Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11 tháng 10 năm 2022

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ có thêm ca đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn; Nhiều tỉnh Tây Nguyên tăng vọt ca mắc sốt xuất huyết, thêm bệnh nhân tử vong

 

Nguy cơ có thêm ca đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn

Thời gian qua, tại sân bay Tân Sơn Nhất đã ghi nhận 9 trường hợp có thân nhiệt cao nhưng không phải do đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện thêm ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chiều 6/10, tại buổi họp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TP.HCM, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã đưa ra cảnh báo về khả năng xuất hiện thêm các ca bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho rằng: "Việc mở cửa giao lưu tiếp xúc với các nước đang có dịch bệnh đậu mùa khỉ như hiện nay thì việc xuất hiện thêm ca bệnh đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể xảy ra".

Để phát hiện sớm các ca bệnh đậu mùa khỉ từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, việc kiểm tra thân nhiệt tại khu vực nhập cảnh quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất đã được triển khai và duy trì nhằm phát hiện hành khách có triệu chứng sốt. Đồng thời, các cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế sẽ quan sát các dấu hiệu cảnh báo bệnh ngoài da để phát hiện ca bệnh kịp thời.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc HCDC cho biết, sau khi triển khai công tác kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất đã ghi nhận 9 trường hợp có thân nhiệt cao. Tuy nhiên, những người này chỉ sốt nhưng không có biểu hiện của đậu mùa khỉ, có thể sốt vì bệnh lý khác.

Để đảm bảo không bỏ sót ca bệnh nào, nhân viên y tế đã hướng dẫn 9 hành khách tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngay khi có các dấu hiệu bất thường, các triệu chứng điển hình của bệnh như sốt, mệt mỏi, nổi mụn nước... cần nhanh chóng thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời, tránh bệnh trở nặng và lây nhiễm cho những người xung quanh.

Theo bà Lê Hồng Nga, nguy cơ lây lan từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Việt Nam gần như bằng không. Sau hơn 11 ngày kể từ khi tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, 9 người tiếp xúc gần với bệnh nhân bao gồm 4 nhân viên y tế và 5 người nhà bệnh nhân không xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ bệnh. Song với mức độ giao lưu, tiếp xúc như hiện nay, việc xuất hiện thêm ca nhiễm đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể.

Bà Nga khuyến cáo, dù khả năng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ rất thấp nhưng người dân không được chủ quan trước dịch bệnh. Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường cần thông báo ngay cho trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Nhiều tỉnh Tây Nguyên tăng vọt ca mắc sốt xuất huyết, thêm bệnh nhân tử vong

Nhiều tỉnh ở Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk… có số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.

Sốt xuất huyết lan rộng

Đến nay sốt xuất huyết đã lan rộng ra nhiều huyện/thành phố ở Lâm Đồng lẫn Đắk Lắk, kéo theo đó là nhiều ca bệnh có chuyển biến nặng. Các cơ sở y tế phải nỗ lực điều trị kịp thời để giảm tối đa tỉ lệ tử vong.

Thống kê của Sở Y tế Lâm Đồng, đến ngày 27/9 đã ghi nhận 2.967 ca, tăng đến 2.572 ca so với cùng kỳ 2021. Nhiều huyện tăng đột biến, điển hình như: Huyện Đạ Teh có 410 ca sốt xuất huyết, tăng 217 ca so với năm 2021; huyện Đức Trọng có 423 ca, tăng 406 ca so với năm 2021; TP. Bảo Lộc có 512 ca, tăng 456 so với năm 2021; huyện Di Linh có 540 ca, tăng 517 so với năm 2021…

Đến ngày 27/9, Lâm Đồng cũng đã ghi nhận một ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết tại thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai.

Nhiều hộ dân ở xã Bảo Thuận (huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết, năm ngoái số người mắc sốt xuất huyết không nhiều và diễn biến không phức tạp như hiện nay. Nhiều hộ dân cũng đã có ý thức chủ động diệt lăng quăng, nhất là trong thời điểm thời tiết có nhiều diễn biến bất thường.

Cũng như Lâm Đồng, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến ở Đắk Lắk. Đến cuối tháng 9 đã ghi nhận trên 6.000 ca mắc sốt xuất huyết. Dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nhiều địa bàn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao như: TP. Buôn Ma Thuột; Krông Pắc; Ea H'leo; Ea Kar; Krông Bông…

Thêm bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong, quyết liệt chống dịch

Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tại Đắk Lắk), bệnh viện vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong nâng tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết đã tử vong ở Đắk Lắk lên 9 người. 

Bệnh nhân thứ 9 là nữ, sinh năm 2001 (trú tại Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột). Ngày 24/9, bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, đau tức bụng… Ngày 30/9, các triệu chứng mệt mỏi tăng thêm nên bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột để điều trị. 

Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết - suy đa cơ quan (suy gan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa nặng, thiếu máu mạn mức độ nặng, theo dõi bệnh lý máu ác tính, sốt xuất huyết Dengue... Do bệnh cảnh quá nặng, bệnh nhân tử vong ngày 2/10.

Trước diễn biến của dịch bệnh, các địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp dập dịch. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các các thôn, buôn, tổ dân phố diệt lăng quăng, muỗi, đưa các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết đến tận hộ gia đình.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo đến các địa phương, ban, ngành trong tỉnh này cần triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy. Đảm bảo tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch sốt xuất huyết và nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.

Các cơ sở khám, chữa bệnh ở Lâm Đồng, Đắk Lắk tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú kể cả trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. 

Đồng thời duy trì hoạt động của "nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết" và "đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Bên cạnh đó, ngay từ các thôn/buôn... nhất là ở các điểm nóng phát huy mạnh mẽ vai trò của đội xung kích diệt lăng quăng. 

Bác sĩ Võ Thanh Dũng - Trưởng Trạm y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) chia sẻ: "Cùng với ngành y tế và các lực lượng khác thì từng hộ dân cũng phải nâng cao ý thức chủ động phòng dịch sốt xuất huyết. Với dịch bệnh này, việc vệ sinh nơi ở, quanh nơi sinh sống, triệt tiêu môi trường phát sinh muỗi gây bệnh là việc làm rất cần thiết, nhà nhà, người người cần thực hiện ngay". (Sức khoẻ & đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang