Thường trực Chính phủ họp ứng phó dịch Covid-19
Sáng 9-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về ứng phó dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, xã hội trở lại hoạt động khá nhộn nhịp. Gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay ưu đãi 0% từ Ngân sách Chính sách Xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, đến nay, chưa có khoản vay nào được giải ngân. Điều này cho thấy doanh nghiệp phục hồi, sớm trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số ca nhiễm trên thế giới còn lớn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng.
Thủ tướng đề nghị cuộc họp thảo luận về một số vấn đề, như việc mở đường bay quốc tế. Số chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư, nhà quản lý vào Việt Nam với số lượng không nhỏ. Hiện nay, nhiều địa phương có kiến nghị đưa chuyên gia, nhà quản lý vào để triển khai các dự án. Vậy vấn đề là phải có biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước ngày càng nhiều. Vấn đề quản lý cách ly cũng phải đặt ra. Vấn đề nữa là kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh từ biên giới. Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng kịch bản truyền thông về phòng, chống dịch của Việt Nam với tinh thần chủ động, không mất cảnh giác trong bối cảnh trở lại hoạt động bình thường trong tình hình mới. Mục tiêu kép là ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và để phòng dịch Covid-19 trở lại.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (tính đến 5 giờ chiều 8-6), thế giới ghi nhận hơn 7,1 triệu trường họp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 406.353 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông-Nam Á, ghi nhận 103.703 trường hợp mắc và 3.062 tử vong, trong đó, Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (38.296), Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (1.851); bốn quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào).
Về xu hướng dịch bệnh trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay đã có 83 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng, 82 quốc gia/vùng lãnh thổ có xuất hiện chùm ca bệnh, 36 quốc gia/vùng lãnh thổ xuất hiện các ca bệnh rải rác, hai vùng lãnh thổ không ghi nhận ca bệnh. Mỹ vẫn là quốc gia có số trường hợp mắc và tử vong cao nhất trên thế giới với hơn hai triệu trường hợp mắc và hơn 100 nghìn người tử vong; tuy nhiên, số trường hợp tử vong theo ngày đang có xu hướng giảm trong những ngày gần đây. Tại Nam Mỹ, các quốc gia tiếp tục ghi nhận số trường họp mắc mới và tử vong gia tăng, đặc biệt tại Brazil và Chile.
Tại châu Âu, dịch bệnh đang có xu hướng thuyên giảm. Nhiều quốc gia đang hướng tới việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Liên hiệp châu Âu dự kiến sẽ mở cửa cho khách du lịch ngoài khu vực từ tháng 7-2020. Châu Á ghi nhận các dấu hiệu tích cực từ một số quốc gia, như: Trung Quốc đại lục không có thêm ca nhiễm trong nước, Hàn Quốc năm ngày liên tiếp không ghi nhận ca tử vong, Nhật Bản có kế hoạch mở cửa du lịch đối với bốn quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, ghi nhận 332 trường hợp mắc Covid-19 (liên tiếp 54 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng); ngày 8-6, ghi nhận thêm ba trường hợp mắc mới, là các hành khách nhập cảnh trở về Việt Nam, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đến nay, đã ghi nhận 316 trường hợp khỏi (chiếm 95%); 16 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 15 bệnh nhân tình trạng ổn định, bệnh nhân số 91 diễn biến tốt lên. Hiện, bệnh nhân đã ngồi dậy, tập vận động, tập ăn, tri giác nhận biết tốt. Ngày 8-6, đang thực hiện cách ly y tế 8.182 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 141 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế; 7.093 trường hợp cách ly tập trung và 948 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua là rất đáng trân trọng, gần hai tháng qua đã không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, giúp toàn dân yên tâm, vui mừng. Về quan điểm phát triển trong giai đoạn này, Thủ tướng nêu rõ, an toàn để phát triển, phát triển bền vững trong tình hình bình thường mới. Trong phát triển, phải xem xét, nghiên cứu tình hình thế giới và liên hệ với tình hình Việt Nam, đặc biệt, nước ta là nước hội nhập sâu rộng. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, cụ thể là Kết luận số 77, là phát triển kinh tế - xã hội trong nước là chính. Chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập, tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới. Trong mở cửa, không chỉ chú ý đến kinh tế mà chú ý cả quan hệ chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là các đối tác mà dịch bệnh đã giảm hẳn.
Thủ tướng nhấn mạnh việc phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, các cửa khẩu. Đưa chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài về nước là cần thiết, ứng xử nhân văn, cần tạo mọi điều kiện. Phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Từng bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách năm nay. Tiếp tục chăm lo an sinh xã hội cho người dân, không để người dân nào đói cơm, lạt muối, đứt bữa…, không để ai bị bỏ lại phía sau. Một vấn đề nữa cần quan tâm là tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly phù hợp nhưng không để người từ nước ngoài vào Việt Nam lây nhiễm ra cộng đồng.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đồng ý cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam theo địa chỉ. Thủ tướng giao cho UBND các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm cách ly có thu phí, tổ chức đón tiếp, xét nghiệm thuận lợi theo quy định. Bộ Tài chính trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế, trên cơ sở quy định pháp luật, xem xét việc thu phí cách ly, đặc biệt là thu phí điều trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Việc đề xuất cách ly, điều trị có thu phí phải nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp, chặt chẽ, tiết kiệm ngân sách, không gây phiền hà cho người dân.
Đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước mà chưa về được, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài; giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không tổ chức các chuyến bay đưa các đối tượng này về nước trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu không hạn chế số chuyến bay chở chuyên gia, doanh nhân, sinh viên, học sinh, người già… theo tiêu chí quy định về nước và để làm ăn. Bộ Ngoại giao thống nhất với Bộ Giao thông vận tải tăng tần suất chuyến bay đối với người Việt Nam muốn về nước theo yêu cầu.
Về việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước. Đồng ý với các đề xuất tại phiên họp cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke, nhưng Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, đặc biệt là buôn bán, sử dụng ma túy. (Nhân dân, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 3: “Thủ tướng đồng ý cho mở lại vũ trường, karaoke”; Hà Nội mới, trang 1: “Tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”; Công an Nhân dân, trang 1: “Tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”; Lao động, trang 1: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của Thế giới”.
Tiếp tục ngăn chặn đại dịch Covid-19
Theo tin nước ngoài và TTXVN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8-6 kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19, khẳng định dịch bệnh đang diễn biến xấu đi trên toàn cầu và vẫn chưa đạt đỉnh tại Trung Mỹ. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút nêu rõ: "Ðại dịch đã trải qua hơn sáu tháng, hiện không phải thời điểm để bất kỳ nước nào lơ là trong cuộc chiến (chống Covid-19)".
* Cùng ngày, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO M.Rai-ân cho biết, số ca mắc bệnh tại các quốc gia Trung Mỹ vẫn đang trên đà gia tăng. Theo ông, đây là thời điểm đáng quan ngại, cần tập trung ngăn chặn đợt đỉnh dịch Covid-19 thứ hai.
* Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến tối 9-6 (theo giờ Việt Nam), thế giới xác nhận tổng cộng hơn 7,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 409.000 người chết. Số người bệnh đã bình phục là hơn 3,5 triệu người, trong khi có 53.790 người bệnh ở trong tình trạng nguy kịch. Khu vực châu Mỹ, nhất là Mỹ la-tinh, đang chứng kiến đại dịch diễn biến phức tạp. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng số hơn 2.026.400 ca nhiễm và 113.061 người chết, tiếp đó là Bra-xin với 710.887 ca nhiễm và 37.312 người chết.
* Ngày 8-6, Bộ Y tế Chi-lê cho biết, Chi-lê phát hiện thêm 4.696 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 138.846 người. Trong đó, có 2.264 người chết. Ðể ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thủ đô Xan-ti-a-gô và toàn bộ khu vực lân cận đang phải thực hiện cách ly cho đến hết ngày 12-6 tới và sau đó sẽ được điều chỉnh tùy thuộc diễn biến thực tế.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Mê-hi-cô cho biết, số ca mắc Covid-19 ở nước này tăng lên 120.102 người, trong đó có 14.053 người chết. Số ca mắc và người chết tăng mạnh sau khi Mê-hi-cô quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội để từng bước đưa đất nước quay trở lại tình trạng bình thường mới từ ngày 1-6. Mê-hi-cô đang trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số người chết có thể lên đến 35.000 người.
* Ngày 8-6, thành phố Niu Oóc, Mỹ, chính thức mở cửa lại một phần hoạt động sau đúng 100 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại đây. Theo đó, khoảng 400.000 người lao động được trở lại làm việc. Ðại dịch Covid-19 đã làm gần 22.000 người ở Niu Oóc chết, hơn 205.000 người nhiễm bệnh và hàng triệu người phải cách ly tại nhà.
* Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, ngày 9-6, người bệnh Covid-19 cuối cùng, trong tổng số 19 ca nhiễm tại Lào đã bình phục và được xuất viện. Bộ trưởng Y tế Lào Bun-coong Xỉ-hả-vông, Phó Ban chuyên trách quốc gia kiểm soát và giải quyết dịch Covid-19 của Lào cho biết, người bệnh này 18 tuổi, được phát hiện ngày 27-3 vừa qua. Ðến nay, Lào đã trải qua 58 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới.
* Ngày 8-6, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu cho biết, I-xra-en quyết định ngừng nới lỏng các quy định hạn chế liên quan dịch Covid-19 dự kiến áp dụng trong những ngày tới, do số ca nhiễm mới tăng mạnh. Chính phủ hối thúc người dân bảo đảm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và giữ vệ sinh. Ðến nay, I-xra-en ghi nhận tổng cộng 18.089 ca mắc Covid-19, trong đó có 298 người chết.
* Cùng ngày, Ca-ta công bố kế hoạch gồm bốn giai đoạn nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch nhằm khôi phục cuộc sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh, theo đó giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 15-6 tới, các giai đoạn tiếp theo vào các ngày 1-7, 1-8 và 1-9. Các biện pháp hạn chế có thể được áp đặt trở lại trong trường hợp cần thiết.
* Bộ trưởng Y tế Anh M.Han-cốc thông báo từ ngày 8-6, nhà chức trách bắt đầu nghiên cứu về tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong số các giáo viên và học sinh tại xứ Inh-lần. Quyết định này nhằm tiến tới dần mở cửa trở lại các trường học sau một thời gian dài áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn nước Anh.
* Giới chức thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 9-6 cho biết, thành phố này không còn ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong nước, sau khi người bệnh cuối cùng bình phục ngày 8-6. Tính đến nay, Bắc Kinh ghi nhận tổng cộng 420 ca lây nhiễm trong nước, trong đó có chín người chết. Ðây là ngày thứ 54 liên tiếp Bắc Kinh không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
* Bộ trưởng Tài chính Ai Cập M.Ma-ít ngày 8-6 cho biết, đại dịch Covid-19 khiến GDP của nước này giảm khoảng 130 tỷ bảng Ai Cập (tám tỷ USD) trong năm tài chính 2020. Thu nhập từ thuế cũng như các khoản thu ngoài thuế của Ai Cập đã giảm 124 tỷ bảng Ai Cập. Do dịch bệnh, Ai Cập hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm tài chính 2020 từ 6% xuống còn 4%.
* Ngày 9-6, Ngân hàng trung ương Pháp (BoF) nhận định nền kinh tế Pháp sẽ cần hai năm để thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ do đại dịch Covid-19 gây ra. Dự báo, gần một triệu người bị mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức kỷ lục 11,8% trong nửa đầu năm 2021.
* Tại Ðức, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 vừa qua giảm 24% so với tháng trước đó, xuống 75,7 tỷ ơ-rô. Theo số liệu thống kê công bố ngày 9-6, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Ðức trong tháng 4 vừa qua giảm 31,1%, mức sụt giảm lớn nhất trong một tháng kể từ năm 1950. (Nhân dân, trang 8).
TPHCM triển khai y tế thông minh: Bước đột phá chăm sóc sức khỏe người dân
Việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại TPHCM đang có bước phát triển mạnh mẽ, với nhiều sáng kiến cải tiến. Tất cả đều hướng đến xây dựng hệ thống y tế TP hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế…
Chuyển mình theo xu hướng
Đầu năm 2019, lần đầu tiên Sở Y tế TP phát động đợt bình chọn Giải thưởng chất lượng khám, chữa bệnh với chuyên đề “Y tế thông minh”. Hưởng ứng đợt bình chọn này, đã có 38 đơn vị (trong đó, ngoài các bệnh viện (BV) công lập, còn có các BV thuộc bộ, ngành và BV tư nhân trên địa bàn TP) tham gia, với tổng cộng 94 sản phẩm.
Hội đồng bình chọn đã chọn ra 37 sản phẩm được đánh giá hiệu quả thực tế tại các đơn vị, chọn ra những sản phẩm tiêu biểu nhất để xếp hạng và trao giải. Đây là những sản phẩm mang tính sáng tạo, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đa dạng về loại hình ứng dụng, phong phú về sử dụng nền tảng công nghệ, có hàm lượng công nghệ rất cao, tiếp cận nền tảng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).
Tất cả sản phẩm tham gia giải thưởng chuyên đề “Y tế thông minh” đều trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp thêm các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế, và cung cấp các công cụ quản lý thông minh cho cán bộ y tế đang tham gia công tác quản trị BV và quản lý ngành.
Trong năm 2020, ngành y tế tiếp tục phát triển những ứng dụng mang lại tiện ích thiết thực cho người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế như: ứng dụng “tra cứu nơi khám, chữa bệnh”, ứng dụng “y tế trực tuyến”, ứng dụng “quản lý danh mục kỹ thuật”, ứng dụng “quản lý nguồn nhân lực y tế”…
Các sản phẩm này cũng là kết quả của những hành động cụ thể ban đầu của ngành y tế thành phố trên lộ trình triển khai Đề án Y tế thông minh. Khi được hiện thực hóa, chắc chắn đề án này sẽ đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân thành phố và khu vực phía Nam.
Dần hoàn thiện Đề án Y tế thông minh
Tiếp nối các sản phẩm y tế thông minh đã được ngành y tế TP công bố trong năm 2019, Sở Y tế đang hoàn chỉnh Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để trình UBND TP xem xét phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế, hướng đến xây dựng hệ thống y tế TP hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời; góp phần xây dựng đô thị thông minh theo mục tiêu của TP đã đề ra.
Theo đó, ngành y tế sẽ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân TP, đảm bảo liên thông với hồ sơ bệnh án điện tử của các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần làm tăng hiệu quả của hệ thống cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh thông minh tạo ra nhiều tiện ích cho người bệnh khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ, khám chữa bệnh từ xa.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các BV. Xây dựng dữ liệu của ngành y tế về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân; dữ liệu lớn về nhân lực, cơ sở hành nghề, trang thiết bị, danh mục kỹ thuật… làm nền tảng xây dựng hệ thống thông minh, đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của TP, góp phần vào việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh...
Với y tế thông minh, người dân dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa; dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn BV, chọn giờ khám thuận lợi mà không phải đến BV ngồi chờ để đến lượt khám; không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được BV trước đó đã làm… Người dân cũng có thể giám sát và phản ánh trực tiếp cơ sở y tế, có thể truy cập dễ dàng thông tin về tình hình sức khỏe của mình, cũng như trao đổi trực tiếp và được tư vấn từ xa với bác sĩ điều trị.
Trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học, dễ dàng trao đổi thông tin lâm sàng, cận lâm sàng trong cùng một BV và giữa các BV với nhau; hội chẩn từ xa thay vì phải chuyển viện…
Những người công tác trong cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp cận được dữ liệu chính xác và kịp thời của ngành y tế, đề ra những dự báo có cơ sở thực tiễn. Chủ động có can thiệp hiệu quả, như dự báo dịch bệnh và chủ động can thiệp, hệ thống điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện của mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố; điều phối tình trạng quá tải tại các BV, kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân…
10 ứng dụng khi xây dựng y tế thông minh
(1) Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý BV (HIS); (2) Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS); (3) Triển khai hệ thống lưu trữ và luân chuyển hình ảnh (PACs) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); (4) Tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACs/RIS, kết nối các dữ liệu từ HIS, LIS, PACS/RIS cho từng hồ sơ bệnh nhân; (5) Xây dựng bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử; (6) Ứng dụng các công nghệ nhận dạng mới, nhận diện người bệnh, tránh nhầm lẫn thông tin người bệnh, định vị người bệnh trong quá trình điều trị tại BV; (7) Ứng dụng các thuật toán về máy học, xây dựng các hệ thống nhắc tự động, hệ thống cảnh báo, dự báo thời gian chờ khám, chờ xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh nhằm tránh ùn tắc cục bộ trong quá trình khám bệnh, chuyển lời đọc thành văn bản trong hồ sơ bệnh án điện tử… bằng nguồn dữ liệu sẵn có của BV và công nghệ dựa trên các thuật toán về máy học; (8) Nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán và điều trị; (9) Xây dựng ứng dụng tương tác với người bệnh trên thiết bị di động, web; (10) Đảm bảo an toàn thông tin, cần quan tâm xây dựng các quy trình, quy định, các chính sách liên quan đến vận hành hệ thống thu thập số liệu phần mềm quản lý BV từ khâu tiếp nhận bệnh đến xuất viện, kết thúc lần khám, sử dụng và khai thác thông tin bệnh án điện tử. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
95,5% bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi
Chiều 9.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết đã 54 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và 8.182 người tiếp xúc gần, nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Trong ngày, 1 bệnh nhân (BN) được công bố khỏi bệnh là BN 326 (nữ, 20 tuổi), tại Bệnh viện (BV) dã chiến Củ Chi (TP.HCM). Đã có 317/332 BN (95,5%) Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi.
Về sức khỏe BN 91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ cho biết, BN tiếp tục phục hồi: tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ tay và sức cơ chân đã cải thiện, đạt 4/5 và 2/5 (trước đó các chỉ số này là 2/5 và 1/5).
Sau 6 ngày ngừng ECMO, BN đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, có thể viết vào bảng để giao tiếp. BN có phổi cải thiện, trao đổi ô xy khá hơn, có đáp ứng với kháng sinh điều trị, giảm sốt dù được xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn hiếm gặp (Ralstonia pickettii).
BN 91 đang được hãng bảo hiểm xem xét hồ sơ, thanh toán chi phí điều trị. Riêng trong giai đoạn đầu tiên tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chi phí điều trị cho BN này là 3,5 tỉ đồng.
Một số BN nước ngoài khác đã được các công ty bảo hiểm thanh toán chi phí điều trị, trong đó 3 ca bệnh nặng đã được thanh toán từ 284 - 538 triệu đồng. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Chỉ còn 9 người dương tính với Sars-Cov-2”.
Ô nhiễm không khí gây nhiều hệ lụy
Thời gian qua, ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hiện nay, tình trạng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều cấp độ, đã và đang gây nhiều hệ lụy cho môi trường, tác động xấu đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội...
Khói, bụi khắp nơi...
Việc đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những ngày gần đây có mặt tại một số xứ đồng thuộc xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận việc rơm rạ bị đốt ngay trên ruộng, khói bụi bao phủ cả một vùng... Ông Kiều Minh Hùng, xã Liệp Tuyết bức xúc: Mấy ngày gần đây, người dân đốt rơm rạ nhiều. Dù cách xa khu dân cư hàng trăm mét nhưng khói từ ngoài đồng vẫn theo chiều gió bay thẳng vào nhà dân, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tương tự, tình trạng đốt rơm rạ cũng xảy ra ở nhiều xứ đồng thuộc các huyện: Đông Anh, Thạch Thất, Thanh Oai... khiến không khí oi nóng càng trở nên ngột ngạt.
Không chỉ đốt rơm rạ, tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề cũng diễn ra phổ biến ở nhiều vùng quê gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là những ngày Hà Nội đang hứng chịu đợt cao điểm nắng nóng kéo dài. Bà Vũ Thị Hường ở thôn Triệu Xuyên, xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) cho biết: Mùi khét lẹt của gỗ cháy, cộng với làn khói đen kịt bốc lên, bay vào khu dân cư khiến ai hít phải cũng đau đầu, tức ngực, khó thở...
Tình trạng đốt vải vụn cũng thường xuyên xảy ra tại điểm tập kết rác thải sinh hoạt thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai). Dù đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn đã nhiều lần kiến nghị UBND xã có biện pháp ngăn chặn, nhưng đến nay tình trạng đốt rác thải vẫn không giảm.
Đáng chú ý, tình trạng khói bụi từ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực nội đô. Những ngày đầu tháng 6-2020, nồng độ bụi mịn (PM2.5) ở nội thành Hà Nội có xu hướng tăng cao bất thường từ thời điểm 23h kéo dài 2-3 tiếng sau đó. Đặc biệt, vào đêm 6-6 vừa qua, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí tại khu vực chạm ngưỡng xấu và rất xấu. Nguyên nhân chính được xác định là do nguồn phát thải từ đốt rơm rạ.
Khu vực nội thành còn phải thường xuyên chịu ô nhiễm bởi khói xe và bụi từ các công trình xây dựng... Trong đó, dọc tuyến đường từ Trần Phú (quận Hà Đông) đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động xây dựng, vận chuyển vật liệu gây rơi vãi đất cát, bụi bẩn cũng diễn ra phổ biến.
Khói, bụi... đang là những tác nhân khiến chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm. Theo kết quả quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại các tuyến đường có mật độ giao thông cao, nồng độ bụi mịn thường cao hơn trong khu dân cư... Cụ thể, liên tục từ ngày 1 đến 7-6 vừa qua, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (PM10 và PM2.5) trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng.
... và những hệ lụy
Đã có nhiều năm làm công tác quản lý môi trường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) Mai Trọng Thái nhận xét: Nhiều năm nay, chất lượng không khí ở Hà Nội có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2019, khu vực nội thành ghi nhận 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, chỉ số AQI cao nhất dao động 151-200. Thế nhưng, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, có các đợt ô nhiễm vào các ngày 13 và 14-1; 2 và 23-2, chỉ số AQI tại khu vực Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Trung Yên 3... dao động quanh mức 151-201 (mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân).
Tại khu vực ngoại thành, những ngày qua tình trạng đốt rơm rạ tái diễn khiến chỉ số AQI từ 18h đến 23h các ngày 3, 4 và 6-6 tại thị trấn Sóc Sơn dao động từ 163 đến 220 (mức xấu và rất xấu); xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), chỉ số AQI 101-130 (mức kém)...
Ô nhiễm không khí cũng khiến gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí; riêng với bệnh lý hô hấp, khoảng 43% trường hợp tử vong...
Còn tại Việt Nam, bác sĩ Bạch Thị Nhớ, công tác tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho biết: Bụi PM2.5 đi vào cơ thể, khi tích tụ sẽ gây ra các bệnh liên quan đến tim, đột quỵ và một số bệnh mạn tính khác như hen suyễn. Đặc biệt, người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp... liên tục hít phải không khí ô nhiễm, nguy cơ bệnh ngày càng tăng nặng.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thường xuyên khuyến cáo người dân cần theo dõi chất lượng không khí trên website moitruongthudo.vn; trên Báo Hànộimới số ra hằng ngày... Khi thấy chỉ số AQI hiện màu cam (mức kém), màu đỏ (mức xấu), màu tím (mức rất xấu), người dân cần hạn chế ra ngoài trời và có biện pháp bảo vệ sức khỏe. (Hà Nội mới, trang 5).
Học phí khối ngành Y tăng mạnh:Cần cơ chế giám sát để tránh việc “tận thu”
Năm học 2020-2021, học phí đại học (ĐH) công lập khối ngành sức khỏe các trường hoạt động theo cơ chế tự chủ dự kiến tăng mạnh, cá biệt có ngành học còn tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo y khoa rất tốn kém vì không thể đào tạo “chay”. Do vậy, khi không có sự hỗ trợ thêm của Nhà nước do trường thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn thì giải pháp tăng học phí cũng là tất yếu.
Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, lộ trình thế nào cần có cơ chế giám sát để việc tăng học phí không “tước” đi cơ hội được học tập của học sinh nghèo.
Học sinh nghèo học giỏi có mất cơ hội trở thành bác sĩ?
Theo đề án tuyển sinh năm học 2020-2021, Trường Đại học (ĐH) Y dược TP Hồ Chí Minh dự kiến mức học phí dao động từ 30-70 triệu đồng/năm tùy theo ngành, trong khi năm học 2019 là 13 triệu đồng/năm. Cụ thể, ngành Răng hàm mặt có mức học phí cao nhất là 70 triệu đồng, Y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng/năm. Các ngành Điều dưỡng, kỹ thuật thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng cùng có mức học phí 40 triệu đồng/năm. Hai ngành cùng mức học phí 38 triệu đồng/năm là y học dự phòng và y học cổ truyền. Còn ngành Y tế công cộng và dinh dưỡng có học phí 30 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, mức học phí các năm tiếp theo tại ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%. Dù có mức học phí khá cao so với mặt bằng chung các trường công lập đào tạo nhóm ngành sức khỏe trong những năm gần đây song năm học 2020-2021, học phí đào tạo của Khoa Y thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh dự kiến tiếp tục tăng so với năm 2019. Cụ thể, ngành Răng hàm mặt 88 triệu đồng/năm học, Y đa khoa 60 triệu đồng và Dược học 55 triệu đồng/năm...
Trường ĐH Y dược Cần Thơ công bố học phí dự kiến năm 2020 theo đề án tự chủ của chương trình đại trà cũng tăng lên 24,6 triệu đồng/năm, trong khi năm 2019 mức học phí của trường là 19,2 triệu đồng/năm…
Với mức tăng học phí ngành Răng hàm mặt là 70-88 triệu đồng/năm, ngành Y khoa 60 triệu đồng/năm và mỗi năm, học phí tăng thêm trung bình khoảng 10%, tính ra nếu học 5-6 năm mới ra trường thì chỉ tính riêng học phí, sinh viên ngành Răng hàm mặt phải nộp khoảng 350-440 triệu đồng; sinh viên ngành Y đa khoa nộp khoảng 360 triệu đồng. Nếu cộng thêm các chi phí sinh hoạt khác, trung bình 2-4 triệu đồng/tháng, với 5-6 năm đại học, mỗi sinh viên sẽ mất thêm 140-280 triệu đồng.
Như vậy, sau khi tốt nghiệp, mỗi sinh viên sẽ mất khoảng 490 triệu đến 800 triệu đồng. Đây là con số “gây sốc” với những học sinh có nguyện vọng trở thành bác sĩ, nhất là hoc sinh giỏi nhưng điều kiện kinh tế trung bình hoặc khó khăn. Nhiều giáo viên phổ thông cho rằng, với mức học phí này, có khả năng nhiều học sinh lớp 12 năm nay phải từ bỏ giấc mơ trở thành bác sĩ.
Còn theo các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), từ nhiều năm nay, ngành Y luôn là một trong những địa chỉ được nhiều sinh viên nghèo học giỏi hướng đến. Nếu học phí quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, học phí sẽ trở thành một tiêu chí chính khi lựa chọn ngành học. Nghĩa là số sinh viên giỏi sẽ giảm xuống và số sinh viên có tiền theo học y sẽ tăng lên. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực chung cũng như đặc thù riêng của ngành.
Đa dạng nguồn thu, không thể chỉ trông chờ vào học phí
Nghị định 86/2015 của Chính phủ đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường.
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và nghị định hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực từ tháng 7-2019, các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo điều 65 của luật. Theo đó, các trường ĐH đáp ứng được khoản 2 điều 32 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi về các điều kiện để được tự chủ, đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên thì sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cở sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Với các trường ĐH khối Y dược, khi thực hiện tự chủ tài chính, việc điều chỉnh tăng học phí cũng là thực hiện theo đúng quy định của Luật song việc tăng “phi mã” như thông báo của một số trường ĐH phía Nam đã thực sự khiến xã hội lo lắng. Đây cũng là lý do mà ngay từ khi lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về câu chuyện tăng học phí sau tự chủ. Cách nào để tránh việc “tận thu”, cơ chế giám sát ra sao để học phí không “tăng phi mã”, khiến con em của các gia đình khó khăn không có cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH?
Nhiều giải pháp đã được đề xuất trong đó, đa số đồng tình với quan điểm các trường cần chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa các nguồn thu, không chỉ mãi trông chờ vào nguồn thu học phí để giảm bớt gánh nặng cho người học.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Nhiều trường ĐH quốc tế tính học phí dựa trên nguyên tắc phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Theo đó, các trường tính chi phí đào tạo một sinh viên, sau đó mới tính đến nguồn thu để bù đắp chi phí này và nguồn thu ở đây không phải chỉ riêng học phí.
Thông thường, trường sẽ có 3 nguồn thu là học phí, nguồn hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng và nguồn do xã hội hiến tặng hay do nhà trường huy động được. Khi đã công bố được các cam kết chuẩn đầu ra và tổng nguồn thu, nhà trường mới cân đối để đưa ra mức học phí phù hợp.
Ông Khuyến cũng cho rằng, để hài hòa quyền lợi giữa nhà trường và sinh viên, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục đào tạo để làm căn cứ để các trường ra được quyết định mức thu học phí. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề thu học phí.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thay đổi chính sách tín dụng cho sinh viên phù hợp với học phí mới. Các trường ĐH cũng cần những cam kết cụ thể khi thực hiện cơ chế tự chủ đó là không bỏ rơi người học bằng chính sách học bổng, dự án xã hội hóa kêu gọi hỗ trợ dành cho đối tượng này. (Công an Nhân dân, trang 6).
Bụi mịn gây hại nhiều hơn rác thải nhựa
Vùng nào có nhiều ô nhiễm bụi mịn thì tuổi thọ sẽ giảm đi 2 năm so với tuổi thọ trung bình. Tác động của bụi mịn cao hơn tác hại của thuốc lá hay tai nạn giao thông. So với rác thải nhựa, nó nguy hại hơn từ 2 - 10 lần.
Bụi mịn – “kẻ giấu mặt” đáng sợ
Nhân ngày Môi trường Thế giới, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển Pháp (IRD) và Tổ chức Live & Learn tổ chức buổi tọa đàm “Ô nhiễm bụi mịn: Mặt tối của hoạt động con người”. Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề khí thải sau quá trình đốt (tác nhân chính gây ô nhiễm không khí) và tổng hợp những nghiên cứu về bụi mịn đến thời điểm này (nguồn gốc, chu trình, tác động đến sức khỏe, khí hậu, và hệ sinh thái, các biến động lịch sử và toàn cảnh quá trình phát thải, các điểm nóng phát thải).
TS Xavier Mari, nhà sinh địa hóa học, Viện Hải dương học thuộc Địa Trung Hải (MIO)/IRD, chuyên gia về chu trình của carbon và tác động của ô nhiễm bụi mịn đến các quá trình đại dương – khí hậu cho hay, bụi mịn không phải là vấn đề mới. Theo các nghiên cứu, hàm lượng bụi mịn tăng tác động đến hệ tim mạch rất lớn, gây tai biến, ung thư phổi, ung thư vú... nguy cơ gây ung thư cao hơn, đặc biệt là trong các thành phố lớn.
Kích cỡ của hạt bụi thể hiện khả năng xâm nhập vào cơ thể theo nguyên tắc càng nhỏ càng nguy hiểm. Bụi PM 10 chỉ xâm nhập được phía ngoài hệ hô hấp, PM 5.0 sẽ xâm nhập được mức độ sâu hơn sau đó đến PM2.5. Loại bụi PM 0.1 có thể xâm nhập vào đến hệ tim mạch, len lỏi vào các mạch máu. Hiện nay các loại bụi mịn trong không khí từ hoạt động của con người hầu hết đều có kích cỡ nhỏ hơn PM 10.
Nguy hại nhất là loại bụi mịn PM 0.1 có kích cỡ tương đương với virus, chúng ta không quan sát được. Đó là loại hạt có thể xâm nhập sâu vào hệ tuần hoàn, các mạch máu nhỏ, có nguy cơ lớn nhất với sức khỏe của con người. Mỗi loại hạt bụi có tác động đến sức khỏe khác nhau, đó là tác động tổng hòa, khi chúng phối hợp với nhau thì mức độ nguy hiểm cao hơn. Loại hạt bụi từ đốt các loại nhiên liệu là hạt bụi có mức độ nguy hại cao nhất.
Tuổi thọ giảm khi sống ở vùng ô nhiễm
TS Xavier Mari cho hay, châu Á là nơi phát thải bụi mịn nhiều nhất. Ở Việt Nam, vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông là nơi phát thải bụi mịn (hay còn gọi là muội than) nhiều nhất, muội than tác động khá lớn đến sức khỏe. PM2.5 là nguyên nhân gây ra tử vong của 5% các bệnh liên quan đến phổi, 5% các bệnh về não và 5% các bệnh về tim mạch. Vùng nào có nhiều ô nhiễm bụi mịn thì tuổi thọ sẽ giảm đi 2 năm so với tuổi thọ trung bình, tác động của bụi mịn cao hơn tác hại của thuốc lá hay tai nạn giao thông. Bụi PM2.5 gây ra 7,2 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á,bản đồ phát thải và bản đồ tỷ lệ tử vong tính theo km vuông cân bằng với tỷ lệ phát thải. Khu vực châu thổ sông Hồng, từ 60 - 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm bụi mịn. Tác hại của bụi mịn gấp từ 2 - 10 lần so với rác thải nhựa.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia trong việc mô hình hóa lập bản đồ ô nhiễm không khí, báo cáo 2018 Việt Nam xếp hạng 132/180 quốc gia, Việt Nam đang chịu ô nhiễm bụi mịn cao, số ngày PM2.5 vượt chuẩn cao. Phân bố ô nhiễm không khí ở Việt Nam, miền Bắc có ô nhiễm không khí cao hơn miền Nam, khu đô thị có mức ô nhiễm không khí cao hơn các khu vực nông thông. Mức độ ô nhiễm bụi mịn ở thành phố cao hơn nông thôn 1,49 lần. Ô nhiễm thay đổi theo mùa, cao hơn các tháng mùa đông và thấp hơn các tháng hè.
Nguồn phát thải chính của ô nhiễm không khí, từ cháy rừng, giao thông, công nghiệp, làng nghề, xây dựng, đốt rơm rạ. Theo các nghiên cứu về ô nhiễm không khí chưa nhiều, từ 1990 - 2015 thì số người chết vì ô nhiễm không khí tăng, số người nhiễm các bệnh hô hấp cũng tăng… Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải cùng hành động ngăn chặn các nguồn phát thải, bảo vệ bầu khí quyển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, vì sức khỏe của con người. (Khoa học & Đời sống, trang 1).