Hà Nội thêm 7 ổ dịch sốt xuất huyết mới, có gia đình 2-3 người cùng nhập viện
Trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) với 7 ổ dịch mới. Đáng chú ý, có nhiều ca biến chứng nặng, có gia đình 2-3 người cùng phải nhập viện…Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho 8 bệnh nhân bị SXH biến chứng nặng.
Đặc biệt, có hai trường hợp bệnh nhân N.L và N.H. (ở Ba Đình, Hà Nội) là hai chị em ruột bị SXH biến chứng đi tiểu ra máu, tiểu cầu giảm sâu, người chị còn bị chảy máu chân răng... Theo lời kể từ phía gia đình, cả ba mẹ con trong gia đình bệnh nhân này bị SXH, người mẹ nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 170 ca mắc SXH tại 23 quận, huyện, tăng vọt tới 132 trường hợp so với tuần trước đó, không có ca tử vong.
Thành phố cũng ghi nhận 7 ổ dịch mới trong tuần tại: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).
CDC Hà Nội dự báo, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Dự báo thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Để phòng dịch, CDC Hà Nội kêu gọi người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, rác thải, loại trừ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả cá vào các bể chứa nước, diệt bọ gậy hàng tuần trong nhà và khu vực xung quanh nhà… (An ninh Thủ đô, trang 7).
Gỡ khó để “tạo nguồn” cho ghép tạng
Tại Việt Nam đã có nhiều cơ sở y tế thực hiện được kỹ thuật ghép tạng, kể cả những kỹ thuật rất khó như ghép tim, gan, phổi... Tuy vậy, trong khi nhu cầu thì lớn mà nguồn tạng để ghép vẫn rất hạn chế, hiện tại hơn 90% số tạng để ghép hiện nay là từ người cho sống.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca ghép tạng tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, từ 283 ca (năm 2014) lên 1.004 ca (năm 2022); đến nay, cả nước đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng. Đáng chú ý, nếu trước đây chỉ là các bệnh viện lớn như: Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Trung ương Huế, Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ Any cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo.
Tại Việt Nam, nếu như năm 2014 mới chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng, đến cuối tháng 6/2023, số người đăng ký đã tăng lên hơn 73 nghìn người. Đạt được con số ấn tượng này có phần đóng góp rất lớn của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và vai trò của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.
Sau tám năm thành lập, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã thu hút được sức mạnh hệ thống từ các cơ quan, tổ chức xã hội cùng đồng hành như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức tôn giáo... và các cơ quan truyền thông, báo chí đã làm lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi tiến tới đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.
Nhưng số lượng người đăng ký cũng như đã hiến là rất ít so với đất nước có quy mô 100 triệu người (nhiều nước có tới 20% đến 30% số dân đăng ký hiến tạng) và nhu cầu cần ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn.
Hiện nay, cả nước có hàng chục nghìn người ngày đêm vật lộn với sự sống để chờ đợi được ghép mô, tạng nhưng nguồn tạng hiến tặng còn rất hạn chế, chủ yếu từ nguồn hiến sống. Số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90% (chủ yếu hiến thận và gan)..., ngược lại hoàn toàn so với các nước phát triển, khi tỷ lệ các ca ghép tạng chủ yếu là từ người chết não hiến.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, việc vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam gặp nhiều thách thức, khó khăn. Cần có những giải pháp cụ thể để có thể “phá băng” được quan niệm “chết toàn thây”, vốn là lực cản của việc hiến tặng mô, tạng từ người chết não.
Bên cạnh đó, những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về hiến tặng mô, tạng cần sớm được sửa đổi, bổ sung... Như Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành đã 16 năm, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Chia sẻ về những nguyên nhân thiếu nguồn tạng để ghép, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, hiện nay Việt Nam chưa thiết lập mạng lưới tư vấn viên trong vận động hiến tạng sau khi chết hoặc chết não; những người tư vấn hiện nay chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ, thống nhất về chuyên môn cũng như những kỹ năng mềm và tư vấn về tâm lý.
Ngoài ra, chính các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu hiện chưa có cơ chế phối hợp với nhóm tư vấn viên; chưa có quy trình sàng lọc, phát hiện bệnh nhân chết não tiềm năng chuẩn; chưa hình thành văn hóa hiến tạng tại bệnh viện. Các tư vấn viên hiện nay khó tiếp cận hồ sơ bệnh án người chết não tiềm năng, khó khăn trong việc tham vấn ý kiến bác sĩ, điều dưỡng.
Trong khi đó, các diễn biến của người bệnh rất nhanh và phức tạp, vì vậy nhiều trường hợp không đủ thời gian để thực hiện các bước theo quy định. Bên cạnh đó, các tư vấn viên cũng chưa có quy trình chuẩn về tiếp cận gia đình người bệnh, thiếu kỹ năng giải đáp các thắc mắc, hiểu lầm của người nhà người bệnh...
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề như độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến; tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng; xác định chết não; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng...
Trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng sẽ quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội, tổ chức tôn giáo, các điều kiện nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các hội và sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng. Từ đó cùng chung tay góp phần tăng cường nguồn mô, bộ phận cơ thể người từ người hiến bị chết não, mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng chục nghìn bệnh nhân bị mắc các bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng.
Tại hội thảo “tư vấn vận động, điều phối tạng hiến từ người chết não, chết tim” mới đây, một số đại biểu chỉ rõ hiện nay, quy định độ tuổi của Việt Nam là 18 tuổi mới được hiến tặng mô, tạng là rào cản lớn. Do vậy, Việt Nam cần học tập mô hình nước ngoài, ghi thông tin đồng ý hiến tặng mô, tạng ở mặt sau của bằng lái xe. Sửa đổi luật theo hướng cho phép cha, mẹ hoặc người giám hộ của người vừa qua đời được quyền quyết định hiến mô, tạng cho người có nhu cầu; cho phép phạm nhân được hiến tặng mô, tạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, nhiệm vụ chủ yếu sắp tới của Hội là phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường vận động hiến tạng từ bệnh nhân chết não trong các bệnh viện; tập huấn kiến thức liên quan đến hiến tạng, chết não, điều phối hiến ghép tạng... và vận động mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của cộng đồng về hiến tạng sau khi chết là nghĩa cử cao đẹp, cứu người như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
Hiện nay Việt Nam chưa thiết lập mạng lưới tư vấn viên trong vận động hiến tạng sau khi chết hoặc chết não; những người tư vấn hiện nay chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ, thống nhất về chuyên môn cũng như những kỹ năng mềm và tư vấn về tâm lý. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. (Nhân dân, trang 8).
Bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) là xu hướng tất yếu để tạo minh bạch, công bằng trong vận hành lĩnh vực y tế theo cơ chế thị trường; đồng thời phải bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, nhất là đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao chất lượng KCB. Chiều 11/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế, một số bộ, ngành, địa phương về lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB. Phó Thủ tướng nêu hai vấn đề cần quan tâm đối với lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô; mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn. Lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB cũng cần đặt trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ đối với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế (BHYT)…
Điều chỉnh giá dịch vụ KCB sau khi tăng lương cơ bản
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế đề xuất, từ ngày 1/7/2023, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB sẽ được thực hiện theo sự thay đổi của mức lương cơ bản từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cũng đưa ra phương án cụ thể đối với lộ trình tính chi phí quản lý, khấu hao vào giá dịch vụ KCB, cũng như đánh giá tác động khi tăng giá dịch vụ KCB đối với các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Tại cuộc họp, đại diện BHXH Việt Nam, bệnh viện Bạch Mai, tỉnh Đồng Nai, TPHCM, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội đã nêu ý kiến về định mức đơn giá làm cơ sở, căn cứ để tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ KCB; lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB; phương án hỗ trợ chi phí KCB cho những đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn…
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến ủng hộ việc thực hiện tăng giá dịch vụ KCB sau khi tăng lương cơ bản như đề xuất của Bộ Y tế, trong đó, cần chú trọng bảo đảm chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế.
"Chúng ta cũng phải tính đúng, tính đủ một cách rõ ràng các dịch vụ KCB, trong đó, phần chi phí nào người dân không đủ khả năng chi trả thì ngân sách nhà nước phải bảo đảm, không đẩy khó khăn, tạo áp lực cho cơ sở y tế", bà Ngô Thị Kim Yến kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là rất quan trọng để xác định việc tham gia chi trả của BHYT, ngân sách nhà nước, người bệnh.
Trong lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB cần lựa chọn những dịch vụ điều chỉnh trước, đánh giá tác động trước khi mở rộng, từ đó tạo đồng thuận lớn trong người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận và đánh giá các ý kiến tại cuộc họp đã góp phần xác định rõ lộ trình triển khai việc thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB trong thời gian tới.
Xây dựng nghị định của Chính phủ về thực hiện giá dịch vụ KCB
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là vấn đề lớn. Bộ Y tế đang trong quá trình xin chủ trương, định hướng để xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về thực hiện giá dịch vụ KCB, đồng bộ với các yếu tố chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật cấu thành giá dịch vụ KCB; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, bất cập về phác đồ điều trị, thanh toán chi phí KCB theo nhóm bệnh,…; bổ sung những chi phí đầu tư giúp giảm chi trả của người bệnh như sổ y bạ điện tử, thiết lập cơ sở dữ liệu y tế dùng chung, không in phim chiếu, chụp…
Theo Phó Thủ tướng, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ nâng cao chất lượng KCB, bảo đảm chế độ, chính sách để "giữ chân" cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, chúng ta có thêm các nguồn vốn tập trung đầu tư cho cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp để có hình thức văn bản pháp lý phù hợp để thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB tương ứng với việc tăng lương cơ bản.
"Bộ Y tế phải có kế hoạch truyền thông kỹ lưỡng, toàn diện về điều chỉnh giá dịch vụ KCB sau khi tăng lương cơ bản, từ chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý đến các nguồn kinh phí từ ngân sách, bệnh viện, BHYT… dành cho các chi phí tăng thêm, bảo đảm tăng lương nhưng người bệnh không tăng chi phí chi trả", Phó Thủ tướng nói. (Sức khoẻ& Đời sống, trang 3).
Bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng
Tại Nghị quyết 98 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành quyết định: năm 2023 ngân sách trung ương tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng cho tất cả địa phương trên toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Ngày 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 98 về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Cụ thể, tại Nghị quyết 98 quyết định năm 2023 ngân sách trung ương tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng cho tất cả địa phương trên toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, xác định nhu cầu vaccine theo từng chủng loại, cơ cấu vaccine cần thiết, danh mục và lộ trình tiếp nhận từng loại vaccine đảm bảo lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ thống nhất trong toàn quốc, để làm cơ sở xác định nhu cầu, bố trí kinh phí; quản lý và sử dụng vaccine theo quy định;
Tổ chức mua vaccine tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời và an toàn;
Căn cứ kế hoạch, nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo vaccine tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/7/2023 để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện;
Trong tháng 7/2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.
Nghị quyết của Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, rà soát, báo cáo nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2023 gửi Bộ Y tế trước ngày 12/7/2023 để tổng hợp.
Giao Bộ Tài chính, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, nhu cầu kinh phí mua vaccine tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 do Bộ Y tế báo cáo, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; thời gian trình trước ngày 20/7/2023 (Sức khoẻ& Đời sống, trang 3).