Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/12/2020

  • |
T5g.org.vn - Vắc-xin ngừa COVID-19 Việt Nam sản xuất: Nhiều người trẻ đăng ký thử nghiệm; Giám đốc CDC Hà Nội: Phạm tội vì sức ép tiến độ; Nhiều bệnh viện sai sót trong mua sắm thuốc, vật tư y tế; Hà Nội đặt công tác phòng dịch covid 19 ở mức ưu tiên cao nhất

 

Vắc-xin ngừa COVID-19 Việt Nam sản xuất: Nhiều người trẻ đăng ký thử nghiệm

Những tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax ngừa COVID-19 sáng 10/12 tại Học viện Quân y chủ yếu là người trẻ tuổi. Chưa đến 8h sáng, V.T.T.H. (sinh viên năm thứ 3 khoa Dược, Học viện Quân Y) đã có mặt tại khu vực đăng ký thử nghiệm vắc-xin Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất. Nhiều bạn cùng lớp của cũng tham gia đăng ký. Về rủi ro thử nghiệm lâm sàng, H. tâm sự: “Nếu nói không ngại và không sợ thì không phải. Nhưng em có niềm tin. Trong trường hợp em đủ điều kiện tiêm vắc-xin thử nghiệm nhưng quá trình thử nghiệm có phản ứng phụ, em sẽ được chăm sóc sức khỏe. Nếu thử nghiệm không tốt, em có thể dừng bất cứ lúc nào”.

Tương tự, K.Q.Đ. (sinh viên năm thứ 4, khoa Y đa khoa, Học viện Quân y) cho biết, lần đầu tiên tham gia chương trình tầm vóc nên có cảm giác khá hồi hộp và lo lắng. “Em nghĩ rằng, nếu có nhiều người tham gia chương trình sẽ đẩy nhanh kết quả nghiên cứu vắc-xin COVID-19 thành công, góp phần đẩy lùi đại dịch”, Đ. chia sẻ về động lực tham gia chương trình.

Đến 11h trưa cùng ngày, có hơn 30 người tình nguyện đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng, chủ yếu là sinh viên của Học viện Quân y. Nhóm nghiên cứu sẽ có 1 tuần tuyển lựa, khám và đánh giá sức khỏe của các tình nguyện viên.

Trong giai đoạn 1, sẽ đánh giá tính an toàn của vắc-xin trên 60 tình nguyện viên. Khi thực hiện được 50% giai đoạn 1, sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm gối giai đoạn 2 với khoảng 400- 600 người tuổi từ 12-75. Ngoài Học viện Quân y sẽ có thêm Viện Pasteur TPHCM và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tham gia.

Giai đoạn 3 sẽ cần ít nhất 1.500-3.000 người tham gia, độ tuổi từ 12-75.

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, cho biết, thử nghiệm lâm sàng còn kéo dài nhiều năm, số lượng 1.500 chỉ là con số ban đầu, sau này có thể mở rộng đến 10.000 người. Ông kỳ vọng, nếu thử nghiệm lâm sàng diễn ra thuận lợi, có thể ngay đầu tháng 5/2021 sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, sau đó đi vào sản xuất hàng loạt với công suất khoảng 30 triệu liều/năm.

Ðặt an toàn lên hàng đầu

Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, ông rất tin tưởng về tính khoa học của vắc-xin Nano Covax. Để chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng, Học viện Quân y đã chuẩn bị nhiều tháng nay, thành lập 10 tổ chuyên môn nghiệp vụ gồm cấp cứu, an toàn tiêm chủng, dược… Đội ngũ bệnh viện sẵn sàng ứng trực xử lý mọi tình huống trong quá trình thử nghiệm.

Khi được thu tuyển vào nghiên cứu, người tình nguyện sẽ được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự (Bệnh viện Quân y 103) trong tối thiểu 72 giờ. Suốt thời gian này, họ được bác sĩ theo dõi sức khỏe hằng ngày. Kết thúc thời gian theo dõi, tình nguyện viên sẽ trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Mỗi ngày sẽ có cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện. “Tính an toàn phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cam kết nếu không an toàn sẽ đề nghị dừng lại. Không đổi tính an toàn của người dân Việt Nam với bất cứ điều gì khác”, ông Quyết nhấn mạnh.

Ông Đỗ Minh Sỹ, Giám đốc nghiên cứu phát triển của Nanogen, cho biết, đã tính toán các biến cố bất lợi, ảnh hưởng tính mạng theo quy định thử nghiệm lâm sàng khi thiết kế đề cương lâm sàng. Học viện Quân y bố trí sẵn ê-kíp cấp cứu của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia.

“Nanogen chuẩn bị hai phương án xử trí sự cố. Đầu tiên, chúng tôi ký hợp đồng với một hãng bảo hiểm, mua bảo hiểm cho tình nguyện viên đề phòng tình huống xấu nhất. Thứ hai, chúng tôi ký quỹ với ngân hàng để bồi thường cho tình nguyện viên thử nghiệm, nếu bảo hiểm không chi trả cho các sự cố”, ông Sỹ nói (Tiền phong, trang 6).

 

Giám đốc CDC Hà Nội: Phạm tội vì sức ép tiến độ

Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng vì chịu sức ép tiến độ trong phòng chống dịch COVID. Một bị cáo khác khai làm sai quy định vì thấy tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Ngày 10/12, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội).

Các bị cáo trong vụ gồm Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC; Vũ Hà Thanh - Trưởng phòng Tài chính CDC; Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Tổ chức CDC; Nguyễn Ngọc Quỳnh - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC; Hoàng Kim Thư - Kế toán trưởng CDC; Lê Xuân Tuấn - cán bộ thuộc CDC.

Có 4 bị cáo khác bị truy tố cùng tội danh gồm Nguyễn Ngọc Nhất - nhân viên Cty Phát triển khoa học Vitech; Đào Thế Vinh - Giám đốc Cty Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy - Tổng Giám đốc Cty định giá và bán đấu giá Nhân Thành; Nguyễn Thanh Tuyền - nhân viên Cty thiết bị y tế Phương Đông.

Theo cáo trạng, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, với động cơ vụ lợi, tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với các bị cáo khác thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường.

Ông Cảm câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu. Sau đó chỉ đạo và giao cho các nhân viên dưới quyền hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Cty MST trúng thầu cung cấp thiết bị phòng chống COVID với giá hơn 9,5 tỷ đồng. Thực tế, số thiết bị này đáng giá khoảng 4 tỷ đồng nên cơ quan truy tố cho rằng các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm thừa nhận việc chỉ định thầu và làm hồ sơ thầu không đúng luật. Tuy nhiên, bị cáo này lý giải nếu làm theo quy định lựa chọn thầu thông thường với đủ các bước sẽ phải mất khoảng 2 tháng để trang bị.

Theo bị cáo này, thời điểm đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu thời gian thực hiện, đưa máy móc vào hoạt động chỉ trong 2 tuần. “Trước sức ép phải làm nhanh cho đúng tiến độ, bị cáo đã làm sai quy định” – ông Nguyễn Nhật Cảm nói.

Cựu giám đốc CDC Hà Nội xin được chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ việc và thừa nhận đã không báo cáo cơ quan chủ quản về vấn đề này đồng thời khẳng định làm như vậy là không đúng quy định.

Trước lời khai về việc mình được Nguyễn Ngọc Nhất chia cho 15% giá trị gói thầu, ông Nguyễn Nhật Cảm khai không được hưởng tiền phần trăm và cũng chưa bao giờ được bị cáo Nhất thỏa thuận về việc “ăn chia” này.

Ngược lại, cựu cán bộ CDC Hà Nội Lê Xuân Tuấn khai từng nhận hơn 200 triệu đồng là tiền trích lại 10% phần trăm hoa hồng trên tổng số tiền của một hợp đồng. Bị cáo Tuấn cho rằng, mình nhận số tiền này cho CDC, không phải cho bản thân mình.
Cũng tại tòa, bị cáo Nguyễn Trần Duy thừa nhận ký một số thẩm định giá gói thầu ở CDC Hà Nội và khai, ông Nguyễn Nhật Cảm đã chỉ đạo cấp dưới chuyển toàn bộ tài liệu về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá của từng loại máy móc trong gói thầu số 15 cho nhân viên của Cty Nhân Thành để thẩm định giá theo đúng giá mà CDC Hà Nội đưa ra.

Ông Duy đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức các thủ tục bằng cách tự lập báo giá, không tiến hành khảo sát thực tế nhưng vẫn lập biên bản báo giá tại một số đơn vị và cho kết quả gói thầu số 15 có giá 9,5 tỷ đồng theo đúng yêu cầu từ CDC Hà Nội.

“Bị cáo thấy tình hình dịch bệnh lúc đó căng thẳng, bị cáo muốn giúp CDC sớm hoàn tất thủ tục để đưa máy móc vào hoạt động. Lúc đó, có yêu cầu ký lùi ngày nhưng bị cáo không biết là ai yêu cầu ký mà chỉ nghe nhân viên báo cáo. Hồ sơ để ra chứng thư cũng không đúng theo quy định” – bị cáo Duy nói (Tiền phong, trang 11).

 

Nhiều bệnh viện sai sót trong mua sắm thuốc, vật tư y tế

Thanh tra TPHCM vừa thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh, giai đoạn từ 1-1-2014 đến 30-9-2019.

Theo Thanh tra TPHCM, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP thực hiện tổng thu Bảo hiểm y tế (BHYT) từ 2014-2018 trên địa bàn TP hơn 44.191 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh nợ đọng tiền BHYT tính đến tháng 12-2019 gần 219 tỷ đồng. Tính đến tháng 9-2019, chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần năm 2017 của 151 cơ sở khám chữa bệnh là gần 159 tỷ đồng. Năm 2018, chi phí khám, chữa bệnh vượt dự toán và vượt trần hơn 186 tỷ đồng. Số tiền này chưa được BHXH Việt Nam chấp nhận thanh toán.

Thanh tra TP cũng xác định, Sở Y tế TP chưa phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT. Đồng thời Sở Y tế TP tham mưu, đề xuất trích kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015 bổ sung quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo TP với số tiền 50 tỷ đồng (để hỗ trợ thực hiện chăm sóc sức khỏe, mua thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo TP) là chưa phù hợp. Trong khi đó, các sở, ngành chưa nghiên cứu kỹ các nội dung về quản lý, sử dụng kinh phí dành cho khám, chữa bệnh BHYT chưa sử dụng hết từ 1-10-2015 đến 31-12-2020 theo quy định. Điều này dẫn đến việc sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015, 2016, 2017 chưa hiệu quả…

Thanh tra TP cũng kết luận các Bệnh viện (BV) Ung Bướu, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng 1 và Công ty cổ phần BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Công ty TNHH Trung tâm Y khoa Phước An, có sai sót trong việc thực hiện hồ sơ chẩn đoán dịch vụ kỹ thuật. Từ đó dẫn đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa đúng, với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng. Việc sử dụng thuốc trong hoạt động khám chữa bệnh đề nghị thanh toán BHYT từ năm 2014 đến quý 2-2019 tại 5 đơn vị trên có sai sót về giá thuốc đề nghị thanh toán hơn 2,6 tỷ đồng. 

Trước các sai phạm này, Thanh tra TP kiến nghị và được UBND TP chỉ đạo Sở Y tế TP tổ chức kiểm điểm các cá nhân có sai sót trong việc sử dụng thuốc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và vật tư y tế nêu trên (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hà Nội đặt công tác phòng dịch covid 19 ở mức ưu tiên cao nhất

Chiều 10-12, Bộ Y tế có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Ngô Văn Quý.

Gần 4 tháng, Hà Nội không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, công tác y tế luôn được thành phố coi là nhiệm vụ ưu tiên và đặt nhiều kỳ vọng. Buổi làm việc giữa Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội là cơ hội tăng cường, có giải pháp cụ thể với sự phát triển của công tác y tế của Thủ đô và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp với 41 bệnh viện công, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 52 phòng khám đa khoa khu vực, 4 nhà hộ sinh; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 3.953 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, 8.142 cơ sở dược...

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, trong năm 2020, ngành Y tế Thủ đô đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, trong đó có chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên (giảm 0,1% so với năm 2019); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 7,8% xuống còn 7,7%; 579/579 xã, phường (đạt tỷ lệ 100%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế; chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân tăng lên và đạt 27,1 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cũng tăng và đạt 13,5 bác sĩ/vạn dân...

Bên cạnh đó, trong năm 2020, thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 173 trường hợp mắc Covid-19, không có trường hợp tử vong. Đặc biệt, từ ngày 18-8 đến nay, đã qua 116 ngày liên tiếp (gần 4 tháng), thành phố không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Cùng với đó, các dịch bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não... cũng được kiểm soát. Cụ thể, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 6.376 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp tử vong, số mắc giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội gửi đến Bộ Y tế 10 kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, Bộ Y tế cần có cơ chế, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở và khối dự phòng. Bên cạnh đó, Hà Nội đề nghị Bộ Y tế đề xuất Chính phủ, Quốc hội có chính sách tiền lương phù hợp cho cán bộ y tế, đặc biệt là khối dự phòng và y tế cơ sở. Cùng đó, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét việc phân bổ kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bảo đảm với chi phí thực tế của các đơn vị. Mặt khác, Bộ Y tế sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn tiếp theo. Bộ Y tế có chỉ đạo thống nhất về tự chủ của khối dự phòng và y tế cơ sở, đồng thời chuyển công tác đấu thầu mua thuốc của các đơn vị trực thuộc trung ương, bộ, ngành về Bộ Y tế.

Ngoài ra, còn một số kiến nghị khác như đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành quy định về giá dịch vụ y tế tính đủ các cấu phần và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, đề xuất sửa đổi nội dung của Nghị định 155/2018/NĐ-CP bỏ hình thức tổ chức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ra khỏi các hình thức tổ chức hành nghề khám, chữa bệnh (vì không quy định việc cấp giấy phép hoạt động) để bảo đảm phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình này.

Về công tác cách ly phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị Bộ Y tế quy định những người có hộ chiếu ngoại giao, tổ bay cần cách ly đủ 14 ngày, không để cách ly tại nơi lưu trú vì khó quản lý. Chỉ cho phép cách ly tại nơi lưu trú nếu là căn hộ biệt lập, có lối đi riêng để bảo đảm công tác giám sát cách ly theo quy định.

Tại cuộc họp, nhận xét chung về công tác y tế của thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hầu hết các loại dịch bệnh có số ca mắc giảm dần theo các năm và đặc biệt là hạn chế được ca bệnh tử vong. Đặc biệt, Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của thành phố trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Hà Nội đặt công tác phòng dịch Covid-19 ở mức ưu tiên hàng đầu

Sau khi lắng nghe ý kiến của các cục, vụ, bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và một số sở, ngành của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự nỗ lực của y tế Thủ đô trong thời gian qua, nhất là trong công tác phòng, chống dịch nói chung và dịch Covid-19 nói riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực, quyết liệt trong công tác phòng dịch Covid-19, không để dịch quay lại, nếu có chỉ là "những đốm lửa nhỏ" phải dập ngay. Hiện, Hà Nội đang đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 lên mức độ ưu tiên cao. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tin tưởng Hà Nội sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, bài học được rút ra trong thời gian qua là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phòng dịch, Hà Nội phải chủ động công tác xét nghiệm, bảo đảm công suất, năng lực xét nghiệm từ 20.000-30.000 mẫu/ngày.

Một vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại buổi làm việc, đó là cần ưu tiên, quan tâm hơn nữa cho vấn đề đầu tư, phát triển y tế, có chính sách thu hút nhân lực y tế cho các cơ sở công lập, có vậy mới xây dựng được Thủ đô là trung tâm y tế chuyên sâu.

Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn sẽ có sự trao đổi, chia sẻ, gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ Y tế với y tế Thủ đô, mong Hà Nội sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cho các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ có thể tiếp cận cả trong vấn đề nguồn vốn, quỹ đất phù hợp cho sự phát triển, giúp ngành Y tế nước nhà vươn cao, vươn xa.

Đồng tình, nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ngành Y tế Thủ đô hoàn thành tốt các nhiệm vụ thành phố giao, trong đó có công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng chí Chu Ngọc Anh cho rằng, dù công tác y tế của Thủ đô thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng hiện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở. Hiện nay, nguồn nhân lực y tế của tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Do đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong đó đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hơn nữa đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, tăng cường gắn kết giữa các đơn vị y tế của Thủ đô với các đơn vị y tế của trung ương đóng trên địa bàn.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, thành phố tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế trong công tác kiểm soát Covid-19. Thành phố đặt công tác phòng dịch Covid-19 ở mức cao nhất và ưu tiên hàng đầu (Hà Nội mới, trang 1). 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang