Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/09/2016

  • |
T5g.org.vn - Chất bị cấm trong xà phòng nguy hiểm như thế nào?; Cảnh giác với viêm cầu thận cấp ở trẻ em…

Chất bị cấm trong xà phòng nguy hiểm như thế nào?

Liên quan đến việc đầu tháng 9 này Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức ban hành lệnh cấm với 2.100 sản phẩm xà phòng, nước rửa tay, sữa tắm đang lưu hành trên thị trường có chứa 19 loại hóa chất, trong đó phổ biến nhất là triclosan, triclocarban, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu báo cáo về cục việc họ có hay không sử dụng 1 trong 19 hóa chất này trong thành phần sản phẩm xà phòng rửa tay tiệt trùng.

“Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng các sản phẩm kháng khuẩn hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn vi trùng lây lan, nhưng chúng ta không có bằng chứng khoa học nào chứng minh chúng tốt hơn xà phòng và nước thông thường” - Tiến sỹ Janet Woodcock, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Dược phẩm thuộc FDA phát biểu trong một cuộc họp báo tại trung tâm.

Ông cũng cho biết, thực tế là, một số nghiên cứu cho thấy các thành phần kháng khuẩn gây hại về lâu dài nhiều hơn là có lợi. Theo đó, một số hóa chất diệt khuẩn có trong xà phòng, nước rửa tay, sữa tắm lại có tác động không tốt cho sức khỏe. Chúng khiến các vi khuẩn kháng thuốc phát triển mạnh, gây ra các vấn đề sức khỏe bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn có lợi sống trên cơ thể chúng ta, cũng như gây rối loạn hormone. Và sau khi bị xả xuống đường ống cống, các hóa chất này cũng gây nguy hại cho các loài động vật và thực vật.

Chính vì lý do đó, đầu tháng 9 vừa qua FDA đã đưa ra quy định mới nhằm bảo vệ người dân Mỹ khỏi các loại hóa chất này. Theo đó, từ bây giờ, các công ty không được phép tiếp thị bất cứ loại chất tẩy rửa diệt khuẩn nào có chứa một hoặc nhiều hơn trong số 19 thành phần cụ thể được quy định.  FDA cho phép các doanh nghiệp đã sản xuất các sản phẩm liên quan có thời gian 1 năm để thay thế thành phần bị cấm trong sản phẩm, tính từ tháng 9-2016.

Khảo sát trên thị trường hiện nay, tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị, các loại xà phòng, nước rửa tay, sữa tắm cả trong nước và nhập khẩu có chứa thành phần triclosan, triclocarban khá nhiều. Các chủ hàng cho biết vì chưa nhận được thông báo gì từ các cơ quan chức năng cũng như hãng nên các sản phẩm này vẫn được mua bán bình thường.

Về tác dụng cũng như tác hại của các chất bị FDA cấm, PGS.TS Trần Hồng Côn - khoa Hóa, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết: Hai hợp chất triclosan và triclocarban được sử dụng như một loại thuốc diệt khuẩn, có thể gây ung thư, rối loạn hormone trong cơ thể, gây các vấn đề sức khỏe, từ vô sinh đến khiếm khuyết trong phát triển não và chức năng tim mạch. Tuy vậy, PGS Trần Hồng Côn cho rằng những tác hại này chỉ xảy ra khi người dùng uống trực tiếp hợp chất này vào cơ thể, còn khi rửa tay, rửa chân, triclosan và triclocarban chỉ có khả năng thẩm thấu qua da nên rủi ro thấp, người tiêu dùng không nên quá lo lắng.

Dù vậy, việc FDA cấm các hóa chất này là đúng, vì hiện tại có hơn 200 hợp chất hữu cơ để diệt khuẩn, do đó, những chất có khả năng gây ung thư bị cấm để thay thế bằng những hợp chất khác có tính năng diệt khuẩn tương tự nhưng lại an toàn hơn là điều dễ hiểu. Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng nên có những câu trả lời cụ thể trong việc có nên cho phép sử dụng 2 hoạt chất này trong xà phòng diệt khuẩn hay không.

Về vấn đề này, Cục Quản lý dược cho biết, Việt Nam hiện tham gia hiệp định chung với các nước ASEAN về quản lý mỹ phẩm nên danh mục hóa chất bị FDA cấm sử dụng sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị chung vào tháng 11 tới nhằm có biện pháp ứng xử với các sản phẩm tại Asean và Việt Nam có các chất trong số 19 chất đã bị phía Mỹ cấm.

Danh sách các chất mới bị FDA cấm trong xà phòng: Cloflucarban, Fluorosalan, Hexachlorophene, Hexylresorcinol, Iodophors (Iodine-containing ingredients), Iodine complex (ammonium ether sulfate and polyoxyethylene sorbitan monolaurate), Iodine complex (phosphate ester of alkylaryloxy polyethylene glycol), Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine, Poloxamer - iodine complex, Povidone-iodine 5 to 10 percent,  Undecoylium chloride iodine complex, Methylbenzethonium chloride, Phenol (greater than 1.5 percent), Phenol (less than 1.5 percent), Secondary amyltricresols, Sodium oxychlorosene, Tribromsalan, Triclocarban, Triclosan, Triple dye. (An ninh Thủ đô (trang 8).

Cảnh giác với viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Viêm cầu thận cấp là bệnh thận chủ yếu của trẻ em và thanh thiếu niên với tỷ lệ khoảng 3-5% các trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị. Ở nước ta, bệnh viêm cầu thận cấp thường nhiều hơn về mùa hè do tình trạng nhiễm khuẩn ngoài da khá phổ biến và cả mùa lạnh do viêm họng. Bệnh viêm cầu thận cấp thường xảy ra sau khi người bệnh đã bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn trước đó. Với trẻ em dưới 3 tuổi, thường sau khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da như viêm da, chốc đầu. Với trẻ lớn hơn, thường sau khi bị viêm họng, viêm amydal. Nguyên nhân do cơ địa dị ứng, do sức đề kháng kém hoặc vệ sinh cá nhân kém.

Trong giai đoạn khởi phát, bệnh bắt đầu một cách kín đáo với các dấu hiệu của triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau lưng, da hơi xanh, phù nhẹ ở mặt, đi tiểu ít. Một số trường hợp bệnh có thể bắt đầu một cách nguy kịch với các dấu hiệu của huyết áp cao, phù phổi cấp hoặc suy tim cấp hay vô niệu.

Trong giai đoạn toàn phát của thể bệnh thông thường, có đầy đủ các triệu chứng như: phù (thường bắt đầu ở mí mắt, mặt, rồi đến toàn thân), đa số các trường hợp phù chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình, phù trắng và mềm. Tăng huyết áp là dấu hiệu xuất hiện sớm và rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh, thường tăng cả huyết áp tối đa và tối thiểu. Ở các thể bệnh thông thường, huyết áp tăng lên từ 20 - 30mmHg; một số ít trường hợp huyết áp tăng cao gây các biến chứng ở hệ tim mạch hoặc thần kinh. Bệnh nhân có thể đi tiểu ra máu, số lượng nước tiểu cũng giảm, có khi vô niệu.

Phần lớn bệnh nhi viêm cầu thận cấp khỏi hoàn toàn. Triệu chứng lâm sàng hết sau 1 -2 tuần lễ, những hồng cầu và protein niệu thường hết chậm hơn. Tuy nhiên bệnh có thể diễn biến xấu dẫn đến tử vong do huyết áp tăng rất cao và kéo dài, dẫn đến suy tim cấp, phù phổi cấp, phù não và tử vong. Đây là triệu chứng nổi bật của viêm cầu thận cấp thể cao huyết áp. Đối với viêm cầu thận cấp thể vô niệu, tình trạng vô niệu kéo dài trên 5 ngày, nếu không chạy thận nhân tạo (lọc máu) thì dễ bị tử vong do suy thận cấp. Đái đỏ kéo dài từ 2 tuần đến nhiều tháng là triệu chứng nổi bật trong viêm cầu thận cấp thể đái máu.

Bệnh cũng có thể tiến triển thành mạn tính: Giai đoạn đầu triệu chứng lâm sàng khỏi nhanh, nhưng các thành phần trong nước tiểu lại tồn tại kéo dài. Sau một thời gian bệnh biểu hiện dưới dạng hội chứng thận hư hoặc viêm cầu thận mạn.

Bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em thường có tiên lượng tốt hơn người lớn, nếu chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể ngăn ngừa được các biến chứng gây tử vong trong giai đoạn cấp tính. Tất cả bệnh nhân viêm cầu thận cấp đều phải được điều trị và theo dõi sát tại bệnh viện, đặc biệt  trong giai đoạn cấp tính nhằm ngăn ngừa và xử trí kịp thời các biến chứng; sau khi điều trị khỏi phải được theo dõi tiếp trong 1 năm.

Về chế độ ăn, phải hạn chế tuyệt đối chất muối trong 2-4 tuần tùy theo mức độ thuyên giảm của bệnh; số lượng nước ăn uống cũng phải hạn chế tùy theo số lượng nước tiểu và tình trạng bệnh căn cứ vào dấu hiệu phù nhiều, huyết áp cao; việc hạn chế khẩu phần protid chỉ xem xét đối với thể viêm cầu thận cấp có suy thận. (An ninh Thủ đô (trang 8).

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), sức khỏe bà mẹ và trẻ em (SKBM&TE) ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng SKBM&TE ở nước ta vẫn còn có sự khác biệt khá lớn về tỷ lệ tử vong mẹ (TVM), tử vong trẻ em (TVTE) và tử vong sơ sinh (TVSS) giữa các vùng, miền trên cả nước.

Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), Ths Nguyễn Đức Vinh cho biết: Các chỉ số về SKBM&TE mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự như: tỷ số TVM đã giảm ba lần; TVTE dưới một tuổi đã giảm gần ba lần; TVTE dưới năm tuổi giảm hơn một phần hai…

Tuy nhiên, mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng SKBM&TE nhưng còn có sự khác biệt khá lớn về TVM, TVTE giữa các vùng địa lý, giữa các vùng kinh tế- xã hội và giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Đáng chú ý, tốc độ giảm TVM, TVTE trong những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại, trong khi đó mặc dù TVM và TVSS đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng từ 580 đến 600 trường hợp TVM và hơn 10 nghìn trường hợp TVSS. Ngoài ra, việc khám, phát hiện, điều trị, theo dõi và tư vấn sau điều trị chưa được quan tâm đúng mức, nhất là sự kết nối giữa hệ thống dịch vụ CSSKSS/SKBM&TE và dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con còn hạn chế. Trong khi đó, hiểu biết, hành vi về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên còn nhiều hạn chế; kiến thức, thái độ và hành vi về CSSKSS/SKBM&TE trong cộng đồng và ngay cả cán bộ y tế chưa cao…

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn gặp không ít khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không được quản lý thai và đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ đẻ vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ở các bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh; nguồn nhân lực về chuyên ngành sản khoa và nhi khoa rất thiếu, cho nên hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều bố trí khoa sản với khoa ngoại để tận dụng nguồn nhân lực. Trong khi đó, năng lực chuyên của nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, tuyến y tế cơ sở cũng còn có những hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, tiên lượng, theo dõi, cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Vẫn còn không ít cán bộ y tế có biểu hiện chủ quan, chưa kịp thời, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản phụ, trẻ em sơ sinh khi có tai biến xảy ra…

Nhằm thực hiện giai đoạn hai và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, cũng như hướng tới thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) do LHQ đề ra, trong đó có các chỉ tiêu về SKBM&TE, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và TVM giữa các vùng, miền.

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Bộ Y tế sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến xã, nhất là các trạm y tế có đỡ đẻ ở vùng nông thôn, vùng núi cao; nâng cấp, xây mới hoặc bố trí phòng đẻ riêng và cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị còn thiếu. Đầu tư, nâng cấp và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên ngành sản khoa, nhi khoa tuyến T.Ư và tuyến tỉnh; tăng cường đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc” hoặc các hình thức phù hợp tại các cơ sở lâm sàng; nâng cao năng lực cho mạng lưới CSSKSS về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại các tuyến…

Đi liền với đó là đổi mới cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, nhất là việc thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo gói dịch vụ (gồm chăm sóc trước khi có thai, chăm sóc khi mang thai, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong sinh và sau sinh...); tiếp tục tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em thông qua các dự án hỗ trợ có mục tiêu về CSSKSS. Đồng thời, huy động thêm từ nguồn ngân sách địa phương, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ… (Nhân dân (trang 5).

Mỗi năm VN có 22.000 người VN mắc mới ung thư phổi

Tại VN, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Mỗi năm VN có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi và 19.500 bệnh nhân tử vong vì bệnh này.

Trong thời gian tới số ca mắc mới ung thư phổi vẫn tiếp tục gia tăng ở VN. Ước tính đến năm 2020, số mắc mới ung thư phổi ở cả hai giới tại VN là hơn 34.000 người mỗi năm

Thông tin này được các bác sĩ cho biết tại hội thảo “Liệu pháp nhắm trúng đích - hành trình 10 năm kéo dài cống còn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ”, do Bệnh viện ung bướu TP.HCM và đơn vị liên quan tổ chức tại TP.HCM, ngày 10-9.

Theo bác sĩ Vũ Văn Vũ - trưởng khoa nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm tỉ lệ 85% các ca ung thư phổi, có tỉ lệ tử vong cao. Đa số bệnh nhân đều được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn muộn, có di căn xa.

Tỉ lệ sống thêm 5 năm của các bệnh nhân này rất thấp, chỉ khoảng 5%. Việc điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ hiện có nhiều tiến bộ trong 10 năm trở lại đây. Trong đó các liệu pháp nhắm trúng đích đã góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị, kéo dài thêm cuộc sống cho bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, di căn xa so với hóa trị thông thường. *Tuổi trẻ (trang 2):

Mất mạng vì tự ý truyền dịch tại nhà

Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, đúng cách vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm chứ đừng nói đến việc lạm dụng truyền dịch khi chưa thật sự cần thiết hoặc truyền dịch không đúng quy định.

Ra trực về ngang qua khoa cấp cứu thấy có người nhà đang vây quanh một giường bệnh khóc quá trời, hỏi ra mới biết bệnh nhân nữ, 19 tuổi, tử vong vì shock phản vệ sau truyền dịch. Nghe nói là em này đang chuẩn bị thi cuối kỳ mà sốt cao, nhờ người quen làm y sĩ về nhà truyền dịch để hạ sốt và đỡ mệt, truyền được 10 phút thì em bắt đầu khó thở, vã mồ hôi, lơ mơ dần,...

Tình trạng cứ thấy sốt cao hay mệt mỏi là thuê người về nhà tự đặt dịch truyền xuất hiện ở nước ta đã lâu và ngày càng phổ biến giống như việc ra hiệu thuốc tự mua kháng sinh về uống vậy. Truyền xong thấy cắt sốt, đỡ mệt thế là mừng lắm, người này bảo người kia thôi thì sau có sốt cứ như vậy mà tiến hành. Ngay như nhiều người bạn của mình sẵn sàng trả tiền để mời nhân viên y tế về nhà với lý do "nếu được một điều dưỡng có tay nghề tốt và một bác sĩ có chuyên môn theo dõi thì cũng khó có tai biến xảy ra." Nhưng "khó" không có nghĩa là "không thể", và chẳng ai dám chắc mình sẽ không trở thành một nạn nhân của việc truyền dịch vô tội vạ.

Truyền dịch thực ra rất cần thiết và là biện pháp cấp cứu trong nhiều trường hợp, tuy nhiên kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện, loại dịch truyền rồi tốc độ truyền thế nào phải do bác sĩ chỉ định tuỳ từng trường hợp, và cần được tiến hành tại các cơ sở y tế khi có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.

Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, đúng cách mà vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm chứ đừng nói đến việc lạm dụng truyền dịch khi chưa thật sự cần thiết hoặc truyền dịch không đúng quy định. Tai biến nặng nhất có thể tử vong do shock phản vệ, không thì cũng nhiễm trùng máu, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là với người vốn có bệnh tim mạch đã hoặc chưa được phát hiện trước đó). Khi đưa vào cơ thể một lượng không cần thiết dịch truyền dẫn đến sự dư thừa, rối loạn điện giải. Ngoài ra còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan b, C do truyền dịch không đúng quy cách, không được vô trùng,... (Sức khỏe & Đời sống (trang 12).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang