Người ghi dấu ấn Việt Nam về phẫu thuật nội soi
Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được PGS, TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư nghiên cứu, phát triển được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đặt nó mang tên “Dr Lương”. Nét độc đáo của kỹ thuật mổ này là mổ theo đường ngực và nách, thay vì ở cổ như phương pháp phẫu thuật truyền thống.
Ý tưởng về phẫu thuật nội soi tuyến giáp được PGS,TS Trần Ngọc Lương ấp ủ từ đầu năm 2002, khi có khá nhiều người bị bướu cổ và mắc các bệnh lý tuyến giáp nói chung. Trong số những người mắc các bệnh lý tuyến giáp có rất nhiều phụ nữ, nếu mổ mở theo kiểu truyền thống thì sẽ để lại vết sẹo dài ở cổ, những người có cơ địa sẹo lồi sẽ càng thấy rõ điều đó, trông rất mất thẩm mỹ. Chính vì sợ bị sẹo lồi mà rất nhiều người bệnh nấn ná, thậm chí bỏ phẫu thuật. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng lên mới đến bệnh viện khám và điều trị thì khi đó tình trạng bệnh đã diễn biến phức tạp, việc chữa trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí có những người đã ở giai đoạn muộn. Từ thực tế đó, PGS,TS Trần Ngọc Lương đã dành thời gian nghiên cứu, mong muốn tìm ra phương pháp để chữa được bệnh mà không để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ... Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, kỹ thuật “Dr Lương” đã ra đời chuyên về mổ nội soi tuyến giáp. Năm 2003, ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên được thực hiện, người bệnh không phải “mang” vết sẹo dài từ 3 đến 8 cm ở cổ, vết sẹo chỉ còn nhỏ khoảng 1 cm và chỉ ở vùng nách và ngực. Thời gian nằm viện giảm xuống chỉ còn hai, ba ngày thay vì bảy ngày như trước đây...
Sự sáng tạo của bác sĩ Lương nằm ở việc ông đã sử dụng khí CO2 để tạo khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da giúp việc xử lý thương tổn bên trong được an toàn, thuận lợi. Kỹ thuật của bác sĩ Lương được đánh giá là có những ưu điểm sau: đơn giản, nhanh, hiệu quả, chi phí rẻ. Đơn giản là bởi khi tiến hành phẫu thuật các bác sĩ chỉ cần sử dụng các dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng thông thường mà ở các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện đều có. Còn nhanh là khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật chỉ cần tạo ba lỗ nhỏ ở vùng nách của người bệnh, vào tuyến giáp bằng đường bên. Sau đó, đưa thiết bị mổ nội soi vào, bơm CO2 tạo môi trường mổ. Do vậy, mỗi ca phẫu thuật chỉ kéo dài từ 20 đến 30 phút (trừ những ca khó có thể khoảng từ 40 đến 45 phút). An toàn vì theo đường riêng này có thể tìm và tách tuyến cận giáp trạng cũng như dây thần kinh thanh quản quặt ngược (dây thần kinh nói) nên không làm ảnh hưởng đến khả năng nói của người bệnh sau mổ. Quan trọng hơn khi tiến hành mổ nội soi người bệnh không bị mất máu nhiều, bình phục nhanh, có thể trở lại sinh hoạt bình thường chỉ sau vài ngày. Đến nay, kỹ thuật này có thể áp dụng hiệu quả cho tất cả các bệnh lý tuyến giáp khi cần mổ, kể cả ung thư khi chưa có di căn xa. Đáng chú ý, chi phí cho một ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp này rất thấp, chỉ khoảng từ 300 đến 400 USD, trong khi tại các nước thường từ 6.000 đến 7.000 USD thậm chí có nơi lên đến 10.000 USD.
Đến thời điểm này, PGS, TS Trần Ngọc Lương và cộng sự đã tiến hành mổ thành công cho hơn 5.300 ca bướu cổ bằng kỹ thuật nội soi mới. Kỹ thuật này đã được chuyển giao cho bác sĩ khắp các bệnh viện trong nam, ngoài bắc. Nhiều Bệnh viện đang triển khai thành công như: Chợ Rẫy, đa khoa Cần Thơ, Việt Tiệp Hải Phòng, đa khoa Nghệ An, Quân y 103, Trung ương Quân đội 108...
Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp do PGS, TS Trần Ngọc Lương nghiên cứu, phát triển đã trở thành niềm tự hào của nền y học Việt Nam, khi nhiều nước trên thế giới cử chuyên gia, bác sĩ sang Việt Nam học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật, trong đó có nhiều nước nền y học đã phát triển như: Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Bồ Đào Nha, Thái-lan... PGS, TS Trần Ngọc Lương được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận “Người có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong nước và nước ngoài nhiều nhất”. (Nhân dân, trang 5).
Khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế
Ngày 9-9, Bộ Y tế khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế tại các trang web: https://quanlytrangthietbiyte.com/tra-cuu-ttb-y-te hoặc https://dmec.moh.gov.vn/. Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm, cấp tài khoản để doanh nghiệp tự thực hiện việc công khai giá, cập nhật đăng công khai trên Cổng thông tin giá trang thiết bị y tế kèm theo các yếu tố xác định giá trang thiết bị y tế. Việc công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế, công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế trên Cổng thông tin sẽ giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán và xây dựng hồ sơ đấu thầu nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và làm lành mạnh thị trường trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Các chủ thể (đại diện của chủ sở hữu thiết bị y tế) phải công khai giá của thiết bị y tế tương ứng với cấu hình, tính năng kỹ thuật và thuế, phí các dịch vụ cơ bản đi kèm (bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng, giá linh kiện thay thế chính, giá bảo trì sau bảo hành…).
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế sẽ quyết tâm thực hiện tốt nội dung này, yêu cầu các hãng (hoặc đơn vị được hãng ủy quyền) thực hiện nghiêm túc việc công khai giá theo quy định của Luật Giá. Bộ Y tế sẽ cập nhật nâng cấp tính năng phần mềm và tham mưu ban hành các văn bản pháp quy để hệ thống này trở thành một kênh tra cứu chính thức về giá trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Từ tháng 4-2020 đến nay, Bộ Y tế đã công khai toàn bộ kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế với khoảng 50.000 kết quả, đây là cơ sở, căn cứ tra cứu, tham chiếu, là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Công khai giá thiết bị y tế”; Tiền phong, trang 3: “Công khai giá trang thiết bị y tế: Chống thổi giá, tiêu cực trong đấu thầu”; Lao động, trang 3: “Bộ Y tế công khai giá trang thiết bị y tế”; An ninh Thủ đô, trang 2: “Khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế”.
Chuẩn bị phương án xét nghiệm cho người nhập cảnh khi mở lại một số đường bay quốc tế
Chiều 9-9, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Các thành viên tham gia cuộc họp đã bàn về sản xuất sinh phẩm xét nghiệm mới (test kit); kinh nghiệm các nước tổ chức xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay.
Về sản xuất test kit, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nguyễn Công Tạc cho biết, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được hai loại test kit nhanh tìm kháng thể sử dụng máy và không cần sử dụng máy, có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 sau bảy ngày. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã sản xuất được test kit tìm kháng nguyên thực hiện bằng phương pháp Realtime-PCR, có độ chính xác cao, phát hiện sớm người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nhưng thời gian thực hiện lâu, yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.
Nhấn mạnh về yêu cầu phải chung sống an toàn với dịch bệnh, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, việc triển khai phương án thực hiện xét nghiệm nhanh ngay tại các cửa khẩu, sân bay, sự kiện tập trung đông người… để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, không để sót, để lọt là vô cùng quan trọng. Trên tinh thần đó, các doanh nghiệp trong nước đang khẩn trương nghiên cứu, sản xuất loại test kit nhanh có giá thành thấp, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime - PCR hiện nay.
Qua thảo luận về kinh nghiệm triển khai xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 tại sân bay ở một số quốc gia như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, Ấn Độ… các ý kiến đề nghị Bộ Y tế lên ngay kế hoạch tổ chức đón, xét nghiệm người nhập cảnh tại các sân bay quốc tế khi chúng ta sắp mở lại một số đường bay quốc tế. Bộ Y tế, Bộ KH và CN, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện cao nhất để thử nghiệm tất cả các loại test kit xét nghiệm nhanh do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Nếu những loại test kit này sử dụng tốt, giá thành thấp thì chúng ta có thể tính đến phương án mở rộng xét nghiệm nhanh ở các bệnh viện, sự kiện tập trung đông người… Các đại biểu đề nghị Bộ Y tế tiếp tục siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh, không để cho mầm bệnh trong cộng đồng lây nhiễm vào các bệnh viện.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ KH và CN cho biết sẽ đặt hàng mua test kit nhanh tìm kháng nguyên của các công ty trong nước sản xuất để thử nghiệm trên thực tế. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cũng sẽ đặt hàng doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay như kinh nghiệm một số nước.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 9-9 Việt Nam có thêm năm ca nhiễm Covid-19 mới (người bệnh 1.055, 1.056, 1.057, 1.058, 1.059), nhưng cả năm ca này đều từ nước ngoài nhập cảnh về nước, nâng tổng số người mắc trong cả nước lên 1.059 trường hợp. Năm người bệnh này từ U-crai-na về nước trên chuyến bay VN28 nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 1-9, được chuyển cách ly tập trung tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm lần một ngày 3-9 là âm tính, kết quả xét nghiệm lần hai ngày 9-9 tại Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh là dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Hiện những người bệnh này được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), trong ngày 9-9 có 22 người được công bố khỏi bệnh, gồm 10 người ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Đà Nẵng); bốn người ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh; bốn người ở Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam; hai người ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu; hai người ở Đắk Lắk (trong đó có một người được công bố khỏi bệnh ngày 26-8).
Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau một thời gian điều trị, người bệnh thứ 602 với bốn lần xét nghiệm PCR liên tiếp đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sức khỏe ổn định, đủ điều kiện xuất viện và đã được ngành y tế Đắk Lắk làm thủ tục cho xuất viện. Tuy nhiên, người bệnh 602 có nguyện vọng muốn được tiếp tục cách ly thêm 14 ngày tại khu cách ly tập trung tỉnh Đắk Lắk rồi mới về nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn một người nhiễm Covid-19 (thứ 448), trong quá trình điều trị, kết quả xét nghiệm lúc âm tính, lúc dương tính với SARS-CoV-2 nên phải tiếp tục cách ly để theo dõi và điều trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết, từ ngày 4-9 tới nay đã triển khai lấy tổng số 1.784 mẫu huyết thanh thực hiện xét nghiệm Elisa xác định tình trạng miễn dịch sau nhiễm SARS-CoV-2 ở nhóm người nguy cơ cao phơi nhiễm Covid-19. Đối tượng lấy mẫu huyết thanh là người từ TP Đà Nẵng về Hải Dương trong tháng 7-2020; người đã đến nhà hàng Thế giới bò tươi số 36 Ngô Quyền (TP Hải Dương) từ ngày 15 đến 20-7; người dân trong ổ dịch và vùng phong tỏa cách ly y tế thuộc các huyện Bình Giang, Nam Sách, Gia Lộc và TP Hải Dương. Toàn bộ số mẫu này được chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để thực hiện xét nghiệm, phân tích. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các sân bay, cửa khẩu”; Hà Nội mới, trang 1: “Thực hiện công tác xét nghiệm khi Việt Nam mở lại một số đường bay quốc tế”; Thanh niên, trang 3: “Sẽ đặt hàng doanh nghiệp để xét nghiệm cho người nhập cảnh tại sân bay”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Bộ Y tế sẽ đặt hàng doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay”.
Bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường
Mấy năm gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến an toàn cho học sinh ngay trong trường học. Ngoài những vụ tai nạn do thiên tai, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn do sập cổng trường, sập trần lớp học, cây đổ trong sân trường… Mới đây nhất tại huyện Văn Bàn (Lào Cai), cổng trường tại phân hiệu Bản Phung của Trường tiểu học Khánh Yên Thượng bị sập làm chết ba học sinh, bị thương ba em khác khiến các bậc phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con em mình khi đến trường. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn phần lớn do cơ sở vật chất của nhà trường không bảo đảm an toàn; nhiều hạng mục công trình lâu năm xuống cấp nhưng không được kịp thời rà soát, nâng cấp, tu sửa; một số vụ tai nạn xảy ra do trẻ hiếu động, thích tự khám phá trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế… Tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp phòng, tránh phù hợp.
Mấy năm gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến an toàn cho học sinh ngay trong trường học. Ngoài những vụ tai nạn do thiên tai, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn do sập cổng trường, sập trần lớp học, cây đổ trong sân trường… Mới đây nhất tại huyện Văn Bàn (Lào Cai), cổng trường tại phân hiệu Bản Phung của Trường tiểu học Khánh Yên Thượng bị sập làm chết ba học sinh, bị thương ba em khác khiến các bậc phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con em mình khi đến trường. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn phần lớn do cơ sở vật chất của nhà trường không bảo đảm an toàn; nhiều hạng mục công trình lâu năm xuống cấp nhưng không được kịp thời rà soát, nâng cấp, tu sửa; một số vụ tai nạn xảy ra do trẻ hiếu động, thích tự khám phá trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế… Tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp phòng, tránh phù hợp.
Trường học là nơi để học tập, rèn luyện, đem lại kiến thức cho học sinh thì nay lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn trong trường học; cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình trường học. Tuy nhiên, thực tế ở một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm đến việc xây dựng môi trường an toàn, chưa sâu sát trong công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời nguy cơ tiềm ẩn để sửa chữa, khắc phục. Không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra, rà soát lại mới phát hiện quy trình bảo đảm an toàn cho học sinh còn lỏng lẻo, các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không được cải tạo, bảo trì theo quy định.
Năm học 2020-2021, với quy mô gần 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước, để không xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, ngành giáo dục các địa phương cần tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong trường học. Ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố nguy cơ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, kiểm soát chất lượng các công trình trường học thường xuyên; tăng cường giám sát, kiểm soát mọi hoạt động, nếu có bất thường phải tu bổ, sửa chữa, khoanh vùng bảo vệ, hạn chế qua lại đối với các hạng mục có nguy cơ mất an toàn. Kịp thời có phương án sửa chữa, hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục kịp thời cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn đối với học sinh… Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để chủ động phát hiện các yếu tố, các nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình học tập, vui chơi tại nhà, khi đến trường, để chủ động phòng tránh hiệu quả.
Đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên rà soát mức độ an toàn của các trường học, nhất là các điểm trường, nhà ở bán trú cho học sinh, những trường học, lớp học nằm ở vị trí dễ xảy ra lũ ống, lũ quét. Đối với thành phố lớn, mỗi khi mùa mưa bão đến, các trường cần liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành tổng kiểm tra, cắt tỉa, xử lý những cây có thể gãy đổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Các cơ sở giáo dục kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.
Để thật sự có một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh, rất cần có sự vào cuộc chỉ đạo của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội. (Nhân dân, trang 1).
Thu giữ gần 4,5 triệu găng tay y tế giả
Ngày 9-9, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM cho biết, vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế và một số đơn vị của Bộ Công an triệt phá một tổ chức sản xuất, kinh doanh găng tay y tế giả nhãn hiệu nổi tiếng V..
Trước đó, vào ngày 8-9, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM cùng với lực lượng phối hợp kiểm tra đột xuất căn nhà không số trên đường Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thu giữ 4.470 thùng găng tay y tế giả với 4.470.000 chiếc găng tay, 150 kiện vỏ thùng găng tay, 35 bao vỏ hộp (ảnh). Tổng trị giá hàng giả tương đương hàng thật khoảng 6,5 tỷ đồng. Bước đầu, cơ quan công an xác định căn nhà trên được một đối tượng tên Việt thuê làm kho chứa hàng từ ngày 6-9-2020. Hiện cơ quan công an đang truy tìm đối tượng này.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM đã liên tiếp triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán găng tay y tế giả, kém chất lượng. Trong tháng 8-2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện 2 đường dây sản xuất, buôn bán găng tay y tế giả, kém chất lượng, khởi tố và bắt giam nhiều bị can để điều tra xử lý về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 7: “Bộ Công an phát hiện 5 triệu găng tay cao su y tế đã qua sử dụng”.
Nhiều địa phương thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch
Như Báo Hànộimới đã phản ánh, nhiều ngày qua, bên cạnh các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 9-9, vẫn còn một số nơi lơ là, chủ quan, coi thường dịch bệnh nguy hiểm, buông lỏng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tồn tại nhiều “điểm đen”
Sáng 9-9, trở lại các “điểm đen” trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, phóng viên ghi nhận hiện tượng người dân đi tập thể dục quanh hồ Thiền Quang, Công viên Thống Nhất, vườn hoa Yéc-xanh không đeo khẩu trang vẫn tái diễn, như phản ánh từ nhiều ngày trước. Tại quận Ba Đình, dãy hàng trà đá đầu phố Quán Thánh vẫn hoạt động và tập trung đông người…
Tại chợ dân sinh ngõ Thái Thịnh 1 (quận Đống Đa), người dân ra đường đi chợ vẫn không đeo khẩu trang, tình trạng người bán hàng rong lấn chiếm lòng đường bán hàng vẫn còn...
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Mai Khanh, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) cho biết, những ngày qua, UBND phường, các lực lượng chức năng và 15 tổ phản ứng nhanh tại 15 khu dân cư đã kiên quyết xử lý hàng quán lấn chiếm vỉa hè. Nhờ vận động tích cực, 7 hộ kinh doanh ăn uống đã chủ động lắp vách ngăn.
Tuy nhiên, vẫn còn hộ kinh doanh, người đi mua hàng tại chợ dân sinh chưa tuân thủ phòng chống dịch, không đeo khẩu trang, hàng rong bán hàng lấn chiếm lòng đường. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm báo đã nêu”, bà Khanh nói.
Thông tin thêm về hàng trà đá tại ngõ 38 (phường Xuân La, quận Tây Hồ) từ phản ánh của Báo Hànộimới tuần qua, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Văn Dũng cho biết, lực lượng chức năng phường đã tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân không bán hàng. Đồng thời, phường chỉ đạo các Tổ giám sát cộng đồng ở khu dân cư, thường xuyên duy trì kiểm tra, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại địa bàn phường Việt Hưng (quận Long Biên), trên một số tuyến phố, có chợ và tập trung nhiều hàng ăn uống như: Lệ Mật, Hoa Lâm, Vũ Đức Thận… vẫn còn tình trạng người dân thiếu ý thức phòng, chống dịch. Theo quan sát, tại đây nhiều nhà hàng đã trang bị nước rửa tay, nhưng lại không có dụng cụ đo thân nhiệt cho khách, một số quán bán hàng chưa lắp đặt vách ngăn, thực hiện giãn cách theo quy định.
Bà Nguyễn Kim Ánh, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) cho biết, phường có 16 tổ giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch. Bằng các hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và lập chốt kiểm tra tại các khu vực đông người qua lại, đến thời điểm này, UBND phường đã ký cam kết phòng, chống dịch với 85 cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Về những trường hợp báo đã nêu, phường sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.
Đặc biệt, sau hơn 10 ngày, quay trở lại các tuyến phố trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), phóng viên ghi nhận tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè vẫn vi phạm quy định về giãn cách, người dân không đeo khẩu trang khi ra đường khá phổ biển… Trên đường Trần Thái Tông, tại cửa hàng bánh mì số 22 Trần Thái Tông, có nhiều khách đứng chen nhau mua hàng. Theo quan sát, tại khu vực quầy bán hàng, cửa hàng chỉ lắp đặt vách kính đến ngang ngực, người bán và người mua tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần.
Cách trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu chỉ 100m, nhưng ngay trên vỉa hè trước cửa ra vào tòa chung cư Sunrise Building số 90 Trần Thái Tông, một quán trà đá ngang nhiên bán hàng, khách hàng ngồi sát nhau uống trà, không đeo khẩu trang.
Trước cửa Ngân hàng Vietcombank số 2 phố Duy Tân, hai quầy hàng bán rong ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, bày bàn ghế la liệt. Tiếp đó, quán cà phê AHA số 38 Duy Tân, hàng chục khách điềm nhiên ngồi san sát “chém gió” ngay trên vỉa hè.
Trả lời về những vi phạm báo nêu, ông Tống Xuân Duy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) khẳng định UBND phường không còn hiện tượng bán trà đá vỉa hè. Tuy nhiên, khi phóng viên nêu rõ những điểm vi phạm thì lãnh đạo phường cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin và xử lý nghiêm theo quy định.
Xử phạt nghiêm vi phạm
Ngày 9-9, lực lượng chức năng phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) hằng ngày vẫn đi đến các địa bàn dân cư tuyên truyền người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc, các hàng quán thực hiện nghiêm việc lắp vách ngăn.
Trung tá Đào Thanh Tùng, Trưởng Công an phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết, cán bộ làm nhiệm vụ chủ yếu di chuyển bằng xe máy và đi bộ để tuyên truyền, nhắc nhở việc phòng, chống dịch. Riêng khu vực hồ ngõ 135 Đội Cấn, Công an phường thiết lập hàng rào an ninh chống hàng quán lấn chiếm vỉa hè, yêu cầu các chủ hàng quán ký cam kết phòng, chống dịch, nhân viên đeo khẩu trang và có trang bị cồn sát khuẩn.
Cùng phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự, công an các phường: Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Trống cắm chốt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, cổng đền Ngọc Sơn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ngã ba phố Báo Khánh... đã ra quân từ sớm để triệt để dẹp các quán trà đá lấn chiếm vỉa hè tập trung đông người. Tuy nhiên, khi vào ca sáng vẫn còn hiện tượng công nhân lát đá vỉa hè quanh hồ Hoàn Kiếm không đeo khẩu trang.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, huyện Gia Lâm đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản tạm dừng hoạt động 6 cơ sở dịch vụ ăn uống. Thông qua công tác rà soát địa bàn, lực lượng chức năng huyện xử phạt 27 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Còn tại huyện Ba Vì, theo Trưởng phòng Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Hoàng Xuân Trường, để khắc phục tình trạng người dân chủ quan lơ là, huyện đã thành lập 9 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 31 xã, thị trấn. Các đoàn đã kiểm tra đột xuất 45 cơ sở kinh doanh karaoke, 34 cơ sở khám, chữa bệnh..., phạt hành chính 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và 1 phòng khám chữa bệnh ở các xã: Vật Lại, Đồng Thái, Tiên Phong.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, UBND các xã, thị trấn đã kiểm tra việc chấp hành phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán bia, cà phê và các dịch vụ khác trên địa bàn. Kết quả đã kiểm tra 125/135 cơ sở, trong đó có 4 cơ sở nhân viên không thực hiện đeo khẩu trang, 4 cơ sở chưa thực hiện đo thân nhiệt.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, UBND huyện đã thành lập 652 tổ giám sát cộng đồng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch. (Hà Nội mới, trang 7).
'Trăm phương ngàn kế' để lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh
Dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan.
Theo các nhà nhân khẩu học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó, ở nhiều địa phương nhất là các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng vẫn còn tồn tại quan niệm "một trăm đứa khóc như ri không bằng một đứa nó đi giật lùi". Điều này còn in đậm trong từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân.
Họ cho rằng, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, do đó, nhiều người cố tìm mọi cách "đẻ cho bằng được thằng cu để nối dõi tông đường". Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước và trong khi mang thai.
Đề cập cụ thể đến việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, vào năm 2003, khi thực hiện một nghiên cứu về phá thai, bà và các cộng sự đã phát hiện có nhiều phụ nữ phá thai là những người có 2 con gái trở lên. Đáng buồn là họ thường phá thai khi tuổi thai đã lớn.
Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi là liệu có phải nguyên nhân là do lựa chọn giới tính thai nhi hay không. Tuy nhiên, lúc đó chưa có các số liệu đủ lớn để khẳng định xu hướng này ở Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, các chuyên gia về nhân khẩu học đã phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và tiến hành các phân tích số liệu biến động dân cư hàng năm và đi đến khẳng định rằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang bắt đầu có xu hướng mất cân bằng.
Theo đó, từ 2003, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục gia tăng. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn mà không tìm được bạn đời.
Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, trong báo cáo dân số thế giới năm nay của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi.
"Đây là một hình thức bạo lực giới nghiêm trọng. Rất nhiều phụ nữ buộc phải mang thai nhiều lần để sinh được con trai. Những người khác thì phải phá thai nhiều lần để đạt được mục đích đó. Rõ ràng, đây là biểu hiện của bất bình đẳng giới. Bản thân người phụ nữ phải trải qua rất nhiều những đau khổ và dằn vặt trước khi đi đến quyết định phá thai. Nhiều người trong số họ còn gặp những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài", TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Thực tế, trong nhiều chuyến công tác tại các địa phương để tìm hiểu về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi càng thấy rõ nỗi đau đáu và "khát vọng" để sinh được một thằng "chống gậy". Có ông chồng trở nên cáu bẳn, rượu chè rồi đánh đập vợ con chỉ vì đi ăn cỗ phải ngồi mâm dưới và bị "nói mát" không đẻ được con trai.
Hay có những bà vợ dù tuổi đã cao nhưng vẫn bị ép sinh thêm con vì trước đó đã sinh toàn con gái. Thậm chí, có nhiều ông chồng tuyên bố nếu không đẻ được thằng cu, họ sẵn sàng bỏ vợ để đi "kiếm" một đứa con trai với người vợ mới.
Trước áp lực của gia đình, dòng họ, bản thân nhiều người phụ nữ đã phải tìm trăm phương ngàn kế để cố "nặn" cho bằng được một đứa con trai cho yên cửa yên nhà. Họ tìm đến các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi trước khi mang thai như đi xem bói, tính ngày trứng rụng, uống thuốc hay đi siêu âm để phát hiện giới tính thai nhi. Đến khi không đạt được giới tính thai nhi như mong muốn, họ lại sẵn sàng "chối bỏ" quyền được sống của những thai nhi đó bằng cách lạm dụng sự can thiệp của khoa học, kỹ thuật.
Theo Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định "Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức". Cùng đó, Điều 10, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức như tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi hình, ghi âm, tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan. Thực tế, trên các trang mạng Internet vẫn còn đầy rẫy những thông tin quảng cáo, hướng dẫn cách ăn uống, tính ngày để sinh con theo ý muốn, nhất là sinh con trai.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền y học trên thế giới, nhất là sự tiên tiến trong các kỹ thuật siêu âm hiện đại thì việc xác định giới tính thai nhi ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã trở nên khá phổ biến.
Dù pháp luật đã quy định không được tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng hầu hết các thai phụ đều biết giới tính đứa con trong bụng từ khá sớm. Điều đó chứng tỏ nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám siêu âm vẫn có nhiều cách thức để "lách luật" thông báo ngầm cho thai phụ về giới tính của đứa trẻ.
Tình trạng này rất khó phát hiện và kiểm soát dẫn đến việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang diễn ra phổ biến trong đời sống hiện nay, nhất là đối với các gia đình đã sinh con một bề là gái, nhà có điều kiện kinh tế muốn sinh thêm con hoặc đang "khao khát" có một thằng cu "chống gậy". (Gia đình & Xã hội, trang 1).
Đà Nẵng kiến nghị thu tiền xét nghiệm Covid-19 một số trường hợp
Ngày 9.9, UBND TP.Đà Nẵng cho biết đã có công văn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và kiến nghị thu phí dịch vụ xét nghiệm (XN) Covid-19.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người từ Đà Nẵng đến các địa phương, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép” (phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội), UBND TP đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo thống nhất hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người từ TP.Đà Nẵng đến các địa phương; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo XN Covid-19 có thu tiền đối với các trường hợp có nhu cầu từ Đà Nẵng đến các địa phương mà địa phương nơi đến yêu cầu phải có kết quả XN âm tính với SARS-CoV-2.
Cùng ngày, UBND TP.Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu Sở Y tế tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 (BCĐ) về những biện pháp phòng, chống dịch mà Đà Nẵng đã thực hiện trong thời gian qua, kiến nghị BCĐ có hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh, thành trên cả nước triển khai các biện pháp đối với người dân đến từ TP.Đà Nẵng một cách thống nhất, đảm bảo quy định và việc thực hiện XN dịch vụ đối với các trường hợp cần thiết. TP cũng có văn bản về việc thay đổi quy định thời gian tổ chức lễ tang, cho phép kéo dài không quá 48 giờ đối với trường hợp người tử vong không liên quan Covid-19. (Thanh niên, trang 3).
Thêm 5 ca mắc COVID-19 mới, chỉ còn 169 bệnh nhân đang điều trị
Tối 9/9, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc tại nước ta lên 1.059 trường hợp. Các bệnh nhân mới đều nhập cảnh từ nước ngoài về, được cách ly tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ Y tế cho biết, tính đến 18h ngày 9/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 trường hợp.
5 ca mắc mới (BN1055-1059) đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể:
Ca bệnh 1055 (BN1055): Nam, SN 1960, có địa chỉ tại xã Quốc Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Ca bệnh 1056 (BN1056): Nam, SN 2009, có địa chỉ tại phường Cửa Nam, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Ca bệnh 1057 (BN1057): Nam, SN 1990, có địa chỉ tại xã Hoài Thương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ca bệnh 1058 (BN1058): Nữ, SN 2016, có địa chỉ tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.
Ca bệnh 1059 (BN1059): Nữ, SN 1983, có địa chỉ tại xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
BN1055-1059 về từ Ukraina về nước trên chuyến bay VN28 nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 1/9/2020, được chuyển cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kết quả xét nghiệm lần 1 của các bệnh nhân vào ngày 3/9/2020 là âm tính, kết quả xét nghiệm lần 2 vào ngày 9/9/2020 tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.474 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: trong ngày có 21 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm:
+ 10 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Huyện Hoà Vang: BN831, BN693, BN700, BN939, BN966, BN1028, BN990, BN894, BN1002, BN953
+ 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh: BN865, BN714, BN951, BN1032
+ 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam: BN729, BN717, BN883, BN982
+ 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu: BN1031, BN1030
+ BN602 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk.
Tổng số người được điều trị khỏi là 890 trường hợp. Hiện trong số các bệnh nhân đang điều trị đã có 49 người xét nghiệm âm tính 1 lần trở lên. (Công an Nhân dân, trang 1).
Trẻ 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em- BV Nhi TW đã tiếp nhận hơn 60 trẻ nhập viện vì mắc sốt xuất huyết đến điều trị.
Sốt xuất huyết không chừa một ai, trẻ nhũ nhi cũng mắc bệnh
Chị Thế Thị Thu Trang (ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) đã cho con trai vào BV Nhi Trung ương điều trị được 8 ngày, đến nay con chị vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết và không ăn được. “Con mắc bệnh đúng vào dịp đầu năm học mới, hôm khai giảng không tham dự được nên rất cháu rất buồn”, chị Trang cho hay.
Chị Trang kể, từ ngày 31/8, chị thấy con có biểu hiện sốt cao, có khi lên đến 41 độ, nôn vài lần trong ngày. Cho bé uống thuốc hạ sốt thì chỉ hạ được ít. Thấy vậy, chị cho con đến BV huyện Đan Phượng thăm khám và được chẩn đoán là sốt xuất huyết. Điều trị tại đây 2 ngày, cháu không đỡ nên gia đình xin chuyển lên BV Nhi TW.
Ngoài đứa con trai lớn đang điều trị tại viện, trong gia đình chị Trang còn một đứa con nhỏ 4 tuổi cũng mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Ngoài ra, bố chị Trang cũng ở Tân Hội hiện đang bị sốt xuất huyết.
Con trai chị Trang chỉ là một trong nhiều trẻ hiện đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới- BV Nhi Trung ương.
Thông kê cho biết, tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9. “Hiện tại khoa đang điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dự kiến con số có thể tăng lên trong những ngày tới do đây đang là thời điểm mùa mưa”- TS Nguyễn Văn Lâm - Giasm đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết.
TS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, trong số các trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào trẻ nguy kịch hay tử vong. Thậm chí có nhiều trẻ nhũ nhi cũng đã nhập viện do mắc căn bệnh này.
Điển hình là trường hợp cháu bé mới 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc sốt xuất huyết sau đó bị muỗi đốt, con muỗi đó lại đốt sang người trẻ khiến trẻ bị mắc bệnh. “Đối với những trẻ nhũ nhi dù mới được vài ngày tuổi nhưng trẻ không có biến chứng nặng như những trẻ lớn hơn”- TS Lâm chia sẻ.
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân sốt xuất huyết không tăng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều chủ yếu vào tháng 8, 9.
Phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng ibuprofen hạ sốt cho trẻ
TS Nguyễn Văn Lâm cho hay, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh.
TS Lâm lưu ý, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con hạ sốt chưa đúng cách. Thí dụ như, khi con sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.
"Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp trẻ bị xuất huyết tiêu hóa nặng khi bị sốt xuất huyết, khi vào viện khai thác tiền sử gia đình mới biết, phụ huynh tự ý cho dùng ibuprofen. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo tuyệt đối không nên dùng loại thuốc này cho trẻ bị sốt xuất huyết”, TS Lâm cảnh báo.
TS Lâm nhấn mạnh: Trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường.
Sốt xuất huyết do virus gây nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.
Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. “Giai đoạn sau ngày thứ 5-6 của sốt, trẻ sẽ tái hấp thu nên nếu bù dịch không đúng theo phác đồ thành thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, có thể làm trẻ khó thở do bù dịch không đúng”, BS Lâm khuyến cáo.
Cuối cùng để phòng sốt xuất huyết, vấn đề gốc dễ là vệ sinh nơi ở bằng cách không tích trữ nước mưa, lật úp các đồ dùng có thể chứa nước đọng, ngủ mắc màn, diệt loăng quăng, bọ gậy… (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).
Việc lành mạnh hóa hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế: Minh bạch giá là quyết tâm của Bộ Y tế
Ngày 9/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế (TTBYT) nhằm giúp cho thị trường TTBYT Việt Nam ngày càng lành mạnh, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát biểu tại Lễ công bố, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vấn đề công khai minh bạch về giá TTBYT là một trong những bước đi quan trọng của Bộ Y tế nhằm làm lành mạnh, minh bạch toàn bộ thị trường TTBYT.
Trong thời gian qua, mặc dù phải đối phó với dịch bệnh COVID-19 nhưng Bộ Y tế đã triển khai rất mạnh mẽ, có hiệu quả đối với tất cả lĩnh vực về quản lý. Trong thời gian rất ngắn, Bộ Y tế đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đưa toàn bộ lên dịch vụ công cấp độ 4 và hiện nay 100% các dịch vụ công của Bộ Y tế đã ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất để hạn chế việc tiếp xúc giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa đó là Bộ Y tế sẽ tiến tới thành lập hội đồng thẩm định và cấp phép TTBYT dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, công tâm giúp cho các cơ quan quản lý khách quan nhất trong vấn đề cấp phép tránh các hiện tượng tiêu cực xảy ra.
Tiến hành phân cấp cho các đơn vị, từ việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thẩm định tính năng kỹ thuật, xây dựng định mức sử dụng,…Tiếp tục chấn chỉnh việc đấu thầu, liên doanh mua sắm TTBYT.
Từ tháng 4 đến nay, trên cổng thông tin của Bộ Y tế đã có tới 50 ngàn TTBYT đã được công khai giá trúng thầu của các đơn vị, buộc các đơn vị phải cung cấp giá trúng thầu để làm cơ sở tra cứu cũng như là một bước đi làm lành mạnh hóa thị trường.
Về vấn đề công khai giá TTBYT, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có nhiều mức độ công khai, đối với chủ sở hữu, hãng sản xuất phải công khai giá mong muốn khi vào thị trường Việt Nam, bao gồm: bảo hành, bảo trì, khuyến mãi…
Giá này cũng phải so sánh với thị trường các nước, các khu vực trên thế giới để đảm bảo không có sự chênh lệch giá TTBYT ở Việt Nam với các nước khác.
Tới đây Bộ Y tế sẽ liên kết với cơ quan Hải quan trong vấn đề giá nhập khẩu TTBYT vào Việt Nam để làm lành mạnh lại thị trường, với mục tiêu cao nhất để công khai minh bạch toàn bộ quá trình mua sắm trang TTBYT, nhằm mục đích cuối cùng là đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng với giá trị thực.
Hiện Bộ Y tế đang triển khai rất quyết liệt và xác định TTBYT và dược sẽ là hai lĩnh vực được Bộ Y tế cải cách rất mạnh mẽ trong vấn đề này.
“Mong rằng, tới đây chúng ta sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, giá về TTBYT tại thị trường Việt Nam, đảm bảo sân chơi lành mạnh cho tất cả công ty, là cơ sở cho các đơn vị y tế khi sử dụng mua sắm TTBYT, khắc phục những câu chuyện thổi giá, tiêu cực trong đấu thầu” - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và tiếp tục thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch trong lĩnh vực TTBYT, Bộ Y tế đã giao Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nghiên cứu, xây dựng và vận hành Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế nhằm giúp cho thị trường TTBYT Việt Nam ngày càng lành mạnh, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, về phương án công khai giá, loại giá công khai: Là giá của thiết bị y tế tương ứng với cấu hình, tính năng kỹ thuật và thuế, phí các dịch vụ cơ bản đi kèm (bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng, giá linh kiện thay thế chính, giá bảo trì sau bảo hành…).
Chủ thể thực hiện công khai giá: Là các đại diện của Chủ sở hữu thiết bị y tế (Hãng, văn phòng đại diện, công ty được Chủ sở hữu ủy quyền).
Phương thức thực hiện: Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm, cấp tài khoản để doanh nghiệp tự thực hiện việc công khai giá, cập nhật đăng công khai trên Cổng thông tin giá TTBYT kèm theo các yếu tố xác định giá TTBYT. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo thông tin về giá thiết bị y tế sẽ tra cứu trên cổng điện tử của Bộ Y tế.
Bộ Y tế sẽ yêu cầu các hãng (hoặc đơn vị được hãng ủy quyền) thực hiện nghiêm túc việc công khai giá theo quy định của Luật Giá. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể các thông tin cần thiết cấu thành giá thiết bị (Tên thiết bị, model, hãng, nước sản xuất, cấu hình, tính năng kỹ thuật cơ bản, bảo hành, đào tạo, thuế phí, yêu cầu lắp đặt và các điều kiện thương mại) để thống nhất việc công khai.
Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai, Bộ Y tế sẽ cập nhật nâng cấp tính năng phần mềm và tham mưu ban hành các văn bản pháp quy để hệ thống này trở thành một kênh tra cứu chính thức về giá trong lĩnh vực TTBYT, giúp cho thị trường TTBYT ngày càng minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).