Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/8/2022

  • |
T5g.org.vn - Vì sao Hải Phòng, Thái Nguyên bổ sung 550.000 ca COVID-19?; Tiêm chủng là nghĩa vụ, là trách nhiệm và quyền lợi của từng người dân: Hành hung nhân viên y tế: Không xử nghiêm sẽ thành vấn nạn nhức nhối…

 

Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện

Ngày 9/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an về việc tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, tại các bệnh viện liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế, điển hình một số vụ việc sau:

Ngày 27/7/2022 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ P.H.T. bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cá cho bé gái.

Ngày 30/7/2022, tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế.

Ngày 6/8/2022, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh), có thêm một bác sĩ bị tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.

Để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn về một số nội dung, cụ thể:

Điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/ 2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế; Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội về bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.

Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bản trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế.

Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh.

Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự. (Nhân dân, trang 8).

 

Tiêm chủng là nghĩa vụ, là trách nhiệm và quyền lợi của từng người dân

Sáng 9-8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Để bảo đảm mục tiêu kép và đặt sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn khẩn trương, thần tốc triển khai các công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến cấp xã.

UBND thành phố giao Sở Y tế căn cứ kết quả rà soát đối tượng, dự trù nhu cầu sử dụng vắc xin phòng Covid-19 của các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, lực lượng liên quan và tiến độ phân bố, bàn giao vắc xin của Bộ Y tế để có kế hoạch bảo đảm cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vắc xin phòng Covid-19 cho các quận, huyện, thị xã, không để tình trạng thiếu vắc xin.

Theo dõi tiến độ, kịp thời đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các địa phương; kịp thời tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo, chỉ tiêu tiến độ của Chính phủ, Bộ Y tế.

UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện. Thủ trưởng cơ quan đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân của đơn vị mình được tiêm chủng theo đúng lịch. (Hà Nội mới, trang 7).

 

9 việc cần làm ngay để giảm nhẹ các triệu chứng cúm mùa

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho khan, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.

Hầu hết mọi người phục hồi, hết sốt và các triệu chứng khác của cúm mùa trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người đang mắc các bệnh khác. Vì vậy, việc chăm sóc tại nhà là vô cùng quan trọng.

Vệ sinh mũi sạch sẽ

Việc vệ sinh mũi sạch sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của chất nhầy vào sâu bên trong mũi, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do vậy người bệnh cúm cần vệ sinh mũi sạch sẽ. Trước hết đặt một ngón tay lên cánh mũi, ấn nhẹ để bịt kín lỗ mũi và thở mạnh ra bằng lỗ mũi còn lại để hỉ mũi. Trước và sau khi hỉ mũi nên rửa tay kỹ để tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Sau đó dùng nước muối sinh lý rửa mũi để đẩy chất dịch nhầy ra ngoài. Đồng thời, nước muối có tác dụng sát khuẩn mũi, làm mềm niêm mạc mũi, làm lỏng chất dịch nhầy, dễ đẩy ra ngoài.

Việc rửa mũi tuy là thao tác đơn giản nhờ dung dịch nước muối được đưa sâu vào bên trong mũi xoang. Thành mũi mỏng, dễ tổn thương do đó cần cẩn thận vệ sinh tay sạch sẽ trước khi rửa mũi.

Súc họng bằng nước muối loãng

Khi mắc cúm người bệnh lấy nước muối ấm pha loãng súc họng thường xuyên, vì nước muối loãng có tính sát khuẩn cao. Súc miệng nước muối sẽ giúp làm dịu đi tức thời những cơn đau rát họng đồng thời kháng viêm hiệu quả. Kiên trì súc miệng 3-4 lần/ngày với dung dịch nước ấm pha loãng cùng muối tinh sẽ giúp người bệnh mau chóng khỏi bệnh.

Uống nhiều nước ấm nóng

Khi bị cúm cần chú ý uống nhiều nước ấm, nóng sẽ giúp tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng. Ngoài ra cũng có thể thêm vài lát gừng hoặc pha mật ong cùng chanh với nước nóng để làm tăng hiệu quả điều trị cúm.

Bởi bệnh cúm có thể khiến cơ thể mất nước, háo nước cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể với nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống bổ sung chất điện giải.

Nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì chúng có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Nếu cảm thấy buồn nôn, bạn nên uống nước với từng ngụm nhỏ. Nên quan sát màu sắc của nước tiểu, khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu chứng tỏ cơ thể đã được cung cấp đủ nước.

Dùng tinh dầu

Tinh dầu tràm, bạc hà… có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm cúm thông thường. Chỉ cần thoa một chút tinh dầu vào vùng dưới mũi sẽ giúp thông mũi và làm giảm bớt cơn đau ở mũi. Ngoài ra, có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân, thái dương hoặc tắm với nước ấm có hoà một vài giọt tinh dầu giúp phòng ngừa bệnh cúm, cảm lạnh rất hữu hiệu.

Tuy nhiên, chỉ sử dụng tinh dầu theo chỉ dẫn. Hầu hết các loại tinh dầu có thể sử dụng trên da và sử dụng trong phòng để khuếch tán tinh dầu có thể giúp chống lại một số loại virus, vi khuẩn. Nhưng lưu ý rằng, liệu pháp hương thơm có thể ảnh hưởng trẻ em, phụ nữ mang thai và vật nuôi.

Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nóng hoặc chườm lạnh xung quanh vùng xoang tắc nghẽn có thể giảm bớt khó chịu vùng mũi nhất là khi mắc cúm mũi ngạt gây khó thở. Chườm nóng có thể làm giảm áp lực phần xoang mũi và làm lớp dịch nhầy trong mũi lỏng hơn còn chườm lạnh sẽ khiến các mạch máu ở vùng xoang mũi co lại, giúp giảm đau nhanh chóng.

Nghỉ ngơi và thư giãn

Bệnh nhân mắc bệnh cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Không nên cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến các triệu chứng đau họng, khàn tiếng trầm trọng thêm. Nên cách ly phòng riêng với các thành viên khác trong gia đình để tránh lây lan.

Trong quá trình điều trị cúm tại nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và thư giãn để tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn. Hãy chú ý lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi, không muốn tập thể dục thì đừng quá gắng sức. Đừng cố giải quyết những công việc hàng ngày khi triệu chứng cúm đang trầm trọng. Nghỉ ngơi cũng là cách hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả.

Bên cạnh đó, không thức quá khuya, hãy ngủ đủ giấc. Hãy ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm cả khi bệnh và khi khỏe mạnh.

Xông lá

Nếu muốn đường thở thông thoáng, ngoài dùng thuốc điều trị, khi mắc cúm có thể đun một nồi nước lá như: Lá tre, lá sả, lá bưởi, tía tô, ngải cứu, hương nhu, bạc hà.... để xông.

Sau khi nước xông đã nguội tắm nhanh rồi lau khô, mặc quần áo, đắp chăn rồi nằm nghỉ. Lá tre có tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sát khuẩn; sả có công dụng làm ấm bụng, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm; lá bưởi giải cảm tiêu thực, trị ho, sốt, đau đầu; hương nhu trị cảm, sốt, nhức đầu, làm ra mồ hôi; tía tô khu phong trừ hàn; bạc hà sát khuẩn, chống viêm.

Trừ lá bạc hà, tất cả các loại lá còn lại rửa sạch rồi cho vào nồi xâm xấp nước, đun lửa sôi trong khoảng 10 phút. Khi chuẩn bị xông cho bạc hà vào rồi đun tiếp 1-2 phút. Không nên xông liên tục nhiều lần trong tuần, xông nhiều giờ không tốt cho sức khỏe.

Ăn đồ nóng, dễ tiêu hóa

Người mắc cúm có thể sốt, ho, đau đầu, đau họng, mệt mỏi toàn thân,… Các triệu chứng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, cảm thấy chán ăn. Nên người bị cúm cần ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu như cháo, súp… sẽ giúp dễ tiêu hóa và cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, vừa bổ sung nước, làm dịu đau họng, giảm nghẹt mũi.

Lưu ý đối với người bị cúm và người chăm sóc bệnh nhân cúm

Đối với bệnh nhân mắc cúm cần cách ly với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.

Người bệnh cảm cúm nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn chất dịch, tránh nguy cơ lây bệnh cúm cho người khác.

Đối với người chăm sóc bệnh nhân mắc cúm cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn như hành, tỏi, gừng… ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như chanh, cam, quýt…

Khăn giấy của bệnh nhân đã sử dụng nên để trong túi và xử lý với các loại rác thải khác. Khi thấy dấu hiệu của bị cảm cúm như sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, sốt thì cần thăm khám và điều trị ngay.

Cúm mùa là căn bệnh thường gặp, ít gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là căn bệnh không thể xem thường đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền. 70-85% các trường hợp tử vong có liên quan đến cúm mùa thường xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên, 50-70% trường hợp nhập viện có liên quan đến cúm mùa xảy ra ở nhóm này.

Ngoài ra, những triệu chứng kéo dài gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng cuộc sống và công việc. Do đó, người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng việc tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm phòng cúm có khả năng giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80%, ngăn ngừa biến chứng và giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỷ lệ nhập viện vì các bệnh nền đi kèm hay ở những người có hội chứng suy giảm miễn dịch. Người đã tiêm vaccine nếu không may mắc cúm sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Hành hung nhân viên y tế: Không xử nghiêm sẽ thành vấn nạn nhức nhối

Liên tiếp trong ít ngày gần đây đã có 2 vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ ở TP. HCM. Trước đó cũng rất nhiều lần xảy ra tình trạng tương tự khiến những người mang trên vai sứ mệnh cứu người bất đắc dĩ trở thành "nạn nhân" của những kẻ côn đồ trong bệnh viện.

Vừa căng sức cứu người, vừa lo lắng bị hành hung

Từ xưa tới nay, y bác sĩ luôn được xem là nghề có trách nhiệm cao cả, bởi liên quan trực tiếp tới tính mạng con người và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua khi dịch COVID-19 hoành hành, vai trò của những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong guồng quay của việc chống dịch, cứu người, có những người trong đội ngũ nhân viên y tế liên tiếp nhiều tháng không về nhà, có những cặp vợ chồng hoãn cưới 3 lần để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, có người thì không kịp về gặp mặt người thân lần cuối cũng bởi đang góp sức cho tuyến đầu chống dịch...

Bác sĩ, những người đặt lên vai lời thề y đức, cống hiến thanh xuân, sức lực, thậm chí cả tính mạng để bảo vệ mạng sống cho người khác. Thế nhưng, ai sẽ là người bảo vệ họ?

Liên tiếp hai bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã bị người nhà bệnh nhân hành hung, tấn công trực tiếp trong vòng chưa đầy 10 ngày đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về thực trạng bác sĩ bị tấn công, hành hung hiện nay.

Trước đó, tháng 2/2021 tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, một bệnh nhân hành hung bác sĩ chỉ vì bị nhắc nhở đeo khẩu trang, tuân thủ quy tắc phòng chống dịch.

Tháng 4/2018, tại Khoa Nội tổng hợp, BV Đa khoa Bắc Kạn, trong khi các bác sĩ đang thăm khám, giải thích thì chồng của bệnh nhân L.T.H.T chạy vào to tiếng lăng mạ, đánh bác sĩ Hoàng Thị Huế và điều dưỡng viên Hà Thị Hảo của khoa.

Chỉ vài ngày sau đó, bác sĩ Vũ Hồng Chiến, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cũng bị người nhà nạn nhân hành hung trong khi đang cấp cứu cho bệnh nhi lúc nửa đêm.

Hay việc một bác sĩ BV Đa khoa 115 Nghệ An bị một doanh nhân và cán bộ phường xông vào đánh ngày 18/8/2017.

Các bác sĩ ở BV Sản nhi Yên Bái bị hành hung khi không cho chồng nhìn vợ đẻ qua cửa kính.

Bác sĩ Lê Quang Dương ở BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) bị Cấn Ngọc Giang đánh trọng thương khi đang cấp cứu cho con của anh này;...

Những vụ việc tương tự, lặp đi lặp lại trong những năm qua đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng việc hành hung bác sĩ sẽ dần trở thành vấn nạn đáng báo động nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Rõ ràng, đây không chỉ là hành vi đe dọa tính mạng và sức khỏe người thầy thuốc, mà còn là sự thách thức lương tri, thách thức pháp luật vì nghề thầy thuốc là nghề cứu người. Dù bất cứ vì nguyên nhân gì thì việc tấn công bác sĩ trong lúc họ đang nỗ lực cứu chữa người bệnh là hành vi vô ơn, coi thường mạng sống người khác, đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Cần xử lý nghiêm những kẻ côn đồ hành hung bác sĩ

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị nhận định, tình trạng ngày càng có nhiều vụ việc bác sĩ bị hành hung xảy ra liên tiếp cho thấy sự coi thường pháp luật của những đối tượng vi phạm. Điều này một phần tới từ chế tài xử lý đối với những kẻ hành hung nhân viên y tế chưa đủ sức răn đe.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, với hành vi như trên, các đối tượng hành hung bác sĩ hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về "Vi phạm quy định về trật tự công cộng".

Ngoài ra, tùy từng tính chất sự việc thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 (BLHS 2015). Trường hợp, nếu bác sĩ bị thương tích từ 11% trở lên, các đối tượng trên còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại BVĐK 115 Nghệ An vào ngày 18/8/2017 khi một doanh nhân và cán bộ phường xông vào đánh bác sĩ, gây rối trật tự công cộng. Sự việc sau đó khiến dư luận rất bức xúc và lên án mạnh mẽ, thế nhưng người này đã không bị khởi tố, mà chỉ xử lý vi phạm hành chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh những vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ là đặc biệt cần thiết. Đặc biệt, cần phải xử lý bằng chế tài hình sự thì mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế.

Cùng nhìn lại một số sự việc được xử lý nghiêm, vụ Trương Văn Thanh hành hung bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã bị Công an quận Ba Đình (Hà Nội) khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng; Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố Lê Hồng Nam với hành vi đánh các bác sĩ ở Bệnh viện Sản nhi Yên Bái sau khi nhân viên y tế không cho người này nhìn vợ đẻ qua cửa sổ; Tòa án cũng xử 9 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích đối với Cấn Ngọc Giang với hành vi đánh trọng thương bác sĩ Lê Quang Dương ở BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) khi đang cấp cứu cho con người này; Hay việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) tuyên phạt 16 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng với Nguyễn Tiến Dũng do hành hung bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai vào 7/2014.

Đây chỉ là số ít các vụ hành hung bác sĩ được xử lý nhưng những bản án này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và đều nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội. Bởi dưới góc độ y đức, đạo đức xã hội sẽ không chấp nhận cho bất kỳ hành vi "tự vệ" nào của một bác sĩ dù cho đang bị kẻ khác tấn công. Và đạo đức nghề nghiệp những người mặc áo blouse trắng cũng không cho phép người bác sĩ được gây ra bất kỳ thương tích nào đối với người khác (nguyên tắc “do no harm first”). Vô tình, đội ngũ y bác sĩ đã bị tước đi quyền cơ bản nhất mà đáng ra mỗi công dân đều có, đó là "phòng vệ chính đáng".

Do đó, với sứ mệnh cao cả của mình, người bác sĩ cần được bảo vệ, tôn trọng hơn để những đôi tay, khối óc có thể toàn tâm toàn ý cho công việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Để những người đang khoác lên mình chiếc áo blouse trắng không còn phải thấp thỏm lo sợ mỗi khi thực hiện công việc của mình. Và điều đó cũng sẽ góp phần giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và nâng cao ý thức chung cho toàn xã hội.

Thiết nghĩ, nếu không có những chế tài răn đe đủ mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và sự lên tiếng của toàn xã hội thì chắc hẳn sẽ khó hạn chế được các hành vi côn đồ, khiến việc hành hung y bác sĩ ngay tại bệnh viện trở thành vấn nạn nhức nhối.

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh thì đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%).

Trong khi đó, có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (chiếm 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%). (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

80% nhiễm biến thể phụ BA.5 qua khảo sát tại bệnh viện ở TP.HCM

Theo báo cáo ngày 9.8 của Sở Y tế TP.HCM, tuần qua, trung bình 144 ca mắc Covid-19 mới/ngày, so với 134 ca/ngày trong 7 ngày trước đó.

Tương ứng với số ca mắc Covid-19 mới tăng thì số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng. Trung bình có 35 ca nặng trong 7 ngày qua (so với 18 ca nặng trong tuần trước đó). Hiện có 7 ca thở máy xâm lấn.

Kết quả giám sát biến thể Covid-19 với 429 mẫu tại cộng đồng từ 1.1 đến 15.7 cho thấy đa số là nhiễm biến thể phụ BA.2 của Omicron, Delta, BA.1, BA.4, BA.2.12.1 và có 20/429 mẫu phát hiện biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron.

Trong khi đó, khảo sát tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ ngày 14.7 đến 30.7 trên 30 bệnh nhân Covid-19 nội trú và bệnh nhân đến xét nghiệm cho thấy có 24 mẫu phát hiện nhiễm biến thể phụ BA.5 (80%), 4 mẫu nhiễm biến thể BA.2 (14%), 1 mẫu nhiễm biến thể BA.1 và 1 mẫu nhiễm biến thể BA.4. (Thanh niên, trang 4).

 

Phòng ngừa ngộ độc Methanol bằng cách không lạm dụng rượu bia

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu làm một số người tử vong và nhiều người nguy kịch. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe...

Trong tuần qua, hàng chục trường hợp ngộ độc rượu được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc với chẩn đoán ngộ độc Methanol. Bác sĩ Hoàng Tiến Nam - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi... tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như Ethanol. Người bệnh ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt.

Triệu chứng ngộ độc rượu có chứa Methanol bao gồm các vấn đề về thị giác (từ mờ mắt và thay đổi trường thị giác đến mù hoàn toàn). Ngoài ra, còn có biểu hiện khó thở, giãn đồng tử, hạ huyết áp, kích động, lú lẫn, nhức đầu, đi lại khó khăn, đau bụng, tiêu chảy, vàng da, buồn nôn và đôi khi nôn ra máu, chuột rút ở chân và suy nhược. Tình trạng suy giảm thị lực càng kéo dài và chậm trễ trong điều trị thì cơ hội phục hồi càng giảm. Nếu mức độ ý thức giảm hoặc co giật xảy ra và nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể tử vong.

Chia sẻ về tình trạng ngộ độc Methanol, bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết, đa phần những người đã uống rượu, sau khi qua giai đoạn say mới nhận thấy các triệu chứng nghi do ngộ độc Methanol cấp. Nếu thấy có các biểu hiện như trên, cần đưa gấp đến các bệnh viện hay trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và kịp thời điều trị. Những người bị ngộ độc rượu không nên có tâm lý lo sợ đến bệnh viện khám, hoặc chủ quan cho rằng không phải do ngộ độc Methanol nên không đến cơ sở y tế.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề tăng cường kiểm tra, xử lý trong sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ thời điểm hiện tại mà từ trước đến nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, có xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc… Tuy nhiên, thực tế tình trạng này khó kiểm soát, do không ít cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, lén lút bán rượu không đảm bảo chất lượng.

“Để không bị ngộ độc Methanol, chính là phải nâng cao ý thức của người dân, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác, không lạm dụng việc uống rượu bia”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay. (Công an Nhân dân, trang 4).

 

Giá bảo hiểm lạc hậu, bệnh viện muốn tính đủ viện phí

Viện phí và thực hiện khám chữa bệnh từ xa như thế nào cho hiệu quả, đúng pháp luật là 1 trong 2 vấn đề được bàn kỹ nhất tại hội thảo về dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 9-8.

Viện phí hiện hành được điều chỉnh từ cách đây gần 10 năm hiện đã bị các bệnh viện công kêu là "nhiều dịch vụ lỗ vốn", yêu cầu bệnh viện tự chủ nhưng viện phí mới cho thu 4/7 yếu tố cấu thành, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định vào viện phí hiện hành.

Chính vì vậy việc điều chỉnh viện phí lần này là bắt buộc để gỡ bớt áp lực cho bệnh viện công, nhưng tăng thế nào để tăng được cả chất lượng dịch vụ ở bệnh viện công, điều mà ngành y tế đã hứa trong các lần điều chỉnh viện phí trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân.

Điều chỉnh sớm hơn, không chờ luật?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết phí một lượt siêu âm ổ bụng tại bệnh viện ông hiện nay là 43.900 đồng, với mức phí này ông Cơ cho rằng thu hết khấu hao của một máy siêu âm cũng không đủ chi phí mua máy, chưa tính đến nhân lực khám chữa bệnh, chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng bệnh viện...

Một giám đốc bệnh viện khác cũng chia sẻ so với viện phí của bệnh viện tư thì viện phí bệnh viện công (giá bảo hiểm chi trả) đã rất lạc hậu, bất hợp lý, với các bệnh viện tự chủ thì thu không đủ bù chi, không đủ nguồn lực chi lương và thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám", y bác sĩ lành nghề nối nhau rời khu vực công lập, vì thế cần viện phí tính đúng tính đủ.

Theo các ý kiến tại hội thảo, vấn đề viện phí có mặt trong dự thảo luật, nhưng có lẽ sẽ điều chỉnh sớm hơn theo các quy định hiện hành mà không chờ luật. Cụ thể nguyên tắc tính viện phí mới đã được các ngành chức năng thông qua sẽ theo hướng tách các vật tư, thuốc, chi phí thường xuyên có biến động giá, sẽ được chi trả theo hướng thực thanh thực chi khi sử dụng dịch vụ. Phần dịch vụ (phẫu thuật, thủ thuật, chăm sóc y tế...) sẽ được tính riêng.

"Giả sử bệnh viện mua test giá 800.000 đồng/que, khi khám chữa bệnh vẫn thu 800.000 đồng của người bệnh, bệnh viện hoàn toàn không được thu thêm với vật tư, thuốc, nhưng chi phí quản lý, bảo quản, mua sắm, sử dụng trong suốt thời gian que test đó ở bệnh viện lại chưa được tính và bệnh viện vẫn phải chi phí" - ý kiến tại hội thảo cho biết.

Với cách tính này, viện phí sẽ có khoản dành riêng cho dịch vụ, phần chi lương và thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ sẽ lớn hơn. Nhưng với mức phí bảo hiểm y tế bằng 4,5% lương cơ bản hiện nay, tăng viện phí cũng phải tính đến cân đối quỹ, hiện Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và chính sách y tế khảo sát chi phí quản lý, từ đó phân bổ vào giá.

Công tư "phân bì" nhau

Trong hơn 1 năm nay, khi bệnh viện công cùng lúc gặp nhiều áp lực, nhân lực ồ ạt rời khu vực công lập, mua sắm thuốc, thiết bị khó khăn, nhiều lãnh đạo bệnh viện công "phân bì" với bệnh viện tư, cho rằng cơ chế với bệnh viện tư thuận lợi hơn.

Tuy nhiên tại hội thảo ngày 9-8, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ lại cho rằng bệnh viện tư khó khăn hơn rất nhiều, phải đầu tư thiết bị, lo nhân lực, mặt bằng mà vẫn không được tự định giá dịch vụ. "Hãy để cho bệnh viện tư tự định giá rồi niêm yết công khai cho người bệnh biết, báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện. Y tế là dịch vụ cho con người, giá cao là người bệnh chọn bệnh viện khác ngay, bệnh viện tư để giá cao quá thì chỉ ngồi nhìn chứ không có bệnh nhân đâu" - ông Đệ nói.

Ông Đệ nhấn mạnh đến yếu tố quản lý bệnh viện, quản lý giá đầu vào và quản lý chi phí cho mỗi dịch vụ. "Chúng tôi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị thường chi phí thấp hơn loại tương tự mà bệnh viện công đầu tư. Phải nâng trách nhiệm quản lý, thu chi, nếu không, nước cứ chảy đi đâu đó mà không về chỗ trũng đâu" - ông Đệ nói.

Dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Sẽ có nhiều đổi mới được chờ đợi để gỡ khó cho bệnh viện, nhưng chính bệnh viện cũng phải năng động gỡ khó cho mình là vậy.

1 bệnh viện 3 loại viện phí

Tại các bệnh viện công hiện có tới 3 loại viện phí: viện phí "dịch vụ theo yêu cầu, tự nguyện", viện phí theo khung liên bộ Y tế - Tài chính (do bảo hiểm y tế chi trả) và viện phí theo mức của địa phương do HĐND duyệt. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Vì sao Hải Phòng, Thái Nguyên bổ sung 550.000 ca COVID-19?

Thông tin trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, số ca mắc trong 7 ngày gần đây trên cả nước bình quân 2.000 ca/ngày.

Mới đây Sở Y tế Hải Phòng và tỉnh Thái Nguyên đăng ký bổ sung hơn 550.000 ca mắc COVID-19 trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin. Hải Phòng đăng ký bổ sung 402.830 ca, Thái Nguyên đăng ký bổ sung 152.485 ca.

Trong khi đó, số ca mắc trong 7 ngày gần đây trên cả nước bình quân 2.000 ca/ngày.

Tăng thêm 550.000 ca F0 do thanh quyết toán điều trị?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-8, ông Phan Huy Thục - phó giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - lý giải tháng 2-2022, ở Hải Phòng bùng dịch COVID-19 với những ngày cao điểm lên đến 25.000 ca F0 mới/ngày. Trong số những ca mắc mới, không phải người nào cũng khai báo đầy đủ với chính quyền địa phương, ngành y tế lúc đó có quá nhiều công việc phải xử lý, do đó công tác rà soát, thống kê số người mắc COVID-19 chưa kịp báo cáo, cập nhật đầy đủ lên hệ thống.

"Vừa qua sau khi làm thủ tục thanh quyết toán liên quan đến điều trị COVID-19, thanh toán BHYT, BHXH cho người dân, bên tài chính kho bạc yêu cầu phải cấp mã số định danh cho các ca nhiễm F0, nên Sở Y tế đã báo cáo bổ sung thêm số ca mắc COVID-19 như nói trên để thanh quyết toán tài chính" - ông Thục cho hay.

Theo ông Thục, hoàn toàn không có việc Hải Phòng phát sinh thêm các ca nhiễm COVID-19 nhiều đến như vậy trong thời gian gần đây mà nguyên nhân là sau khi rà soát các ca bệnh chưa kịp cập nhật thì báo cáo bổ sung.

Cũng về vấn đề này, ông Hoàng Anh, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên (CDC Thái Nguyên), cho biết tỉnh vừa bổ sung thông tin hơn 150.000 ca, đây cũng không phải là ca mắc mới mà là ca từ tháng 2, 3, 4 năm 2022.

Ca COVID-19 ở TP.HCM có xu hướng tăng nhẹ

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong ngày 7-8 TP.HCM ghi nhận có 118 ca bệnh mới, 112 ca khỏi bệnh. Tính đến 7-8 có 1.305 ca đang điều trị tại nhà, 143 ca điều trị tại bệnh viện (trong đó có 29 ca phải thở oxy, 21 ca thở mask, 2 ca thở HFNC và 1 ca thở máy không xâm lấn, 5 ca thở máy xâm lấn). Hiện TP.HCM không có ca F0 nào cách ly tại cơ sở cách ly.

Biểu đồ về diễn tiến ca COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM cho thấy số ca có xu hướng tăng nhẹ. Sở Y tế TP.HCM cho biết số ca nhiễm đang có xu hướng tăng trong bối cảnh TP.HCM đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron từ những ngày đầu tháng 7.

Ở trẻ em, các bác sĩ nhi cho biết số trẻ mắc COVID-19 đến khám và điều trị tại các bệnh viện nhi đồng tăng nhưng không đáng kể. Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa hồi sức nhiễm COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM - cho biết trong khoảng 2 tuần nay, số lượng trẻ mắc COVID-19 điều trị nội trú và khám ngoại trú có tăng gấp 2 lần.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Phùng Nguyễn Thế Nguyên - phó khoa hồi sức tích cực chống độc - cho hay số trẻ mắc COVID-19 nhập viện điều trị tại khoa không tăng, phần lớn các bé cũng mắc bệnh nền, chưa tiêm vắc xin. (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang