Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/6/2015

  • |
T5g.org.vn - Trước nguy cơ dịch Mers vào Việt Nam: Người dân cứ bình tĩnh; Chưa có lao động Việt Nam ở Hàn Quốc nhiễm MERS; Bệnh nhân điều trị MERS ở Quảng Đông chuyển biến tốt; Bát cháo ấm lòng bệnh nhân nghèo;Bổ sung hướng dẫn giám sát và phòng chống hội chứng MERS-CoV; Sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV

Trước nguy cơ dịch Mers vào Việt Nam: Người dân cứ bình tĩnh

Theo đánh giá của giới chuyên môn tại TPHCM, khả năng bệnh Mers vào Việt Nam là có, tuy nhiên không phải ở mức tràn lan như các bệnh cúm mà chúng ta từng đối phó. Ngày 9/6, tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố sẽ có 3 nơi cách ly dành cho ca nghi nhiễm MERS-CoV là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2. Ban chỉ đạo cho rằng, cần truyền thông làm sao cho người dân hiểu đúng mức, tránh lo lắng thái quá. Đồng thời, cũng phải quan tâm phòng chống các bệnh dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Hạn chế chuyển viện với ca nghi ngờ

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, vào thời điểm chưa có ca bệnh xâm nhập như hiện nay, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố dịch tễ đi, đến từ vùng dịch. Người dân cần bình tĩnh và hợp tác. Nếu đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc với lạc đà hoặc có vào bệnh viện ở Hàn Quốc, Trung Đông thì cần cảnh giác cao hơn. Báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được kiểm soát, phát hiện nhanh.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, cần hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân nghi nhiễm về thành phố. Dựa trên quy trình giám sát dịch bệnh của bộ, sở sẽ xây dựng quy trình giám sát các ca nghi ngờ hoặc liên quan yếu tố dịch tễ theo hướng mở rộng các đối tượng.

“Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên yêu cầu đầu tiên với các bệnh viện là tăng cường ngay các hoạt động phòng chống lây lan giữa nhân viên y tế và người bệnh, giữa nhân viên y tế với nhau. Đặc biệt, các bệnh viện sẽ tái huấn luyện và giám sát trở lại quy trình chống nhiễm khuẩn. Hạn chế tối đa việc nghi ngờ rồi chuyển đi lòng vòng, bệnh sẽ có cơ hội lây lan nhiều. Yêu cầu các bệnh viện quận huyện tái lập lại quy trình trước đây đã từng làm trong dịch cúm”, ông nói. Ông Thượng cho biết, từ 10/6, vào 16h mỗi ngày, Phòng Nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế có nhiệm vụ cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh cho báo chí.

MERS không lây ngoài cộng đồng

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cho tới nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định MERS-CoV không có tính lây bền vững, nghĩa là chưa có dấu hiệu lây ngoài cộng đồng như các loại cúm khác. “Sơ khai virus này chắc chắn lây từ lạc đà sang người qua tiếp xúc trực tiếp. Thứ hai, nó đã có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, tính lây của nó cho đến nay theo từ chuyên môn là không bền vững. Nghĩa là không giống như cúm phát tán nhanh ngoài môi trường cộng đồng, MERS-CoV chỉ lây ở cự ly tiếp xúc rất gần với người bệnh. Gồm người ở chung nhà, người ở chung phòng bệnh và đặc biệt là nhân viên y tế chăm sóc người bệnh mà không có những biện pháp phòng ngừa”, bác sĩ Khanh nói.

Ông Khanh nói rằng, theo nghiên cứu, virus corona phát triển tốt, lây lan nhiều ở điều kiện nhiệt độ 20 độ C và độ ẩm 40%. “Đó là một lợi thế của các xứ nhiệt đới có điều kiện thời tiết nắng nóng và cũng có thể vì thế càng làm cho tính lây không bền vững của virus tăng lên, không thể lây trong môi trường cộng đồng”, ông khẳng định.

Về ý kiến Trung Đông cũng nắng nóng như Việt Nam, bác sĩ Khanh nói rằng, nghiên cứu đã chỉ ra tất cả những virus có nguồn gốc từ động vật lây sang người, đặc biệt qua đường hô hấp, sẽ có xu hướng gây bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, sau đó, khi lây từ người qua người, virus corona lại có vẻ yếu đi, không gây ra ca nặng. “Tình hình ở Hàn Quốc cho chúng ta một câu hỏi, tại sao tỷ lệ tử vong lại thấp hơn nhiều so với Trung Đông? Bởi Trung Đông bị lây trực tiếp từ lạc đà nhiều hơn, còn ở Hàn Quốc chỉ lây từ người sang người”, ông nói. Một yếu tố nữa có thể giải thích cho tốc độ lây nhanh ở Hàn Quốc là dân số già. Thông thường, người lớn tuổi có bệnh nền và dễ bị nặng hơn theo đặc tính chung của virus đường hô hấp.   

Du khách Hàn Quốc không nhiễm MERS

Ngày 9/6, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, ngày 8/6, Viện nhận được mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm xác định MERS-CoV. Đây là mẫu bệnh phẩm của bé trai 7 tuổi quốc tịch Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Cam Ranh, đi du lịch cùng cha mẹ và em trai tại tỉnh Khánh Hòa. Tại sân bay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa phát hiện bé có triệu chứng sốt 38 độ C. Khám sàng lọc cho thấy trước đó bé được bệnh viện tại Hàn Quốc chẩn đoán viêm họng, nơi bệnh nhân và gia đình sinh sống không ghi nhận trường hợp mắc MERS cũng như không tiếp xúc với ai nghi ngờ nhiễm MERS. Tuy nhiên, bé đã được chuyển đến bệnh viện tỉnh Khánh Hòa để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur  TPHCM xác định. Đồng thời, 3 người trong gia đình cũng được cách ly, khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm âm tính với virus MERS-CoV (Tiền phong trang 14, Tuổi trẻ trang 19).

 

Chưa có lao động Việt Nam ở Hàn Quốc nhiễm MERS

Sáng 9-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh MERS tại sân bay Nội Bài và chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập. Cùng ngày, thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện tại, chưa có lao động nào của Việt Nam ở Hàn Quốc và các nước Trung Đông nhiễm MERS. 

8.200 khách đến từ Hàn Quốc khai báo y tế

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS tại sân bay Nội Bài, đại diện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế - Sở Y tế Hà Nội cho biết, bình quân mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc và vùng Trung Đông đến Việt Nam, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài, trong đó, có gần 2.000 hành khách đến từ Hàn Quốc.

 Từ 3-6 đến nay, đã có 63 chuyến bay từ Hàn Quốc và vùng Trung Đông đến Việt Nam, trong đó có 56 chuyến bay từ Hàn Quốc đến với khoảng 8.200 hành khách. Toàn bộ số hành khách này đều được kê khai y tế, đo thân nhiệt và giám sát chặt chẽ. Ngành y tế đã tăng cường thêm cán bộ để giám sát các chuyến bay, hành khách nhập cảnh; tổ chức khám, xử lý khi có hành khách bất thường về thân nhiệt. 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh MERS tại sân bay Nội Bài và đề nghị ngành y tế cần tiếp tục duy trì giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt là hành khách đến từ các quốc gia có dịch MERS. Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Nội Bài cần hướng dẫn hành khách đến từ vùng dịch khai báo và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh.

Vừa phối hợp chặt chẽ với các bộ phận của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, toàn ngành y tế Hà Nội phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất, máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc, dịch truyền để đáp ứng phòng chống dịch và điều trị khi có bệnh nhân MERS.

Lao động Việt Nam tại vùng dịch vẫn ổn định

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ chiều 9-6, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước tình hình dịch MERS đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc và các nước Trung Đông, Cục đang cập nhật, theo dõi sát tình hình lao động của Việt Nam tại các quốc gia này.

Một mặt, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo tới Đại sứ quán Việt Nam ở các nước có dịch MERS, thông tin cho công dân, người lao động Việt Nam các biện pháp phòng dịch MERS theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Mặt khác, công khai những địa chỉ, số điện thoại, đơn vị chức năng tới người lao động Việt Nam tại các quốc gia đang có dịch MERS để họ có thể liên lạc nếu có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán nhiễm MERS. 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh chia sẻ, trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình người lao động do doanh nghiệp đưa đi, hiện đang làm việc tại các khu vực có dịch bệnh, để kịp thời báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ cần thiết đối với những trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm dịch bệnh. Hiện tại, tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các quốc gia có dịch MERS vẫn ổn định, chưa nhận được báo cáo về trường hợp nào nhiễm hoặc nghi nhiễm MERS. Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng hơn 60.000 lao động tại Hàn Quốc (chưa kể lao động người Việt cư trú và làm việc bất hợp pháp tại đây), ngoài ra còn có hơn 20.000 lao động khác đang làm việc ở các nước vùng Trung Đông, tập trung chủ yếu ở A rập Xê út. 

Bệnh nhi Hàn Quốc du lịch tại Nha Trang âm tính với MERS

Ngày 9-6, Bộ Y tế cho biết, Viện Pasteur TP.HCM ngày   8-6 đã nhận được mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm xác định MERS của bệnh nhân nam (7 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Cam Ranh, đi du lịch cùng gia đình tại Nha Trang - Khánh Hòa). Khi nhập cảnh tại sân bay, bệnh nhi này được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa phát hiện có triệu chứng sốt 38 độ C nên đã chuyển cả gia đình bệnh nhân đến Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhi âm tính với virus MERS (An ninh thủ đô trang 16, Hà Nội mới trang 1). 

 

Bệnh nhân điều trị MERS ở Quảng Đông chuyển biến tốt

Ngày 9-6, ông Trương Vỹ, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, bệnh nhân đầu tiên mắc MERS tại Trung Quốc có chuyển biến tốt, tuy nhiên vẫn cần cảnh giác trước dịch bệnh nguy hiểm này. 

Tính đến hôm qua, 75 người đã tiếp xúc với người đầu tiên mắc MERS ở Quảng Đông không xuất hiện triệu chứng bất thường, kết quả kiểm tra y tế cho thấy họ âm tính với virus này. Trước đó, ngày 22-5, một người đàn ông Hàn Quốc nằm trong diện bị nghi nhiễm MERS đã đáp chuyến bay từ Seoul đến Hồng Kông, sau đó tới Trung Quốc đại lục bằng xe buýt. Người đàn ông này bị chẩn đoán dương tính với virus MERS tại tỉnh Quảng Đông ngày 29-5. 

Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông phát đi cảnh báo du lịch đỏ đối với Hàn Quốc, khuyến nghị người dân đặc khu hạn chế tới nước này. Hiệp hội du lịch Hồng Kông quyết định hủy bỏ các tour du lịch Hàn Quốc từ ngày 9 đến ngày 30-6. Theo ông Đổng Diệu Trung, giám đốc hiệp hội này, nếu tình hình dịch bệnh gây Hội chứng viêm hô hấp cấp vùng Trung Đông tại Hàn Quốc chưa cải thiện thì toàn bộ tour du lịch đến đây vào dịp hè này sẽ bị hủy bỏ (An ninh thủ đô trang 16). 

 

Bát cháo ấm lòng bệnh nhân nghèo

Với mong muốn giúp đỡ những bệnh nhân nghèo tại Viện Bỏng quốc gia, 4 năm trước, tổ nấu cháo từ thiện khu dân cư Cầu Bươu (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) được thành lập. Những việc làm của các thành viên tuy nhỏ nhưng đủ sức lan tỏa tình yêu thương, làm ấm lòng nhiều người có hoàn cảnh khó khăn...

Thương người như thể thương thân

Vào một buổi chiều ngày đầu tháng 6-2015, chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Kim Phụng (49 tuổi), tổ trưởng tổ nấu cháo khu dân cư Cầu Bươu. 6h tối, trời vẫn hầm hập nóng, phả không khí ngột ngạt ngoài phố len lỏi vào từng nhà. Thời điểm này cũng là lúc chị Phụng và các thành viên trong tổ tất bật nấu những nồi cháo từ thiện cho các bệnh nhân ở Viện Bỏng quốc gia. Người nhóm lò, người đong gạo, ngâm đậu, trên trán lấm tấm mồ hôi, nhưng mọi người đều vui. Chị Phụng vừa nhóm lò vừa nói: "Tôi là thành viên trong Hội Chữ thập đỏ địa phương nên thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân trong viện. Tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi thương lắm. Rất nhiều bệnh nhân ở các vùng quê xa xôi khác nhau, họ nghèo túng và thiếu thốn. Có người nhà bệnh nhân phải nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền chữa bệnh cho con. Vậy là tôi nảy ra ý định nấu cháo miễn phí cho họ".

Trăn trở mãi, chị Phụng bàn với chồng ý tưởng nấu cháo vào thứ bảy hằng tuần cho bệnh nhân nghèo. Những tưởng người chồng sẽ phản đối vì nghĩ mình làm chuyện "thương thuê, khóc mướn", thế nhưng, khi nghe chị Phụng tâm sự, cả chồng và con trai đều ủng hộ nhiệt tình. Được sự ủng hộ của gia đình, chị Phụng tự tin rủ thêm hai người nữa trong khu dân cư cùng tham gia nấu cháo. Bắt đầu từ đó, cứ 19h đến 22h các ngày thứ sáu, thành viên trong tổ lại tập trung hì hụi nấu cháo. 5h sáng thứ bảy, chị Phụng hâm nóng cháo, mọi người thay phiên nhau bê cháo đến viện, vào từng phòng múc cháo mời bệnh nhân và người nhà của họ.

Chị Phụng nhớ, lúc đầu các thành viên trong tổ chưa có kinh nghiệm nên cháo thường bị khê và cháy, có khi cháo hỏng, phải bỏ. Thế là chị mày mò cả đêm trên các trang mạng tìm hiểu xem nấu loại cháo gì thì tốt cho sức khỏe bệnh nhân. Chị tìm đến các quán bán cháo nhờ chủ quán chỉ cách nấu thơm ngon, không bị khê, cháy. Nhiều người tưởng chị Phụng đến học bí quyết nấu cháo về bán nên không chịu giúp, nhưng khi nghe chị chia sẻ ý tưởng của mình, mọi người đều nhiệt tình chỉ dạy. Chị Phụng cho biết: "Lần đầu tiên chúng tôi mang cháo đến, các bệnh nhân cứ nghĩ cháo từ thiện thường không ngon, vào mời, họ rất dè dặt. Thậm chí, có người còn xua tay không nhận, lúc ấy chúng tôi cũng thấy tủi thân lắm. Nhưng khi ăn rồi, lần thứ hai chúng tôi quay lại, nhiều người đã khóc vì xúc động. Những lần sau đó, các thành viên trong tổ chỉ việc mang cháo đến một địa điểm, rồi mời bệnh nhân hoặc người nhà của họ ra lấy, không cần mang đến cho từng người như trước".

Bà Phạm Thị Lan (67 tuổi), một trong những thành viên đầu tiên trong tổ nấu cháo kể: Lúc đầu, chúng tôi không có địa điểm, phải đi nấu nhờ nhà người quen ở gần viện. Mất một năm ròng phải nấu cháo ngoài trời. Có hôm đang nấu bỗng trời đổ mưa lớn, chị em phải vội vàng mang ô ra che chắn, may mà nồi cháo hôm ấy không bị hỏng. Nấu xong, sáng hôm sau mọi người thay nhau khênh vào viện cách đó khoảng 500m. Nồi cháo nặng, cứ đi được một đoạn lại phải dừng nghỉ. Về sau, khi tổ sắm được xe đẩy, các thành viên trong tổ quyết định về nhà chị Phụng nấu cháo rồi đẩy xe đến viện phát.

Lan tỏa tấm lòng nhân ái

Không chỉ là mang đến một bữa sáng, các thành viên trong tổ còn động viên, hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân. Lần nào bệnh nhân và người nhà của họ ăn cháo xong, các thành viên đều hỏi xem họ ăn đã vừa miệng chưa, cháo nào họ ăn thấy ngon nhất để điều chỉnh cho phù hợp. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, tổ nấu cháo quyết định chọn món cháo thịt nạc, đậu xanh nấu cho bệnh nhân vì loại cháo này vừa ngon miệng lại đủ chất dinh dưỡng.

Sáng thứ bảy, tại Viện Bỏng quốc gia, người nhà bệnh nhân rủ nhau đến nhận cháo. Chị Nguyễn Thị Hồng (47 tuổi, Nghệ An), một trong những người nhà bệnh nhân cho biết: "Sáng thứ bảy nào mẹ con tôi cũng được các anh chị trong tổ phát cháo cho. Cầm bát cháo thơm phức, tôi có cảm giác được chia sẻ và thấy rất ấm lòng. Của cho không bằng cách cho. Các anh chị ai cũng niềm nở, nhẹ nhàng".

Những ngày đầu thành lập, đa phần chi phí nấu cháo do các thành viên trong tổ tự bỏ tiền túi ra lo liệu. Phạm Minh Nam (26 tuổi), con trai chị Phụng còn trích tiền lương hằng tháng để ủng hộ tổ nấu cháo của mẹ. Sau này, để có tiền duy trì hoạt động một cách đều đặn, các thành viên chia nhau đến từng nhà dân ở khu dân cư Cầu Bươu để kêu gọi ủng hộ. Dần dần, khi đã quen với việc làm có ý nghĩa này, bà con tự tìm đến, người góp gạo, người góp tiền, nồi cháo của bệnh nhân nghèo ở Viện Bỏng quốc gia cứ thế ngày càng đầy đặn thêm. Đến nay, hoạt động của tổ đã lan rộng ra toàn khu dân cư, chính quyền xã Tân Triều, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã tích cực ủng hộ hoạt động của tổ. Vậy là từ 3 thành viên ban đầu, sau 4 năm hoạt động, đến nay, tổ nấu cháo từ thiện khu dân cư Cầu Bươu có 10 thành viên. Mỗi tuần, họ cung cấp được khoảng hơn 200 suất cháo từ thiện cho các bệnh nhân ở Viện Bỏng quốc gia. Tuần nào được ủng hộ nhiều, tổ cũng tranh thủ phát thêm cháo cho bệnh nhân ở Viện K (cơ sở Tân Triều). Ngoài phát cháo miễn phí, tổ còn kêu gọi bà con trong khu dân cư Cầu Bươu góp gạo, góp tiền làm quà tặng cho bệnh nhân nghèo vào dịp lễ, tết và các bệnh nhi dịp trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi ở Viện K và Viện Bỏng quốc gia. Các thành viên trong tổ đều cảm thấy vui và tự hào vì những việc làm của mình. Bà Phạm Thị Lan tâm sự: "Chúng tôi sẽ còn tiếp tục duy trì công việc nấu cháo từ thiện cho đến khi sức khỏe không cho phép mới thôi".

Ngày 24-4-2015 vừa qua, tổ nấu cháo từ thiện khu dân cư Cầu Bươu được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì những đóng góp có ý nghĩa đó. Tổ được vinh dự là một trong số 11 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được phát hiện, giới thiệu (đợt đầu) trong cuộc thi "Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước TP Hà Nội năm 2015" (Hà Nội mới trang 8).

 

Bổ sung hướng dẫn giám sát và phòng chống hội chứng MERS-CoV

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn bổ sung giám sát và phòng chống hội chứng MERS-CoV áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân. Ngày 8/6, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn bổ sung giám sát và phòng chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân.

Theo định nghĩa tại bản hướng dẫn, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do một chủng vi rút mới của họ vi rút Corona gây nên (viết tắt là MERS-CoV). Vi rút MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa vi rút chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao, tỉ lệ chết/mắc từ 35-40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xinphòng bệnh.

Bản hướng dẫn cũng nêu rõ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh MERS-CoV khi có các triệu chứng như: sốt, viêm đường hô hấp từ nhẹ đến nặng; trước khi khởi phát bệnh trong vòng 14 ngày có tiền sử ở/ đi/ đến từ quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân MERS-CoV hoặc tiếp xúc gần với người bị viêm đường hô hấp cấp tính liên quan đến quốc gia có dịch.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nơi có ghi nhận 1 trường hợp trở lên xác định mắc MERS-CoV (có xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút MERS-CoV) được coi là một ổ dịch và ổ dịch này chỉ chấm dứt khi không ghi nhận trường hợp mắc mới trong vòng 28 ngày kể từ ngày khởi phát trường hợp bệnh gần nhất.

Bộ Y tế cũng quy định, trong trường hợp phát hiện ca bệnh MERS-CoV, cần thiết phải cách ly, điều trị tại cơ sở y tế, hạn chế tối đa biến chứng, tử vong và lây nhiễm trong bệnh viện. Thời gian cách ly cho đến khi đủ các tiêu chuẩn xuất viện của Bộ Y tế. Lập danh sách những người có tiếp xúc gần với người bệnh để quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày.

Việc xét nghiệm xác định bệnh phẩm nghi ngờ mắc MERS-CoV được giao cho các đơn vị: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Sức khỏe & Đời sống online, Nhân dân trang 8).

 

Sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV

Dịch bệnh MERS-CoV đã được ghi nhận tại 26 quốc gia với tổng số người nhiễm trên toàn cầu là 1.250 người, trong đó 451 người đã tử vong. Để ngăn chặn và có những biện pháp đối phó với dịch Mers, ngày 8/6, Bộ Y tế đã tổ chức buổi tập huấn giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho 63 tỉnh, thành. Cuối giờ chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan.Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV. Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh từ Hàn Quốc, mấy ngày gần đây đã xuất hiện tâm lý hoang mang của người dân trong nước trước thông tin đã có trường hợp mắc MERS-CoV tại Việt Nam. Về thông tin này, ông Phu khẳng định, đã có 4 trường hợp có biểu hiện sốt, ho đi từ vùng có dịch trở về nghi nhiễm MERS-CoV và đã được cách ly, làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 4 trường hợp đều âm tính với MERS-CoV.

Cũng theo ông Phu, các cơ sở được chỉ định xét nghiệm MERS-CoV của ta đều đủ điều kiện xét nghiệm phân lập và cho kết quả chính xác. Các trường hợp được xét nghiệm phải có các triệu chứng điển hình và có tiền sử dịch tễ (tiếp xúc gần người bệnh, đi về từ vùng có dịch; ngồi cùng hàng ghế người nhiễm, trong gia đình có người mắc...).

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế nhận định, thực tế các dịch bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, SARS... ở Việt Nam cho thấy phần lớn các ca bệnh đều phát hiện trong bệnh viện (BV), bởi vậy việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV phải đặt lên hàng đầu.

Để phòng chống dịch MERS-CoV hiệu quả, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong BV, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các BV trong trường hợp dịch lan rộng. Theo đó, các BV tuyến cuối gồm: BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Trung ương Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng 1 và 2, BV Chợ Rẫy điều trị những ca xâm nhập đầu tiên, những ca nặng, khó; xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp tập huấn cho các địa phương.

Tại hội nghị, đại diện của các bộ, ban, ngành cho biết đã có những động thái tích cực và khẩn trương trong hoạt động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV như: Bộ Quốc phòng sẵn sàng chuẩn bị các BV dã chiến; Bộ Ngoại giao: đưa các thông tin cảnh báo lên cổng thông tin của Bộ; Bộ Giao thông Vận tải: đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và đặc biệt nhấn mạnh Cục Hàng không;...

Liên quan đến lao động nước ngoài, đại diện Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, hiện có khoảng 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Hàn Quốc có khoảng 60.000 người (bao gồm khoảng 17.000 lao động bất hợp pháp). Trong tháng 6 sẽ có hơn 200 người về nước, cao điểm tháng 7 và 8 sẽ có hơn 1.000 lao động hết hạn về nước. Còn tại khu vực Trung Đông có khoảng 20.000 lao động. Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp đưa ra hướng dẫn bệnh MERS cho lao động Việt Nam tại các nước này. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu lao động có các biện pháp tuyên truyền theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nắm bắt được các tình hình của người lao động Việt Nam tại các vùng dịch. Ngoài ra, một nhóm có nguy cơ lây lan bệnh nữa là từ các khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không (Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng). Vì vậy, từ ngày 5/6, Tổng cục Du lịch đã gửi công văn đến các địa phương, các công ty du lịch khuyến cáo các công ty du lịch và các doanh nghiệp không tổ chức du lịch cho người dân tới vùng có dịch. Thường xuyên cập nhật thông tin và gửi tới khách du lịch khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm dịch - Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 1/6 đến hôm nay, số lượng khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam đã giảm. Do truyền thông hiệu quả nên người khách cũng rất có ý thức phòng bệnh khi tới Việt Nam (dùng khẩu trang và làm tờ khai y tế). Tuy nhiên cũng nên cảnh giác bởi có người có biểu hiện triệu chứng bệnh, có người không biểu hiện.

Tiểu ban Truyền thông phòng chống dịch của Bộ Y tế, ông Nguyễn Đình Anh cũng cho biết, từ ngày 8/6, Bộ Y tế đã ký văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị tăng thời lượng phát sóng các tin bài về phòng ngừa bệnh MERS-CoV và từ ngày 8/6 tới cuối tuần sau, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế sẽ phối hợp với các báo điện tử tổ chức tọa đàm về Mers. Ngày 10/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trực tiếp trả lời những thắc mắc về dịch bệnh MERS-CoV của người dân trên báo điện tử suckhoedoisong.vn.

Đẩy mạnh truyền thông, dập dịch ngay từ đầu, không để dịch lan rộng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, đây là quốc gia phát triển và đã được cảnh báo dịch, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn phức tạp với 95 ca bệnh được ghi nhận (trong đó 7 ca tử vong) tính đến nay. Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng về chuyên môn, kỹ thuật, chú trọng công tác cách ly và chống nhiễm khuẩn lên số 1, đặc biệt là đẩy mạnh phối hợp truyền thông, không cho dịch xâm nhập vào trong nước; nếu xâm nhập thì không để lan rộng và phải cố gắng dùng những điều kiện tốt nhất cứu chữa bệnh nhân.

Theo Bộ trưởng, thực tế đã chứng minh, làm tốt truyền thông, hiệu quả phòng chống dịch rất cao. Ca nghi nhiễm MERS-CoV ở TP.HCM là một bằng chứng sinh động. Đó cũng là hiệu quả của hoạt động áp dụng tờ khai ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng nhờ công tác truyền thông, giám sát kịp thời, ca nghi ngờ mắc đã được phát hiện, cách ly và theo dõi. Bệnh nhân cũng đã được xét nghiệm và khẳng định kết quả âm tính với MERS-CoV.

Bộ trưởng cho biết, ngày 5/6, Bộ Y tế đã thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại các khu vực: miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. 4 đội này có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV trên địa bàn phụ trách; sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh MERS-CoV xảy ra trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng, khi dịch chưa vào Việt Nam, trước hết phải kiểm soát chặt khâu nhập cảnh. Công tác này đã được triển khai khá tốt (như những tờ khai ở sân bay)... Bộ Y tế đã đưa ra 3 tình huống để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và phòng, chống dịch. Cụ thể, tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Thực hiện giám sát, dự phòng tại BV, cộng đồng đối với những trường hợp viêm đường hô hấp cấp, hội chứng cúm tại các BV, các trường hợp nghi ngờ, có tiền sử đi từ khu vực có dịch, báo cáo ngay lập tức khi có ca bệnh nghi ngờ theo quy định. Với tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, ngành y tế sẽ khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế sẽ đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ đạo các BV thực hiện phác đồ điều trị, dự trù thuốc men lấy nguồn từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Sức khỏe & Đời sống trang3, Gia đình & Xã hội trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang