Sốt xuất huyết gia tăng, đã có 5 người tử vong tại TP.HCM
Tại 20 tỉnh khu vực phía nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và đã có 6 trường hợp tử vong. Ngày 4.7, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết mùa dịch sốt xuất huyết (SXH) năm 2018 - 2019 mới bắt đầu và số ca mắc bệnh tăng hằng tuần. Theo đó, tháng 6 có 2.329 ca SXH, tăng 680 ca so với tháng 5 (1.649 ca).
Như vậy, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn TP đã có 24.768 ca mắc SXH, tăng 176% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, đã có 5 ca tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên), chỉ riêng tháng 6 là 2 ca.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP có kế hoạch kiểm tra, giám sát các trung tâm y tế quận huyện, đặc biệt là lịch phun thuốc và kỹ thuật phun phải đúng chuẩn; đẩy mạnh tuyên truyền đến từng phường, khu phố.
Trung tâm y tế dự phòng TP cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn hóa chất, trang thiết bị để ứng phó dịch SXH. Trung tâm y tế dự phòng TP cũng kêu gọi ý thức người dân diệt muỗi, lăng quăng và đảm môi trường vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở…
Còn theo Viện Pasteur TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, tại 20 tỉnh khu vực phía nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh SXH, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và đã có 6 trường hợp tử vong. TPHCM là nơi phát hiện nhiều bệnh nhất, tiếp theo là Đồng Nai, Bình Phước. (Công an nhân dân, trang 4).
Vụ bé sơ sinh tử vong ở Hà Tĩnh: Nhiều mâu thuẫn
Vụ bé sơ sinh tử vong với vết đứt ở cổ tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang gây bức xúc bởi nhiều mâu thuẫn trong báo cáo, lời tường trình của ê kíp trực. Khoảng 8h sáng 30/6, sản phụ Nguyễn Thị Tình (SN 1982, trú xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có dấu hiệu chuyển dạ nên đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Thời điểm này, nhân viên y tế thông báo cổ tử cung đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường, chờ sinh thường. Đến 18h30’, sản phụ được đưa vào bàn đẻ thường. Tuy nhiên, đến 19h20’ bác sĩ thông báo bé sơ sinh đã tử vong. Khi người nhà vào kiểm tra thì phát hiện bé sơ sinh có vết dài ở cổ, bác sĩ đã tiến hành khâu 8 mũi.
Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Hà Tĩnh báo cáo vụ việc. Điều bất ngờ trong báo cáo gửi Bộ Y tế vào ngày 2/7, Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng thai nhi đã chết lưu 7 ngày trước. Tại buổi làm việc với PV Tiền Phong trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ cho rằng thai lưu chết trước đó khoảng 2 đến 3 ngày. “Theo nhìn nhận nhiều năm trong nghề, thai chết lưu khoảng 2 đến 3 ngày trước. Bởi nhìn hình ảnh da đã bong tróc, tay và chân sưng lên”, ông Phạm Hồng Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ nói.
Khi PV hỏi nếu thai nhi tử vong từ trước da và thịt trầy trụa, tại sao bác sĩ vẫn dùng chỉ khâu được 8 mũi và da vẫn còn hồng hào? Ông Phạm Hồng Cường cho rằng việc xác định này chỉ thông qua hình ảnh để khẳng định. Theo Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, thời điểm khám và đỡ đẻ cho sản phụ Tình có kíp trực gồm hai nữ hộ sinh và bác sĩ trực chính là Nguyễn Hữu Quyền. Bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền chuyên môn lĩnh vực Răng - Hàm - Mặt.
Tuy nhiên nhiệm vụ của hai nữ hộ sinh là đo tim thai, bác sĩ trực chính sẽ tiến hành đo lại để kiểm tra. Còn bác sĩ Nguyễn Minh Đức chỉ tham gia hỗ trợ trong trường hợp nguy cấp.
“Hai nữ hộ sinh đo tim thai, còn bác sĩ trực chính sẽ đo lại để kiểm tra. Cả khoa sản chỉ có hai người là bác sĩ Đức và một người nữa nhưng hôm đó đi vắng. Vì thiếu người nên bác sĩ Quyền chuyên Răng - Hàm - Mặt phải phụ trách trực khoa Sản và tham gia hỗ trợ đỡ đẻ” ông Cường nói. Có nhiệm vụ khám và đo tim lại, nhưng khi làm việc với PV, bác sĩ Quyền lại cho rằng mình chỉ trực khối chung, còn về khoa sản không chuyên ngành nên không làm gì. “Tôi không liên quan, hôm đó tôi tham gia trực chung, hai nữ hộ sinh bảo tôi viết cái gì, làm cái gì tôi làm theo chứ tôi không có chuyên ngành khoa sản”, bác sĩ Quyền lý giải.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa sản, người trực tiếp kéo đứt cổ thai nhi cho rằng ông kéo rất nhẹ, khi kéo ra mới biết thai nhi tử vong trước đó. “Khi kéo ra phần đầu đứt lìa cổ nên tôi khâu lại. Tôi không biết trường hợp này trước đó thế nào, khi hộ sinh gọi lên đỡ đẻ thì tôi lên làm”, bác sĩ Đức nói.
Ngoài ra, những lý giải quy trình thăm khám cho sản phụ bất nhất được thể hiện ở báo cáo của Sở Y tế gửi Bộ Y tế. Báo cáo ghi: lúc 18h35 phút ngày 30/6: Tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh, đầu lọt, nữ hộ sinh đỡ đẻ ngôi đầu... Điều này có vẻ không có cơ sở, vì thời điểm đỡ đẻ không có bác sĩ nào nghe tim thai của trẻ để xác định tim thai đã “âm tính”.
“Lúc đó đang lo đỡ đẻ thì làm sao lại nghe được tim thai được. Trước đó hai hộ sinh cũng nghe tim thai rồi. Khi không kéo được họ mới gọi bác sĩ Đức lên”, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ xác nhận.
“Thai nhi chết lưu một tuần sao không thấy mùi hôi”?
Trao đổi với Tiền Phong ngày 4/7, ông Nguyễn Sĩ Quyền (anh chồng sản phụ Tình) cho biết, khi đọc thông tin Sở Y tế báo cáo nguyên nhân cái chết của cháu trai, gia đình rất bức xúc và không đồng tình với lý giải này.
Theo ông Quyền, trước đó khoảng một tuần gia đình đưa sản phụ Tình ra một phòng khám tư để siêu âm, kết quả thai 34 tuần 5 ngày phát triển bình thường khoẻ mạnh, sản phụ sức khoẻ tốt. Sau đó mấy ngày, chị Tình có dấu hiệu đau bụng nên người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) để thăm khám. “Họ khám cho em tôi 3 lần đều cho kết quả bình thường, chờ để đẻ thường. Nhưng đến khoảng hơn 19h thì bác sĩ ra nói cháu tôi sinh non rồi chết. Khi đó em Chiến (chồng sản phụ Tình) lại xem thì thấy cổ bị khâu, máu chảy loang lổ ở khăn”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, Sở Y tế kết luận chết trước 7 ngày là không đúng, bởi thời điểm nhận thi hài thai nhi không thấy mùi hôi và trước đó chị Tình đi khám kết quả bình thường.
Chiều 4/7, trao đổi với Tiền Phong, Trưởng Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá lại vụ trẻ sơ sinh bị đứt cổ. (Tiền phong, trang 4).
Bộ Y tế yêu cầu xác minh nguyên nhân sản phụ tử vong sau sinh tại Yên Bái
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế Yên Bái về việc xác minh nguyên nhân sản phụ tử vong sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên.
Theo công văn, ngày 1/7, báo Tin tức (baotintuc.vn) có bài phản ánh trường hợp sản phụ Trần Thị Bích Lai (28 tuổi, trú tại thôn Trung, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đến sinh con tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vào chiều 28/6 và đã tử vong sau khi sinh con vào ngày 29/6.
Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Yên Bái kiểm tra, xác minh thông tin trên và gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đối với sản phụ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lục Yên thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá quy trình đón tiếp, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ tử vong.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Lục Yên rà soát lại việc tuân thủ các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tai biến sản khoa trong và ngay sau sinh. Bên cạnh đó, gặp gỡ, chia sẻ động viên và cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình sản phụ tử vong cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp.
Trước đó, vào lúc 14 giờ 26 phút ngày 28/6, sản phụ Trần Thị Bích Lai đến Trung tâm Y tế huyện Lục Yên điều trị ở Khoa Phụ sản và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Sản phụ khi nhập viện đã làm các xét nghiệm cấp cứu cơ bản, được cơ sở khám chữa bệnh hội chẩn, thống nhất chẩn đoán là thai 39 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ đẻ, có sẹo mổ cũ lấy thai do xương chậu hẹp.
Hướng xử trí là mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống. Sản phụ được mổ lấy thai thành công bé gái khỏe mạnh nặng 2,7 kg. Tuy nhiên, sau mổ 1 giờ, sản phụ xuất hiện khó thở, nôn ra bọt hồng, chân tay tê và được xử trí cấp cứu. Do tiên lượng đe dọa tử vong, sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái nhưng đã chết trên đường đi cấp cứu.
Sáng 4/7, trao đổi với phóng viên, ông Mai Long Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên nhân của vụ việc đang chờ kết luận của Cơ quan điều tra và bộ phận pháp y - Công an tỉnh Yên Bái. Sở Y tế tỉnh Yên Bái đang hoàn thiện báo cáo gửi Bộ Y tế ngay trong ngày 4/7 (An ninh Thủ đô, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Cựu Tổng giám đốc VN Pharma bị truy tố, khung hình phạt đến mức tử hình
Cựu Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cùng 11 đồng phạm bị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, tội danh truy tố có mức án cao nhất tử hình. VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) cùng 11 đồng phạm về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Cả 12 bị can bị truy tố theo khoản 4, Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 có khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Theo truy tố, giai đoạn 2013 đến tháng 9.2014, các bị can đã dùng giấy tờ giả để đề nghị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc.
Theo đó, 12 bị can trong vụ án này đã đồng phạm thực hiện hành vi buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita giả, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. 10 bị can còn lại đóng vai trò đồng phạm.
Qua quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, sau khi VN Pharma đưa hồ sơ giả xin thẩm định cho phép nhập thuốc, Cục Quản lý Dược đã lập tổ thẩm định. Tổ trưởng là ông Nguyễn Tất Đạt - Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược.
Tuy nhiên, quá trình làm việc, nhiều giấy tờ bị làm giả nhưng tổ thẩm định vẫn đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu đơn hàng của VN Pharma.
Kết quả điều tra đủ căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục Quản lý Dược đã không làm hết trách nhiệm, để trót lọt lô thuốc ung thư giả vào Việt Nam.
Viện Kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để làm rõ sai phạm của những người liên quan. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan công an tách hồ sơ, xử lý sau. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục làm rõ, xử lý trong giai đoạn tiếp theo đối với sai phạm của một số cán bộ thuộc Cục Quản lý Dược và những người liên quan khác.
Trước đó, tháng 7.2017, TAND TPHCM xét xử Nguyễn Minh Hùng và 8 bị can về các tội "Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Bị cáo Hùng bị toà tuyên 12 năm tù về tội Buôn lậu. Các bị cáo khác trong vụ án lĩnh từ 2 năm tù treo đến 5 năm tù giam. Sau đó, TAND Cấp cao tại TPHCM hủy án sơ thẩm, đề nghị điều tra lại tội danh. Hơn 2 năm điều tra lại, cơ quan công an đã khởi tố thêm 3 bị can và thay đổi tội danh truy tố 12 bị can thành Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. (Lao động, trang 4).
Triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Cần thay đổi nhận thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân
Sáng 4/7, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật, gồm: Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong số các luật vừa được Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV thông qua nêu trên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Đáng chú ý là việc nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm cả xe máy) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Luật cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện trong việc phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
Trao đổi tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, công tác triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc khó quản lý khi đưa các quy định của Luật vào cuộc sống. Vì vậy, để triển khai thi hành luật, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và ngoài việc tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình, thì quan trọng là quy định chế tài đối với các hành vi bị cấm đã quy định trong luật.
Liên quan đến Luật Giáo dục, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, điểm đáng chú ý của Luật Giáo dục là quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học. Cụ thể, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học và trung học cơ sở là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; giảng viên đại học có trình độ chuẩn là thạc sĩ. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Tuy nhiên, nếu sau 2 năm, người được hỗ trợ tốt nghiệp nhưng không công tác trong ngành giáo dục và công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí hỗ trợ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Cảnh giác dịch sốt xuất huyết đến sớm
Theo nhận định, năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đến sớm hơn thông thường nên ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng bệnh.
Không đợi có dịch mới chống
Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-11. Thế nhưng, tại khu vực Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa kèm theo thời tiết bất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi phát triển.
Các tỉnh trong khu vực này có khí hậu, môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội khá đặc thù, nên công tác phòng, chống SXH gặp khá nhiều khó khăn, như: Tập quán trữ nước, dùng nhiều vật dụng để trữ nước không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti, lăng quăng/bọ gậy phát triển. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên, diện tích cao su nhiều, người dân khi khai thác các chén đựng mủ thường không được xử lý triệt để, sẽ là nơi cư trú, sinh sôi lý tưởng của bọ gậy, lăng quăng.
Thêm nữa, điều kiện kinh tế của đa số người dân trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, nên ý thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường sống còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không ít đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Một số cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn chưa thực sự quyết tâm vào cuộc để cùng ngành y tế phòng, chống SXH trên địa bàn và không thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy. Công tác truyền thông, hoạt động của đội xung kích, công tác giám sát và xác minh ổ dịch, công tác xử lý ổ dịch có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, kịp thời.
Theo thống kê, số ca mắc SXH cao hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây với 5.048 trường hợp mắc, trong đó Gia Lai là 1.864 trường hợp, Đăk Lăk 1.865, Đăk Nông 1.119, Kon Tum 200; chưa có trường hợp tử vong.
Phía Nam nhiều ca bệnh nặng
Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam, đã có 2.163 trường hợp mắc SXH được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước và cao hơn 57% (1.379 người) so với cùng kỳ năm 2018.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có tất cả 49.445 người mắc bệnh SXH, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2018. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều bệnh nhất, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện tiếp nhận gần 800 ca SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 151 bệnh nhân SXH trong đó có 25 trẻ em. Trong số các trường hợp nhập viện, có 10 ca nặng đang phải nằm phòng hồi sức tích cực và thở máy. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 60 bệnh nhi đến khám và điều trị SXH .
Theo BSCKII Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, hiện tại đã bắt đầu bước vào mùa dịch SXH trong năm. Thời gian qua, mặc dù là mùa khô nhưng tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh vẫn có những diễn biến phức tạp, số ca mắc SXH còn cao.
Tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 3,7 ngàn ca SXH, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có hơn 3 ngàn ca phải nhập viện điều trị. Những địa phương có số ca SXH cao là TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu. Đặc điểm chung của những địa phương này là tập trung đông dân nhập cư, tình trạng người dân sống ở các khu nhà trọ không đảm bảo vệ sinh còn nhiều, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh cho con người.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hơn 860 ổ dịch sốt xuất huyết, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Tiếp tục hoàn thiện các quy định để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp
BHXH Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện Luật Việc làm; trong đó có kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Gần 12,7 triệu người tham gia BHTN
Theo BHXH Việt Nam, ngay sau khi Luật Việc làm được thông qua, BHXH Việt Nam đã bám sát nội dung của Luật và thực tiễn triển khai tích cực, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; từ đó, báo cáo, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tháo gỡ.
BHXH Việt Nam cũng ban hành các văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các quy định của Luật Việc làm trong các nghiệp vụ liên quan của ngành; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện chính sách BHTN tại địa phương. Hằng năm, BHXH Việt Nam đều ban hành Chương trình truyền thông chính sách BHXH nói chung, BHTN nói riêng cũng như các Chương trình truyền thông trọng điểm về BHTN...
Thủ tục đóng BHTN ngày càng được đơn giản, thuận tiện cho tham gia. Số người tham gia BHTN đều tăng qua các năm. Năm 2015, toàn quốc có 10,3 triệu người tham gia BHTN, tăng 11,83% so với năm 2014. Năm 2018, số người tham gia BHTN tăng lên 12,68 triệu người, tăng 37,53% so với năm 2014.
Tốc độ tăng bình quân số người tham gia BHTN năm 2015 đến năm 2018 gần 6%/năm. Bên cạnh đó, số thu BHTN luôn vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Số nợ BHTN giai đoạn 2015 - 2018 giảm đáng kể so với giai đoạn 2009 - 2014, đặc biệt là khi ngành BHXH được giao thêm chức năng thanh tra đóng BHTN. Cơ quan BHXH cũng tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng (ATM) hoặc nhận tiền mặt tại đại lý chi trả, tạo thuận lợi cho người hưởng.
Bên cạnh kết quả đạt được, BHXH Việt Nam cũng nhận định, trong thực hiện Luật Việc làm, cụ thể là lĩnh vực BHTN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn sự thiếu đồng nhất trong xác định, quản lý đối tượng tham gia, theo dõi thu bảo hiểm thất nghiệp đối với đơn vị sử dụng lao động; vẫn diễn ra tình trạng trốn đóng BHTN; còn tình trạng người lao động trục lợi quỹ BHTN...
Cần có các quy định cụ thể về thời gian chuyển các quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp
Do đó, để thực hiện tốt Luật Việc làm và chính sách BHTN thời gian tới, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu sửa Luật Việc làm theo định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo đó, tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHTN bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 01 tháng trở lên; quy định thật cụ thể về danh mục các khoản bổ sung khác làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp phù hợp hơn nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng chính sách thông qua việc chủ động nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. BHXH Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, hoàn thiện các quy định về thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHTN.
Về phía Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam kiến nghị: Cần có các quy định cụ thể về thời gian chuyển các quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định bảo lưu thời gian đóng BHTN sang cơ quan BHXH để có căn cứ xác định trách nhiệm thu hồi chi sai, chi vượt các chế độ trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ việc làm; đồng thời, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHTN theo Nghị định số 166/2016/NĐ-CP; chỉ đạo triển khai liên thông dữ liệu để đối chiếu, quản lý đối tượng hưởng BHTN chặt chẽ, kịp thời và chính xác... (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Hướng dẫn theo dõi sau tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao và để lại những di chứng tàn phế hết sức nặng nề cho trẻ. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể phòng bệnh chủ động bằng cách tiêm phòng vắc-xin cho trẻ. Bài viết này cũng cấp cho bạn đọc kiến thức để giúp người chăm sóc trẻ biết cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B.
Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm thế nào?
Viêm não Nhật Bản là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, gây ra tổn thương hệ thần kinh trung ương do tác động của virut gây bệnh. Loại virut này được phát hiện vào năm 1935 bởi các nhà khoa học Nhật Bản, vì vậy nên bệnh viêm não do virut này gây ra được đặt tên là viêm não Nhật Bản. Bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho người lớn và trẻ em, để lại di chứng nặng nề nếu trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh. Trong đó, nhóm có nguy cơ mắc cao nhất là trẻ nhỏ 2-6 tuổi (chiếm 75% trên tổng số người mắc bệnh). Bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh mẽ vào khoảng tháng 5 đến tháng 7. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản, vì vậy, việc tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản là rất quan trọng, giúp trẻ đề phòng được nguy cơ mắc bệnh cũng như các rủi ro có thể xảy ra.
Bệnh viêm não Nhật Bản không thể lây trực tiếp từ người sang người mà phải truyền qua trung gian muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật mang virut (thường là lợn) rồi sau đó truyền bệnh cho người qua vết muỗi đốt. Muỗi có khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản thì được gọi là véc-tơ truyền bệnh. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi hàng ngày với người bệnh không có khả năng làm lây bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản hiện đang lưu hành nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc nước ta. Các ổ dịch hầu hết tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi gia súc hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều cây ăn quả và kết hợp nuôi lợn.
Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho con trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Phụ huynh cần chú ý đưa trẻ đi tiêm sớm, theo đúng lịch tiêm để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, nhất là trong đợt cao điểm dịch bệnh.
Lịch tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản
Vắc-xin viêm não Nhật Bản được dùng để dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng người lớn và trẻ em khi đủ 12 tháng tuổi trở lên. Vắc-xin được đưa vào cơ thể qua đường tiêm dưới da. Muốn được bảo vệ đầy đủ, phải thực hiện tiêm sơ chủng và tái chủng đầy đủ. Đối với sơ chủng, được tiêm 3 mũi lần lượt:
Mũi 1: Trong lần đầu tiên đến tiêm.
Mũi 2: Cách mũi thứ nhất 1 - 2 tuần.
Mũi 3: Sau mũi thứ nhất 1 năm.
Đối với tiêm tái chủng, mỗi lần được tiêm một liều dưới da, cứ mỗi 3 năm nhắc lại một lần để duy trì khả năng miễn dịch. Nên tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất ngay từ nhỏ.
Về hình thức tiêm, vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản được tiêm dưới da và không bao giờ được tiêm tĩnh mạch. Cụ thể, bác sĩ có thể tiêm bắp ngay vị trí cơ delta ở bắp tay hoặc ở chân ngay vị trí mặt trước bên đùi. Tiêm viêm não Nhật Bản ở tay hay chân đều mang lại hiệu quả phòng bệnh như nhau và không có ảnh hưởng khác đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản ở tay hay chân còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ và sự thuận tiện về phía người được tiêm.
Hướng dẫn theo dõi chăm sóc trẻ sau tiêm
Sau tiêm 30 phút, cho trẻ theo dõi tại trung tâm vắc-xin, sau đó cho trẻ về và gia đình theo dõi tiếp tại nhà. Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, hạn chế nhiễm trùng; Cho trẻ ăn uống bình thường như mọi ngày. Đặc biệt không bôi, đắp bất kỳ loại thuốc, hóa chất hay vật gì vào chỗ tiêm để tránh kích ứng da gây nên tình trạng sưng đau và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Với trường hợp trẻ sốt trên 38,50C: lau người bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ (tránh trẻ bị nhiễm lạnh vào mùa lạnh).
Những lưu ý sau khi tiêm phòng vắc-xin cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay
Khi thấy trẻ có một vài dấu hiệu sau: Trẻ khó thở, tím tái, quấy khóc, vật vã, nổi mề đay/ban đỏ toàn thân; Trẻ sốt cao liên tục trên 390C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ; Quầng đỏ sưng cứng tại vị trí tiêm có kích thước trên 2cm... thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Phẫu thuật tim hở thành công cho bé gái sinh non nặng 1,6kg
Đây là bệnh nhi nhẹ cân nhất được phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Bệnh nhân là con gái của chị Lê Ngọc Anh Thư (ngụ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang).
Trước đó, ngày 20-4-2019, bé gái này chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và chỉ nặng 1kg khi mới 30 tuần tuổi thai. Bé là con thứ hai trong cặp sinh đôi. Sau khi sinh bé đã phải hỗ trợ hô hấp (NCPAP), dịch truyền và kháng sinh.
Khi bé được 13 ngày tuổi, kết quả siêu âm tim xác định bé tồn tại ống động mạch lớn 6mm (PDA) và lỗ thông liên thất lớn 7mm (VSD).
Bé được điều trị bằng Ibuprofen với hi vọng sẽ đóng lại ống động mạch và thuốc Digoxin để chống suy tim.
Tuy nhiên, bé vẫn phải hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP) và các bác sĩ ghi nhận bé bị viêm phổi, bóng tim to.
Sau đó, bé được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Trong những ngày nằm tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, VSD, PDA lớn.
Khi được 37 ngày tuổi, bé nặng 1,3kg, các bác sĩ đã phẫu thuật cột ống động mạch (PDA) với hi vọng bé sẽ hết bệnh suy tim, lên cân tốt nhằm chuẩn bị một cuộc mổ hở để đóng lại lỗ thông liên thất (VSD).
Khoảng hai tuần sau đó, bệnh nhi tăng lên được 1,6kg, nhưng tình trạng viêm phổi và nhiễm trùng vẫn còn, đặc biệt tình trạng suy tim vẫn không cải thiện.
Trước tình trạng này, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất ngay cho bệnh nhi, chứ không thể chờ bé tăng tiếp thêm cân nặng. Nếu không phẫu thuật để đóng lỗ thông liên thất, bệnh nhi có nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ cũng cho biết rằng phẫu thuật trên một bệnh nhi chỉ nặng 1,6kg cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngày 24-6, bệnh nhân đã được phẫu thuật. Hơn một ngày sau khi được phẫu thuật, bệnh nhi đã cai hoàn toàn máy thở, có thể tự thở bình thường.
Đến hôm nay, 1-7, bệnh nhi nặng 1,7kg, bú khỏe 40ml sữa/lần và dự kiến xuất viện sau một tuần nữa.
Đây là ca mổ tim hở nhẹ ký nhất từ trước đến nay và được thực hiện trên một bé sơ sinh non tháng.
Theo các bác sĩ, thành công của ca mổ này đánh dấu sự phối hợp ăn ý giữa các khoa lâm sàng và kinh nghiệm của từng thành viên trong kíp mổ.
Đây cũng là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của chuyên ngành phẫu thuật tim và thông tim can thiệp của bệnh viện sau 15 năm triển khai. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).