhận 3 ca ngộ độc lá lộc mại.
Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Nhiều trường hợp do đến muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu đã dẫn đến tử vong.
Điều đáng nói là, việc sử dụng lá lộc mại và một số lá cây rừng đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân do thiếu hiểu biết vẫn sử dụng để chữa bệnh và dùng làm món ăn hàng ngày.
KHUYẾN CÁO
Cây Lộc mại có tên khoa học: Claoxylon indicum (Reinw.ex Blume) Endl.ex Hassk thuộc họ Thầu Dầu (EUPHORBIACEAE)
Ở Việt Nam, cây có nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc mại, Lục mại, Mọ trắng, Rau mại, Rau mọi. Ngoài ra còn có một số loài khác như: Lộc mại trái láng, lộc mại lá dài, lộc mại nhỏ).
Lộc mại là cây gỗ nhỏ hay lớn, có thể cao đến 15m. Lá đa dạng, phiến hình bầu dục dài 10-14cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa, mỏng, có lông dày hay thưa có đốm trong, cuống ngắn hay dài đến 10cm. Cụm hoa dài có lông dày, hoa đực, dài 20cm lông thưa, ngắn ở chùm hoa cái. Hoa đực có 15-20 nhị, hoa cái có bầu 2-3 ô, mỗi ô một noãn.Quả nang có lông dày dài khoảng 1cm. Hạt dài 3mm, màu trắng.Lộc mại ra hoa tháng 5-8, kết quả vào tháng 7.
Ở nước ta, lộc mại mọc ở rừng và đồi vùng đồng bằng và trung du có độ cao dưới 700 m từ Lào cai đến Kiên Giang.
Công dụng: Lá có tác dụng tẩy. Rễ có vị nhạt, tính bình, ít độc có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán ứ, giảm đau. (chú ý: các tư liệu về loài Mercurialis của Pháp không thể áp dụng vào loài Claoxylon của Việt Nam).
Lá lộc mại non nấu canh ăn được. Lá giã nát thêm muối và nước vo gạo, hơ nóng đem chườm chữa quai bị, thấp khớp. Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai không được dùng.
Tuy nhiên, dùng lá lộc mại có thể bị ngộ độc. Đối với hệ thống tiêu hoá thì gây hiện tượng ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Với hệ thống tiết niệu: nước tiểu có mầu đỏ, đái vặt và buốt.
Tim đập mạnh và nhanh.Bệnh nhân mệt yếu.Viêm dạ dày và ruột, viêm thận. Muốn chữa ngộ độc cần dùng thuốc nhuận để tống hết chất độc hoặc dùng thuốc kích thích chung toàn thân. Cần chú ý là nước tiểu màu đỏ không phải là do đái ra máu mà là do một loại sắc tố của cây.
Đột phá nâng cao chất lượng chẩn đoán hình ảnh
http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dot-pha-nang-cao-chat-luong-chan-doan-hinh-anh-506294
Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) được coi là một trong những xét nghiệm y học then chốt trong xác định bệnh lý để các thầy thuốc đưa ra phương án điều trị, cứu chữa bệnh nhân. Đánh giá đúng tầm quan trọng của CĐHA, những năm qua, Bệnh viện Quân y (BVQY) 103, Học viện Quân y (HVQY) đã đầu tư, tạo đột phá về CĐHA, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng phục vụ khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.
Đóng góp quan trọng trong chẩn đoán lâm sàng
Chúng tôi đến Khoa CĐHA (BVQY 103) khi các bác sĩ, kỹ thuật viên vừa tiến hành chụp X-quang phổi cho cháu Ly Chương Bình, bệnh nhân đầu tiên ở nước ta được BVQY 103 ghép phổi thành công hồi đầu năm. Gặp chúng tôi, Đại tá, BSCK II Nguyễn Thành Lê, Phó chủ nhiệm Khoa CĐHA thông tin: Kết quả chụp X-quang cho thấy, phổi của cháu Ly Chương Bình đã tiến triển rất tốt, nhu mô phổi nở tốt, không có tràn khí, tràn dịch trong khoang phế mạc. Để có được thành công này, Bộ môn-Khoa CĐHA đã có những đóng góp quan trọng giúp đội ngũ thầy thuốc BVQY 103 và các chuyên gia y tế Nhật Bản đưa ra chẩn đoán xác định bệnh để có những chỉ định y khoa kịp thời, góp phần vào thành công của ca ghép phổi đầu tiên trên người ở Việt Nam.
Theo Đại tá Nguyễn Thành Lê, để chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân Ly Chương Bình, trước đó, các bác sĩ, kỹ thuật viên Bộ môn-Khoa CĐHA đã tiến hành nhiều lần chụp X-quang quy ước, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, giúp các bác sĩ xác định chính xác bệnh của cháu Ly Chương Bình bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, được chỉ định ghép phổi. Thời gian đầu sau khi ghép, Khoa CĐHA tiến hành chụp X-quang quy ước lồng ngực cho bệnh nhân để đánh giá tình trạng phổi ghép và xem xét mức độ bội nhiễm của phổi ghép…
Những đóng góp quan trọng của Bộ môn-Khoa CĐHA đối với bệnh nhân Ly Chương Bình là một ví dụ điển hình về đóng góp của CĐHA để các thầy thuốc cứu chữa cho người bệnh.Trao đổi với Đại tá Nguyễn Thành Lê, chúng tôi được biết, CĐHA trong y học là một trong những chuyên ngành y khoa quan trọng bậc nhất của ngành y tế hiện nay.Với sự phát triển vượt bậc, CĐHA ngày càng chiếm vai trò then chốt trong chẩn đoán các bệnh lý phức tạp như các bệnh lý thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp. Đặc biệt, ngày nay kỹ thuật điện quang can thiệp đã được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị, góp phần hạn chế xâm lấn, rút ngắn thời gian điều trị và hồi phục so với phẫu thuật. Trong chấn thương, CĐHA cho phép chẩn đoán xác định các tổn thương như gãy vỡ xương, máu tụ trong não hay các tổn thương vỡ tạng rỗng, tạng đặc khác. Từ đó giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra chẩn đoán và chỉ định chính xác để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.
Không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn
Theo anh Lê, hiện nay, ngoài những trang thiết bị, máy móc hiện đại giúp nâng cao chất lượng CĐHA thì yếu tố con người vẫn mang tính quyết định đến kết quả CĐHA. Trên cơ sở kết quả chiếu chụp hay siêu âm, người thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn sâu mới “đọc” được kết quả, không bị bỏ sót tổn thương, xác định chính xác nhất các mặt bệnh.
Hiện nay, Bộ môn-Khoa CĐHA đã được trang bị nhiều loại máy hiện đại, như: Máy chụp mạch hai bình diện, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla, máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, các loại máy chụp X-quang kỹ thuật số và máy siêu âm hiện đại… Để làm chủ các loại máy, trang thiết bị tiên tiến, BVQY 103 và khoa luôn chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên. Ngoài việc cử cán bộ, kỹ thuật viên đi đào tạo chuyên sâu, BVQY 103 thường xuyên phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế lớn trong nước như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… để tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nhằm không ngừng củng cố, nâng cao trình độ cho đội ngũ thầy thuốc thuộc Bộ môn-Khoa CĐHA.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo, các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa CĐHA đã tham gia phục vụ điều trị chẩn đoán trên phim chụp X-quang quy ước và X-quang kỹ thuật số, chẩn đoán trên phim chụp cắt lớp vi tính, chọc sinh thiết dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán trên phim chụp cộng hưởng từ. Các kỹ thuật chụp mạch chẩn đoán và X-quang can thiệp, chụp và can thiệp động mạch vành, động mạch não, can thiệp nội soi đường mật, siêu âm chẩn đoán và chọc sinh thiết, đặt dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm… đã có những bước tiến vượt bậc. Cùng với đó, cán bộ Bộ môn-Khoa CĐHA còn tham gia biên soạn giáo trình, giảng dạy, huấn luyện cho các lớp học viên thuộc HVQY cũng như tham gia huấn luyện chỉ đạo tuyến.
Bên cạnh đó, đội ngũ thầy thuốc còn tích cực tham gia NCKH. Những năm gần đây, các thầy thuốc Bộ môn-Khoa CĐHA đã hoàn thành nghiệm thu nhiều đề tài cấp cơ sở, có giá trị ứng dụng trong điều trị và giảng dạy, như: Chụp bao rễ thần kinh cản quang chẩn đoán bệnh lý tủy sống; chụp cắt lớp vi tính chẩn đoán u tụy… đồng thời tham gia nhiều đề tài NCKH cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Trong thời gian tới, Bộ môn-Khoa CĐHA tiếp tục triển khai một số kỹ thuật mới, chuyên sâu để phục vụ tốt công tác chẩn đoán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong bệnh viện, nhất là các bộ môn, khoa lâm sàng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.
Sóng cao tần làm “biến mất” u bướu cổ mà không cần phẫu thuật
http://suckhoedoisong.vn/song-cao-tan-lam-bien-mat-u-buou-co-ma-khong-can-phau-thuat-n131070.html
Khoảng vài năm gần đây, nhiều nước trên thế giới bắt đầu áp dụng phương pháp sử dụng sóng cao tần (RFA) để đốt u tuyến giáp lành tính có kích thước lớn
Là bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Tuyên Quang, chị Đàm Thị Ngân (42 tuổi) cho biết, chị bị bướu cổ 6 năm nay, gần đây to như quả trứng khiến chị bị khó thở khi nằm nghiêng. Ban đầu chị định đi mổ u tuyến giáp vì muốn thoát khỏi những cơn khó thở đeo đẳng đã 6 năm, nhưng lại sợ để lại vết sẹo trên cổ, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ… Qua tìm hiểu thông tin, được biết có phương pháp đốt sóng cao tần với bệnh lý u tuyến giáp được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Ngân đã đến khám và tiến hành điều trị. Chị Ngân cho biết, sau khi đốt khối u, về cơ bản cảm giác nghẹn và khó thở khi nằm nghiêng như trước đây của chị đã thuyên giảm khá nhiều.
Nhiều người bệnh bị u lành tuyến giáp nhưng ngại mổ vì sợ… xấu
Trường hợp của chị Ngân chỉ là một trong những bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng phương pháp mới này để điều trị bệnh lý u tuyến giáp lành tính. Đến nay, sau 1 năm triển khai ứng dụng phương pháp này tại Khoa (từ tháng 4/2016), ThS. BS Ngô Lê Lâm- Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, đã có khoảng 150 bệnh nhân bị u lành tuyến giáp được các bác sĩ sử dụng phương pháp đốt sóng cao tần để điều trị bệnh.
GS.TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ lâu nay, để điều trị u tuyến giáp lành tính, các bác sĩ tiến hành mổ mở hoặc nội soi từ ngực hoặc nách, cắt đi một phần hoặc 1 bên tuyến giáp. Tuy nhiên, đối với bệnh lý mà phụ nữ là đối tượng mắc bệnh nhiều gấp 5 lần nam giới như bướu giáp nhân thì vấn đề sẹo xấu làm nhiều người ngần ngại, chần chừ điều trị. Bên cạnh đó, khi phẫu thuật, bệnh nhân phải gây mê, nằm viện lâu ngày, thậm chí có thể có có sẹo nếu mổ mở và có tỉ lệ tai biến nhất định như khản tiếng, suy giáp...
Khoảng vài năm gần đây, nhiều nước trên thế giới bắt đầu áp dụng phương pháp sử dụng sóng cao tần (RFA) để đốt u tuyến giáp lành tính có kích thước lớn.Phương pháp này được thực hiện đầu tiên tại Hàn Quốc, tiếp sau đó được phát triển và áp dụng rộng rãi trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
ThS. BS Ngô Lê Lâm- Khoa Chẩn đoán hình ảnh- Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, phương pháp này thường áp dụng đối với các khối u có kích thước > 3 cm hoặc các khối u gây dấu hiệu chèn ép hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ, gây đau hoặc cảm giác khó chịu vùng cổ. Ngoài ra trên thế giới còn áp dụng phương pháp này điều trị đối với các hạch di căn do ung thư tuyến giáp (đã mổ nhiều lần hoặc không có chỉ định phẫu thuật hoặc bệnh nhân không muốn phẫu thuật tiếp), ung thư tuyến giáp giai đoạn rất sớm ( < 5 mm).
Bảo tồn tối đa chức năng tuyến giáp và không có sẹo trên cổ
Để triển khai việc đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp lành tính, bác sĩ sẽ chọc kim vào khối u, dòng diện xoay chiều sẽ truyền từ nguồn đến kim đốt gây nhiệt làm xơ hóa, thu nhỏ dần tổ chức u. Nguyên lý hoạt động tương tự như đốt khối u gan, u tử cung, u phổi… bằng sóng cao tần. Với những trường hợp khối u dạng nang lẫn nhân, bác sĩ sẽ tiêm cồn chọc hút dịch trước khi chiếu tia.
Bổ sung thêm thông tin, ThS.BS Ngô Lê Lâm nhấn mạnh: Điểm quan trọng nhất khi đốt là phải chú ý đến dây thần kinh quặt ngược ở vùng cổ bởi nếu đốt trúng 2 dây thần kinh này sẽ gây khản tiếng cho người bệnh. Tuy nhiên với máy siêu âm thế hệ mới, các dây thần kinh nhìn thấy rất rõ nên hầu như không có tai biến.
Về ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân không phải gây mê.Thủ thuật chỉ cần gây tê tại chỗ khoang quanh tuyến giáp, do đó bệnh nhân hoàn toàn có thể giao tiếp với bác sỹ trong quá trình làm thủ thuật. Mỗi ca đốt chỉ mất 30-45 phút. Do không phải rạch da, nên sau đốt sóng cao tần, bệnh nhân chỉ cần nằm lại theo dõi 1-2 tiếng rồi về, tái khám sau 3 tháng và gần như không để lại vết sẹo trên cổ (tính thẩm mỹ cao).
“Đặc biệt, phương pháp này giúp bảo tồn tối đa chức năng tuyến giáp và tỷ lệ biến chứng ít”- BS Lâm nói
Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên ở khu vực phía Bắc triển khai phương pháp dùng sóng cao tần để đốt u tuyến giáp, bắt đầu từ cuối tháng 4/2016. Đến nay các bác sĩ đã triển khai phương pháp này cho khoảng 150 bệnh nhân bị u bướu cổ với kích cỡ khối u trung bình 3-4 cm, to nhất 5cm.
“Thông thường 1 tháng sau đốt, khối u sẽ giảm 30-50% kích thước, sau 6-12 tháng sẽ giảm 50-80% thể tích ban đầu. Với những trường hợp quá to, bác sĩ sẽ theo dõi, cần thiết sẽ tiến hành đốt đợt 2”- BS Lâm cho biết
Được biết, chi phí cho mỗi ca đốt khối u tại Bệnh viện Bạch Mai hiện khoảng 20 triệu đồng, rẻ bằng khoảng 1/18 lần so với Hàn Quốc.
Phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh cho 2 bệnh nhi
http://cand.com.vn/y-te/Benh-vien-San-Nhi-tinh-Quang-Ninh-Phau-thuat-noi-soi-that-ong-phuc-tinh-cho-2-benh-nhi-439324/
Ngày 2-5, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh cho 2 bệnh nhi thành công.
Theo đó, ngày 28-4, Bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhi là bé Lài Thị Q. (3 tuổi, trú tại xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) và bé Bùi Trường S. 2 tuổi, trú tại xã Đông Ngũ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Các bé đều nhập viện trong tình trạng có khối phồng ở bẹn to lên khi quấy khóc, khi chạy nhảy hay gắng sức.
Các bệnh nhi được tiến hành xét nghiệm, siêu âm và chụp X-quang, kết quả cho thấy vị trí ống bẹn phải có khối thoát vị, kích thước khá to. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn chuyên khoa và chẩn đoán các bé bị thoát vị bẹn, đồng thời chỉ định phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc cho các bệnh nhi.
Đây là phương pháp can thiệp ít, đường mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, bệnh nhân đau ít, có thể đi lại sau vài tiếng đồng hồ. Cả 2 ca mổ đều tiến hành trong thời gian rất ngắn, do BS. Nguyễn Quốc Hùng và BS., Bùi Hải Nam trực tiếp phẫu thuật. Ca mổ đầu tiên mất 15 phút, ca thứ 2 chỉ còn 10 phút.
Theo BS. Nguyễn Quốc Hùng, thoát vị bẹn là dị tật bẩm sinh do còn ống phúc tinh mạc nên khi tăng áp lực ổ bụng, ruột chui xuống bìu. Nếu không phẫu thuật kịp thời, nếu ruột chui xuống, bị nghẹt lại dễ gây nguy cơ hoại tử ruột.