Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/11/2020

  • |
T5g.org.vn - Gỡ khó cho hiến ghép tạng tại Việt Nam; Bất cập giám sát bữa ăn học đường; Mỗi năm Việt Nam có 200.000 người đột quỵ mắc mới…

 

11 người nhập cảnh nhiễm Covid-19

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 10-11, ghi nhận 11 người nhiễm Covid-19 (người bệnh thứ 1.216 đến 1.226) đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Người bệnh thứ 1.216, quốc tịch Việt Nam từ Ăng-gô-la nhập cảnh tại sân bay Vân Ðồn ngày 19-10, được cách ly tập trung ngay tại Trung đoàn 833, Ðại Phúc, TP Bắc Ninh; hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Người bệnh 1.217, 1.218, 1.219, 1.220 đều quốc tịch Nga, là chuyên gia, từ Nga nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 8-11, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. Người bệnh 1.221 quốc tịch Ðức, là chuyên gia, từ Xin-ga-po nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 8-11, được cách ly tại Ninh Thuận; hiện cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận.

Người bệnh 1.222, 1.223, 1.224, quốc tịch Việt Nam từ Nga nhập cảnh sân bay Vân Ðồn ngày 31-10, được cách ly tập trung tại Trung đoàn 814, tỉnh Hòa Bình; hiện cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Người bệnh 1.225, quốc tịch Việt Nam, từ Nhật Bản nhập tại cảnh sân bay Ðà Nẵng ngày 8-11, cách ly tập trung ngay tại TP Ðà Nẵng; hiện cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng. Người bệnh 1.226, quốc tịch Việt Nam, từ Mỹ nhập cảnh tại sân bay Ðà Nẵng ngày 8-11, được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm tại Trường Cảnh sát nhân dân V, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam; hiện cách ly, điều trị tại Phòng khám Ðiện Nam-Ðiện Ngọc, Bệnh viện đa khoa Khu vực Quảng Nam. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “11 ca mắc Covid-19 trong ngày đều thuộc diện nhập cảnh”; Thanh niên, trang 5: “Ghi nhận 11 bệnh nhân Covid-19 mới là các ca nhập cảnh”; Hà Nội mới, trang 1: “Việt Nam đã ghi nhận 1.226 ca mắc Covid-19”.

 

Bất cập giám sát bữa ăn học đường

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn học đường xảy ra trên địa bàn quận 2, quận 9 (TPHCM) vừa qua khiến dư luận nghi ngại về vai trò kiểm tra, giám sát của ngành GD-ĐT, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan… Nhiều phụ huynh mong muốn cơ quan chức năng thành phố mở cuộc tổng kiểm tra trên diện rộng và có biện pháp giám sát chặt chẽ đối với bữa ăn học đường.

Nhiều tồn tại

Ngày 20-10, Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9) tổ chức cho ban đại diện phụ huynh tham gia giám sát khẩu phần, chất lượng bữa ăn bán trú cho hơn 1.100 học sinh. Một số hình ảnh, đoạn video về thực phẩm, bữa ăn “không đạt chất lượng” được phát tán gây bức xúc cho nhiều phụ huynh…

Cũng tại quận 9, theo phản ánh của nhiều phụ huynh sinh sống tại chung cư Him Lam Phú An, nơi có nhiều trẻ đang học tại Trường Mầm non Kids Club (cơ sở tại phường Phước Long A, quận 9, khu vực chung cư), trong ngày 23-10-2020, một số trẻ sau khi ăn bữa sáng tại trường có dấu hiệu nôn ói. Nhiều phụ huynh tại chung cư Him Lam Phú An phản ứng, nhà trường đã đưa ra kết quả xét nghiệm xác định thức ăn bị nhiễm E.Coli và Coliform.

Tại TPHCM, thị trường cung cấp thực phẩm vào trường học là một “miếng mồi” béo bở mà bất kỳ công ty, doanh nghiệp, thương nhân nào cũng muốn xen vào. Theo tiết lộ của một chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm vào trường học, để được cung cấp thực phẩm vào trường học phải trải qua nhiều “cầu”, cho nên một số công ty, doanh nghiệp phải cắt xén khẩu phần ăn, chọn những loại thực phẩm kém chất lượng nhằm tăng lợi nhuận.

Trong khi chưa kể một số bếp ăn tại trường hoặc đơn vị cung cấp thực phẩm chưa đủ điều kiện ATTP. Một số chuyên gia dinh dưỡng thừa nhận, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, khó kiểm soát triệt để và không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện sản xuất thủ công. Tại TPHCM, hiện có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căn tin phục vụ học sinh trong các trường học.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. “Liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không thì phụ huynh không thể biết được”, một hiệu trưởng trường học thừa nhận.

Tăng giám sát, quy trách nhiệm cụ thể

Theo Luật gia Trương Đình (thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), lâu nay quy trình giao nhận thực phẩm đối với các trường mầm non, tiểu học bán trú được thực hiện đảm bảo có: một kế toán, thủ kho, bếp trưởng, đại diện ban giám hiệu, đại diện giáo viên, đại diện phụ huynh tham gia giám sát. Trong số đó, chỉ có đại diện phụ huynh là bên đứng về quyền lợi trực tiếp của các trẻ. Trong tình huống, từ hiệu trưởng, kế toán, bếp ăn “bắt tay nhau” thì rất khó kiểm soát chất lượng bữa ăn học đường.

Do vậy, ngành chức năng TPHCM phải tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các trường học có tổ chức ăn bán trú định kỳ 6 tháng/lần, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo ATTP. Đặc biệt, các quận huyện nên tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành y tế - giáo dục về ATTP, nhằm chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm. Các trường học cần phải thành lập ban giám sát ATTP, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này.

Trong khi đó, Luật sư Văn Đình Tùng (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hiệu trưởng nhà trường vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức bữa ăn bán trú. Ở cấp độ cao hơn, lãnh đạo địa phương phải vào cuộc xử lý, làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng mới đủ sức răn đe. “Trong thực tế, tôi thấy rằng, việc đánh giá chất lượng bữa ăn trường học thông qua hợp đồng cung cấp thực phẩm, hồ sơ năng lực của doanh nghiệp là chưa đầy đủ, vẫn có kẽ hở cho những người muốn lách luật. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các công ty, trường học để xảy ra tình trạng học sinh ngộ độc và cung cấp thực phẩm kém chất lượng như thế nào, trong Thông tư số 15/2012/TT-BYT cũng chưa quy định thật rõ ràng”, Luật sư Văn Đình Tùng nhấn mạnh. 

Hàng năm, Ban quản lý ATTP TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM đều ký kết kế hoạch liên tịch về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố và có kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học, thế nhưng chủ yếu là khuyến khích, tuyên truyền… chứ chưa có một cơ chế giám sát rõ ràng, chặt chẽ. Mặc dù Nghị định 115 của Chính phủ được xem là chế tài khá mạnh tay, nhưng nếu “bỏ ngỏ” kiểm tra, giám sát hoặc làm cho “lấy lệ” thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn học đường vẫn treo lơ lửng! (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Bệnh viện 108 lập nhiều kỳ tích y học

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) vừa thực hiện thành công một loạt ca ghép tạng từ nguồn mô, tạng của một người chết não hiến tặng.

GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV 108, cho biết, từ một người chết não hiến đa tạng, hơn 150 y, bác sĩ của bệnh viện lập 12 bàn mổ, lấy và ghép tạng cho 6 bệnh nhân.

Đặc biệt, trong số các bệnh nhân được ghép mô tạng lần này, các thầy thuốc đã thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay cho một nam bệnh nhân (18 tuổi) bị tai nạn chất nổ mất cả 2 tay.

Đây là ca ghép thành công 2 cẳng tay đầu tiên của Đông Nam Á và là ca ghép tay thứ 2 được thực hiện tại  BV 108. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Mỗi năm Việt Nam có 200.000 người đột quỵ mắc mới

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 9.11 chính thức khai trương Trung tâm đột quỵ với các trang thiết bị hiện đại, cho phép xử trí cấp cứu, can thiệp điều trị đột quỵ hiệu quả, toàn diện (ảnh).

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, phụ trách Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bệnh đột quỵ mắc mới, đứng đầu về gây tàn phế. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm tiếp nhận 6.000 - 8.000 người bệnh đột quỵ.

Các năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng các kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, can thiệp điều trị đột quỵ. Tuy nhiên, các ca đột quỵ nhập viện được chuyển đến điều trị tại nhiều khoa trong bệnh viện. Do đó, Trung tâm đột quỵ ra đời là đơn vị điều trị hoàn chỉnh, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân sau điều trị, cũng như củng cố hệ thống cấp cứu điều trị đột quỵ tại các cơ sở y tế.

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, việc điều trị đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiến hành tiêu huyết khối trong 4 - 5 giờ đầu khi bị đột quỵ, sau “giờ vàng” thì di chứng nặng nề, điều trị khó khăn.

Khi có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như: liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch; yếu liệt tay chân (không thể hoặc khó nâng tay lên); nói ngọng, nói khó; bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế, đặc biệt với người có các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường).

Để phòng đột quỵ, cần kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu, duy trì cân nặng hợp lý; không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia; duy trì vận động thể lực phù hợp và khám sức khỏe định kỳ. (Thanh niên, trang 15).

 

Hiệu quả của liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư

Sau gần 3 năm triển khai tại Trường đại học Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã đem lại hiệu quả rất tốt, các tế bào miễn dịch sau khi được đưa vào cơ thể đã giúp ngăn chặn tế bào ác tính bùng phát.

Kiểm soát ung thư tái phát, ngăn chặn di căn

Theo GS-TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư được nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Y Hà Nội nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao từ Nhật Bản.

Tại Trường đại học Y Hà Nội, trong số các bệnh nhân (BN) ung thư đã áp dụng liệu pháp trên, BN trẻ nhất ngoài 20 tuổi và già nhất hơn 90 tuổi đều đáp ứng điều trị. Trong đó, BN trẻ nhất tham gia khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, phải chịu đau đớn khủng khiếp do di căn xương. Sau đợt điều trị, các triệu chứng đau gần như không còn. Trường hợp khác, BN nữ 48 tuổi ung thư dạ dày, khối u di căn gan kích thước 2,4 cm đã giảm còn 0,6 cm sau 6 lần truyền tế bào miễn dịch trong 3 tháng. Một số BN ung thư gan giai đoạn muộn, có di căn đã dừng các phương pháp điều trị khác do không còn đáp ứng điều trị, sau khi áp dụng liệu pháp miễn dịch, sức khỏe bình phục tốt, hoàn toàn làm chủ cuộc sống.

“Có những BN trước khi bắt đầu liệu trình, thể trạng rất yếu nhưng hiệu quả điều trị rất mạnh. Như trường hợp BN nữ ngoài 70 tuổi bị ung thư mạc treo (ung thư hiếm gặp). Khi bắt đầu liệu trình, BN mỗi bước đi đều cần có người dìu. Nhưng sau một liệu trình, bà đã có thể trạng rất tốt, có thể tự đi xe buýt, tự đi thăm cháu...”, GS-TS Tạ Thành Văn chia sẻ.

Tuy nhiên, GS Văn cũng cho biết: “Các bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả chung của liệu pháp này đối với BN ung thư đã rõ ràng. Song, mức độ đáp ứng điều trị lại tùy thuộc vào từng BN và cụ thể là phụ thuộc vào "chất lượng tế bào miễn dịch" của chính bản thân họ, do đây là phương pháp điều trị tự thân”.

Theo đó, trong suốt thời gian thực hiện liệu trình truyền tế bào miễn dịch, các BN có hồ sơ riêng, được đánh giá chi tiết, chặt chẽ về diễn biến sức khỏe căn cứ trên kết quả xét nghiệm dấu ấn ung thư trong máu; kết quả chụp chiếu về diễn biến di căn, diện tích khối u… theo đúng chuẩn mực của quy trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.

PGS Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ (Trường đại học Y Hà Nội), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết BN tham gia điều trị bằng liệu pháp miễn dịch sẽ được lấy máu (khoảng 10 - 15 ml/lần). Máu được chuyển đến phòng "chế biến tế bào" tại Trường đại học Y Hà Nội, tách lấy tế bào miễn dịch (khoảng 3 - 4 triệu tế bào). Các tế bào miễn dịch đó được tăng sinh (bằng phương pháp nuôi trong môi trường đặc biệt để nhân lên và biệt hóa thành các dòng tế bào có chức năng chuyên biệt). Sau 2 tuần, BN ung thư sẽ được truyền khối tế bào với số lượng lên đến 5 - 10 tỉ tế bào/lần truyền.

Theo PGS Thịnh, một liệu trình gồm 6 lần truyền (2 tuần truyền một lần) trong 3 tháng. Số lượng lớn tế bào miễn dịch truyền vào cơ thể sẽ trực tiếp tham gia việc kiểm soát khối u; các chất tiết của tế bào miễn dịch còn huy động thêm các tế bào miễn dịch khác trong cơ thể cùng tham gia cơ chế chung để kiểm soát, khống chế và tiêu diệt tế bào ác tính. Vì đây là tế bào miễn dịch tự thân (của chính người bệnh) nên mức độ an toàn rất cao.

PGS Trần Huy Thịnh cho hay, 3 năm qua, gần 60 BN ung thư đã áp dụng miễn dịch trị liệu, trong đó 43 BN đã kết thúc liệu trình điều trị. BN theo dõi lâu nhất được hơn 2 năm, trung bình theo dõi được 16 - 17 tháng, tỷ lệ sống sau 16 - 17 tháng đạt hơn 71%.

Trong số gần 60 BN đã được áp dụng miễn dịch trị liệu, số lượng BN ung thư phổi nhiều nhất (20 BN). Ngoài ra, có ung thư dạ dày, đại tràng, gan và ung thư vú. Đây là những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam. Các BN đều có hiệu quả sau đợt điều trị, khống chế khối u và đặc biệt là giảm triệu chứng bệnh, cải thiện các chức năng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng rất thường gặp ở BN ung thư (đau, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi…) đều giảm rõ ràng với khoảng 70% BN sau áp dụng liệu trình. Các BN ngủ tốt hơn, ngon miệng hơn, tăng cân. (Thanh niên, trang 15).

 

Gỡ khó cho hiến ghép tạng tại Việt Nam

Ngành ghép tạng Việt Nam lại vừa ghi dấu ấn khi lần đầu tiên ghép ruột từ người cho sống cho 2 bệnh nhân. Trước đó, các bác sĩ cũng đã “chinh phục” ghép phổi, ghép chi... Tuy nhiên, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sau 13 năm đã có những điểm lạc hậu cần thay đổi.

Ngày 10/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo đánh giá bất cập của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để lấy ý kiến đóng góp cho quá trình sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô...

Tiến bộ vượt bậc trong ghép tạng

Ngày 27-28/10 vừa qua, êkip gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công 2 ca ghép ruột cho liên tiếp 2 bệnh nhân. Đây là 2 ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam, giúp Việt Nam đứng vào hàng ngũ 22 nước trên thế giới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng khó này.

Trước đó, ngày 16/9 cũng là ngày "kỷ lục" của Bệnh viện 108 khi 12 bàn mổ thực hiện cùng lúc tạng từ 1 thanh niên chết não rồi ghép cùng lúc cho 6 bệnh nhân khác. Hơn 150 bác sĩ và nhân viên y tế đã được huy động.

Các bác sĩ đã ghép 2 phổi cho một bệnh nhân bị xơ phổi; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp. 2 thận được ghép cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Đặc biệt, 2 cẳng bàn tay người hiến được ghép cho một bệnh nhân bị cụt cả 2 cẳng tay do tai nạn chất nổ. 5 bệnh nhân ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện 108.

Còn trái tim đã được chuyển qua Bệnh viện Việt Đức để ghép cho 1 bệnh nhân viêm cơ tim giai đoạn cuối. Hiện sức khỏe của tất cả 6 bệnh nhân này đều đã ổn định.

Đáng nói, ca ghép 2 cẳng tay tiếp tục đánh dấu thành công trong lĩnh vực ghép chi của Việt Nam. Người được ghép là bệnh nhân nam 18 tuổi, cách đây 3 năm bị tai nạn chất nổ mất 2 cẳng tay.

Trước đó, vào tháng 1/2020, chính Bệnh viện 108 đã thực hiện ca ghép tay từ người cho còn sống lần đầu tiên ở Việt Nam. Người nhận là anh Phạm Văn Vương (31 tuổi), bị tai nạn lao động 4 năm trước, phải cắt cụt 1/3 tay trái. Còn người cho sống cũng là 1 thanh niên bị băng chuyền máy tải gạch cuốn đè ép 1/3 cẳng tay đến sát nách. Do phần giập bị hoại tử nên các bác sĩ đã phải cắt hầu hết vùng cánh tay. Nhận thấy bàn tay còn khá nguyên vẹn "ăn khớp" với phần tay bị mất đi của anh Vương nên đã ghép cho anh Vương. Bàn tay được ghép của anh Vương đã phục hồi khá tốt.

Đánh giá về trình độ của Việt Nam trong ghép tạng, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia ghép tạng cho biết: "Trình độ ghép tạng của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào. Tuy nhiên, số ca ghép tạng ở nước ta còn khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới".

Nhiều rào cản trong quy định hiến, ghép tạng

Chia sẻ tại buổi hội thảo đánh giá bất cập của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 10/11, PGS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam ghép được hơn 5.220 ca, trong đó 318 ca là từ người cho chết não.

Một con số quá khiêm tốn so với hơn 1.500 ca chấn thương sọ não mỗi năm. Mỗi năm chúng ta chỉ vận động được khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Năm 2019 cao nhất cũng chỉ có 20 người cho chết não. Con số này so với các nước châu Âu là quá nhỏ. Theo PGS Hệ, việc người cho chết não hiến tạng quá ít có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, rào cản đến từ quy định của pháp luật có không ít.

"Đơn cử như luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng lại vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Vậy cái thẻ tình nguyện hiến tạng có ý nghĩa gì đâu. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sĩ đành bất lực, người bệnh nặng cần tạng phải chết mòn.

Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu quá nhiều chữ ký "gia đình" khi đồng ý cho người chết hiến tạng. Nhiều trường hợp vợ (chồng) đã đồng ý nhưng bố mẹ, thậm chí em không đồng ý cũng đành bó tay"- PGS Hệ phân tích.

Chia sẻ về điểm khó này, bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện T.Ư Huế) cũng cho biết, bệnh viện đã từng có trường hợp đáng tiếc: "Anh bị chết não, em bị bệnh nặng cần ghép tạng. Người vợ đã đồng ý hiến nhưng chính cha mẹ lại không đồng ý lấy tim của con trai lớn ghép cho con trai bé, chấp nhận để con bé sống thoi thóp".

Ngoài ra, bác sĩ Tú cũng cho biết thêm, để đảm bảo sự chặt chẽ về pháp lý và nhân văn cho người hiến - người nhận, bệnh viện đã mời cả công an vào cuộc để xác minh tính chân thực của hồ sơ từ người cho sống và sự đồng thuận của gia đình người hiến tạng. Trong nhiều năm qua, Bệnh viện T.Ư Huế đã nhờ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác minh hơn 588 hồ sơ và phát hiện hơn 100 hồ sơ không hợp lệ do làm giả giấy tờ hoặc gia đình không đồng ý.

Tuy nhiên, bác sĩ Tú cũng thừa nhận, hiện nay nguồn tạng từ người chết não còn khan hiếm dẫn đến nạn cò mồi ngày càng gia tăng, khó có thể phân biệt giữa hiến tạng và mua bán tạng. Ngoài ra, hiện nay, chi phí ghép tạng cũng chưa được BHYT chi trả, điều này gây khó cho nhiều người nghèo bệnh nặng.

Đồng tình về điều này, PGS-TS Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định: "Nếu chúng ta đã xác định ghép tạng là một phương pháp điều trị bệnh hiểm nghèo cuối cùng thì tại sao BHYT lại không chi trả. Thực tế cho thấy, chi phí cho 1 ca ghép tạng khoảng trên dưới 1 tỷ rẻ hơn nhiều so với chi phí mà BHYT chi trả cho 1 ca chạy thận nhân tạo nhiều năm, 1 ca suy tim luôn có nguy cơ phải hồi sức cấp cứu... Tất nhiên, BHYT chi phí y tế cơ bản, còn ghép tạng là y tế chuyên sâu nên trong quy định giá cũng chia rõ phần nào do BHYT chi trả, phần nào do người dân tự bỏ tiền... hoặc người dân không trả thì cần lấy từ nguồn nào".

PGS Hùng cũng cho rằng, việc mời công an vào thẩm định hồ sơ cũng khó phát hiện đâu là hiến tạng, đâu là mua bán khi giấy tờ hầu như đều thật (đơn của người hiến, đồng ý của gia đình người hiến, xác nhận họ hàng của chính quyền địa phương, giấy đăng ký kết hôn).

Dù cấm mua bán tạng nhưng "có cung có cầu" nên khó ngăn chặn, thậm chí người bán còn bị chăn dắt, chi phí của người mua đều rơi vào túi bọn cò mồi mà người bán chẳng nhận được bao nhiêu.

PGS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ, ngăn chặn việc mua bán tạng bằng "giấy tờ" là khó khả thi. "Theo tôi, người muốn ghép tạng cần đóng một khoản tiền vào Trung tâm Điều phối ghép, người muốn hiến đăng ký vào Trung tâm Điều phối... Thông qua trung tâm sẽ chi trả cho người hiến một khoản tiền lớn hơn số tiền một quả thận được bán ngoài "chợ giời". Như vậy sẽ ngăn chặn được việc mua bán tạng, bảo vệ được người nhận và người hiến..."- PGS Tiến nói. (Nông thôn ngày nay, trang 1).

 

Truy tố cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong vụ “thổi giá” thiết bị y tế chống dịch Covid-19

Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 10 bị can trong vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC).

Các bị can gồm Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC; Vũ Hà Thanh –Trưởng phòng Tài chính CDC; Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Tổ chức CDC; Nguyễn Ngọc Quỳnh – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC; Hoàng Kim Thư – Kế toán trưởng CDC; Lê Xuân Tuấn – cán bộ thuộc CDC.

Có 4 bị can là lãnh đạo, cán bộ các doanh nghiệp tư nhân bị truy tố về tội danh trên gồm Nguyễn Ngọc Nhất – nhân viên Công ty Phát triển khoa học Vitech; Đào Thế Vinh – Giám đốc Công ty Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy – Tổng Giám đốc Công ty định giá và bán đấu giá Nhân Thành; Nguyễn Thanh Tuyền – nhân viên Công ty Thiết bị y tế Phương Đông.

Theo cáo trạng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là đơn vị công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội và trong tháng 2 vừa qua được cấp hơn 31 tỷ đồng kinh phí bổ sung nhằm mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID – 19. Sở Y tế Hà Nội cũng giao CDC mua các thiết bị của gói thầu số 15 gồm hệ thống Realtime PCR tự động, máy tách chiết DNA/RNA, 1 tủ lạnh và 1 tủ mát.

Bị can Nguyễn Nhật Cảm là Chủ tịch Hội đồng mua sắm của CDC đã câu kết với nhân viên, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân để tự thỏa thuận giá gói thầu số 15. Cơ quan truy tố xác định, bị can Nguyễn Ngọc Nhất đã hứa sẽ chi cho Nguyễn Nhật Cảm 15% giá trị (trước thuế) của máy Realtime PCR tự động.

Kết quả, gói thầu này được định giá hơn 9,5 tỷ đồng. Ông Cảm sau đó yêu cầu nhân viên dưới quyền ở CDC hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu để Công ty MST của bị can Vinh trúng gói thầu số 15.

Sau khi vụ án được khởi tố, Hội đồng định giá tố tụng Trung ương xác định các tài sản trong gói thầu số 15 có giá thị trường là hơn 4,1 tỷ đồng. Như vậy, hành vi của 10 bị can trong vụ gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Trong vụ, cơ quan truy tố xác định có trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên khác thuộc CDC và một số doanh nghiệp tư nhân nhưng sai phạm của họ có vai trò thứ yếu, không hưởng lợi… nên không bị xử lý hình sự.

Ngoài gói thầu số 15 nói trên, CDC Hà Nội còn thực hiện đấu thầu 16 gói mua thiết bị, vật tư khác trị giá hơn 81 tỷ đồng và đã thanh toán hơn 69 tỷ đồng. CDC cũng thực hiện 2 gói thầu thiết kế, in ấn và phát sóng các nội dung tuyên truyền phòng chống COVID với giá trị hơn 1,9 tỷ đồng, đã thanh toán hơn 1,3 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng các hoạt động đấu thầu nêu trên có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” nên đã tách hồ sơ để tiếp tục điều tra, xử lý. (An ninh Thủ đô, trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang