Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/7/2018

  • |
T5g.org.vn - Trao nhầm trẻ sơ sinh với lỗi cố ý có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Bệnh viện K “bác” thông tin hạt nano vàng có thể điều trị khỏi bệnh ung thư; 4 người trong một gia đình mắc cúm A/H1N1 do ăn trứng của gà chết

 

Trao nhầm trẻ sơ sinh với lỗi cố ý có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo các bác sĩ sản khoa, với quy trình chặt chẽ mà các bệnh viện sản khoa, khoa sản của các bệnh viện ngày nay áp dụng thì việc trao nhầm con cho sản phụ rất khó xảy ra. Tuy vậy, vẫn có thể có những trường hợp hy hữu đáng tiếc…

Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây anh Phùng Giang Sơn (ở Ba Vì, Hà Nội) đã có đơn thư về việc vợ chồng anh bị Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Ba Vì trao nhầm con sau khi sinh cho một gia đình khác cách đây 6 năm. Hiện các bên liên quan cùng hai gia đình bị trao nhầm con vẫn đang tìm hướng giải quyết để 2 trẻ có thể đoàn tụ với bố mẹ đẻ của mình.

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trao nhầm con xảy ra tại các bệnh viện và quy trình đảm bảo an toàn trẻ sơ sinh ở cơ sở y tế.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK huyện Ba Vì - nơi xảy ra vụ trao nhầm con kể trên – cho biết, trong một ca đẻ bình thường, một nữ hộ sinh sẽ chăm sóc mẹ, một người chăm sóc con. "Nhưng thời điểm đó có thể do cùng lúc 2-3 cháu chào đời, không cẩn thận nên dẫn đến sự nhầm lẫn đáng tiếc này" – ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, để đảm bảo không xảy ra sai sót khi thực hiện chuyên môn, Bệnh viện đã quán triệt các khoa phòng thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn; an toàn người bệnh.

Riêng với khoa sản, từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện thực hiện theo đúng quy trình. Sau sinh trẻ sẽ được đeo vòng đánh số, cùng số với số trên vòng tay của mẹ. Khi sản phụ sinh; bác sĩ thông báo với sản phụ là trẻ được đeo vòng tay số bao nhiêu, khi trao lại cho gia đình cũng sẽ thông báo lại con số này…

Tại các bệnh viện sản khoa như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, quy trình đảm bảo an toàn trẻ sơ sinh được thực hiện rất chặt chẽ và cụ thể, đặc biệt là quy trình trao con cho gia đình để tránh xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, nguyên Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong một quy trình trao con ở các bệnh viện sản, trước đây, các em bé sinh ra sau khi được chăm sóc sức khỏe sẽ được đánh dấu định danh bằng mực khó xoá với cách ghi tên mẹ, tên con trên đùi.

Gần đây, các bệnh viện sử dụng vòng định danh của mẹ - bé và thực hiện đeo vòng trước mặt người mẹ đó. Ngay sau khi định danh, nếu đẻ thường, trẻ sẽ được nằm cạnh mẹ còn nếu bé đẻ mổ hoặc cần chăm sóc sẽ được chuyển đến nơi chăm nom và nhân viên y tế có trách nhiệm chăm sóc bé theo vòng định danh và hồ sơ của trẻ.

Còn khi nhân viên y tế nhận trẻ từ mẹ, cần phải thông báo cho sản phụ biết lý do đón trẻ tách mẹ như: cho đi tắm, tiêm hoặc điều trị bệnh lý. Đồng thời, đối chiếu hồ sơ bệnh án tên mẹ, tên con, mã số con và số mẹ đeo khớp với bệnh án sơ sinh…

Theo bác sĩ Hà, với quy trình rất chặt chẽ như vậy nên việc trao nhầm con rất khó xảy ra. Việc xảy ra nhầm lẫn, nếu có, thì thường nằm ở các trường hợp như: Sau khi sản phụ đẻ, người chăm sóc phải chăm sóc 2 bé sơ sinh cùng thời gian và sơ ý hoặc quên việc định danh nên gây ra nhầm lẫn; em bé phải nằm tách mẹ, người nhà chưa biết mặt trẻ mà nhân viên y tế đã phải đưa xuống nơi chăm sóc nhưng vì sơ suất nào đó mà có thể nhầm lẫn…

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ năm 2016 đã ban hành quy định an toàn trẻ sơ sinh tại bệnh viện rất chặt chẽ, bao gồm 12 điểm quy định chung và các quy định riêng, cụ thể ở từng khâu. Trong đó, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải thực hiện đúng quy trình giao nhận trẻ giữa bà mẹ và nhân viên y tế.

Theo đó, để tránh việc trao nhầm trẻ, các nhân viên y tế phải chuẩn bị đầy đủ các cặp số đánh dấu sơ sinh cho mẹ và con, các số đánh dấu phải giống nhau. Những số này phải được công khai và đeo theo từng cặp ngay tại bàn đẻ, bàn đón mổ. Người làm hồ sơ bệnh án có trách nhiệm nhìn, kiểm tra lại giới tính, số mẹ, số con trước khi ghi vào hồ sơ bệnh án.

Việc trao trẻ cho mẹ được trao tại giường bệnh, và chỉ bàn giao con cho bà mẹ, không giao cho bất kỳ ai, trước khi giao phải đối chiếu số mẹ, số con trùng khớp, kiểm tra thêm giới tính của trẻ. Các trường hợp đặc biệt khác phải do cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, khi sản phụ chưa đủ sức khỏe để nhận biết trẻ thì không được bàn giao con cho sản phụ... Nếu thực hiện đúng, nghiêm túc các quy định này thì việc trao nhầm con rất khó xảy ra. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Bệnh viện K “bác” thông tin hạt nano vàng có thể điều trị khỏi bệnh ung thư

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, hạt nano vàng mới được thử nghiệm trong ống nghiệm và tiêm trên động vật, chưa có nghiên cứu trên người bệnh ung thư, đồng thời khuyến cáo sử dụng nano vàng để điều trị ung thư là không có cơ sở khoa học thuyết phục, mà có thể gây độc tính trên gan, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng...

Trước thông tin hiện nay trên mạng xã hội và một số “kênh” không chính thống có đưa tin về việc điều trị ung thư bằng hạt nano vàng và đã có người sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra chiều ngày 12/7, các chuyên gia của Bệnh viện K đã “bác” thông tin về hiệu quả của phương pháp điều trị này đối với bệnh ung thư bởi hiện nay, phương pháp này mới được thử nghiệm trên động vật, chưa được thử nghiệm trên người và cũng chưa được bất kỳ tổ chức nào như FDA, Hiệp hội ung thư thế giới hay Bộ Y tế Việt Nam công nhận...

Hạt nano vàng mới được thử nghiệm trong ống nghiệm và tiêm trên động vật, chưa có nghiên cứu trên người bệnh ung thư

Theo TS Đào Văn Tú- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, hạt nano vàng được tổng hợp đầu tiên từ thế kỉ 19 bởi nhà vật lí Faraday. Các hạt nano, theo tiêu chuẩn của American Society for Testing and Materials (ASTM), là những hạt có kích thước ở giới hạn nano (nanoscale dimensions) từ 1nm (nanomet) đến 100 nm được sản xuất từ vàng nguyên chất. Vàng nguyên chất lại có tính trơ, rất khó bị đào thải ra khỏi cơ thể nên người uống nano vàng với một khối lượng lớn trong thời gian ngắn rất dễ dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong.

“Uống hạt nano vàng vào thì có hấp thu vào hầu hết các cơ quan trong cơ thể và trong các mô gây ra những độc tính trên gan, thậm chí có thể gây chết người”- TS Tú nói.

Làm rõ thêm thông tin này, PGS.TS Lê Văn Quảng- Phó Giám đốc Bệnh viện K cho hay, việc nghiên cứu tác dụng trên tế bào ung thư bằng kháng thể đơn dòng gắn hạt nano vàng mới được thử nghiệm trong ống nghiệm và tiêm trên động vật, chưa có nghiên cứu trên người bệnh ung thư . Sau khi được tiêm, các hạt nano vàng sẽ thâm nhập và tích lũy vào các mô như lách, gan, thận, não, tinh hoàn….. Trong các nghiên cứu cũng ghi nhận độc tính của hạt nano vàng trên cơ thể động vật do đó chưa thể xác định được nano vàng là một liều điều trị hiệu quả.

“Để có thể đưa ra một phương pháp điều trị hay một loại thuốc mới cần có một quá trình nghiên cứu đúng tiêu chuẩn, đúng phương pháp, trải qua đầy đủ các bước, trong ống nghiệm, trên động vật, và trên người trước khi sử dụng. Nhưng phương pháp này trước khi được nghiên cứu trên người cần phải có các bằng chứng đầy đủ về tính hiệu quả, độc tính và liều dùng trên động vật, tất cả những bằng chứng này vẫn chưa được đưa ra một cách thuyết phục với hạt nano vàng tự do”- TS Quảng nói.

Hiện Bệnh viện K chưa tiếp nhận bệnh nhân nào có sử dụng nano vàng bị ngộ độc, không có đủ thông tin thống kê nhưng cũng chưa thấy bệnh nhân nào chia sẻ về việc đã sử dụng nano vàng bị ngộ độc vào điều trị tại Bệnh viện, tuy nhiên TS Phùng Thị Huyền - Trưởng Khoa Nội Quán Sứ, Bệnh viện K cho biết cũng đã có bệnh nhân đến hỏi chị về tác dụng của nano vàng trong điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên qua tìm hiểu thì ngay cả trên thế giới không có thông tin về hiệu quả điều trị của loại nano vàng đối với bệnh ung thư.

Sử dụng nano vàng gây độc tính trên gan, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng

Theo TS Đào Văn Tú, hạt nano vàng không tự phát huy hiệu quả điều trị mà cần tác động của một loại tia đặc biệt có bước sóng phù hợp làm nóng chúng, qua đó để tiêu diệt tế bào. “Trong quá trình điều trị, nano vàng phải được chiếu tia mới tạo ra phản xạ giúp hạt nóng lên, qua đó mới có tác dụng điều trị ung thư”- TS Tú làm rõ thêm.

Về nội dung này, TS Quảng cho biết thêm, hạt vàng nano tự động sẽ không hấp thụ đặc hiệu vào khối u mà hấp thụ và tích lũy vào các cơ quan trong cơ thể, không rõ cơ chế bài tiết hạt nano vàng do đó việc tích lũy các hạt này sẽ gây độc tính tích lũy dần dần có thể nguy hiểm đến sức khỏe.

“Hiệp hội thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ FDA và Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu EMA chưa cho phép thử nghiệm nano vàng trên người bệnh ung thư. Tại Việt Nam hạt nano vàng chưa kết hợp với kháng thể đặc hiệu nào hướng tới tế bào ung thư. Tại Việt Nam, hiện nay có thể khẳng định nano vàng không có tên trong danh mục thuốc điều trị ung thư, việc sử dụng hạt nano vàng tự do để điều trị ung thư là không có cơ sở khoa học thuyết phục, tích lũy hạt nano vàng ở các cơ quan quan trọng của cơ thể có thể gây ra các độc tích cấp tính và mạn tính gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh”- Phó giám đốc Bệnh viện K khẳng định.

Cảnh báo tình trạng người bệnh ung thư “bỏ cơ hội vàng điều trị vì tin vào phương pháp tin đồn”

Phó Giám đốc Lê Văn Quảng cũng cho hay, tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, gánh nặng ung thư ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phải dựa trên bằng chứng thực tế và dựa trên các nguồn lực sẵn có. Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm: phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ.

Tuy nhiên, theo TS Quảng hiện nay có tình trạng có nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư nhưng lại bỏ điều trị theo phương án chính thống mà đi điều trị các cách khác theo tin đồn để rồi bệnh thêm nặng, cơ hội điều trị ít đi.

Do đó, TS Quảng khuyến cáo, khi bệnh nhân bị ung thư nên đến khám tại các cơ sở điều trị ung thư đã được cấp phép và có uy tín, để bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị hợp lý, đã được công nhận.

“Tất cả các phương pháp điều trị mới chỉ được đưa vào sử dụng điều trị cho người bệnh nếu đã chứng minh được hiệu quả và tính an toàn và phương pháp đó. Hiện nay phương pháp điều trị ung thư bằng nano vàng chưa được cấp phép điều trị trên bất kỳ nước nào và cũng chưa được Hiệp hội ung thư thế giới chưa công nhận”- TS Quảng khẳng định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

4 người trong một gia đình mắc cúm A/H1N1 do ăn trứng của gà chết

Ngày 5/7, bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đối với mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân trong cùng một gia đình ở thôn 1, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đều dương tính với cúm A/H1N1.

Theo đó, 4 trường hợp mắc cúm A/H1N1 lần này là vợ chồng anh Nguyễn Tuấn H. sinh năm 1989 và chị Nguyễn Thị N. sinh năm 1988 cùng hai đứa con nhỏ của mình.

Vào ngày 23/6, hai đứa con của gia đình anh H có triệu chứng sốt, đau đầu nhưng dùng thuốc Tây vẫn không khỏi. Vài ngày sau vợ chồng anh H cũng xuất hiện các triệu trứng tương tự nên đã đến Khoa Nhiễm và Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk để điều trị. Tại đây các bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán theo dõi cúm gà.

Ngay sau khi ghi nhận các triệu trứng lâm sàng từ các bệnh nhân trên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đăk Lắk phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Krông Bông đã tiến hành điều tra yếu tố dịch tễ và phát hiện gia đình anh H nuôi 100 con gà, khoảng bốn tuần trước có xảy ra tình trạng gà nuôi bị chết. Đến nay đã có khoảng 70 con gà chết và được chôn qua loa ngay sau vườn nhà. Dẫu gà bệnh chết nhưng gia đình anh H vẫn ăn trứng gà bình thường. Một số gia đình khác ở địa phương cũng xảy ra tình trạng gà chết bất thường.

Xác định có thể các bệnh nhân đã nhiễm cúm A/H1N1 nên các nhân viên y tế vừa nỗ lực dập dịch vừa cách li bệnh nhân điều trị theo đúng quy trình, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân là bác sỹ, điều dưỡng, bệnh nhân cùng phòng, người nhà cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính với A/H1N1, gia đình anh H được chăm sóc, chữa trị chu đáo nên đến chiều ngày 5/7 sức khỏe đã ổn định. Ổ dịch cũng đã cơ bản được khống chế.

Trước đó ngày 3/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũng đã tiếp nhận bệnh nhân L.T.K.T sinh năm 1977, trú ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn cũng bị lây nhiễm cúm A/H1N1 trong quá trình về Bệnh viện Từ Dũ khám bệnh. Đến nay, bệnh nhân T cũng đã được điều trị ổn định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Giảm giá dịch vụ y tế, có giảm chất lượng?

Trước thời điểm điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế theo Thông tư 15/2018-BYT của Bộ Y tế (ngày 15-7) tại tất cả các bệnh viện (BV) cùng hạng, chiều 12-7, Báo SGGP đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người dân hưởng lợi”

Tại đây, đại diện Sở Y tế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TP cùng Bệnh viện Ung bướu TP đã giải đáp hơn 100 câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc xung quanh đợt điều chỉnh giá lần này. Trong đó, các vấn đề chất lượng dịch vụ, giá cả; nguồn thu nhập đội ngũ ngành y được nhiều độc giả đặc biệt quan tâm.

Người dân được hưởng nhiều hơn

Theo Thông tư 15, hầu hết các dịch vụ trong đợt điều chỉnh giá lần này được giảm giá, tập trung chủ yếu những dịch vụ thông thường có tần suất sử dụng nhiều như khám bệnh, chụp CT, siêu âm, nội soi, giá giường nằm... Tuy nhiên, bạn đọc Lam Giang (huyện Bình Chánh, TPHCM) thắc mắc: Dù giá giảm nhưng số lượt khám/bàn khám/ngày lại tăng từ 50 lên 65 lượt. Như vậy, bác sĩ (BS) có đủ thời gian để khám kỹ cho bệnh nhân? Bạn đọc Nguyễn Oanh (31 tuổi) cũng đặt câu hỏi khi áp dụng Thông tư 15, việc quy định thời gian khám của BS như thế nào để người bệnh không bị thiệt thòi? Trả lời vấn đề này, BS CK2 Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng khi khám chữa bệnh, mọi BS đều cố gắng thực hiện với chất lượng tốt nhất. Số lượng khám trong một ngày làm việc của BS tùy thuộc vào kinh nghiệm, tay nghề và sự phức tạp của bệnh lý. Đối với BS có kinh nghiệm, khi khám những bệnh lý đơn giản như bướu tuyến giáp, bướu tuyến vú thì lượt khám có thể từ 80 -  100 lượt/ngày. Tuy nhiên, khi gặp bệnh phức tạp thì có thể chỉ khám từ 20 - 30 lượt/ngày. Do vậy, nói rằng BS sẽ khám qua loa khi giảm giá dịch vụ là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, theo BS Diệp Bảo Tuấn, việc quy định định mức khám chữa bệnh theo Thông tư 15 sẽ giúp các y, BS có nhiều thời gian hơn khi khám cho một bệnh nhân cụ thể. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến thời gian chờ khám của người bệnh tăng lên. Trong tình huống này, BV Ung bướu chủ động tăng số bàn khám từ 30 lên 34 và tổ chức khám bệnh từ 5 giờ sáng để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân.

Trong khi đó, bạn đọc Yến Nhi (quận 3, TPHCM) dẫn quy định tại Thông tư 15 rằng đối với các cơ sở y tế nếu như 1 ngày vượt quá 65 lần khám/bàn khám thì từ lần khám 66 sẽ chỉ được BHYT chi 50%. Vậy nếu những người dân khám ở những lượt 66 trở đi có bị mất quyền lợi? Trả lời vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết trong Thông tư 15 có quy định định mức 65 lần khám/bàn khám để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, tránh qua loa, đại khái. Tuy nhiên, nếu các cơ sở khám chữa bệnh vượt quá định mức trên, phải tổ chức thêm bàn khám để đảm bảo khám chữa bệnh theo yêu cầu của người dân.

Đảm bảo quyền lợi  cho y, bác sĩ

Trước sức ép về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và nguồn thu của BS, bạn đọc Hồ Hưng (huyện Bình Chánh) hỏi trước đây, ngành y tế vẫn than thở thu nhập của BS thấp, lương không đủ sống, nay lại giảm giá dịch vụ y tế có phải là nghịch lý hay không? Trả lời vấn đề này, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế TPHCM), cho rằng khi nguồn thu của BV bị giảm, để giữ thu nhập cho đội ngũ thì BV phải tăng cường quản lý và sử dụng chi phí khám chữa bệnh hợp lý. Bên cạnh đó, các BV cần mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao (giúp giảm số lượng bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh, nâng cao năng lực các BV chuyên khoa đầu ngành) hoặc các dịch vụ theo nhu cầu của người bệnh để thu hút thêm bệnh nhân, tăng nguồn thu cho BV. 

Giảm giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng quyền lợi, đặc biệt là thu nhập cho đội ngũ cán bộ y tế, dẫn đến việc các BS giỏi bỏ đi nơi khác lương cao hơn? Theo BS Diệp Bảo Tuấn, giảm giá dịch vụ y tế tất yếu ảnh hưởng đến nguồn thu của BV. Tuy nhiên, với BV Ung bướu, đã có phương án điều tiết các khoản thu - chi khác để bảo đảm không ảnh hưởng đến thu nhập của BS và nhân viên BV. Ngoài ra, lãnh đạo BV rất lưu tâm phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các BS có môi trường làm việc tốt, được tham gia học tập trong nước và ngoài nước. Vì vậy, trong những năm qua, chỉ có vài BS bỏ việc tại đây vì nhiều lý do.

Theo các chuyên gia, Thông tư 15 là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật, tăng số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, hạn chế chỉ định kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết… (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Đà Nẵng: Nhiều sai phạm tại phòng khám có bác sĩ Trung Quốc

Chiều 11/7, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP. Đà Nẵng do bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra quá trình hành nghề y tại Phòng khám đa khoa Hữu Thọ (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ).

Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác nhân sự, hồ sơ bệnh án, dịch vụ kỹ thuật, bảng giá…Đoàn phát hiện cơ sở này có nhiều vi phạm.

Cụ thể, về nhân sự, Phòng khám đa khoa Hữu Thọ có 4 bác sĩ người Trung Quốc đang hành nghề nhưng tại thời điểm kiểm tra, có 2 bác sĩ không báo cáo đăng ký hành nghề về Sở Y tế, 2 bác sĩ còn lại người Trung Quốc nhưng lại đeo bảng tên bằng tiếng Việt. Việc thực hiện các quy định chuyên môn, Sở Y tế cho biết, đơn vị này không có các quy trình chuyên môn kỹ thuật và phác đồ điều trị bệnh; cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn và các danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo giấy phép hoạt động. (Tiền phong, trang 2).

 

Thu hồi thuốc Trung Quốc gây ung thư khắp cả nước

Ngày 11-7, thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết cục trưởng đơn vị này vừa gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị ngừng sử dụng valsartan từ Trung Quốc để sản xuất thuốc và tìm kiếm nguồn cung cấp khác nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn cho người sử dụng.

Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical (Trung Quốc) sản xuất. Đây là thành phần nguyên liệu chính trong nhiều loại thuốc điều trị bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim.

Valsartan được phát hiện chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine có thể gây ung thư. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), Canada và một số nước khác đã thu hồi các thuốc có thành phần valsartan này.

Tại Việt Nam, valsartan được nhiều công ty nhập từ Trung Quốc để sản xuất thuốc và ghi tên thương hiệu khác nhau. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ghi nhận có 23 loại thuốc trên thị trường trong nước chứa thành phần valsartan nguy cơ ung thư. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành 23 loại thuốc này.

Cục yêu cầu các công ty đăng ký thuốc, sản xuất thuốc, công ty nhập khẩu cần phối hợp với các nhà phân phối thuốc thông báo thu hồi tất cả lô thuốc thành phẩm trong công thức sản xuất có chứa nguyên liệu valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical (Trung Quốc) sản xuất theo danh mục kèm theo tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc.

Đồng thời, Cục yêu cầu ngừng ngay việc sử dụng nguyên liệu này để sản xuất thuốc thành phẩm; thực hiện đánh giá nhà cung cấp, kiểm tra, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu valsartan của nhà sản xuất mới nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn cho người sử dụng và thực hiện thủ tục thay đổi hồ sơ đăng ký thuốc theo đúng quy định của pháp luật.

Các công ty gửi báo cáo thu hồi (về số lượng xuất xưởng, số lượng thu hồi và các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định của Bộ Y tế) Cục Quản lý dược trong vòng một tháng (đến 10-8-2018).

Sở Y tế các tỉnh, TP thông báo việc thu hồi tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; công bố thông tin việc thu hồi tất cả thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical (Trung Quốc) sản xuất trên trang thông tin điện tử của Sở.

Đồng thời, Sở Y tế kiểm tra và giám sát các công ty kinh doanh trên địa bàn thực hiện việc thu hồi các lô thuốc nêu trên, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định. (Pháp luật Tp.HCM ngày 12/5, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang