Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Thêm cơ hội cứu sống người bệnh nặng; Đình chỉ kíp trực để bệnh nhi một ngày tuổi tử vong; Trẻ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai tử vong: Bệnh lý khó chẩn đoán, diễn biến khó lường; Các bệnh viện liên kết cứu người nguy kịch.

Thêm cơ hội cứu sống người bệnh nặng

Khoảng chín nghìn người bệnh đã được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại trong điều trị những căn bệnh nặng như: Suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp… Đây là thành quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu người bệnh nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” của GS, TS, bác sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai và các cộng sự. Đề tài được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2016.

Bác sĩ Nguyễn Gia Bình cho biết, năm 2004, ông chứng kiến một người bệnh mới 17 tuổi chỉ sau vài ngày sốt nhập viện, phổi bị phá hủy nhanh, dù đã dùng thuốc rất mạnh và hỗ trợ thở máy vẫn không thể cứu được. Cuối năm đó, một thầy giáo người Thái Bình tiếp xúc với gà nhiễm bệnh, chỉ sau ít ngày đã chết. Trong vòng một tuần, hai người em gái của thầy giáo này cũng lần lượt có triệu chứng sốt và qua đời. Sau khi các chuyên gia Hồng Công (Trung Quốc) mang máy sang xét nghiệm mới biết những ca bệnh nêu trên bị nhiễm vi-rút H5N1. Thời điểm đó, vi-rút H5N1 còn mới mẻ ở Việt Nam, thế giới cũng đang loay hoay mà chưa tìm ra cách điều trị. Chứng kiến những cái chết thương tâm, bác sĩ Nguyễn Gia Bình luôn trăn trở làm sao để có thể cứu được người bệnh. Ông và các cộng sự đã thử nghiệm lọc máu sớm, kết hợp thở máy cùng các biện pháp hồi sức khác cho một trường hợp bị nhiễm H5N1 ở tỉnh Vĩnh Phúc và bước đầu đã thành công. “Cứu được một người không nhiều nhưng có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi. Đó là mở ra hướng mới cho việc điều trị các vi-rút nặng và các bệnh nhiễm khuẩn”, bác sĩ Nguyễn Gia Bình chia sẻ.

Tại các nước phát triển, kỹ thuật lọc máu hiện đại đã có những tiến bộ vượt bậc, có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan, thận và cơ thể khó có thể thải trừ, mang lại cơ hội sống từ 20% đến 50% cho người bệnh nặng hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ kỹ thuật lọc máu hiện đại tốn kém, ngân sách lại eo hẹp, cộng với việc các bác sĩ Việt Nam chưa tiếp cận được với kỹ thuật mới. Vì vậy, từ năm 2002, với mong muốn ứng dụng kỹ thuật mới để cứu sống người bệnh mà chi phí thấp, bác sĩ Nguyễn Gia Bình cùng các cộng sự đã sang các nước, như: Nhật Bản, Pháp, Xin-ga-po, tận dụng mọi cơ hội để học tập kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp nước ngoài. Từ chỗ chỉ “học lỏm” bằng cách đứng ngoài xem họ thực hiện, rồi xin đi theo “học mót”, phụ giúp… cho đến khi dần dần nắm được kỹ thuật và thực hành được. Sau đó, bác sĩ Bình đã mượn máy móc ở nước ngoài, đồng thời tìm các nguồn tài trợ để có máy móc thực hiện kỹ thuật hiện đại nêu trên. Từ năm 2005 đến 2008, ông và cộng sự điều trị thành công hàng chục người bệnh nặng bị sốc nhiễm khuẩn, viêm đa tụy. Con số tuy ít nhưng chính là nền tảng để xây dựng quy trình kỹ thuật dựa trên những sáng tạo và ứng dụng trong điều kiện của Việt Nam với chi phí bằng một phần năm so các nước phát triển.

Với các bệnh lý nặng, như: Suy gan cấp, viêm tụy cấp, biến chứng suy đa tạng ở bệnh nhân nặng… các phương pháp lọc máu thật sự mang lại hy vọng sống cho người bệnh. Kỹ thuật lọc máu hiện đại ứng dụng được trong nhiều loại bệnh, góp phần giải quyết các tình trạng nặng như sốc, bỏng nặng, suy đa tạng… sau các tai nạn hàng loạt. Thí dụ, lọc máu hiện đại kéo dài nhiều tháng, đóng vai trò quan trọng, cứu sống một chiến sĩ trong tai nạn máy bay MI-17 tại Hòa Lạc năm 2014 được điều trị ở Viện Bỏng Quốc gia.

Nếu người bệnh nặng trước đây có nguy cơ qua đời cao trong thời gian ngắn, nay cơ hội cứu sống tăng thêm 20% đến 50% so khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại. Thí dụ như nhiễm khuẩn, bệnh nặng trước đây tỷ lệ tử vong 95%, thì nay con số này giảm một phần ba; tỷ lệ người bệnh chết do bệnh đa phủ tạng, từ khi có lọc máu hiện đại, giảm từ 70% đến 90% xuống còn 20%. Ngoài ra, thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn một phần tư đến một phần hai và thời gian nằm viện rút ngắn còn một nửa so khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại…

Theo bác sĩ Nguyễn Gia Bình, cụm công trình về lọc máu hiện đại đã có những cải tiến kỹ thuật, công nghệ quan trọng mang lại hiệu quả cao. Ông và các cộng sự đã cải tiến, áp dụng đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều kỹ thuật lọc máu trên cơ sở khoa học cho từng loại bệnh hồi sức như: lọc máu liên tục, lọc phân tử tái tuần hoàn, lọc và thẩm tách máu… Hơn nữa, các kỹ thuật lọc máu cũng đã được chuyển giao cho các bệnh viện, có thể áp dụng ngay tại địa phương giúp cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo, giảm biến chứng tàn phế, giảm ngày điều trị. Đến nay, các kỹ thuật lọc máu hiện đại thông qua Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh… đã được triển khai tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Kết quả nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại đã giúp hỗ trợ hồi sức tốt cho phát triển các kỹ thuật phẫu thuật lớn thành công như phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật gan mật… Tuy nhiên hiện nay, Bảo hiểm y tế chi trả chưa nhiều cho các kỹ thuật lọc máu. Thí dụ với phương pháp lọc máu liên tục, người bệnh vẫn phải chi trả khoảng 20 triệu đồng/ngày khi đã được bảo hiểm chi trả một phần. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Gia Bình hy vọng Quỹ Bảo hiểm y tế ngày càng chi trả tốt hơn cho những kỹ thuật cao, bởi chi phí lớn nhưng mang lại cơ hội sống cho người bệnh, tiết kiệm được những chi phí gián tiếp do rút ngắn thời gian điều trị (Nhân dân trang 5).

Đình chỉ kíp trực để bệnh nhi một ngày tuổi tử vong

Chiều 9/9, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã có báo cáo về gửi Sở Y tế Hà Nội về trường hợp bệnh nhi Nguyễn Ngọc Em (một ngày tuổi) sau sinh tử vong tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Theo đó, vào hồi 7 giờ 45 phút ngày 5/9, sản phụ Ngô Thị Kim Cương (thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) nhập viện, với lý do thai 41 tuần đau bụng. Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, sản phụ đẻ thường một bé trai nặng 3,8kg. Đến 18 giờ cùng ngày, khám sơ sinh tỉnh, khóc to, da hồng, bú được, tim nhịp đều, phổi không có ral, bụng mềm, không chướng đã đại tiểu tiện...

Tuy nhiên, vào lúc 13giờ 10 phút ngày 6- 9, cháu bé bú kém, khóc rên, da tái, môi nhợt... nên gia đình và cán bộ y tế  cùng quyết định cho cháu vào Bệnh viện Nhi T.Ư. Đến khoảng 17h15p ngày 7/ 9, người nhà chở cháu bé từ Bệnh viện Nhi T.Ư về Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai và gia đình thông báo cháu bé tử vong tại viện Nhi T.Ư.

Ban giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp tiếp đón, mời đại diện gia đình lên phòng khách bệnh viện, cùng lúc đó gia đình đưa thi hài cháu bé lên đặt tại phòng khách; đồng thời chất vấn yêu cầu bệnh viện trả lời nguyên nhân tử vong của cháu.

Tại buổi gặp, bệnh viện nêu ý kiến vì cháu không tử vong tại bệnh viện, do đó nếu gia đình muốn biết nguyên nhân tử vong của cháu thì bệnh viện phải đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành mổ tử thi để tìm rõ nguyên nhân. Gia đình tiếp tục gây sức ép đề nghị Ban giám đốc cho gặp kíp trực ngày hôm đó và đã chất vấn bác sỹ trực, nữ hộ sinh trực gây căng thẳng cho lãnh đạo và nhân viên...

Chỉ sau hơn bốn giờ đồng hồ, Ban giám đốc bệnh viện, công an huyện, lãnh đạo xã Hòa Thạch cùng giải quyết, gia đình đã đưa thi hài cháu về mai táng. Trước khi về, gia đình có ký biên bản xin không mổ tử thi.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo bệnh viện đã ra quyết định đình chỉ kíp trực ngày 5/9 để viết tường trình; bệnh viện đã họp Hội đồng chuyên môn vào chiều 9/9 và đưa ra kết luận như sau: Hội đồng chuyên môn nhận thấy, đây là ca bệnh lý sơ sinh khó chẩn đoán; diễn biến khó lường. Lý do chuyển viện: suy hô hấp sơ sinh chưa rõ nguyên nhân. Nguyên nhân tử vong: vì cháu bé tử vong tại Bệnh viện Nhi T.Ư nên bệnh viện không rõ được nguyên nhân tử vong.

Tuy nhiên, bệnh viện cũng nhận thấy: Cần theo dõi sát sao tình trạng trẻ sơ sinh sau sinh; trình độ bác sĩ, nữ hộ sinh chuyên sâu sơ sinh còn yếu, còn thiếu thiết bị chuyên sâu về xét nghiệm để chẩn đoán các bệnh chuyên sâu về sơ sinh; quá trình bàn giao người bệnh cho Bệnh viện Nhi T.Ư chưa được chặt chẽ về thủ tục hành chính (Tienphong online, Tiền phong trang 2).

Trẻ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai tử vong: Bệnh lý khó chẩn đoán, diễn biến khó lường

Tối 9-9, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này đã nhận được báo cáo của Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Quốc Oai về trường hợp trẻ sơ sinh Nguyễn Ngọc Em (quê quán ở thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tử vong sau sinh. Theo đó, BV đã họp hội đồng chuyên môn vào chiều 9-9 và đưa ra kết luận, đây là ca bệnh lý sơ sinh khó chẩn đoán, diễn biến khó lường. Sau khi sinh tại BV Quốc Oai, bé Em được chuyển cấp cứu lên BV Nhi trung ương do suy hô hấp sơ sinh chưa rõ nguyên nhân. BV Quốc Oai cũng cho rằng, sau sự việc này cần rút kinh nghiệm quá trình theo dõi sát sao tình trạng trẻ sơ sinh sau sinh, tiên lượng trẻ sơ sinh tốt hơn, để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển (các trường hợp suy hô hấp cần được đặt nội khí quản trước khi vận chuyển). Mặt khác, trình độ bác sĩ, nữ hộ sinh chuyên sâu sơ sinh còn yếu, còn thiếu thiết bị chuyên sâu về xét nghiệm để chẩn đoán các bệnh chuyên sâu về sơ sinh. Ngoài ra, quá trình bàn giao bệnh nhân cho BV Nhi trung ương chưa được chặt chẽ về thủ tục hành chính. BV cũng đã ra quyết định đình chỉ kíp trực để xảy ra sự việc nêu trên để viết tường trình.

Trước đó, sản phụ Ngô Thị Kim Cương (mẹ bé Em) nhập viện 7 giờ 45 phút ngày 5-9 với lý do thai 41 tuần đau bụng chuyển dạ. Đến trưa ngày 5-9, sản phụ đẻ thường bé trai nặng 3,8 kg. Đến 18 giờ ngày 5-9, khi khám, trẻ sơ sinh tỉnh, khóc to, da hồng, bú được. Thế nhưng, đến hơn 1 giờ sáng ngày 6-9, trẻ sơ sinh bú kém, khóc rên, da tái, môi nhợt, tim nhịp đều, phổi rì rào phế nang kém, bé được xử trí cấp cứu hút đờm rãi, thở ôxy, tiên lượng nặng. Sau đó, BV Quốc Oai quyết định chuyển bệnh nhi đến BV Đa khoa Xanh Pôn. Tuy nhiên, trên đường đi, tình trạng suy hộ hấp của cháu bé có phần nặng hơn. Do đó, hai cán bộ y tế đi cùng quyết định chuyển cháu vào BV Nhi trung ương. Đến chiều 7-9, xe cứu thương trở cháu bé đã tử vong về BV Quốc Oai. Sau đó, gia đình đã đưa thi hài cháu bé lên đặt tại phòng khách và chất vấn yêu cầu trả lời nguyên nhân tử vong của cháu. BV có yêu cầu mang thi hài cháu bé xuống nhà tang lễ và giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật nhưng gia đình không đồng ý tiếp tục gây sức ép và gây mất trật tự an ninh. Sau khoảng 4 giờ đồng hồ Ban Giám đốc BV cùng lãnh đạo công an huyện, lãnh đạo xã Hòa Thạch cùng giải quyết, gia đình đã đưa thi hài cháu về mai táng. Trước khi về, gia đình có ký biên bản xin không mổ tử thi.

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 8-9, trên mạng xã hội lan truyền thông tin và những hình xác hài nhi trong quan tài được đưa đến BV Quốc Oai. Chủ một tài khoản facebook chia sẻ hình ảnh và những dòng cảm xúc đau lòng: “Sự việc diễn ra vào ngày 7-9 tại BV Đa khoa Quốc Oai, Hà Nội. 9 tháng 10 ngày ngóng trông con, gia đình vui mừng chào đón con nhưng chỉ vì sự tắc trách của một số y bác sĩ BV đã khiến con ra đi mãi mãi khi chưa được về đến nhà mình”.

Cùng ngày, Bộ Y tế có công văn khẩn số 6718/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu báo cáo trường hợp trẻ sơ sinh tử vong tại BV Đa khoa Quốc Oai. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương xác minh thông tin nêu trên. Kết quả giải quyết báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 15-9 (Hà Nội mới trang 7, Nhân dân trang 5).

Các bệnh viện liên kết cứu người nguy kịch

Việc huy động tối đa nguồn lực các bệnh viện trong thời gian ngắn nhất đã cứu sống nhiều bệnh nhân cận kề cái chết. Thực tế cho thấy một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM còn gặp khó khăn trong công tác cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do ngoài khả năng chuyên môn. Do vậy, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai quy trình “báo động đỏ liên viện” nhằm huy động sự hỗ trợ giữa các BV để cùng phối hợp xử lý những trường hợp khẩn cấp.

Nhanh đến mức tối đa

Trưa 31-8, BV quận 2 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân NQT (18 tuổi, ở TP.HCM) trong tình trạng sốc mất máu nặng, nhịp tim không ổn định... Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị vỡ gan, rối loạn nhịp tim do điện giật. Người nhà cho biết anh T. đang làm việc thì bị điện giật và té xuống từ độ cao khoảng 3 m, bất tỉnh.

Bệnh nhân trong cơn nguy kịch, cần sự hỗ trợ chuyên môn từ BV tuyến trên. Tuy nhiên, người bệnh có thể tử vong trên đường chuyển viện nên BV quận 2 lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện. Thông tin bệnh nhân, tuổi, giới tính, chẩn đoán ban đầu… được BV quận 2 báo đến BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM). BV quận 2 cũng yêu cầu BV Nhân dân Gia Định cử bác sĩ khoa ngoại đến hỗ trợ khẩn cấp.

Nhận được tin báo, BV Nhân dân Gia Định đã cử ngay TS-BS Lê Bá Thảo - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng quát và BS Nguyễn Thành Tiến Dũng - khoa Ngoại tổng quát đến hỗ trợ. 20 phút sau, hai bác sĩ đã có mặt tại BV quận 2 và đi thẳng vào phòng mổ.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời, cộng với sự phối hợp ăn ý giữa các bác sĩ nên bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc. Hiện người bệnh được theo dõi hồi sức tích cực tại BV quận 2, còn BV Nhân dân Gia Định tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn chuyên môn từ xa. Một trường hợp khác, bệnh nhân đau bụng quằn quại được người nhà đưa vô BV quận Tân Phú (TP.HCM) cấp cứu. Kết quả chẩn đoán cho thấy ổ bụng của bệnh nhân đầy máu do vỡ vết mổ trước đó. Sau khi nhận được thông tin đề nghị ứng cứu, bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát của BV Nhân dân 115 có mặt tại phòng mổ trong vòng 15 phút. Ca phẫu thuật thành công sau 30 phút phối hợp và xử lý chính xác của các bác sĩ. Vết mổ cũ của bệnh nhân cũng không còn chảy máu.

“Bệnh nhân sau đó được chuyển đến BV Nhân dân 115 để được tiếp tục theo dõi và điều trị, nay đã xuất viện. Nếu không có quy trình báo động đỏ liên viện, có thể tính mạng bệnh nhân đã khó giữ được” - TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, nói.

Quy trình đầy tính nhân văn

Ngoài trường hợp trên, BV Nhân dân Gia Định cũng đã hỗ trợ BV Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) cấp cứu bệnh nhân bị thuyên tắc ối thông qua quy trình báo động đỏ liên viện cách đây không lâu.

BS Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Nhân dân Gia Định, cho biết sau khi nhận được tin báo khẩn cấp, lãnh đạo BV đã cử ngay BS Ngô Minh Hưng - Phó Trưởng khoa Sản và BS Đinh Hữu Hào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức đi tiếp ứng BV Đa khoa khu vực Thủ Đức. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời nên sản phụ đã được cứu sống” - BS Hân nói.

Mới đây, một bé gái bị đa chấn thương nặng, nguy kịch cũng đã được cứu sống tại BV quận Thủ Đức nhờ báo động đỏ liên viện với BV Nhi đồng 1.

Theo TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, báo động đỏ liên viện nằm trong kế hoạch Hoạt động phản ứng nhanh cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao do Sở Y tế TP.HCM đề ra. Quy trình báo động đỏ liên viện là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các BV nhằm cấp cứu người bệnh nguy kịch cần sự phối hợp của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mục tiêu của quy trình này là khẩn trương vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho bệnh nhân. Quy trình yêu cầu toàn bộ êkíp hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất có thể. Ngoài ra, việc này còn nhằm mục đích khẩn trương hồi sức tích cực chuyên sâu đối với những trường hợp diễn tiến xấu đột ngột, đe dọa tính mạng người bệnh (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trang 13 ngày 9.9).

Bộ Y tế quyết liệt làm rõ vụ bệnh nhân tử vong sau khi truyền dịch

Ngày 8-9, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế có văn bản yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội chỉ đạo xử lý đơn thư của người nhà bệnh nhân, phản ánh về vụ tử vong bất thường xảy ra tại Phòng khám tư nhân Phù Lỗ và BV Bắc Thăng Long (Hà Nội). Trước đó, qua trang fanpage, bộ trưởng Bộ Y tế nhận được “thư khẩn cầu” của ông Nguyễn Văn Vân (thôn Mai Nội, Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội) phản ánh về cái chết bất thường của vợ ông là bà Vũ Thị Thanh Phương.

Theo ông Vân, ngày 27-8, bà Phương bị mệt nên đến Phòng khám tư nhân Phù Lỗ khám. Tại đây, bà được chẩn đoán sốt virus và được truyền một chai nước. Khi về nhà, bà Phương không đỡ mà còn bị tụt huyết áp, buồn nôn, đau bụng nên sáng hôm sau, bệnh nhân quay lại phòng khám này và được truyền thêm một chai nước nữa.

Thế nhưng sau đó sức khỏe của bà Phương càng xấu đi, huyết áp tụt nhanh, khó thở nên được nhân viên phòng khám giới thiệu đến BV Bắc Thăng Long cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng gan, thận của bệnh nhân bị suy giảm, men tim tăng, siêu âm ổ bụng có dịch. BV Bắc Thăng Long đã cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị sốc nhiễm khuẩn nhưng sau đó không lâu bệnh nhân Phương tử vong.

Theo ông Vân, cái chết bất thường của vợ ông là do sự tắc trách của y, bác sĩ tại phòng khám tư nhân và bệnh viện. Do vậy, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội chỉ đạo, xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Phương, thông tin tới gia đình đồng thời báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 19-9 (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trang 13 ngày 9.9).

Cứu sống ca tai nạn lao động bị vật nhọn đâm xuyên tim

Chiều 9.9, PGS-TS Lê Văn Trường - Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn, vật nhọn đâm thấu tim nạn nhân hết sức hy hữu.

Tai nạn hy hữu

Điều đặc biệt là ca phẫu thuật được tiến hành ngay trên cáng “dã chiến”, tại phòng tiếp nhận bệnh nhân của Viện Tim mạch. Bệnh nhân là anh Dương Văn S (SN 1965), làm nghề gỗ ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Trong lúc xẻ gỗ, bệnh nhân không may bị thanh gỗ nhọn đâm trúng ngực trái, xuyên tim. Bệnh nhân S đã nhanh chóng được Bệnh viện (BV) Đa khoa Từ Sơn - Bắc Ninh chuyển đến BV 108 vào lúc 13h ngày 8.9, trong trạng thái ý thức lơ mơ, huyết áp tụt, mạch nhanh, sốc chấn thương.

Người trực tiếp tham gia cuộc phẫu thuật là bác sĩ (BS) Ngô Tuấn Anh, BS Trần Quang Thái (khoa Phẫu thuật tim mạch), phối hợp cùng các bác sĩ khoa Cấp cứu, Gây mê hồi sức của Viện Tim mạch. Trước khi đến BV 108, dị vật là một khúc gỗ nhọn đã được rút ra khỏi cơ thể. Ngay lập tức các BS khoa Cấp cứu và khoa Phẫu thuật tim mạch đã khám nhanh và phát hiện vết thương ở ngực gây chảy máu màng tim. Quả tim đang bị ép tim cấp tính, bị chèn ép nặng. Một thời gian rất ngắn, bệnh nhân bị ngừng tim, ngừng thở.

Theo các BS, tính thời gian từ lúc bị tai nạn đến lúc ngừng tim, ngừng thở chỉ 1 tiếng. Do đó, bệnh nhân không thể kịp di chuyển lên phòng mổ mà phải được cấp cứu ngay trên cáng tại phòng chờ khoa Cấp cứu. Ngay lập tức, BS gây mê, BS phẫu thuật đã di chuyển, chuẩn bị ngay để mổ trên cáng dã chiến cho bệnh nhân. Khi lồng ngực được mở, các BS phát hiện trong màng tim có nhiều máu, quả tim bị ép chặt. Các BS còn phát hiện tim bệnh nhân có 2 lỗ thủng ở thành trước và thành sau tâm thất phải (lỗ vào khoảng 1cm và lỗ ra khoảng 0,5cm). Đây là thủ phạm gây chảy máu màng tim và ép tim gấp. Máu phun ra từ lỗ này rất mạnh và nhanh.

Theo BS Trần Quang Thái (Viện Tim mạch), khi quả tim bị ép chặt, BS mở khoang màng tim phát hiện có nhiều máu, nhưng khi giải thoát máu khỏi đây thì quả tim đập trở lại. Ca mổ kéo dài trong 1 giờ đồng hồ với sự khẩn trương nhất có thể, bởi nếu chậm 5 phút, hoặc di chuyển lên phòng mổ mất 5-10 phút thì bệnh nhân có thể bị chết não, tim không thể phục hồi, nguy hiểm tính mạng.

Mổ tại cáng

“Do việc di chuyển lên phòng mổ rất mất thời gian nên chúng tôi phải thực hiện dã chiến ngay tại cáng mổ. Trong khi bình thường một cuộc mổ tim thông thường phải chuẩn bị hàng tiếng đồng hồ. Sau 24 giờ, bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch” - TS Lê Văn Trường - Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện 108 - cho biết. Theo các BS, đây là trường hợp hiếm gặp. Thường nếu trong trường hợp bị đâm thấu tim, bệnh nhân thường tử vong ngay trên đường vận chuyển đến viện. “Việc phẫu thuật tối khẩn cấp như các trường hợp này được tính bằng giây, bằng phút. Đối với trường hợp của bệnh nhân S là khá may mắn vì được các thầy thuốc tuyến dưới sơ cứu kịp thời và khá tốt. Riêng bệnh nhân S, thời gian từ lúc tai nạn đến khi bắt đầu mổ chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ” - BS Thái cho biết.

Được biết, cách đây hơn 10 năm, đã gặp một trường hợp là một cháu bé bị mũi giáo đâm vào tim, nhưng vật sắc nhọn đó vẫn găm tại tim (khác với trường hợp bệnh nhân S do vật nhọn đã rút ra), do đó, bệnh nhi đó không bị ngừng tim, ngừng thở, không bị chèn ép màng tim. Đây cũng là trường hợp được mổ tim ngay tại cáng dã chiến của phòng khám tại Viện Tim mạch (Khoa Tim mạch ngày đó).

“Với những bệnh nhân bị dị vật đâm trúng, cách tốt nhất là những người bên cạnh hãy giữ dị vật nguyên vị trí đó, tránh tự ý rút dị vật ra để máu không bị tràn ra ngoài và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử trí kịp thời” - BS Thái khuyến cáo (Lao động trang 2, Tiền phong trang 2, Thanh niên trang 2, Pháp luật TP.Hồ Chí Minh trang 13).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang