Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, làm việc tại tỉnh Hậu Giang; Khen thưởng 19 cá nhân tham gia cấp cứu người bệnh nhiễm HIV

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, làm việc tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 8-7, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chuyến công tác thăm, làm việc tại tỉnh Hậu Giang.

Chiều 8-7, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Tiếp và làm việc với Bộ trưởng có đồng chí Huỳnh Văn Chắc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành và các đơn vị trong ngành Y tế tham dự.

Theo báo cáo của Sở Y tế cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động ngành Y tế tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành có 3.023 cán bộ y tế, trong đó sau đại học chiếm 7,74%; đại học 19,28%; cao đẳng, trung học 67,03%, số trình độ khác chiếm 5,95%. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 6,2; tỷ lệ dược sỹ/vạn dân đạt 1,7%. Giường bệnh trên/vạn dân đạt 26,27. Số người tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt còn thấp 56,86%, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị được đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, đã làm thay đổi bộ mặt y tế từ tỉnh đến xã. Kinh phí giành cho ngành Y tế năm sau cao hơn năm trước đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của các cơ sở y tế. Hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch chặt chẽ, khống chế và ứng phó kịp thời với các dịch bệnh mới nổi. Các bệnh truyền nhiễm đều giảm so với năm 2014. Các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và các chương trình y tế dự phòng được triển khai tích cực, góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm của cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số, bảo vệ môi trường... (Sức khỏe & đời sống (trang 3)

Khen thưởng 19 cá nhân tham gia cấp cứu người bệnh nhiễm HIV

Chiều 9-7, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã trao quyết định khen thưởng, biểu dương toàn bộ kíp trực cấp cứu cho bệnh nhân H. ngày 4-7, ca cấp cứu khiến cho 19 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải đối mặt nguy cơ phơi nhiễm HIV đang được dư luận quan tâm gần đây.

. Trước đó, ngày 4-7, chị N.T.H. cùng con trai 12 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối, Hưng Yên, chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu.

Theo kết quả xét nghiệm bước đầu, hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV.(Nhân dân (trang 5), Gia đình & xã hội (trang 7), An ninh thủ đô (trang 8), Hà nội mới (trang 1), Sức khỏe & đời sống (trang 2))

18 y - bác sĩ bị phơi nhiễm HIV: Ai cũng lo cho bản thân, bệnh nhân sao có cơ hội sống!

Bác sĩ (BS) Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội - chia sẻ như vậy với PV Báo Lao Động vào chiều 9.7 - 4 ngày sau ca phẫu thuật cấp cứu đặc biệt mà sau đó ông cùng 17 đồng nghiệp bị phơi nhiễm HIV. Đáp lại lo lắng của cộng đồng, ông chỉ cười: “May mắn nhất là bệnh nhân được cứu sống”.

 

Một giây sững sờ

Buổi làm việc hôm ấy của BS Lưu Quốc Khải vẫn diễn ra bình thường. “Tôi là phẫu thuật viên chính còn trang bị bảo hộ đầy đủ hơn các nhân viên khác. Nhiều nhân viên lúc đó còn không kịp đi cả găng tay bảo vệ. Có người còn đang mang thai. Khi ca phẫu thuật gần kết thúc, nhận được thông tin bệnh nhân dương tính với HIV, cả kíp sững sờ trong giây lát. Thế nhưng, trực tiếp cấp cứu nhiều ca nặng nên tôi chủ động động viên mọi người. Sở dĩ lúc đó chúng tôi sững sờ bởi cấp cứu là bản năng nghề nghiệp, còn khi nghe tin bệnh nhân nhiễm HIV là bản năng của con người. Ca cấp cứu đặc biệt nên người nhà chưa kịp thông báo tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Nhưng nếu biết bệnh nhân nhiễm HIV chúng tôi vẫn cấp cứu như bình thường. Ai cũng lo cho bản thân thì bệnh nhân không còn cơ hội sống như hôm nay” - ông chia sẻ.

Y tá Bùi Thị Thanh - đang mang thai tham gia ca mổ - tâm sự: “Thời điểm đó mọi công đoạn đều phải diễn ra khẩn trương bởi tình hình sức khỏe bệnh nhân không cho phép chậm một giây. Bệnh nhân không thể chuyển lên phòng mổ mà phải cấp cứu ngay tại phòng cấp cứu. Bản thân tôi không kịp đi găng tay vì mọi việc diễn ra quá gấp. Ca phẫu thuật diễn ra khoảng 1 giờ, lúc hay tin bệnh nhân nhiễm HIV, tôi thấy tay mình có dính máu nhưng công tác trong ngành y tôi hiểu cơ chế lây nhiễm của HIV. Sau ca mổ biết thông tin nhiều người gọi điện hỏi thăm nhưng tôi cùng các đồng nghiệp vẫn an tâm vì biết khả năng lây nhiễm rất thấp”.

Có quy trình, nhưng…

TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội - thừa nhận, BV cũng tiếp nhận người bệnh có HIV và đều nắm được quy trình cần phải làm gì khi khám, điều trị. Tuy nhiên, trong giây phút bệnh nhân rơi vào thập tử nhất sinh, các cán bộ đều nỗ lực hết mình để cứu bệnh nhân. Đáng tiếc là tất cả đều không có sự phòng hộ để phòng lây nhiễm. Rất may là bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV tại địa phương vì thế khả năng lây nhiễm sẽ thấp hơn. “Trong hoàn cảnh đó nếu ai cũng nghĩ đến việc trang bị đầy đủ đồ phòng hộ cho mình có lẽ không cứu kịp người bệnh” - TS Ánh nói.

TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - chia sẻ: “Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đây là những trường hợp phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp. Cấp cứu bệnh nhân là công việc thường xuyên của các BV. Tuy nhiên, việc một lúc nhiều cán bộ y tế cùng bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trong trường hợp này là ít gặp”. Cũng theo ông Long, trong số 18 cán bộ y tế trực tiếp tham gia cứu chữa cho bệnh nhân, cần đặc biệt quan tâm đến những cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh. Khi xảy ra sự việc, BV Phụ sản Hà Nội đã xử trí theo đúng quy trình và hướng dẫn của Bộ Y tế từ việc đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm HIV, tư vấn cho các cán bộ y tế, đồng thời BV cũng liên hệ ngay với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội để cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm cho tất cả 18 y, bác sĩ này, bất kể đó là ngày nghỉ cuối tuần. “Được điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong 48 giờ sau phơi nhiễm có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV” - TS Long cho hay. Cũng theo vị này: “Với nguy cơ lây nhiễm không cao, người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, nhân viên y tế được xử trí nhanh nên chúng tôi có niềm tin là các cán bộ y tế trên sẽ không bị lây nhiễm HIV” - TS Long nói. (Lao động (trang 1))

Bệnh viện Nhi đồng 1: 10 năm và hành trình cứu sống hơn 3000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Kể từ khi triển khai Chương trình phẫu thuật tim kín vào năm 2004 và phẫu thuật tim hở từ năm 2007, tới nay, các bác sĩ (BS) bệnh viện này đã thực hiện được 3.115 ca phẫu thuật tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam. Trong  đó, có 645 ca tim bẩm sinh nặng, phức tạp và 125 ca bệnh nhi sơ sinh được phẫu thuật thành công.

Ca phẫu thuật tim hở có số cân nặng thấp nhất là 2000 gam, và ca phẫu thuật tim kín có cân nặng thấp nhất là 1.200 gam. Trong đó, tỉ lệ tử vong phẫu thuật tim đã giảm từ 7,7% năm 2004 xuống còn 1,1% vào năm 2014.

Thế nhưng, dù đã hoạt động hết công suất, thậm chí các BS đã phải làm việc vào ngày thứ 7, chủ nhật, nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phải chờ phẫu thuật và danh sách trẻ cần phải phẫu thuật tim bẩm sinh hiện đã lên tới 1.300 trẻ. Số ca khám ngọai trú thì rất cao: 18.023 trường hợp (năm 2012); 13.867 trường hợp ( năm 2013) và 13.385 trường hợp ( năm 2014) tới khám tại Nhi đồng 1, liên quan tới mắc tim bẩm sinh.

Từ những ca đơn giản thực hiện từ 2004 tới những bệnh lý phức tạp nhất về tim mạch mà Thế giới làm được, đều được thực hiện thành công tại đây.

Nói về cuộc hành trình “từ trái tim tới trái tim” này, TS – BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay:  10 năm qua, nhờ có  sự hỗ trợ của nguồn Ngân sách TP HCM, còn có sự hỗ trợ của Viện tim TP, tổ chức Children’s HeartLink, đặc biệt là sự hỗ trợ từ nhiều nhà hảo tâm. Hiện, bệnh viện thực hiện được khoảng 7 ca/ngày ( 2-3 ca nặng, còn lại là thực hiện các ca cấp cứu và ca phẫu thuật tim bẩm sinh trong chương trình). Riêng với các trường hợp trẻ cần thông tim can thiệp, hiện không phải chờ đợi, mỗi ngày bệnh viện thực hiện được từ 5-7 ca. (Công an nhân dân (trang 4))

Ngoài ra, bệnh viện đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập mạng lưới quản lý điều trị bệnh tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam. Theo đó, bệnh viện đã tăng cường đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho các tỉnh, thành. Bệnh Nhi sau khi được chẩn đoán và quản lý tại địa phương, được đưa lên phẫu thuật tại Nhi đồng 1, xuất viện sẽ được tái khám, tiếp tục điều trị tại địa phương theo phác đồ của bệnh viện Nhi Đồng 1. Và nếu mạng lưới này hoạt động tốt, thời gian chờ đợi và điều trị tại Nhi Đồng 1 sẽ giảm, mở ra nhiều  cơ hội cho trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh sớm được phẫu thuật. (Công an nhân dân (trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang