Đào tạo y khoa trong 4 năm, phải thi hành nghề
Đây là đề xuất của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế trong hội thảo về đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế, diễn ra ngày 10-6 tại TP.HCM.
Hội thảo do Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe và sở y tế một số địa phương.
Ông Nguyễn Minh Lợi, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế, cho rằng vấn đề hiện nay là nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế chứ không phải số lượng.
Mới chỉ cung cấp kiến thức
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy cả nước hiện có 196 cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe. Riêng ngành y đa khoa có 24 trường đào tạo, trong đó có 6 trường ngoài công lập.
Chất lượng đào tạo ngành y đa khoa trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, việc thực hành thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu.
PGS.TS Lê Quang Cường - thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết ở các nước, việc đào tạo ngành y rất đặc biệt, tuyển sinh đặc biệt chứ không chỉ dựa vào điểm số, phân chia hệ thống năng lực tách bạch, không bất cập như ở Việt Nam.
Theo ông Cường, muốn có bác sĩ năng lực chuyên môn tốt, sinh viên phải được những bác sĩ giỏi ở bệnh viện hướng dẫn. Nếu không tổ chức thực hành tốt thì kiến thức cỡ nào cũng bỏ đi. Hiện tại, chương trình đào tạo của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức.
Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, giữa hệ thống y tế và các trường đào tạo ngành y dường như mạnh ai nấy làm. Các cơ sở y tế không phản hồi với cơ sở đào tạo về chất lượng nguồn nhân lực, có đáp ứng được yêu cầu chưa, cần kiến thức và kỹ năng nào...
Trong khi đó, cơ sở đào tạo lại đào tạo những gì mình muốn mà không tham khảo ý kiến đơn vị sử dụng nhân lực, xem họ cần những gì. Giữa cơ sở đào tạo và sử dụng nhân lực chưa có sự tương tác, thảo luận với nhau.
Việc tách bạch hệ thống năng lực ở Việt Nam cũng có nhiều bất cập. Theo ông Cường, ở Việt Nam người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ y khoa cũng tham gia khám chữa bệnh. Mong muốn bằng cấp quá lớn khiến nhiều người coi trọng bằng cấp hơn năng lực chuyên môn.
“Ở nước ngoài, người ta chia ra rõ ràng. Người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chỉ thiên về nghiên cứu, giảng dạy; bằng chuyên khoa thiên về khám chữa bệnh. Năng lực chuyên khoa có giá trị cao hơn, được đãi ngộ tốt hơn" - ông Cường nói thêm.
"Ở ta lẫn lộn cái này. Luật giáo dục ĐH không coi những bác sĩ giỏi ở bệnh viện là thầy giáo. Việc hành chính hóa đã làm mất nguồn lực đào tạo của ngành y”.
Phải thi năng lực hành nghề
Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Lợi cho hay khung cơ cấu giáo dục quốc dân quy định đào tạo ĐH từ 3 đến 5 năm. Hiện nay nhóm ngành sức khỏe gồm hai ngành là y và dược có thời gian đào tạo vượt khung này, đòi hỏi phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Ông Lợi đề xuất mô hình đào tạo bác sĩ theo yêu cầu mới. Hiện chương trình đào tạo ngành y đa khoa liền mạch 6 năm, cấp bằng bác sĩ. Mô hình đào tạo mới tách thành hai giai đoạn: học 4 năm cấp bằng cử nhân y khoa, học thêm 2 năm (tại trường và bệnh viện) cấp bằng bác sĩ y khoa, tương đương trình độ thạc sĩ, nhưng chưa được hành nghề.
Người có bằng bác sĩ y khoa phải có một năm thực tập hành nghề tại bệnh viện và thi chứng chỉ hành nghề, nếu đạt mới được khám chữa bệnh và có thể tiếp tục học chuyên khoa. Hệ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) do Bộ GD-ĐT quản lý, hệ khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý.
Với mô hình đào tạo mới này, ông Cường cho biết sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay trong đào tạo nguồn nhân lực y tế. Theo ông Cường, người học 6 năm ra nhưng lương chỉ tương đương với người học cử nhân 4 năm là vô lý. Chế độ sẽ được thay đổi, để có chính sách người học 6 năm hưởng lương tương đương thạc sĩ.
Bộ Y tế cũng sẽ đưa ra hai hệ thống năng lực: nghiên cứu và chuyên khoa. Người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chỉ nghiên cứu, giảng dạy, chứ không tham gia khám chữa bệnh. Theo quy định mới, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho nhóm ngành sức khỏe.
“Việc thi chứng chỉ hành nghề rất quan trọng. Bằng lái xe còn phải thi, trong khi khám chữa bệnh lại không đánh giá năng lực là điều rất đáng quan ngại" - ông Cường nói thêm.
"Ở các nước, người ta có bộ phận đánh giá năng lực độc lập, thường là hội đồng y khoa của nhà nước, không liên quan đến các trường. Ứng viên phải qua bài kiểm tra của hội đồng này mới được hành nghề y. Sắp tới chúng ta cũng sẽ làm như thế”.
Thừa 100.000 điều dưỡng trung cấp
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 100.000 điều dưỡng các cấp. Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ năm 2015 quy định từ ngày 1-1-2021, khu vực y tế công sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược.
Theo ông Nguyễn Minh Lợi, với quy mô đào tạo như hiện nay, tới thời điểm 2021 cả nước sẽ dư 100.000 điều dưỡng bậc trung cấp (Tuổi trẻ, trang 19)
Những kiến trúc sư tiền bối của Sài Gòn - Bài 2: Ông kiến trúc sư chuyên thiết kế bệnh viện
Ở tuổi 86 nhưng vẫn còn rất mạnh khỏe và minh mẫn, kiến trúc sư Trần Đình Quyền vẫn vui vẻ tiếp chuyện với tôi trong một căn phòng với tấm tranh sơn mài lớn hình BV Thống Nhất (Vì Dân cũ), công trình tâm đắc của ông. Tôi đã được nghe kể lại cuộc đời ông, hành trình đi từ một sinh viên y khoa trở thành kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam trước năm 1975…
Cũng như nhiều bạn học người Huế cùng lớp, ông Trần Đình Quyền vào Sài Gòn chỉ với một mục đích: Thi vào trường y để thành bác sĩ. Trở thành sinh viên y khoa năm thứ nhất, khi tham gia mổ các động vật nhỏ, ông vô cùng sợ hãi. thầy giáo lắc đầu nói: “Con vật mà em còn sợ hãi, sau này sao em có thể mổ một con người”. Về suy nghĩ lại, ông mới nhận ra mình không thích hợp với nghề y mà là kiến trúc. Vậy là ông thuyết phục gia đình để thi vào Trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn.
Đi tham quan thành ra du học
Năm 1960, sau khi ông ra trường hai năm, UNICEF cùng với Bộ Y tế của chính quyền Sài Gòn có một học bổng tham quan các bệnh viện (BV) tại Mỹ trong sáu tháng để nâng cao kỹ năng thiết kế BV, ông mạnh dạn nộp đơn vì nghĩ thiết kế BV cũng là một cách đến với ngành y nhưng theo hướng khác. Ông không hy vọng nhiều vì có quá nhiều ứng viên xuất sắc khác và không ngờ đã được chọn. Để được tham gia chuyến tham quan, Bộ Y tế đặt điều kiện ông Quyền sau chuyến đi phải làm việc cho họ trong 10 năm.
Sau khi tham quan được một tháng, UNICEF mời ông lên hỏi thăm kết quả bước đầu có học hỏi được gì để mang về Việt Nam áp dụng hay không, ông thản nhiên đáp: “Những gì tôi học được ở Mỹ chỉ là con số không. Bởi vì tôi thấy hệ thống BV của Mỹ quá tốt, quá hiện đại và quá khác biệt để có thể áp dụng vào điều kiện Việt Nam”.
Họ hỏi lại: “Ý của ông muốn được đào tạo nhiều hơn về cơ bản để áp dụng phù hợp hơn? Chúng tôi sẽ cố gắng tìm giải pháp tốt nhất”. Giống như chuyện Tái ông thất mã, ông Quyền trong rủi có may. Trong khi đến tham quan một BV, ông bị ngã gãy chân khi chỉ cách có vài trăm mét. Trong khi họ chờ ông ở cửa trước thì ông vào BV bằng… cửa cấp cứu. Nhưng cũng nhờ vậy mà trong quá trình điều trị tại đây, ông đã tìm hiểu BV được mọi thứ rất rõ từ bên trong, dưới vai trò một bệnh nhân chứ không phải một người tham quan nhìn từ bên ngoài.
Khi chân ông lành, UNICEF thông báo họ đã cấp cho ông một học bổng hai năm để lấy bằng master về kiến trúc tại ĐH danh tiếng Columbia, New York, vì ở đó có chuyên khoa thiết kế BV. Với học phí 20.000 USD mỗi năm, một số tiền rất lớn thời điểm đó, đây là ngôi trường không dễ nuốt với những người kém chuyên môn theo học.
Phong cách… Trần Đình Quyền
Áp dụng những gì đã học ở một đất nước phát triển, khí hậu ôn đới để phù hợp với một đất nước trong tình trạng chiến tranh, nghèo đói và khí hậu nhiệt đới là bài toán không đơn giản.
Ông phân tích: “Hệ thống BV của Pháp xây dựng tại Việt Nam đã lạc hậu nhiều. Đặc trưng của các BV này, lấy ví dụ như BV Nhi đồng 2, là kết cấu phân tán. Các khu chữa bệnh thành từng khối rải rác khắp nơi được nối với nhau bằng những hành lang có mái che, khu bác sĩ, y tá riêng biệt với bệnh nhân. Thuốc men, vật phẩm y tế, thức ăn được chuyển đến bệnh nhân rất lâu, bệnh nhân muốn khám tổng quát phải đi một vòng các khoa giống như… tham quan luôn cả BV, vô cùng bất tiện”.
Cũng theo ông Quyền, hệ thống BV Mỹ hay hơn nhiều. Họ tập trung thành từng khối gần nhau, bác sĩ, y tá đến với bệnh nhân rất gần, họ lập luận đội ngũ y tế di chuyển càng ít, bệnh nhân càng được phục vụ chu đáo hơn. Thức ăn từ nhà bếp tầng dưới được thang máy chuyển lên tầng trên tỏa ra các phòng. Một bệnh nhân nhập viện được 7-8 bác sĩ các khoa khác nhau cùng tập trung lại khám, cho ra kết luận sớm nhất để điều trị ngay…
Tuy nhiên, vấn đề là BV kiểu Mỹ liền khối nên kín mít, sử dụng ánh sáng đèn và dùng máy lạnh 100%. Việt Nam mà áp dụng có khi không trả nổi tiền điện. Ông Quyền vẫn giữ nguyên hệ thống dây chuyền như của Mỹ nhưng thiết kế hợp khối, các khối nhà riêng biệt nhưng vẫn nối với nhau nhằm tạo sự thông thoáng và tận dụng toàn bộ ánh sáng trời. Để đối phó với nắng nóng miền Nam, ông tránh hướng Tây, tạo rất nhiều khoảng không gian lớn hứng gió, dùng nhiều bông gió lấy gió nhưng vẫn cản nắng. Ông đặt nhà vệ sinh ra phía ngoài để tạo nên vùng đệm cho các phòng bệnh bên trong… Nhờ vậy các BV mà ông đã thiết kế như Gia Định, Sùng Chính (nay là Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình), Vì Dân (nay là Thống Nhất), BV đa khoa Huế… đều rất thoáng mát, sáng, không có mùi của BV.
Ông đã tạo nên một phong cách rất riêng trong thiết kế BV trong giới kiến trúc sư (KTS) tại miền Nam lúc đó.
Vì Dân… không dễ
Nhờ danh tiếng khi tốt nghiệp ĐH Columbia và qua những công trình đã thực hiện được, ông Quyền được bà Mai Anh, phu nhân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mời thiết kế cho BV Vì Dân do Hội Phụ nữ mà bà làm chủ tịch chủ trương.
Đây là BV được xây bằng tiền quyên góp từ thiện, ngay từ khi bắt đầu vẫn chưa có đủ tiền nên cứ làm tới đâu vận động ngân quỹ tới đó. Bản thân mặt bằng cũng không ổn định, ban đầu dự định xây tại An Đông nhưng do xung đột phe nhóm, phe tướng Nguyễn Cao Kỳ đã cho quân chiếm mất nên sau cùng dời lên xây tại ngã tư Bảy Hiền như hiện tại.
Ngay cả khi thiết kế của ông Quyền đã được duyệt, một nhóm KTS người Mỹ đến gặp bà Mai Anh xin nhận thiết kế và xây dựng toàn bộ BV, đổi lại một Hội thánh Tin Lành ở Mỹ sẽ tài trợ 1.200.000 USD tiền xây BV. Nhóm KTS này tìm mọi cách chê bai thiết kế của ông Quyền trước mặt bà Mai Anh và bộ phận tham mưu để giành thầu. Sau khi trả lời hết các câu hỏi vặn vẹo của họ, ông Quyền mới nói: “Tôi nghĩ ở đây nên có hai đồ án thiết kế của tôi và các ông để so sánh và đối chiếu. Còn như thế này thật không công bằng…”.
Rồi ông bỏ đi về, sau đó ông gặp bà Mai Anh, nói: “Thưa bà, tôi xin rút. Không phải vì tôi e ngại gì họ, mà bởi vì nếu họ làm thì ngân quỹ có thêm hơn 1 triệu USD trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay”.
Ông không biết chuyện hậu trường diễn biến thế nào nhưng ít lâu sau bà Mai Anh gọi ông làm tiếp và giải thích ngắn gọn: “BV của Hội Phụ nữ một quốc gia mà lại để cho người ngoại quốc làm thì không ra sao”.
Ít ai biết rằng BV trông to đẹp như vậy lại xây từ đủ thứ nguyên vật liệu khác nhau, đầu thừa đuôi thẹo, do người ta xây dựng công trình thừa vật liệu nào lại mang đến tặng, một công ty Nhật qua triển lãm vật liệu xây dựng, khi về nước đem hết hàng mẫu đến tặng… ngày nào ông cũng phải có mặt để giải quyết từ những chuyện nhỏ như vậy.
Ngày khánh thành, Tổng trưởng Y tế Nguyễn Lữ Y đã khoác vai ông nói: “Moa đã đánh giá sai toa, BV Gia Định bây giờ không thể sánh được với Vì Dân”. Nguyên trước đây ông Y nhờ ông Quyền thiết kế sơ bộ BV Gia Định nhưng lại cho rằng ông còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm lãnh trọng trách nên sau đó giao cho một văn phòng KTS tư vấn thiết kế triển khai.
Nhưng điều ông Quyền vui nhất là sau đó đại diện UNICEF đã báo cáo về trụ sở tại Mỹ rằng công trình BV Vì Dân cho thấy người Việt Nam đủ sức thiết kế và xây dựng các công trình lớn từ đầu đến cuối, sau này các công trình lớn của UNICEF tài trợ tại Nam Việt Nam nên giao cho người Việt Nam sẽ giảm rất nhiều chi phí.
Sau năm 1975, ông Quyền vẫn ở lại Việt Nam, cuộc sống ban đầu khó khăn, ông bị nhiều người đe nẹt vì hai “tội”: Đi học bên Mỹ và xây BV cho bà Thiệu. Nhờ bí thư Thành ủy lúc đó là ông Võ Văn Kiệt tạo điều kiện, ông sinh hoạt ở Hội trí thức yêu nước, tham gia nhóm KTS gồm các KTS miền Nam giúp cho miền Tây. Ông Kiệt cũng vận động ông ra Nghệ Tĩnh thiết kế nhà văn hóa của tỉnh. Ông tham gia các công trình cải tạo BV Nhi đồng 1, Bình Dân, rồi thiết kế các BV Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi… Sau này ông tiếp tục thiết kế các BV tỉnh Long An, Cần Thơ, Phú Yên…
Cả một đời KTS Trần Đình Quyền hầu như chỉ thiết kế BV trên khắp đất nước, ông xứng đáng với biệt danh “Chuyên gia thiết kế BV” mà bạn bè KTS đặt cho ông (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 7)
40% phụ nữ muốn tự tử vì trầm cảm sau sinh
Khi bị trầm cảm, có đến 40% phụ nữ muốn tự tử. Đau lòng hơn, tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Chỉ cần gõ cụm từ “trầm cảm sau sinh” trên Google, chỉ sau 0,67 giây, chúng ta đã có hơn 1,8 triệu kết quả. Điều đó đã phần nào phản ánh mức độ phổ biến của “căn bệnh” này trong đời sống hiện đại. Con số thống kê mới đây của Bệnh viện Tâm thần Mai Hương chỉ ra rằng: Có khoảng 15% phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Tuy nhiên, các biểu hiện này thường không được để ý và chỉ phát hiện ra khi nó đã để lại những hậu quả đau lòng. Thực tế, không ít những người vừa sinh xong bỗng dưng có hành vi tự làm đau mình hay thậm chí là tìm đến cái chết vì trầm cảm. Khoảng cuối năm ngoái, người dân xung quanh khu vực cầu Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội) bàng hoàng khi chứng kiến một người phụ nữ 20 tuổi, mới sinh con được 1 tháng nhảy cầu tự tử. Những trường hợp như thế không phải là hiếm, thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra là tại sao phụ nữ lại thường bị trầm cảm sau khi sinh?
Theo bà Nguyễn Thị Thu An, chuyên gia tư vấn tâm lý, thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (Estrogen, Progestrogen và hormone tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Bên cạnh đó, những khó khăn, căng thẳng xuất hiện trong quá trình chăm em bé sẽ khiến nhiều phụ nữ chán nản. Những trường hợp này, nếu gia đình vợ chồng bất hòa hay căng thẳng về kinh tế thì rất dễ dẫn đến trầm cảm.
Khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu
Theo bà Nguyễn Thị Thu An, khi mới bắt đầu phát bệnh, trầm cảm không có biểu hiện đặc trưng. Nhiều người nghĩ đó là chỉ là biểu hiện tiêu cực trong cảm xúc và sẽ tự hết dần. Thế nhưng, thực tế là nếu không được điều trị, trầm cảm có thể kéo dài đến cả năm, đồng thời gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không thể nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu. Theo đó, người bị trầm cảm thường cảm thấy đau ở một nào đó trên cơ thể dù thực tế không phải vậy. Rồi họ bắt đầu lo lắng, hoang mang, buồn chán... một cách vu vơ. Nhiều người còn luôn có ý nghĩ có ai đó đang chuẩn bị giết mình. Thậm chí, có người còn bị ám ảnh rằng: đứa con là một điềm báo xấu nên sẽ tìm cách giết hại con, rồi tự kết liễu cuộc đời mình sau đó. Đặc điểm chung của những người bị trầm cảm đó là họ thường xuyên bị mất ngủ. Điều này càng dẫn tới những căng thẳng thần kinh và khiến bệnh tình thêm nặng hơn.
Đừng bỏ mặc người phụ nữ sau sinh
Những người bị trầm cảm đa phần thần kinh yếu, dễ mất cân bằng cảm xúc. Khi đứng trước khó khăn, họ lại bị cô đơn, chỉ có một mình, thiếu người chia sẻ nên những cảm xúc tiêu cực càng có cơ hội bùng phát.
Cũng bởi lý do trên, bà Nguyễn Thị Thu An cho rằng, cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này là trong thời gian mang thai và sau sinh, đừng nên để người phụ nữ phải cô đơn và phải xoay xở mọi việc một mình. Người chồng lúc này hãy san sẻ việc chăm con với vợ. Có như vậy, sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Với bản thân người phụ nữ, khi thấy mọi việc quá tải, không nên âm thầm chịu đựng mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.
Riêng với người nhà, nếu nhận thấy những cảm xúc, hành vi bất thường từ sản phụ, đừng thờ ơ mà cần thăm hỏi, động viên, thậm chí là đưa đến bác sĩ sĩ nếu thấy các biểu hiện không suy giảm.
Trên thực tế, trầm cảm khi đã nặng sẽ vô cùng khó chữa. Nhiều người thậm chí còn từ chối chữa bệnh vì những hoang tưởng, ám ảnh vô lối. Thế nhưng, nếu được phát hiện sớm, nó sẽ được khắc phục nhanh chóng và người bệnh sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường. Thế nên, để phòng tránh trầm cảm hay những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra, chúng ta - những người thân trong gia đình cần học cách quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Có như vậy, người phụ nữ mới không có cảm giác bị bỏ rơi - yếu tố hình thành nên những cảm xúc tiêu cực.
Cách tốt nhất để phòng tránh trầm cảm là trong thời gian mang thai và sau sinh, đừng nên để người phụ nữ phải cô đơn và phải xoay xở mọi việc một mình. Người chồng lúc này hãy san sẻ việc chăm con với vợ. Có như vậy, sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn”.
Bà Nguyễn Thị Thu An (Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số) (An ninh Thủ đô, trang 8)
Hà Nội tập trung xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết
Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc SXH tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển và dự báo đỉnh dịch SXH thường xuất hiện vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11. |
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, ngành y tế Hà Nội cần tập trung giám sát các ổ dịch SXH, ổ dịch cũ; xử lý ổ dịch mới kịp thời hoặc các khu vực có nguy cơ cao. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội; tính đến ngày 4-6, trên địa bàn thành phố có 1.281 người bệnh mắc SXH, trong đó có một trường hợp chết. Số người mắc bệnh tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016, phân bố tại 28 quận, huyện trên địa bàn thành phố; các quận, huyện có số người bệnh mắc cao là Ðống Ða, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Ðông... Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh cho biết: Trước tình hình nêu trên, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, giám sát côn trùng tại gần hai nghìn điểm ổ bệnh cũ, ổ bệnh mới, nơi có người bệnh SXH; những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả cho thấy: có hơn 25% điểm có các chỉ số véc-tơ cao, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Ðông, Hoài Ðức, Thanh Trì… Các trung tâm y tế dự phòng tuyến quận, huyện đã tiến hành xử lý 200 ổ bệnh lớn, nhỏ; tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh SXH cho hơn 16 nghìn hộ sinh sống tại các quận có nhiều người bệnh; đồng thời các quận, huyện đã và đang đồng loạt triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống SXH, tính đến nay đã có 276 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy được thực hiện tại các nơi có ổ dịch đang hoạt động hoặc những nơi có nguy cơ cao… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH trên địa bàn TP Hà Nội còn gặp không ít khó khăn như: nguồn nhân lực chính cho công tác đáp ứng phòng, chống dịch tại các địa phương liên tục có sự thay đổi; phần mềm khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm vẫn chưa được thực hiện ở 60% số cơ sở khám, chữa bệnh đóng trên địa bàn, cho nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện sớm người bệnh. Hoạt động giám sát phát hiện người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp còn thực hiện chưa tốt; công tác lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh chưa đạt yêu cầu. Sự tham gia vào cuộc của người dân trong phòng, chống SXH còn hạn chế, khi bị mắc bệnh chưa khai báo cho cơ quan y tế địa phương… Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng, chống SXH hiện nay, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương (quận Hà Ðông) Dương Ngọc Thỏa cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng đã xuất hiện ổ dịch SXH, với tám trường hợp mắc. Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp ngành y tế triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân cách phát hiện và xử lý ổ bọ gậy tại hộ gia đình… Tuy nhiên, Phú Lương cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn quận Hà Ðông, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh, cho nên xuất hiện nhiều khu vực chung cư, biệt thự liền kề được xây dựng. Nhưng hầu hết các ngôi nhà này chưa được sử dụng, nhiều công trình còn xây dựng dang dở hoặc còn nhiều khu đất trống bỏ hoang. Trong khi đó, khu vực thuộc địa bàn dân cư cũ, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, không được cải tạo; hệ thống cống rãnh thoát nước thường bị tắc nghẽn, chỉ một cơn mưa cũng có thể gây ngập úng. Tình trạng di dân thường xuyên diễn ra, nhất là hằng năm có hàng nghìn lượt người dân đến sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn… dẫn đến tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Theo TS Nguyễn Nhật Cảm Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cần sự tham gia tích cực hơn nữa của cả cộng đồng. Bởi vì, nếu như các cấp chính quyền, ngành y tế vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được 90%, nhưng chỉ còn 10% người dân phản đối hoặc thực hiện theo kiểu ứng phó không chủ động diệt muỗi, bọ gậy dịch bệnh vẫn có thể bùng phát. Muỗi tại các hộ gia đình sẽ tiếp tục sinh sôi và phát triển. Như vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ rất vất vả, dịch bệnh tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người dân và cả cộng đồng… Ðáng lo ngại, hiện nay thời tiết đang có những diễn biến thất thường, nóng ẩm kèm theo mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; tình trạng thiếu nước sạch tại Hà Nội dẫn đến việc người dân tích trữ nước, là điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và bọ gậy phát triển và dự báo đỉnh dịch SXH sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Do vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch SXH thời gian tới, ngành y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành cần có sự vào cuộc hơn nữa trong công tác này, nhất là sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục duy trì việc giám sát người bệnh, giám sát véc-tơ, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, tổ chức xử lý ổ dịch mới kịp thời, triệt để, nhất là tại các xã, phường trọng điểm có các khu công trường, làng nghề phế liệu.Tổ chức hướng dẫn và triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu; thả cá, thau rửa dụng cụ chứa nước diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Các bệnh viện cần thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh; thông tin về người bệnh cho trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế các quận, huyện để chủ động giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh SXH; rà soát những ổ dịch tại những khu vực trọng điểm, có nguy cơ lây lan nhanh để tiến hành các biện pháp diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi một cách hiệu quả nhất… |
Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 35 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có mười trường hợp chết. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc giảm 3,1%; số người chết tăng một trường hợp. Hiện có 18 tỉnh, thành phố có số người mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm trước; nhất là tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (188%); Ðà Nẵng (112%); Quảng Nam (178%); Quảng Ngãi (67%); Trà Vinh (80%); Cà Mau (44%)… Ðáng chú ý, trong khi khu vực miền trung và Tây Nguyên giảm đáng kể (20,7% và 27,5%); khu vực miền nam tăng nhẹ (3,7%), thì tại khu vực miền bắc lại tăng cao (189,6%) so với cùng kỳ năm 2016. (Nhân dân, trang 5).