'Chúng tôi quyết đánh một trận cho ra trò'
"Chúng tôi quyết định đánh một trận cho ra trò, có nằm xuống cũng oanh liệt". Đó là chia sẻ với Tuổi Trẻ của bác sĩ Trần Hùng - giám đốc Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng.
Là một bệnh viện tư, chúng tôi phải tính toán trăm bề trong bối cảnh dịch bệnh. Bế quan tỏa cảng, đóng cửa phong thành kiểu gì rồi cũng "chết", thay vì giữ gìn sự sạch sẽ cho riêng mình", bác sĩ Hùng tâm sự.
Thời điểm này đã có nhiều bệnh viện các tỉnh miền Trung "chia lửa" với các bệnh viện bị phong tỏa ở Đà Nẵng, nhưng cách đây hơn một tuần mọi thứ không hề dễ dàng. Vậy mà bác sĩ Trần Hùng nói quyết định được đưa ra trong vòng "ba nốt nhạc".
Vì chúng tôi là Đà Nẵng
* Tôi nghĩ không dễ quyết định như thế, đặc biệt là theo cách nói trong vòng "ba nốt nhạc" của bác sĩ?
- Từ khi nước ta có ca nhiễm đầu tiên, chúng tôi đã lường trước những tổn thương nếu chẳng may bệnh viện mình gặp phải một ca nhiễm COVID-19. Vậy nên có dịch hay không chúng tôi cũng xác định các biện pháp phòng hộ. Đúng là ngay khi Đà Nẵng công bố ca bệnh đầu tiên có liên quan đến bệnh viện, đó là thời điểm rất căng thẳng mà chúng tôi phải tự vệ hết sức có thể. Bởi thông tin liên quan đến ca nhiễm là rất nhạy cảm đối với tình hình khám chữa bệnh của một cơ sở y tế, nhất là đối với bệnh viện tư nhân. Chúng ta có thể thấy ngay hậu quả của việc này một khi bệnh viện bị phong tỏa, mà trường hợp bệnh viện tư bị cách ly phong tỏa trong đợt dịch đầu tiên thì ở Hà Nội cũng đã xảy ra rồi.
Khi ba cơ sở y tế lớn của thành phố bị phong tỏa, chúng tôi biết rồi đây gánh nặng y tế sẽ đổ dồn về các trung tâm còn lại. Nguồn nguy cơ đến từ mọi phía nên không có cơ sở y tế nào thoát khỏi hễ còn mở cửa đón bệnh nhân. Hơn nữa, lúc đó Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi là nơi thu dung và điều trị chính cho những ca bệnh COVID-19 và nghi ngờ dương tính với virus corona đang trong tình trạng rất căng thẳng.
Biết là một quyết định rủi ro cho một bệnh viện tư. Nhưng một khi cả nước chung tay chống dịch thì không ai có thể ngồi ngoài nên chúng tôi quyết định "chia lửa" với các bệnh viện công.
* Ông làm điều đó thế nào, nhất là khi sau lưng còn những "ông chủ" là cổ đông?
- Khi quyết định sẽ hành động ngay, tôi bốc máy gọi cho lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng nói rằng bệnh viện mình muốn giữ lại những ca nghi ngờ, sẵn sàng cho thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 thay vì "đẩy" ngay những trường hợp nghi ngờ về những cơ sở y tế kia. Thời điểm đó chúng tôi là cơ sở y tế tư nhân đầu tiên đề xuất ý kiến này nên ngay lập tức một đoàn khảo sát của bộ phận thường trực Bộ Y tế đã đến để kiểm tra cơ sở vật chất và tình hình nhân lực. Họ thấy ổn vì chúng tôi có đội ngũ chuyên môn đạt yêu cầu cũng như có các phòng hồi sức tích cực với máy thở đáp ứng được.
Hiện tại chúng tôi "chia lửa" bằng việc nhận điều trị gần 70 bệnh nhân và một số lớn người nhà kèm theo. Họ đều thuộc đối tượng nghi ngờ F1 nên chúng tôi tổ chức không gian điều trị cách ly chuyên biệt. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ chuyển sang nơi khác để điều trị.
Về những cổ đông đứng sau bệnh viện thì không hề có khó khăn hay áp lực gì cả. Họ cho tôi toàn quyền quyết định. Cổ đông là người Đà Nẵng, nhân viên cũng là người Đà Nẵng, bệnh nhân mình cũng người Đà Nẵng. Chúng tôi là Đà Nẵng, khi thành phố khó khăn thì ai cũng phải vào cuộc thôi.
"Vũ khí" ra trận
* Thật ra cũng có những cái khó vì thời điểm đó bệnh viện có gần một nửa số nhân viên là F2 phải cách ly y tế tại nhà do có liên quan đến một số ca nhiễm COVID-19 trong thành phố?
- Tôi biết quyết định vậy cũng sẽ khiến không ít nhân viên của mình bất an, nhất là những người thân trong gia đình lo lắng. Bởi số còn lại này vẫn chọn chia tay người thân của mình để vào trực chiến 24/7.
Nhưng không ra trận thì ngồi đó cũng "chết" vì nguy cơ có thể đến từ những ca ở khu khám bệnh ngoại trú. Chi bằng quyết định như vậy, động viên họ đã vào cuộc thì phải quyết liệt. Đã phòng chống thì phải thực hiện cho tốt, y như đang chạy chữa cho các ca bệnh. Cũng không có gì phải lo lắng vì chúng tôi đã trang bị phòng hộ chuẩn cho mình và bảo vệ tốt cho bệnh nhân.
Nếu tuân thủ tuyệt đối thì không có quá nhiều nguy cơ. Tôi nói với nhân viên mình hãy nhớ đến bài học của bệnh nhân võ sư người Mỹ được đưa từ Đà Nẵng vào TP.HCM chữa trị. Ông ấy được chuyển đến nhiều khoa phòng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng Chợ Rẫy vẫn đứng vững vì họ biết cách phòng hộ.
Thực tế thì hơn một tuần qua chúng tôi đã chứng minh được điều này, trong số các bệnh nhân khám ngoại trú và bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển qua đã có nhiều ca dương tính, thậm chí có ca tử vong vì bệnh nền quá nặng nhưng tại bệnh viện chúng tôi vẫn không có tình trạng lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà.
* Trước khi ra trận, bệnh viện đã chuẩn bị những "vũ khí" gì để chiến đấu được lâu dài, nhất là khi quân số, cơ sở vật chất có hạn?
- Đương nhiên phải có nhiều tính toán "chiến thuật". Đầu tiên là đến từ sự chuẩn bị, chúng tôi đã xây dựng và bước qua cấp độ 5 của phòng chống dịch. Rồi có sự cải tạo lớn về cơ sở vật chất tại tầng 8 để thu dung và điều trị cho 70 bệnh nhân nặng chuyển về. Bằng mọi giá cách ly tuyệt đối những bệnh nhân thiếu may mắn này khỏi nhóm nhân viên và bệnh nhân còn lại.
Chúng tôi thiết kế lại các khu vực điều trị theo kiểu các môđun tách biệt để phòng hờ trường hợp có sự cố sẽ không ảnh hưởng đến các khu vực khác. Người làm việc trong các khu vực nhạy cảm, nhiều nguy cơ sẽ bố trí ăn ngủ tại chỗ để tự cách ly. Ngoài việc 100% nhân viên trong bệnh viện đều buộc phải mang trang bị bảo hộ khi làm việc, những bộ phận làm việc hành chính hoặc các khu ít nguy cơ cũng được chúng tôi thuê riêng một khách sạn bên cạnh bệnh viện để "tự cách ly".
Mong mỏi cả nước dập được dịch
* Và tất nhiên cũng có nhiều sự thay đổi về hoạt động khám chữa bệnh từ khi bệnh viện ông "chia lửa" với các bệnh viện bị phong tỏa?
- Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến doanh thu, lượt người đến khám chữa bệnh sẽ giảm sâu. Đúng là trong bối cảnh, xu thế này thì khó có thể cưỡng lại được.
Chúng tôi xác định bối cảnh này, dòng vốn khó mà dương. Nhưng mình đã chịu ơn, được hưởng những thành quả từ sự phát triển ở Đà Nẵng nhiều năm nay thì có âm cũng ráng chịu để đóng góp cho xã hội.
* Vậy trước mắt, ông trông chờ điều gì?
- Chúng tôi hi vọng sống từng ngày. Trong bối cảnh này mà tiếp tục trụ được, không phải "hi sinh", không phải bị phong tỏa sẽ là người chiến thắng. Trường hợp ngược lại nếu chúng tôi "thất thủ" sẽ là một gánh nặng lên vai Đà Nẵng. Xa hơn là mong mỏi cả nước dập được dịch càng sớm càng tốt. Bởi ai cũng vậy, sức chịu đựng, nguồn lực sẽ có hạn.
Khi "chia lửa" với thành phố, bệnh viện chúng tôi nhận được sự hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ từ ngành y tế nhưng thật sự để đủ cho hơn 400 nhân viên chúng tôi phải mang hằng ngày thì số này như muối bỏ biển. Chúng tôi cũng hiểu bối cảnh thành phố hiện nay mình không thể đòi hỏi gì thêm.
Miễn phí cho toàn bộ bệnh nhân điều trị
Bác sĩ Trần Hùng cho biết 70 bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng đều là những ca bệnh nặng, về gan, thận, suy hô hấp... trong đó có những bệnh nhân thuộc diện F1 có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Do đã có chủ trương hỗ trợ một phần chi phí cách ly sau điều trị từ Sở Y tế, nên bệnh viện quyết định sẽ miễn phí hoàn toàn đối với những trường hợp này, từ điều trị cho đến phòng ốc vì có quá nhiều hoàn cảnh đáng thương.
"Được đưa từ bệnh viện công sang bệnh viện tư nhiều người ngơ ngác vì lo vấn đề tiền bạc. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt đã nằm viện lâu năm rất thương xót. Chúng tôi quyết định mọi người sẽ được chăm sóc y tế và dinh dưỡng theo tiêu chuẩn cao nhất của bệnh viện" - bác sĩ Hùng nói. (Tuổi trẻ, trang 1).
Ổ dịch ở Đà Nẵng được khống chế, 18 bệnh nhân COVID-19 ở đây đã âm tính
PGS.TS Trần Đắc Phu: "Chúng ta đã kiểm soát, khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng và tâm dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế được lây lan".
Ngày 9-8, thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ổ dịch ở Đà Nẵng, với tâm dịch tại các bệnh viện, có tốc độ lây lan nhanh cũng như xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát.
Tuy vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu - chuyên gia trong ban chỉ đạo - cho rằng công tác chống dịch ở Đà Nẵng vừa qua đã được thực hiện rất quyết liệt, toàn diện, hiệu quả.
Đến thời điểm này có thể nói "chúng ta đã kiểm soát, khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng và tâm dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế được lây lan".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, siết lại với tinh thần luôn sẵn sàng, thì có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Ông cũng yêu cầu sớm biên soạn "sổ tay", tổng kết kinh nghiệm, hướng dẫn cụ thể, để các địa phương khác có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch ngay khi phát hiện ra ca nhiễm ở trong đô thị, bệnh viện, cộng đồng.
Ban Chỉ đạo đánh giá năng lực xét nghiệm đã tốt hơn rất nhiều lần so với trước, cả về sản xuất kit thử cũng như máy móc xét nghiệm. Tới đây sẽ đẩy mạnh xét nghiệm theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, lúc nào dùng xét nghiệm kháng thể, lúc nào dùng xét nghiệm PCR.
Trong khi đó, cũng ngày 9-8, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết sau quá trình điều trị hơn 10 ngày, 18 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có kết quả âm tính với virus corona.
Cụ thể hiện nay tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang có 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 6 bệnh nhân âm tính lần 1, 5 bệnh nhân âm tính lần 2 và 2 bệnh nhân âm tính lần 3 với chủng virus này.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, mặc dù trong số này có 2 bệnh nhân âm tính lần thứ 3 với virus nhưng các bệnh viện vẫn sẽ tiếp tục giữ lại để theo dõi thêm diễn biến sức khỏe. "Hiện chưa có kế hoạch cho xuất viện đối với 2 bệnh nhân có 3 lần xét nghiệm âm tính" - bà Yến cho biết.
Liên quan đến bệnh nhân 416, ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch bùng ở Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy (đang trực tiếp điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) - cho biết tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng. Bác sĩ Linh cho biết bệnh nhân này vừa được chuyển về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ngày 8-8 sau khi đã hoàn thiện hệ thống điều trị ở đây.
"Ca bệnh này được công bố ngày 24-7 nhưng đến nay vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và hệ thống ECMO. Tình trạng tổn thương phổi và nhiễm trùng của bệnh nhân vẫn còn rất nghiêm trọng do đa nhiễm như nấm và vi trùng đa kháng. Quá trình điều trị sẽ rất lâu dài" - bác sĩ Linh thông tin.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy):
Có bệnh nhân nặng không kém phi công người Anh
Chỉ tính riêng các ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có tới 12 bệnh nhân phải điều trị hồi sức, trong đó có 7 bệnh nhân nặng gồm 5 ca thở máy, 2 ca chạy ECMO. Trong số các ca bệnh này, có bệnh nhân tổn thương phổi không thua gì bệnh nhân 91 - phi công người Anh được điều trị ở TP.HCM trước đây.
Một bệnh nhân Covid-19 công tác ở Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng
Chiều 9-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng công bố thông tin dịch tễ liên quan đến một số bệnh nhân. Trong đó đáng chú ý là bệnh nhân COVID-19 số 769 tên N.T.T.H. (nữ, hiện là cán bộ thanh tra TP Đà Nẵng). Đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh nhân là cán bộ đang làm việc tại tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng. Theo thông tin từ bệnh nhân cung cấp, từ 16-7 cho đến ngày có kết quả dương tính với virus corona, bệnh nhân vẫn thường xuyên làm việc tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng - nơi có hơn 1.000 cán bộ đang làm việc. Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. (Tuổi trẻ, trang 1).
Chúng ta có lòng tin không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng
Ngày 9-8, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới; công tác bảo đảm vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, điều trị… và đề xuất các biện pháp ứng phó.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy đến nay có xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng tại một số địa phương nhưng chủ yếu liên quan đến các ca nhiễm ở cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, và một vài điểm ở Đà Nẵng. Nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, nhất là được siết lại cách đây một tuần, thì chúng ta có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Không chỉ riêng TP Đà Nẵng, Quảng Nam, mà hệ thống chống dịch, nòng cốt là lực lượng y tế, công an ở tất cả các địa phương đã được khởi động trở lại rất nghiêm túc. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã thành lập 5 đoàn kiểm tra xuống các địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu tinh thần luôn sẵn sàng chống dịch phải được duy trì liên tục, không để lơi lỏng sau một thời gian.
“Chúng ta phải thấy rõ nguy cơ dịch bệnh là thường trực, vì vậy, phải tuyệt đối cảnh giác. Không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người dân, bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, giữ vệ sinh cá nhân… cần tuân thủ hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt các ứng dụng công nghệ như NCOVI, Bluezone… Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, với gia đình và với cộng đồng.
Cho biết, bản thân và nhiều lãnh đạo, thành viên Chính phủ đã cài đặt các ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi “tất cả mọi người dân, mà trước hết các bạn trẻ cùng chung tay để chiến thắng dịch bệnh Covid-19 bằng việc thực hiện nghiêm tất cả các giải pháp, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có giải pháp ứng dụng công nghệ”. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Hà Nội: Chạy đua với thời gian, bình tĩnh xử lý dứt điểm từng điểm dịch Covid-19
Sáng ngày 9/8, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Liên quan đến bệnh nhân 812 mới nhất, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền- cho biết đây là bệnh nhân nam 63 tuổi làm nhân viên giao hàng, có địa chỉ tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân làm cùng cửa hàng Pizza với bệnh nhân 447, có tiếp xúc gần với BN 447 (F1). Ngày 29/7, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy máu xét nghiệm PCR lần 1, kết quả âm tính, được chuyển cách ly tại Bệnh viện Công an Thành phố. Ngày 3/8, bệnh nhân có sốt, mệt mỏi được chuyển đến bệnh viện Thanh Nhàn cách ly, điều trị. Ngày 4/8 Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm PCR (lần 2) ngày 4/8 kết quả âm tính. Ngày 7/8 các triệu chứng bệnh tăng lên, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (lần 3) gửi CDC xét nghiệm, ngày 8/8 có kết quả dương tính.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, độ lây nhiễm ngày càng cao. Tại Hà Nội, những bệnh nhân đi từ vùng dịch Đà Nẵng về có lịch sử đi lại rất nhiều, giao tiếp với nhiều người nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Tuần tới (từ ngày 10/8 đến 16/8) là tuần cao điểm của dịch, vì vậy chúng ta cần rà soát được hết các F1 để ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Về việc các quận huyện phản ánh đang thiếu vật tư y tế, Chủ tịch UBND TP nhắc lại Ban chỉ đạo đã đồng ý giao cho các quận huyện chủ động mua sắm vật tư tiêu hao, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế. Đơn vị nào chưa mua kịp thì liên hệ với CDC để được cấp phát ngay.
Trung bình cả nước mỗi ngày có 30 ca bệnh; lan ra 40 tỉnh thành; có lây lan trong cộng đồng; trong thời gian ngắn đã có 10 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Tại Hà Nội, đã có 7 ca bệnh mới, trong đó bệnh nhân 812 là ca thứ phát lây từ bệnh nhân 447.
Hiện nay chỉ có làm xét nghiệm mới phát hiện được các ca bệnh mới bởi nhiều trường hợp chưa có biểu hiện của bệnh nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả dương tính; cùng với đó nhiều trường hợp phải xét nghiệm lần thứ 3 mới phát hiện dương tính như bệnh nhân 812 mới đây nhất.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tập trung vào truy tìm F1 và F2 của các bệnh nhân trên địa bàn TP hoặc các bệnh nhân ở các tỉnh khác nhưng có tiếp xúc ở Hà Nội. F1 phải đưa đi tập trung phải theo đúng quy trình, lấy mẫu xét nghiệm trước khi đưa đi cách ly và vào ngày 12,13 của thời gian cách ly. F2 phải cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.
Về việc 4 đơn vị Bộ Y tế sẽ hỗ trợ TP xét nghiệm PCR, Chủ tịch UBND TP nhắc lại yêu cầu tất cả trường hợp về từ Đà Nẵng từ 15/7 đến nay phải được lấy mẫu. Các trường hợp khác lấy máu xét nghiệm Elisa.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Công an TP tiếp tục quản lý chặt chẽ đối tượng xuất nhập cảnh và đặc biệt là phối hợp với các lực lượng khác tiến hành xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang.
Chủ tịch UBND TP cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu Sở Y tế đôn đốc các bệnh viện trên địa bàn phải quản lý chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình phòng dịch, chú ý những khoa có bệnh nền nặng. Mỗi bệnh nhân nặng chỉ được 1 người nhà chăm sóc. “Chúng ta phải “canh” không để bệnh viện, phòng khám nào bị “vỡ trận”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
“Đây là giai đoạn quan trọng, chúng ta phải chạy đua với thời gian. Các ca bệnh ra cộng đồng đã khoảng 20 ngày. Chúng ta cần nỗ lực trong tuần tới hoàn thành việc xét nghiệm PCR người về từ Đà Nẵng. Hi vọng đến 15 – 20/8 sẽ khoanh vùng dập dịch được. Có thể những ngày tới sẽ có thêm ca bệnh, nhưng chúng ta không lo lắng mà bình tĩnh xử lý, khoanh vùng từng điểm nhỏ như đã thực hiện rất tốt như vừa qua thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh”, Chủ tịch UBND TP nói. (An ninh Thủ đô, trang 3).
Kêu gọi người dân dùng ứng dụng Hà Nội Smart City để khai báo, phản ánh về dịch Covid-19
Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội đề nghị tăng cường tuyên truyền để người dân khai báo, phản ánh về dịch Covid-19 qua ứng dụng Hà Nội Smart City. Sở TT-TT Hà Nội vừa có công văn số 1979/STTTT-TTĐT gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đề nghị tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên trang, cổng thông tin điện tử cơ quan Nhà nước thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở TT-TT Hà Nội đề nghị các đơn vị nêu trên tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng, khai báo thông tin, báo cáo, phản ánh về dịch Covid-19 thông qua ứng dụng (app) Hà Nội Smart City trên thiết bị thông minh cầm tay (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành Android thì tìm kiếm và cài đặt ứng dụng trên CH Play, đối với thiết bị dùng hệ điều hành iOS thì tìm kiếm và cài đặt ứng dụng trên AppStore).
Đây là kênh thông tin tương tác, nhanh chóng giúp người dân và chính quyền thành phố trao đổi thông tin trên cơ sở minh bạch, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Ứng dụng Hà Nội Smart City cung cấp đầy đủ các dịch vụ trong một thành phố thông minh gồm: Dịch vụ công, các dịch vụ về giáo dục, y tế và nhiều tiện ích khác (thanh toán hóa đơn điện, nước...).
Sở TT-TT cũng yêu cầu đặt banner tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone trên trang, cổng thông tin điện tử của đơn vị, liên kết đến trang web: http://www.bluezone.gov.vn để vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm, nhằm nhanh chóng có biện pháp khoanh vùng dập dịch.
Các đơn vị trên cần tiếp tục tuyên truyền thông tin chính xác, kịp thời và đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền người dân chủ động, tự rà soát lộ trình di chuyển của mình và người thân từ ngày 1-7 dến nay, nếu đi du lịch hoặc đi ngang qua các vùng mà Bộ Y tế đã khuyến cáo thì phải tự giác khai báo y tế, cách ly tại nhà và thông tin cho trạm y tế gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm nhanh.
Thông tin cập nhật mới nhất, chính thống từ Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (http://moh.gov.vn), Báo Sức khỏe và Đời sống (http://www.suckhoedoisong.vn), Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Hà Nội (http://soyte.hanoi.gov.vn). (An ninh Thủ đô, trang 3).
Thủ tướng: Các địa phương phải bảo đảm đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm
Các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm; không để thiếu và chậm thực hiện xét nghiệm; trường hợp thiếu kinh phí thì kịp thời sử dụng kinh phí dự phòng và báo cáo Trung ương xử lý cụ thể.
Đây là nội dung trong Thông báo 283/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 7/8/2020.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã tích cực đóng góp nhân lực, vật chất hỗ trợ phòng, chống dịch tại Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đánh giá cao UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức có hiệu quả các Tổ phòng, chống dịch tại cơ sở.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch đang có nguy cơ rất cao lây lan trong cộng đồng, đòi hỏi các bộ liên quan, các cấp chính quyền cần đề cao trách nhiệm, quyết tâm hơn nữa thực hiện phòng, chống dịch, nhất là trong khoảng thời gian 2 tuần tới đây, đặc biệt Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, các địa phương đang có dịch bệnh, trong đó có các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tăng cường thực hiện nhanh hơn nữa việc xét nghiệm PCR
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương đang có dịch chỉ đạo huy động tổng lực, bảo đảm 4 tại chỗ, phối hợp tốt giữa các lực lượng, quyết tâm khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ:
a) Khoanh vùng, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội ở các nơi được coi là ổ dịch.
b) Tiếp tục thần tốc truy vết, tăng cường thực hiện nhanh hơn nữa việc xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao; khoanh vùng cách ly tập trung các trường hợp nghi nhiễm, trong đó có biện pháp cách ly phù hợp đối với người từ Đà Nẵng về; dập dịch kiên quyết, điều trị tích cực các ca nhiễm bệnh; quyết tâm kiềm chế, kiểm soát, khống chế lây nhiễm dịch bệnh ở mức thấp nhất; lưu ý ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm đối với người có bệnh nền, mãn tính, cao tuổi. Tiếp tục duy trì các tổ công tác đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm và áp dụng biện pháp phù hợp đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
c) Có phương án và sẵn sàng các bệnh viện dã chiến tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương có ca lây nhiễm.
d) Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có ca nhiễm bệnh trên địa bàn căn cứ diễn biến dịch bệnh, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết đối với từng khu vực trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội; tăng cường các hoạt động trực tuyến, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, hoạt động xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, không áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông cấm chợ”, gây trở ngại, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trái quy định.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, vi phạm quy định về phòng, chống dịch
Thông báo nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các đô thị, thành phố lớn, khu vực tập trung đông người, khu công nghiệp, trong đó:
Yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tập trung đông người không cần thiết. Các địa phương phải bảo đảm cung ứng đầy đủ khẩu trang phù hợp cho nhân dân; khuyến cáo người dân khai báo y tế điện tử tự nguyện.
Tăng cường rà soát, kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân lơ là, vi phạm quy định về phòng, chống dịch (như không chấp hành cách ly, không đeo khẩu trang...); xử lý nghiêm các trường hợp mua bán khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế giả, chất lượng kém... Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.
Toàn ngành y tế tiếp tục duy trì chế độ báo động đỏ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh. Bộ Y tế, UBND các cấp tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở y tế, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Ngành y tế tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế ở tất cả các cơ sở y tế để bất cứ khi nào và ở đâu có ca nhiễm đều biết cách xử lý phù hợp, kịp thời.
Các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm. Thực hiện chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật trong việc mua sinh phẩm, vật tư phục vụ xét nghiệm, bảo đảm tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; không để thiếu và chậm thực hiện xét nghiệm; trường hợp thiếu kinh phí thì kịp thời sử dụng kinh phí dự phòng và báo cáo Trung ương xử lý cụ thể. Các địa phương và ngành y tế phải xử lý ngay việc này.
Bộ Y tế phải tăng cường điều phối, hỗ trợ kịp thời phương tiện, nhân lực, vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm và phòng chống dịch tại các địa phương.
Bộ Y tế tăng cường máy thở, khẩu trang y tế cho các địa phương đang có dịch; giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc này kịp thời.
Kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để ngăn ngừa dịch bênh lây lan
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND cấp tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nhân dân đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng; chống dịch theo quy định và khuyến cáo của cơ quan y tế.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người dân có điện thoại thông minh tích cực cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone để kịp thời phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm, ngăn ngừa dịch bênh lây lan. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo nhắn tin, thông tin qua hệ thống truyền thanh cơ sở trên phạm vi toàn quốc đề nghị người dân tích cực thực hiện. (Công an nhân dân, trang 1).
Bộ Y tế hỗ trợ toàn diện cho Thủ đô trong phòng chống dịch COVID-19
Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Bộ Y tế hỗ trợ toàn diện cho Thủ đô trong phòng chống dịch COVID-19. Trước mắt, từ chiều nay, 4 đơn vị thuộc Bộ Y tế sẽ xét nghiệm khoảng 75.000 mẫu người Hà Nội từ Đà Nẵng trở về từ 15/7 theo phương pháp Realtime RT-PCR. Ngoài ra, hơn 22.000 mẫu xét nghiệm Elisa cũng được Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Phòng khám đặc biệt vừa bảo vệ sản phụ vừa đánh bay COVID-19
Để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 "thăm" bệnh viện, giữ an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế, Bệnh viện Phụ sản TW đã lắp đặt, đưa vào sử dụng phòng khám dã chiến contener với trang thiết bị hiện đại, nhân lực chuyên môn cao; đồng thời dành một khu riêng biệt làm phòng bệnh nội trú cho những ca bệnh nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ...
Kích hoạt mọi giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19
Phòng khám dã chiến contener được Bệnh viện Phụ sản TW lập nên ngay từ sau Tết, khi Việt Nam ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, phòng khám mới hoạt động liên tục, với khoảng trên 10 thai phụ từ vùng dịch tễ COVID-19 đến khám mỗi ngày
Phòng khám dã chiến contener được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nhân lực chất lượng cao để thăm khám, theo dõi cho các thai phụ có yếu tố nguy cơ từ vùng dịch tễ COVID-19.
Phòng khám dã chiến contener được bệnh viện đặt ngay bên phải lối cổng vào Tràng Thi. Hiện Bệnh viện Phụ sản TW chỉ tổ chức một lối đi duy nhất vào bệnh viện ở khu vực cổng này cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân – tất cả mọi người khi đến khám, đi cùng người bệnh đều phải khử khuẩn đồ dùng cá nhân, đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi được phân luồn đến khám tại các khoa, phòng chuyên môn
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, nhóm thai phụ đến từ vùng dịch tễ COVID-19, từng đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ 10-28/3; những người đến khám tại Bệnh viện Phụ sản TW kiểm tra thân nhiệt, khai báo dịch tễ có nghi ngờ sẽ được bố trí khám riêng biệt tại phòng khám dã chiến này.
"Chúng tôi xác định đây là đối tượng được ưu tiên nhất, nên đã trang bị trang thiết bị y tế, máy móc tốt nhất, bác sĩ khám có trình độ tốt nhất để khám, thai dõi cho các thai phụ. Ekip làm việc tại đây được bảo hộ như tiếp xúc với một ca mắc COVID-19 thông thường, để vừa có thể chăm sóc thai phụ tốt nhất, vừa đảm bảo phòng nguy cơ lây nhiễm"- Giám đốc Trần Danh Cường thông tin.
Theo đó, sau khi người bệnh hoặc các sản phụ kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế có yếu tố bất thường ngay tại cổng ra vào, nhân viên y tế sẽ dẫn người bệnh đến khu vực riêng này để được khám. Vì vậy, không hề ảnh hưởng đến khu vực khám chung của các thai phụ khác.
Ngoài khu vực khám riêng tại phòng dã chiến này, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng lập khu nội trú riêng cho các ca bệnh nghi ngờ này. Các khu vực khám, điều trị riêng, khu vệ sinh công cộng, khu vực ngồi chờ khám tại bệnh viện luôn được khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ.
Trong trường hợp bệnh nhân được khẳng định dương tính virus SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ được chuyển sang bệnh viện đa khoa Đức Giang theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững
Xác định công tác truyền thông chính sách BHYT có vai trò quan trọng, BHXH các địa phương đã luôn chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa nhân văn chính sách BHYT, giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT tại nhiều địa phương đã đạt trên 95% dân số hướng tới xây dựng BHYT toàn dân một cách bền vững.
Lào Cai: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT
Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế của người dân không đồng đều, gây khó khăn trong việc phát triển và duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT theo chỉ tiêu của Chính phủ giao. Để khắc phục tình trạng trên, BHXH tỉnh Lào Cai đã tích cực phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Những thông tin về chính sách BHYT liên tục được phổ biến tới người dân thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai đến các xã, phường, thị trấn, đào tạo và mở rộng các đại lý thu ở cơ sở. Hiện, Lào Cai có 49 đại lý thu với 243 điểm thu và 291 nhân viên đại lý tại các xã, phường, thị trấn; hệ thống đại lý thu của Hội Nông dân, Bưu điện tỉnh phủ rộng nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận mua BHYT hộ gia đình một cách thuận lợi nhất.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Lào Cai cũng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với ngành y tế đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Kết quả là đến nay, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 715.348 người, đạt 97,54% bao phủ BHYT. Từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện giám định cho 4.748.989 lượt khám, chữa bệnh BHYT với số tiền chi là 2.484.696 triệu đồng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, vừa đảm bảo không vượt dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT được giao hàng năm.
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Lào Cai, chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2020 và các năm tiếp theo của tỉnh Lào Cai là duy trì ở mức 99%. Để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa nhân văn chính sách BHYT tới người dân để đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó, chú trọng tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp chính sách BHYT tới người dân đang sinh sống tại các khu dân cư, từ đó, mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
BHYT được coi là tấm thẻ vàng bảo vệ sức khỏe của đồng bào tỉnh Lai Châu
Tính đến tháng 8/2020, toàn tỉnh Lai Châu có 440.839 người tham gia BHYT. Trong đó, trên 91.000 người thuộc hộ gia đình nghèo, chiếm 20,4% tổng số người tham gia; trên 235.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 53% tổng số người tham gia. Đối với tỉnh miền núi như Lai Châu, đây thực sự là chính sách an sinh xã hội quan trọng, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bởi, BHYT được coi là tấm thẻ vàng bảo vệ sức khỏe: Bên cạnh quyền lợi khám chữa bệnh và chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng theo quy định từ 80-100% chi phí tùy từng đối tượng, giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật.
Tìm hiểu vấn đề này tại BHXH tỉnh, chúng tôi được biết, 96% số người tham gia BHYT của Lai Châu là cả sự nỗ lực, cố gắng của ngành BHXH tỉnh. Tuy nhiên, điều khiến ban lãnh đạo BHXH tỉnh trăn trở hiện nay là nhiệm vụ mở rộng đối tượng tham gia BHYT đối với 4% còn lại cũng như đảm bảo tính bền vững của tỷ lệ bao phủ sẽ những giải pháp tích cực, đột phá hơn nữa. Điều đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH tỉnh mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội cùng sự chung tay quyết liệt vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Ứng phó đại dịch COVID-19 giai đoạn 2: Ðà Nẵng thêm nhiều điểm nóng
Tại Ðà Nẵng - tâm dịch COVID-19 đang tiếp tục xuất hiện nhiều điểm nóng với nguy cơ lây lan rộng. Trong khi các trường hợp F1 trong cộng đồng trên địa bàn vẫn còn nhiều.
Nhiều nguy cơ lây nhiễm
Theo điều tra dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) TP Đà Nẵng, hiện có 14 xã, phường trên địa bàn thành phố có ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm COVID-19. Đà Nẵng cần cân nhắc, xem xét và áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa kịp thời.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng người dân chủ quan, lơ là và bất chấp các lệnh cấm của thành phố. Thành phố yêu cầu các địa phương chấn chỉnh lại công tác kiểm tra, kiểm soát. Trong trường hợp tình hình không được cải thiện, thành phố sẽ nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kiểm soát với mức độ nghiêm ngặt hơn.
Sở Y tế Đà Nẵng đã thống nhất cử một lãnh đạo Trung tâm CDC tập trung phân tích, đánh giá từng khu dân cư có nguy cơ cao. Ngành y tế đã tăng cường thêm 300 kỹ thuật viên lấy mẫu để đáp ứng nhu cầu của tình hình hiện nay.
Ngày 9/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng công bố kết quả điều tra dịch tễ của 16 trường ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn. Đáng chú ý, có nữ bệnh nhân số 769 là cán bộ Thanh tra TP Đà Nẵng, làm việc tại Trung tâm hành chính thành phố. Bệnh nhân này đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều đồng nghiệp làm việc tại Trung tâm hành chính. Lập tức, toàn bộ các trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân này được tiến hành cách ly. Cán bộ nhân viên làm việc trong tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng cũng được xét nghiệm, toàn bộ tòa nhà trung tâm hành chính được khử khuẩn.
Trong khi đó, tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) nơi được mệnh danh “phố chung cư” ở Đà Nẵng (với 56 block chung cư, hơn 4.770 căn hộ) tiếp tục có thêm 4 ca mắc COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân sống tại các chung cư lên 6 người. Trong hai ngày qua (8 và 9/8), tất cả các chung cư có người mắc bệnh đã được phun khử khuẩn, các F1 ở các chung cư đã được cách ly.
Đã có khoảng 1.000 cư dân sống tại 4 block chung cư có người mắc COVID-19 của phường này đã được lấy mẫu xét nghiệm. Các chung cư còn lại đã kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cho biết: Phường đã ra thông báo khẩn cấp để triển khai các biện pháp cách ly, phong tỏa các khu dân cư, chung cư để dập dịch. Đối với các chung cư chưa có người lây nhiễm, tổ giám sát cộng đồng cũng được kích hoạt giám sát người ra vào để kịp thời phát hiện người nghi ngờ mắc COVID-19.
Xây dựng các phòng chăm sóc đặc biệt
Hiện các bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng đang được theo dõi, điều trị chủ yếu tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (152 ca), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (52 ca). Đáng mừng là đã có 18 bệnh nhân bước đầu có kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với SARS-CoV-2.
Hiện, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn đang gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng với công suất ban đầu đáp ứng cho khoảng 280 bệnh nhân. Trong chiến lược tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, ngành Y tế Đà Nẵng phân cấp theo mức độ của bệnh lý. Theo đó, các bệnh nhân nặng sẽ được chuyển lên Bệnh viện Phổi và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, những bệnh nhân nhẹ sẽ được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng với quy mô 20 giường và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang với quy mô 10 giường. Các phòng ICU là đơn vị hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực được thiết kế riêng biệt, vô trùng, an toàn, tiện nghi. Hai cơ sở này sẽ được tập trung đầu tư thiết bị, nhân lực để nâng cao năng lực ICU, nhằm kịp thời cứu chữa ca bệnh nặng.
Còn nhiều F1 trong cộng đồng
Tính đến ngày 9/8, ngành y tế Ðà Nẵng đã lấy hơn 43.500 mẫu xét nghiệm, trong đó hơn 40.000 mẫu đã có kết quả. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Ðà Nẵng, hiện số F1 trong cộng đồng ở Ðà Nẵng vẫn đang còn nhiều. Trong đó, có nguyên nhân các bệnh nhân không thể nhớ hết được thời gian đi lại, tiếp xúc trong 14 ngày kể từ khi dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, CDC Ðà Nẵng đã đề xuất ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, trong đó tập trung vào một số khu vực được xác định là “điểm nóng”, có nguy cơ cao. (Tiền phong, trang 5).
Lâm Đồng cách ly tại nơi lưu trú 27 người nước ngoài đến từ vùng dịch
Ngày 9/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng cho biết, hiện toàn tỉnh có 968 trường hợp đang được giám sát, cách ly y tế phòng dịch COVID-19.
Trong số 968 người này, có 30 trường hợp được cách ly tại các cơ sở y tế, 110 trường hợp đang cách ly tập trung và 828 trường hợp cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú.
Hiện có 27 người nước ngoài đang được cách ly tại nơi lưu trú, bao gồm những trường hợp đến từ Mỹ, Israel, Úc, Singapore, Nhật, Anh, Nga, Pháp, Philippines và Trung Quốc. Đa số khách nước ngoài này được cách ly tại TP.Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Hơn một nửa số người đang được cách ly tại Lâm Đồng nói trên liên quan đến ca mắc COVID-19 của giám đốc người Nhật (75 tuổi, chủ một công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).
Như Tiền phong đã đưa tin, ngày 31/7, ông M.N bay từ Sân bay Liên Khương đi TP.HCM, sau đó bay tiếp về Nhật Bản. Vào 11 giờ 20’ ngày 1/8, ông nhắn tin cho người quản lý công ty ở Lâm Đồng với nội dung tại sân bay Narita, ông được kiểm tra bằng phương pháp xét nghiệm nhanh (Test High Standard) và phát hiện dương tính với SARS – Cov-2.
Sau đó, cơ quan y tế Nhật Bản tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp PCR, xác định ông M.N dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã thông báo kết quả này cho Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) vào ngày 3/8. Cùng ngày, Bộ Y tế đã gửi công điện cho UBND tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM đề nghị điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19 liên quan đến vị giám đốc nói trên. (Tiền phong, trang 5).
Thêm 31 ca mắc Covid-19 liên quan Đà Nẵng
Ngày 9.8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo 31 ca mắc mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 811 - 841 tại Việt Nam.
Các ca này ghi nhận tại Đà Nẵng và liên quan Đà Nẵng; trong đó Bắc Giang và Hà Nội mỗi địa phương 1 ca, Đà Nẵng 19 ca, Quảng Nam 8 ca và Quảng Trị 2 ca. Như vậy, từ 25.7 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 384 ca mắc mới liên quan Đà Nẵng.