Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Có tiếp tục cách ly xã hội sau 15.4?; Ứng phó đại dịch COVID-19: Thắng ở Bạch Mai, đừng vui quá; Thêm 2 ca mắc Covid-19 tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, Việt Nam có 260 ca; Điều động 15 đội phản ứng nhanh hỗ trợ Mê Linh dập dịch Covid-19; Các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh: Bảo vệ nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19.

 

Có tiếp tục cách ly xã hội sau 15.4?

Theo dự kiến, hôm nay 13.4 Bộ Y tế và các bộ ngành sẽ đưa ra ý kiến và có đề xuất tiếp theo về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có  cách ly xã hội sau ngày 15.4 hay không.

Tối 12.4, trao đổi với PV Thanh niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hôm nay 13.4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid 19 sẽ có cuộc họp đánh giá về kết quả việc thực hiện cách ly xã hội trong phòng chống dịch Covid-19, từ 1.4 vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng CP tại Chỉ thị 16 về "Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19". Tại cuộc họp này, các chuyên gia của Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cũng sẽ đưa ra ý kiến và có đề xuất tiếp theo về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm có cách ly xã hội sau ngày 15.4. Theo đó, sẽ có phương án cụ thể để nếu tiếp tục thực hiện cách ly xã hội sau 15.4 thì sẽ áp dụng toàn bộ các nội dung đã thực hiện trong các ngày qua, hay sẽ chỉ triển khai một số nội dung đã thực hiện. Cách ly xã hội đã giúp ngăn chặn dịch lây lan rộng

Phân tích về giãn cách xã hội trong việc ngăn chặn dịch bùng phát, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho hay 15 ngày chưa phải là nhiều, có những nước còn thực hiện cả tháng, thậm chí gần như phong tỏa. Tuy nhiên, tùy tình hình dịch bệnh, mỗi quốc gia sẽ áp dụng phù hợp. “Với việc thực hiện Chỉ thị 16 là rất quyết liệt trong chống dịch, đã thực hiện sớm, hợp lý và rất phù hợp. Nếu làm muộn, có thể khi đó dịch đã lan rộng, thậm chí bùng lên không dập được như ở một số nước. Chúng ta đã áp dụng giãn cách xã hội đúng thời điểm, không bỏ lỡ giai đoạn vàng”, ông Phu nói.

Ông Phu cho rằng, với việc số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã được phát hiện, nhưng không nhiều (hơn 60% ca bệnh vẫn là từ nước ngoài về), cho thấy dịch tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn được kiểm soát. Tuy vậy, đây là giai đoạn người dân không được chủ quan. “Chỉ số lây nhiễm đầu vụ dịch được WHO cho biết là 2 (1 người lây cho 2 người). Nhưng hiện tại, chỉ số này đã lên 4, rõ ràng là đã có tăng lên”, ông Phu phân tích.

PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, đánh giá: “Chúng ta đang đối mặt với một vi rút mới, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ ở thời hiện đại và mức độ ảnh hưởng toàn cầu. Với dịch này, khi thiếu các liệu pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin, thì các kỹ thuật xét nghiệm hiện có sẽ là một phương tiện đặc biệt quan trọng giúp việc xác định ca bệnh, chẩn đoán, điều trị, dự phòng sự lây lan của vi rút”. Ngoài ra, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các biện pháp quyết liệt như “giãn cách xã hội” là các yếu tố quyết định góp phần chiến thắng đại dịch này.

Cần tính đến đa mục tiêu

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, học giả nghiên cứu Đại học Indiana (Mỹ), nhìn nhận thực tế cho thấy chính sách cách ly toàn xã hội hiệu quả trong kéo giảm số ca nhiễm. Theo thống kê của Chính phủ, trong tuần đầu tiên cách ly xã hội (từ 1 - 7.4), số ca nhiễm chỉ bằng 42% tuần trước đó; 45/63 tỉnh, thành không có người nhiễm.

Tuy nhiên, TS Du cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề KT khi Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả khảo sát nhanh cho thấy 3 tháng đầu năm có gần 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, 43% phải giảm quy mô lao động do thiếu việc làm...

“Mọi chuyện luôn có sự đánh đổi. Nếu chỉ giảm tối đa ca nhiễm Covid-19 thì đóng cửa, dừng tất cả mọi thứ là hợp lý. Nhưng nếu nhìn rộng ra với đa mục tiêu hơn, cân nhắc được - mất của mỗi lựa chọn, thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Rất nhiều người dân phải kiếm sống mỗi ngày ở những lĩnh vực không phục vụ các nhu cầu thiết yếu (như bán vé số, đánh giày, nhặt rác, thậm chí cả bán hoa tươi…). Thêm vào đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam không thể đóng cửa mãi với TG. Khi một số nước đối tác lớn qua đỉnh dịch - nhưng khả năng lây nhiễm vẫn còn, rục rịch mở cửa giao thương, thì phương án của Việt Nam là gì? Theo tôi hiểu, mục tiêu của Việt Nam đang là duy trì số ca ít nhất có thể, kéo giãn đỉnh dịch để số ca nhiễm cùng một thời điểm luôn nằm trong sức chịu đựng của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt ra câu hỏi ngoài sức chịu đựng của ngành y tế, khả năng chống chịu tối đa của xã hội trước việc cách ly này là bao lâu”, TS Huỳnh Thế Du phân tích.

TS Du cũng cho rằng, không có mô hình cụ thể để tính toán sức chịu đựng cho toàn xã hội. Từng ngành, từng địa phương phải ước tính được những rủi ro và giới hạn chịu đựng của mình. Tuy nhiên, điều này không thể làm dựa vào cảm tính là “nguy cơ cao” hay “nguy cơ thấp”, mà phải bằng những tính toán cụ thể - điều mà Việt Nam đang rất thiếu.

“Sở dĩ Việt Nam đạt được kết quả chống dịch như hiện nay là toàn bộ máy hướng tới một mục tiêu duy nhất là chống dịch với hệ thống điều hành thống nhất thông qua các mệnh lệnh hành chính. Đây là điểm mạnh của Việt Nam. Thêm vào đó, nguồn lực được đưa vào chống dịch là các nguồn có sẵn như các khu cách ly, lực lượng tham gia hỗ trợ. Vấn đề đặt ra bây giờ là phải hướng tới đa mục tiêu - ngoài việc chống dịch, trong giai đoạn “bình thường mới” sắp đến. Làm sao để có những hoạt động trong xã hội vẫn được duy trì, đảm bảo nguồn lực hiệu quả nhất nhưng giảm thiểu tối đa rủi ro”, TS Du nhấn mạnh và lưu ý rằng, thực tế trong mùa dịch, mọi người vẫn tìm cách giao lưu, tương tác và cố gắng xử lý các rủi ro, chứ không phải dừng tương tác (Thanh niên, trang 2).

 

Ứng phó đại dịch COVID-19: Thắng ở Bạch Mai, đừng vui quá

“Chỉ lãng quên một chút thôi, quá vui mừng với thành quả ban đầu thì có khi lại có những lỗ hổng nhỏ. Mà từ lỗ hổng nhỏ thành lỗ hổng lớn. Đấy là điều đáng sợ nhất. Bởi khi dịch giảm thì rất chậm nhưng mà nếu bùng lên thì rất nhanh”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cảnh báo.

Chiến thắng ở Bạch Mai

Đúng 0h ngày 12/4, lãnh đạo phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) trao quyết định hết thời gian cách ly (14 ngày) cho lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai. Hàng rào trước cổng Bệnh viện Bạch Mai được các chiến sĩ công an tháo gỡ; nhiều cán bộ, y bác sĩ trong bệnh viện ùa ra ôm chầm lấy nhau.

“Giờ phút này thật sự không phải thời khắc chuyển sang năm mới, mà là thời khắc chuyển giao sang "kỷ nguyên" mới của Bệnh viện Bạch Mai. Không chỉ cứu chữa bệnh nhân mới là chiến thắng dịch bệnh, mà giữ cho mình không bị nhiễm cũng là chiến thắng”, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, xúc động nói.

Vừa hết hạn cách ly, chị Nguyễn Thị Hằng, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai, chạy thẳng ra cửa bệnh viện ôm chầm con trai đang chờ đón. Trong vòng tay của mẹ, cháu Vũ Anh Quân (lớp 4) nói: “Hai tuần qua cháu nhớ mẹ lắm. Ngày nào mẹ cũng gọi điện thoại động viên cả nhà cứ yên tâm, mọi người trong bệnh viện đều đồng lòng, đoàn kết thực hiện cách ly. Mặc dù muộn, nhưng cháu vẫn muốn đợi để đón mẹ về nhà”.

Bác sĩ Hoàng Thị Phú Hằng, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai, tâm sự: “Chúng tôi vừa làm việc cũng vừa chờ đợi khoảnh khắc ngày hôm nay với tâm lý cống hiến hết mình với bệnh viện. Mọi người hãy đồng hành với Bệnh viện Bạch Mai để chiến thắng COVID-19”.

Tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người cũng đến đón người thân hết hạn cách ly. Anh Nguyễn Quốc Hưng (trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cầm theo áo khoác mỏng đến đón vợ công tác tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. “Giờ phút được đón vợ trở về nhà lúc này thật hạnh phúc. Tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các cơ quan chức năng”, anh nói.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, phương pháp phòng chống dịch của Hà Nội hiện nay không khác thời điểm ban đầu; quan trọng nhất là phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm, sau đó khoanh vùng để điều tra,  xác minh những người thuộc diện F1, F2. Những người khác dù không phải F1, F2 cũng phải dự phòng, thông báo cho cơ quan y tế về nguy cơ của mình. “Quan trọng là duy trì thường xuyên, liên tục và triệt để.

Đấy mới là vấn đề… Dù Việt Nam khống chế rất tốt nhưng không thể chủ quan được”, ông Tuấn nói. Trường hợp bệnh nhân người Thụy Điển (237) và bệnh nhân ở Mê Linh (243) rất khó xác định được F0. Khi không xác định được F0 thời gian càng dài thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng càng cao, vì người dân không biết, và chính người bệnh cũng không biết mình mắc bệnh, vẫn tiếp tục di chuyển, giao tiếp, tiếp xúc nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

“Quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân. Những người có yếu tố liên quan đến dịch bệnh, kể cả có hay không có triệu chứng vẫn cần phải khai báo y tế”, ông Tuấn nói. Đã có tình trạng chủ quan, tập trung nhiều người ngoài đường. “Có cố gắng đến mấy, nhưng chỉ một mắt xích bị đứt thì coi như hỏng toàn bộ”, ông cảnh báo.

Khám chữa bệnh bình thường từ đầu tháng 5

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận các bệnh nhân ngoại trú và tái khám, chỉ điều trị nội trú và cấp cứu những trường hợp nặng. Bệnh nhân mạn tính phải tuân thủ điều trị cần đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố để tiếp tục dùng thuốc, giữ sức khỏe ổn định. Đến đầu tháng 5, Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng đón tiếp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

“Dự kiến, bệnh viện sẽ trở lại khám chữa bệnh bình thường vào đầu tháng 5 sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế. Trong thời gian 2 tuần cuối tháng 4 này sẽ là thời điểm để bệnh viện rà soát, nâng cấp và trang bị thêm các trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 như máy đo nhiệt độ, xịt khử khuẩn tay tự động…”, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn nói.

Công tác sàng lọc nhiều cấp độ, nhiều tầng lớp đã được lên phương án để loại trừ tối đa nguy cơ lại có trường hợp dương tính trong bệnh viện. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện cho rằng, đây là một việc khó, cần sự triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu, các tuyến.

TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trong suốt quá trình 14 ngày cách ly, song song với việc tiếp tục điều trị các bệnh nhân nặng cũng đang cách ly tại bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 40 trường hợp rất nặng, vượt quá khả năng điều trị của các tuyến. Đã có những trường hợp hết sức nặng nhưng bệnh viện vẫn vượt qua tất cả khó khăn do lệnh phong tỏa để có thể cứu được người bệnh.

Về giải pháp đảm bảo an toàn sau khi bệnh viện hoạt động trở lại, ông Hùng nói: “Chúng tôi đã có những phương án để tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh như bình thường nhưng với điều kiện an toàn về mặt dịch tễ ở mức cao nhất. Chúng tôi phải lập kế hoạch phân luồng, phân tuyến, sàng lọc về mặt nhiệt độ, về mặt dịch tễ, về mặt xét nghiệm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.

Đứng về góc độ dịch tễ, tất cả những người đến với bệnh viện chúng tôi đều phải coi là F1, tức là tiếp xúc gần với những người dương tính”. Trên thực tế, có người lành mang bệnh, hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người thân bệnh nhân cũng như cán bộ, nhân viên y tế là mục tiêu giai đoạn tới của Bệnh viện Bạch Mai, ông cho biết.

Việc đảm bảo vệ sinh, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện cũng được tăng cường ở mức độ cao nhất, đặc biệt là tập huấn cho cán bộ y tế đẩy mạnh truyền thông đối với bệnh nhân và người nhà. “Chúng tôi tin rằng, với việc triển khai một cách đồng bộ thì khi Bệnh viện Bạch Mai tái khởi động, người bệnh và nhân viên y tế sẽ được làm việc trong một môi trường với hệ số an toàn cao nhất”, ông Hùng nói (Tiền phong, trang 4).

 

Thêm 2 ca mắc Covid-19 tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, Việt Nam có 260 ca

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 18h ngày 12-4, Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 mắc mới Covid-19 tại ổ dịch thôn Hạ Lôi. Như vậy, riêng thôn Hạ Lôi đã có 8 ca mắc Covid-19. Tính đến 18h ngày 12-4, Việt Nam hiện có số ca mắc Covid-19 là 260, trong đó có 159 người (chiếm 61,2%) mắc bệnh từ ổ dịch nước ngoài về Việt Nam; 101 người (chiếm 38,8%) trong nước lây thứ phát. Có 118/159 người từ nước ngoài về được đưa vào cách ly ngay, sau đó xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 259 là nữ, 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là vợ bệnh nhân 254, sinh sống trong khu vực ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Bệnh nhân làm nghề nông (trồng hoa) và kinh doanh tại nhà; thỉnh thoảng có đi giao hoa tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh và một số nơi khác khi có đơn hàng. Bệnh nhân cũng thường xuyên mua hàng tại nhà bệnh nhân 250 (ngày mua hàng lần cuối là ngày 25-3).

Từ ngày 3-4 đến 6-4, bệnh nhân có đi sang xóm, thôn khác gồm xóm Chùa, xóm Ao Sen, thôn Liễu Trì để giao hoa và mua đồ, có tiếp xúc nhiều người. Lần cuối bệnh nhân tiếp xúc với chồng là bệnh nhân 254 vào ngày 8-4, trước khi bệnh nhân 254 lên chạy thận ở Bệnh viện Thận Hà Nội. Sau khi chồng bệnh nhân (bệnh nhân 254) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (ngày 9-4), bệnh nhân thuộc đối tượng tiếp xúc gần (F1) nên được Trung tâm Y tế huyện Mê Linh lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và chuyển đi cách ly tại Thạch Thất ngày 10-4. Đến ngày 11-4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện.

Bệnh nhân 260 là nữ, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở xóm Đường, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân làm nghề nông (trồng hoa) tại xóm Đường, thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Bệnh nhân không đi đâu xa trong vòng 2 tuần gần đây. Hằng ngày, bệnh nhân thường đi chợ sau đó ra đồng chăm hoa rồi về nhà. Bệnh nhân có thói quen mua thịt tại nhà Bảy Huấn (tại Xóm Đường) cũng là nơi bệnh nhân 259 hay tới mua thịt. Ngày 6-4, bệnh nhân có tiếp xúc gần với 2 người F1 của bệnh nhân 243 khi đi giao hoa.

Ngày 10-4, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với người dân đang sinh sống trong khu vực khoanh vùng ổ dịch thôn Hạ Lôi. Kết quả xét nghiệm ngày 11-4, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Hà Nội mới, trang 7).

 

Điều động 15 đội phản ứng nhanh hỗ trợ Mê Linh dập dịch Covid-19

Ngày 12-4, Sở Y tế Hà Nội đã điều động 15 đội phản ứng nhanh, gồm 14 đội của trung tâm y tế các quận, huyện và 1 đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đến hỗ trợ chuyên môn cho Trung tâm Y tế huyện Mê Linh để khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 14h ngày 12-4, tại ổ dịch thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) có 6 bệnh nhân dương tính với Covid-19, trong đó có 4 bệnh nhân tại xóm Bàng, 2 bệnh nhân tại xóm Hội.

Chính quyền địa phương đã khoanh vùng, thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi, gồm 11 xóm với 2.973 hộ dân, 11.077 người kể từ ngày 8-4 đến hết ngày 5-5 (28 ngày). Tại đây đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 6.895 người. Hiện đã có kết quả 1.675 mẫu, tất cả đều âm tính.

Liên quan đến bệnh nhân số 254 (ở thôn Hạ Lôi) đến điều trị tại Bệnh viện Thận Hà Nội, UBND quận Đống Đa ban hành quyết định thiết lập cách ly tại bệnh viện này. Các cán bộ y tế dự phòng đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 142 cán bộ y tế của bệnh viện, trong đó có 27 cán bộ y tế là đối tượng F1, và kết quả tất cả đều âm tính.

Ngoài ra, có 512/527 bệnh nhân ngoại trú chạy thận nhân tạo tại bệnh viện cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 17 bệnh nhân là đối tượng F1; và 14/14 bệnh nhân nội trú. Kết quả đến nay, 17 bệnh nhân là F1 đều âm tính (Hà Nội mới, trang 7).

 

Các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh: Bảo vệ nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19

Sau khi nhiều nhân viên y tế ở một số bệnh viện trong nước phải cách ly, thậm chí có người nhiễm Covid-19, các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh tăng cường siết chặt hơn nữa việc kiểm soát, kiểm tra sàng lọc người đến bệnh viện. Giải pháp quan trọng này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Sàng lọc từ bên ngoài

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cuối tuần qua tại một loạt bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như: Nhi đồng 1, Thống Nhất, Từ Dũ, Quận 2, Răng Hàm Mặt…, cho thấy tại đây đều áp dụng quy trình sàng lọc Covid-19 rất cẩn thận. Tại Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình), ngay từ cổng, mọi người ra vào đều được quét thân nhiệt tự động bằng camera hồng ngoại từ xa. Đây là đơn vị đầu tiên tại thành phố sử dụng máy quét nhiệt độ tự động kiểm tra thân nhiệt cho người đứng cách xa khoảng 5m.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, những trường hợp máy báo thân nhiệt trên 37,5 độ sẽ có nhân viên y tế hướng dẫn đến phòng cách ly tạm thời, điều tra dịch tễ một cách kỹ lưỡng hơn. Bệnh viện đặc biệt lưu ý việc bố trí khu phòng khám sàng lọc phải gần cổng hoặc khu tiền sảnh, ở vị trí thông thoáng và tách biệt với các khoa phòng. Việc này nhằm tránh để người có thể nhiễm Covid-19 tự do đi lại trong khu vực khám, chữa bệnh làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh cho cộng đồng và nhân viên y tế.

Còn Bệnh viện Quận 2 đã bố trí 3 điểm sàng lọc bệnh nhân, nhân viên y tế và dành lối đi riêng cho những người có triệu chứng sốt, ho để đến phòng khám riêng biệt. Việc sàng lọc từ đầu cũng được áp dụng cho các trường hợp cấp cứu, nhằm tránh các ca nghi ngờ trong cộng đồng, bảo đảm an toàn cho mọi người.

Với số lượng người đến và đi mỗi ngày gần 10.000 người, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) đã triển khai ki ốt “khai báo y tế” giúp tầm soát và sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. “Ki ốt này có thể thực hiện theo dõi các mối liên hệ chặt chẽ với người nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 nếu có thời gian đến bệnh viện. Vì vậy, việc truy tìm dấu vết để xác định ổ dịch rất thuận lợi và giúp việc dập dịch hiệu quả hơn. Người dân cũng không phải khai báo bằng giấy gây quá tải, an toàn cho mọi người”, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết.

Không để nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) cho hay, tất cả nhân viên y tế khám sàng lọc, điều trị, thực hiện các kỹ thuật liên quan đến người bệnh hoặc nghi nhiễm Covid-19 đều phải có đầy đủ phương tiện phòng hộ. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp trực cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như cấp cứu cho người nhiễm Covid-19. Ngoài ra, từ ngày 30-3, bệnh viện đã tạm ngưng hoạt động một số khoa khám bệnh nhằm hạn chế tụ tập đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong môi trường bệnh viện.

Tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông (quận 9), việc khám, chữa bệnh cho người dân vẫn diễn ra bình thường. “Để bảo đảm bệnh viện không bị thiếu hụt đội ngũ y tế trong lúc khẩn cấp và chăm lo tốt sức khỏe cho nhân viên y tế, bệnh viện bố trí 50% đội ngũ nhân sự đi làm, 50% ở nhà, làm việc luân phiên nhau”, bà Ngô Thị Xuân, Điều dưỡng trưởng (Khoa Cách ly đặc biệt - Bệnh viện Quân dân y Miền Đông) chia sẻ.

Còn tại Bệnh viện Quận 2, sau gần 10 ngày thi công, 3 cabin khử khuẩn tự động dành cho việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đã hoàn tất, đưa vào sử dụng. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết, người nghi nhiễm Covid-19 sẽ đứng trong cabin khi lấy mẫu xét nghiệm và được khử khuẩn tự động 2 lần. Còn nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm mặc đồ bảo hộ, đứng bên ngoài lấy mẫu qua bao tay, nhằm giảm thiểu tiếp xúc, tránh lây nhiễm.

Là nơi đang điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 và cách ly nhiều đối tượng tiếp xúc gần, nghi nhiễm cao (F1), các nhân viên y tế thuộc Bệnh viện dã chiến Củ Chi đối diện nguy cơ cao lây nhiễm nên phải tuân thủ nghiêm ngặt việc mang các thiết bị y tế phòng hộ. Mới đây, Bệnh viện dã chiến này đưa rô bốt khử khuẩn phòng cách ly vào hoạt động nhằm thay thế nhân viên y tế, tránh nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh. Rô bốt này có 2 chức năng chính là phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sàn nhà sau khi phun xong. Ngoài ra, rô bốt còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly.

GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Sở đã sớm có kế hoạch bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế tham gia điều trị các bệnh nhân dương tính với Covid-19. Việc đưa những rô bốt vào hoạt động làm thay nhân viên y tế trong phun thuốc khử khuẩn phòng cách ly, giảm nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh. Thời gian tới, Sở sẽ trang bị rô bốt khử khuẩn cho tất cả bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị người nhiễm Covid-19.

Tại các cuộc họp với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân luôn nhấn mạnh, thành phố ưu tiên trang bị cho các nhân viên y tế những thiết bị tốt nhất, ưu việt nhất, không để người nào bị lây nhiễm Covid-19 do thiếu các đồ bảo hộ. Các nhân viên y tế không bị lây nhiễm cũng chính là thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 (Hà Nội mới, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang