TP.HCM tất bật phòng chống dịch
Chiều 9-2, ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV) - đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để kiểm tra công tác thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm nCoV và kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Chưa lây ra cộng đồng tại TP.HCM
Sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá công tác phòng chống dịch nCoV ở TP.HCM tốt. TP rất đông dân, nơi giao thương, đi lại nhiều, khách nước ngoài nhiều nhưng hiện mới chỉ có 3 ca bệnh là người nước ngoài, quốc tịch nước ngoài. Các ca mắc bệnh đều xác định được nguồn lây, bệnh nCoV chưa lây ra ngoài cộng đồng. Trong khi đó, hiện trên thế giới đã có 11 nước có dịch nCoV lây lan ngoài cộng đồng.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, thứ trưởng Bộ Y tế đã nói chuyện qua bộ đàm với ông T.H.K., 73 tuổi, Việt kiều, quốc tịch Hoa Kỳ, trường hợp thứ 3 bị nhiễm nCoV, đang điều trị tại bệnh viện này.
Báo cáo với thứ trưởng, ông Nguyễn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết từ ngày 25-1 đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận 44 bệnh nhân, trong đó có 13 ca không triệu chứng, cách ly theo dõi, 29 ca có triệu chứng, kết quả âm tính, một ca dương tính và một ca chưa có kết quả do mới nhập viện sáng nay.
Về bệnh nhân có kết quả dương tính đang được cách ly theo dõi tại bệnh viện, ông Châu cho biết sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân khỏe, ăn uống sinh hoạt bình thường, hai ngày nay không phải thở oxy, phổi cải thiện gần như bình thường. Tuy nhiên sau 16 ngày có triệu chứng bệnh, kết quả xét nghiệm vẫn dương tính nên bệnh nhân chưa được xuất viện.
Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cũng cho biết ông Li Zing, bệnh nhân người Trung Quốc 66 tuổi, có tiến triển tốt. Ông mới được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả từ Viện Pasteur TP.HCM.
Vợ ông, bà Hu Xiao Lan, có kết quả âm tính với nCoV hiện đang sống cùng con trai (đã xuất viện sau khi được điều trị khỏi) tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn 28 người tiếp xúc với cha con ông Li Zing đều đã trải qua 14 ngày cách ly và hiện đều trong tình trạng khỏe mạnh.
Riêng nữ điều dưỡng, người đã tiếp xúc với cha con ông Li Zing trong 1 phút rưỡi đầu, đã phát hiện ông từ Vũ Hán về và kịp thời kích hoạt hệ thống điều trị dịch nCoV. Nữ điều dưỡng này cũng trải qua 14 ngày cách ly tại nhà và hiện đã quay trở lại làm việc trong tình trạng khỏe mạnh.
Báo cáo với thứ trưởng, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết TP đã thực hiện theo dõi 39 người tiếp xúc với 3 bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị tại TP.HCM. Đến nay, đã có 11 người hết thời gian theo dõi, không ghi nhận trường hợp bệnh trong số người tiếp xúc gần, 18 ca cách ly y tế tập trung và 10 ca cách ly tại nhà.
Tổ chức giám sát, cách ly chặt chẽ
TP.HCM cũng đã tổ chức giám sát và cách ly y tế 2.106 người nhập cảnh, trong đó có 1 người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly quận 6, 2.015 người được cách ly tại nơi cư trú.
ất cả các trường hợp trên đều được giám sát chặt chẽ bởi các đơn vị y tế và chính quyền địa phương, đến nay chưa có trường hợp nào phát hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh. Ông Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết ông rất ấn tượng về công tác phòng chống dịch của TP.
Hệ thống giám sát dịch bệnh của TP hiện rất chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Trong đó, sự phối hợp giữa khối điều trị và dự phòng tại TP.HCM là bài học rất lớn trong công tác phòng chống dịch.
Ngay khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, khối điều trị đã thông báo ngay cho khối y tế dự phòng để cả hai khối vào cuộc ngay cả khi chưa có kết quả. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn TP.HCM chưa có trường hợp nào lây cho thế hệ thứ hai (lây thứ phát từ người sang người).
Theo ông Lân, thời gian tới TP.HCM sẽ có những thách thức trong phòng chống dịch nCoV. Có 50 - 60% du khách đến TP.HCM bằng đường hàng không nên nếu có sự lây lan, TP cần có sự sẵn sàng hơn nữa.
TS Hà Anh Đức - phó chánh văn phòng Bộ Y tế - lưu ý hiện Việt Nam cơ bản có quy định cách ly 14 ngày với những người nhập cảnh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sắp tới TP.HCM phải chú ý đến những người có visa Trung Quốc đến từ các nước thứ ba.
Mặt khác, hiện Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn cho các địa phương có phương án cách ly thủy thủ tàu biển có đi qua Trung Quốc.
Không loại trừ dịch bệnh diễn biến phức tạp
Cùng ngày, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo của TP.HCM về phòng chống dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị: "TP.HCM phải chuẩn bị đủ nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Không loại trừ tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn ra phức tạp".
Ông Sơn đánh giá cao TP.HCM đã tổ chức thực hiện tốt các chỉ đạo từ trung ương, chuẩn bị những tình huống, kịch bản ứng phó để phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khi cần thiết. Theo ông Sơn, dịch bệnh corona chưa từng có phương án, kịch bản đối phó từ trước. Do vậy, TP phải luôn biến đổi kịch bản ứng phó theo từng tình hình dịch.
Cụ thể, ông Sơn đề nghị TP.HCM thành lập các đội phản ứng nhanh. Xây dựng các khu vực cách ly tại các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế. Hạn chế việc phải chuyển bệnh nhân bệnh nhẹ lên bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, TP phải chủ động bố trí nguồn lực nhân lực, thuốc men, vật tư y tế, không để những tình huống thụ động xảy ra (Tuổi trẻ, trang 2).
Căn cứ tình hình thực tế của dịch nCoV để hoàn thiện các kế hoạch, kịch bản ứng phó
Chiều 9-2, Đoàn Công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại TP. Tiếp đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cùng các thành viên Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của TP.
Báo cáo tại buổi làm việc, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 9-2, trên địa bàn TPHCM xác định 3 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 1 trường hợp đã khỏi bệnh, 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 trường hợp này đều diễn tiến tốt.
Các bệnh viện trên địa bàn cũng đã theo dõi 39 trường hợp có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, trong đó trong đó 11 ca đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 10 trường hợp cách ly tại nhà.
Để phòng chống dịch bệnh lây lan, Sở Y tế TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp, trong đó có việc chuẩn bị các khu thu dung cách ly, điều trị tại các bệnh viện tuyến TP và bệnh viện tuyến quận - huyện.
Đặc biệt, sự ra đời của Bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi chính thức hoạt động vào ngày 10-2 là một trong những sự chuẩn bị sẵn sàng của TPHCM khi dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, nhằm giảm tải cho Viện Pasteur TPHCM cũng như đẩy nhanh thời gian xét nghiệm đối với những ca nghi ngờ, trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cho phép phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được thực hiện xét nghiệm về nCoV, bởi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đến nay có đủ năng lực chuyên môn và thực hiện được chính xác xét nghiệm nCoV.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, trước nguy cơ dịch bệnh nCoV lây lan trong cộng đồng, TP đã triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh, trong đó đáng kể nhất là huy động sự tham gia của toàn bộ các sở, ngành liên quan cùng chung tay chống dịch.
Ngay từ ngày 30 tết, UBND TP đã tổ chức họp khẩn sau khi phát hiện 2 ca bệnh dương tính với nCoV. TP đã có những chỉ đạo rốt ráo, chỉ đạo các sở ngành liên quan để thực hiện phương án phòng chống dịch. Mặc dù là địa bàn rộng, mật độ dân cư đông cùng với lưu lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc nhiều nhưng cho đến thời điểm này, TPHCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nCoV, không có ca bệnh phát sinh nội tại trên địa bàn.
"Hiện TP đã yêu cầu các sở, ngành, quận huyện thực hiện phòng chống dịch theo phương châm 5 tại chỗ. Mỗi đơn vị đều phải có một kế hoạch ứng phó riêng tùy tình hình thực tế với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, không để người mắc bệnh tử vong trên địa bàn TP” - ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong công tác phòng chống nCoV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, TP đã có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan như phân luồng điều trị, thực hiện cách ly, giám sát ca nghi nhiễm…
Ngoài 3 trường hợp mắc bệnh từ vùng dịch trở về, đến nay TPHCM chưa phát sinh thêm ca mắc mới nCoV, xứng đáng là một điểm sáng trong phòng chống nCoV.
"Với đặc điểm là một TP có lưu lượng người dân đi lại, du lịch nhiều thì việc mỗi quận, huyện chỉ có 2 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh nCoV vẫn còn hạn chế. TP cần tăng cường thêm lực lượng này để lập nên hàng rào chắn vững chắc ngăn ngừa dịch lây lan", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: "Đối với vấn đề cách ly người có nghi vấn tiếp xúc với người bệnh tại nhà, UBND TP chỉ đạo chính quyền địa phương tham gia, giám sát chặt, nếu người bị yêu cầu tự cách ly không chấp hành cần có biện pháp cưỡng chế ngay. Chúng ta không được chủ quan bởi tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp và có nhiều diễn biến khó lường". "TP cần tăng thêm lực lượng phản ứng nhanh, xây dựng thêm các khu cách ly các ca nghi ngờ tại các bệnh viện quận, huyện; hạn chế đưa người nghi nhiễm lên tuyến trên vừa gây quá tải, vừa tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, chiều cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, qua bộ đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế đã thăm hỏi sức khỏe ông T.H.K. (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) bị nhiễm nCoV đang điều trị tại đây. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Phía sau sự hồi sinh
6 giờ căng thẳng chờ kết quả xét nghiệm, 13 ngày cách ly, 30 bác sĩ - điều dưỡng giỏi “trực chiến”... Đó chỉ là 3 trong vô vàn những con số mà các y bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã thực hiện suốt những ngày qua, để đem lại hy vọng cho bệnh nhân nhiễm nCoV.
Trong buổi tiếp xúc cùng báo giới, không ai nhìn thấy nụ cười sau chiếc khẩu trang của anh Li Zichao (28 tuổi), nhưng mọi người hoàn toàn có thể cảm nhận được niềm vui của anh khi bản thân khỏi bệnh và ông Li Ding (66 tuổi, cha anh) đã tự sinh hoạt, ăn uống bình thường.
Những phản ứng tức thời
Lúc bước chân vào Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, cha con anh Li Zichao chỉ mới là trường hợp nghi ngờ, chưa có chẩn đoán nhiễm nCoV. Lúc đó tại BV, các bác sĩ khi ghi nhận thông tin người cha đến từ Vũ Xương (TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nơi đang là tâm điểm của vùng dịch của nCoV, đã đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu. Cả hai bệnh nhân được đưa vào khu cách ly 2 lớp. Sự chủ động là do quy trình xét nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị đã được Bộ Y tế và BV tập huấn từ trước.
Trở ngại đầu tiên xuất hiện, người cha không hợp tác, người con chỉ đưa cha đi khám, không nghĩ mình cũng mắc bệnh nên không đồng ý cách ly. Các bác sĩ kiên trì thuyết phục.
“Chúng tôi đặt mình vào vị trí của họ - người nước ngoài, đang ở một đất nước xa lạ, bất ngờ phải nhập viện, nghi nhiễm dịch trong thời điểm cận tết và phải sống trong khu vực cách ly nên tâm lý rất hoang mang. Muốn họ an tâm, chúng tôi phải vững tâm lý, từ bác sĩ tiếp nhận ca bệnh, đến điều dưỡng, rồi cả đội ngũ chuẩn bị khu vực cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn. Có lẽ nhờ vậy, họ bớt lo sợ”, bác sĩ CK1 Nguyễn Ngọc Sang, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly đặc biệt ở BV Chợ Rẫy, chia sẻ về những ngày đầu tiên tiếp nhận cha con anh Li Zichao. BV Chợ Rẫy phối hợp ngay với Viện Pasteur TPHCM để kiểm tra ca nghi nhiễm và 6 giờ sau đã có kết quả: Cả 2 đều dương tính với nCoV. “Ngay lập tức, 30 bác sĩ và điều dưỡng giỏi chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước đó của BV đã được tập trung “trực chiến”. Mọi người gần như làm việc xuyên tết, luân phiên nhau để điều trị, chăm sóc kỹ lưỡng 2 ca bệnh đầu tiền tại Việt Nam”, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, nói thêm: “Với trường hợp người cha có nhiều bệnh nền, không thể tự sinh hoạt, phải thở oxy liều cao, chúng tôi nhanh chóng tổ chức hội chẩn gồm chuyên khoa nội tiết, tim mạch, hô hấp…”.
Khen ngợi sự phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy khi thời điểm đó chưa ai biết rằng nCoV đã vào Việt Nam, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, nói: “Khi thông tin dịch còn ở đâu đó thì BV Chợ Rẫy, đặc biệt là kíp trực hôm ấy, đã có những nghi ngờ rất nghiệp vụ.
Về mặt lâm sàng, người con chưa nhất thiết phải nhập viện, nhưng khi nhận thấy các yếu tố nguy cơ, các bác sĩ lập tức vận động anh ở lại BV điều trị. Ngay trong đêm, BV kết nối với Viện Pasteur làm xét nghiệm, nhanh chóng cho ra kết quả dương tính. Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn trong chăm sóc sức khỏe, gồm dịch tễ, xét nghiệm lâm sàng, tư vấn”.
“Chúng tôi cũng sợ!”
Khi thông tin dịch nCoV xuất hiện tại Việt Nam, hầu hết mọi người đều hoang mang, sợ hãi. Đó là điều tất nhiên và nhiều người tránh thật xa người nhiễm hoặc nghi nhiễm đang có các triệu chứng ho sốt. “Chúng tôi là người bình thường, cũng sợ bị bệnh và sợ chết chứ, chẳng qua mình có kiến thức hơn. Nhưng đây là nhiệm vụ của người bác sĩ nên chúng tôi tận tâm chữa trị, TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết.
Ở phòng cách ly đặc biệt, mỗi ngày, các bác sĩ, điều dưỡng vào thăm khám bệnh nhân 6 lần; kèm theo đó là những lần đem thuốc, chuyển đồ ăn. Bác sĩ Ngọc Sang cho biết, hàng ngày, bước vào khu vực cách ly, anh và các đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ nặng gần 2kg gồm: khẩu trang N95, nón trùm đầu, áo choàng, găng tay, bao giày, kính che mặt… Anh chia sẻ: “Các bác sĩ tại khoa đã có nhiều kinh nghiệm về các vụ chống dịch trước đây như dịch SARS, H5N1, H1N1; một số trường hợp theo dõi dịch Zika, Ebola… Về quy trình, chúng tôi thuần thục rồi. Tuy nhiên, dịch nCoV rất mới trên phạm vi toàn thế giới nên khi tiếp xúc bệnh nhân lần đầu, cảm giác lo sợ là có”.
Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm mỗi ngày vào khu vực cách ly 3 lần, mỗi lần khoảng 2,5 giờ để chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh cho 2 bệnh nhân.
“Tôi đã được huấn luyện thường xuyên từ trước, cộng thêm những kinh nghiệm trong các đợt chữa trị một số dịch bệnh nguy hiểm khác nên những công việc này không quá khó khăn. Tuy nhiên, khi về nhà, vì là người kỹ tính, mình vẫn chưa ôm con lần nào, dù rất muốn và thương con”.
“Chúng ta chưa có nhiều thông tin về dịch bệnh rất mới này, cả thế giới cũng vậy. Cho nên, BV dựa vào kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh trước đó. Quan trọng là phải đặt ra cách theo dõi, phác đồ chữa trị như thế nào cho phù hợp. Phác đồ của Bộ Y tế đã đưa ra rồi, mình chọn lựa phác đồ phù hợp với cơ địa từng bệnh nhân, mà trong nghề gọi là “cá thể hóa bệnh nhân”. Chúng tôi còn phải nghĩ đến việc làm sao để tránh lây lan dịch bệnh, ngay từ các nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân…”, TS-BS Lê Quốc Hùng cho hay.
Trong ngày xuất viện, anh Li Zichao cảm kích: “Tôi rất hạnh phúc khi được các bác sĩ Việt Nam điều trị khỏi bệnh. Trân trọng gửi lời cảm ơn tập thể đội ngũ bác sĩ BV trong những ngày qua đã chăm sóc cho tôi và cha tôi. Chúng tôi không chỉ được chăm sóc về mặt thể chất mà còn được chăm lo về tinh thần”.
Anh Li Zichao bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục ở lại BV để chăm sóc cha mình. BV đã thiết kế phòng riêng để mỗi ngày anh có thể theo dõi, nắm thông tin của cha anh; được quan sát sinh hoạt của ông qua màn hình camera kết nối với điện thoại. BV còn bố trí cho 2 cha con mỗi người một chiếc điện thoại để trao đổi.
Phía sau sự hồi phục của 2 cha con anh Li Zichao, là hành trình nỗ lực chữa trị, chăm sóc tận tâm của các y bác sĩ, điều dưỡng BV Chợ Rẫy, khi từng giây, từng phút, phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trên hết, đó là tình người và tài năng của những lương y nơi đây (Sài Gòn giải phóng, trang 6).
Việt Nam trao thiết bị, vật tư, y tế giúp Trung Quốc chống dịch nCoV
Chiều 9.2, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã trao cho Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba số máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Thứ trưởng Tô Anh Dũng bày tỏ: “Số trang thiết bị, vật tư y tế mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, là các trang thiết bị, vật tư y tế tốt nhất mà Việt Nam đang có, trong bối cảnh Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn đối với các trang thiết bị, vật tư y tế để chống lại ảnh hưởng của dịch bệnh. Chúng tôi mong rằng số vật tư này sẽ góp phần động viên và hỗ trợ nhân dân Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Thay mặt phía TQ, Đại sứ Hùng Ba bày tỏ hết sức xúc động, cảm ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự giúp đỡ quý báu trong lúc khó khăn. Đây là sự thể hiện sinh động truyền thống quý báu giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái giữa nhân dân hai nước Việt - Trung (Thanh niên, trang 3).
Ca thứ 14 nhiễm nCoV tại Việt Nam
Ngày 9.2, Bộ Y tế xác nhận thêm 1 trường hợp viêm đường hô hấp cấp có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của nCoV. Bệnh nhân (BN) là bà N.T.Y (55 tuổi, lao động tự do, ở thôn Ái Vân, xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Bà Y. là hàng xóm của chị N.T.D (BN đã được xác định dương tính với nCoV trước đó), đang được cách ly tại phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, H.Bình Xuyên, sk ổn định. Trước đó, ngày 28.1, bà Y. đến nhà chị N.T.D chúc tết (trong khoảng 1 giờ), sau đó có tên trong danh sách người tiếp xúc gần với chị N.T.D và được giám sát. Ngày 4.2, bà Y. sốt, đau đầu, chảy nước mũi. Kết quả xét nghiệm sau đó xác định bà Y. dương tính nCoV.
Khẩn trương cấp phép xét nghiệm nCoV tại BV Bệnh nhiệt đới
Chiều 9.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, kiêm Phó ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh nCoV, dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác tiếp nhận, cách ly, điều trị BN nhiễm nCoV tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM và công tác phòng ngừa dịch tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC).
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết tuần qua Sở đã cử 7 đoàn đi kiểm tra việc tiếp nhận, cách ly BN nhiễm và nghi nhiễm vi rút nCoV của các BV. Hiện TP có 47 BV làm tốt cách ly, nhằm hạn chế chuyển BN qua BV Bệnh nhiệt đới. Ngày 10.2, TP sẽ đưa vào hoạt động BV dã chiến tại H.Củ Chi.
PGS-TS Thượng và PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cùng kiến nghị Bộ Y tế sớm thẩm định, cho phép BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM thực hiện xét nghiệm, khẳng định nCoV nhằm giảm tải cho Viện Pasteur TP, đồng thời hạn chế vận chuyển mẫu bệnh phẩm. Kiến nghị này được Thứ trưởng Sơn đồng ý, yêu cầu BV sớm có đề xuất được xét nghiệm nCoV. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan thẩm định nhanh nhất, vì trong thời gian tới dịch bệnh diễn biến khó lường. Thứ trưởng Sơn cũng thăm hỏi và chúc sức khỏe BN K. (73 tuổi, quốc tịch Mỹ) đang cách ly, điều trị nCoV tại đây. Hiện sức khỏe BN K. đã ổn định.
Lưu ý việc cách ly tại nhà
Chiều cùng ngày, đoàn công tác làm việc với UBND TP.HCM và các đơn vị. GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết hiện TP có 3 ca nhiễm nCoV, trong đó 1 ca đã điều trị khỏi; 27 ca nghi ngờ; cách ly 39 ca, 10 ca cách ly tại nhà khi tiếp xúc với Việt kiều tại Q.3. Ngoài ra, còn có 2.015 ca được cách ly tại nơi cư trú.
TP cũng đã phối hợp thành lập khu cách ly riêng tại SB Tân Sơn Nhất dành cho người Việt từ nước ngoài trở về. Sau đó, với người TP sẽ chuyển về các quận huyện quản lý, người ở tỉnh sẽ đưa về các BV dã chiến trước khi bàn giao các tỉnh. TP cũng đã cho người dân ký cam kết phòng chống nCoV; những trường hợp nào nghi ngờ nhiễm không chịu cách ly thì chính quyền địa phương sẽ có biện pháp mạnh.
PGS-TS Phan Trọng Lân đánh giá việc phòng vệ, chẩn đoán nhanh và quản lý người tiếp xúc với ca bệnh TP.HCM đã làm rất tốt hiện nay. Nhưng tới đây, TP sẽ có thách thức do giao lưu quốc tế nhiều, người từ tâm điểm dịch về nhiều, có nhiều BV tuyến cuối BN cũng sẽ về nhiều, nếu có sự lây lan thì TP cần sẵn sàng cao hơn nữa. Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế đề nghị TP.HCM chú ý người đến từ nước thứ 3 có liên quan đến Trung Quốc; có biện pháp cách ly thủy thủ đoàn đến từ Trung Quốc; chú ý việc cách ly tại nhà, nếu không tổ chức tốt thì vi rút cũng phát tán ra khu dân cư rất lớn.
Về việc học sinh đi học lại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV của TP phải nắm tình hình để tham mưu cho UBND TP khi nào cho phép mở lại trường học và có các điều kiện phòng bệnh cho học sinh đến trường.
“Bộ Y tế hoan nghênh sự quyết liệt của TP trong việc lập BV dã chiến, phân các giới hạn để cách ly, điều trị. TP là điểm sáng trong sự chuẩn bị đối phó với dịch bệnh do nCoV”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, đồng thời đề nghị TP tăng cường nguồn lực để đối phó vì dịch có thể lây lan lớn hơn; cần thêm đội phản ứng nhanh; hạn chế chuyển bệnh nhẹ lên tuyến trên; bố trí nhân lực, vật lực cho phòng chống dịch không để bị động. Ngoài ra cần đảm bảo công tác sản xuất khẩu trang cung cấp cho người dân (Thanh niên, trang 4).
Có cần 'đóng cửa' vùng dịch corona ở Vĩnh Phúc?
Ngày 9-2, Bộ Y tế đã công bố bệnh nhân thứ 14 nhiễm virus corona. Bệnh nhân này là nữ, 55 tuổi, sống tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và là hàng xóm của N.T.D. - nữ bệnh nhân 23 tuổi trong nhóm công nhân 8 người ở Vĩnh Phúc đi tập huấn tại Vũ Hán, Trung Quốc, về nước hôm 17-1.
Có cần cách ly vùng dịch ở Vĩnh Phúc như Trung Quốc đã từng làm ở Vũ Hán, khi ở đây có những ca lây nhiễm khá đặc biệt đã được một số chuyên gia nêu ra?
Điều đáng chú ý là sau khi D. mắc bệnh, đến nay đã ghi nhận cô của D., mẹ đẻ, em ruột và hàng xóm của D. cũng mắc bệnh. Như vậy, biện pháp cách ly tại nơi ở hoặc nơi lưu trú liệu có đảm bảo an toàn, khi virus corona đã lây lan ngoài cộng đồng?
Cần biện pháp mạnh?
Ca bệnh do virus corona thứ 13 đặc biệt bởi bệnh nhân không có biểu hiện bệnh nhưng xét nghiệm vẫn dương tính với virus corona. Người không có biểu hiện bệnh, mắc bệnh, cộng đồng khó có thể nhận biết được để phòng tránh.
Và ca bệnh số 14 khá đặc biệt (là hàng xóm của bệnh nhân D. - người nhiễm bệnh từ Vũ Hán về, thời gian gặp gỡ rất ít, không ở cùng nhà với bệnh nhân đã nhiễm bệnh) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng dịch tại Vĩnh Phúc. Vì có thể trong cộng đồng mà N.T.D. từng ở sẽ có thêm bệnh nhân nhiễm bệnh.
Cụ thể, ngày 28-1, khi bệnh nhân thứ 14 đến chơi, chúc tết, chỉ ở lại nhà D. khoảng 1 giờ và từ đó lây bệnh, trong khi ngày 30-1, D. mới được xác định mắc bệnh. Trong thời gian 2 ngày này, em gái ruột của D. (16 tuổi, đang học lớp 10) vẫn đi học bình thường, có tiếp xúc với các bạn trong lớp, đặc biệt là 6 bạn ngồi gần (hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã cách ly 41 em học sinh có tiếp xúc với em gái D.).
Do lúc đó D. chưa mắc bệnh nên em D. cũng chưa đeo khẩu trang và các bạn khác cũng tương tự. Hiện em và mẹ D. đều đã được xác định mắc bệnh, những người có tiếp xúc gần với em của D. đều trong diện có nguy cơ, hiện những người này chưa qua thời gian cách ly 14 ngày.
Hàng xóm của D. và những người khác trong gia đình cũng tương tự. Thời gian được coi là "khoảng trống" là thời điểm từ tết đến 30-1, khi D. được xác định mắc bệnh; những người đã tiếp xúc là ai, có cần xét nghiệm sớm để khẳng định và từ đó có cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn với khu vực có dịch không?
Rất khó giám sát
Sau ca bệnh thứ 14, đã có ý kiến chuyên môn cho rằng cho đến nay, việc giám sát từng cá nhân có tiếp xúc gần với bệnh nhân là không đủ, vì rất khó lập một danh sách những người từng tiếp xúc gần.
Vì vậy, cần cách ly cả một khu vực địa lý là nơi bệnh nhân N.T.D. từng ở, khu vực đó rộng bao nhiêu phụ thuộc vào những nơi D. đã đi lại trong thời gian từ ngày 17-1 đến khi được cách ly; theo dõi nhiệt độ cơ thể và triệu chứng của tất cả người dân, bao gồm cả những người bị nghi nhiễm. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên tạm dừng toàn bộ các hoạt động tập thể như cưới hỏi, hội làng, liên hoan trong khu vực...
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết bộ đang xem xét những biện pháp chống dịch mạnh hơn tại Vĩnh Phúc, trong đó có biện pháp lau chùi vật dụng và bề mặt khu vực có dịch bằng dung dịch sát khuẩn.
Không tuân thủ cách ly, có thể bị cưỡng chế
Phát biểu ngày 8-2 với bệnh viện, cơ sở y tế các tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết qua đi khảo sát tại các cơ sở cách ly người từ vùng dịch ở Trung Quốc về, ông Sơn nhận thấy khu cách ly sử dụng giường tầng và giường kê rất sát.
"Nếu ông giường trên ho có thể văng xuống giường dưới hoặc giường bên cạnh, nên đảm bảo khoảng cách giữa các giường trong khu cách ly là 2m" - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, trước tình trạng người bị cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú vẫn tiếp xúc với người khác, ông Sơn cho biết quy định hiện nay cho phép cưỡng chế những người bị cách ly nếu vẫn ra khỏi khu cách ly.
Ngày 9-2, Bộ Y tế cho biết tính đến 11h ngày 9-2, tổng số mẫu xét nghiệm người nghi nhiễm virus corona là 759 người, có 14 mẫu dương tính, 745 người âm tính. Bệnh nhân nhiễm virus corona nặng nhất (nam giới 66 tuổi người Trung Quốc) đã có tiến triển bệnh rất tốt (Tuổi trẻ, trang 2).