Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Phong tỏa khu vực có dịch Covid-19; Sẽ mở rộng quy mô xét nghiệm đến tuyến tỉnh; Thời gian ủ bệnh Covid-19 trong 24 ngày mới chỉ là nghiên cứu đơn lẻ; Hà Nội: Tiêu độc, khử trùng lần thứ ba các trường học, chuẩn bị tốt nhất cho học sinh đi học trở lại; Hà Nội chỉ còn 2 trường hợp nghi mắc corona, ca mới nhất ở quận Hà Đông; Bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ hai tại TPHCM đã xuất viện

Phong tỏa khu vực có dịch Covid-19

Ngày 12.2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành công văn hỏa tốc về quyết định triển khai khẩn cấp các nhiệm vụ chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (dịch bệnh Covid-19). Theo đó, thực hiện ngay việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; thành lập bệnh viện (BV) dã chiến, khu cách ly tập trung; khoanh vùng phong tỏa cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Y tế chủ trì đề xuất các biện pháp chống dịch, thành lập khu cách ly tập trung, BV dã chiến; Công an tỉnh tham mưu thành lập các chốt, trạm kiểm dịch, cô lập vùng dịch tại các đầu mối giao thông để kiểm soát người ra, vào. Các ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải thường xuyên nắm tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp chống dịch, nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan.

Vĩnh Phúc cho học sinh nghỉ đến hết 23.2

Sáng 12.2, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phòng chống dịch Covid-19, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy đã đồng ý với đề xuất cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 23.2, đồng thời đồng ý chủ trương ưu đãi cho một số doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phòng dịch.

Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly và mức hỗ trợ cho người trực chốt phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, người phải cách ly tập trung hoặc cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế được hỗ trợ tiền ăn là 60.000 đồng/ngày; người cách ly tại cộng đồng được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ cho cán bộ y tế và những người tham gia phòng chống dịch bệnh tại các chốt là

200.000 đồng/ngày làm việc bình thường; 400.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ. Thời gian thực hiện nghị quyết là 20 ngày, kể từ ngày 13.2.

“Cắm chốt” tại Vĩnh Phúc 24/24 giờ

Theo Bộ Y tế, đến 18 giờ ngày 12.2, có 7/15 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh xuất viện. Hiện còn 97 trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch tiếp tục được cách ly y tế, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, 602 trường hợp sk bình thường, nhưng vẫn đang được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm; đã có 787 trường hợp xét nghiệm âm tính (Thanh niên, trang 4).

 

Sẽ mở rộng quy mô xét nghiệm đến tuyến tỉnh

Chiều 12.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trao tặng 6 cá nhân và 1 tập thể thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, vì có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của vi rút nCoV. Trước đó, ngày 7.2, NIHE công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công nCoV mới từ bệnh phẩm của bệnh nhân đầu tiên người VN.

Ông Tuyên cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập thành công nCoV. Thành công này tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết, mở rộng quy mô xét nghiệm đến tuyến tỉnh. Thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực của vi rút này trên người VN, đặc điểm lây nhiễm, giúp điều trị và chống dịch hiệu quả...

Ông Tuyên cũng cho biết hiện dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tại Khánh Hòa, TP.HCM, Thanh Hóa và nhiều địa phương. Cũng theo ông Tuyên, trong thời gian tới, nếu không có bệnh nhân mới, và việc kiểm soát thực hiện nghiêm, tốt, Việt Nam sẽ công bố hết dịch (Thanh niên, trang 4).

 

Thời gian ủ bệnh Covid-19 trong 24 ngày mới chỉ là nghiên cứu đơn lẻ

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Covid-19 là tên gọi của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona. Vi rút gây bệnh vẫn là 2019-nCoV. Trước thông tin thời gian ủ bệnh của vi rút nCoV có thể lên tới 24 ngày theo công bố của nhóm nhà khoa học TQ, theo Bộ Y tế, đây mới chỉ là nghiên cứu đơn lẻ. Tại thời điểm hiện nay, việc cách ly giám sát ca bệnh vẫn theo khuyến cáo của WHO là 14 ngày. PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết thêm, thời gian ủ bệnh tối đa 14 ngày với nCoV được đưa ra là dựa theo những nghiên cứu cùng với những khuyến cáo của WHO. Tại Trung Quốc cũng có một số công trình nghiên cứu cho rằng thời gian ủ bệnh của nCoV có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, cho đến nay những thông tin đó vẫn chỉ là nghiên cứu mang tính đơn lẻ. Hiện nay, Việt Nam vẫn tuân thủ theo những khuyến cáo của WHO là nguồn thông tin chính thống (Thanh niên, trang 4).   

 

Hà Nội: Tiêu độc, khử trùng lần thứ ba các trường học, chuẩn bị tốt nhất cho học sinh đi học trở lại

Chiều 12-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona  (Covid-19) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận huyện về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tại Hà Nội đến thời điểm 15h ngày 12-2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Đến nay, đã có 54/56 trường hợp giám sát đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19; 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ; 1.568 trường hợp được cách ly y tế và theo dõi giám sát sức khỏe do có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch về; 739 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe.

Sở Y tế sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh. Thời điểm này phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã có đủ khả năng sẵn sàng triển khai xét nghiệm tác nhân gây bệnh khi được Bộ Y tế cho phép và cấp nguyên liệu mồi để xét nghiệm.

Thông tin thêm về tình hình phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị ngành y tế cùng các sở, ngành, các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương và TP. 

Đối với những sinh viên từ vùng dịch Bình Xuyên, Vĩnh Phúc quay lại trường học ở Hà Nội, thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan  theo dõi chặt chẽ và chờ sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.

Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ được đưa đến cơ sở y tế khám, xét nghiệm. Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Y tế căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đó có thông báo chi tiết tới các cơ sở trường học về cách thức phòng, chống dịch Covid-2019 khi học sinh quay lại trường học.

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đánh giá cao công tác triển khai thực hiện phòng chống Covid-19 của các đơn vị, địa phương, đặc biệt là Sở Y tế đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch như tập trung rà soát, phát hiện số người nhập cảnh đến từ vùng có dịch. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng nhắc lại vấn đề trong các phiên họp trước, TP đã yêu cầu việc rà soát công dân, sinh viên đến từ tỉnh Vĩnh Phúc,các đơn vị cũng đã nghiêm túc triển khai, không chủ quan.

TP cũng đã chuẩn bị điều kiện cần thiết, đảm bảo 1.600 giường tại các Trạm y tế phường, xã và hơn 3.000 giường tại các quận, huyện để sử dụng khi cần cách ly trong trường hợp xấu; lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến; nâng cao tuyên truyền đến người dân chủ động phòng chống dịch. Mặc dù đến nay trên địa bàn TP chưa có dịch Covid-19 nhưng cũng cần chuẩn bị tinh thần và phương án cho trường hợp xấu nhất xảy ra (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Hà Nội chỉ còn 2 trường hợp nghi mắc corona, ca mới nhất ở quận Hà Đông

Theo cập nhật từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế vào lúc 9h sáng nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại Trung Quốc vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp với số mắc và số tử vong tiếp tục tăng nhanh.

Đến thời điểm này, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 44.793 người mắc nCoV, 1.112 người tử vong (trong đó tại lục địa Trung Quốc là 1.110 người tử vong). Như vậy, chỉ sau một ngày, số ca tử vong do nCoV đã tăng lên 94 trường hợp (vào 9h sáng 11-2 có 1.018 ca tử vong).

Tại Việt Nam, hiện có 15 ca nhiễm nCoV được ghi nhận (Vĩnh Phúc 10 ca, TP HCM 3 ca, Khánh Hòa 1 ca, Thanh Hóa 1 ca), trong đó 6 người đã điều trị khỏi và xuất viện. Qua lấy mẫu xét nghiệm 788 người đã có kết quả âm tính với virus corona, hiện còn 97 người nghi mắc vẫn đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Hà Nội hiện chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm nCoV. Trong số 55 trường hợp nghi mắc nCoV được lấy mẫu xét nghiệm, 53 trường hợp đã có kết quả âm tính với virus corona. Như vậy, hiện toàn thành phố Hà Nội chỉ còn 2 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi. Trường hợp nghi nhiễm corona mới nhất trên địa bàn được ghi nhận tại quận Hà Đông (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ hai tại TPHCM đã xuất viện

Chiều tối ngày 12-2, bệnh nhân Li Ding - một trong hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm Covid-19 - đã được cho xuất viện trong tình trạng sức khoẻ hoàn toàn bình phục sau tròn 3 tuần điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đại diện Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cùng Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại bệnh viện để chúc mừng.

Bước ra khỏi khu cách ly, ông Li Ding cúi người cảm ơn các bác sĩ bệnh viện đã không quản ngày đêm, lễ tết dốc lòng chữa bệnh cho ông và con trai.

Gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam và đặc biệt là cảm ơn tất cả các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Li Ding cho biết: "Tôi thật hạnh phúc và may mắn khi được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Tôi nhập viện vào đêm 21-1 trong tình trạng sốt, suy hô hấp nặng, không thể tự đi lại cũng như làm các sinh hoạt cá nhân, sau 21 ngày điều trị tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh. Hôm nay gia đình tôi được đoàn viên, tôi rất vui mừng. Tối nay chúng tôi sẽ vẫn lưu trú ở lại bệnh viện một đêm, sau đó sẽ tìm một chuyến bay thích hợp để trở về Trung Quốc".  

Trước đó, người con của ông, bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi) cùng nhiễm virus Covid-19 và đã được điều trị khỏi từ ngày 4-2. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh nhân Li Ding có thể coi là ca nhiễm Covid-19 nặng nhất vì bệnh nhân lớn tuổi, có rất nhiều bệnh nền như: đái tháo đường tuýp 2, cao huyết áp, đã cắt một phần phổi do có khối u và đặt 2 stent. Bệnh nhân nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao trong khi chưa hề có thuốc đặc trị. Nhờ sự chẩn đoán nhanh, cách ly triệt để, kịp thời, tìm phác đồ điều trị hợp lý không chỉ cho bệnh lý Covid-19 mà còn phải điều trị trên nền các bệnh sẵn có.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được cách ly tại phòng thông thoáng, có ánh sáng mặt trời để kiểm soát nồng độ virus. Cùng với các loại kháng sinh cho bệnh nền, bệnh nhân được súc miệng và rửa tay thường xuyên. Bệnh nhân đã dần hết sốt, không phải thở oxy, có thể ngồi dậy, đi lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, do mắc bệnh nặng nên thời gian điều trị của bệnh nhân Li Ding dài hơn khá nhiều so với người con - Li Zichao.

Sau nhiều lần phết họng và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho kết quả âm tính, bệnh nhân đã được xét xuất viện theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới.

Chúng tôi thật sự rất vui mừng vì đây là một ca nặng, bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã chữa khỏi, cũng là một thành công lớn của y tế Việt Nam trong quá trình phòng chống dịch Covid-19”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, TPHCM hiện tại đang khống chế rất tốt khi 2 trong số 3 ca mắc đã xuất viện. Trường hợp Việt kiều nhiễm bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hiện cũng đang tiến triển rất tốt.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã cách ly các ca nghi nhiễm rất triệt để và kịp thời, hạn chế tối đa dịch lây lan trong cộng đồng. Mặc dù Việt Nam đã có ca mắc thứ 15 là em bé 3 tháng tuổi tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nhưng đã có 7 ca xuất viện, 8 ca còn lại đều có diễn tiến hồi phục tốt. Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc cũng  đang khống chế được tình hình dịch trên địa bàn (Sài gòn giải phóng, trang 9).

 

Phòng chống Covid-19: Kiểm soát chặt chẽ, dập dịch tại chỗ

Ngày 12-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra tiếp tục có cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, nêu rõ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của ban chỉ đạo, các thành viên ban chỉ đạo; biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, các y bác sĩ, ý thức tham gia phòng chống dịch với trách nhiệm rất cao của mỗi người dân.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải quyết tâm ngăn chặn bằng được dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; cố gắng không để có trường hợp tử vong vì dịch bệnh.

Cũng tại cuộc họp, ban chỉ đạo đã thống nhất Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm bệnh của nước ta thấp, việc điều trị cũng rất khả quan. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ngăn ngừa dịch bệnh với ý thức rất cao của mỗi người dân, Việt Nam đã làm tốt công tác sàng lọc, ngăn ngừa, cách ly người nghi nhiễm, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực nguy cơ lây nhiễm cao và hạn chế tập trung ở những nơi đông người.

Đáng chú ý, đối với tỉnh Vĩnh Phúc đang được xem là tâm điểm của Covid-19 ở nước ta khi có số người mắc nhiều nhất, các thành viên trong Ban Chỉ đạo đề nghị cần lập sở chỉ huy tiền phương, tiếp tục tăng cường bác sĩ từ trung ương, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế về giúp địa phương khoanh vùng, dập dịch tại chỗ. Đặc biệt đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quyết liệt, làm tốt công tác sàng lọc, cách ly y tế ngăn chặn dịch bệnh lây lan; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người thuộc diện nghi ngờ phối hợp với cơ quan chức năng, thực hiện thật tốt công tác cách ly vì đối với mỗi người…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, việc điều trị tại chỗ là quan điểm ứng phó, điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của ngành y tế. Theo đó, bệnh xảy ra tại địa phương nào, khu vực nào sẽ tiến hành cách ly, thu dung điều trị tại đó, trừ các trường hợp bệnh nhân vượt khả năng điều trị của tuyến dưới mới chuyển lên tuyến trên, vì trong quá trình vận chuyển rất dễ có nguy cơ lây lan bệnh tật ra cộng đồng. Đối với một số trường hợp đã mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc, người bệnh đã được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên và phòng khám đa khoa khu vực theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế xây dựng và tập huấn cho các nhân viên y tế toàn quốc. Bộ Y tế cũng đã cử một đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai xuống hỗ trợ trực tiếp điều trị bệnh nhân ngay tại tuyến cơ sở về chuyên môn, kỹ thuật và nhân lực nhằm khoanh vùng chống dịch ngay tại cơ sở, phòng chống lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Nói về các trường hợp đang cách ly, theo dõi tại Vĩnh Phúc, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng đánh giá việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 như hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh. Tại huyện Bình Xuyên với sự chi viện của các đội cơ động phản ứng nhanh, các bác sĩ tuyến dưới cũng đang điều trị rất tốt cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên chưa cần thiết phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và các tuyến cao hơn. PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết, các bệnh nhân Covid-19 ở Vĩnh Phúc hiện nay đều không có triệu chứng rầm rộ của bệnh như ho, sốt cao, khó thở nên đều được quản lý, điều trị tại cơ sở y tế ở tuyến huyện.

Theo Bộ Y tế tới cuối giờ chiều 12-2, tại nước ta đã ghi nhận 15 người mắc Covid-19 với 7 người đã được điều trị khỏi bệnh. Cả nước đang tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ 97 trường hợp nghi nhiễm, không để lây nhiễm ra cộng đồng; cách ly theo dõi 602 người có sức khoẻ bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm bệnh (Sài gòn giải phóng, trang 9).

 

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang