Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bao giờ mới hấp dẫn?; Khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gần 300 đối tượng chính sách ở huyện Thanh Trì; Hà Nội hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11- 7; Phù phép thịt bẩn thành đặc sản...

 Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bao giờ mới hấp dẫn?

Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt tối thiểu 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, tại hội nghị về thực hiện chính sách BHYT diễn ra mới đây, nhiều ý kiến lo ngại mục tiêu trên khó có thể đạt được.
Vẫn gặp phiền hà khi tham gia BHYT là lý do khiến người dân chưa mặn mà với thẻ BHYT...
 Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa cao
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến 31-5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4%, so với cùng kỳ năm 2014), đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh gồm An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ đạt độ bao phủ BHYT trên 55% dân số.
Lo ngại trước mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 sẽ gặp khó khăn, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, ở những nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức thì tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp. Việc tuân thủ pháp luật trong tham gia BHYT của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa cao.
Con số thống kê còn cho thấy có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động với tổng số tiền nợ lên tới hơn 3.100 tỷ đồng. Còn người dân thì thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Thêm vào đó, thủ tục, quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà.
Thời gian đầu, một số đại lý còn yêu cầu hộ gia đình phải xuất trình bản sao giấy tạm vắng, quyết định ly hôn… khi đăng ký tham gia BHYT. Trong khi đó, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT lại chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là tuyến y tế cơ sở. Người dân vẫn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong KCB, chuyển tuyến KCB, thanh toán BHYT...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, do cơ chế tài chính chậm đổi mới, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (mới tính 3/7 yếu tố) làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và người dân phải chi tiền túi trong quá trình KCB còn cao. Mặt khác, thanh toán chi phí KCB BHYT tại các địa phương còn nhiều vướng mắc. Vẫn còn tình trạng chậm thanh quyết toán năm, nợ đọng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở có vượt trần, vượt quỹ...
"Tại một số địa phương, người dân, kể cả cán bộ xã, phường chưa nắm rõ quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, như: Thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, mua thẻ BHYT ở đâu, có bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình không, mức đóng BHYT cụ thể của hộ là bao nhiêu, giảm mức đóng thế nào..." - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Mở rộng diện bao phủ để bảo đảm an sinh xã hội
Nói về vai trò của BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, không có một hệ thống BHYT toàn dân thì khó đảm bảo an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, Phó Thủ tướng lưu ý, không chỉ mở rộng các kênh bán BHYT mà hệ thống KCB cũng phải phát triển tương ứng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân theo hướng các cơ sở y tế (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) nếu đủ điều kiện đều được BHYT thanh toán khi điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Ngành Y tế phải tích cực rà soát, sửa đổi lại các quy định để cửa khám dịch vụ hay khám BHYT phải thuận lợi như nhau, giá dịch vụ xét nghiệm, chiếu, chụp cũng phải xem xét sao cho hiệu quả, thiết thực.
Để thu hút người dân tham gia BHYT, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng KCB và chữa bệnh BHYT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai thực hiện các đề án giảm tải, bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình... và chương trình đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại y tế cơ sở. (Hà Nội mới trang 5)

 Khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gần 300 đối tượng chính sách ở huyện Thanh Trì

Ngày 11-7, Bệnh viện Nội tiết T. Ư phối hợp UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gần 300 đối tượng chính sách là các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, gia đình chính sách xã Tứ Hiệp và thị trấn Văn Điển. Bệnh viện cũng tặng quà cho một số đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư khẳng định: Đây là hoạt động thiết thực để bệnh viện tri ân những người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2015). Việc chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho đối tượng chính sách luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc, toàn thể cán bộ công nhân viên bệnh viện coi là một hoạt động thường niên đầy ý nghĩa và thiết thực.

Trong những năm vừa qua, Bệnh viện Nội tiết T. Ư đã có nhiều hoạt động thiết thực như việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa tại địa phương cũng như trên cả nước. Bệnh viện đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, nhân viên đi thăm hỏi và khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Năm 2015, bệnh viện đã xây dựng hai nhà tình nghĩa tại Quảng Trị và tặng quà cho tất cả các gia đình chính sách, người có công với cách mạng của xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. (Nhân dân, Hà Nội mới trang 5)

 Hà Nội hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11- 7

Ngày 11-7, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội phối hợp Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Đống Đa tổ chức điểm văn nghệ truyền thông, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7.
Cùng với đó, các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, huyện Gia Lâm... cũng đã tổ chức nhiều hoạt động mít tinh, tuyên truyền, khám sức khỏe sinh sản, tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Với mục đích để mọi người dân đang sinh sống trên địa bàn cùng thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình, một số đơn vị còn tổ chức đoàn xe tuyên truyền ra quân cổ động trên các tuyến đường chính của thành phố.
6 tháng đầu năm nay, tổng số sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn Hà Nội đã có xu hướng giảm song chưa đồng đều và không bền vững, nhất là tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì ở mức cao.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn TP Hà Nội là hơn 39.200 trẻ (giảm hơn 2.200 trẻ so với cùng kỳ năm 2014). Tương tự, số trẻ là con thứ ba trở lên được sinh ra cũng giảm 181 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn duy trì ở mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái và chưa có xu hướng giảm. (Nhân dân, Hà Nội mới trang 5)

 Sản xuất thực phẩm chức năng giả ngày càng tinh vi

Tình hình hoạt động sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Trí Dũng cho biết: Ngày 8-6, đã kiểm tra và phát hiện khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố. Trong đó chủ yếu là sản phẩm: Sữa ong chúa Costar, 100% Royal Jelly 1450mg, Omega3... Các sản phẩm trên chủ yếu của Công ty VQTech trụ sở tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông - Hà Nội.

Tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh), lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 12 tấn thực phẩm chức năng gồm Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan, cà-phê giảm cân hiệu Eva, Lisu Hồng, 3Days... không có hóa đơn, chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ cùng nhiều vỏ hộp, tem nhãn và các dụng cụ thô sơ để sản xuất các sản phẩm trên. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, ngay trong tháng 6, lực lượng chức năng đã khám xét trụ sở công ty Bảo Khang (quận Gò Vấp) bắt giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng cùng nhiều nguyên liệu, bao bì... Tại cơ quan điều tra, giám đốc công ty Bảo Khang thừa nhận đã tổ chức buôn bán một số loại thực phẩm chức năng giả. Số hàng giả này Bảo Khang đặt tại Trung Quốc, mỗi khi giao hàng, họ sẽ giao riêng sản phẩm, vỏ hộp và tem, sau đó công ty Bảo Khang đóng gói thành sản phẩm, dán nhãn mác và đưa đi tiêu thụ.

Theo ông Trần Hùng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thực phẩm chức năng nhằm bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, tuy nhiên lại bị làm giả rất nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng các đối tượng làm giả ngày càng tinh vi, gian lận nên không kiểm soát được hết. Trong năm 2014 và năm tháng đầu năm 2015 các lực lượng chức năng đã thanh, kiểm tra phát hiện xử lý 2.113 vụ việc vi phạm trên cả nước. Phần lớn các mặt hàng làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng thật và mang đi tiêu thụ. Điều đáng nói, những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, thực phẩm chức năng bùng nổ, đó là một mặt hàng kinh doanh siêu lợi nhuận. Những mặt hàng thu hút nhu cầu của người dân sẽ là cơ hội để các đối tượng làm giả, làm nhái và buôn lậu lợi dụng. Vì lợi nhuận, chúng bất chấp chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng. Công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không thể một bộ, một ngành, hay một doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả, mà cần có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội, nhất là người dân và bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những quy định xử phạt nghiêm hơn nữa đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm...

Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản để quản lý ngày càng chặt chẽ hơn. Đáng chú ý, Bộ Y tế đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo sở y tế chủ động phối hợp Chi cục Quản lý thị trường, các ban, ngành liên quan tập trung nguồn lực hơn nữa nhằm phòng, chống buôn lậu, hàng giả, nhất là thực phẩm chức năng, nguyên liệu dược hiệu quả hơn. (Nhân dân trang 5)

 Phù phép thịt bẩn thành đặc sản

Thịt bẩn được phù phép thành đặc sản các loại cung cấp cho quán ăn, nhà hàng, thậm chí lên kệ siêu thị.

Ngày 1.7, khi đoàn liên ngành Q.Bình Tân (TP.HCM) kiểm tra cơ sở trên đường số 3 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân), bắt quả tang ông Mai Nhật Trường tổ chức sản xuất “chui” giò, chả. Hiện trường có gần 50 kg thịt heo đã xay (nguyên liệu sản xuất chả, giò) không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, không rõ nguồn gốc. Ông Trường khai nhận đi thuê cơ sở này để ở và sản xuất giò, chả bỏ mối cho các tiệm bán bánh mì, bánh cuốn.

Thịt bẩn + hóa chất = thịt đặc sản

Trước đó 1 ngày, đoàn liên ngành H.Bình Chánh đã phá một lò chuyên phù phép thịt bẩn thành đặc sản giả khi kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến sản phẩm động vật tại địa chỉ ấp 4A (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) do bà Kim Thy (thường trú tại Long An) làm chủ. Trong căn phòng chỉ khoảng 15 m2 ẩm thấp có 5 tủ cấp đông công nghiệp chất đầy thịt heo bán thành phẩm, thịt đóng gói ghi nhãn thịt đà điểu, nai, nhím, ngựa..., máy hút chân không, máy ép bao bì và bao bì, tem nhãn ghi thịt nai, thịt đà điểu, thịt nhím. Đáng lo hơn, đoàn kiểm tra đã phát hiện hai chai nhựa bên trong chứa nước màu đỏ. Làm thử nghiệm nhanh bằng cách tẩm nước màu đỏ trong 2 chai nhựa này vào vỉ thịt heo cắt lát trong tủ đông thì thịt từ từ chuyển sang màu đỏ tươi.

   

Theo Trưởng trạm Thú y Bình Chánh (Chi cục Thú y TP.HCM) Nguyễn Hồng Triệu, chất lỏng màu đỏ trong 2 chai nhựa có tác dụng làm thay đổi tính chất vật lý của thịt. Từ đó, "biến" thịt heo thành các loại thịt giả khác. Bà Thy khai nhận hàng sản xuất ra bỏ cho các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn. Đoàn kiểm tra niêm phong tạm giữ hơn 650kg “đặc sản” thịt nai, đà điểu, nhím... giả. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 3 mẫu sản phẩm thịt đặc sản giả tại lò này bị nhiễm vi sinh.

Hàng chứa chất cấm vào siêu thị

Trước đó, ngày 9.6, đoàn liên ngành Bình Chánh còn phát hiện vụ dùng chất cấm chế biến bò viên khi kiểm tra hộ kinh doanh Pháp Việt (C2/19E2 ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) do ông Nguyễn Văn Bảo làm chủ. Tại hiện trường có hơn 2,1 tấn bò viên thành phẩm, nguyên liệu (thịt xay, thịt tươi), gần 100 kg thịt đông lạnh hết hạn sử dụng, toàn bộ không giấy kiểm dịch và 170 kg bột ngọt Trung Quốc, đường cát Thái Lan không hóa đơn chứng từ. Đáng sợ hơn là phát hiện đến 70 kg chất cấm Benzoate, một loại chất không được phép sử dụng trong sản phẩm chế biến từ thịt.

Tình trạng sử dụng chất cấm trong tẩm ướp, bảo quản, gian lận thực phẩm diễn ra ngày càng nhiều. Cách đây chưa lâu, lực lượng cảnh sát kiểm tra Công ty thực phẩm H.B (Q.Tân Phú) cũng đã phát hiện chất cấm. Tại đây, dụng cụ sản xuất, nguyên liệu sản xuất đặt ngay ở nền sàn ẩm ướt, sát miệng cống nước thải và gần nhà vệ sinh. Sản phẩm công ty đưa ra thị trường là bò viên, cá viên, heo viên nhưng trong kho lại chứa rất nhiều thịt trâu. Một cán bộ đoàn kiểm tra nhận định, công ty này dùng thịt trâu để làm bò viên và sử dụng rất nhiều loại phụ gia, hương liệu, trong đó có nhiều loại không nhãn mác, có loại cả bột màu trắng mà kiểm tra nhanh sau đó cho biết đó là hàn the, một chất cấm dùng trong thực phẩm.

Đặc biệt, thông tin trên các thùng hàng tại công ty này chuẩn bị giao cho các siêu thị, trong đó có cả các siêu thị lớn. Theo khảo sát của Thanh Niên, sản phẩm công ty này có mặt trên kệ hầu hết siêu thị lớn tại TP.HCM. Ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, các siêu thị âm thầm cho thu hồi thực phẩm “bẩn” của công ty này khỏi kệ.

Nói về việc thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM, cho rằng kiểu quản lý, xử lý hiện nay vừa tốn kém, không hiệu quả, không phù hợp thực tế. Đặc biệt công tác phối hợp các đoàn liên ngành lỏng lẻo, không hiệu quả. Trong đoàn kiểm tra lực lượng chính lại không có quyền lực, công cụ có thể điều tra, truy xét, xử lý vụ vi phạm đến cùng. Lực lượng có quyền thì chỉ tham gia với vai trò lực lượng hỗ trợ, cho có mặt, cho đủ ban ngành theo quy định.  (Thanh niên trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang