Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Quan tâm nhiều hơn tới trẻ em, phụ nữ vùng gặp thiên tai; Phát hiện trên 7.100 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm; Nguy cơ phơi nhiễm không chỉ HIV mà còn nhiều bệnh khác…

Quan tâm nhiều hơn tới trẻ em,  phụ nữ vùng gặp thiên tai

Ngày 10.7, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức lễ mit tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới – 11.7. Chủ đề năm nay được lựa chọn là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”…( Lao động trang 2)

Phát hiện trên 7.100 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra 57.666 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Qua kiểm tra, đã phát hiện 7.113 cơ sở vi phạm ATTP, ra quyết định xử phạt 1.771 cơ sở với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng, thu giữ và tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục ATTP - Bộ Y tế vừa quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, tập trung kiểm tra tại 9 tỉnh, thành phố trọng điểm từ nay đến cuối năm 2015.( An ninh thủ đô trang 7)

Nguy cơ phơi nhiễm không chỉ HIV mà còn nhiều bệnh khác

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 10-7, ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, y bác sĩ là những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm HIV trong quá trình tiếp xúc, điều trị bệnh nhân, song từ phơi nhiễm đến lây nhiễm lại là chuyện khác.

- PV: Là một người có thâm niên trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, xin ông cho biết thời gian qua tại Hà Nội có nhiều trường hợp y bác sĩ bị phơi nhiễm HIV giống như 19 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây không?

- Ông Lê Nhân Tuấn: Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy 19 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội âm tính với HIV. Những nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm HIV này đã được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên sau khoảng 20 ngày, chúng tôi sẽ xét nghiệm lại lần 2 để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không.

Tại các cơ sở y tế, hàng ngày, hàng giờ, cán bộ y tế tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và đối mặt với nhiều loại bệnh tật nên nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh - không phải chỉ riêng HIV mà rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: SARS, MERS-CoV, viêm gan B... là rất lớn.

Những tai nạn nghề nghiệp như bị máu của bệnh nhân nhiễm HIV bắn vào người trong lúc phẫu thuật, thủ thuật, hay thậm chí vừa tiêm cho bệnh nhân HIV xong do sơ suất để bơm kim tiêm đâm vào da thịt mình… đối với các y bác sĩ không phải lúc nào cũng tránh được. Đó được xác định là những trường hợp phơi nhiễm HIV, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng bị lây nhiễm HIV. Thực tế ở Hà Nội hơn 10 năm qua chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế nào bị lây nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.

- Xin ông cho biết quy trình bảo hộ, phòng ngừa phơi nhiễm bệnh đối với các nhân viên y tế được thực hiện như thế nào?

- Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn rất kỹ về dự phòng phổ cập và dự phòng sau phơi nhiễm do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp. Nguyên tắc phổ cập đầu tiên là phải coi mọi nguồn máu và dịch cơ thể đều có khả năng lây nhiễm. Do đó, khi cán bộ nhân viên y tế tiếp xúc với nguồn máu và dịch cơ thể bệnh nhân thì bắt buộc phải sử dụng những dụng cụ bảo vệ như đeo găng tay, mặc áo blouse. Bác sĩ khi thực hiện những thủ thuật, phẫu thuật dự kiến dễ bị bắn máu và dịch cơ thể vào vùng mặt thì phải đeo khẩu trang, kính mắt, kính che vùng mặt, áo choàng, bao chân. Phải có lớp không thấm nước để ngăn dịch thấm vào da hoặc quần áo…

- Với những trường hợp y bác sĩ hàng ngày phải trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân HIV, nếu không may bị phơi nhiễm HIV thì nguy cơ bị lây nhiễm ra sao, thưa ông?

- Nếu một nhân viên, cán bộ y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân không may bị máu bắn vào niêm mạc, hay bị bơm kim tiêm vừa tiêm cho bệnh nhân đâm vào da thịt mình thì theo quy trình phải làm biên bản báo cáo, tường trình ngay để gửi bệnh viện. Bệnh viện sẽ hướng dẫn xử lý vùng vết thương, xác định đối tượng bệnh nhân được điều trị có nhiễm HIV không. Nếu bệnh nhân bị HIV thì cán bộ gặp rủi ro nghề nghiệp đó phải được hướng dẫn điều trị dự phòng càng sớm càng tốt. Về lý thuyết, trong vòng 72 giờ đầu tiên sau khi bị bơm kim tiêm dính máu người nhiễm HIV đâm vào nếu được uống thuốc dự phòng kháng virus thì có thể phòng tránh được lây nhiễm, tuy nhiên tốt nhất là trong 8 giờ đầu tiên.

Thông thường ở đầu bơm kim tiêm dính máu bệnh nhân nếu đâm vào da thịt của người bình thường thì lượng virus HIV trong đó rất ít, khi được uống thuốc dự phòng HIV kịp thời, thuốc này có tác dụng ức chế sự hoạt động của virus HIV nên sẽ tránh được việc bị lây nhiễm.

- Xin cảm ơn ông!( An ninh thủ đô trang 12)

Thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra thực phẩm chức năng trong quý III

Cục ATTP (Bộ Y tế) đã ban hành kế hoạch thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra thực phẩm chức năng (TPCN) tại các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An… từ tháng 7 đến 9-2015. Theo kế hoạch, các đoàn sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, chú trọng các cơ sở có vi phạm về ATTP đã bị phát hiện trong các đợt thanh, kiểm tra trước đó…( Hà Nội mới trang 5)

Không để chất thải y tế lọt ra ngoài

Bộ trưởng Bộ Y tế hôm 6.7 đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện. Bộ trưởng phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…( Nông thôn ngày nay trang 7)

Vụ “Nguy kịch sau 2 mũi tiêm, dù chỉ bị đau họng”: Bộ Y tế đề nghị xác minh

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị xác minh thông tin báo Tiền Phong phản ánh. Theo đó, ngày 8/7/2015, báoTiền Phong có đưa tin “Nguy kịch sau 2 mũi tiêm, dù chỉ bị đau họng”.

Về vấn đề này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương xác minh làm rõ thông tin vụ việc nêu trong bài báo. Thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định tại Điều 73 Luật Khám chữa bệnh để xác định cá nhân tập thể liên quan có hoặc không có sai sót chuyên môn. Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan theo đúng quy định hiện hành nếu có sai phạm. Báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 20/7/2015 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ và công khai trước công luận.( Tiền phong trang 10)

TPHCM: Đầu tư cho bệnh viện vệ tinh còn hạn chế

Ngày 9/7, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện cho khu vực phía Nam.

Theo Bộ này, năm 2014, TPHCM có 6 bệnh viện hạt nhân được giao xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh để giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các bệnh viện này đã triển khai xây dựng 11 bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh và 1 trung tâm y tế liên doanh Việt - Nga.

Số bệnh viện vệ tinh này được nhận chuyển giao 250 kỹ thuật từ tuyến trên. Các kỹ thuật chính được chuyển giao là cấp cứu sản khoa, mổ lấy thai, phẫu thuật chấn thương sọ não bệnh nhi, thay xương khớp, phẫu thuật cột sống. Tổng kinh phí chương trình được cấp là hơn 32,6 tỷ đồng, gồm phục vụ đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực tại chỗ đáp ứng cho nhu cầu bệnh viện vệ tinh..., nhưng chỉ sử dụng hơn 5,6 tỷ đồng, chiếm 17%  tổng kinh phí đã được cấp.( Tiền phong trang 11)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang