Báo điện tử Thanh niên online: Vụ cán bộ y tế bị chém: Nhìn mặt rồi mới ra tay
03/08/2015 07:03
Ngày 2.8, Công an H.Tam Nông (Đồng Tháp) tiếp tục truy tìm 2 nghi can chém ông Vương Hoàng Phương, Phó trưởng trạm y tế xã Hòa Bình (H.Tam Nông), bị thương tích phải đi cấp cứu (Thanh Niên đã đưa tin). Đến hôm qua, ông Phương vẫn còn nằm viện điều trị với 4 vết chém ở lưng, trong đó có vết thương dài hơn 3,5 cm.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Phương kể lại vụ việc như sau: Khoảng hơn 21 giờ ngày 28.7, ông chạy xe máy từ một quán cà phê về nhà riêng, khi đến gần giữa dốc cầu Hòa Bình thì bất ngờ bị 2 thanh niên tướng dong dỏng cao, chặn lại nhìn mặt, rồi vung hung khí chém ông.
Ông Phương la lên “các anh có đánh nhầm người không?” thì 2 thanh niên đáp “nhầm gì mà nhầm!”. Bị chém mấy nhát, ông Phương nhảy khỏi xe bỏ chạy kêu cứu. Còn 2 thanh niên nói trên tiếp tục đập bể phần đầu xe của ông rồi lên xe máy chạy về hướng xã Thành Lợi (H.Tháp Mười, Đồng Tháp). Ông Phương nén đau, lấy xe chạy về trạm y tế xã nhờ nhân viên sơ cứu, sau đó đến Bệnh viện đa khoa H.Tháp Mười để điều trị.
Theo ông Phương, trước khi ông chạy xe lên cầu cũng có một người đàn ông chạy xe qua cầu bị 2 thanh niên này chặn lại và nhìn mặt, xong họ để cho người đó đi qua.
Đến khi nhìn mặt ông Phương thì bọn chúng mới chém. Nạn nhân cho rằng 2 thanh niên chém ông với mục đích “dằn mặt”, gần đây ông có tranh chấp trong việc mua đất.
Thanh Dũng
Báo điện tử Pháp luật TP HCM online: Dân ‘chê’ khám, chữa bệnh bằng BHYT còn chờ lâu
Thứ Hai, ngày 3/8/2015 - 07:30
http://phapluattp.vn/suc-khoe/dan-che-kham-chua-benh-bang-bhyt-con-cho-lau-571866.html
(PL)- 30% người dân TP.HCM chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đó là con số được đưa ra tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi”tháng 8 với chủ đề “Chất lượng khám, chữa bệnh và tình hình tham gia BHYT tại TP.HCM” do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 2-8.
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM Lưu Thị Thanh Huyền, việc thực hiện BHYT toàn dân tại TP đã có những chuyển biến tích cực nhưng tỉ lệ người dân tham gia còn thấp. Đơn vị này đã đẩy mạnh truyền thông cho người dân hiểu đúng những lợi ích khi tham gia BHYT và đã in 2 triệu tờ tuyên truyền phát tới các tổ dân phố. Đơn vị cũng đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bằng BHYT với hơn 130 cơ sở y tế và hơn 100 trạm y tế.
Sở dĩ người dân chưa tích cực tham gia BHYT vì họ cho rằng việc tham gia BHYT còn có nhiều vướng mắc như quy định bắt mua theo cả hộ gia đình nhưng khi gia đình có thành viên đi học tập ở nước ngoài rất khó thực hiện hoặc là người địa phương khác cư trú và mua BHYT tại TP nhưng khi về thăm nhà và gặp sự cố về sức khỏe thì không thể dùng BHYT để khám bệnh. Mặt khác, một số người dân lại cho rằng việc bắt buộc phải mua BHYT theo hộ gia đình khiến các hộ có kinh tế khó khăn không thể tham gia. Nhiều ý kiến cũng cho rằng vì khám, chữa bệnh BHYT phải chờ đợi lâu nên họ chỉ mua BHYT khi có bệnh nặng hay bệnh nan y.
Từ những trăn trở này, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết theo Luật BHYT sửa đổi, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ hai, ba, tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất. Những trường hợp khó khăn vẫn có thể mua theo ba hoặc sáu tháng.
Để thu hút người dân tham gia BHYT cao hơn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết một trong những giải pháp quan trọng là phải nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Thời gian qua, ngành y tế TP thực hiện phương châm lấy người bệnh làm trung tâm mọi hoạt động. TP đã đi đầu cả nước trong việc thống nhất 1.427 phác đồ điều trị cho tất cả bệnh viện tuyến TP và quận, huyện. Cùng với đó, ngành thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh và khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh để cải tiến những vấn đề người bệnh chưa hài lòng. “Sở Y tế TP cũng đã quan tâm nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở. Đến nay, các bệnh viện quận, huyện đều có khoa sản, nhi. Đặc biệt ở tuyến này đã có một bệnh viện đạt hạng 1 và tám bệnh viện đạt hạng 2” - ông Thượng nói.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị để đạt mục tiêu của TP về BHYT (theo kế hoạch đến cuối năm nay, tỉ lệ người dân tham gia BHYT phải đạt 76% - PV), ngành y tế và bảo hiểm xã hội TP cần phối hợp khắc phục những vướng mắc trong thực hiện BHYT toàn dân và tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh để thu hút người dân tham gia BHYT.
Tính đến tháng 6-2015, TP.HCM có hơn 5,5 triệu thẻ BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 70% dân số, trong đó các hộ gia đình tham gia gần 1 triệu thẻ, tăng khoảng 40.000 thẻ so với cuối năm 2014.
TÁ LÂM
Báo điện tử Vietnamplus online: Hàn Quốc không ghi nhận ca nhiễm MERS nào trong hơn 4 tuần
LÚC: 03/08/15 07:56
http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-khong-ghi-nhan-ca-nhiem-mers-nao-trong-hon-4-tuan/336070.vnp
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Y tế và Phúc lợi nước này cho biết, tính đến ngày 3/8, Hàn Quốc không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) trong suốt 29 ngày qua và cũng không có thêm ca tử vong do MERS nào trong suốt 23 ngày gần đây.
Tính đến nay, số người bị ghi nhận nhiễm và tử vong do MERS tại Hàn Quốc vẫn dừng lại ở các con số lần lượt là 186 và 36.
Kể từ khi Hàn Quốc ghi nhận trường hợp nhiễm MERS đầu tiên vào ngày 20/5, gần 16.700 người ở nước này đã phải cách ly do nghi nhiễm MERS sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân, nhưng đến ngày 27/7 toàn bộ số người này đã thoát khỏi tình trạng trên do không có triệu chứng gì của bệnh trong hơn 14 ngày, tức là khoảng thời gian ủ bệnh tối đa của MERS.
Tuy nhiên, cũng từ ngày 27/7 đến nay đã có thêm 72 người phải cách ly, trong số đó 5 người có những triệu chứng có thể là của MERS sau khi họ tới một số nước ở Trung Đông trong thời gian gần đây, các trường hợp còn lại là những người đã tiếp xúc với họ./.
Báo điện tử Thanh niên online: Số ca mắc viêm não tăng cao
03/08/2015 08:53
http://www.thanhnien.com.vn/suc-khoe/so-ca-mac-viem-nao-tang-cao-592386.html
Bộ Y tế cho biết số ca mắc viêm não trong 7 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ 2014.
Trong đó, số mắc/tử vong do viêm não vi rút là 495/16 ca, tăng 40 trường hợp mắc và tăng 9 trường hợp tử vong so cùng kỳ năm 2014. Riêng trong một tháng gần nhất đã ghi nhận 180 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong do viêm não vi rút. Ngoài ra, số ca mắc viêm màng não do não mô cầu trong 7 tháng đầu năm cũng tăng 3 lần so cùng kỳ 2014 với 54 ca, 3 ca tử vong.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, viêm não/viêm màng não do não mô cầu là bệnh do vi khuẩn, ít ghi nhận nhưng bệnh diễn biến nhanh, rất dễ lây qua đường hô hấp. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng và xuất hiện các chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Khi có nghi ngờ cần đi khám sớm, tránh chẩn đoán nhầm với viêm họng thông thường hoặc sốt xuất huyết.
Liên Châu
Báo điện tử Dân trí online: Đồng Tháp: Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết do... lọ hộp vứt quanh nhà
Thứ Hai, 03/08/2015 - 10:03
Theo bác sĩ bác sĩ Lâm Hùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH gia tăng trên địa bàn, trong đó có tình trạng người địa phương đi làm ăn xa, khi con mắc bệnh SXH thì đưa con về địa phương điều trị. Ngoài ra, vẫn còn sự chủ quan phòng ngừa bệnh của người dân.
Từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 7, toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 700 ca bệnh sốt xuất huyết (tăng gần 320 ca so cùng kỳ năm trước), trong đó có 63 ca nặng và 1 ca tử vong.
Trong đó, tính riêng toàn huyện Tam Nông có 37 ca được chẩn đoán ban đầu là SXH (tăng 19 ca (tăng 105%) so cùng kỳ năm trước và tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây), phần nhiều là trẻ em, trong đó có 3 ca nặng đến từ xã Phú Đức và Phú Cường của huyện.
Bác sĩ Trương Minh Dương, Phó Khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, trong số 12 xã, thị trấn thì chỉ có xã An Long là chưa có trường hợp mắc SXH, thị trấn Tràm Chim có số mắc cao nhất với 12 ca. Cả 3 ca nặng đã được xử lý ổ dịch 2 lần, mỗi lần xử lý cách nhau 1 tuần. Trong quá trình xử lý ổ dịch cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh bằng cách phát quang, vệ sinh nhà cửa,…
Còn tại bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh viện tiếp nhận trên 60 ca nhiễm sốt xuất huyết (SXH). Vừa qua cũng đã xuất hiện 1 số ổ dịch SXH nhỏ tại TP.Cao Lãnh, huyện Lấp Vò, Tháp Mười. Các ổ dịch đã được xử lý ngăn chặn không cho dịch phát triển.
Theo bác sĩ bác sĩ Lâm Hùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH gia tăng trên địa bàn, trong đó có tình trạng người địa phương đi làm ăn xa, khi con mắc bệnh SXH thì đưa con về địa phương điều trị. Ngoài ra, vẫn còn sự chủ quan phòng ngừa bệnh của người dân.
Mùa mưa muỗi gây bệnh SXH phát triển rất nhanh nhưng người dân chưa có thói quen thường xuyên vệ sinh trong sân và xung quanh nhà mình, từ đó muỗi có điều kiện trú ẩn đẻ trứng.
Cô N.T.Q. ngụ ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông cho biết, các lu, khạp nhà cô đều đậy kỹ, có cho cá bảy màu vào nên nghĩ rằng nhà không có muỗi nhưng không biết vì sao cứ chiều tối là rất nhiều muỗi vào nhà.
Trong khi đó, chúng tôi không khó bắt gặp xung quanh nhà các hộ dân này vẫn còn nhiều vỏ xe hư, gáo dừa, chai lọ, chậu bỏ không, vỏ đồ hộp đều có thể chứa nước mưa, đây là điều kiện thuận lợi để muỗi vào đẻ trứng, phát sinh lăng quăng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, Trung tâm đang triển khai công tác giám sát nhằm phát hiện các ổ dịch để xử lý kịp thời, từ đó ngăn chặn không để dịch phát triển. Đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn giám sát nếu mật độ muỗi cao sẽ cho phun thuốc diệt mũi, lăng quăng nhiều sẽ tập trung công tác diệt lăng quăng.
Để thực hiện tốt phương châm “không có lăng quăng, không có SXH”, cốt yếu vẫn là ý thức của người dân, bởi cán bộ không thể nào vào từng nhà mà úp từng gáo dừa, đem bỏ từng vỏ xe. Có thể dịch SXH tăng, giảm theo chu kỳ từng năm hoặc vài năm 1 lần, tuy nhiên, một khi người dân có ý thức phòng ngừa SXH thì nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi đáng kể.
Nguyễn Hành – H.N
(haihanh@dantri.com.vn)
Báo điện tử Vietnamnet online: Bộ Trưởng Bộ Y tế: “Tốn kém cũng phải cứu điều dưỡng bị bệnh nhân đốt”
03/08/2015 14:29 GMT+7
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/254134/-ton-kem-cung-phai-cuu-dieu-duong-bi-benh-nhan-dot-.html
http://motthegioi.vn/xa-hoi/bo-truong-y-tecuu-dieu-duong-dau-du-chi-phi-ton-kem-den-dau-216999.html
Sáng 3/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng phái đoàn Bộ Y tế đã tới thăm anh Võ Văn Đấu (26 tuổi) điều dưỡng khoa Điều trị - Bệnh viện tâm thần Tiền Giang. Trong lúc khống chế một bệnh nhân tâm thần anh này đã bị bỏng xăng tới 70% diện tích cơ thể.
Sau khi vào thăm điều dưỡng Đấu (nằm chăm sóc đặc biệt tại khoa Phỏng – Bệnh viện Chợ Rẫy), Bộ trưởng Tiến không kìm nổi xúc động: “Anh ấy bị nặng lắm, gần như mù luôn hai mắt, tổn thương khắp cơ thể. Anh ấy đã rất can đảm. Đây là sự hy sinh lớn lao vì nhiệm vụ”.
Tiếp đó, Bộ trưởng Y tế đã căn dặn lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy: “Phải dùng mọi trang thiết bị, thuốc men, kỹ thuật tốt nhất để cứu ca này. Thậm chí cho bệnh nhân dùng ECMO dù biết rất tốn kém (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, một kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu, từng hồi sinh nhiều ca suy hô hấp nặng, ngưng tim, ngưng thở).”
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Tiến thay mặt ngành y trao tặng cho gia đình điều dưỡng Đấu một phần quà và tiền mặt, nhằm hỗ trợ gia đình bệnh nhân qua giai đoạn khó khăn.
Đặc biệt, mọi chi phí điều trị của bệnh nhân đều được miễn phí.
Theo bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng – phẫu thuật chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Võ Văn Đấu bị bỏng 57% độ 2 - 3 (37% bỏng sâu).
Hiện tại bệnh nhân đang viêm phổi, suy thận, nhiễm nấm máu và nhiễm trùng máu, tiên lượng rất nặng nề.
Trong buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng tới thăm bệnh nhân vừa được ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân này được một người bị tai nạn lao động chết não cho gan. Các bộ phận cơ thể, tạng của bệnh nhân chết não trên còn được hiến để cứu sống tới 5 trường hợp khác.
Sức khỏe của bệnh nhân được ghép gan khá ổn định, có thể tự đi lại, hồi phục tốt.
Thanh Huyền
Báo điện tử Pháp luật TP HCM online: Bộ trưởng Y tế thăm điều dưỡng bị bệnh nhân tâm thần đổ xăng đốt cháy
Thứ Hai, ngày 3/8/2015 - 14:57
(PLO) -Sáng nay, 3-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Khoa Bỏng - Tạo hình, BV Chợ Rẫy thăm và động viên điều dưỡng Võ Văn Đấu (26 tuổi, BV Tâm thần Tiền Giang) bị bệnh nhân tâm thần đổ xăng bắt lửa cháy bỏng 70% toàn thân vào ngày 12-7 vừa qua.
Bộ trưởng đề nghị BV Chợ Rẫy miễn phí toàn bộ viện phí cho điều dưỡng Đấu, đồng thời kêu gọi các cơ quan trong ngành y tế chung tay giúp đỡ bệnh nhân vì hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đến thăm các bệnh nhân ghép tạng tại BV Chợ Rẫy. Theo Bộ trưởng ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo...
Tuy nhiên, hiện thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép, trong khi nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn.
Bộ trưởng cũng kêu gọi cộng đồng cùng với ngành Y tế chung tay vận động hiến tặng mô, tạng để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân hơn nữa.
*Cũng trong sáng nay, tại TP. HCM, Bộ Y tế tổ chức triển khai Kế hoạch và Ký cam kết thực hiện Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, năm BV là Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Nhi đồng 1, BV 115 ký cam kết thực hiện với Bộ Y tế. Năm Sở Y tế: TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Cà Mau, Tây Ninh ký cam kết thực hiện với lãnh đạo Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các Sở Y tế, BV tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế, từ lãnh đạo đến nhân viên, kể cả người giữ xe và gác cổng, đây là điều quan trọng nhất. "Đổi mới không phải là chung chung mà phải cụ thể, ký cam kết không phải là chỉ là thủ tục phải bằng tấm lòng, ý chí", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, thái độ phong cách nhân viên y tế phải thay đổi vì đó là chân dung của người thầy thuốc. Hầu hết BS khám ngoài giờ đều được bệnh nhân yêu quý, thầy thuốc cũng yêu quý bệnh nhân. Vậy tại sao không mang mô hình này vào bệnh viện công?
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết Bộ sẽ có kế hoạch kiển tra, giám sát việc thực hiện các cam kết và có hình thức chế tài cũng như khen thưởng.
DUY TÍNH
Báo điện tử Thanh niên online: Bộ trưởng Kim Tiến: Sao bác sĩ không đem tình yêu từ phòng mạch tư vào BV công?
03/08/2015 15:59
(TNO) "Các bác sĩ đều có phòng mạch tư và ở đó có bác sĩ nào không yêu quý bệnh nhân đâu. Sao không đem tinh thần đó vào bệnh viện công", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có ý kiến đề nghị các y bác sĩ, cán bộ y tế đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh.
Không bệnh nhân thì thầy thuốc làm gì
Sáng 3.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch và ký cam kết của các bệnh viện về thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân”.
Qua kiểm tra, giám sát thực tế tại các bệnh viện cũng như phản ánh của người dân trên facebook và fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Tiến đánh giá người dân “sợ” và phàn nàn nhiều về bệnh viện công vì phòng ốc nhếch nhác, thái độ của nhân viên y tế cáu bẳn, thủ tục rườm rà.
Theo Bộ trưởng, hiện nay nhiều bệnh viện đã được xây mới, chỉnh trang. Tuy nhiên, bà Tiến nhìn nhận: “Chúng ta có bệnh viện mới nhưng thái độ đối với bệnh nhân vẫn không thay đổi”.
Qua đó, Bộ trưởng yêu cầu cán bộ y tế phải thay đổi thái độ từ coi việc khám bệnh là ban ơn, sang phục vụ.
“Vì người ta đến khám phải trả tiền, không tự móc tiền túi ra trả thì BHYT trả chứ có phải cho không đâu, còn mình được hành nghề là điều hạnh phúc; chứ chẳng lẽ tốt nghiệp xong là vui rồi nên có thái độ đuổi bệnh nhân đi, không cần hành nghề. Không có bệnh nhân thì có thầy thuốc làm gì”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.
Bộ Y tế đã ban hành quyết định đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân.
Trong đó, yêu cầu nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh cho cán bộ y tế từ bảo vệ, giữ xe, nhân viên thu ngân, làm thủ tục, đến các y bác sĩ, y tá, hộ lý, trưởng khoa phòng và lãnh đạo bệnh viện. Đồng thời, các bệnh viện phải triển khai bộ phận chăm sóc khách hàng tại bệnh viện; tiếp tục thực hiện và hoàn thiện đường dây nóng 24/24.
5 bệnh viện thay cam kết thay đổi thái độ
Theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện, cơ sở, cán bộ y tế phải phục vụ bệnh nhân theo phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.
Sau hôm nay, việc tập huấn và thực hiện quy định về thái độ phục vụ trên sẽ áp dụng tại các bệnh viện của cả nước và Bộ Y tế sẽ kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Cũng trong sáng nay, 5 bệnh viện tại phía nam đã ký cam kết thực hiện đổi mới thái độ phục vụ là: Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Thống Nhất, Nhi đồng 1 và Nhân dân 115.
"Khi giá dịch vụ y tế tính đúng tính đủ thì sẽ có cạnh tranh lành mạnh giữa y tế công lập và ngoài công lập và ngay cả giữa các cơ sở y tế công lập với nhau. Vì vậy nếu chúng ta không tử tế, tốt bụng, yêu quý và tôn trọng bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ quay lưng lại với chúng ta", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kết luận.
Viên An
Báo điện tử VNExpress online: Tất cả cán bộ y tế phải ký cam kết niềm nở với người bệnh
Thứ hai, 3/8/2015 | 16:36 GMT+7
4 bệnh viện trung ương đầu tiên đăng ký thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân sẽ mở các lớp tập huấn về cách giao tiếp ứng xử cho nhân viên, mỗi cán bộ y tế phải cam kết niềm nở với người bệnh...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện K Trung ương biết, ngay sau khi ký cam kết với Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện đã cho họp Đảng ủy, ban giám đốc, công đoàn, đoàn thanh niên và các trưởng khoa, phòng để bàn kế hoạch tổ chức thực hiện. Bệnh viện thành lập ban chỉ đạo tổ chức thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh", gồm 21 thành viên.
Dự kiến ngay khi có tài liệu hướng dẫn của Bộ, bệnh viện sẽ lên kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện. Các trưởng khoa, phòng phải ký cam kết với giám đốc; mỗi cán bộ, nhân viên y tế sẽ cam kết với trưởng các khoa, phòng.
Ngoài ra, bệnh viện đang cải tạo, mở rộng quy mô các phòng khám bệnh tại cơ sở ở Quán Sứ. Trước đây các bàn hướng dẫn đã được triển khai; nay sẽ cụ thể, chi tiết hơn sao cho người bệnh dễ hiểu, dễ thấy.
Bệnh viện K Trung ương là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất tại Hà Nội. “Bác sĩ đều là những người có tâm, luôn đặt việc điều trị hiệu quả nhất lên trên hết, tất cả vì sự an toàn của người bệnh. Đôi khi do áp lực công việc, mệt mỏi khó tránh được sự cáu gắt nhưng vẫn với mục tiêu làm sao điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh”, bác sĩ Tuyền nói.
Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cũng thành lập ban chỉ đạo thực hiện nội dung cam kết, dự kiến sắp tới sẽ thảo luận quy chế xử phạt, mở các lớp tập huấn... Sau đó, bệnh viện sẽ tổ chức ký cam kết cho lãnh đạo các khoa phòng, cán bộ y tế.
“Giao tiếp ứng xử với người bệnh không chỉ đơn giản là chào hỏi, cười nói mà theo tôi quan trọng là vấn đề chuyên môn, nhân viên y tế phải tận tâm, theo dõi sát người bệnh để họ yên tâm thấy bên cạnh mình lúc nào cũng y bác sĩ. Giao tiếp ứng xử ở đây cần sự đồng cảm, tôn trọng từ cả hai phía”, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói.
Trong khi đó, với Bệnh viện Bạch Mai, trước khi ký cam kết với Bộ Y tế, bệnh viện đã tiến hành dần từng bước để tạo sự thay đổi về thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ngay từ đầu năm, bệnh viện đã tổ chức một tháng 2 đợt tập huấn cho bác sĩ, điều dưỡng, y tá, nhân viên hành chính về quy tắc ứng xử văn minh văn hóa, quy tắc xưng hô tối thiểu. Bệnh viện cũng tập trung sắp xếp lại, cải tạo cơ sở vật chất, cải tiến quy trình khám chữa bệnh.
Cũng bị quá tải với khoảng 10.000 lượt người khám mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai phải bố trí riêng một tòa nhà để làm khoa Khám bệnh. Mỗi tầng có 2 nhân viên y tế đứng giúp hướng dẫn người nhà, bệnh nhân làm thủ tục. Gần đây có thêm sinh viên tình nguyện đứng giúp người bệnh tại khu vực đông đúc như nơi đóng tiền siêu âm, xét nghiệm máu... Lãnh đạo bệnh viện khẳng định: “Khi tòa nhà bệnh viện 11 tầng đưa vào hoạt động, tình trạng quá tải, nằm ghép sẽ được cải thiện”.
Nửa tháng trước, bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương và K là 4 cơ sở y tế đầu tiên ký cam kết với Bộ Y tế sẽ thay đổi thái độ phục vụ theo hướng làm hài lòng người bệnh. Đây đều là những bệnh viện lớn, có nhiều vấn đề phục vụ bị người dân phàn nàn. Lộ trình là tất cả cán bộ y tế phải ký cam kết, muộn nhất đến năm 2016 phải hoàn tất.
Sau hơn nửa tháng ký cam kết, tình trạng bệnh nhân xếp hàng dài đợi khám vẫn còn phổ biến, một số nhân viên y tế vẫn có thái độ gắt gỏng với người bệnh. Bệnh viện K Trung ương đã chuyển hầu hết các khoa phòng ra cơ sở 3 ở Tân Triều, Hà Đông, khá khang trang, rộng rãi. Tuy nhiên, theo thói quen người bệnh vẫn đổ dồn lên cơ sở 1 tại Quán Sứ, Hà Nội, vốn chật chội, cơ sở vật chất xuống cấp, gây quá tải. Tại đây,bBệnh viện chưa bố trí các bàn có người trực hướng dẫn làm thủ tục khám chữa bệnh, chưa có chỉ dẫn sơ đồ phòng khám, xét nghiệm, nơi thu tiền rõ ràng.
Đưa người nhà đi tái khám ung thư vòm họng ở đây, chị Minh (Hà Nội) bức xúc vì mất đến 3 ngày. Ngày đầu tiên, người nhà chị không biết phải nhịn ăn sáng mới được làm nội soi thực quản trong khi đã xếp hàng cả tiếng đồng hồ. Ngày thứ hai, mẹ chị được chỉ định làm thêm chụp cộng hưởng từ vùng cổ. Chị không biết đi đâu để nộp tiền, đành đứng chen nhau xếp hàng, khi đến lượt thì ngỡ ngàng vì phải sang khu kỹ thuật cao nộp tiền. Ngày thứ ba, chị đưa mẹ quay lại vẫn tiếp tục làm các xét nghiệm.
Không biết hỏi ai để biết phải đến chỗ nào để khám, làm xét nghiệm, bệnh nhân và người nhà đành quay ra hỏi bảo vệ, hoặc gặp nhân viên y tế nào đi qua thì hỏi người đó. Có người đến khu vực thu tiền, làm thủ tục để nhờ hướng dẫn thông tin nhưng chỉ nhận được những câu trả lời trống không “lên tầng 1 nhà A”, lên nhà D... Người bệnh không biết nhà A, nhà D là cái nhà nào trong 4 dãy nhà xung quanh bệnh viện nên lại đi hỏi, đi tìm.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo nhiều người bệnh, thái độ ứng xử của nhân viên y tế đã có sự cải thiện đáng kể. Dù vậy, khu Khám bệnh vẫn đông nghịt người, không đủ ghế ngồi ở khu vực chờ khám, nhiều người ngồi nằm vạ vật trên đất.
Ông Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) nhấn mạnh: "Thay đổi thái độ, phong cách phục vụ không phải ngay nay ngày mai sau khi ký cam kết mà sẽ dần dần. Sự hài lòng của người bệnh dựa trên nhiều tiêu chuẩn như về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, về tác phong, thái độ nhân viên y tế...".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng khẳng định, hiện nay ngành y tế tập trung đổi mới giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế để người bệnh thực sự cảm thấy an tâm và hài lòng. Nếu người bệnh phản ánh cán bộ y tế phục vụ ứng xử không tốt thì bệnh viện sẽ có hình thức xử phạt.
Nam Phương
Báo điện tử VNExpress online: 5 bệnh viện phía Nam cam kết thay đổi phục vụ bệnh nhân
Thứ hai, 3/8/2015 | 16:41 GMT+7
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Nhân dân 115, Nhi đồng 1, Đa khoa Trung ương Cần Thơ sáng 3/8 đã ký cam kết với Bộ Y tế sẽ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế với người bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết việc đổi mới thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế là nhiệm vụ quan trọng hiện nay trong đạo đức ngành y. Từ đội ngũ gác cổng, giữ xe, nhân viên thu ngân, bán thuốc cho đến y bác sĩ, điều dưỡng... đều cần phải được tập huấn để thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng, giảm phàn nàn ở bệnh nhân.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã triển khai tập huấn cho hơn 400 đại diện cơ quan y tế, bệnh viện phía Nam về nâng cao kỹ năng giao tiếp của nhân viên, thành lập triển khai phòng công tác xã hội, bộ phận chăm sóc khách hàng, tiếp tục hoàn thiện thùng thư góp ý, đường dây nóng.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết 6 tháng đầu năm 2015, có hơn 8.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế qua số tổng đài 1900-9095. Trong đó các cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đã giảm từ 19% năm 2014 xuống còn 12%. Những thông tin phản ánh của người dân đã được kiểm chứng, xác minh để có hình thức khiển trách, kỷ luật hoặc khen thưởng cán bộ y tế kịp thời.
Dự thảo tài liệu hướng dẫn tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử, Bộ Y tế quy định rõ cách giao tiếp của nhân viên y tế với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Mỗi nhân viên y tế từ bảo vệ tới giám đốc bệnh viện cần phải học về kỹ năng giao tiếp từ việc chào hỏi, thái độ, ánh mắt, cường độ giọng nói... Câu nói phải có chủ ngữ, không nói trống không, cộc lốc, không nói bỏ lửng câu.
Ngày 14/7, 4 cơ sở y tế đầu tiên khu vực phía Bắc là Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương và K đã cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế sẽ thay đổi phục vụ theo hướng làm hài lòng người bệnh.
Lê Phương
Báo điện tử VTV online: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế
Cập nhật 16:45 ngày 03/08/2015
http://vtv.vn/xa-hoi/doi-moi-phong-cach-thai-do-phuc-vu-cua-can-bo-y-te-20150803151917117.htm
VTV.vn - Sáng 3/8, tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế là bước đột phá để củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh.
Ngành y có nhiều tấm gương tập thể y, bác sỹ hết lòng vì tính mạng người bệnh, tuy nhiên cũng còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thậm chí có hành vi tiêu cực. Điều này đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh hơn 400.000 cán bộ y tế đang lặng lẽ ngày đêm đem hết tâm huyết, trí tuệ của mình để từng phút, từng giây giành giật sự sống cho người bệnh.
Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Bộ đã xây dựng tài liệu hướng dẫn, tập huấn các tình huống giao tiếp ứng xử tại cơ sở y tế đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Cũng tại Hội nghị, 5 bệnh viện trực thuộc Bộ và 5 Sở Y tế đã cùng ký cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế về đổi mới phong cách thái độ hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân.
Kim Xuân - Nguyệt Ánh - Minh Đức (Ban Thời sự)
Báo điện tử Chính phủ online: Phạt hơn 100 cơ sở vi phạm ATTP hơn 2,1 tỉ đồng
16:49, 03/08/2015
http://baochinhphu.vn/an-ninh-trat-tu/phat-hon-100-co-so-vi-pham-attp-hon-21-ti-dong/233109.vgp
(Chinhphu.vn) - Từ 1/1 đến 30/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt 112 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) với tổng số tiền phạt lên tới hơn 2,1 tỉ đồng, trong đó có 95 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) bị xử phạt hơn 1,7 tỉ đồng.
Riêng tháng 7, nhằm tiếp tục tăng cường quản lý đối với TPCN và các nhóm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, Cục trưởng Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 công ty vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 480 triệu đồng; thu hồi hiệu lực 2 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và 2 giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Các hành vi vi phạm được phát hiện gồm: Quảng cáo TPCN mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định; vi phạm về điều kiện bảo quản và sản xuất thực phẩm.
Trong số 23 công ty bị xử phạt, có 5 công ty có mức phạt từ 25 triệu đồng đến 45 triệu đồng, một công ty có 2 sản phẩm bị thu hồi giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Trong đó tiêu biểu như: Xử phạt Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kiều Việt (TPHCM) 45 triệu đồng; xử phạt Công ty TNHH TM Bảo Bình An (Hà Nội) 30 triệu đồng; xử phạt Công ty TNHH dược phẩm Tân Bách Tùng (Hà Nội) 25 triệu đồng; xử phạt Công ty TNHH Golden Health USA (TPHCM) 25 triệu đồng; xử phạt Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc gia (Hà Nội) 25 triệu đồng... thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với 2 sản phẩm TPCN của Công ty cổ phần Dược phẩm Khang Đạt (Hà Nội).
Cục ATTP cũng cho biết, Cục đang phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương triển khai thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TPCN theo kế hoạch đã được định ra. Đồng thời, quyết liệt triển khai Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 ngày 13/7/2015 của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN.
PV
Báo điện tử Infonet online: 21 tỉnh, thành phố phía Nam cam kết đổi mới thái độ phục vụ trong bệnh viện
03/08/15 16:57
Sáng 3/8, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai và ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thậm chí có hành vi tiêu cực. Những "con sâu làm rầu nồi canh” đó đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh các cán bộ y tế đang lặng lẽ ngày đêm đem hết tâm huyết, trí tuệ của mình để từng phút từng giây giành giật sự sống cho người bệnh.
Do đó, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế là bước đột phá để củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. Phải thay đổi từ giám đốc bệnh viện đến bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, thậm chí cả nhân viên giữ xe, bảo vệ, đặc biệt là ở những khâu hiện đang bị người dân phàn nàn rất nhiều như thu tiền, phát thuốc…
Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn như tình trạng quá tải trong các bệnh viện, hạ tầng chưa đáp ứng nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các bệnh viện phải nỗ lực vượt qua, quyết liệt thực hiện chương trình này càng sớm càng tốt, càng khó càng phải nỗ lực để thay đổi quan điểm từ chỗ ban ơn thành phục vụ, từ chỗ người bệnh phải cầu cạnh thành có quyền được khám chữa bệnh tốt.
Về dự và ký cam kết tại Hội nghị có 400 đại biểu là Lãnh đạo Sở Y tế, Công đoàn ngành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Giám đốc bệnh viện Sản - Nhi của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam; Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Điều dưỡng trưởng của 30 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM
An Nhiên
Báo điện tử Một thế giới online:Cán bộ y tế phải xin lỗi, nếu để bệnh nhân chờ đợi
17:44 03-08-2015
“Cam kết là để chúng ta có trách nhiệm với chính bản thân mình, với những gì mình đã ký kết bằng giấy trắng mực đen. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là các bệnh viện phải tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, tập huấn đi, tập huấn lại để nhắc nhỡ về phong cách, thái độ phục vụ ”
ộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như thế tại Hội nghị triển khai kế hoạch và ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” khu vực phía Nam hôm 3.8.
Phải yêu thương bệnh nhân
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành nghề nào cũng cần có đạo đức, nhưng với ngành y đạo đức luôn đòi hỏi cao. Ở phương Tây, các sinh viên ngành y phải nằm lòng và hành động đúng như lời thề Hippocrates. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã đưa ra 12 điều y đức của người thầy thuốc và những quy tắc ứng xử nghề nghiệp.
Ngành y là một ngành đặc biệt, tuyển chọn đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt…Nhiệm vụ của cán bộ y tế là người chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cán bộ y tế ứng xử không tốt, thậm chí còn tiêu cực.
"Trong xã hội có 2 nghề được người dân gọi là “thầy”, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Ca dao có câu: Muốn sang thì bắt cầu kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Nhưng để bệnh nhân yêu lấy thầy thuốc, trước hết thầy thuốc phải thương yêu thương bệnh nhân. Việc thương yêu bệnh nhân, không chỉ hết lòng cứu chữa bệnh nhân mà còn phải thể hiện thái độ phục vụ với phương châm “ bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, bà Tiến chia sẻ.
Theo bộ trưởng Tiến, hiện nay việc thanh toán tiền và chờ lấy thuốc đang bị bệnh nhân than phiền vì còn chờ đợi quá lâu. Điều này là do các bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin còn yếu. Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế còn khá chậm. “Chúng ta có tiền bạc, cơ sở vật chất, kỹ thuật cao… nhưng lại để thời gian chờ đợi bệnh nhân lâu, thái độ ứng xử của một số cán bộ y tế không tốt, thậm chí còn có hành vi tiêu cực là điều không thể chấp nhận được”, bà Tiến nói.
Theo Bộ Y tế, lộ trình điều chỉnh giá viện phí sẽ hướng đến tính đúng, tính đủ. Một khi chi phí khám, chữa bệnh được tính đúng, tính đủ, thu nhập của cán bộ y tế sẽ tăng lên. Lúc này người dân sẽ đặt 2 câu hỏi: Liệu chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh có tốt hơn và thái độ phục vụ của cán bộ y tế có tốt hơn?
Do đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim cảnh báo, nếu các bệnh viện công không thay đổi phong cách, thái độ phục vụ thì sẽ bị mất bệnh nhân. Bởi khi đó, chi phí khám chữa bệnh ở các bệnh viện công đang dần tiếp cận với các bệnh viên ngoài công lập.
Không nghe điện thoại khi tiếp bệnh nhân
Tại lễ ký cam kết thực hiện “ Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” ở khu vực phía Nam đã có 5 bệnh viện tham gia ký kết gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng1, TP.HCM và Bệnh viện Thống Nhất.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Dương, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, dù trước đây chưa ký cam kết, nhưng bệnh viện này đã thực hiện nhiều cách làm góp phần làm hài lòng người bệnh.
Ngoài quy định mỗi bác sĩ chỉ khám tối đa 50 bệnh nhân/ ngày để bệnh nhân được tư vấn kỹ hơn, bệnh viện còn đưa bác sĩ đến tận nhà bệnh nhân để khám, chữa bệnh. Điều này không chỉ giúp bệnh nhân khỏi mất thời gian chờ đợi mà còn giúp bác sĩ có thời gian khám cho bệnh nhân được chu đáo, tận tình.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã hình thành đơn vị chăm sóc khách hàng để hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân được hơn 5 năm qua. Theo bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, hiện đơn vị chăm sóc khách hàng có 31 nhân viên, trong đó có thạc sĩ điều dưỡng, cử nhân điều dưỡng và cả những chuyên gia tâm lý.
Tại mỗi khoa đều có số điện thoại của nhân viên chăm sóc khách hàng để bệnh nhân có thể liên lạc khi cần sự giúp đỡ, hỗ trợ xe đưa đón, hỗ trợ xe lăn, dẫn bệnh nhân đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng…“Trong năm vừa qua, bệnh viện đã hỗ trợ, giúp đỡ cho trên 10 nghìn lượt bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ số hài lòng của người bệnh đối với bệnh viên luôn ở mức cao”, ông Báu cho biết.
Bộ Y tế cho biết, ngoài thay đổi phong cách phục vụ, Bộ Y tế cũng quy định thái độ phục vụ của cán cán bộ y tế. Trong thái độ phục vụ của cán bộ y tế có quy định cụ thể về văn hóa ứng xử trong các tình huống giao tiếp với người bệnh, với nhân dân.
TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ ( Bộ Y tế ) cho biết, trong giao tiếp ứng xử của cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh được quy định rõ: cán bộ y tế khi đón tiếp bệnh nhân nhập viện, khi thăm thăm khám hàng ngày hay bệnh nhân cần giúp đỡ, cán bộ y tế phải chào, hỏi tên bệnh nhân hoặc gọi tên bệnh nhân. Sau đó, cán bộ y tế phải giới thiệu tên của mình, chuyên ngành công tác và giải thích nêu nội dung cần trao đổi, mục đích khám, chăm sóc với bệnh nhân….
Trong trường hợp cán bộ y tế để bệnh nhân chờ đợi quá thời gian cho phép, hoặc phải làm một việc gì khác không thể trì hoãn trong lúc đang khám, chữa bệnh cho bệnh nhân thì cán bộ y tế phải xin lỗi bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân khám, chữa bệnh xong hoặc bệnh nhân ra viện, chuyển viện cán bộ y tế phải cảm ơn.
“Cán bộ y tế tuyệt đối không nghe điện thoại hoặc làm việc riêng khi đang giao tiếp với người bệnh. Đặc biệt, cán bộ y tế phải trả lời đầy đủ các câu hỏi của người bệnh, người nhà người bệnh và khách với thái độ ân cần, quân tâm và lịch sự. Đồng thời tỏ thá độ cảm thông, động viên khi người bệnh tỏ thái độ lo sợ và đau đớn”, ông Tác cho biết.
Hồ Quang
Báo điện tử Lao động online: Bệnh viện Phụ sản TƯ: Tổ chức ngày hội chăm sóc sức khỏe mẹ và bé
5:47 PM, 03/08/2015
Ngày 2.8, Bệnh viện Phụ sản TƯ tưng bừng tổ chức ngày hội chăm sóc sức khỏe mẹ & bé với chủ đề “Điều ước cho con”.
Hơn 600 mẹ bầu đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tham dự sự kiện với rất nhiều hoạt động bổ ích và có ý nghĩa dành cho các chị em phụ nữ mang thai và có con nhỏ. PGS.TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ – đã tư vấn thai kỳ chuyên đề “Để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn”, “ Hướng dẫn cách cho bé ăn bổ sung đúng cách và xử trí các bệnh thường gặp”, hướng dẫn kỹ năng “Tắm bé, thay tã và chăm sóc da cho bé”.
Bên cạnh đó, các bà mẹ đã được các bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Phụ sản TƯ trực tiếp khám thai, siêu âm, tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Chương trình càng sôi động và giàu ý nghĩa nhân văn hơn khi các bà mẹ, ông bố đã hào hứng được tự mình thể hiện những “Bài hát ru con” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ còn được tham gia cuộc thi “ Thời trang bà bầu” đầy mầu sắc, sôi động. Chương trình cũng mang đến bài tập YOGA “Chia sẻ lợi ích và hướng dẫn phương pháp tập yoga cho thai phụ” của chuyên gia Yoga đến từ Ấn Độ
Ngày hội đã để lại ấn tượng tốt đẹp, mang lại nhiều kiến thức quý giá cho các sản phụ và thực sự là một hoạt động thường niên có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, giúp các chị em phụ nữ cập nhật kiến thức chăm sóc thai kỳ và chăm sóc trẻ sơ sinh.
HUY TUẤN
Báo điện tử Lao động online: Nguy cơ mất mạng vì lang băm
6:46 PM, 03/08/2015
http://laodong.com.vn/suc-khoe/nguy-co-mat-mang-vi-lang-bam-359205.bld
Sau khi nhờ thầy lang đắp thuốc vào vết rắn lục đuôi đỏ cắn ở chân, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, vết thương sưng to, hoại tử. Một trường hợp đang điều trị bệnh viêm gan B tiến triển tốt, nghe rỉ tai uống nấm lim xanh cải thiện bệnh gan, chỉ sau 3 tháng bệnh nặng hơn và cũng rơi vào tình trạng nguy kịch.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể những ca bệnh nặng do bỏ điều trị thầy thuốc nghe theo thầy lang, nhưng theo số liệu sơ bộ tại khoa cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi năm tiếp nhận khoảng 25-30 ca bệnh dạng này.
Nguy kịch vì thầy lang
Nói về tình trạng sức khỏe bệnh nhân N.A.T (33 tuổi, ở Ninh Bình), Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) ái ngại: "Tiên lượng của bệnh nhân khá xấu. Các bác sĩ đang dồn sức cứu chữa cho bệnh nhân".
Vài năm trước, bệnh nhân T được chẩn đoán viêm gan B và chỉ định điều trị theo phác đồ. Sau một thời gian tuân thủ đúng phác đồ, sức khỏe của T khá lên trông thấy. “Bệnh của T cần điều trị dài ngày, kiên trì. Thế nhưng, sau khi đọc các thông tin không chính thống trên mạng xã hội, rồi nghe người này mách bài thuốc này, bài thuốc kia, bệnh nhân bỏ hẳn điều trị chuyển sang uống nấm lim xanh. Theo người nhà bệnh nhân kể lại, T uống nấm lim xanh với hy vọng giúp cải thiện bệnh gan thần diệu”, Ths.Bs Cấp nói. Chỉ sau 3 tháng uống nấm lim xanh, sức khỏe bệnh nhân T không khá lên mà còn nặng đi. Bệnh nhân quay lại viện điều trị trong tình trạng suy gan trầm trọng, nguy cơ tử vong rất cao. Hiện các y, bác sĩ đang dốc sức cứu tính mạng bệnh nhân.
Không muốn chia sẻ nhiều, người nhà bệnh nhân T đang ngày đêm túc trực bên giường bệnh chỉ biết tự an ủi: “Nằm bệnh dài ngày cứ nghe người này, người kia mách thuốc này tốt, thuốc kia bổ nên chúng tôi mới làm theo. Họ còn chỉ ra cả trường hợp cụ thể khỏi bệnh sau khi uống nấm lim xanh. Bỏ điều trị tây y, giờ đây mới thế này. Không biết có giữ được tính mạng nữa không”.
Ngay đầu tuần qua, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM - tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm độc rất nặng do rắn cắn. Bệnh nhi là bé N.T.V (9 tuổi, ở Tiền Giang). Có lẽ, bệnh tình của V sẽ không quá nặng nếu như gia đình em không nghe theo lời thầy lang. Theo người nhà bệnh nhi, mùa hè, trẻ được nghỉ học nên bày ra nhiều trò để chơi. Trong lúc trèo cây hái quả, V bất ngờ bị rắn núp trong tán lá lao ra cắn vào chân phải. Nghe tiếng kêu khóc thét của trẻ, người lớn chạy ra thì phát hiện con rắn đang tìm đường thoát thân nên tiến hành bao vây tiêu diệt.
Ngay sau đó, thay vì đưa đến cơ sở y tế, người nhà đưa thẳng bé đến thầy lang tại địa phương để chích hút nọc độc, rồi đắp thuốc. Bệnh tình không đỡ, sức khỏe bệnh nhân ngày càng xấu, vết thương sưng to, chảy máu, xuất huyết da nhiều vùng trên cơ thể…, bệnh nhi rơi vào tình trạng lơ mơ, da xanh tái. Đến lúc này, người nhà mới tá hỏa đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu. Bệnh nhi được xác định rối loạn đông máu nặng, có biểu hiện sưng bầm, hoại tử chi. Các bác sĩ tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, nhưng bệnh vẫn diễn tiến xấu, tình trạng sưng bầm lan lên đùi phải, rối loạn đông máu tiếp diễn, nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhi. Loài rắn tấn công bệnh nhi được xác định là rắn lục đuôi đỏ. Sau 1 tuần chăm sóc, điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi mới dần cải thiện. Hiện bệnh nhi V đã qua cơn nguy kịch, vết thương giảm sưng, hết chảy máu.
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm, số bệnh nhân bị rắn cắn, chó cắn tự điều trị đến nhập viện trong tình nặng là khá đông và phổ biến. Chỉ đơn cử bệnh dại, năm nào ngành y tế cũng tuyên truyền, bệnh không còn lạ nhưng khi bị chó cắn người dân thay vì đến cơ sở y tế điều trị lại tìm đến thầy lang. Chúng tôi đã chứng kiến những kết cục đau buồn, bệnh nhân đến quá muộn, bác sĩ không thể làm gì nữa. Trong khi với những trường hợp này, chỉ cần đến sớm, điều trị đúng cách là bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh.
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp cũng cho rằng, dù đã khuyến cáo, tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhưng nhiều lúc các bác sĩ đành bất lực vì người nhà đòi về tự điều trị theo thầy lang. Bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân L.T.S (ngoài 40 tuổi, ở Thái Nguyên) bị chẩn đoán viêm phổi, nhiễm trùng máu, cần điều trị lâu dài và theo phác đồ nghiêm ngặt. Trong khi y, bác sĩ tìm mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân thì vợ bệnh nhân một mực xin cho bệnh nhân về.
“Ngày nào nhân viên y tế cũng phải đến khuyên nhủ, tư vấn. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ở quê có người mách cho người nhà bài thuốc lá chữa bệnh nhanh lại không tốn kém. Chẳng biết thực hư bài thuốc như thế nào, chúng tôi khuyên mãi không được, phải đến khi người cháu là sĩ quan quân đội khuyên nhủ rồi làm quyết liệt người nhà mới cho bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị”, Ths.Bs Cấp kể. Hiện bệnh nhân S vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bên cạnh việc điều trị bệnh, các y, bác sĩ còn phải làm công tác tư tưởng, tư vấn để bệnh nhân và người nhà yên tâm điều trị cho có kết quả.
Thầy lang hơn thầy thuốc?
Đối với trẻ em, Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp có lời khuyên, để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy đến với con trẻ, người lớn (đặc biệt là các gia đình sống ở vùng quê) cần phát quang bụi rậm quanh nhà, để rắn lục không còn nơi trú ẩn, không cho trẻ trèo cây hoặc chơi ở những nơi nguy cơ có rắn sinh sống, giăng mùng khi ngủ để tránh bị côn trùng đốt nhưng cũng phòng rắn tấn công.
Trong trường hợp bị rắn cắn, cần nhanh chóng tìm kiếm, xác định loài rắn; cho nạn nhân nằm bất động, đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước hoặc dung dịch sát khuẩn da; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời. Nạn nhân bị rắn cắn không nên ga-rô phía trên vết thương vì ga-rô khiến máu không lưu thông, có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc, bởi việc rạch hút sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc; không đắp thuốc lá cây vì chúng có thể gây nhiễm trùng vết thương.
Cũng theo Ths.Bs Cấp, thuốc, thực phẩm và thực phẩm chức năng là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thế nhưng, việc xử lý những cá nhân, tổ chức quảng cáo sai sự thật hiện nay chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Mạng xã hội phát triển trở thành mảnh đất màu mỡ cho các lang băm quảng cáo hoạt động khám chữa bệnh bằng những bài thuốc “bí truyền”, “thần dược”. Nhiều thầy lang quảng cáo rầm rộ về những bài thuốc chữa khỏi từ bệnh ung thư đến xơ gan, thậm chí cả HIV.
Lợi nhuận của thị trường dược phẩm rất cao. Nếu có loại thuốc nào tăng tỉ lệ khỏi bệnh thêm 10-20% đã được coi là tuyệt vời và đương nhiên giá bán sẽ là siêu tưởng. Những bài thuốc dân gian có tác dụng nhất định nhưng không thể là thần diệu. Chính sự phát triển của mạng xã hội cùng sự thiếu hiểu biết của người dân khiến việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn. Một bài thuốc dùng cho bệnh nhân phải trải qua nhiều bước kiểm nghiệm nghiêm ngặt.
Thông thường, một thuốc hay liệu pháp điều trị phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm (tiền lâm sàng, thử nghiệm trên động vật, nghiên cứu thử nghiệm trên người) mới được đưa ra áp dụng trong điều trị. Trong khi đó, nhiều thầy lang quảng cáo các phương thuốc bí truyền chữa từ rắn cắn, bệnh dại đến ung thư xơ gan. Những quảng cáo này đều chỉ là lừa bịp, câu khách. Còn người bệnh vì nguyên nhân nào đó mù quáng nghe theo để rồi gánh hậu quả.
LỆ HÀ
Báo điện tử Vietnamnet online: Ngành y đưa “xin chào, xin lỗi, cảm ơn” vào bệnh viện
03/08/2015 19:32 GMT+7
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/254162/nganh-y-dua--xin-chao--xin-loi--cam-on--vao-benh-vien.html
Cơ sở vật chất khang trang, kỹ thuật cao nhưng nhân viên y tế thái độ ứng xử kém, thủ tục hành chính rườm rà, thời gian chờ đợi lâu thì bệnh nhân vẫn…quay lưng với bệnh viện.
Muốn thu hút bệnh nhân, phải nâng cao chất lượng
Đó là tiêu điểm được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh trong Hội nghị triển khai kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM ngày 3/8.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tiến cho biết, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ giúp cho đời sống, thu nhập của nhân viên y tế tăng lên. Khi đó, giá dịch vụ của các bệnh viện công, bệnh viện tư sẽ tương đương nhau. Lúc ấy, bệnh viện công muốn thu hút bệnh nhân tới khám chữa bệnh thì buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.
Thời gian qua, cơ sở hạ tầng của y tế tuyến huyện như khoác màu áo mới. Các bệnh viện vệ tinh phát triển, nhờ đề án 1816 (bác sĩ tuyến trên xuống chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ bệnh viện tuyến dưới) mà nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã mổ được cả ca chấn thương sọ não, cấp cứu nhi, sản khoa…
“Nhìn chung về khoa học kỹ thuật, đào tạo con người của ngành y đều có tiến bộ, thế nhưng tại sao bệnh nhân vẫn quay lưng với một số bệnh viện? Có nhà cửa, tiền bạc, kỹ thuật, thuốc men, bác sĩ giỏi nhưng thái độ ứng xử kém, thủ tục hành chính rườm rà, thời gian chờ đợi lâu thì vẫn chưa đủ. Ta không tử tế với bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ quay lưng với ta.”, Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ trưởng Tiến còn dẫn chứng những bức xúc, góp ý của người dân trên trang fanpage của mình: “các đồng chí hãy vào trang facebook botruongboyte.com.vn mà đọc xem người dân họ nói gì. Nhà vệ sinh trong bệnh viện chưa sạch sẽ, thời gian khám chờ đợi lâu, thủ tục rườm rà, thái độ nhân viên chưa thân thiện. Có phòng khám tư nhân nào mà bác sĩ không yêu quý bệnh nhân đâu? Còn đây, khi tới bệnh viện, ngay từ nhân viên bảo vệ, trông xe mặt lạnh như tiền. Thử nghĩ nếu người nhà chúng ta đi khám bệnh thì sẽ thế nào?”
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện cần phải sáng tạo, linh động để cải tạo, nâng cấp giảm sự bất tiện, phiền hà cho người bệnh dù không gian bệnh viện chật hẹp. Trên thực tế, vẫn còn nhiều lãnh đạo vì bận làm công tác chuyên môn chưa để ý tới chuyện này, mà nhà vệ sinh, khu khám bệnh lại chính là bộ mặt của bệnh viện đó.
Chứng minh chỉ cần lãnh đạo bệnh viện có tâm sẽ có cách khắc phục tình trạng quá tải, Bộ trưởng Y tế nói: “Tại sao Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quá tải khủng khiếp như thế, chật hẹp như thế, tưởng chừng không còn một tấc để cơi nới. Vậy mà họ vẫn dựng lên được 10 phòng khám bệnh ở khu vực sân gần vườn hoa? Nếu chúng ta cứ đuổi bệnh nhân đi, để người dân chán thì còn gì là hạnh phúc, niềm vui của nghề nghiệp?”
Đưa ứng xử giao tiếp thành môn học trong trường y?
Tại buổi Hội Nghị, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã phổ biến kế hoạch về nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế.
Ông Tác cho biết tất cả cán bộ y tế sẽ được yêu cầu vận dụng các từ ngữ trong giao tiếp với bệnh nhân như: “Xin chào, thưa bác, xin lỗi cháu tiêm cho bác có thể hơi đau bác thông cảm, cảm ơn bác, cảm ơn anh/chị…”
Bên cạnh đó, theo TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bênh, Bộ Y tế, màu áo của nhân viên y tế sẽ được thay đổi. Qua đó, giúp bệnh nhân dễ dàng nhận biết ai đang chăm sóc mình. Trang phục của nhân viên y tế đẹp, lịch sự, gần gũi sẽ giúp thân bệnh nhân tôn trọng cán bộ y tế hơn.
PSG – TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã và đang áp dụng quy tắc ứng xử cho hơn 3.600 cán bộ viên chức của bệnh viện mình, từ những cán bộ ở bộ phận quản lý cho tới nhân viên bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, cũng như các đối tượng mới tuyển dụng.
Các nhân viên y tế, điều dưỡng được tập huấn theo mô thức giao tiếp có sẵn, với cấp trên cấp dưới phải giao tiếp thế nào, với thân bệnh nhân nói chuyện ra làm sao.
Bệnh viện đã tổ chức được 22 đợt tập huấn về ứng xử giao tiếp, triển khai bàn hướng dẫn ở mỗi khoa từ 3 năm nay. Qua đó, có 22 cá nhân là cán bộ y tế đã được khen thưởng vì có cách ứng xử tốt.
Tuy nhiên, để việc thay đổi cách ứng xử giao tiếp giữa nhân viên y tế với thân bệnh nhân được bài bản, hiệu quả hơn, TS Sơn kiến nghị nên đưa luôn giao tiếp ứng xử thành một chương trình học ở các trung tâm đào tạo y tế. Từ đó, người bác sĩ, điều dưỡng ngay từ khi ra trường đã có kỹ năng về hành xử, giao tiếp với bệnh nhân.
Thanh Huyền
Báo điện tử Công an nhân dân online: Thay vì 'ban ơn', hãy yêu quí và tử tế với bệnh nhân
19:46 03/08/2015
http://cand.com.vn/y-te/thay-vi-ban-on-hay-yeu-qui-va-tu-te-voi-benh-nhan-360552/
Ngày 3/8 tại bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế phía Nam đã chính thức khởi động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của Cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Hội nghị thu hút hơn 400 đại biểu thuộc các Ban ngành, cùng đại diện lãnh đạo 12 BV trực thuộc Bộ Y tế thuộc khu vực phía Nam, điều dưỡng trưởng, trưởng khoa Dược, và Chủ tịch Công đoàn của hơn 30 BV thuộc Sở y tế TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ: Nghề Y là nghề chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc vốn quí nhất của con người, thì điều cần hơn hết là phải có đạo đức nghề nghiệp.
Thời gian qua, ngành Y đã có những bước phát triển về kỹ thuật Y khoa như vũ bão, cơ sở vật chất khang trang, nhưng nếu người dân bị bệnh đến với chúng ta mà vẫn phải chịu đựng cái cảnh “ban ơn”, thời gian chờ đợi, thái độ thiếu lịch sự thì mọi sự đầu tư đều trở nên vô nghĩa.
Phải quyết liệt tự thay đổi, hoàn thiện và lắng nghe người dân góp ý, để hình ảnh đẹp về người thầy thuốc mãi được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Hãy yêu thương, tử tế với bệnh nhân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã quán triệt 8 nội dung quan trọng cần thực hiện tại các cơ sở y tế hướng tới mục tiêu làm hài lòng người bệnh. 5 BV gồm: Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Nhi Đồng 1; cũng như 5 sở y tế : TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Cà Mau và Tây Ninh đã thực hiện ký cam kết hướng tới mục tiêu làm hài lòng người bệnh.
Huyền Nga
Báo điện tử Pháp luật TP HCM online:Bộ trưởng Y tế 'vi hành' kiểm tra mô hình bác sĩ gia đình
Thứ Hai, ngày 3/8/2015 - 20:01
http://phapluattp.vn/suc-khoe/bo-truong-y-te-vi-hanh-kiem-tra-mo-hinh-bac-si-gia-dinh-571975.html
(PLO) - Chiều 3-8, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc với BV quận 2, quận 10 (TP.HCM)... nhằm kiểm tra, đánh giá mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đang triển khai tại các đơn vị này.
Tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết từ khi thành lập năm 2013, Phòng khám BS Gia đình tại BV thu hút bệnh nhân khá đông, từ 20-30 người/ngày, đến hôm nay BV tiếp nhận trung bình 150 người/ngày. Bệnh nhân khám và thuốc được BHYT thanh toán chênh lệch theo quy định (tiền khám 80 ngàn đồng/lượt), mỗi người được khám, tư vấn 10-12 phút.
Tuy nhiên, người dân chưa biết nhiều đến mô hình BSGĐ, sự khác biệt giữa BSGĐ khác với BS tổng quátvà BV tiếp tục tuyên truyền để người dân biết tham gia, vì đây là mô hình chăm sóc sức khoẻ ban đầu liên tục, xuyên suốt, giảm thời gian chờ đợi, giảm chuyển tuyến trên...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao mô hình BSGĐ tại BV quận 2, giảm tải tốt cho tuyến trên (40%). Ngoài khám BSGĐ, BV còn là cơ sở thực hành của Bộ môn Y học Gia đình, BV Đại học Y dược TP.HCM, một đơn vị tương đối dặc thù so với cả nước. Mặc dù BV đã có 16 BSGĐ nhưng chủ yếu là từ Bộ môn Y học Gia đình, Bộ trưởng lưu ý BV chú trọng công tác đào tạo BSGĐ của chính BV...
Ngày mai, 4-8, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2015 khu vực phía Nam.
DUY TÍNH
Báo điện tử Đại đoàn kết online: Hỗ trợ thiết thực cho người dân vùng mưa lũ
Thứ Hai, 03/08/2015 21:54:00
http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/ho-tro-thiet-thuc-cho-nguoi-dan-vung-mua-lu/59091
Ngày 3/8, trước tình hình mưa lũ vẫn tiếp diễn phức tạp tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, đặc biệt là nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo về việc phòng chống phòng ngừa dịch bệnh vùng lũ lụt.
Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại các khu vực bị lũ lụt, Bộ Y tế, các cơ sở y tế tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men hóa chất khử trùng cho các địa phương.
Đặc biệt chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch truyền nhiễm như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn… Kịp thời huy động, bố trí lực lượng, đội cơ động phòng chống dịch tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét.
Ngoài ra, cần cung cấp hóa chất và hướng dẫn cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước. Công tác vệ sinh môi trường và xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt cần được phổ biến và tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình.
Dù gặp nhiều khó khăn về vệ sinh môi trường nhưng người dân cần chủ động thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm và thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện lau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs. Bảo đảm vệ sinh môi trường theo nguyên tắc hóa chất để xử lý khi chôn cất; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ dịch bệnh.
Thông thường trong và sau mưa, lũ, lụt, rất nhiều vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Tại nhiều nơi bị cô lập trong lũ lụt, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, trong khi mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác xúc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Thực tế đã chứng minh rằng sau mưa lũ, lụt lội, dịch bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên đáng kể có thể tạo thành dịch nguy hiểm, cùng với đó là bệnh đau mắt đỏ, nước ăn chân, viêm da.
Cũng trong ngày 3/8, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam yêu cầu Hội Chữ thập đỏ các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và một số tỉnh, thành phố khác thực hiện nghiêm chỉnh sự phân công, điều động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai. Chủ động nắm bắt tình hình thiên tai, tham gia sơ tán, di dời người dân tới nơi an toàn.
Chủ động thăm hỏi, trợ giúp những gia đình có người bị chết, người bị thương từ nguồn lực tại chỗ, đồng thời đánh giá nhu cầu và đề xuất sự trợ giúp từ Trung ương Hội. Hội Chữ thập đỏ cũng đề nghị Ban Phòng ngừa, ứng phó thảm họa chủ động nắm bắt tình hình mưa lũ và thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các địa phương, tham mưu cho thường trực Trung ương Hội để cứu trợ kịp thời.
PV
Báo điện tử Nhân dân online: Nâng cao y đức, thi đua làm theo gương Bác
Thứ hai, 03/08/2015 - 10:21 PM (GMT+7)
Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh là Đảng bộ cấp trên cơ sở dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ và hoàn thiện y đức cho đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ... nhiệm kỳ qua, các bệnh viện thuộc Khối đã khám chữa bệnh cho hơn 12 triệu lượt người. Toàn Đảng bộ cũng kết nạp 548 đảng viên mới.
Đánh giá về công tác khám, chữa bệnh của các bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Răng hàm mặt Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh Ngô Đồng Khanh cho rằng, các đơn vị đã cùng ngành y tế thành phố đáp ứng nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Nhiều kỹ thuật mới tiên tiến ngang tầm các nước trong khu vực được triển khai thường quy, như phẫu thuật nội soi, ghép gan, thận... Nhiệm kỳ qua, các bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 12 triệu lượt người bệnh. Nhiều bệnh viện đã thực hiện tốt công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa. Đa số bệnh viện sắp xếp lại thời gian tiếp bệnh, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, kê thêm giường, hợp tác cơ sở vệ tinh nhằm giảm tải để người bệnh đỡ nhọc nhằn hơn.
Nhìn chung, công tác đào tạo trong toàn Đảng bộ đã đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế cho khu vực phía nam, trong đó chủ lực là Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Nhà trường luôn coi trọng chất lượng đào tạo chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao y nghiệp; trang bị và hoàn thiện nhân cách (y đức) của người thầy thuốc khi còn là sinh viên. Hằng năm, trường đào tạo hơn năm nghìn sinh viên, học viên sau đại học. Ngoài ra, các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh… còn phối hợp mở các lớp đào tạo lại, đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật… nhằm bổ sung thường xuyên nguồn nhân lực chuyên môn cao của ngành. “Các đơn vị triển khai thực hiện 966 đề tài nghiên cứu khoa học và sau khi nghiệm thu đều được ứng dụng vào khống chế dịch, sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế” - đồng chí Ngô Đồng Khanh nói.
Bên cạnh đó, Công đoàn Khối cơ sở Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên có phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác” và phát động cho cán bộ, viên chức và người lao động đăng ký thi đua hằng năm; tổ chức lớp học giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức người thầy thuốc, thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”. Ngoài ra, công đoàn còn mở các hội thi thể dục thể thao, thi trưng bày mâm ngũ quả, hội thi cắm hoa, viết thư pháp, hội diễn văn nghệ, hội thi “Người cán bộ y tế thanh lịch” để từng bước chọn các đoàn viên ưu tú và bồi dưỡng, phát triển đội ngũ. Với Đoàn TNCS Khối, nhiều phong trào, công trình thanh niên thiết thực như công trình “Trồng cây nhớ ơn Bác”, phong trào “Bệnh viện không khói thuốc”, “Nụ cười y tế”, “Vì biên giới - hải đảo”, “Năm thanh niên tình nguyện”… đã làm cho nhân dân và người bệnh hiểu và chia sẻ thêm với ngành y. Một loạt hoạt động của Đoàn TNCS Khối như “Hướng dẫn bệnh nhân khám vào giờ cao điểm”, “Khám bệnh cho người nghèo ở biên giới, cho kiều bào tại Cam-pu-chia, Lào”, “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đã đào tạo nhiều đoàn viên ưu tú để các đảng bộ (thuộc Khối) giới thiệu cho Đảng.
Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khôi cho biết: Nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ trong nhiệm kỳ là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đảng ủy thường xuyên biểu dương, khen thưởng nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua cơ sở; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những chuyên đề cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên.
ANH MINH
Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống online: Y tế chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Bắc Bộ
NGÀY 3 THÁNG 8, 2015 | 22:22
SKĐS - Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế 25 tỉnh, thành phố phía Bắc và các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ ở Bắc Bộ.
Sáng nay (3/8), Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Sở Y tế 25 tỉnh, thành phố phía Bắc và các đơn vị liên quan yêu cầu chủ động triển khai công tác y tế ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ ở Bắc Bộ.
Công điện của Bộ Y tế nêu rõ, trong những ngày tới, dự báo các tỉnh phía Bắc sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng; mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng tại các tỉnh miền núi, nhất là những khu vực đã bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua.
Để chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, có kế hoạch khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, đề phòng lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét đối với các khu vực miền núi, ngập úng ở vùng trũng.
Ngành y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ và di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, lũ quét. Chủ động triển khai các phương án khắc phục hậu quả do mưa bão, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, VSATTP tại những nơi bão đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: đau mắt đỏ,sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh ngoài da… Hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. Sẵn sàng các đội cấp cứu ngoại viện ứng cứu khi có lệnh.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực miền Bắc chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần.
PV
Báo điện tử Người lao động online: Từ ban ơn chuyển sang phục vụ người bệnh
03/08/2015 23:17
http://nld.com.vn/suc-khoe/tu-ban-on-chuyen-sang-phuc-vu-nguoi-benh-20150803231038474.htm
Ngày 3-8, tại TP HCM, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, 5 bệnh viện (BV) là Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhi Đồng 1, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ và 5 sở y tế của TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Cà Mau, Tây Ninh đã cùng ký cam kết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, cán bộ y tế cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, củng cố niềm tin và xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam. Đây là chương trình hành động đổi mới toàn diện, sâu sắc cho ngành y tế triển khai cho cả 3 miền. “Cơ sở y tế, thầy thuốc dù chuyên môn, kỹ thuật cao nhưng không có tấm lòng với người bệnh thì cũng chưa đạt. Phải thay đổi cung cách và quyết liệt thực hiện, thay đổi quan điểm ban ơn sang phục vụ người bệnh” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 14-7, các BV phía Bắc gồm Bạch Mai, Nhi trung ương, Việt Đức và K đã ký cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm hài lòng bệnh nhân.
Ng.Thạnh
Báo điện tử Nhân dân online: Bắc Ninh đa dạng mô hình cấp nước sạch nông thôn
Thứ ba, 04/08/2015 - 01:24 AM (GMT+7)
Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh Bắc Ninh đã được triển khai mạnh mẽ, đạt những kết quả khả quan. Đến nay, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 96%. Tuy nhiên, số người dân được sử dụng nước sinh hoạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế mới đạt 47%.
Nỗ lực của địa phương
Tính đến hết năm 2014, khu vực nông thôn của tỉnh Bắc Ninh có 32 công trình cấp nước sạch tập trung đã đưa vào sử dụng, với công suất 29.419 m 3/ngày đêm, cấp nước sạch cho gần 163 nghìn người, chiếm 21% số dân nông thôn. Các dự án cấp nước sạch nông thôn đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhiều công trình đạt hiệu quả đầu tư cao, với gần 100% số người đã sử dụng nước sạch, điển hình là các trạm cấp nước phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), xã Trung Kênh, xã Tân Lãng (huyện Lương Tài), xã Trí Quả (huyện Thuận Thành), thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong), xã Song Hồ (huyện Thuận Thành)...
Đưa chúng tôi đi thăm Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Bắc Ninh Lưu Văn Bắc cho biết, tổng kinh phí đầu tư cả hai giai đoạn của nhà máy khoảng 95 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang bao gồm các hạng mục: Khu xử lý đầu mối, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của gần 70 nghìn người dân; nhà điều hành; nhà hóa chất; trạm bơm cấp hai; bể chứa nước sạch; khu vực trạm xử lý; công trình thu nước thô; lắp đặt hơn 10 km đường ống truyền tải trục chính; hơn 75 km đường ống mạng, ống dịch vụ và hơn 5.100 đồng hồ nước. Với công suất thiết kế 14.500m3 /ngày, đêm, nhà máy góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân các xã: Tam Giang, Đông Thọ, Yên Phụ và dự kiến đến cuối năm 2015 mở rộng quy mô cấp nước sạch cho các xã Đông Tiến, Hòa Tiến (Yên Phong), Hương Mạc, Phù Khê (thị xã Từ Sơn).
Bác Lê Hữu Ngọc, thôn Đoài, xã Tam Giang, huyện Yên Phong cho biết, những năm trước đây, gia đình phải sử dụng nguồn nước từ giếng khoan để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, cho nên gia đình bác phải xây dựng hệ thống bể lọc khá tốn kém. Sau khi Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang hoàn thành, gia đình bác Ngọc là một trong những hộ đi đầu lắp đặt, sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy bởi chất lượng nước bảo đảm và chi phí giảm nhiều so với dùng nước giếng khoan như trước đây. Cùng gia đình bác Ngọc, đã có hơn 5.100 hộ gia đình đăng ký lắp đặt, sử dụng nước của Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang. Đánh giá về hiệu quả của Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Đặng Trần Trung chia sẻ, một trong những tiêu chí về môi trường để các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới là tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, vì vậy hoạt động của nhà máy không chỉ giúp người dân khắc phục tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt mà còn là điều kiện, là tiền đề để các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới.
Vào cuộc của doanh nghiệp
Lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn nhiều vấn đề vừa làm, vừa nghiên cứu, điều chỉnh và hoàn thiện. Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư hằng năm của Nhà nước cho chương trình này còn hạn chế, chưa tập trung. Mặt khác, thị trường nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mới hình thành, các chính sách khuyến khích đầu tư và cơ chế chưa thu hút được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế. Các địa phương có dự án cấp nước đang thi công không đủ vốn đối ứng, do vậy việc thi công công trình còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nước sạch chưa thật sự thu hút được các doanh nghiệp. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp đang có hướng đầu tư vào thị trường kinh doanh nước sạch của tỉnh Bắc Ninh, thị trường này tính rủi ro không cao, nhưng suất đầu tư khá lớn, hiệu suất thu hồi vốn chậm. Nói theo cách ví von của các doanh nghiệp là "bỏ tiền chẵn ra nhặt tiền lẻ".
Là người tiên phong vào thị trường nước sạch, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Quang Đinh Thị Hồng cho biết, lúc đầu, doanh nghiệp cũng rất băn khoăn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, mình là người Bắc Ninh, làm gì giúp cho bà con mình được thì nên làm. Chính vì suy nghĩ đó, chị đã mạnh dạn đầu tư hai nhà máy cấp nước sạch. Nhà máy An Thịnh, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, cung cấp nước cho sáu xã, với 6.000 hộ dân (25 nghìn nhân khẩu). Hiện công ty tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Quảng Phú, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho 10 xã của hai huyện Lương Tài và Thuận Thành.
Tại thôn Vĩnh Trai, xã Trừng Xá, huyện Lương Tài, trước đây người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khơi và giếng khoan. Việc phải lọc nước, thay cát sỏi thường xuyên mất khá nhiều thời gian và công sức. Từ khi được sử dụng nguồn nước sạch do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phú Quang cung cấp, người dân rất phấn khởi.
Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong thời gian tới Bắc Ninh cần tích cực hơn nữa trong việc đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý nước sạch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời chú trọng huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý và khai thác, nhằm giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước đối với các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân khu vực nông thôn. Mặt khác, cần có kế hoạch lồng ghép đầu tư xây dựng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói, giảm nghèo, thủy lợi.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chính là xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung. Làm được như vậy, thị trường cung cấp nước sạch vùng nông thôn mới được đa dạng hóa, người dân được tiếp cận với dịch vụ tốt nhất, chất lượng nhất, nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng.
NGỌC TÂM SƠN