Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/9/2015

  • |
T5g.org.vn - VN sẽ tiến hành ghép phổi và tụy; Bệnh dị ứng ở trẻ có chiều hướng gia tăng; Gần 30.000 ca mắc sốt xuất huyết

VN sẽ tiến hành ghép phổi và tụy

Ngày 12-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội thăm hai bệnh nhân được ghép tim và phổi nhờ tạng hiến tặng của bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.

Tại buổi thăm, bà Tiến cho biết các bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy, T.Ư Huế, 103… ghép thành công tim, thận, gan, giác mạc. Tới đây 5-6 bệnh viện đầu ngành về ghép tạng sẽ phối hợp để ghép phổi và tụy. Hiện Bệnh viện Phổi T.Ư đã nhận chủ trì dự án ghép phổi tại VN.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên GĐ Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, việc ghép phổi sẽ mở ra cơ hội điều trị cho bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính, chứng bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là nhóm bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá hoặc bị tác động từ khói bụi môi trường, hoặc một số nhóm ung thư phổi ở giai đoạn sớm.

Bà Tiến cho biết nên thành lập các đề tài cấp Bộ sẽ sớm thực hiện ghép phổi và tụy. Về kỹ thuật ghép tạng, VN đã làm chủ kỹ thuật ghép tim, gan, thận, giác mạc, hai bệnh nhân vừa được ghép tim và gan đang hồi phục rất tốt tại Bệnh viện Việt Đức.

Theo thông tin từ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, hiện nay trên 90% mô tạng ghép cho người nhận trên thế giới là từ người hiến chết não, tại VN đa số tạng hiến lại từ người đang sống, nảy sinh nhiều vấn đề kể cả về mua bán tạng trái phép.

Trung tâm này đang xây dựng mạng lưới để cập nhật thông tin về người hiến tặng- người chờ ghép, trong đó có thể có cả người hiến và chờ ghép ở khắp VN, Lào và Campuchia, kết nối ngay nếu có người hiến tặng tạng và người chờ ghép phù hợp các chỉ số sức khỏe.

Hiện nay VN có hàng ngàn người chờ ghép tạng, nhưng nguồn tạng hiến rất hạn chế và tình trạng mua bán tạng “ngầm” khá phổ biến. (Tuổi trẻ (trang 6)

Bệnh dị ứng ở trẻ có chiều hướng 
gia tăng

Các bệnh dị ứng có ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình; tần suất bệnh dị ứng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trẻ em. 

Những bệnh dị ứng trẻ em dễ gặp phải là viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn, dị ứng thức ăn.

Điều tra năm 2000 trên gần 7.700 học sinh tiểu học ở Hà Nội về bệnh dị ứng cho thấy có 11% học sinh bị hen.

Nghiên cứu năm 2004 ở trẻ em Hà Nội cho thấy gần 15% bị hen và gần 11% bị viêm mũi - viêm kết mạc.

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM năm 2003 trên học sinh tiểu học và mẫu giáo cho thấy 29% trẻ em được khảo sát bị hen suyễn.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết như vậy tại buổi nói chuyện chuyên đề về bệnh dị ứng ở trẻ em tại bệnh viện sáng 12-9.

Theo bác sĩ Anh Tuấn, di truyền là yếu tố quan trọng gây dị ứng ở trẻ em, kế đến là yếu tố môi trường và hệ miễn dịch của trẻ.

Đáng lưu ý, 60% trẻ viêm da cơ địa bị dị ứng với thức ăn; 75 - 80% trẻ viêm da cơ địa bị viêm mũi dị ứng sau này; 50% bệnh nhân sau này mắc bệnh suyễn. (Tuổi trẻ (trang 6)

Gần 30.000 ca mắc sốt xuất huyết

Hôm qua (12.9), đại diện Bộ Y tế cho biết cả nước hiện đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 50/63 tỉnh, thành. Bệnh thường gặp ở trẻ em. Đáng lưu ý, đã ghi nhận các ca bệnh diễn biến nặng và 18 ca tử vong ghi nhận tại 10 tỉnh, thành.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đặc biệt lưu ý người dân khi có biểu hiện nghi ngờ SXH cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi điều trị, tuyệt đối không tự truyền dịch, điều trị tại nhà; nghiêm cấm nhân viên y tế tiêm, truyền tại nhà, tại các cơ sở không đủ điều kiện. Truyền dịch có thể gây sốc, nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Ngoài ra, việc dùng thuốc với bệnh nhân SXH cần được chỉ định đúng, việc tự ý mua thuốc điều trị có thể làm bệnh trở nặng, gây tai biến nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong. Bộ Y tế lo ngại dịch SXH còn gia tăng do đỉnh dịch vào tháng 10 - 11 hằng năm và năm nay là thời điểm của chu kỳ dịch bùng phát (dịch SXH có chu kỳ bùng phát 4 - 5 năm/lần).

* Những ngày qua, các bệnh viện (BV) nhi tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải lượng lớn bệnh nhi nhập viện do SXH. Trong ngày 12.9 tại Khoa SXH BV Nhi đồng 2 điều trị nội trú cho 100 ca SXH, trong đó có đến 20 ca nặng đang phải truyền dịch, bệnh nhi nhỏ nhất chỉ mới mười mấy tháng tuổi. BV Nhi đồng 1 cũng cho hay lượng bệnh nhi nhập viện vì SXH tăng cao. Với chỉ tiêu 90 giường bệnh, song khoa SXH tại BV này phải điều trị cho 176 bệnh nhi.

Theo ghi nhận của Thanh Niên sáng 12.9 tại khoa SXH của 2 BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, nhiều bệnh nhi và thân nhân phải nằm cùng 1 giường, thậm chí nằm ngoài hành lang vì quá tải. Tại BV Nhi đồng 1, PV vừa bước vào khoa SXH thì thấy dọc hành lang trước cửa phòng bệnh là những manh chiếu được trải tạm để nằm của nhiều gia đình đang chăm sóc con bị bệnh. Anh Mạnh (đang nuôi con bị bệnh SXH) cho biết mỗi giường có đến 2 - 3 bệnh nhi, chưa kể phụ huynh chen chúc nằm co ro để chăm sóc. Vợ chồng anh thấy chật quá nên cho con nằm hẳn dưới đất từ khi nhập viện.

Tương tự, tại Khoa SXH của BV Nhi đồng 2, vì quá tải bệnh nhân SXH nên nhiều bệnh nhi khi nhập viện được ghi cho số phòng để tiện theo dõi việc thăm khám và lấy thuốc rồi ra nằm ngoài… hành lang. “Nhập viện từ ngày 10.9 là nhân viên y tế đưa cho tôi chiếc ghế bố để cho cháu ra hành lang đặt nằm điều trị. Ai cũng vậy, vô sau thì nằm ngoài chứ giường đông

2 - 3 bé nằm rất chật”, chị Sương (30 tuổi, ngụ Bình Dương) chia sẻ.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, tính đến hết tuần thứ 36 (tuần đầu của tháng 9.2015), TP.HCM có 8.157 ca SXH nhập viện, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Xét về diễn tiến, số ca bệnh SXH trong 4 tuần qua tăng rất nhanh. Riêng tuần 36, toàn thành phố đã có 416 trường hợp SXH nhập viện.

Bên cạnh đó, theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng trong tuần thứ 36 (tuần đầu tháng 9.2015) đã tăng 32% so với các ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. Tính đến hết tuần thứ 36, TP.HCM có trên 4.500 ca mắc bệnh tay chân miệng, trung bình khoảng 100 - 150 ca nhập viện/tuần; riêng tuần thứ 36 số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng là hơn 190 ca. (Thanh niên (trang 1)

Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến cấp xã, phường

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về “Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP.Hà Nội và TP.HCM” có hiệu lực từ 15.9.2015.

Thời gian thực hiện thí điểm là một năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Theo quy định, ở cấp quận giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức thuộc biên chế của các phòng: y tế, kinh tế, NN-PTNT; trung tâm y tế, đội quản lý thị trường. Ở cấp phường giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho viên chức thuộc biên chế của trạm y tế; công chức cấp phường phụ trách nông nghiệp, kinh tế.

Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường sẽ ra quyết định thanh tra, thanh tra đột xuất và thành lập đoàn thanh tra. Cuộc thanh tra chuyên ngành do chủ tịch UBND cấp quận quyết định tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày. Thanh tra chuyên ngành do chủ tịch UBND cấp phường quyết định tiến hành không quá 20 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 30 ngày.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TP.HCM lựa chọn tại mỗi TP 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm. (Thanh niên (trang 2)

Sẽ xây dựng khung giá để kỹ thuật ghép tạng được quỹ bảo hiểm y tế chi trả

Cuối giờ chiều 12-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt-Đức để thăm hỏi động viên hai bệnh nhân sau 7 ngày được ghép tim, gan thành công từ nguồn tạng hiến tặng được vận chuyển với quãng đường 1.700km từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội (như Báo Hànộimới đã đưa tin).

Hiện tại, 2 bệnh nhân được ghép gan và ghép tim đã ăn uống bình thường, các chỉ số xét nghiệm gần như đã trở về bình thường. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, kết quả hai ca ghép tạng của Việt Nam rất tốt dù phương tiện vận chuyển rất đơn giản. Riêng với ca ghép tim, khoảng 1 tuần nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Đánh giá cao những nỗ lực của các y, bác sĩ ở hai BV Việt-Đức và BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh trong ca ghép đa tạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc vận động hiến tạng từ người cho chết não để cứu sống được thêm nhiều người bệnh. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, sắp tới sẽ có cuộc họp trực tuyến về ghép tạng với những cơ sở có khả năng ghép trên cả nước để mở rộng việc ghép đa tạng. Đặc biệt, thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai kỹ thuật ghép phổi, đồng thời xây dựng khung giá về ghép tạng để Quỹ Bảo hiểm y tế cơ sở hỗ trợ người bệnh chi trả một phần. Trong tương lai, khi số người hiến tạng tăng lên, Bộ Y tế sẽ tính đến các phương án có xe chuyên dụng vận chuyển tạng, thậm chí đầu tư cả máy bay trực thăng. (Hà nội mới (trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang