Kiên định chiến lược, không được chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19
Chiều 9-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, gần bốn tỷ người của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức gần 50% dân số thế giới đang được yêu cầu ở nhà để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Nhiều nước đã thực hiện nhiều biện pháp hết sức mạnh mẽ, quyết liệt, kể cả xử lý hình sự nếu ra đường phố không đúng quy định. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong PCD từ rất sớm. Hiện nay, có tình trạng lây lan một số trong cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, sẽ kiểm soát tốt nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cần chủ động thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn. Thủ tướng yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg; xử phạt nghiêm những ai không thực hiện. Chúng ta biểu dương những người dân, đơn vị tập thể thực hiện nghiêm Chỉ thị và phê phán những cá nhân, tập thể vi phạm. Không được chủ quan đối với dịch Covid-19 như một số nước vấp phải.
Về các giải pháp chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta kiên định đường lối ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả trong từng thời điểm; có thể thay đổi chiến thuật ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định chiến lược. Thực tế chứng minh chúng ta đã đi đúng hướng. Áp dụng đúng thời điểm, tăng dần mức độ, cho nên có thành công ban đầu quan trọng. Về ngăn chặn nguồn xâm nhập bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, đó là tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế không cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh trừ một số trường hợp đã được nêu trong các văn bản trước đây. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay; tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ các trường hợp chở hàng và công tác bảo hộ công dân được phép của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa. Tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam ở các nước không về nước trước ngày 15-4 trừ một số trường hợp đặc biệt. Mọi đối tượng nhập cảnh đều phải cách ly; Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện các chính sách bảo hộ công dân phù hợp hoàn cảnh đất nước. Bộ Y tế mở các kênh tư vấn bảo vệ sức khoẻ cho bà con đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài qua hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đối với cách ly toàn xã hội (CLXH). Các địa phương cần chấn chỉnh thực hiện CLXH với biện pháp mạnh mẽ không “quá tả” trong thực hiện hay “quá hữu” buông xuôi. Bảo đảm huyết mạch hàng hóa lưu thông, kiểm soát chặt chẽ con người. Các lực lượng chức năng và các tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh thông quan hàng hoá, tạo điều kiện cho hàng hoá qua biên giới thuận tiện. Yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện CLXH như không đeo khẩu trang; không đứng cách xa hai mét với người khác, không có việc cần thiết vẫn ra đường... Khi nào giãn CLXH sẽ thông báo sau. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế có nhận định đánh giá tình hình chính xác để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào phiên họp sau. Sau ngày 15-4, chúng ta sẽ quyết định những biện pháp cụ thể sau.
Để chuẩn bị tốt thực hiện cách ly, Thủ tướng đề nghị cần rút ra bài học thành công giai đoạn một, tiếp tục triển khai chặt chẽ, nghiêm theo hướng của Ban Chỉ đạo. Lực lượng quân đội, các địa phương chuẩn bị sẵn các vị trí cách ly, các kịch bản điều hành khu cách ly; huấn thị cho các lực lượng làm nhiệm vụ này trên địa bàn để không bị động trong thực hiện. Bộ Y tế có hướng dẫn cách ly cho các nhóm đối tượng khác nhau phù hợp. Việc phát hiện sớm khoanh vùng, dập dịch là yêu cầu cấp bách; việc tự khai báo trung thực về y tế của cá nhân liên quan là vấn đề cần đặt ra. Các cấp đặc biệt là ngành y tế cần tiếp tục phát hiện các ca bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm bảo đảm các tỉnh, thành phố phải thực hiện xét nghiệm theo phương châm “bốn tại chỗ”. Rút kinh nghiệm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần thay đổi chiến lược xét nghiệm cho phù hợp, coi các ca bệnh đều là ca nguyên phát trong cộng đồng. Không chủ quan trong phán đoán mà cần hành động ngay để khoanh vùng, dập dịch. Bộ Y tế có quy trình chặt chẽ, kịp thời về vấn đề này,
Về tập trung điều trị, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phổ biến, ứng dụng các phác đồ điều trị mới nhất, tốt nhất; tập trung huấn luyện chuyên môn, tập huấn sử dụng máy thở cho các tuyến, bảo đảm đầy đủ thuốc men khi dịch xảy ra trên diện rộng. Trước mắt, Bộ Y tế tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc điều trị Covid-19; có cơ số nhập khẩu thuốc nguyên liệu chuyên sâu cần thiết phục vụ công tác điều trị. Tiếp tục thực hiện phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế; chú trọng phòng ngừa lây nhiễm cho các nhân viên y tế để bảo toàn lực lượng y tế trong tương lai phục vụ chống dịch. Bộ Y tế hướng dẫn cách ly với nhân viên y tế nếu dịch xảy ra quy mô lớn hơn để bảo đảm có đủ nhân viên y tế làm việc.
Tập trung phát triển mạnh trang thiết bị, dụng cụ y tế. Đây là thời cơ cũng là thách thức đối với các ngành sản xuất trang thiết bị y tế; chỉ đạo sản xuất máy thở chủ động hơn. Hy vọng chúng ta sẽ có ngành công nghiệp sản xuất máy thở. Việt Nam đã tự sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, giúp chủ động trong xét nghiệm và điều trị, đó cũng là cơ hội xuất khẩu sinh phẩm xét nghiệm. Khi đứt chuỗi cung ứng toàn cầu thì chủ động nguồn cung là giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất. Các ngành y tế, công thương và các ngành khác coi đây là thời cơ để tập trung chỉ đạo hơn nữa. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong PCD. Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, sinh phẩm chẩn đoán, các trang thiết bị y tế khác, nghiên cứu trong điều trị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các nhà khoa học đã hết sức nhạy bén, nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin công khai, minh bạch về các giải pháp PCD Covid-19 để người dân yên tâm; tuyên truyền đúng mức, không lạc quan quá, không gây hoang mang; chống dịch là chính chứ không để phải “chống giặc cả trên mạng”. Tập trung tuyên truyền tập trung vào các nhóm đối tượng: y bác sĩ; công an; quân đội, kể cả bộ đội biên phòng; những tấm lòng nhân ái. Khi khó khăn, nhân dân đồng tâm hiệp lực. Đó là phẩm chất quý giá, tuyệt vời của dân tộc ta. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Điều này có vai trò quan trọng của nền kinh tế số. Đây cũng là thời cơ phát triển cách mạng công nghệ 4.0 ở Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cần đẩy mạnh phát triển các ứng dụng tiện ích cho người dân, ứng dụng CNTT trong PCD. Thủ tướng biểu đương những lực lượng làm công tác CNTT chung tay với lực lượng PCD; biểu dương các nhà mạng đã có chính sách hỗ trợ người dân trong PCD.
Về việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài PCD, Thủ tướng đề nghị vận động bà con yên tâm ở lại nước sở tại. Chính phủ sẽ xem xét tổ chức các chuyến bay thương mại sau ngày 15-4 để đưa công dân Việt Nam có nhu cầu về nước, trong đó ưu tiên đối tượng học sinh, sinh viên dưới 18 tuổi, người lớn tuổi, người đi chữa bệnh đã hết hạn phải về nước, người thăm thân, du lịch bị mắc kẹt, kết hợp chở vật tư y tế hỗ trợ cộng đồng. Bộ Ngoại giao chủ trì cùng với các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Quốc phòng, Công an phối hợp chọn lọc, đưa ra tiêu chí chọn đối tượng về nước; trong đó trước hết xử lý một số khu vực bức xúc hiện nay như Anh, Nhật Bản, Singapore... Đối với một vài điểm khác, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đưa ra tiêu chí cụ thể để đề xuất các cơ quan trên. Tất cả mọi đối tượng về đều phải cách ly chặt chẽ, không để lây lan dịch bệnh từ nguồn này.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cho biết, về triển khai khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp chuyển đổi số đang gấp rút hoàn hiện giải pháp và triển khai thử nghiệm nền tảng dùng chung trên nền công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn… nhằm kết nối toàn diện các cơ sở khám chữa bệnh với người dân trên phạm vi toàn quốc phục vụ khám chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng quản lý, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trước 16-4, sau đó mở rộng triển khai toàn quốc từ ngày 18-4. Về nghiên cứu khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đã thúc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học trong phòng, chống dịch Covid-19; các nghiên cứu theo các hướng chính: dịch tễ học và sinh học phân tử; Dự phòng và điều trị dự phòng; các phác đồ điều trị; sản xuất sinh phẩm chẩn đoán.
Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của giãn cách xã hội để người dân hiểu đúng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg và chủ đề “Ở nhà vẫn vui”; lên án các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch, vi phạm trật tự an toàn xã hội trong lúc cả nước đang chống dịch; về những hoạt động và sự nỗ lực của cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ tổ chức cách ly cho người dân; tuyên truyền về kết quả điều trị khỏi các bệnh nhân Covid-19.
* Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cho biết, về triển khai khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp chuyển đổi số đang gấp rút hoàn hiện giải pháp và triển khai thử nghiệm nền tảng dùng chung trên nền công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn… nhằm kết nối toàn diện các cơ sở khám, chữa bệnh với người dân trên phạm vi toàn quốc, phục vụ khám, chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng quản lý, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng; dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trước ngày 16-4, sau đó mở rộng triển khai toàn quốc từ ngày 18-4. (Nhân dân, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19, bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người dân”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Chính phủ sẽ có những biện pháp phòng, chống dịch tiếp theo sau 15-4”; Lao động, trang 2: “Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19”.
Những trái tim hồng
Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, nhiều nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh đã và đang có những đóng góp tích cực để cùng với xã hội chung tay phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Khi một người dân ở chung cư Hòa Bình, phường 14, quận 10 nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, chung cư này nhanh chóng được phong tỏa. Ngoài việc phun thuốc diệt khuẩn, khoanh vùng dịch và xét nghiệm những cư dân sống tại chung cư Hòa Bình, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể của quận 10 đã nhanh chóng vào cuộc, vận động các nhà hảo tâm góp sức chăm lo cuộc sống cho gần 1.000 người bị cách ly.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận 10 Trần Thanh Ngọc cho biết, ngay trong ngày đầu cách ly chung cư Hòa Bình, MTTQ quận đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều người, trong đó nghệ sĩ Việt Hương và ca sĩ Minh Tuyết đã ủng hộ nước diệt khuẩn. Khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, nghệ sĩ Việt Hương tiếp tục ủng hộ hàng trăm ký gạo cho những người nghèo bị mất việc trong thời gian 15 ngày cách ly.
Trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, gia đình NSND Lý Huỳnh đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tặng máy thở trị giá 500 triệu đồng. Diễn viên Lý Hùng, con trai NSND Lý Huỳnh chia sẻ, khi nghe tin số trường hợp nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng lên nhiều, gia đình anh đã quyết định mua máy thở hỗ trợ công tác phòng, chống dịch gửi đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình anh mong muốn những nhà hảo tâm ai có ít thì ủng hộ ít, có nhiều thì ủng hộ nhiều. Việc hỗ trợ sẽ tạo điều kiện giúp các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và đội ngũ y sĩ, bác sĩ cả nước nói chung cứu chữa nhiều bệnh nhân. "Dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua được đại dịch", diễn viên Lý Hùng tin tưởng.
Máy thở là một trong những trang thiết bị cần thiết trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nặng nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Chiếc máy thở do gia đình NSND Lý Huỳnh trao tặng đã được bàn giao cho Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy để phục vụ công tác khám và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid- 19 (nếu có). Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Ðây là món quà không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn góp phần khích lệ không nhỏ
cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ trong quá trình điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong lúc cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch thì những nghĩa cử cao đẹp nói trên sẽ góp phần không nhỏ để toàn dân ta chiến thắng đại dịch này"...
Ngoài đóng góp bằng vật chất, nhiều nghệ sĩ thành phố đã mang lời ca, tiếng hát của mình để động viên những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm đối mặt với dịch bệnh. Ca khúc Bao la những trái tim hồng của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng là món quà đặc biệt như vậy. Những năm gần đây, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng luôn có mặt ở những chuyến đi về nguồn của thành phố. Không chỉ trình bày ca khúc, anh còn sáng tác những bài hát truyền cảm hứng đến với cộng đồng. Với ca khúc Bao la những trái tim hồng, ban đầu ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chỉ định "hát chơi" trong phòng thu. Nhưng khi nhận được nhiều hiệu ứng tích cực từ đồng nghiệp, khán giả, anh có ý tưởng kết nối mọi người cùng thực hiện ca khúc. Anh mời nhiều nghệ sĩ tham gia và đến sáng 14-3, bắt đầu thực hiện ghi hình ca khúc. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Quế Trân, diễn viên Quý Bình, MC Quỳnh Hoa, các ca sĩ Lưu Hiền Trinh, Ðăng Nguyên, Vy Oanh, Nam Cường, Dương Quốc Hưng, Tùng Lâm, nhóm Mắt Ngọc... đã nhiệt tình tham gia.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ: "Ca khúc Bao la những trái tim hồng là món quà tôi muốn dành tặng những người thầy thuốc nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, cũng là lời ngợi ca những y, bác sĩ Việt Nam. Hy vọng ca khúc này có thể tiếp thêm tinh thần cho các y, bác sĩ, đó là những gì tôi nghĩ mình có thể làm được với vai trò một nghệ sĩ, cũng là một công dân".
"...Thế giới mênh mông, không bao la bằng những trái tim hồng". Ðó cũng là thông điệp nhân ái mà các nghệ sĩ thành phố muốn gửi tặng những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chống dịch... (Nhân dân, trang TPHCM).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 12: “Tặng 1.500 chai gel rửa tay cho lực lượng tuyến đầu”; Tiền phong, trang 13: “Vinamilk ủng hộ gần 15 tỷ đồng để tiếp sức cho các đơn vị tuyến đầu trên cả nước chống dịch COVID-19”; Hà Nội mới, trang 5: “Giải chạy marathon trực tuyến cổ vũ bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19”; Hà Nội mới, trang 7: “Thêm nhiều hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Hơn 800 tỷ đồng ủng hộ chống dịch”.
Nhọc nhằn nơi tuyến đầu chống dịch
Nuốt vội chiếc bánh mì cho bữa trưa, gần 12 giờ 30 phút, các cán bộ, nhân viên Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) vẫn đang bộn bề công việc để chuẩn bị đưa gần 100 người dân trên địa bàn đến làm test nhanh tại Trạm xét nghiệm dã chiến trên phố Trần Ðại Nghĩa. Ðó chỉ là một lát cắt trong bộn bề công việc của hầu hết cán bộ, nhân viên y tế cơ sở thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành.
Những ngày này, điện thoại di động là vật bất ly thân với cán bộ, nhân viên y tế cơ sở. Ðiện thoại luôn phải để chế độ chuông, điện thoại reo ban đêm là chuyện thường, một cuộc gọi không trả lời sẽ bị cấp trên nhắc nhở ngay. Trong đó, toàn bộ cán bộ, nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật và Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng) luôn phải trong tư thế sẵn sàng lên đường khi Trưởng khoa điều động. Bất kể vào đêm khuya hay sáng sớm, hễ nhận được tin báo có trường hợp nguy cơ dương tính với Covid-19 trên địa bàn, Trung tâm đều phát ngay "báo động đỏ", lực lượng lập tức đi xác minh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn, phối hợp Cấp cứu 115 đưa bệnh nhân đến bệnh viện cách ly, khẩn trương điều tra xem người này đã tiếp xúc với những ai, hướng dẫn F1 cách phòng hộ, hỗ trợ y tế phường hướng dẫn F2 cách ly tại nhà; hướng dẫn F3 thậm chí đến F4 theo dõi sức khỏe…
Từ Tết Nguyên đán đến nay, tất cả 13 cán bộ, nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật và Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh không có ngày nghỉ, phải chia ca trực 24/24 giờ. Một người mắc bệnh là phải điều tra hàng trăm trường hợp liên quan, rồi thông tin phản hồi từ địa bàn… Như với bệnh nhân là điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai gần đây, riêng tại quận Hai Bà Trưng, đến ngày 25-3 đã điều tra được 29 người thuộc diện F1, 63 người thuộc diện F2, 25 người thuộc diện F3, và còn tiếp tục điều tra… "Gần ba tháng qua, chúng tôi lấy cơ quan là nhà, phải cách ly hoàn toàn với gia đình, tôi gửi hai con nhỏ về ông bà nội; những lúc nhớ quá, tôi chỉ biết tâm sự với chồng, con qua điện thoại…" - với dáng người nhỏ thó, đôi mắt trũng sâu, chị Nguyễn Thị Bình - cán bộ Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, người chuyên tiếp xúc gần bệnh nhân nhất để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, kể về cuộc sống trong "mùa dịch". Hằng ngày, khi có thông tin liên quan đến F0 là đội lập tức lên đường, trong đó chị Bình trực tiếp lấy dịch ở mũi, họng bệnh nhân để chuyển đi xét nghiệm. "Sau mỗi lần ấy, tôi đều phải khử khuẩn cả người. Có ngày nhận tin có F0, đội đi ba ca liền, tôi phải lấy mẫu hơn chục trường hợp, tương ứng hơn chục lần khử khuẩn người và thay toàn bộ trang phục bảo hộ. Nhiều trang phục như mặt nạ mika không được cấp, chúng tôi phải mua đồ về tự may" - chị Bình cho biết. Dù rất mệt mỏi, lại chịu nguy cơ bị lây nhiễm bệnh tật rất lớn cho mình và người thân, nhưng chị Bình vẫn xác định là bác sĩ tuyến đầu chống dịch, cho nên luôn cố gắng hết sức.
Với những cán bộ, nhân viên trạm y tế ở những phường đông dân, địa bàn rộng trong thời điểm chống dịch cũng vất vả không kém. Vĩnh Tuy là phường có diện tích rộng, số dân lớn nhất quận Hai Bà Trưng (hơn 50 nghìn người), số trường hợp liên quan bệnh nhân Covid-19 cần điều tra, cũng như cường độ làm việc của cán bộ, nhân viên y tế của phường lớn gấp mấy lần phường khác. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trần Minh Vân, đến ngày 3-4 trên địa bàn đã điều tra 183 trường hợp từ vùng dịch về, 370 trường hợp liên quan bệnh nhân... Trạm Y tế phường có chín cán bộ, nhân viên, phải chia nhau phụ trách 42 tổ dân phố, 23 địa bàn dân cư và cùng phối hợp trong công việc. Hơn nữa, phường có rất nhiều chung cư cao tầng như Times City, Udic, Hòa Bình Green City…, cho nên mỗi người phải quản lý rất nhiều địa bàn, trong đó có những cán bộ quản lý địa bàn rộng tương đương một phường khác. Áp lực công việc vô cùng lớn, từ đầu mùa dịch đến nay phải chia ca trực; nửa đêm gà gáy nhận được tin báo có trường hợp nghi nhiễm, trường hợp F1 thì cán bộ trong ca trực cũng phải lập tức có mặt, cho xe chở trường hợp đi bệnh viện cách ly ngay.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Vân Anh, Trung tâm và các trạm y tế phường phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ liên quan công tác phòng bệnh, nhưng khi có dịch bệnh thì áp lực càng lớn, không chỉ do thiếu lực lượng mà còn bởi nhận thức từ cộng đồng. Ngoài áp lực từ một số cư dân luôn có những đòi hỏi vô lý, cán bộ nhân viên y tế còn chịu áp lực lớn bởi có những người không tuân thủ cách ly tại nhà, vẫn ra ngoài la cà, khiến những hộ chung quanh phản ứng. Không ít người lại quá sợ sệt, bất kể động thái nhỏ hay lúc đêm hôm đều gọi đến số điện thoại "hotline".
Điều mà bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh nói riêng, đội ngũ thầy thuốc nói chung mong muốn hiện nay là người dân khi bị nghi nhiễm Covid-19 cần nghiêm túc thực hiện cách ly, giúp bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cộng đồng; nếu không tuân thủ việc này thì rất khó cho phòng, chống dịch, không chỉ gây vất vả cho cán bộ y tế mà cho cả cộng đồng. "Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng nhiều người rất chủ quan. Chính quyền cần có chế tài xử lý nghiêm khắc người vi phạm. Tôi cũng mong chỉ đạo về đóng cửa quán bia, game, ka-ra-ô-kê, cà-phê… được chấp hành nghiêm" - bác sĩ Vân Anh nói. Với chị Nguyễn Thị Bình, mong ước lớn nhất bây giờ cũng là người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch hơn, và nhân viên trực tiếp tiếp xúc bệnh nhân được cấp đủ trang phục bảo hộ. Bởi gần đây đã có tình trạng lây nhiễm chéo trong cán bộ, nhân viên y tế, nhất là đội xét nghiệm chịu nguy cơ rất cao, bởi tiếp xúc trực tiếp người bệnh; dù có đồ bảo hộ, nhưng vẫn rất khó tránh bị lây, khi mật độ ca bệnh ngày càng lớn. (Nhân dân, trang Hà Nội).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 8: “Nghẹn ngào lời hứa với con gái mới sinh: “Hết dịch ba về nhé!””; Tuổi trẻ, trang 10: “Người trẻ nơi tuyến đầu”.
Xử nghiêm tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh
Hội đồng Thẩm phán TAND (HÐTP) tối cao mới đây gửi công văn hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19 được đông đảo dư luận xã hội rất quan tâm.
Xử lý những trường hợp vi phạm về cách ly
HÐTP ra văn bản hướng dẫn trong thời điểm này rất kịp thời, bên cạnh các biện pháp thông báo, cảnh báo phòng ngừa, những nội dung áp dụng pháp luật thể hiện sự răn đe, nghiêm minh của pháp luật (đặc biệt là Bộ luật Hình sự - BLHS) đối với những hành vi vi phạm gây nguy hại cho xã hội tùy mức độ khác nhau. Dư luận xã hội cho rằng văn bản hướng dẫn sẽ sớm đi vào cuộc sống, giúp tháo gỡ những khó khăn trong xét xử đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh, đầu cơ, trốn khỏi nơi cách ly, đưa thông tin sai lệch gây rối loạn xã hội, tích trữ đầu cơ một số mặt hàng thiết yếu,... Vừa qua, tại nhiều tỉnh, thành phố phát sinh các tình huống, vụ, việc vi phạm cụ thể đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cách ly tập trung, cố ý không chấp hành, đối tượng khai báo quanh co, che giấu thông tin gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, thời gian đầu chống dịch, chúng ta chưa xử lý hình sự đối tượng nào. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm một bệnh nhân nhiễm Covid-19 không khai báo trung thực, không thực hiện các quy định trong phòng dịch. Theo quy định của pháp luật, nếu người nào biết mình có bệnh, nhiễm bệnh mà cố tình trốn tránh không khai báo, không tuân thủ nguyên tắc quy định về phòng, chống dịch bệnh thì có thể bị xử lý theo quy định của BLHS.
Với một số hành vi vi phạm pháp luật, HÐTP hướng dẫn xác định cụ thể tội danh theo quy định của BLHS. Người biết mình mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh, người trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly có một trong các hành vi gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Ðiều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, gồm: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Với người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi nêu trên gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí PCDB thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Ðiều 295 BLHS.
Mạnh tay, đủ sức răn đe
Rõ ràng, văn bản của HÐTP làm cơ sở cho các cơ quan tố tụng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng PCDB Covid-19. Ðối với các cấp tòa án, nội dung hướng dẫn đề cập những loại tội phạm mới như hành vi đưa thông tin sai sự thật, xâm phạm đời tư, nhân phẩm, uy tín có thể bị xử lý về tội làm nhục hoặc vu khống... hoặc những hành vi về đầu cơ, tích trữ, buôn lậu các phương tiện, dụng cụ y tế nhằm mục đích xuất đi nước ngoài, không khai báo, hoặc đầu cơ, tích trữ mục đích bán lấy lợi thì có thể sẽ bị xử lý hình sự. Ðây sẽ là cơ sở để tòa án xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Cụ thể, nội dung hướng dẫn nêu người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình PCDB Covid-19 thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Ðiều 288 BLHS. Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia PCDB Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Ðiều 155. Ðối với những trường hợp cố tình đưa các thông tin sai sự thật hay thông tin xuyên tạc về tình hình PCDB Covid-19, vừa qua, tại nhiều địa phương, cơ quan công an, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã xử lý hành chính đối với nhiều trường hợp.
Tại nhiều địa phương, xuất hiện các vụ việc người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc cản trở người thi hành công vụ trong PCDB Covid-19. Các đối tượng này sẽ bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Ðiều 330. Mặt khác, người có trách nhiệm trong PCDB Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp PCDB theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Ðiều 360 BLHS.
Trong văn bản nêu trên, HÐTP hướng dẫn áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ hai người trở lên, làm chết người...). Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh). Ngoài hình phạt chính, tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của BLHS.
Về hướng dẫn tổ chức xét xử đối với vụ án liên quan PCDB Covid-19, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, các tòa án chủ động phối hợp cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Ðiều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự; đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá một phần hai thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. (Nhân dân, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 3: “Xử lý nghiêm không cách ly xã hội”; Tiền phong, trang 11: “Khởi tố đối tượng tự ý “thông chốt” kiểm soát dịch”; Hà Nội mới, trang 6 : “Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 2.482 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng”.
Những 'y sĩ' xe ôm
Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc với bảy thành viên, từ 50 đến 60 tuổi nhưng luôn sẵn sàng mọi lúc mọi nơi, có mặt tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn quận Liên Chiểu (TP Ðà Nẵng) để sơ cứu, cấp cứu cho người bị nạn, với mong muốn cứu giúp người qua cơn nguy kịch ban đầu.
Năm 2006, xuất phát từ dự án "Chương trình kiểm soát thương tích", Hội Chữ thập đỏ TP Ðà Nẵng đã thành lập đội "Xe ôm an toàn" tại các phường của thành phố. Ðội ngũ những người hành nghề xe ôm khi tham gia chương trình đều được trang bị túi y tế, tập huấn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, băng bó vết thương để giảm những ảnh hưởng đáng tiếc trước khi đưa người bị nạn đến bệnh viện. Ðến năm 2009, mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng Ðội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) vẫn duy trì hoạt động với bảy thành viên và ba điểm sơ cứu, cấp cứu ở ngã ba cầu Nam Ô, khu vực đèo Hải Vân và ngã ba đường rẽ lên hầm Hải Vân. Ðây là những vị trí dễ xảy ra tai nạn giao thông do lượng xe lưu thông lớn, đường nhiều khúc cua nguy hiểm. Tại các điểm này, luôn để sẵn số điện thoại của hai người đội trưởng và đội phó. Với túi cứu thương luôn sẵn trên xe, chỉ cần có việc người dân gọi thì các thành viên đội "Xe ôm an toàn" sẵn sàng đến.
Ông Ðặng Thanh Kinh (SN 1957), đội trưởng "Xe ôm an toàn" phường Hòa Hiệp Bắc đón chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4, cũng chính là điểm sơ cứu, cấp cứu khu vực rẽ qua hầm Hải Vân. Dáng người rắn rỏi, tiếng nói vang, dứt khoát đầy hài hước, ông kể lại cho tôi nghe một vài vụ việc đã được cả đội tham gia hỗ trợ. Nhớ có năm, trên quốc lộ 1A đoạn phía nam hầm đường bộ Hải Vân, ngay tại vị trí bùng binh, một xe ô-tô vừa ra khỏi hầm thì bị mất thắng (phanh), tông liên hoàn vào chín xe máy đang lưu thông trên đường. Nhận được điện thoại, cả đội đã đến và phối hợp sơ cứu, cấp cứu ban đầu cùng với lực lượng của bệnh viện giúp người bị thương nhanh chóng đến các bệnh viện điều trị. Trường hợp mà nhiều người trong đội gặp nhất là những vụ va chạm do nạn nhân đã uống bia, rượu cho nên không làm chủ được tay lái. Họ gây khó dễ, không hợp tác và không muốn được hỗ trợ, thậm chí còn hành hung những người giúp mình. Tuy nhiên, mọi người vẫn nhẹ nhàng khuyên nhủ và tìm mọi cách để có thể sơ cứu ban đầu cho người bị nạn.
Các thành viên trong đội đã không thể nhớ hết những lần hỗ trợ người bị nạn trong gần 15 năm qua. Dù cuộc sống của các tình nguyện viên còn nhiều vất vả, hằng ngày chạy xe để mưu sinh nhưng hễ thấy người gặp nạn là họ gác công việc lại để giúp đỡ không kể thời gian ngày hay đêm. Thậm chí, nhiều lần sơ cứu xong, ông Kinh còn chở luôn người bị thương đến bệnh viện. Ông Kinh chia sẻ: "Khi giúp đỡ ai và được tin tưởng, chúng tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Không ai có thể làm lơ trước hoàn cảnh khó khăn của người khác được, vì vậy cả đội vẫn sẽ duy trì hoạt động sơ cứu, cấp cứu của mình lâu nhất có thể".
Bản thân ông Kinh và đội "Xe ôm an toàn" nhận được nhiều giấy khen từ các đơn vị có thành tích trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, phong trào "người tốt việc tốt" và trong hoạt động nhân đạo. Vui hơn, điểm sơ cứu, cấp cứu của đội "Xe ôm an toàn" phường Hòa Hiệp Bắc đã trở thành một trong 22 điểm sơ cứu, cấp cứu Hội Chữ thập đỏ TP Ðà Nẵng được Sở Y tế thành phố cấp giấy phép hoạt động 24 giờ/ngày cho các thành viên trong đội về công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu cứu người khi có tai nạn xảy ra. (Nhân dân, trang 8).
Nỗ lực điều trị từng bệnh nhân Covid-19
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là chủng hoàn toàn mới, chúng ta có phác đồ, nhưng chưa có phác đồ điều trị chuẩn, đặc biệt không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên phải điều trị triệu chứng.
Chưa có phác đồ điều trị chuẩn, không có thuốc điều trị đặc hiệu, vừa điều trị vừa rút kinh nghiệm... nhưng những nỗ lực của các y bác sĩ đã mang lại kết quả đáng ghi nhận khi đến nay hơn 50% số bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã được điều trị khỏi, không có ca bệnh tử vong.
Cụ thể, đến cuối ngày 9.4, có 255 bệnh nhân (BN) Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, trong đó 128 ca đã được công bố khỏi bệnh. Trong số BN đang điều trị, 17 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19); 16 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.
Liên tục cập nhật phương pháp mới
Nói về việc điều trị BN Covid-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trưởng ban điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho hay vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là chủng hoàn toàn mới, chúng ta đã có phác đồ, nhưng chưa có phác đồ điều trị chuẩn và đặc biệt không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên phải điều trị triệu chứng. Đây cũng là khó khăn chung của các quốc gia trước bệnh dịch Covid-19. Trong thực tế, Việt Nam đang phải vừa điều trị vừa rút kinh nghiệm và cập nhật phác đồ để việc điều trị hiệu quả hơn. Hiện nay, ta đã bắt đầu thử nghiệm phương pháp điều trị truyền huyết tương chứa kháng thể của BN đã khỏi cho BN Covid-19 nặng, giúp chống lại vi rút.
Phương pháp này Trung Quốc đã áp dụng, Việt Nam cập nhật và giao cho Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, nơi điều trị BN Covid-19, thực hiện; Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư là đơn vị tách huyết tương ra khỏi các thành phần máu, tinh khiết và bảo quản.
Trước lo ngại về nguy cơ tái nhiễm trên ca bệnh đã được công bố khỏi, ông Khuê chia sẻ: “Các BN này vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe 14 ngày, vẫn được làm xét nghiệm lại. Đến hiện tại, chúng ta chưa ghi nhận ca bệnh tái nhiễm. Đây là vấn đề còn rất mới mẻ với tất cả các nước và đang được nghiên cứu. Tại Việt Nam, do mới có các BN khỏi bệnh trong 2 tháng qua nên cần có thêm thời gian để khẳng định về nguy cơ tái nhiễm”.
Phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân
Theo ông Khuê, qua giám sát dịch tễ và xét nghiệm, trong nước đã ghi nhận các BN Covid-19 không có triệu chứng bệnh, khiến nhiều người lầm tưởng vi rút gây bệnh nhẹ. Tại các cơ sở tiếp nhận điều trị, đã có các BN biểu hiện viêm đường hô hấp, viêm phổi, một số có biểu hiện nặng (suy hô hấp) và rất nặng, đến mức phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Có 4 ca bệnh đang ở tình trạng “rất nặng”.
“Dù ca bệnh Covid-19 có diễn biến nặng và rất nặng không phải là đa số, nhưng không thể chủ quan nói bệnh nhẹ hay nặng. Vì vi rút này có thể bùng lên, tấn công rất mạnh, mặc dù BN khi khởi phát không có biểu hiện đặc biệt. Chính vì vậy, quá trình điều trị đã đòi hỏi các bác sĩ rất sát sao theo dõi diến biến, phác đồ điều trị phù hợp với từng người”, ông Khuê nói và cho biết thêm, ngay với trường hợp vẫn được xem là có sức khỏe tốt (như BN thứ 91 - là phi công), hôm đầu còn khỏe nhưng sau đó viêm phổi, phải thở máy, can thiệp ECMO. Do đó, không thể chủ quan.
“Khi vi rút phát triển, nhân rộng, tấn công vào phổi thì gây bệnh rất nặng. Mọi BN đều được điều trị tích cực và cơ thể có kháng thể tốt thì bệnh sẽ lui sớm hơn. Nhưng qua thực tế điều trị, không cho phép chúng ta nói trước ai sẽ nặng hay ai sẽ nhẹ”, ông Khuê lưu ý, đồng thời nhấn mạnh: “Chỉ một con vi rút thôi cũng có thể gây bệnh, và diễn biến bệnh thì không thể nói trước được. Khởi đầu có thể nhẹ nhưng hoàn toàn có thể gây bệnh và gây biến chứng nặng. Nó phụ thuộc vào từng thể trạng, có thể đang ổn định nhưng sau đó bệnh sẵn sàng bùng lên”.
Huy động đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu
Để chủ động trong công tác điều trị ca bệnh nặng và đảm bảo BN Covid-19 dù ở cơ sở y tế nào cũng được các chuyên gia giỏi điều trị, Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị BN Covid-19 đặt tại Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã được thành lập từ đầu tháng 3 vừa qua, ngay từ khi trong nước xuất hiện các ca bệnh đầu tiên. 11 đội phản ứng nhanh hỗ trợ tuyến dưới cũng đã được thiết lập tại các BV tuyến cuối.
Ông Khuê cho hay liên tục các tuần gần đây, các thành viên của hội đồng là chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hồi sức tích cực, hô hấp đã hội chẩn các BN nặng. Trong đó có các ca phải thở máy được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) là BN số 20 (60 tuổi) và BN 161 (88 tuổi) từ BV Bạch Mai chuyển sang. Hay trường hợp BN 91, là phi công người Anh, tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Các chuyên gia của tổ hội chẩn đã đánh giá tình trạng tổn thương phổi của các BN nặng, tình trạng xuất huyết não (của BN 181), các chỉ số sinh tồn khác, đồng thời thống nhất trong hướng chẩn đoán, điều trị, sử dụng thuốc và xét nghiệm trong quá trình điều trị. Đánh giá diễn biến bệnh với ca bệnh rất nặng, dù là người Việt Nam hay nước ngoài được dành các điều kiện tốt nhất. Những ngày gần đây, có BN người nước ngoài rất nặng, nhưng tất cả đều thống nhất điều trị cho BN này trên tinh thần “còn nước còn tát”.
Còn theo Bộ Y tế, với 4 phương châm tại chỗ: cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, việc kết nối giữa chuyên gia, BV tuyến cuối với các BV tuyến dưới giúp chuyển tải nhanh chóng các chỉ đạo điều hành, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn từ các lãnh đạo, chuyên gia tới những bác sĩ ở tuyến đầu đang trực tiếp điều trị người bệnh.
Việc áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch. Đảm bảo nguồn nhân lực giỏi tiếp cận đến các cơ sở điều trị BN Covid-19 cần hỗ trợ chuyên môn.
Sẵn sàng với các kịch bản cao hơn
Để giành thế “chủ động” trong cuộc chiến với Covid-19, nhiều tỉnh thành đã lập ra những kế hoạch chi tiết, từ chữa trị cho đến phương án cách ly tập trung. Tại TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh vừa trình UBND TP kế hoạch tổng thể về điều trị, ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19 trong tình huống TP xuất hiện từ 50 - 500 BN Covid-19 và tương ứng có 740 - 3.200 trường hợp nghi ngờ; nhằm chủ động nguồn lực đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị tất cả BN.
Tại Hà Nội, với các cơ sở sẵn có và việc xây dựng Bệnh viện dã chiến Mê Linh, TP có thể điều trị khoảng 1.000 BN Covid-19 cùng lúc; đồng thời sẵn sàng điều trị 2.000 - 3.000 BN. Còn tại Đà Nẵng, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Út cho biết TP đã xây dựng kịch bản chống dịch ở cấp độ 4, với 740 ca nhiễm. (Thanh niên, trang 1).
Thủ tướngNguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì 2 hội nghị cấp cao khu vực về ứng phó với Covid-19
Chiều 9.4, Bộ Ngoại giao cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 được tổ chức vào ngày 14.4 theo hình thức trực tuyến, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Tại buổi họp báo quốc tế về 2 hội nghị cấp cao này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, thế giới và khu vực đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, chưa từng có, do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Toàn thế giới ghi nhận hàng triệu ca lây nhiễm, hàng chục ngàn người đã mất đi sinh mạng do dịch bệnh. Đời sống kinh tế - xã hội của hàng trăm quốc gia đang bị đảo lộn.
Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh đã lan đến toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN với tổng số ca lây nhiễm là hơn 14.000, 493 ca tử vong.
Dịch bệnh cũng tác động xấu đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhiều người dân đứng trước nguy cơ mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức. Nhiều hoạt động của ASEAN kể từ đầu năm 2020 đã phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức, trong đó có Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN và trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh.
Các nước ASEAN đang xem xét khả năng lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; lập mạng lưới các chuyên gia y tế công cộng của ASEAN và với các đối tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát và điều trị các ca bệnh.
Ngoài ra, các nước cũng sẽ hợp tác ngăn chặn tin tức giả mạo, sai lệnh, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng khu vực; đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế cần thiết cho người dân; hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt của ASEAN và Cấp cao đặc biệt giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) ngày 14.4 tới, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua 2 tuyên bố chung, khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên. (Thanh niên, trang 24).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 8: “Việt Nam luôn coi trọng công tác hỗ trợ, hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19”; Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Thúc đẩy nỗ lực ứng phó dịch bệnh trong cộng đồng ASEAN”.
T.Ư Đoàn kêu gọi đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện
Ngày 9.4, thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn ký văn bản và đã phát đi nội dung: Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tham gia hiến máu tình nguyện.
Theo đó, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc triển khai: vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hiến máu tình nguyện cứu người khắc phục tình trạng thiếu máu trong thời gian phòng chống dịch, bệnh Covid-19, đồng thời tuyên truyền ý nghĩa cao đẹp của hiến máu.
Các cơ sở Đoàn, Hội gắn hoạt động hiến máu tình nguyện là một nội dung quan trọng hưởng ứng các chương trình, chiến dịch của Đoàn, Hội theo điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, phối hợp với ngành y tế, Viện Huyết học - Truyền máu, các trung tâm truyền máu và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các địa phương tổ chức tối thiểu 1 ngày hiến máu tại địa bàn.
Hoạt động hiến máu tình nguyện thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở các địa phương, đảm bảo an toàn, phân bổ thời gian, chia giờ hợp lý cho người hiến máu tình nguyện, tránh tập trung đông người. Lựa chọn địa điểm thông thoáng, có chỗ rửa tay sát khuẩn, nhắc nhở mọi người tham gia đeo khẩu trang và các biện pháp phòng hộ khác. Phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19. (Thanh niên, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 7: “Những thanh niên luôn sẵn sàng hiến máu”; Lao động, trang 1: “Hưởng ứng Ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện: Không để người bệnh nguy kịch vì thiếu máu”; Công an Nhân dân, trang 1: “Mỗi một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội
Chiều 9.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Về tình hình dịch, Thủ tướng cho rằng kết quả hằng ngày là mừng nhưng nguy cơ lây nhiễm còn lớn nên không thể chủ quan như một số nước đã vấp phải.
Thủ tướng yêu cầu mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16; ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm; phê phán cá nhân, tập thể vi phạm. Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm biện pháp cách ly xã hội với biện pháp mạnh nhưng không “quá tả” hoặc “quá hữu”. Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế có nhận định, đánh giá sát và đúng tình hình để tại phiên họp tới báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có quyết định tiếp tục hay dừng thực hiện Chỉ thị 16 sau thời hạn 15.4.
Thủ tướng nêu rõ, kiên định nguyên tắc từ đầu là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả, trong từng thời điểm, có thể thay đổi chiến thuật, ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều quan trọng của chiến lược phòng chống là áp dụng đúng thời điểm, tăng dần mức độ, vì vậy đạt được thành công ban đầu quan trọng. Về ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế người từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các lực lượng chức năng và các tỉnh biên giới được yêu cầu đẩy mạnh việc thông quan hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng hóa qua biên giới thuận tiện; đồng thời tiếp tục kiểm soát các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế, trừ chở hàng và bảo hộ công dân được sự cho phép của Thủ tướng. Tiếp tục khuyến cáo công dân ở các nước không về nước trước ngày 15.4 - trừ một số trường hợp đặc biệt. Với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam, đều thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 9: “Dịch còn rình rập, sao vội ra đường”; Tiền phong, trang 1: “Xử lý nghiêm người không thực hiện cách ly”; Báo Hà Nội mới, trang 1: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng về cách ly xã hội”; Hà Nội mới, trang 7: “Siết chặt kỷ cương, triệt để xử lý vi phạm”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội”; Nông thôn ngày nay, trang 1 : “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Xử lý nghiêm người không thực hiện giãn cách xã hội”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Thủ tướng: Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện cách ly toàn xã hội”; Công an Nhân dân, trang 1: “Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về cách ly xã hội”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội”.
Công bố thêm 4 bệnh nhân mắc Covid-19
Ngày 9.4, Bộ Y tế công bố thêm 4 bệnh nhân (BN) Covid-19, là các BN thứ 252, 253, 254 và 255 tại Việt Nam.
Trong đó, BN 252 (nam, địa chỉ tại P.12, Q.5, TP.HCM) sống tại Campuchia cùng gia đình có 5 người, trong đó 2 người đã được xác định mắc Covid-19 và đang được cách ly, điều trị tại Campuchia. BN về Việt Nam hôm 8.4, qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), được cách ly ngay sau khi về đến Việt Nam và được lấy mẫu xét nghiệm.
BN 253 (nữ, 41 tuổi, địa chỉ tại H.Mê Linh, Hà Nội) là chị dâu BN 243, ở gần nhà và có tiếp xúc gần với BN 243.
BN 254 (nam, 51 tuổi, trú tại H.Mê Linh, Hà Nội) là hàng xóm BN 243, có tiếp xúc gần BN 243 và BN 250.
BN 255 (nam, 29 tuổi, địa chỉ tại H.Bắc Quang, Hà Giang) từ Nga về Hà Nội trên chuyến bay SU290 và được cách ly tập trung tại Vĩnh Phúc. Ngày 8.4, BN được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 9.4 khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19).
Trong ngày 9.4, có 2 BN điều trị tại BV Cần Giờ (H.Cần Giờ, TP.HCM) được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số BN được chữa khỏi lên 128 BN. Trong số 255 BN Covid-19 đã ghi nhận tại Việt Nam, có 158 người từ nước ngoài; 97 người lây nhiễm thứ phát. Cả nước đang có 74.941 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện, các cơ sở khác và tại nhà, nơi lưu trú. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 3: “Thêm bốn người nhiễm Covid-19”; Tuổi trẻ, trang 3: “Thêm 4 ca nhiễm, trong đó 2 ca lây trong cộng đồng”; Tiền phong, trang 3: “Thêm 4 ca mắc mới, Việt Nam ghi nhận 255 bệnh nhân COVID-19”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Ngày 9-4, Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc mới”; Nông thôn ngày nay, trang 3: “Việt Nam thêm 4 ca nhiễm Covid-19”.
Tạm giữ 3 người vì sản xuất hơn 1.300 bộ đồ bảo hộ y tế giả
Ngày 9.4, nguồn tin Thanh Niên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối với bà Trương Thị Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh (sau đây viết tắt là Công ty Đức Anh); La Văn Thị và Nguyễn Đức Việt Anh, cùng là cán bộ và nhân viên Công ty Đức Anh, để làm rõ về hành vi sản xuất hàng giả, quy định tại điều 192, bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 8.4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu Công an TP.Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Tổ công tác 304 thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) bất ngờ kiểm tra kho hàng của Công ty Đức Anh, ở ngõ 178 Tây Sơn, quận Đống Đa, TP.Hà Nội, phát hiện, thu giữ hàng ngàn sản phẩm quần áo bảo hộ chuyên dụng dùng trong y tế, có dấu hiệu làm giả, không đảm bảo chất lượng để bán ra thị trường phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, tại kho hàng công ty này còn có nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế khác như găng tay, khẩu trang, kính… phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Trong hàng ngàn sản phẩm thu giữ tại kho hàng của Công ty Đức Anh, bước đầu, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.Hà Nội giám định có hơn 1.300 bộ quần áo bảo hộ y tế là hàng giả. Tại cơ quan công an, những người liên quan khai nhận đã thống nhất mua các loại trang thiết bị gồm áo liền quần, khẩu trang trôi nổi, sau đó đóng gói các loại trang thiết bị trên vào túi và dán nhãn một công ty có thương hiệu tại Hà Nội.
Theo nhận định của Công an TP.Hà Nội, việc làm giả những bộ quần áo bảo hộ y tế, kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các lực lượng ở tuyến đầu. Do đó, cơ quan này xác định đây là vụ án trọng điểm để điều tra, đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất.
Trong sáng nay, 9.4, lãnh đạo Bộ Công an đã khen thưởng lực lượng điều tra phát hiện vụ việc này. (Thanh niên, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 9: “Bắt 3 đối tượng sản xuất quần áo bảo hộ y tế giả”; Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Điều tra vụ án buôn lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng”; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Phát hiện công ty kinh doanh, làm giả vật tư y tế cực lớn”.
Người dân tuyệt đối không tự điều trị
Các bác sĩ, những người trực tiếp điều trị bệnh Covid-19 tại Việt Nam chia sẻ về phương pháp điều trị, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự điều trị khi có triệu chứng nhiễm bệnh.
Bác sĩ (BS) Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay khoa điều trị những bệnh nhân (BN) chưa cần hỗ trợ bằng thiết bị. Tại đây, mỗi BN có một phác đồ điều trị riêng.
Các BS mỗi ngày phải hội chẩn đối với từng BN, có sự hỗ trợ của Bộ Y tế. “Việc dùng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu đều phải bàn trước. BN nhiễm Covid-19 có người chuyển bệnh rất nhanh, có người sáng vào viện, chiều đã khó thở, suy hô hấp, phải chuyển đến khoa cấp cứu... Nhiều người có biểu hiện phức tạp lại không cần chuyển đến khoa cấp cứu”, BS Mai nói. Một số BN bị tác dụng phụ của thuốc, nên cũng phải điều chỉnh phác đồ điều trị.
Kháng thể - sức đề kháng mỗi người khác nhau
Tại TP.HCM, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM là BV chuyên khoa nhiễm đầu ngành không chỉ của TP mà của cả khu vực, các tỉnh phía nam. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP, cho biết phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành phiên bản 1, sau đó sửa chữa, bổ sung phiên bản mới. Nhưng để ra được phác đồ điều trị, Bộ Y tế đã lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn. Tại TP, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP đã họp các chuyên gia về truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu của các BV: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng TP, BV Nhân dân Gia Định thảo luận và góp ý bổ sung vào các ý kiến của các chuyên gia BV Bạch Mai, BV Nhiệt đới T.Ư để hoàn thiện và ban hành.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phác đồ là hướng dẫn chung, trong quá trình điều trị từng ca bệnh, các BS luôn có những bổ sung điều chỉnh phù hợp dựa vào kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng và qua các buổi hội chẩn chuyên gia. Tức điều trị từng cá thể người bệnh chứ không “điều trị bệnh chung chung”.
Tương tự, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết tại BV đã tiếp nhận và điều trị cho 6 ca nhiễm Covid-19. Đặc điểm chung của các BN đều trẻ, không có bệnh nền nên tương đối thuận lợi cho việc điều trị, so với BN nhiễm ở các nơi khác. “Mỗi BN có 1 cá thể hóa bệnh khác nhau, nên chúng tôi điều trị trên tinh thần theo dõi sát, xử lý kịp thời để nâng đỡ phục hồi theo từng chuyển biến bệnh khác nhau”, BS Nhân nói.
TS-BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc BV điều trị Covid-19 Cần Giờ (TP.HCM), cho biết thêm phác đồ điều trị Covid-19 hiện nay là sử dụng trên người bị Covid-19 viêm phổi nặng, suy đa tạng vì bệnh này là chưa có thuốc trị. Nhưng BN đa số là nhẹ, không có triệu chứng. Với người bệnh nhẹ, có viêm phổi thì điều trị kháng sinh phổ rộng, nếu đáp ứng tốt thì sẽ nhanh khỏi. Còn theo BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đa số ca bệnh Covid-19 dùng kháng sinh 7 - 10 ngày là ngưng nhưng có ca bệnh phải dùng đến 14 ngày. Nguyên nhân là kháng thể - sức đề kháng của mỗi người là khác nhau (BN 150, 55 tuổi, ngụ TP.HCM phải dùng kháng sinh đến 14 ngày).
Đừng nghe “bác sĩ” Google
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng chia sẻ thực trạng đáng lo ngại là một số người dân không nghe lời khuyên của nhân viên y tế mà tin vào “bác sĩ” Google vì nghĩ rằng có thể tra cứu được thông tin chẩn đoán, điều trị bệnh. Thậm chí, nhiều người dân hoang mang, lo lắng và cả tin đối với các thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội, dẫn đến những sự việc đáng tiếc thời gian qua, như tự ý thu gom tích trữ và thậm chí tự uống để phòng bệnh. “Tất cả mọi loại thuốc trên đời (kể cả cái gọi là "thuốc bổ") nếu sử dụng không đúng chỉ định, sử dụng sai liều... đều có các tác dụng ngoại ý; nặng có thể tử vong”, TS-BS Châu khuyến cáo.
Mới đây, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để dự phòng, điều trị Covid-19 vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng (gây phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc; gây ra các rối loạn tạo máu như: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu; gây tác dụng nguy hiểm cho tim, tăng nguy cơ đột tử...). “Hãy chờ kết quả của thử nghiệm lâm sàng hiện đang được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Không nên sử dụng bừa bãi theo cảm tính vì nguy cơ có thể cao hơn ích lợi của thuốc (trừ một số trường hợp đặc biệt)”, TS-BS Châu nói. (Thanh niên, trang 2).
600 người liên quan bệnh nhân 251 tại Hà Nam
Kết quả rà soát, điều tra dịch tễ xác định có tới hơn 600 trường hợp có liên quan đến nam bệnh nhân (BN) 251 (64 tuổi, quê thôn 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục), trong đó có tới 129 trường hợp tiếp xúc gần (F1).
Chiều nay 9/4, thông tin từ Sở Y tế Hà Nam cho biết, có tới 600 người liên quan đến ca bệnh COVID- 19 phức tạp nhất ở tỉnh này, trong đó, các trường hợp tiếp xúc gần (F1) lên tới 129 người gồm nhóm nhân viên bệnh viện gồm 53 người thuộc 5 khu vực bệnh nhân tiếp cận là Khoa Cấp cứu, Khoa Tiêu hóa, Khoa Xét nghiệm, Khoa X.Quang, Khoa Thăm dò chức năng. Ngoài ra còn có thêm các trường hợp là nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, nơi đầu tiên BN 251 nhập khám trước khi chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
Nhóm bệnh nhân tiếp xúc gần BN 251 và nhóm người nhà của bệnh nhân gồm 2 con ở Hà Nội, vợ và 2 con ở Hà Nam. Trường hợp con trai và con dâu ở Hà Nội của BN 251 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ.
Cả 6 huyện, thị, thành phố tại tỉnh Hà Nam đều có người thuộc F1, bao gồm: Bình Lục 12 trường hợp, Duy Tiên 6 trường hợp, Thanh Liêm 18 trường hợp, Kim Bảng 4 trường hợp, Lý Nhân 13 trường hợp, thành phố Phủ Lý 19 trường hợp.
Các trường hợp F2 mới xác định được 480 người, trong đó mới tiếp cận hướng dẫn trực tiếp các biện pháp phòng ngừa, cách ly cho 329 trường hợp, còn lại hơn 150 người chưa tiếp cận được.
Cho đến nay, ngành Y tế Hà Nam vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh (F0) của ca bệnh này. (Tiền phong, trang 3).
Chống lây nhiễm giữa cộng đồng và bệnh viện: Bảo vệ bác sỹ
Trước tình trạng nhiều bệnh viện lớn phải cách ly nhân viên y tế vì tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, ngành y tế yêu cầu các bệnh viện nâng cấp phòng ngừa trong công tác phòng chống dịch để hạn chế tối đa tổn thất. Cùng với đó các chuyên gia y tế kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bùng phát.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay khi phát hiện ca bệnh 237 người Thụy Điển có đến thăm khám tại một số cơ sở khám chữa bệnh, Tiểu ban điều trị đã đề xuất cùng các tiểu ban khác thống nhất nâng cấp phòng ngừa ở các bệnh viện.
“Tức là coi những người bệnh đến khám, cấp cứu, bệnh nhân mới ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh như là đối tượng, có khả năng truyền bệnh, triệu chứng, các vấn đề liên quan COVID -19 để các bệnh viện nâng cao cảnh giác, không bỏ sót, không kịp phát hiện cũng như lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế”- ông Khuê nói.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng có văn bản gửi giám đốc các sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trên toàn quốc tăng cường giám sát việc thực hiện chỉ đạo này. Các cơ sở y tế cần thực hiện nâng cấp, cảnh giác hơn ngay từ khi người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện, từ bảo vệ đến khu vực cách ly. Các bệnh viện thực hiện tùy theo điều kiện, bố trí cơ sở tiếp đón nằm ngoài cơ sở khám chữa bệnh, tránh nguồn lây xâm nhập vào các cơ sở y tế.
Tất cả người dân đến khám ở các cơ sở khám chữa bệnh cần liên hệ trước, tìm hiểu thông tin trước khi đến. Các cơ sở y tế củng cố đường dây nóng tư vấn cho người bệnh, các phương pháp mà người bệnh muốn tìm hiểu về bệnh, hẹn khám, qua công nghệ thông tin giúp tư vấn cho người bệnh thật đầy đủ, chỉ khi nào thật cần thiết mới đến khám, cấp cứu tại cơ sở y tế.
Một việc nữa là các bệnh viện xem xét các ca cần phẫu thuật thì giãn, làm chậm lại nếu được; cho thuốc bệnh nhân mạn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường… trước là 1 tháng, nay cấp 2-3 tháng tùy tình trạng bệnh. Với trường hợp người bệnh được đến khám, điều trị tại bệnh viện thì phải thực hiện đúng quy định: Giường bệnh cách ly cách nhau 2m; người khám cũng cách nhau 2m trong lúc chờ đợi.
Các biện pháp dự phòng này bắt buộc các cơ sở y tế phải triển khai nghiêm túc, các cơ sở cùng vào cuộc để luôn luôn cảnh giác, giúp người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, đảm bảo an toàn cho các thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, có được nguồn lực, thầy thuốc luôn trong tư thế khỏe mạnh, hùng hậu, đủ điều kiện chiến đấu chống lại dịch bệnh…
Một vấn đề nữa là hiện tại số lượng người bệnh đến khám, điều trị, người bệnh nội trú đã giảm, các bệnh viện cần thực hiện Chỉ thị 16, thực hiện sách lược, chiến lược nhân lực điều trị. Tức là các bệnh viện cần chia thành 2 -3 kíp, các kíp cách nhau từ 7-14 ngày. Nếu không may có một kíp gặp người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 thì chỉ cách ly một kíp, kíp sau lại tiếp tục công việc, luôn luôn có lực lượng ứng trực trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Đây là việc quan trọng nhằm bảo toàn lực lượng, tránh như một số trường hợp bệnh viện vừa qua khi có ca dương tính thì toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa, không có đủ nhân lực. PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm, hiện tại Bộ Y tế đã xây dựng nhiều kịch bản, quy trình để người dân đến khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay như việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân đái tháo đường, ung thư…
Dân đổ ra đường, nỗ lực chống dịch sẽ đổ bể
Các chuyên gia y tế đang cảnh báo người dân có tâm lý chủ quan khi số ca mắc mới đang có xu hướng giảm trong vài ngày gần đây. Theo lý giải của các nhà khoa học, mặc dù số ca mắc mới mỗi ngày giảm, nhiều thời điểm ít hơn số ca được công bố khỏi bệnh, song một số bệnh nhân mới có lịch trình đi lại phức tạp đang cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng. Một số người dân lại đang có tâm lý chủ quan dễ dẫn đến mọi nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua của Chính phủ và các ngành chức năng “đổ sông đổ bể”.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: “Thực tế nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận. Số ca giảm không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, số người nhập cảnh càng ngày càng ít đi nên số ca dương tính sẽ ít đi. Hiện nay, các ca lây trong cộng đồng mới là vấn đề cần quan tâm”. Chuyên gia này khuyến cáo người dân phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm chỉnh và quyết liệt. Hai là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Tất cả cùng chung sức vào cuộc chiến chống dịch.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, các nghiên cứu công bố trên thế giới cũng cảnh báo virus này lây truyền trên người mà không có triệu chứng bên ngoài như: mệt mỏi, sốt, ho, đau họng, khó thở… Tại Việt Nam, nguy cơ cao xuất hiện những ca không có triệu chứng ở trong cộng đồng biểu hiện cụ thể qua việc đã có lây nhiễm từ bệnh viện ra cộng đồng, và từ cộng đồng vào bệnh viện.
Sẵn sàng cho phương án xấu hơn
PGS. TS. BS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, các biện pháp phòng dịch COVID-19 của bệnh viện tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài các biện pháp phân luồng, kiểm soát người ra vào cổng, lấy thông tin dịch tễ… các khu khám và điều trị riêng cho các bệnh nhân có nguy cơ là khu vực quan trọng nhất, được bệnh viện thực hiện đúng quy định. Bác sỹ Cường cũng cho biết, dù thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, các y bác sỹ phải làm việc cường độ cao hơn, phương pháp phòng dịch của Việt Nam có thể coi là hiệu quả so với các nước nhưng vẫn không thể lơ là.
“Bệnh nhân COVID-19 mới nhiễm không có biểu hiện ra ngoài nên không thể nói bệnh viện an toàn tuyệt đối. Chúng tôi có lo lắng nhưng không được phép sợ và chúng tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho phương án xấu hơn” - bác sỹ Cường nói. (Tiền phong, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 4: “Lập chốt sàng lọc ngay từ cổng viện”; Hà Nội mới, trang 7: “Kiên quyết lấp lỗ hổng phòng dịch tại bệnh viện”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Nâng cấp phòng ngừa ở các cơ sở y tế”.
Các doanh nghiệp Hà Nội sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế: Điểm sáng thực hiện mục tiêu “kép”
Chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nắm bắt nhu cầu của thị trường về khẩu trang kháng khuẩn, thiết bị y tế, nhiều doanh nghiệp của Hà Nội đã duy trì công ăn việc làm, thậm chí phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là điểm sáng trong "bức tranh" kinh tế của thành phố trong quý I-2020, đồng thời là một bài học quý cho các lĩnh vực khác trong việc thực hiện mục tiêu "kép": Vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và vật tư y tế (ECOMEDI), vẫn tỏ ra tiếc rẻ. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều đối tác, bạn hàng khuyên nhập nguyên liệu tích trữ, nhưng ông nghĩ, dịch bệnh không quá nghiêm trọng, nên chỉ nhập lượng nguyên liệu đủ sản xuất sau thời gian nghỉ Tết. “Đầu tháng 2-2020, dịch bệnh bùng phát, nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt. Cũng may là nhờ sự san sẻ của các đơn vị bạn nên công ty tiếp tục duy trì hoạt động. Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế, găng tay được vận hành tối đa, mang lại nguồn lợi nhuận nhất định cho công ty trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiếu chia sẻ.
Khác với ECOMEDI, khẩu trang không phải là sản phẩm truyền thống (vải dệt, sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản) của Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân. Theo Tổng Giám đốc Trần Việt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài bị ngưng trệ, trong khi nhu cầu về khẩu trang phòng dịch rất lớn, Công ty quyết định chuyển sang sản xuất mặt hàng này. Hiện năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của Công ty đã đạt 50 nghìn sản phẩm/ngày và có thể nâng lên 300 nghìn sản phẩm/ngày, bảo đảm đời sống, việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Tương tự, may khẩu trang kháng khuẩn đã mang lại hiệu quả cho Tổng công ty May 10 - CTCP khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các đơn hàng may mặc xuất khẩu. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP, sản xuất khẩu trang giúp đơn vị tạo việc làm cho 12.000 công nhân lao động và bù đắp phần thiếu hụt đơn hàng từ các sản phẩm truyền thống. Vị "thuyền trưởng" của May 10 hồ hởi chia sẻ: "Chúng tôi đã nhìn thấy "ánh sáng" trong khó khăn, khi mạnh dạn chuyển sang may khẩu trang, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngày 7-4 vừa qua, chúng tôi đã rất vui và tự hào vì được đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội khen ngợi, biểu dương và đánh giá May 10 là tấm gương vượt khó trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19".
Trong khi đó, tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), cùng với việc cung ứng hàng hóa bảo đảm bình ổn giá cho thị trường, các đơn vị may xuất khẩu của Hapro cũng chuyển sang sản xuất khẩu trang, với công suất 1 triệu sản phẩm/tháng.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có 48 đơn vị sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phòng dịch; trong đó có 4 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, 29 đơn vị sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, 8 đơn vị sản xuất khẩu trang vải thông thường và 7 đơn vị sản xuất chế phẩm diệt khuẩn. Năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của 29 đơn vị trên địa bàn đạt 1.286.500 chiếc/ngày. Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phòng dịch đã đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, một số đơn vị đã có sự tăng trưởng khá, đóng góp vào mức tăng 3,72% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý I-2020 của thành phố.
... mở hướng xuất khẩu
Theo ông Thân Đức Việt, hiện một đối tác lớn đang đặt mua của Tổng công ty May 10 - CTCP 400 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn. Thời gian dự kiến giao hàng từ tháng 7-2020, với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu theo kế hoạch của đơn vị năm 2020). Một khách hàng từ Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong vòng 6 tuần tới; một khách hàng từ Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang kháng khuẩn. Bên cạnh đó, có đối tác đề xuất May 10 cung cấp 2 triệu bộ đồ phòng, chống dịch. "Hiện, Tổng công ty đã quyết định sản xuất khẩu trang y tế và đã nhập thêm máy móc về lắp đặt", ông Thân Đức Việt cho biết.
Tương tự, ông Trần Việt cũng thông tin, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân đã nghiên cứu và chuẩn bị ra mắt bộ quần áo phòng dịch bằng vải kháng khuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã kết nối với các doanh nghiệp, đưa khẩu trang vải kháng khuẩn vào tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Song, theo nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ phòng dịch bằng vải, hiện còn thiếu một số hướng dẫn về tiêu chuẩn nên việc sản xuất, xuất khẩu còn gặp lúng túng.
Từ góc độ thành phố Hà Nội, tại hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II-2020 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Công Thương làm tốt công tác kết nối cung cầu với các địa phương, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế tăng tốc sản xuất, trước mắt đáp ứng nhu cầu trong nước, sau đó có thể đề xuất với Chính phủ hướng đến xuất khẩu.
Được biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 6-4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó có các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Mỹ đồng thời đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa.
Sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cấp chính quyền, cộng với nỗ lực, nhạy bén của doanh nghiệp sẽ là động lực để lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế phòng dịch chớp thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu, tạo lợi nhuận; vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, vừa góp phần giúp kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn. (Hà Nội mới, trang 1).
Cùng chủ đề Sài Gòn giải phóng, trang 2: “TPHCM đưa khẩu trang, nước sát khuẩn vào diện bình ổn thị trường”.
Tập luyện thể thao tại nhà - “vắc xin” phòng dịch hiệu quả
Thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các trung tâm, câu lạc bộ, phòng tập thể dục thể thao đều đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Nhiều người dân đã bắt đầu làm quen với việc tự tập luyện trong nhà, coi đây là biện pháp vừa rèn luyện thể lực, vừa là “vắc xin” phòng dịch hiệu quả.
Nếu như trước đây, chị Bùi Thị Duyên (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) thường xuyên đến tập gym và aerobic tại phòng tập, thì nay đã chuyển sang luyện tập tại nhà qua các bài tập hướng dẫn trên mạng. Chị Duyên cho biết, tập thể thao là hoạt động không thể thiếu mà chị duy trì trong nhiều năm nay. Vì thế, khi phòng tập gym và aerobic tạm thời đóng cửa, chị chuyển sang tập tại nhà để duy trì, nâng cao sức khỏe. Hiện ngày nào chị cũng tập khoảng 1 tiếng vào sáng sớm. Nhờ luyện tập thường xuyên, nên chị cảm thấy cơ thể luôn khỏe khoắn.
Tương tự, chị Vũ Minh Phương (phường Điện Biên, quận Ba Đình), người có thâm niên tập yoga hơn 10 năm chia sẻ, thời gian này, do câu lạc bộ đóng cửa, chị cũng như nhiều thành viên khác chọn tập luyện trực tuyến. “Tập yoga không cần nhiều dụng cụ, hay không gian quá rộng, mà chỉ cần đủ chỗ trải thảm, thì tập ở phòng khách, phòng ngủ, hành lang... đều được. Tuy nhiên, việc tập luyện trực tuyến yoga cũng có hạn chế, như giáo viên không trực tiếp uốn nắn động tác sai cho các học viên, hay đường truyền internet không ổn định, khiến hình một nơi, tiếng một nẻo…”, chị Phương cho biết.
Không dễ tập luyện tại nhà như các môn gym, aerobic, yoga..., anh Nguyễn Tiến Đạt, vận động viên chạy marathon chuyên nghiệp tại Hà Nội đã lựa chọn tầng thượng tòa chung cư mình đang sinh sống để tập luyện. Đặc biệt, nhiều người rất ấn tượng khi biết anh đã hoàn thành đường chạy hơn 42km ngay ở tầng thượng của tòa chung cư đó, với mục đích cổ vũ bạn bè kiên nhẫn, tích cực tập luyện trong thời gian ở nhà. Để hoàn thành quãng đường này, anh phải chạy gần 860 vòng, trong hơn 6 giờ, trong điều kiện thời tiết mưa phùn, nền mặt sân có rêu, khá trơn trượt. “Tôi muốn cổ vũ bạn bè kiên nhẫn, tích cực tập luyện trong thời gian ở nhà, theo đúng tinh thần cách ly xã hội”, anh Đạt tâm sự.
Chia sẻ về tác dụng của việc luyện tập thể thao tại nhà, anh Trần Thành Hưng, huấn luyện viên của Trung tâm Elite Fitness Hà Nội cho hay, việc tập luyện thể thao đúng cách sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, khi tập luyện cơ thể cũng thải ra nhiều độc tố theo tuyến mồ hôi, giúp nâng cao thể lực và sức đề kháng, chống lại bệnh tật tốt hơn. Mỗi người nên tìm một phương pháp, cách thức tập cho mình để quá trình tập luyện không bị gián đoạn.
Đánh giá về tinh thần tập luyện tại nhà của người dân thành phố Hà Nội trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, mỗi người đều lựa chọn cho mình một hình thức, môn thể thao phù hợp với điều kiện sức khỏe để tập luyện, điều đó chứng tỏ, nhận thức của người dân về rèn luyện thân thể, sức khỏe đã được chú trọng hơn.
“Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi người vẫn tuân thủ việc tập luyện tại nhà, cho thấy không chỉ ý thức rèn luyện sức khỏe, mà ý thức phòng dịch cũng rất cao. Tập luyện thể thao không những nâng cao sức khỏe, mà còn mang lại cảm giác thoải mái về tinh thần. Khi khỏe cả thể lực lẫn tâm hồn, thì sức đề kháng cũng tăng lên, giảm phần nào sự xâm nhập của vi rút”, bà Trần Thị Vân Anh khẳng định.
Tất cả cho thấy hoàn toàn có thể thực hiện cách ly xã hội mà vẫn gìn giữ sức khỏe thông qua tập luyện tại nhà chứ không nhất thiết phải ra nơi công cộng để tập luyện. (Hà Nội mới, trang 5).