Ghi nhận song thai cùng trứng khác kiểu hình và kiểu gien
Ngày 9.11, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội tổ chức họp báo công bố lần đầu tiên phát hiện song thai cùng trứng nhưng khác nhau về kiểu hình và kiểu gien.
Theo đó, BV này mới đây tiếp nhận thai phụ 23 tuổi, mang thai lần đầu đến khám. Kết quả siêu âm cho thấy thai có chung một bánh rau, 2 buồng ối từ tuần thai thứ 8. Sản phụ đến khám khi thai ở tuần 16 do phát hiện một thai phù.
Sau khi hội chẩn, siêu âm và chọc ối, các bác sĩ phát hiện: thai A phù thai, giới tính trên siêu âm là nữ, kiểu gien nữ Turner (45,X). Còn thai B bình thường về mặt hình thái và giới tính trên siêu âm là nam, kiểu gien nam (46,XY). Các xét nghiệm di truyền chuyên sâu khác cũng đã được thực hiện và chứng minh rằng 2 thai này chung một trứng nhưng có kiểu gien khác nhau.
Đại diện BV Phụ sản Hà Nội cho biết đây là trường hợp cực hiếm, lần đầu tiên được cơ sở này phát hiện và là ca bệnh thứ 2 được ghi nhận trên thế giới. Trước đây, các tài liệu y học khẳng định song thai cùng trứng giống nhau hoàn toàn về kiểu gien và kiểu hình. Tuy nhiên, các minh chứng của BV Phụ sản Hà Nội cho thấy vẫn có một số trẻ song thai cùng trứng không giống nhau 100% về kiểu gien và kiểu hình. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 4).
Không để thiếu thuốc, vật tư y tế: Khổ vì thiếu thuốc điều trị
Những tuần qua, nhiều bệnh viện (BV) tại TPHCM loay hoay với thuốc, vật tư y tế bởi phần thì cạn kiệt, phần thì đứt hàng, không mua sắm được… Trong khi, người bệnh “đói” thuốc khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
Đỏ mắt không tìm ra thuốc
Nhập cấp cứu tại BV Chợ Rẫy ngày 5-11 trong tình trạng khó thở, bụng trướng, ông Đặng Đại Tr. (73 tuổi, quê Quảng Bình) được chẩn đoán viêm gan, xơ gan cổ trướng. Sau khi được hút dịch ổ bụng, ông Tr. thấy đỡ đau hơn nhưng xét nghiệm dịch mũi thì lại nhiễm Covid-19. Bệnh viện không có thuốc Molnupiravir kháng virus SARS-CoV2, bác sĩ kê đơn yêu cầu người nhà đi mua.
“Tôi chạy vòng khắp nhà thuốc trong lẫn ngoài BV cũng không có. Cuối cùng, bác sĩ thông báo là phải truyền thuốc kháng virus cho ba tôi”, người nhà ông Tr. kể. Còn bệnh nhân Lâm Nhật Bảo T. (14 tuổi, ngụ Bình Thuận) được bác sĩ Khoa Hóa - xạ trị, Trung tâm Ung bướu (BV Chợ Rẫy) chẩn đoán bị u nguyên tủy bào não thất 4, được chỉ định xạ trị 54GY/27EX ngày 21-10, nhưng lại được hẹn quay lại sau… do máy hư, không xạ trị được. Người nhà lo lắng nên xin chuyển qua điều trị tại BV Ung bướu TPHCM.
Tương tự, thời gian qua, các BV nhi tại TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị do thiếu thuốc và vật tư y tế. Khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, BV Nhi đồng 1 TPHCM hiện đang điều trị cho trên 100 bệnh nhi, trong đó 50% bị sốc sốt xuất huyết (SXH) nhưng lại hụt nguồn cung dung dịch cao phân tử HES 200.000 dalton và Dextran 40 để chống sốc. Thậm chí, thuốc vận mạch cho bệnh nhi cũng thiếu. BV Nhi đồng thành phố cũng gặp khó về thuốc cao phân tử HES 200.000 dalton nên điều trị bệnh nhi sốc SXH không đạt hiệu quả tối ưu.
Ở khối điều trị bằng thuốc y học cổ truyền (YHCT), ThS-DS Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế TPHCM, chia sẻ, do dược liệu cho YHCT chủ yếu nhập khẩu; một số thuốc dược liệu, thuốc YHCT chưa được cơ quan BHXH chi trả… dẫn đến thiếu thuốc YHCT cấp phát cho người bệnh.
Phải chuyển phác đồ điều trị
Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM (cơ sở 1), BV đang chịu áp lực rất lớn do người bệnh ung thư chuyển lên từ các tỉnh, thành lân cận hoặc từ cơ sở khác trong thành phố. Mặc dù đã chạy hết công suất nhưng hiện vẫn còn khoảng 1.000 bệnh nhân chờ phẫu thuật, chờ xạ trị do đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, hóa chất.
Các thuốc hiếm trị ung thư như Vinblastin, Dactionmycin… cũng không còn nguồn cung cấp. “BV phải chuyển phác đồ khác thay thế cho người bệnh; tổ chức đấu thầu một số thuốc nhưng không có doanh nghiệp dược tham dự, hoặc có thì thiếu tiêu chuẩn. Nguyên nhân do một trong những yêu cầu hiện nay là thuốc có visa rồi, nếu hết hạn lưu hành phải gia hạn đăng ký mà việc này tốn nhiều thời gian”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn cho hay.
Cùng cảnh ngộ, BS CKII Đỗ Tân Khoa, Giám đốc BV Y học cổ truyền TPHCM, cho hay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên một số dược liệu để bào chế thuốc theo BHYT cho người bệnh gặp nhiều khó khăn, trong đó có những loại thuốc như bạch đậu khấu, dây khổ qua, lạc tiên tây. “Với gói đấu thầu mua sắm thuốc năm 2021 và 2022, khi mở thầu chỉ có duy nhất 1 công ty nộp hồ sơ, nhưng cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn nên BV phải hủy thầu”, BS CKII Đỗ Tân Khoa nêu thực tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Bệnh viện và đề án “y tế thông minh”: Những kiến nghị cần được làm ngay
Sáng 9/11, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh có buổi giám sát việc thực hiện Đề án y tế thông minh, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030 tại Bệnh viện Trưng Vương, quận 10. Vấn đề thiếu hụt nhân lực, dự án y tế thông minh gặp khó vì máy móc cũ nát, không đáp ứng cho công việc là những khó khăn được trình bày tại buổi họp.
Thu nhập giảm sút, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt
Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương Huỳnh Ngọc Hớn cho biết, đơn vị hiện có 782 giường bệnh thực kê, nhưng công suất sử dụng 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 52,8%. Có trên 203.000 lượt người bệnh khám ngoại trú (đạt 56%); 16.600 lượt nội trú; khu điều trị COVID-19 tiếp tục được bệnh viện duy trì với 15 ca, trong đó có 3 ca phải thở máy.
Nhưng theo BS Huỳnh Ngọc Hớn, do số lượng bệnh nhân giảm nên thu không đủ bù chi, bệnh viện hết nguồn để chi cho nhiều quỹ như: Thu nhập tăng thêm; khen thưởng… nên hệ lụy là chỉ riêng trong 10 tháng qua, đơn vị có 138 nhân viên xin nghỉ việc, lý do đều cho là thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
Theo BS Hớn, từ năm 2004, Bệnh viện Trưng Vương là một trong số ít cơ sở y của thành phố triển khai thí điểm mô hình hệ thống quản lý bệnh viện điện tử (HIS) và vận hành khai thác liên tục. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị cho Bệnh viện Trưng Vương đã hết khấu hao, các máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị mới và cũ không đồng bộ, không phát huy được hết tài nguyên của từng thiết bị.
Bệnh viện đã phối hợp với một công ty phần mềm xây dựng hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý về chuyên môn. Hệ thống phần mềm đã đáp ứng được việc Quản lý bệnh nhân ngoại trú, khám bệnh. Số hóa toàn bộ đơn thuốc thay thế vì bác sĩ kê đơn thuốc bằng viết tay, thực hiện được ứng dụng máy phát số tự động trong khám ngoại trú; màn hình thông báo điện tử; hiển thị thông tin nhận bệnh, thứ tự khám bệnh, thứ tự nhận thuốc BHYT; đặt lịch khám trực tuyến qua tổng đài điện thoại, app; tổng đài chăm sóc khách hàng…
Tuy nhiên, Bệnh viện Trưng Vương đang trong quá trình xây dựng mới, các khoa phòng không thể sửa chữa lớn, đường đi bị chia cắt, do đó hạ tầng mạng cũng bị ảnh hưởng theo. Nhân sự Phòng CNTT chỉ có 10 người nhưng thường xuyên thay đổi do nghỉ việc ảnh hưởng đến thời gian triển khai các phân hệ mới. Bệnh viện không đủ kinh phí để tiếp tục đầu tư.
BS Huỳnh Ngọc Hớn kiến nghị được tiếp nhận và thực hiện đề án “Xây dựng cơ sở hạ tầng bệnh viện thông minh” (đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông); được quan tâm chi phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm sau khi kết thúc đề án, hoặc cơ cấu chi phí CNTT vào giá viện phí; các bệnh viện nên hợp tác đầu tư về CNTT, chia sẻ nguồn tài nguyên, dữ liệu để tránh lãng phí, dữ liệu trùng lặp. Đặc biệt, việc xây dựng khối nhà A của bệnh viện chậm tiến độ khoảng 5 tháng kéo theo hàng loạt sự chậm trễ khác, trong đó có việc xây dựng tầng mạng.
Những việc cần làm ngay
Theo TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương, trong thời gian bệnh viện chuyển sang điều trị bệnh nhân COVID[1]19, các trang thiết bị còn bị tàn phá và hư hỏng bởi mỗi lần có bệnh nhân tử vong vì COVID-19, buộc phải xịt thuốc khử khuẩn. Do đó, cần có chế độ riêng để phục hồi cơ sở vật chất để người dân yên tâm khi tới khám, chữa bệnh. “Nếu nhân viên bỏ đi vì không đủ sống thì người thiệt chính là bệnh nhân”, TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn trăn trở.
Bà Trương Lê Mỹ Ngọc – Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP đề nghị, các sở cần quan tâm đến việc thực hiện và chất lượng các dự án tại Bệnh viện để phục vụ tốt nhất bệnh nhân. Phó trưởng Ban VHXH HĐND TP Nguyễn Minh Nhật cũng bày tỏ, giai đoạn chống dịch COVID-19 cho thấy sự hy sinh của y bác sĩ bệnh viện nhưng thành phố thực sự chưa quan tâm đúng mức. Vấn đề là Bệnh viện hiện nay phải vượt khó để cứu chính mình trong đầu tư CNTT. Cần giải quyết ổn định nhân sự trước rồi mới tính đến bệnh viện thông minh.
Hiện nay, đa số người đến khám chữa bệnh tại bệnh viện theo BHYT. Do vậy cần nâng cao chất lượng khám BHYT ngang như khám dịch vụ, để thu hút lại người dân.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban VH-XH HĐND TP cũng nhận định: “Cần tăng kinh phí để đầu tư lại trang thiết bị vì trong thời điểm dịch đã khử khuẩn nhiều dẫn đến hao mòn máy móc trầm trọng. Đối với BHYT TP khi phân lược số thẻ cho Bệnh viện Trưng Vương cũng cần xem xét nhằm tiết kiệm được hiệu suất của giường bệnh. BHYT TP cần quan tâm đặc biệt bệnh viện này”. (Công an nhân dân, trang 1).
Số hóa bệnh viện
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về chuyển đổi số, y tế là một trong tám lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đã tích cực thực hiện số hóa. Hiệu quả mang lại rất rõ đối với cả bệnh viện, người bệnh và ngành y tế.
Nếu như những lần trước phải đi từ khoảng 4 giờ sáng đến xếp hàng, lấy số thứ tự để khám bệnh thì lần này đến hơn 8 giờ, ông Nguyễn Văn Thái (59 tuổi, ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) mới có mặt tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh để khám bệnh. Ông chia sẻ, ông không phải đi thật sớm như trước là do bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người bệnh đăng ký, lấy số thứ tự khám bệnh qua ứng dụng "BVTP VINH" trên điện thoại thông minh. Người bệnh chỉ cần có mặt đúng giờ đã đăng ký để gặp bác sĩ. Kết quả cũng được bác sĩ thông báo trên ứng dụng, giúp người bệnh tiện theo dõi sức khỏe. Số hóa thông tin từ hồ sơ bệnh án, kết quả cận lâm sàng đã giúp cho bác sĩ hội chẩn trực tuyến với đồng nghiệp, chuyên gia đầu ngành từ nhiều điểm cầu trong và ngoài viện để kịp thời đưa ra phương án chữa bệnh hiệu quả nhất cũng như hỗ trợ, cập nhật kiến thức thường xuyên cho cán bộ, nhân viên y tế.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh cho biết, bước đột phá tạo nên diện mạo mới của bệnh viện hôm nay phải kể đến thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm "thông minh" nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người bệnh. Đăng ký khám bệnh qua app trên điện thoại hay hội chẩn trực tuyến chỉ là hai trong số hàng chục tiện ích của ứng dụng công nghệ thông tin mang lại cho người bệnh. Bệnh viện là một trong những đơn vị đầu tiên trong khu vực ứng dụng phần mềm "thông minh", số hóa tất cả các hoạt động khám, chữa bệnh. Mặc dù trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 lượt khám nhưng ứng dụng thông minh đã giúp người dân chủ động lấy số thứ tự, đăng ký dịch vụ chăm sóc sức khỏe, rút ngắn quy trình tiếp nhận, tạo đột phá trong điều trị, chăm sóc người bệnh. Công tác quản trị cũng được bệnh viện số hóa, thực hiện trên phần mềm quản lý.
Đến nay, Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh đã xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý tổng thể theo các tiêu chí của một bệnh viện thông minh, gồm: Hệ thống máy chủ, bảo đảm an toàn bảo mật thông tin; hệ thống quản lý thông tin tổng thể bệnh viện; hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa; hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm; bệnh án điện tử, chữ ký số…
Tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, người bệnh có thể đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; không phải lưu trữ giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh, không sợ làm mất các kết quả thăm khám... Người bệnh tương tác với nhân viên y tế bằng các hình thức như tư vấn trực tuyến qua tổng đài chăm sóc khách hàng, tư vấn sức khỏe từ xa qua các tiện ích cộng đồng. Dữ liệu cá nhân được quản lý chặt chẽ, bảo mật, là nền tảng để triển khai hồ sơ sức khỏe toàn dân đúng lộ trình đã đề ra của Bộ Y tế trong thời gian tới.
Tại An Giang, khi dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo số người bị nhiễm bệnh tăng cao, ngành y tế đã ứng dụng phần mềm hỗ trợ quản lý F0 tại nhà, nhờ đó đã giảm tải tại các bệnh viện cũng như bảo đảm sức khỏe an toàn cho người nhiễm. Chị N.T.T.L, ngụ thành phố Long Xuyên cũng như nhiều người mắc Covid-19 khác rất yên tâm khi tự điều trị ở nhà, vì hằng ngày chị được các y, bác sĩ trao đổi, tư vấn trực tuyến về cách ăn uống, điều trị, phòng ngừa lây lan cho người nhà…
Số hóa bệnh viện là việc chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và hình thành kho dữ liệu khám, chữa bệnh phục vụ công tác quản lý, công tác khám, chữa bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh (trước, trong và sau khi khám, điều trị). Tiêu chí số hóa bệnh viện cần hướng tới đáp ứng 3 không: bệnh viện không giấy tờ; không xếp hàng và không dùng tiền mặt. Đến nay, gần như 100% các bệnh viện tại Việt Nam đều đã số hóa công tác quản lý bệnh viện bằng phần mềm quản lý bệnh viện HIS; hơn 20 bệnh viện đã số hóa thành công công tác chẩn đoán hình ảnh, không dùng phim nhựa (hiện nay có rất nhiều bệnh viện đang số hóa công tác chẩn đoán hình ảnh, nhưng chưa hoàn thiện và dùng song song phim số với phim nhựa); gần 40 bệnh viện đã số hóa thành công bệnh án điện tử và hoàn toàn không dùng bệnh án giấy. Hơn 80% các bệnh viện triển khai ít nhất từ hai phương án thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Công tác đăng ký khám trực tuyến đang được các bệnh viện quan tâm và đẩy mạnh triển khai.
Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Nguyễn Trường Nam cho biết, hiệu quả số hóa được thể hiện rất rõ đối với cả bệnh viện, người bệnh và ngành y tế. Đối với bệnh viện, việc số hóa đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý bệnh viện; nâng cao chất lượng khám, chữa và chăm sóc người bệnh; tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa hoạt động của bệnh viện; tăng tính cạnh tranh, tính hấp dẫn và sự hài lòng của người bệnh. Đối với người bệnh, được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao; được quan tâm và chăm sóc sức khỏe chủ động và tích cực. Đối với ngành y tế, việc số hóa bệnh viện sẽ hình thành các kho dữ liệu chuyên ngành, các kho dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh, kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử… Các kho dữ liệu này được kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc giúp hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho người dân. Từ các kho dữ liệu y khoa sẽ hình thành các hệ thống dữ liệu lớn của ngành y tế để từ đó ứng dụng công nghệ số hiện đại như công nghệ dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu Analysis… để phục vụ nghiên cứu khoa học, phân tích mô hình bệnh tật, dự báo...
Để thực hiện thành công mục tiêu số hóa, ngành y tế đã xác định và chia ba giai đoạn triển khai. Giai đoạn một (trong năm 2022), tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh, bước đầu hình thành kho dữ liệu tập trung về khám, chữa bệnh, tạo cơ sở dữ liệu lõi cho các nền tảng số y tế. Ngành y tế đã ban hành quy định về mô hình nghiệp vụ và cấu trúc thông tin nghiệp vụ để thúc đẩy hoàn thiện và xây dựng mới các nền tảng số y tế thuộc danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Giai đoạn hai (từ năm 2023 đến 2025), thúc đẩy triển khai: hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai khám, chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Giai đoạn ba (từ năm 2025 đến 2030), hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa,... Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải hoàn thành: triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số, người dân có thể đăng ký khám, đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% tổng giá trị thanh toán viện phí.
Quá trình số hóa trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin Nguyễn Trường Nam cho rằng, ngành y tế và các đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng thể chế để tạo các hành lang pháp lý thuận lợi cho việc số hóa bệnh viện; xây dựng, điều chỉnh cơ chế tài chính phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của xã hội hiện nay đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để triển khai công tác này; có chính sách và cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin y tế về làm việc cho các bệnh viện; cần có cơ chế đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị công nghệ cao phục vụ chuyên môn. (Nhân dân, trang 5).
Đậu mùa khỉ có thể lây truyền trước khi các triệu chứng xuất hiện
Hơn một nửa số ca lây truyền bệnh đậu mùa khỉ ở Vương quốc Anh xảy ra trong giai đoạn tiền triệu chứng. Điều này cho thấy, đậu mùa khỉ có thể lây lan trước khi một người xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.
Những phát hiện mới này được công bố trực tuyến vào ngày 2 tháng 11 trên BMJ, có thể giải thích tại sao bệnh đậu mùa khỉ lại lây lan nhanh như vậy. Hơn 70.000 trường hợp đã được xác định trên toàn thế giới kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 5.
Sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ đã được thấy đến 4 ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu và các nhà nghiên cứu ước tính rằng 53% sự lây truyền xảy ra trong giai đoạn này, Thomas Ward - Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh ở London, người dẫn đầu nghiên cứu mới cho biết.
Trước đây, người ta cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ chỉ lây lan khi một người có các triệu chứng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho biết, một người chỉ có thể truyền bệnh sau khi họ phát triển các triệu chứng.
Trước khi thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã biết rằng có thể loại bỏ virus trước khi các triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn chưa biết mức độ phổ biến của nó. Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát lây nhiễm toàn cầu và đặt ra câu hỏi về việc liệu hướng dẫn hiện tại - yêu cầu mọi người cách ly khi có triệu chứng - có đủ để ngăn chặn sự lây truyền của virus hay không.
Đối với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khai thác dữ liệu theo dõi định kỳ và liên lạc với hơn 2.700 cá nhân ở Vương quốc Anh, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ từ ngày 6/5 đến ngày 1/8/2022.
Các nhà điều tra đã xem xét thời điểm các triệu chứng bắt đầu ở bệnh nhân đầu tiên đến khi có triệu chứng trong lần tiếp xúc tiếp theo và tại thời điểm từ lúc tiếp xúc đến khi bắt đầu có triệu chứng và tạo ra hai mô hình:
- Mô hình 1, thời gian ủ bệnh là 7,6 ngày và khoảng thời gian nối tiếp ước tính (khoảng thời gian từ khi bắt đầu các triệu chứng xuất hiện và ở người mà họ bị nhiễm) là 8 ngày.
- Ở mô hình 2 là 7,8 ngày và 9,5 ngày (tương ứng).
10 trong số 13 cặp bệnh nhân được báo cáo về sự lây truyền trước khi có triệu chứng. Nghiên cứu cho thấy, 4 ngày là thời gian tối đa mà sự lây truyền được phát hiện trước khi các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của phòng ngừa trong thời gian bùng phát dịch bệnh đang diễn ra. Mọi người nên nhận thức được điều này và điều chỉnh hành vi dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro.
Nếu ai đó thuộc nhóm nguy cơ cao, điều đầu tiên họ có thể làm là tiêm phòng nếu họ chưa tiêm. Đồng tính nam, lưỡng tính và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục đồng giới chiếm phần lớn các trường hợp trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.
Những người bị bệnh đậu mùa khỉ đang hoạt động và những người đang chăm sóc người bệnh hoặc ở gần người bệnh... nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp da với da, đồng thời cẩn thận xử lý các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo hoặc khăn trải giường - các chuyên gia khuyến cáo.
TS. Esther Freema, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là Phó Giáo sư da liễu tại Trường Y Harvard ở Boston lưu ý rằng, vaccine thực sự quan trọng và rất may mắn vì đã có một loại vaccine thực sự an toàn đang hoạt động tốt. Đó là một chế độ vaccine hai liều, nhưng ngay cả một mũi tiêm cũng có tác dụng.
TS. Timothy Brewer, Đại học California, Los Angeles, người không tham gia vào nghiên cứu nhưng đã xem xét các phát hiện cho biết: Có nhiều trường hợp lây truyền trước khi triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện. Bệnh đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng như COVID-19 hoặc các virus đường hô hấp khác, vì nó đòi hỏi sự tiếp xúc vật lý với chất tiết và dịch cơ thể.
Do đó, cách để giữ an toàn là: Nếu bạn có bất kỳ quan hệ tình dục nào gần đây và phát ban mới, hãy liên hệ với bác sĩ để xem liệu bạn có bị bệnh đậu mùa khỉ hay không, và nếu bạn có quan hệ tình dục với bạn tình mới, hãy sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su và không quan hệ tình dục nếu bạn thấy các vết loét - TS. Brewer khuyên.
Một số triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến nhiễm virus đậu mùa khỉ là:
- Sốt kèm theo ớn lạnh
- Sưng hạch bạch huyết
- Mệt mỏi hoặc kiệt sức
- Đau cơ và đau lưng
- Đau đầu dữ dội
- Viêm họng
- Nghẹt mũi
- Ho…
(Sức khoẻ & Đời sống, trang 10).
Đừng nhầm lẫn cúm B và sốt xuất huyết
Cùng với dịch sốt xuất huyết, cúm B vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến nhiều người lo lắng.
Dấu hiệu nào để phân biệt cúm B và sốt xuất huyết? Chăm sóc tại nhà thế nào để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe?
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm TS. BS Bùi Thị Thu Hoài, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E sẽ lý giải.
1. Tại sao thời điểm này cúm B lại trở nên rầm rộ hơn?
Theo TS. BS Bùi Thị Thu Hoài, bệnh cúm B có thể gặp quanh năm nhưng ít khi gặp mùa hè, tuy nhiên năm nay điều bất thường là từ tháng 4, tháng 5 đã ghi nhận rải rác các ca bệnh cúm và đến thời điểm này thì đông hơn, rầm rộ hơn.
Rất khó để lý giải tại sao ca bệnh cúm B năm nay lại tăng cao hơn mọi năm, thậm chí có những ổ dịch phức tạp. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn cũng có một số giả thuyết được đưa ra.
Thứ nhất, chu kỳ virus gây bệnh thường có giai đoạn vài năm lại bắt đầu quay trở lại, có thể là 2 năm, 5 năm… các bệnh truyền nhiễm thường như vậy, cúm B cũng không phải ngoại lệ.
Nguyên nhân thứ hai đây đang là thời điểm giao mùa nên khi có các dấu hiệu sổ mũi, ho, hắt hơi… mọi người thường nghĩ là bị cảm cúm thông thường nên không có ý thức trong việc phòng lây nhiễm, thăm khám muộn khiến bệnh lây lan nhanh hơn.
Thêm nữa mọi năm việc tiêm phòng vaccine cúm được thực hiện đầy đủ, hai năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID, tất cả tập trung chống dịch, lo tiêm phòng vaccine COVID-19 nên cũng lơ là trong việc tiêm vaccine phòng các bệnh khác. Vaccine cúm cần phải tiêm nhắc lại hàng năm, do vậy việc không tiêm phòng vaccine cũng là một căn nguyên mà khi có virus gây bệnh dễ khiến bệnh lây lan nhanh hơn.
Có ý kiến cho rằng sau thời gian dịch COVID-19, sức đề kháng giảm sút nên dễ mắc các bệnh về hô hấp… Tuy nhiên đây cũng chỉ là các giả thuyết, để xem chính xác năm nay cúm B có khác thường, mức độ lây lan như thế nào cần nhiều nghiên cứu hơn, TS. Hoài cho biết.
Theo TS. Hoài, virus cúm có 2 type phổ biến là cúm A, cúm B. Cúm A có thể lây từ gia cầm, động vật sang người nên khó kiểm soát hơn, dễ gây thành đại dịch. Cúm B chỉ lây qua người với người nên trên phương diện lý thuyết việc kiểm soát nguồn lây dễ dàng hơn.
Trước đây khi nhắc đến các trường hợp biến chứng nặng thường nhắc đến cúm A, cúm B thông thường nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, gần đây một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ tử vong, biến chứng nặng của cúm B không phải kém so với cúm A, do vậy cũng cần phải đề phòng.
2. Làm thế nào để phân biệt được cúm B với sốt xuất huyết?
Theo TS. BS Bùi Thị Thu Hoài, hiện nay không chỉ cúm B, sốt xuất huyết mà cả COVID-19 vẫn lưu hành song song với nhau. Các triệu chứng của những căn bệnh này đều có các biểu hiện gần giống nhau có sốt, viêm long đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng), cảm giác ớn lạnh, đau mỏi người… Cả 3 căn bệnh này đều có các triệu chứng không đặc trưng như vậy…. Do vậy với bệnh nhân thông thường rất khó nhận biết.
Với các bác sĩ có những trường hợp phải làm xét nghiệm mới nhận biết được. Tuy nhiên mỗi bệnh cũng có những đặc trưng riêng như sốt xuất huyết với người trẻ tuổi thường sốt cao 39-40 độ C, người già sốt có thể nhiệt độ thấp hơn. Thời gian sốt của bệnh sốt xuất huyết thường dài có trường hợp sốt 5-7 ngày. Với cúm thời gian sốt ngắn hơn từ 3-5 ngày, nhiệt độ có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C.
Cúm B cũng như các loại virus khác có thể tự khỏi nếu thể trạng tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên nếu là cúm đa phần bệnh nhân sẽ đau mỏi người nhiều, nhiều trường hợp cho biết đau người hơn bị COVID. Còn sốt xuất huyết thường đau người, mệt lả, li bì.
Đặc trưng của cúm là có kèm theo viêm long đường hô hấp. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết cũng bị viêm long đường hô hấp, nguyên nhân là do người bệnh đồng thời mắc cả sốt xuất huyết và viêm đường hô hấp trên, hoặc đồng thời mắc virus cúm.
Do vậy, người dân khi có các dấu hiệu sốt, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp, ớn lạnh nên đi làm xét nghiệm cho chắc chắn. Việc dựa vào các triệu chứng nhiều khi không đặc hiệu. Một số bệnh nhân đợi 5,6 ngày xem có phát ban để biết chính xác là sốt xuất huyết hay không thì sẽ chuẩn đoán và điều trị muộn, TS. Hoài khuyến cáo.
Với bệnh nhân cúm dù qua giai đoạn sốt có thể ho kéo dài, tức ngực, khó thở, viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, tim mạch, nhiễm khuẩn huyết… những trường hợp nặng rất khó cho quá trình điều trị sau này.
Đặc biệt với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh về hô hấp như hen phế quản, COPD, lao phổi cũ nếu bị cúm bệnh sẽ dễ trở nặng hơn… Do vậy cần thăm khám, phát hiện sớm.
Việc thăm khám, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Có nhiều gia đình một người mắc sau đó lây lan cho cả các thành viên khác, nếu bệnh nhân được thăm khám, phát hiện sớm để có thuốc điều trị và các biện pháp dự phòng sớm sẽ ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh, BS. Hoài cho biết.
3. Chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà thế nào để nhanh chóng hồi phục sức khỏe?
TS. BS Bùi Thị Thu Hoài khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị cúm, người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm. Những trường hợp sốt cao liên tục, có bệnh nền, trẻ nhỏ sốt cao co giật nên được theo dõi tại bệnh viện.
Còn các bệnh nhân mắc cúm B thông thường có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần giải thích cho người bệnh biết đây là căn bệnh do virus gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị dứt điểm được ngay thời điểm sốt mà theo diễn biến tự nhiên, điều trị triệu chứng.
Nhiều trường hợp bác sĩ có chỉ định điều trị tại nhà nhưng 2, 3 ngày không thấy hạ sốt lại yêu cầu được vào viện điều trị. Với bệnh nhân cúm B yêu cầu hết sốt ngay khi gặp bác sĩ là không thể, mà triệu chứng sốt thường kéo dài 3-5 ngày. Nếu chưa có các dấu hiệu nguy hiểm thì cứ yên tâm điều trị tại nhà.
Các dấu hiệu nguy hiểm gồm những bệnh nhân sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, tức là uống thuốc hạ sốt không giảm, li bì, bệnh nhân khó thở, thở nhanh, tay chân co quắp, tím tái, tức ngực… cần phải nhập viện ngay.
Còn các triệu chứng sốt, đau mỏi người là triệu chứng chung của cúm B, bệnh nhân nên yên tâm điều trị tại nhà.
Việc chăm sóc tại nhà rất quan trọng giúp bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Có thể chườm mát, nhiệt độ chườm thấp hơn nhiệt độc cơ thể 3-4 độ C, không chườm lạnh quá hoặc nóng quá cơ thể không hạ sốt do không có tác dụng truyền nhiệt.
Uống nhiều nước, nên ăn lỏng, uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định cách 4-6 tiếng, uống đúng liều cho phép.
Bệnh nhân có viêm long đường hô hấp ngoài dùng thuốc theo đơn bác sĩ có thể chăm sóc đường hô hấp bằng cách súc miệng họng bằng nước muối, vệ sinh mũi họng, giảm bớt các thực phẩm gây kích ứng hầu họng như cay, chua, nóng. Điều quan trọng cần nâng cao thể trạng để trải qua giai đoạn bệnh từ 7-10 ngày. Tăng sức đề kháng bằng cách bổ dung các loại vitamin C, vitamin tổng hợp.
Cần có người ở cùng chăm sóc theo dõi để phát hiện các trường hợp diễn biến nặng.
Tiêm vaccine phòng cúm là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Nếu đã bị cúm rồi thì không cần tiêm vaccine trong năm đã mắc do cơ thể đã sinh ra kháng thể, nhưng nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm trong những năm sau, thời điểm tiêm nên trước mùa cúm từ 2 đến 3 tuần hàng năm. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).