Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/8/2021

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch: Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng; TP.HCM: Tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19 để nhân rộng 'vùng xanh' ở TP.Thủ Đức; TP.HCM cần bổ sung 12.118 nhân viên y tế; Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng tại Hà Nội; Thành lập 2 tổ điều phối ô-xy và máy thở điều trị COVID-19 toàn quốc…

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch: Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi thư động viên, bày tỏ trân trọng, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn ở bên cạnh, mong các đồng chí tiếp tục thể hiện ý chí “ chân cứng đá mềm ”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái để phục vụ đồng bào, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2021

Thân ái gửi: Các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh COVID-19.

Hơn 500 ngày quadịch COVID-19 là thước đo tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức” và “tương thân, tương ái”, lòng yêu nước của cả dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, doanh nghiệp, cuộc chiến chống dịch bệnh ở nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, dù phía trước còn rất nhiều gian nan và thách thức.

Hơn 500 ngày qua, dịch COVID-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, chúng ta phải chiến đấu với loại virus được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình” và tạm thời chưa có thuốc chữa. Nhân dân càng hiểu, trân trọng, biết ơn sự hy sinh của tất cả các anh chị em trên tuyến đầu, nhất là đội ngũ cán bộ y tế. Những cống hiến đó đã tạo nên bức tranh đẹp lan tỏa sâu rộng trong cuộc chiến chống dịch với những sắc màu của giá trị nhân văn, đức hy sinh, sự sẻ chia và tình đoàn kết toàn dân tộc.

Hơn 500 ngày quadịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây ra nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng không làm giảm tinh thần vì cộng đồng của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tôi cảm nhận được tinh thần của những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”… của những năm xưa như càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các anh, các chị “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Nhân dân và Tổ quốc cần”. Những ngày qua, cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc, thậm chí nhiều anh chị em không có cơ hội gặp được người thân lần cuối do đang phải thực hiện nhiệm vụ. Những “anh Bộ đội Cụ Hồ”, những “chiến sỹ Công an nhân dân” không sợ hy sinh gian khổ, nhiều tháng không về nhà do phải canh gác nơi biên giới, phục vụ, chăm lo, hướng dẫn, giữ gìn an ninh trật tự cho Nhân dân trong vùng dịch, canh chốt trong các khu cách ly, bảo đảm an toàn chống dịch… Những cán bộ ở cơ sở vất vả ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giám sát, điều tra dịch tễ và truy vết. Những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài. Những tình nguyện viên bằng cả tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, xung phong đến nơi nguy hiểm hỗ trợ cộng đồng…

Hơn 500 ngày qua, dịch COVID-19 đã gây ra bao nhiêu khó khăn, vất vả cho Nhân dân. Đảng, Nhà nước thấu hiểu và chia sẻ, Nhân dân mong từng ngày, từng giờ dịch bệnh sớm được kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi. Các anh chị em mong dịch bệnh qua đi để được trở về với gia đình, người thân, về với thói quen thân thuộc của cuộc sống bình thường…

Đảng, Nhà nước trân trọng, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ cán bộ y tế.

Thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta xác định đây sẽ là cuộc chiến còn trường kỳ, nhiều gian nan. Tôi mong các đồng chí tiếp tục thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái để phục vụ đồng bào.

Chúng ta có niềm tin sự kiên trì, bền bỉ với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, cùng sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Chiến thắng đại dịch COVID-19!

Chúc các đồng chí, anh chị em lực lượng tuyến đầu chống dịch vững tâm, an lành, sức khỏe, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn ở bên cạnh, mong các đồng chí, anh chị em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, để xứng đáng với niềm tin, sự mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân! (Tiền phong, trang 2; Lao động, trang 1; Công an nhân dân, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 3; Nhân dân, trang 3; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

TP.HCM: Tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19 để nhân rộng 'vùng xanh' ở TP.Thủ Đức

Hôm nay 2.8, hàng trăm người dân tại khu vực phong tỏa thuộc khu phố 6 và người dân trên 65 tuổi thuộc địa bàn P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã được tiêm vắc xin Covid -19. Ngày 2.8, tại P.Linh Trung, TP.Thủ Đức đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân sống trong khu phong tỏa thuộc khu phố 6 và người dân trên 65 tuổi trên địa bàn P.Linh Trung, TP.Thủ Đức.

Biến vùng có nguy cơ cao thành “vùng xanh”

Ghi nhận tại điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại nhà thi đấu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lực lượng y tế và tình nguyện viên luôn túc trực hướng dẫn người dân đến tiêm chủng. Người dân đến tiêm sẽ được test nhanh, nếu kết quả âm tính với Covid-19 sẽ cho vào bên trong để chờ gọi tên để đo huyết áp, khám sàng lọc rồi tiến hành tiêm ngừa Covid-19.

Anh Nguyễn Hữu Phước (46 tuổi) cho biết, anh cùng vợ đến đợi tiêm vắc xin từ sáng, sau khi test nhanh âm tính Covid-19 thì an tâm để vào khám sàng lọc, tiêm vắc xin. "Tôi ở trong khu phong tỏa, thấy mọi người ở ngoài tiêm vắc xin nên cũng rất mong đợi. Vừa nhận được thông báo tiêm vắc xin từ hôm qua, là hôm nay tôi tranh thủ ra ngay, dù sao tiêm rồi, cũng sẽ an toàn hơn cho mình", anh Phước chia sẻ. 

Trao đổi với Thanh niên, bà Đoàn Thị Thanh Hiệp, Phó chủ tịch P.Linh Trung, TP.Thủ Đức cho biết, điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 này sẽ tiêm vắc xin cho người dân sống trong khu vực phong tỏa – khu vực có nguy cơ cao thuộc khu phố 6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức.

Việc tiêm vắc xin do Trung tâm y tế TP.Thủ Đức phụ trách và dự kiến trong hôm nay (2.8) tiêm cho 500 người dân. Riêng đối với những trường hợp trên 65 tuổi ở trong khu phong tỏa, nếu thông qua khám sàng lọc nhận thấy sức khỏe chưa đảm bảo sẽ được sắp xếp tiêm ở bệnh viện hoặc các điểm tiêm cộng đồng.

“Trước ngày tiêm ngừa, tổ trưởng khu phố sẽ phát phiếu điền thông tin tiêm vắc xin cho người dân và đảm bảo việc người dân di chuyển từ khu phong tỏa đến điểm tiêm. Sau khi tiêm ngừa vắc xin Covid-19, khu vực người dân ở sẽ được gỡ phong tỏa trở thành “vùng xanh” và người dân sẽ tự lập chốt quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch. Hiện tại, trên địa bàn P.Linh Trung có 50 khu vực lập “vùng xanh” và sẽ nhân rộng trong thời gian tới”, bà Hiệp thông tin.

Bà Hiệp cũng cho biết, trước đó vào ngày 1.8, người dân tại con hẻm 1147 Kha Vạn Cân, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (con hẻm bị phong tỏa do liên quan ca nhiễm Covid-19 – PV) đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 lưu động và gỡ phong tỏa để thành lập "vùng xanh".

“Thấy ba, mẹ được tiêm vắc xin là mình an tâm rồi”

Tại điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức), bà Đoàn Thị Thanh Hiệp, Phó chủ tịch P.Linh Trung, TP.Thủ Đức cũng cho biết điểm tiêm này sẽ tiêm vắc xin cho đối tượng trên 65 tuổi cư trú tại P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, do các bác sĩ thuộc Bệnh viện TP.Thủ Đức phụ trách tiêm.

Theo quy trình, người dân sẽ được tổ tưởng khu phố đến nhà để phát thư mời đi tiêm vắc xin. Khi đến tiêm người dân sẽ đưa thư mời được tổ trưởng khu phố phát trước đó, điền thông tin cá nhân vào phiếu đồng ý tiêm vắc xin, vào khám sàng lọc, đo huyết áp và đợi đến lượt để tiêm ngừa. Trong trường hợp huyết áp cao, người dân sẽ được ngồi nghỉ tại chỗ đã bố trí sẵn, đợi khám lại. Sau khi tiêm xong sẽ vào phòng theo dõi sau tiêm từ 30 – 45 phút, nếu không có vấn đề gì nhân viên y tế sẽ phát giấy xác nhận đã tiêm vắc xin và ra về. Ghi nhận của Thanh niên, từ lúc 13 giờ 2.8, rất đông người đưa người nhà trên 65 tuổi đến để tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Ông Nguyễn Duy Quý (66 tuổi) cho biết ông đưa mẹ của ông năm nay đã 86 tuổi đến để tiêm ngừa.

“Mẹ tôi nhận được thư mời đến tiêm vắc xin từ mấy hôm nay rồi, nhưng bà có bệnh nền nên bà khá lo lắng, không chịu đi tiêm. Cách đây 3 ngày, tôi và vợ tôi đi tiêm vắc xin về, bà thấy ổn nên mới chịu đi. Điểm tiêm vắc xin này rộng rãi, thoáng mát nên dù lượng người chích đông nhưng đảm bảo giãn cách đúng trình tự. Lực lượng tình nguyện viên và nhân viên y tế rất tận tình”, ông Quý chia sẻ(Thanh niên, trang 1).

 

TP.HCM cần bổ sung 12.118 nhân viên y tế

Qua phân tích, Tổ điều phối đánh giá TP.HCM đang cần bổ sung 12.118 nhân viên y tế; dự kiến phân bổ về các địa phương 2.682 người; khối điều trị Covid-19 cần 8.436 người và khoảng 1.000 người phục vụ công tác cấp cứu.

Chiều 2.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, vừa qua việc áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM đã đạt được hiệu quả nhất định, đặc biệt, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân theo đúng tinh thần giảm ca mắc, giảm ca tử vong và tăng cường tốc độ tiêm vắc xin. Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết thông qua đầu số 1022, khoảng 3.000 thầy thuốc tình nguyện tham gia tư vấn trực tiếp cho F0 đang cách ly tại nhà, F1 có nguy cơ cao, tiếp nhận tất cả các thông tin, đặc biệt hỗ trợ điều chuyển ca F0 có nguy cơ đến các cơ sở y tế cấp cứu phù hợp.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Tổ trưởng Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM vừa báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM về tình hình nguồn nhân lực y tế hiện nay, trong đó nhấn mạnh TP đang rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ tầng 2 đến tầng 5 theo mô hình tháp 5 tầng.

Về một số giải pháp, nhiệm vụ sắp tới, ông Nhân cho rằng cần rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế (TP và T.Ư) để phân bổ trên các lĩnh vực dự phòng và điều trị hợp lý để vận hành hiệu quả; trong đó cần tập trung nguồn nhân lực cho lĩnh vực điều trị để giảm tỷ lệ tử vong. Dự kiến, TP huy động giảng viên, sinh viên đang hỗ trợ các địa phương lấy mẫu, xét nghiệm chuyển khoảng 50% sang thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm bệnh nhân F0 tại khu cách ly tập trung của quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đồng thời, huy động 2.000 giảng viên, sinh viên có chuyên môn y tế, 1.000 nhân viên y tế thuộc các bệnh viện (BV) công lập, 1.000 nhân viên y tế tư nhân tham gia các BV điều trị Covid-19, đội vận chuyển cấp cứu 115 và taxi chuyển bệnh.

Đáng chú ý, Tổ điều phối nguồn nhân lực đề xuất Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM huy động lực lượng bộ đội xuất ngũ và vận động các công ty bảo vệ trên địa bàn tham gia công tác phòng, chống dịch. TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục huy động nhân lực từ các tỉnh thành hỗ trợ TP, nhất là các bác sĩ, điều dưỡng có khả năng hồi sức để phục vụ công tác điều trị tại các BV tầng 4 và tầng 5.

Trong thời gian qua, các đoàn BV T.Ư, bộ ngành và các tỉnh thành đã tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại TP đã được 1 tháng. Do đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nêu trên tiếp tục tham gia hỗ trợ cho đến khi dịch bệnh trên địa bàn TP cơ bản được kiểm soát, không rút nhân sự nhưng có thể cử nhân sự thay thế luân phiên. Ngoài ra, Tổ điều phối cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng tham gia BV, BV điều trị Covid -19, điều tra, truy vết, xét nghiệm và tổ chức tiêm ngừa vắc xin.

Nhân lực ngành y tế TP.HCM hiện có 43.844 người, bao gồm hơn 42.235 người ở khối y tế công lập và 1.609 người ở khối y tế tư nhân. TP.HCM đã tiếp nhận nhân sự của 44 BV trực thuộc bộ, ngành T.Ư và các tỉnh thành với hơn 4.200 người. Ngoài ra, TP.HCM cũng có 5.049 người đăng ký tình nguyện viên, hơn 24.000 người có thể huy động từ các cơ quan, đơn vị khối Đảng, chính quyền và đoàn thể.

Qua phân tích, Tổ điều phối đánh giá TP đang cần bổ sung 12.118 nhân viên y tế; dự kiến phân bổ về các địa phương 2.682 người; khối  điều trị Covid -19 cần 8.436 người và khoảng 1.000 người phục vụ công tác cấp cứu. (Thanh niên, trang 3).

 

Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng tại Hà Nội

Với 98 ca mắc mới Covid -19 được ghi nhận hôm qua (2.8) thì Hà Nội có tới 70 ca được phát hiện ngoài cộng đồng.

Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, điều đáng lo ngại trong đợt dịch lần này là số ca cộng đồng tăng nhanh, nhiều ổ dịch có thời gian lây nhiễm lâu, nhưng chậm phát hiện.

Hàng chục siêu thị, chợ dân sinh tạm ngưng

Tối 1.8, 21 ca nhiễm là nhân viên của Công ty thực phẩm Thanh Nga (địa chỉ 15/651 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng) được xác định. Đáng chú ý, đây là công ty thực phẩm chuyên cung cấp mặt hàng thịt tươi sống cho hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Sau rà soát đến trưa qua, CDC Hà Nội thông báo có 8 siêu thị Vinmart và 15 cửa hàng VinMart+ phải rà soát người liên quan đến các F0 là nhân viên giao hàng tại Công ty thực phẩm Thanh Nga. Hiện 23 siêu thị, cửa hàng này đã tạm ngưng hoạt động.

Cũng trong tối 1.8, chợ Long Biên (Q.Ba Đình) được phong tỏa cổng chính để xét nghiệm truy vết liên quan đến 1 tiểu thương bán cá thường xuyên lấy hàng tại đây. UBND Q.Ba Đình ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ hải sản P.Phúc Xá từ 3 giờ ngày 30.7 đến nay liên hệ với cơ quan y tế.

Trong khi đó, UBND Q.Bắc Từ Liêm đã ra thông báo tạm thời phong tỏa, đóng cửa ngừng hoạt động chợ đầu mối Minh Khai để phòng chống dịch Covid-19. Tương tự, ngay sau khi ghi nhận một người bán rau tại chợ Phùng Khoang (Q.Nam Từ Liêm) mắc Covid-19, lực lượng chức năng đã cho tạm phong tỏa khu chợ này để lấy mẫu xét nghiệm các tiểu thương liên quan.

Trước đó, ngày 28.7, P.Hoàng Văn Thụ (Q.Hoàng Mai) đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối phía nam (trên địa bàn phường) vì xuất hiện ca Covid-19 là một người buôn bán trứng trong chợ này.

Việc ngưng hoạt động một số chợ dân sinh, chợ đầu mối hay siêu thị trước mắt sẽ không tạo khan hiếm hàng hóa, do lượng cung tại Hà Nội hiện vẫn đáp ứng đủ. Sở Công thương Hà Nội cho biết đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, hàng hóa có khả năng thiếu cục bộ, hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần. Đặc biệt, Sở cũng chuẩn bị phương án cao nhất sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.

Các phường của Hà Nội phát phiếu đi chợ cho người dân để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, việc các ca lây nhiễm Covid-19 là tiểu thương tại chợ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, việc truy vết các ca liên quan rất khó khăn.

Xét nghiệm tìm F0

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, vấn đề là hiện số ca cộng đồng nhiều, nhưng lại chưa phát hiện ngay được. Đáng chú ý, F0 cộng đồng nhiều, nhưng ở các ổ dịch chậm được phát hiện nên thời gian lây nhiễm lâu, tăng theo cấp số nhân do tiếp xúc rất nhiều giữa các F0, F1. Điển hình như Công ty thực phẩm Thanh Nga đã có ít nhất 3 chu kỳ lây nhiễm, nhưng tới 31.7 mới được phát hiện sau khi 1 nhân viên tại đây đi khám được xác định dương tính Covid-19.

“TP đã yêu cầu người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan y tế, song số lượng người chủ động liên hệ còn thấp. Một số người dân có biểu hiện sợ khai báo phải đi cách ly, đến bệnh viện. Như ca tử vong sáng 1.8 tại Bệnh viện Tim khi xét nghiệm mới biết dương tính SARS-CoV-2”, ông Tuấn cho biết.

Tính đến chiều 2.8, cộng dồn số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội (từ 27.4) đã lên tới 1.345 ca, trong đó phát hiện ở cộng đồng là 821 ca. Lãnh đạo CDC Hà Nội khẳng định, việc xét nghiệm các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng là hướng đi đúng của Hà Nội, dù vậy ý thức tự giác của người dân là rất quan trọng. (Thanh niên, trang 4).

 

Thành lập 2 tổ điều phối ô-xy và máy thở điều trị COVID-19 toàn quốc

Sáng 2/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký 2 quyết định thành lập: Tổ công tác điều phối ô-xy và Tổ công tác điều phối máy thở điều trị người bệnh COVID-19 toàn quốc.

Tổ công tác điều phối ô-xy y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn làm Tổ trưởng

Tổ này có 2 Tổ phó là ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế; ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ và 13 thành viên  khác là lãnh đạo các Vụ/Cục, Bệnh viện trực thuộc Bộ; lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chuyên viên của một số đơn vị chức năng liên quan của Bộ Y tế...

Tổ công tác điều phối ô xy có nhiệm vụ rà soát thực trạng, cập nhật tình hình sử dụng ô-xy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc. Phối hợp với các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế để tổng hợp năng lực sản xuất ô-xy y tế của các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp trên toàn quốc. Phối hợp với các Bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố để điều phối công tác cung ứng ô-xy y tế phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19; tổng hợp thông tin về thực trạng sử dụng các thiết bị chăm sóc hô hấp. 

Tổ chức kết nối, trao đổi thông tin giữa các bệnh viện, cơ sở y tế với nhà sản xuất, nhà cung cấp ô-xy y tế để đáp ứng cung cấp ô-xy y tế phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 và cho công tác quản trị hệ thống. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng quản lý, theo dõi, điều hành công tác sử dụng ô-xy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc. 6. Báo cáo tiến độ, tình hình triển khai hoạt động theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Y tế.

Tổ công tác điều phối máy thở do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm Tổ phó và 11 thành viên khác là lãnh đạo các Vụ/Cục, Bệnh viện trực thuộc Bộ; chuyên viên của một số đơn vị chức năng liên quan của Bộ Y tế.

Tổ công tác điều phối máy thở có nhiệm vụ rà soát thực trạng, cập nhật số lượng, chủng loại máy thở, máy thở ô-xy dòng cao HFNC tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.

"Tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại máy thở, máy thở ô-xy dòng cao HFNC theo diễn biến dịch bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc. 

Điều phối (kể cả trưng dụng từ các cơ sở y tế) các loại máy thở, máy thở ô-xy dòng cao HFNC để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19" - quyết định của Bộ Y tế nêu rõ.

Tổ cũng có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức tập huấn, quản lý máy thở, báo cáo tiến độ tình hình triển khai của các đơn vị ngành y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ phối hợp với các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan, Tổ công tác điều phối ô-xy y tế (thuộc Bộ Y tế) để cập nhật, điều phối các thiết bị sử dụng trong cung cấp ô-xy. (Lao động, trang 2).

 

Tiêm vắc xin phòng vi rút Covid-19 cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên

Ngày 2-8, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng tốc độ và mở rộng diện bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng phòng vi rút SARS-CoV-2 cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8-7-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Các địa phương huy động tối đa, bố trí đầy đủ lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị… Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. (Lao động, trang 8; Tuổi trẻ, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 8).


Cần tạo đồng thuận về vắc xin

Với số ca mắc COVID-!9 và số người tử vong đang tăng cao, khi nguồn cung hạn chế, việc có thêm một nguồn vắc xin, theo các nhà khoa học, cũng là điều rất đáng quý lúc này (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 2).

 

Không vắc xin nào hoàn hảo, nhưng tiêm là tốt nhất

Đang xuất hiện thông tin về trường hợp đã tiêm vắc xin COVID -19 đủ liều nhưng vẫn nhiễm bệnh. Các nhà khoa học gọi đó là các “ca nhiễm đột phát” vì vi rút đã chọc thủng hàng rào bảo vệ mà vắc xin mang lại (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 2).

 

Xu hướng dịch ở Hà Nội chờ 2 ngày nữa

Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn chia sẻ như vậy khi đánh giá về những lý do khiến số ca mắc của Hà Nội vẫn tăng sau hơn 1 tuần thực hiện chỉ thị 16 (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 4).

 

Tiêm vaccine lưu động: Giải tỏa lo lắng người dân vùng phong tỏa

Ghi nhận của PV Báo SGGP, đến thời điểm này, TP Thủ Đức cùng nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 lưu động tại khu vực phong tỏa, thậm chí đến tận nhà dân. Nhiều giải pháp linh hoạt, khẩn trương của các địa phương đang được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, sớm hiện thực hóa mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng.

Những điểm tiêm “dã chiến”

Hôm qua (2-8), TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức các đội tiêm lưu động cho người dân trên địa bàn. Đội tiêm vaccine lưu động đã đến tiêm ngừa cho 32 trường hợp tại chùa Diệu Giác (phường An Khánh, TP Thủ Đức).

Ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh, thông tin, do trong chùa có ca mắc Covid-19 bị phong tỏa nên TP Thủ Đức điều tổ tiêm đến tiêm người trong chùa. Công tác tiêm diễn ra nhanh gọn, an toàn cho người tiêm và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Trước đó, ngày 1-8, TP Thủ Đức cũng đưa đội tiêm vaccine lưu động đến khu vực phong tỏa ở đường số 11, phường Long Bình để phục vụ người dân. Bà Dương Ngọc Phương cùng nhiều người dân khu vực vốn đang lo lắng với dịch bệnh được thông báo đi tiêm ngừa. 

Theo khung giờ được báo trước, bà Phương cùng 48 người (từ 18 đến dưới 65 tuổi, không có bệnh nền) trong xóm đã có mặt tại đường số 11. Tại đây, một điểm tiêm “dã chiến” nhanh chóng được thiết lập, với các bàn sàng lọc, bàn tiêm cùng những dãy ghế được xếp ngay ngắn, tạo khoảng cách an toàn để người dân ngồi chờ đến lượt tiêm. Đội tiêm lưu động gọi tên từng người và lấy mẫu xét nghiệm nhanh, tổ chức khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine.

Nhiều quận huyện khác cũng tổ chức các đội tiêm vaccine lưu động. Cụ thể, phường Tân Định (quận 1) đã đưa đội tiêm lưu động đến các khu phong tỏa của phường như: đường Mã Lộ, hẻm 52 Nguyễn Hữu Cầu, hẻm 15 Bà Lê Chân. Trong ngày 2-8, phường lập điểm tiêm “dã chiến” tại đường Nguyễn Hữu Cầu (do đang giới hạn lưu thông) làm nơi tiêm ngừa. Theo ông Lê Tiến Sĩ, Bí thư Đảng ủy phường Tân Định, ngày 2-8, Trung tâm Y tế quận phối hợp với phường tiêm vaccine lưu động cho hơn 270 người dân ở nơi phong tỏa. Người được tiêm là từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền được tiêm vaccine Moderna, người từ 18-65 tuổi tiêm AstraZeneca.

Tại quận Bình Tân, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết, từ hôm nay 3-8, phường tổ chức một đội tiêm vaccine lưu động để tiêm cho hơn 110 người dân, tại số 9A đường số 13 (phường Bình Hưng Hòa). Trong khi đó, Quyền Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều cho biết, phạm vi địa bàn quận 5 hẹp, các điểm tiêm cố định phủ khắp các phường nên quận không tổ chức tiêm tại nhà. Tuy nhiên, quận triển khai 2 đội tiêm vaccine lưu động đến những khu vực trong vùng phong tỏa có “vùng đỏ” chuyển sang “vùng xanh”, các khu chung cư trong vùng phong tỏa…

An toàn là yêu cầu cao nhất!

Bà Nguyễn Ngọc Châu (44 tuổi, ngụ hẻm 52 Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định) cho biết, con hẻm bị phong tỏa khiến gia đình bà rất lo lắng. Nay gia đình gồm 10 người đã được tiêm vaccine nên an tâm hơn. Theo bà Dương Ngọc Phương (phường Phước Bình, TP Thủ Đức), dịch bệnh lan phức tạp nên dù cố gắng ở yên trong nhà, người dân vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, mong được mau tiêm vaccine. “Mấy hôm trước, phường tổ chức điểm tiêm cố định nhưng chúng tôi ở vùng phong tỏa, không thể ra ngoài nên mọi người lo lắng mất cơ hội. May mắn có đội tiêm lưu động vào khu vực phong tỏa chúng tôi. Việc tiêm ngừa rất chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn, giải tỏa được lo lắng của chúng tôi”, bà Phương bày tỏ.

Thực tế, quá trình tổ chức tiêm vaccine lưu động (hay cố định), an toàn trong quá trình tiêm vaccine là vấn đề quan trọng, được người dân rất quan tâm. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - đơn vị được giao phụ trách 2 đội tiêm lưu động, cho biết, mỗi đội lưu động đều có xe cấp cứu, 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng tham gia. Trước khi tham gia vào đội tiêm lưu động, lực lượng y tế được tập huấn kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho người dân. Ở mỗi xe cấp cứu được bố trí tủ bảo quản vaccine đáp ứng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, cùng các trang thiết bị phục vụ tiêm, bình oxy, thuốc chống sốc, thuốc huyết áp… Trường hợp có phản ứng sau tiêm, lực lượng y tế sẽ xử lý bước đầu. Nếu tiến triển nặng, đội phản ứng nhanh (của các phường và thành phố, phục vụ người dân cấp cứu, điều trị) sẽ hỗ trợ đưa về bệnh viện gần nhất để cấp cứu.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan cũng thông tin, hiện nay quận tổ chức 19 đội tiêm vaccine lưu động, tiêm cho người trên 18 tuổi và không có bệnh nền, tại các “vùng xanh”. Mỗi đội lưu động đều có bác sĩ, điều dưỡng, các tình nguyện viên, có sự phân công trực theo dõi sau khi tiêm. Trường hợp có phản ứng sau tiêm sẽ được xử lý bước đầu rồi được đưa về bệnh viện để tiếp tục xử lý. “Ở mỗi phường đều có một tổ y tế cộng đồng, được trang bị xe cấp cứu và các trang thiết bị y tế cần thiết. Khi các đội tiêm lưu động cần, tổ y tế cộng đồng ở đó sẽ lập tức có mặt để hỗ trợ”, bà Bé Ngoan chia sẻ. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19

Sáng 2-8, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức đã tổ chức lễ ra mắt chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19. Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên tại TPHCM chuyển đổi toàn bộ công năng sang điều trị Covid-19 với quy mô 100 giường. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

 Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay, TPHCM đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có. Ngay tại thời điểm này, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị cùng toàn thể người dân TPHCM đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.

Trong bối cảnh đầy gian khó đó, TPHCM cảm thấy hết sức ấm lòng khi nhận được nhiều tình cảm và sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự đồng hành, kề vai, sát cánh của đội ngũ y, bác sĩ từ mọi miền đất nước đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần tạo ra động lực tinh thần và sức mạnh tổng hợp của toàn thể xã hội, đã có rất nhiều bệnh viện tư nhân trên địa bàn TPHCM tham gia hệ thống Bệnh viện điều trị Covid-19 với một tâm thế chủ động và sẵn sàng.

Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức là bệnh viện tư nhân đầu tiên chuyển đổi toàn bộ công năng sang điều trị Covid-19 với quy mô 100 giường và có thể nâng lên 200 giường khi cần.

“TPHCM đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của bệnh viện khi chỉ trong 1 tuần đã huy động toàn bộ lực lượng, trang thiết bị, vật tư, thuốc men để đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh và “chia lửa” với ngành y tế. Đặc biệt, trong ngày đầu hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bệnh viện vận hành rất tốt việc tiếp nhận bệnh nhân an toàn”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, mục tiêu hàng đầu của TPHCM là giảm tối đa số ca tử vong do dịch bệnh. Do đó, bệnh viện phải phân công, phân nhiệm hết sức rõ ràng, từng khâu, từng bộ phận phải có người chịu trách nhiệm; đưa hệ thống oxy dòng cao, máy thở hiện đại vào sử dụng sớm để tránh F0 diễn tiến suy hô hấp nặng; đồng thời, phối hợp nhịp nhàng với các cơ sở điều trị trong tháp 5 tầng để tận dụng những thế mạnh của bệnh viện công lập và phát huy thế mạnh bệnh viện tư nhân nhằm chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.

“Với tinh thần đại đoàn kết, triệu người như một, thống nhất ý chí và hành động, chúng ta sẽ cùng nhau làm tất cả để TPHCM có thể vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh như đã từng chiến thắng ba đợt dịch bệnh lần trước”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kỳ vọng… (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Phát huy tối đa “4 tại chỗ”

“Cả y tế công lập và tư nhân phải đồng hành chống dịch. Ngay bây giờ kể cả các địa phương chưa có dịch cũng cần phải rà soát ngay nhân lực biết sử dụng máy thở, tập huấn lại trên toàn tuyến”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và yêu cầu trong vấn đề nhân lực lưu ý rà soát số lượng sử dụng cho tầng điều trị 2, số lượng cho tầng điều trị 3 để điều phối trong trường hợp cần thiết.

Sáng 2-8, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng, chống Covid-19 tại điểm cầu Bộ Y tế tại TPHCM. Hội nghị kết nối đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước. Tại nhiều điểm cầu có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, TP.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này có diễn biến nhanh, xảy ra trên địa bàn rộng, trong một thời gian ngắn, số ca mắc tăng rất cao. Đợt dịch này ở những địa bàn trọng điểm về dịch rất khó có thể đưa số ca nhiễm về 0. Do đó, chúng ta phải xác định tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch nhanh, mạnh và bền bỉ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương cần nghiêm túc quan tâm trong công tác phòng, chống dịch để tránh xảy ra tình trạng hoang mang, bị động khi dịch xảy ra trên diện rộng.

Thứ nhất, qua kiểm tra thực tiễn công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa phương và nghe báo cáo, có rất nhiều địa phương có cách làm hay trong phòng, chống dịch, nhưng cũng có nhiều địa phương trong xây dựng kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn đã chưa tính hết những tình huống có thể xảy ra dù Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần chủng virus Delta sẽ lây lan mạnh, rộng, khó kiểm soát và kéo dài. Hầu hết tại nhiều địa phương, kịch bản chuẩn bị đều thấp hơn thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế. Vẫn chưa chuẩn bị chu đáo cho phòng chống dịch.

Thứ hai, vẫn còn thực trạng một số địa phương chưa phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch. Trong đợt dịch thứ 4 này, khi dịch xảy ra thường chỉ trong một thời gian ngắn, diễn biến nhanh, nhiều ca nhiễm, nên cần chuẩn bị sẵn năng lực phòng chống dịch để chủ động ứng phó với dịch.

Thứ ba, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các địa phương cần hết sức lưu ý về năng lực ứng phó an toàn trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong công tác y tế cần quan tâm sâu sắc đến điều trị và xét nghiệm: “Đây là 2 vấn đề khó đáp ứng theo tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh của các địa phương hiện nay”. Do đó các địa phương cần hết sức quan tâm đến năng lực ứng phó về điều trị và xét nghiệm.

Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây là vấn đề đặc biệt quan tâm hiện nay. Hiện nay năng lực ứng phó của các địa phương về điều trị Covid-19 vẫn chủ yếu trông chờ vào cơ sở đang có, nhưng trên thực tế hệ thống điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ Y tế đã phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, theo đó tầng 1 không nên chọn các cơ sở y tế mà nên chọn các cơ sở cách ly F1 để triển khai thiết lập địa điểm theo dõi sức khoẻ. Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng phân bổ vào điều trị ở tầng này, không cần nhiều nhân lực y tế. Sau điều trị 7 ngày nếu xét nghiệm âm tính, chỉ số tải lượng virus CT > 30 thì cần cho ra viện.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng trung bình thì đưa vào điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận, huyện - tầng thứ 2 của tháp điều trị. Tại tuyến điều trị này phải có hệ thống oxy và oxy trung tâm, nhân viên y tế phải được trang bị máy thở HFNC để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân khi cần.

Nếu bệnh nhân diễn biến nặng cần đưa ngay lên tầng 3 - tầng điều trị cao nhất. Tại tầng điều trị này, các địa phương phải thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực.

“Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản''- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh rằng, quan điểm là đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt, do đó các địa phương phải chuẩn bị cho điều trị để khi dịch xảy ra không bị động, lúng túng. Để chuẩn bị về điều trị hiệu quả, yếu tố nhân lực hết sức quan trọng.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch. “Cả y tế công lập và tư nhân phải đồng hành chống dịch. Ngay bây giờ kể cả các địa phương chưa có dịch cũng cần phải rà soát ngay nhân lực biết sử dụng máy thở, tập huấn lại trên toàn tuyến”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và yêu cầu trong vấn đề nhân lực lưu ý rà soát số lượng sử dụng cho tầng điều trị 2, số lượng cho tầng điều trị 3 để điều phối trong trường hợp cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương phải phát huy tối đa “4 tại chỗ”, trung ương chỉ hỗ trợ trong tình huống cần thiết cho các Trung tâm hồi sức tích cực của trung ương trên địa bàn. Trong chuẩn bị hậu cần cho điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 phải chuẩn bị sẵn về oxy và máy thở.

Đây là 2 yếu tố cần thiết trong điều trị, do đó Bộ Y tế đã phải có vài văn bản đôn đốc vấn đề này. Chúng ta không thiếu oxy nhưng nhiều chỗ không có bồn chứa oxy, vận chuyển khó khăn. Vì vậy các cơ sở y tế phải rà soát ngay, lên phương án chuẩn bị ngay. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Vietnam Airlines đưa 180 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai vào TP.HCM

180 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã hạ cánh xuống sân bay Tân Son Nhất, TP.HCM vào chiều nay, 2/8.  Chiều nay, 2/8, chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN7223 do Vietnam Airlines khai thác đã khởi hành từ sân bay Nội Bài đến Tân Sơn Nhất với toàn bộ hành khách là cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai tham gia chống dịch tại TP.HCM.

Vietnam Airlines cho biết, ngay sau khi nhận được yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, Vietnam Airlines đã nhanh chóng bố trí một chuyến bay riêng và hỗ trợ chi phí vận chuyển để đưa hơn 180 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đến TP.HCM. Toàn bộ quy trình sắp xếp tàu bay, xin cấp phép bay, huy động tổ bay và cung ứng vật tư đều được hãng triển khai gấp rút.

Công tác tiếp đón, làm thủ tục và dẫn đoàn lên tàu bay được ưu tiên để chuyến bay khởi hành trong thời gian sớm nhất.

Sau khi hạ cánh tại TP.HCM, đoàn công tác bao gồm các chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng do GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - làm trưởng đoàn sẽ phối hợp cùng đội ngũ y tế của TP.HCM và nhân sự của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại đây từ trước để tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Cũng trong hôm nay, nhằm tiếp sức cho các địa phương phía Nam chống dịch, Vietnam Airlines đã triển khai kế hoạch vận chuyển miễn cước gần 3 tấn hàng hóa gồm khẩu trang, đồ bảo hộ do Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Tháp và Long An. Dự kiến trong tối nay, 1,4 tấn hàng đầu tiên sẽ hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và số còn lại sẽ được vận chuyển trong những ngày tiếp theo.

Trong hơn một tháng qua, Vietnam Airlines đã bố trí hơn 50 chuyến bay bao gồm các chuyến bay riêng và kết hợp các chuyến bay thường lệ để chở nhân lực, vật tư y tế đến TP.HCM.

Tính đến nay, hãng đã hỗ trợ vận chuyển gần 2.600 cán bộ, nhân viên y tế và vận chuyển miễn cước hơn 100 tấn hành lý, hàng hóa như vaccine, đồ bảo hộ, khẩu trang, máy thở, máy lọc máu, nhu yếu phẩm... cho các tỉnh, thành phía Nam. (An ninh Thủ đô, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang