Không đồng ý lập trung tâm ATTP quận huyện
Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TPHCM nêu ý kiến về đề nghị của Sở Y tế xin thành lập 24 trung tâm an toàn thực phẩm (ATTP) trực thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố tại 24 quận huyện.
Căn cứ các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và UBND thành phố về thực hiện tinh giản biên chế, Sở Nội vụ nhận thấy đề nghị trên của Sở Y tế trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định.
Theo báo cáo trước đó của Sở Y tế, dự kiến mỗi trung tâm khi được thành lập sẽ có 15 biên chế khung để thực hiện nhiệm vụ được giao. Như vậy việc thành lập 24 trung tâm ATTP đồng nghĩa với việc phải bổ sung thêm 360 biên chế cho các đơn vị này (Tiền phong online, Tuổi trẻ trang 2).
Hư gan vì đông dược trôi nổi
Có nhiều bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính đã điều trị tây y tương đối ổn định nhưng lại bỏ sang dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc khiến bệnh nặng lên, nguy cơ tử vong cao.
Trong 7 tháng đầu năm, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã điều trị cho 18 trường hợp suy gan, tổn thương gan tối cấp sau khi dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc để trị viêm gan B mãn tính. Trong số này có 8 người không qua khỏi. Bỏ giữa chừng
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, kể hầu như tháng nào khoa này cũng tiếp nhận vài bệnh nhân viêm gan B mãn tính đã điều trị ổn định nhưng lại bỏ sang dùng thuốc đông y khiến tình trạng bệnh nguy kịch.
Cách đây khoảng hai tháng, bệnh nhân nam hơn 40 tuổi, ở Hải Phòng, đã điều trị thuốc kháng virút viêm gan B và ổn định trong thời gian dài. Sau đó, người bệnh tin theo lời người khác mua thuốc của một thầy lang Campuchia về uống để trị viêm gan. Tuy nhiên, uống khoảng 3 - 4 ngày, bệnh nhân bị suy gan trầm trọng và không cứu được.
Cuối tháng 7, khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 33 tuổi, trong tình trạng tổn thương gan tối cấp rất nguy kịch, vàng mắt, vàng da, bụng trướng căng, xuất hiện nhiều điểm xuất huyết trên da. Dù được cấp cứu rất tích cực bằng các biện pháp: lọc máu, thở máy... nhưng bệnh nhân này cũng không qua khỏi vì tình trạng ngộ độc toàn thân do gan bị suy quá nặng.
Điều đáng nói, trước đó bệnh nhân này đã được điều trị bị viêm gan B mãn tính ổn định nhưng sau ba tháng bỏ thuốc kháng virút sang sử dụng nấm lim xanh, bệnh tiến triển nặng lên nhanh chóng, hậu quả là bệnh nhân tử vong.
Thuốc đông y không diệt được virút
Theo bác sĩ Cấp, trong số những người nhiễm virút siêu vi B có 90% là cấp tính, tự khỏi, khỏe mạnh, chỉ có 10% trở thành mãn tính, 2/3 trong số này dù có thể lây nhiễm cho người khác nhưng vẫn có thể có thể trạng ổn định do nồng độ virút có trong máu thấp nên ít có nguy cơ phá hủy tế bào gan. 1/3 số bệnh nhân còn lại có nồng độ virút trong máu rất cao, có nguy cơ rất cao có thể tiến triển thành bệnh xơ gan hoặc ung thư gan.
Thuốc kháng virút hiện nay rất có hiệu quả đối với bệnh viêm gan mãn tính, giúp giảm bớt số lượng virút, ngăn ngừa tiến triển thành xơ gan, ung thư gan... Tuy nhiên, thời gian điều trị rất lâu dài vì không diệt hoàn toàn 100% virút, nhiều bệnh nhân vì thế không kiên trì trong điều trị.
Vấn đề khác là hiện nay nhiều bệnh nhân viêm gan cấp tính dùng thuốc đông y thấy “khỏi bệnh” (nhưng thực chất bệnh có thể tự khỏi mà không cần can thiệp). Một số thầy thuốc đông y vì thế hiểu nhầm những bài thuốc của mình có thể chữa khỏi bệnh viêm gan virút (bao gồm cả viêm gan mãn tính) nên quảng cáo và ngay cả bệnh nhân viêm gan cấp tính cũng giới thiệu về những bài thuốc đông y có thể chữa được viêm gan virút như vậy.
Số 1/3 bệnh nhân viêm gan mãn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan kể trên vì nghe theo những lời quảng cáo, giới thiệu này đã ngưng sử dụng thuốc kháng virút chuyển sang sử dụng đông y, tạo cơ hội cho virút bùng lên nhanh chóng chuyển sang suy gan cấp, xơ gan, ung thư gan...
Bác sĩ Cấp khuyến cáo người bệnh viêm gan cấp tính (B, C) không cần phải lo lắng vì có đến 90% tự khỏi. Những bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính nên khám định kỳ, nếu được phát hiện ở trong nhóm virút hoạt động tấn công thì cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị kháng virút, không nghe theo những lời quảng cáo chữa khỏi bệnh viêm gan bằng đông y, hoặc nếu sử dụng thuốc đông y cần theo chỉ dẫn của những thầy thuốc đông y và những bài thuốc đông y đã được thẩm định, kiểm chứng, tránh những bài thuốc trôi nổi, bài thuốc từ lời mách của người khác.
Theo bác sĩ Cấp, hiện có khá nhiều bài thuốc đông y được kiểm chứng về công dụng đối với gan nhưng chủ yếu là bảo vệ tế bào gan, hỗ trợ chức năng gan chứ không diệt được virút gây bệnh viêm gan. “Lý tưởng nhất trong điều trị bệnh viêm gan mãn tính vẫn là kết hợp tây y diệt virút còn đông y hỗ trợ, bảo vệ gan” - bác sĩ Cấp nói (Tuổi trẻ trang 14).
Loạn quảng cáo, kinh doanh thực phẩm chức năng: Vàng thau lẫn lộn
Từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) bị xử phạt, hàng chục vụ buôn bán TPCN giả, nhái được phát hiện, không ít trường hợp còn lợi dụng khám chữa bệnh từ thiện để quảng cáo thổi phồng sự thật và bán TPCN với giá “trên trời”… Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế về vấn đề này.
7 tháng đầu năm, số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng
- PV: Chưa bao giờ số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN bị phát hiện có sai phạm, xử phạt lại nhiều như thời gian gần đây, cho thấy thị trường TPCN ở nước ta đang rơi vào cảnh vàng thau lẫn lộn. Phải chăng công tác quản lý mặt hàng này đang bị buông lỏng, thưa ông?
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: Bất cứ mặt hàng nào có nhu cầu tiêu dùng cao đều dễ bị những kẻ làm ăn không chân chính lợi dụng để trục lợi bằng cách sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và TPCN cũng không nằm ngoài quy luật này. Chỉ tính riêng Thanh tra Bộ Y tế, Cục ATTP từ đầu năm đến nay đã phát hiện hàng chục vụ làm giả, làm nhái sản phẩm TPCN của một số nhãn hàng nổi tiếng, ra quyết định xử phạt với số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng.
Các lực lượng chức năng khác như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường cũng đã khám phá, xử lý rất nhiều vụ sai phạm tương tự, điển hình như giữa tháng 6 vừa qua CATP Hà Nội đã phát hiện, thu giữ 20 tấn TPCN giả trên đường tuồn về thị trường Thủ đô. Đặc biệt, sai phạm về quảng cáo TPCN vẫn phổ biến khi 7 tháng đầu năm nay, riêng Cục ATTP đã phát hiện, xử lý 156 công ty vi phạm với số tiền hơn 3 tỷ đồng… Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN có sai phạm bị phát hiện, xử lý nhiều là do công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý mặt hàng này đã được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn. Ngay từ đầu năm nay, ngành ATTP đã chọn năm 2015 là năm ưu tiên thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm và hiện chúng tôi vẫn đang đẩy mạnh công tác này.
- Hiện nay có một số cá nhân, cơ sở buôn bán và quảng cáo TPCN là hàng xách tay trên các trang mạng, việc mua bán này diễn ra rất dễ dàng và đánh trúng tâm lý nhiều người tiêu dùng “sính hàng ngoại”. Cục ATTP có biết hiện tượng này?
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong: Theo quy định thì tất cả mặt hàng xách tay nói chung, hàng thực phẩm xách tay nói riêng chỉ được phép mang theo từ nước ngoài về để dùng cho cá nhân, không được cấp phép lưu hành nên nếu đưa ra kinh doanh, mua bán, quảng cáo để bán là vi phạm pháp luật. Việc mua TPCN xách tay cũng rất nguy hiểm, có thể “tiền mất tật mang” bởi người tiêu dùng rất khó kiểm chứng được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Chúng tôi sẽ yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề này và nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Mới đây, chúng tôi đã phát hiện và chỉ đạo ngành y tế các địa phương thanh tra, siết chặt hoạt động của một số đơn vị, tổ chức lợi dụng khám chữa bệnh từ thiện hay hội thảo phổ biến kiến thức dinh dưỡng tại các vùng nông thôn để quảng cáo thổi phồng giá trị thực của TPCN, bán TPCN với giá “trên trời”. Qua đó, đã kịp thời xử lý một số đơn vị sai phạm tại Thanh Hóa, Quảng Nam…Không tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng
- Do những sai phạm về quảng cáo TPCN diễn ra phổ biến khiến nhiều người bệnh lầm tưởng TPCN là thuốc, có thể chữa được bách bệnh. Ngược lại, không ít người dân ở thành phố tuyên bố tẩy chay mặt hàng này. Ông có khuyến cáo gì đến người dân?
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong: TPCN chỉ là những sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận của cơ thể con người, có tác dụng tăng sức đề kháng và dự phòng, hỗ trợ điều trị bệnh chứ không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế thuốc chữa bệnh, càng không có tác dụng chữa bách bệnh như một số quảng cáo thổi phồng sự thật. Tôi xin nhấn mạnh rằng, nếu người dân có điều kiện sử dụng TPCN thì rất tốt chứ không nên tẩy chay, song việc dùng TPCN cũng phải đúng mục đích, không lạm dụng, sử dụng một cách tùy tiện.
Điều quan trọng nhất đối với người sử dụng cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN là phải “hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng”. Vì thế, chúng tôi yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN phải “sản xuất đúng, công bố đúng, quảng cáo đúng, ghi nhãn đúng, kiểm nghiệm đúng TPCN” và sẽ thường xuyên tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp làm không đúng. Bên cạnh đó, Cục ATTP sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dung (An ninh thủ đô trang 6).
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch
Sáng 11-8, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tới dự lễ chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch từ Bệnh viện Tim Hà Nội cho Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Trước khi thành lập Khoa nội tim mạch, được sự giúp đỡ của Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từng thực hiện thành công 4 ca can thiệp tim mạch, trong đó có 1 ca can thiệp phẫu thuật tim bẩm sinh.
Đến ngày 30-6-2014, Khoa Nội tim mạch đã chính thức được thành lập với 35 giường bệnh và 20 cán bộ nhân viên. Từ đó đến nay, được sự giúp đỡ của Bệnh viện Tim Hà Nội và Viện Tim mạch Quốc gia, các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiến hành chụp 487 ca mạch vành, can thiệp phẫu thuật mạch vành 189 ca, can thiệp tim bẩm sinh 10 ca, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời qua đường tĩnh mạch dưới máy DSA được 30 bệnh nhân. Khoa góp phần cấp cứu và cứu sống nhiều bệnh nhân tim mạch và nhồi máu cơ tim, trong đó có những bệnh nhân bị biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp.
ThS.BS Nguyễn Đình Hiến, phụ trách Khoa Nội tim mạch cho biết, thời gian tới các thầy thuốc của khoa sẽ tiếp tục học tập, nâng cao trình độ kỹ thuật chuyên môn để phấn đấu trở thành một thương hiệu khi nói tới trung tâm tim mạch của Bệnh viện Xanh Pôn. Mục tiêu đề ra cũng rất rõ là làm chủ các phẫu thuật nội tim mạch, nhi tim mạch và phẫu thuật tim can thiệp, cùng với việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS- Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho tập thể và các cá nhân thuộc Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Tim Hà Nội (An ninh thủ đô trang 8, Hà Nội mới trang 1).
Dịch bệnh sốt xuất huyết: Càng chống càng bùng phát!
Trong khi các tỉnh miền Bắc đã giảm được số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), thì các tỉnh miền Nam đang là "điểm đen" bùng phát dịch bệnh. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 6.000 ca nhiễm trong tổng số 10.000 ca SXH phát hiện trên toàn quốc.
Dịch bùng phát trong 10 năm liền
Những ngày này, tình hình dịch SXH tại TP Hồ Chí Minh không có chiều hướng giảm, mà tiếp tục gia tăng do đang cao điểm mùa mưa. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi SXH sinh sôi, nảy nở. Trong tháng 7-2015, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố được phát hiện là 948 ca, tăng 63% so với tháng 6. Tính đến hết tháng 7, thành phố có 6.033 ca SXH, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2014. Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, số ca mắc SXH bắt đầu tăng cao từ giữa tháng 7 và có chiều hướng lan rộng. Hiện nay dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả các quận, huyện của thành phố, chứ không còn gói gọn vào vài quận tập trung như trước kia.
Phân tích nguyên nhân, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều nước đã khống chế, đẩy lùi dịch SXH nhưng chỉ riêng Việt Nam lại tăng mạnh trong suốt 10 năm qua là do không tập trung dập dịch một cách triệt để, dẫn đến ấu trùng của muỗi gây SXH tồn tại, phát triển thành muỗi và trở thành vật trung gian truyền bệnh từ năm này qua năm khác. Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng, nguyên nhân dẫn đến SXH lan rộng trên địa bàn thành phố có 50% từ ý thức chủ quan, ngủ không mắc màn của người dân, 50% còn lại do điều kiện sinh hoạt bẩn, ô nhiễm tạo điều kiện cho muỗi chứa mầm SXH sinh sôi và gây hại.
Chưa phạt được ai?
Để ứng phó với tình hình SXH nhân rộng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm vắc xin SXH. Sau 2 năm, cơ quan này đã công bố nghiên cứu thành công, tuy nhiên cần thêm thời gian thử nghiệm lâm sàng và kiểm nghiệm trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Như vậy, cho đến hiện tại chưa có biện pháp nào hữu hiệu để có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm SXH trên địa bàn thành phố.
Vậy trách nhiệm ngăn ngừa dịch bệnh thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng: "Tại các điểm bùng phát dịch, y tế dự phòng đã tiến hành xử lý, hướng dẫn bà con diệt lăng quăng, muỗi theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dịch muỗi vẫn bùng phát trở lại là do dân cư kém ý thức, để tình trạng ô nhiễm gia tăng do "cha chung không ai khóc". Các kênh, rạch trên địa bàn cứ được làm sạch ít hôm thì lại tái ô nhiễm vì người dân tiếp tục vứt rác xuống".
Điều đáng nói, Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã được ban hành, trong đó quy định rõ, cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng gây lây lan dịch bệnh; phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với đơn vị cơ quan hành chính, công ty, khu sinh hoạt vui chơi công cộng không có nhà tiêu hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn và bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên theo Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Bùi Minh Trạng, cho đến thời điểm này, Sở Y tế chưa phạt được bất cứ cá nhân, đơn vị nào vi phạm. Nguyên nhân là do nhân lực mỏng và cần nhiều quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong văn bản xử phạt. "Chúng tôi chưa thể phát hiện xử lý kịp thời các cá nhân, đơn vị thả rác thải, gây ô nhiễm môi trường làm bùng phát dịch SXH. Ngoài ra, trách nhiệm kiểm tra thuộc nhiều ban, ngành cùng phối hợp, một mình thanh tra Sở Y tế không thể kiểm soát, mà cần sự phối hợp của lãnh đạo cấp xã, phường, tổ khu phố mới có thể kịp thời xử lý" - ông Trạng nói.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận đã kiên quyết yêu cầu "Phường, xã nào để xảy ra bùng phát dịch SXH thì địa phương ấy phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. UBND quận, huyện và hệ thống phường, xã phải kiên quyết áp dụng những chế tài đối với tổ chức, cá nhân không tham gia diệt lăng quăng, để tăng nguy cơ dịch SXH" (Hà Nội mới trang 6).
Triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc
Ngày 11/8, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Triển khai sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em” với sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản của 22 tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai tại Nhật Bản gần 70 năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực trong cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Mô hình này cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, dự án được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh gồm Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang, với kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả đánh giá cuối kỳ cho thấy 81% các bà mẹ mang theo sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em khi đến khám tại trạm y tế xã. Có 92% bà mẹ đi khám thai ít nhất 3 lần; kiến thức về các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai của các bà mẹ được cải thiện rõ rệt; 90% bà mẹ mang theo sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em khi đưa trẻ đi tiêm chủng... Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em đã trình Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiên cứu, xem xét để có thể triển khai thực tế tại địa phương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến việc mở rộng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về chuyên môn cũng như nguồn kinh phí. Vì vậy, tại hội thảo này Bộ Y tế mong muốn các đại biểu thảo luận để thống nhất các giải pháp nhằm chuẩn hóa công cụ theo dõi, chăm sóc và ghi chép về sức khỏe bà mẹ, trẻ em; từng bước đưa sổ vào sử dụng thường quy trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam.
Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước tại địa phương, xem xét việc xã hội hóa; lồng ghép vào các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế để từng bước mở rộng việc triển khai sổ theo sõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em...
Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là công cụ theo dõi và chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi. Sổ gồm có 4 phần: Phần 1 (các thông tin cơ bản), phần 2 (chăm sóc thai nghén), phần 3 (chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh) và phần 4 (chăm sóc sức khỏe trẻ em). Đối tượng sử dụng gồm bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình và cán bộ y tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận việc lồng ghép sổ tiêm chủng và biểu đồ tăng trưởng vào sổ theo sõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em; đưa sổ theo dõi này vào sử dụng tại các địa phương từ năm 2016 (Vietnamplus.vn, Hà Nội mới trang 7).
Sức khỏe tạo hạnh phúc, nhân ái tạo niềm tin!
Cảm phục trước tấm lòng của người thầy thuốc Nguyễn Thế Sáng, từ nhiều năm nay, người dân trên địa bàn huyện miền núi Ba Vì (Hà Nội) và nhiều địa phương lân cận vẫn gọi ông với cái tên gần gũi: "Thầy thuốc của dân nghèo". Điều đáng trân trọng ở người bác sĩ này là ông không quản ngại khó khăn, hết lòng với người bệnh và trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dân vùng quê nghèo mỗi khi đau ốm.
Thương người nghèo, bệnh trọng, đường xa…
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với bác sĩ Nguyễn Thế Sáng diễn ra khi ông vừa trực tiếp chăm lo cho người mẹ già đang có bệnh, vừa cho ý kiến vào các bệnh án của bệnh nhân điều trị tại phòng khám. Hẹn từ đầu giờ sáng nhưng mãi đến trưa người thầy thuốc tóc đã điểm bạc mới có một chút thảnh thơi để trò chuyện.
Trong căn phòng làm việc giản dị với những cuốn sách, tạp chí về nghề y được sắp đặt ngăn nắp, ông chậm rãi chia sẻ về con đường đến với ngành y đầy gian truân. Hồi tưởng chuyện xưa, cảm xúc của người bác sĩ già ùa về: "Ngày ấy vùng quê Tây Đằng nghèo và đường sá đi lại khó khăn lắm! Gia đình nào chẳng may có người mắc bệnh là phải chạy vạy khắp nơi, có điều kiện hơn thì bán con lợn, con gà, đấu thóc đấu gạo để lấy tiền chữa bệnh...". Điều khiến vị bác sĩ tâm tư nhiều nhất là chuyện người dân quê nghèo luôn đói ăn, thiếu thuốc. Hồi đó, không có ô tô, cũng chẳng sẵn xe máy như bây giờ, mà người bệnh được chở bằng cáng tự tạo từ chiếc võng dù mắc vào cây tre đặt trên hai chiếc xe đạp để di chuyển. Không ít người đã qua đời trên đường đến bệnh viện. Chứng kiến những cảnh tượng này, ông Sáng quyết tâm thi và đã đỗ vào Đại học Y để được đeo đuổi đam mê và quan trọng nhất là có thể giúp đỡ những người thân yêu trên chính quê hương mình.
Ra trường, ông Sáng vào công tác tại Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và được giao điều hành Phòng khám Tây Đằng. Trong suốt 25 năm gắn bó với công việc đã mang lại cho người thầy thuốc Nguyễn Thế Sáng nhiều điều không bao giờ quên trong cuộc đời. Hỏi ông những tâm tư, suy nghĩ về nghề đã gắn bó nhiều năm qua, ông Sáng trầm ngâm hồi lâu rồi nói rành rọt: "Đi theo nghề y phải có đam mê và lòng yêu thương con người. Lòng yêu thương của người thầy thuốc không nhất thiết phải nói ra mà qua hành động, rồi người bệnh sẽ nhận ra, đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng". Năm 2012, được sự chấp thuận của Sở Y tế Hà Nội, ông Sáng cùng các cộng sự đã thành lập Phòng khám đa khoa Quảng Tây có trụ sở tại Tây Đằng (Ba Vì). Ông tâm sự: "Khi tôi bắt tay vào việc có nhiều người bạn, người thân khuyên không nên làm vì sẽ có nhiều thách thức chờ đợi phía trước. Lý do họ đưa ra là ở một vùng xa xôi, hẻo lánh và nhiều khó khăn như Ba Vì thì việc mở phòng khám tư nắm chắc phần thất bại. Nghĩ đi, nghĩ lại tôi vẫn quyết làm bằng được vì đây là ước nguyện và niềm đam mê cả đời mà tôi không thể lỡ dở". Từ số tiền tích cóp, ông Sáng "đổ" toàn bộ vào xây dựng phòng khám với những trang thiết bị hiện đại, đồng thời ông tập hợp đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao, giàu lòng nhân ái.
Chị Nguyễn Thị Thảo, người xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) là điều dưỡng gắn bó với bác sĩ Sáng ngay từ những ngày đầu thành lập phòng khám cho biết: "Những người trẻ như chúng tôi coi bác Sáng như người thầy, người cha vì đã dạy bảo, hướng dẫn chúng tôi được làm nghề chân chính. Bác Sáng rất nghiêm khắc trong hoạt động nghề nghiệp nhưng luôn thương yêu, đùm bọc người bệnh nghèo". Bằng uy tín trong ngành, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng mời cộng tác và tập hợp được những cộng sự là những giáo sư, bác sĩ đầu ngành, đã khẳng định tay nghề trong quá trình công tác ở các bệnh viện lớn như Đại tá Đỗ Văn Đua, nguyên là bác sĩ Bệnh viện 105; các giáo sư, bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện 103... Bên cạnh đó, bác sĩ Sáng còn tích cực đưa con em các xã trong huyện Ba Vì đi học Đại học Y, cử nhân điều dưỡng để xây dựng đội ngũ y, bác sĩ kế cận có tay nghề chuyên môn cao. Ở thời điểm chúng tôi đến thăm phòng khám, đang có 8 người học cử nhân điều dưỡng và xét nghiệm; 4 người học Đại học Y và dược, đều được ông đài thọ miễn phí việc ăn, ở và học.
Ngoài tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, huy động đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng đã triển khai việc khám, chữa bệnh bảo hiểm cho bệnh nhân nghèo. Anh Nguyễn Tiến Tùng, xã Châu Sơn (huyện Ba Vì), người nhà của bệnh nhân Nguyễn Thị Sao, đang chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm tại phòng khám, cho biết: "Ở khu vực Ba Vì, Sơn Tây, ngoài các bệnh viện công thì theo tôi được biết duy nhất phòng khám đa khoa tư nhân của bác sĩ Sáng có chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm cho người dân, đây là điều hiếm hoi. Chữa bệnh ở đây chúng tôi rất tin tưởng vì đội ngũ y, bác sĩ tận tình, gần gũi và chu đáo".
... và những niềm hạnh phúc
Nhiều năm hành nghề y trước khi thành lập phòng khám của riêng mình, bác sĩ Sáng hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người bệnh, bởi họ không chỉ đau về thể xác mà còn chịu nỗi đau tinh thần. Chính vì vậy, khi mỗi bệnh nhân đến phòng khám, ông vừa khám, vừa giải thích, tư vấn về bệnh và hướng dẫn cách điều trị tốt nhất, đỡ tốn kém nhất.
Được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ trong những ngày nằm điều trị tại phòng khám, bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi) ở xã Minh Châu (Ba Vì), là một trong những bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm đi chữa bệnh, xúc động nói: "Trước đây mỗi lần đi khám bệnh vất vả lắm vì sự quá tải ở các bệnh viện công trong khu vực. Từ khi có phòng khám ngay gần đây, các bác sĩ lại nhiệt tình nên chúng tôi rất an tâm". Bà Lợi ở "xã đảo" Minh Châu, một địa phương có địa hình cách trở, nằm giữa Sông Hồng nên việc khám, chữa bệnh của đồng bào nơi đây gặp nhiều trắc trở khi phải qua sông, qua đò. Bà Lợi cho biết: Ở Xóm 3 nơi bà đang sinh sống hầu hết các hộ dân nghèo đều lựa chọn phòng khám của bác sĩ Sáng để chữa bệnh. "Tôi biết bác sĩ Sáng đã không lấy tiền với rất nhiều bệnh nhân nghèo" - bà Lợi nói thêm. Bà Trần Thị Then ở Tam Nông (Phú Thọ), là một trong những bệnh nhân cao tuổi (92 tuổi), dù ở xa nhưng con cháu của bà vẫn lặn lội đưa đến đây để chữa căn bệnh viêm phổi. Cảm động trước sự tận tâm của bác sĩ Sáng, bà Then cho biết: "Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn các bác sĩ ở đây, cảm ơn ông Sáng, những người đã hết lòng vì bệnh nhân nghèo như chúng tôi".
Tìm hiểu về những việc làm thiện nguyện của bác sĩ Nguyễn Thế Sáng chúng tôi được biết, hằng tháng có hàng chục trường hợp được phòng khám giúp đỡ tiền khám, chữa bệnh. Trong tháng 7-2015, phòng khám đã tài trợ cho 15 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được khám, chữa bệnh miễn phí hoặc hỗ trợ một phần. Chia sẻ về những việc làm đầy tình người này, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng khiêm tốn nói: "Mỗi bệnh nhân đến đây, tôi luôn coi họ như người nhà, vì thế ai gặp khó khăn chúng tôi luôn hết sức giúp đỡ, có thể đó chỉ là một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh hoặc một chuyến xe miễn phí khi chuyển viện... Chúng tôi làm những việc nhỏ này chỉ mong bệnh nhân được ấm lòng hơn trong lúc họ đang bị đau ốm".
Một câu cửa miệng bác sĩ Sáng luôn nói với đội ngũ cán bộ ở phòng khám, đó là "Sức khỏe tạo hạnh phúc, nhân ái tạo niềm tin". Vì thế, từng việc làm, từng hành động nhỏ như khi kê đơn thuốc, ông trực tiếp hoặc dặn dò đồng nghiệp kê loại thuốc phù hợp túi tiền của bệnh nhân nhưng mang lại hiệu quả cao. Ước vọng lớn nhất của người thầy thuốc Nguyễn Thế Sáng là tiếp tục mở rộng phòng khám, tiến tới xây dựng một bệnh viện đa khoa hiện đại với 200 giường bệnh. "Sở Y tế Hà Nội đã có ý kiến đề nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương này, chúng tôi đang hy vọng dự án xã hội hóa trong khám chữa bệnh này sẽ sớm được triển khai" - vị bác sĩ vui mừng cho biết (Hà Nội mới trang 8).
Từ nay đến cuối năm có thêm 200.000 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1
Đây là thông tin được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đưa ra trước tình hình liên tiếp thiếu vắc xin dịch vụ thời gian qua.
Lý do chính khiến vắc xin 5 trong 1 và vắc xin 6 trong 1 dịch vụ đứt hàng thời gian
qua được Cục Quản lý Dược cho biết là do nhà sản xuất. Sáu tháng đầu năm 2015 có rất ít vắc xin 5 trong 1 dịch vụ được nhập khẩu về Việt Nam vì nhà máy thay đổi quy trình xuất xưởng, nguồn cung bị ảnh hưởng kể cả tại Pháp và nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, nhưng sáu tháng cuối năm dự kiến có 200.000 liều vắc xin 5 trong 1 Pentaxim về Việt Nam.
Về vắc xin 6 trong 1, trong cuộc gặp mặt báo chí mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tình trạng khan hiếm vắc xin 6 trong 1 hiện chưa có để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng dịch vụ cho người dân. Ông Phu lý giải, do nhà sản xuất thay đổi dây chuyền sản xuất, lô sản xuất vắc xin bị hỏng… dẫn tới hiện tượng thiếu vắc xin
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trước nguy cơ khan hiếm vắc xin, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã yêu cầu nhà sản xuất phải công bố số lượng vắc xin có thể cung ứng được trong năm 2015 để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ phải có vắc xin tổng hợp Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin này sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ. Tại Hà Nội, thời gian qua đã có 20.000 trẻ được tiêm vắc xin tổng hợp Quinvaxem ở điểm tiêm chủng dịch vụ.
Ông Trần Đắc Phu cũng chia sẻ, hiện nhiều người dân nhầm lẫn cho rằng vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin nội. Vắc xin dịch vụ là vắc xin ngoại, điều này chưa chính xác. Vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng cũng có nhiều loại vắc xin ngoại, ngược lại, vắc xin dịch vụ cũng sử dụng vắc xin do trong nước sản xuất.
Ông Phu khuyến cáo, các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tất cả các loại vắc xin đều phải qua kiểm định, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới được đưa vào sử dụng. Hiện nay, vắc xin Việt Nam đã được thế giới công nhận và đánh giá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (Sức khỏe & Đời sống trang 2).
Biểu dương các y, bác sĩ đã cứu sống cháu bé 11 ngày tuổi bị đâm thấu sọ
Ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thư chúc mừng tập thể Khoa hồi sức sơ sinh –Bệnh viện Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh. Trong thư, Bộ trưởng nhấn mạnh: Tôi rất vui mừng được biết, vừa qua, tại Bệnh viện, tập thể y, bác sĩ Khoa hồi sức sơ sinh –Bệnh viện Nhi đồng I đã kịp thời cứu chữa cho bé trai 11 ngày tuổi, con chị Võ Thị Hồng duyên, 32 tuổi, ngụ tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bị kẻ lạ mặt đâm dao vào hốc mắt trái xuyên sọ não.
Thay mặt Bộ Y tế, tôi gửi lời khen ngợi và biểu dương tập thể y, bác sĩ Khoa hồi sức sơ sinh –Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là ekip tham gia phẫu thuật cứu sống em bé.
Những nỗ lực kịp thời với tinh thần trách nhiệm hết lòng vì người bệnh của các đồng chí thật đáng trân trọng và khen ngợi.
Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục tập trung các y, bác sĩ giỏi, phương tiện, thuốc men để cứu sống cháu thoát khỏi tử thần vì cháu còn quá nhỏ, thương tổn còn nặng, tiên lượng còn dè dặt (Công an nhân dân trang 2, Gia đình & Xã hội trang 3).