Cứu người bị phình quai động mạch chủ dọa vỡ
Ngày 11.6, khoa Phẫu thuật Tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết vừa điều trị thành công một trường hợp phình quai động mạch chủ vỡ. Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao vì bệnh có diễn tiến âm thầm, chỉ biểu hiện ở giai đoạn trễ.
Trước đó, ngày 5.5, ông N.V.Q, (62 tuổi, ngụ Bến Tre) đến khám tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vì cảm giác đau ngực lan ra sau lưng, khó thở và kéo dài trong suốt một tuần. Trước đó, bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện khác và được chẩn đoán phình quai động mạch chủ ngực dọa vỡ nên được chuyển đến điều trị tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để tiếp tục điều trị.
Tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhằm đánh giá tốt hơn túi phình đồng thời khảo sát hệ thống mạch vành của người bệnh, người bệnh N.V.Q được chụp lại CT- Scan ngực cho thấy người bệnh bị phình động mạch chủ ngực đoạn quai. Để cứu bệnh nhân, chỉ còn một giải pháp cuối cùng là phải thực hiện phương pháp phẫu thuật phức tạp: Ngưng tuần hoàn, bảo vệ não bằng cách tưới máu não thuận dòng trực tiếp. Đây là một kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong tay nghề và nhiều kinh nghiệm.
Các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật trong suốt 6 giờ. Sau phẫu thuật một tuần, kiểm tra các chỉ số (huyết động, CT-scan ngực, chức năng gan, thận,) của bệnh nhân đều ổn định. Đây là trường hợp thứ 5 được can thiệp thành công tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định – Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, phình quai động mạch chủ là bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong cao, người bệnh có thể đột tử nếu vỡ túi phình. Nguy cơ tử vong cao khi phẫu thuật như tử vong, tai biến mạch máu não, thở máy kéo dài, suy thận cấp sau mổ, nhiễm trùng xương ức và phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo.
Để phòng ngừa hậu quả từ bệnh lý này, cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh có yếu tố nguy cơ như: mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường; người hút thuốc lá, rối loạn lipit máu, béo phì, nam giới trên 55 tuổi, nữ trên 65 tuổi, tiền căn gia đình có người bị bệnh tim mạch…thì cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để có thể phát hiện sớm bệnh lý. (Lao động, Tuổi trẻ trang 3)
TP.Hồ Chí Minh: Hàng chục công nhân tại TPHCM liên tiếp nhập viện cấp cứu
Hàng chục công nhân của Cty Likelion Việt Nam liên tiếp nhập viện cấp cứu trong hai ngày qua với các triệu chứng khó thở, nôn ói, bủn rủn chân tay…
Vụ việc xảy ra tại Cty Liklion Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất đồ may mặc) ở số 55 đường Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM ngày 11.6.
Theo các công nhân, sau vụ ngộ độc vào trưa ngày 10.6 (LĐO đã đưa tin), đến sáng ngày 11.6, mọi người đi làm trở lại. Tuy nhiên, đến khoảng 9h cùng ngày, một số công nhân bắt đầu có triệu chứng khó thở, nôn ói, bủn rủn chân tay….khiến ngất xỉu tại chỗ. Ngay sau đó, hàng loạt công nhân khác cũng ngất đi với triệu chứng tương tự.
Các nạn nhân ngay lập tức được lãnh đạo công ty huy động các phương tiện nhanh chóng đưa vào Bệnh viện quận 9 và Bệnh viện Quân dân Miền Đông cấp cứu.
Theo ghi nhận, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện quận 9 tiếp nhận 13 công nhân.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện quận 9 cho biết, có 2 ca cấp cứu ngày hôm qua lại tiếp tục ngất xỉu, 2 ca khác bị nặng được chuyển lên khoa nội để tiếp tục theo dõi, điều trị. Riêng 11 công nhân còn lại được thăm khám và phát thuốc rồi cho xuất viện.
Bệnh viện Quân dân Miền Đông cũng tiếp nhận 12 công nhân vào cấp cứu.
Như báo Lao Động đã đưa tin, vào trưa ngày 10.6, đang ăn cơm thì hít phải mùi sơn do Cty đang tiến hành sửa chữa ở tầng 2, hơn 30 công nhân công ty Likelion Việt Nam cảm thấy khó thở, nôn ói, nhức đầu…dẫn đến ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc.(Lao động trang 4)
Phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân có khối u tim và phù phổi
Sau một ca phẫu thuật tim hở với sự phối hợp giữa các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, đến sáng 11/6 bệnh nhân Đỗ Sạt, 54 tuổi, trú ở phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang đã thoát khỏi nguy kịch tính mạng, sức khỏe đang hồi phục tốt.
Theo bác sĩ Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân Đỗ Sạt nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, vã mồ hôi nhớt toàn thân, đau tức vùng ngực.
Các bác sĩ khoa ngoại – lồng ngực chẩn đoán bệnh nhân phù phổi cấp do khối u trong buồng tim trôi lấp van hai lá, hở van động mạch chủ nặng, dò động mạch vành vào động mạch phổi. Cùng với việc hồi sức tích cực, các bác sĩ hai bệnh viện đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật tim hở cấp cứu.
Ngày 7/6, ca mổ tim hở đã được thực hiện suốt 4 giờ. Khối u có kích thước 6x4cm đã được bóc tách, thay van động mạch chủ và giải quyết thương tổn động mạch vành. 5 ngày sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân đã thật sự hồi phục, có thể vận động đi lại. Được biết trước đây những ca bệnh nêu trên đều phải chuyển đến các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.
Sau hơn 1 năm triển khai phẫu thuật tim hở theo đề án bệnh viện vệ tinh, được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật, các bác sĩ khoa ngoại - lồng ngực Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa từng bước chủ động thực hiện các ca phẫu thuật tim, kịp thời cấp cứu nhiều ca có nguy cơ tử vong cao, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, giảm thiểu chi phí. (Công an Nhân dân trang 2)
Khuyến cáo người Việt hạn chế đến vùng dịch MERS
Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan đại diện tại nước ngoài đã đưa ra các khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống ở Hàn Quốc và những người có kế hoạch đi đến các quốc gia có dịch MERS hạn chế đến các khu vực có dịch bệnh và các khu vực có người nghi nhiễm bệnh MERS, đồng thời có biện pháp phòng chống dịch bệnh này.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 11/6 khi trả lời câu hỏi của báo giới về khuyến cáo đối với cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc và người dân Việt Nam có kế hoạch sang Hàn Quốc trước tình hình dịch MERS đang lây lan.
Ông Lê Hải Bình cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang nỗ lực phối hợp để tìm các biện pháp giám sát dịch bệnh ngay tại cửa khẩu, đồng thời dự trù các kế hoạch và tình huống đối với các địa phương trong việc phòng, tránh dịch bệnh này. Bộ Y tế đã khuyến cáo các công dân chủ động có biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Người Phát ngôn cho biết đến nay chưa có thông tin được khẳng định có công dân Việt Nam hay người nước ngoài ở Việt Nam bị nhiễm bệnh MERS. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, đang theo dõi sát sao để có những biện pháp trong trường hợp khẩn cấp. (Tiền phong trang 12)
Ngành y tế Hà Nội chủ động ứng phó với đại dịch MERS-CoV
Cùng với cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV của TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu chủ trì diễn ra chiều hôm qua (11-6), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuẩn bị gì trước đại dịch MERS-CoV?".
Trước tốc độ lây lan nhanh và nguy cơ xâm nhập vào nước ta, ngành y tế Việt Nam đã chuẩn bị đến đâu và như thế nào để chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh nguy hiểm này ?.
Củng cố 65 đội chống dịch cơ động
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 11-6, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc mới MERS-CoV và 1 trường hợp tử vong. Như vậy, Hàn Quốc đã ghi nhận 122 trường hợp mắc MERS-CoV, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Tính đến ngày 11-6, tổng số trường hợp mắc bệnh MERS-CoV trên thế giới đã tiếp tục tăng lên tới 1.285 ca, trong đó 454 người đã tử vong tại 26 nước.
Trước nguy cơ dịch MERS-CoV có thể xâm nhập vào nước ta, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng ngành y tế Thủ đô đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Những ngày qua, các đơn vị y tế cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho tất cả nhân viên về các biện pháp dự phòng lây nhiễm và phác đồ cấp cứu chẩn đoán điều trị bệnh. Trung tâm Y tế các quận, huyện đã phân công cán bộ y tế phụ trách theo từng khu vực, nắm chắc địa điểm hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch đến lưu trú, làm việc trên địa bàn, đặc biệt là tại cộng đồng nơi có nhiều người Hàn Quốc sinh sống như tòa nhà Keangnam, khách sạn Marriott… để giám sát phát hiện sớm những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, kịp thời cách ly, điều trị. Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô đã củng cố 65 đội phòng, chống dịch cơ động, trong đó có 5 đội của Trung tâm Y tế dự phòng và 60 đội của Trung tâm y tế 30 quận, huyện, chủ động bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, máy phun, hóa chất cho công tác điều tra, xử lý dịch. Khi có báo cáo xuất hiện dịch bệnh, các đội này sẽ được điều động ngay lập tức.
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, bên cạnh công tác dự phòng, các bệnh viện (BV) cũng đã bố trí buồng khám sàng lọc bệnh nhân tại khoa khám bệnh và yêu cầu bác sĩ khi gặp các trường hợp viêm đường hô hấp đều phải khai thác tiền sử có đi từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng 14 ngày hay không và khuyến cáo khai báo nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. Mặt khác, phải bố trí khu vực điều trị cách ly theo phân tuyến để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đồng thời xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch. Cụ thể, trường hợp phát hiện ca đơn lẻ nhập cảnh qua sân bay Nội Bài sẽ chuyển bệnh nhân về BV Nhiệt đới trung ương. Khi BV Nhiệt đới trung ương quá tải, các bệnh nhân của Hà Nội sẽ được chuyển về BV Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông. Trường hợp số mắc tăng cao, tất cả các BV đều tham gia tiếp nhận bệnh nhân và triển khai phương án thành lập BV dã chiến khi cần thiết.
Sẽ tổ chức diễn tập chống dịch
Đại diện Cụm Cảng hàng không miền Bắc cho biết, từ khi dịch bệnh MERS-CoV diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc cho đến nay, tần suất chuyến bay quốc tế vẫn diễn ra liên tục, lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam không có sự sụt giảm. Vị này cũng đề xuất, tại đây mới chỉ áp dụng kịch bản giám sát hành khách từ trên máy bay bước vào nhà ga, hiện chưa có kịch bản đối phó với hành khách đã mắc bệnh ngồi trên máy bay di chuyển đến Việt Nam. Ngoài ra, tại sân bay cần thiết phải tổ chức diễn tập tình huống giả định khi có hành khách mắc MERS-CoV nhập cảnh để từ đó nhân viên tại đây sẽ biết cách giải quyết khi có tình huống xảy ra trên thực tế.
Không thể chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện, thị xã cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, theo từng tình huống dịch bệnh và giải pháp thực hiện hiệu quả, nhất là tại những nơi tập trung đông người Hàn Quốc sinh sống; tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh nhưng không được gây hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, Phó Chủ tịch thành phố giao nhiệm vụ cho Sở VH-TT&DL yêu cầu các khách sạn tuyên truyền cho khách các dấu hiệu nhận biết bệnh, cơ sở y tế cần liên hệ khi có dấu hiệu nghi ngờ. Đặc biệt, ngành y tế không chỉ tiếp tục tăng cường giám sát dịch ngay tại cửa khẩu hàng không mà còn phải tập trung chú ý đến cửa khẩu đường bộ và đường thủy. Khi phát hiện được ca bệnh đầu tiên, tập trung xử lý triệt để, không để lan rộng ra cộng đồng. Ngay trong tuần sau sẽ phải tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh MERS-CoV để tăng tính chủ động và phản ứng nhanh với tình hình dịch bệnh. (Hà Nội mới trang 5)
Áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy: Cứu bệnh nhân 2 lần ngấp nghé cửa tử
Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục.
Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục.
Cơ hội cho bệnh nhân sau ngừng tim
Bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị X. (82 tuổi, ở TP Yên Bái) được chuyển đến Khoa cấp cứu A9 vào hồi 20h, ngày 24/4/2015 trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim. Ngay từ lúc vào, các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho BN. Sau khi cấp cứu, mặc dù BN phục hồi nhịp tim và huyết áp nhưng vẫn hôn mê sâu do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn, ngay sau đó BN đã được tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não.
Sau liệu trình 24h hạ thân nhiệt chỉ huy, huyết áp của BN đã ổn định hơn, có nhịp tự thở, ý thức cải thiện tốt hơn. Ngày thứ 3 sau can thiệp kỹ thuật BN đã mở mắt và há miệng theo lệnh. Đến nay, tình trạng sức khỏe của BN ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, phục hồi vận động.
BS. Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu cho biết, ngừng thở, ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) là hậu quả của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, như (ngạt và thiếu oxy ở trẻ sơ sinh, chấn thương sọ não đụng giập lan toả, đột quỵ thiếu máu lớn, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp…). Tình huống nguy hiểm này có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi như đang làm việc trên cánh đồng, đang tập thể dục buổi sáng hoặc đang làm việc ở công sở, ở sân vận động, trong bệnh viện… Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
“Về mặt lý thuyết, việc ngừng tim trên 3 phút mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với những BN bị ngừng tim, dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10% (ngay cả những nước có hệ thống y tế hiện đại). Còn ở Việt Nam, tỉ lệ cứu sống BN ngừng tim ngoài cộng đồng thấp hơn rất nhiều (cơ hôi cứu sống có thể chỉ từ 1-2%). Nguyên nhân bởi vì trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề. Các phản ứng có hại do thiếu máu não gây ra tiếp tục gây huỷ hoại tế bào não mặc dù đã phục hồi được máu lên não. Hậu quả là não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong”- BS Quân nói.
Theo các bác sĩ, với các BN được cứu sống sau ngừng tuần hoàn thường để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật). Hậu quả sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội. Điều này vẫn xảy ra, mặc dù các BN này đã được cấp cứu kịp thời đúng cách bằng các biện pháp tích cực như cấp cứu ngừng tim, thở máy, cung cấp oxy, dinh dưỡng.
Giảm tỉ lệ tử vong và di chứng tàn phế
Thông thường điều trị phục hồi não sau cấp cứu ngừng tim thành công là dùng thuốc an thần, thở máy để giảm phù não và kiểm soát tốt huyết áp. Hạ thân nhiệt là phương pháp điều trị bổ trợ cho các phương pháp cấp cứu khác được tốt hơn, giúp cải thiện tỉ lệ tử vong và biến chứng.
“Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trước 6 giờ. Nếu BN đưa vào cấp cứu sau 6 tiếng thì hiệu quả sẽ không như mong muốn”, bác sĩ Quân chia sẻ.
TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết: Từ đầu tháng 5/2015, Khoa Cấp cứu A9 đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt cho trên 10 BN. Nhờ kỹ thuật này, các BN ngừng tim sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn, khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn. Đây là một hướng điều trị nhiều triển vọng có thể áp dụng cho nhiều BN rơi vào tình huống nguy hiểm liên quan đến thương tổn não cấp như thương tổn não sau ngừng tuần hoàn, sau thương tổn não nặng do bị chấn thương hoặc tai biến mạch não…
Trên thực tế, cấp cứu ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt đã được thực hiện thường quy trên thế giới, còn được khuyến cáo trong Hội tim mạch Hoa Kỳ sử dụng. Theo chứng minh trên thế giới, dùng phương pháp này giảm tỉ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống là 11%. (Sức khỏe & Đời sống trang 4)
Phòng bệnh MERS-CoV: Đơn giản hơn bạn nghĩ
Thứ trưởng Bộ Y tế cùng 3 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh đã giải đáp hầu hết những thắc mắc của độc giả về MERS-CoV.
Tại buổi giao lưu truyền hình trực tiếp "MERS-CoV có thực sự nguy hiểm?" do báo Sức khỏe & Đời sống thực hiện, trong hơn một giờ đồng hồ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng 3 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh đã giải đáp hầu hết những thắc mắc của độc giả về những vấn đề liên quan đến hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), một dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp trên thế giới và được nhận định là đã tiến rất gần đến Việt Nam.
Cùng tham gia giải đáp cho độc giả, khán giả trong chương trình còn có PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và PGS.TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Việt Nam đã chuẩn bị những gì để đối phó với MERS-CoV?
Nhận được câu hỏi đầu tiên của độc giả về việc Bộ Y tế đã triển khai những biện pháp gì để ngăn ngừa dịch bệnh MERS-CoV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiện nay, Việt Nam chưa có ca mắc, tức là chưa có dịch xâm nhập, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn đưa ra những cảnh báo đối với cộng đồng để phòng ngừa dịch xâm nhập.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trước bối cảnh dịch bệnh MERS-CoV diễn biến khó lường trên thế giới, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh này với các tình huống từ chưa có dịch, có dịch và dịch lây lan trong cộng đồng. Với mỗi tình huống, Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp phòng chống thích hợp.
Mặc dù khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra nhận định việc lây lan của MERS-CoV trong cộng đồng là chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng việc xuất hiện các ca bệnh ở Hàn Quốc cũng khá quan ngại, tốc độ gia tăng ca mắc rất nhanh. Vì vậy Bộ Y tế nhận định, cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến, đặc biệt là vấn đề liệu vi rút có biến đổi về gen, khả năng lây truyền và miễn dịch của cộng đồng như thế nào với MERS-CoV... Theo Thứ trưởng, chúng ta đang ở trong tình huống thứ nhất đó là chưa có bệnh nhân MERS-CoV, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh này lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Do đó, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo tới người dân để có những biện pháp đối phó với dịch bệnh này.
Liên quan đến câu hỏi của một bạn đọc về vấn đề giám sát dịch bệnh, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, công tác giám sát cực kỳ quan trọng, thời gian qua, tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đều được kiểm soát, khai báo y tế bằng 3 thứ tiếng. Một vấn đề quan trọng là có những trường hợp đi từ nước ngoài về, nhất là từ các vùng có dịch nếu có triệu chứng viêm đường hô hấp cần phải được kiểm tra theo dõi. Ông Phu cho rằng, việc phối hợp kiểm dịch y tế biên giới, y tế dự phòng và y tế cơ sở đã làm rất tốt trong thời gian vừa qua. Bất cứ trường hợp nào nghi ngờ đều được xét nghiệm và xác định MERS-CoV. “Đến nay Việt Nam đã sẵn sàng các biện pháp khi có ca bệnh đầu tiên”, ông Phu nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về nhiệm vụ của các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, các đội này có nhiệm vụ điều phối các hoạt động chuyên môn trên từng địa bàn khu vực được giao. Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên thì đội phải chỉ đạo các cơ sở y tế tại địa bàn thực hiện các biện pháp cách ly, phòng chống dịch; huy động lực lượng. Trong trường hợp cán bộ y tế ở cơ sở chưa đầy đủ kinh nghiệm và khả năng phòng chống thì lực lượng đáp ứng nhanh phải tiến hành xử lý ngay dịch bệnh ngay tại cơ sở đó.
Người dân phòng bệnh thế nào khi chưa có vắc xin và thuốc đặc hiệu?
Tại chương trình, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên đối với người dân nên hạn chế đến các cùng có dịch. Với những người đi từ vùng có dịch về khi có bất kỳ triệu chứng sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế. Điều này rất quan trọng, người dân cần hợp tác với ngành y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Về vấn đề điều trị khi chưa có thuốc đặc hiệu, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cho biết căn nguyên dẫn đến MERS-CoV là vi rút corona, một vi rút gây bệnh tương tự SARS, Việt Nam đã phải đối phó với SARS năm 2003 và là nước đầu tiên khống chế được dịch này. Vì thế chúng ta cũng có kinh nghiệm nếu MERS-CoV đến Việt Nam. Trước kia, cách đây 10 năm với điều kiện thiếu thốn, chúng ta vẫn có thể khống chế được dịch thì hiện tại với tinh thần quyết liệt phòng chống dịch, chúng ta có thể kiểm soát được trước diễn biến phức tạp của dịch.
Về vắc xin phòng bệnh, theo PGS.TS. Trần Như Dương, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới có vắc xin phòng bệnh MERS-CoV và việc tìm ra vắcxin trong thời điểm này là khá khó khăn. Trong khi chưa có vắc xin, việc phòng chống bệnh bằng các hành động đơn giản cũng rất quan trọng và hiệu quả như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, che chắn khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. (Sức khỏe & Đời sống trang 9)
Cứu sống bệnh nhi suy tim do dị dạng mạch máu hiếm gặp
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u máu lớn ở gan cho bệnh nhi Đoàn Thế Bảo...
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u máu lớn ở gan cho bệnh nhi Đoàn Thế Bảo (Bắc Giang) mới 2 tháng tuổi với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan, gây suy tim.
Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh lý này được cứu sống tại Bệnh viện Nhi TW. PGS.TS Trần Ngọc Sơn, người trực tiếp thực hiện ca mổ của cháu Bảo cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch: khó thở, suy hô hấp, tím tái, tim phải giãn nhiều, áp lực buồng tim phải cao. Siêu âm Dopler gan cấp cứu phát hiện khối u máu lớn ở gan phải, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan. Bệnh nhi được kịp thời phẫu thuật cắt bỏ phần gan phải. Theo BS. Sơn, suy tim do dị dạng mạch máu trong gan như cháu Bảo là trường hợp khó phát hiện và rất hiếm gặp. Cắt gan phải là một phẫu thuật lớn và phức tạp, đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu nhất là khi bệnh nhân mới 40 ngày tuổi và đang trong tình trạng cấp cứu, suy hô hấp, suy tim, nguy cơ chảy máu trong mổ cao hơn so với các ca cắt gan thông thường. Theo BS. Sơn, hiện tình trạng suy tim và tăng áp phổi của bé Bảo được kiểm soát tốt. Dự kiến cháu có thể ra viện trong thời gian tới. (Sức khỏe & Đời sống trang 9)