Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/9/2021

  • |
T5g.org.vn - Đãi ngộ xứng đáng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; Tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Hà Nội đã đạt 89%; Nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine phòng COVID-19; ...

 

Đãi ngộ xứng đáng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

“Bên cạnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, phải xem xét thấu đáo chính sách phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu. Chống dịch là thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đặc biệt, đặc thù, nên không thể áp dụng chế độ phụ cấp, thu nhập như trong điều kiện bình thường”, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia bày tỏ.

Đối tượng đặc thù cần chính sách đặc biệt

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều nơi đã trở thành điểm nóng, thậm chí quá tải cho lực lượng tuyến đầu. Với những cống hiến của đội ngũ y bác sĩ trong phòng, chống dịch, theo ông, họ có xứng đáng được hưởng chính sách phụ cấp cao hơn mức bình thường?

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp,tình trạng quá tải nơi tuyến đầu gia tăng, đặc biệt tại điểm nóng TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Lực lượng tại chỗ không đủ, phải điều động lực lượng ở các tỉnh thành khác hỗ trợ. Tôi được biết, không ít nơi, một bác sĩ phải phụ trách hàng trăm bệnh nhân, làm việc lên đến 12 - 14 giờ mỗi ngày, thậm chí còn dài hơn. Đây là một vấn đề rất lớn cần xem xét và có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Khi đã huy động mọi nguồn lực, nhân lực mà vẫn gây quá tải, cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý cho cán bộ ngành y hoạt động ở tuyến đầu. Chỉ như vậy họ mới duy trì được sức khoẻ, làm việc lâu dài được. Chúng ta vinh danh, ghi nhận công lao, đóng góp của họ là rất đúng và rất cần thiết. Nhưng bên cạnh động viên về mặt tinh thần cũng cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ về vật chất thực sự xứng đáng.

Cụ thể cần áp dụng những cơ chế chính sách gì cho phù hợp, thưa ông?

Trước tiên, cần phải đảm bảo cho họ ăn uống đủ chất hàng ngày, như vậy mới có đủ sức khoẻ làm việc bền bỉ, lâu dài được. Theo định mức hiện tại, đối với ngành y tế là 120 nghìn đồng/người/ngày, chia làm 3 bữa, trong đó có cả trực đêm. Trong điều kiện bình thường đã ít ỏi, trong điều kiện dịch bệnh càng không đảm bảo. Đến khi họ nhiễm bệnh, trở thành bệnh nhân COVID-19, lại chỉ được tiền ăn 80 nghìn đồng mỗi ngày.

Cơ chế, chính sách như vậy không ổn, nên phải rà soát lại định mức chi tiêu, sinh hoạt, căn cứ vào từng lĩnh vực và thời gian, cường độ lao động của từng đối tượng. Họ là đối tượng đặc thù ở tuyến đầu chống dịch chứ không phải làm nhiệm vụ trong điều kiện bình thường. Vì thế không thể lấy định mức chi tiêu thông thường áp dụng cho trường hợp đặc biệt, khi cường độ, thời gian lao động của họ tăng đột biến như vậy.

Ngoài ăn uống, sinh hoạt hàng ngày là chính sách phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu cũng cần phải xem xét thấu đáo. Chống dịch là trong điều kiện đặc biệt, đặc thù. Họ cống hiến nhiều thì phải được thụ hưởng tương xứng. Như vậy, về chế độ phụ cấp, thu nhập không thể áp dụng theo cơ chế ngoài giờ, vượt giờ trung bình được, mà cần phải tăng lên mức hợp lý.

Những nguồn tiền có thể huy động

Theo ông, phải lấy nguồn tiền ở đâu để phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như tăng phụ cấp, thu nhập cho lực lượng tuyến đầu?

Chính phủ đã báo cáo và tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV mới đây đã cho phép thực hiện một loạt cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Về tài chính, ngoài kinh phí được ghi trong dự toán, phân bổ từ đầu năm, Quốc hội đã cho phép có thể sử dụng ngân sách dự toán cho các khoản khác chưa cần dùng đến, điều chuyển, sử dụng cho việc phòng chống dịch.

Chúng ta cũng thường bố trí từ 3 - 5% tổng chi ngân sách vào quỹ dự phòng. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, quỹ dự phòng ngân sách này để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hoả hoạn và những vấn đề phát sinh bất khả kháng. Mấy chục nghìn tỷ đồng quỹ dự phòng, Chính phủ có quyền sử dụng để xử lý những vấn đề bất khả kháng xảy ra như trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Với nguồn quỹ dự phòng ngân sách của các địa phương cũng vậy. Ngoài ra cũng có thể sử dụng các quỹ tài chính khác, kêu gọi đồng bào trong, ngoài nước cùng nhau hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.

Trường hợp cần thiết, có thể cho phép ứng dự toán năm sau, tức năm 2022 để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Vừa qua, Quốc hội cũng đã cho phép sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của năm 2020 để phục vụ cho việc phòng, chống dịch… Như vậy, cơ chế chính sách về tài chính đến giờ không vướng. Nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch cũng không phải khó khăn khi đã có nhiều cơ chế mở. Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù nền kinh tế khó khăn, nhưng thu ngân sách của ta cũng đạt khá, chi thấp hơn thu, nên nguồn vẫn còn dôi dư, đủ điều kiện ứng phó với đại dịch.

Nguồn có, chính sách có, nhưng vì sao số tiền hỗ trợ đến người dân cũng như lực lượng tuyến đầu vẫn chậm, thưa ông?

Đúng là vừa qua có hiện tượng như vậy. Kinh phí đáp ứng được nhu cầu, quan điểm, chính sách cũng rất rõ ràng, nhưng thực tế lại có việc chậm trễ như vậy. Bên cạnh lực lượng tuyến đầu, nhiều người dân cũng phản ánh, đến bây giờ cũng không được nhận số tiền trợ cấp theo quy định.

Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Theo tôi, trước tiên do việc thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách. Ví dụ, trong bối cảnh lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu làm việc với cường độ lao động như vậy, nhưng lại chậm trình cấp có thẩm quyền, áp dụng cơ chế đặc thù, với chính sách đãi ngộ thoả đáng cho họ. Việc này phải làm càng nhanh càng tốt. Đồng thời, chế độ chi tiêu cũng phải chỉnh sửa kịp thời để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Khi đã có cơ chế, định mức rồi, phải hướng dẫn cho họ làm, cứ ban hành chính sách rồi không hướng dẫn thì không được. Qua nhiều năm công tác ở Quốc hội, tôi thấy việc ban hành chính sách rất cần thiết, nhưng phải cụ thể, chi tiết, phải hướng dẫn để thực hiện.

Làm gì để tránh tình trạng trên thông, dưới tắc, theo ông?

Để khắc phục tình trạng này, phải giao rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho cán bộ trong thực thi công vụ, thực thi chế độ chi tiêu trong định mức mới này. Khi đã có cơ chế rồi, đã hướng dẫn rồi thì anh phải thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Cảm ơn ông. (Tiền phong, trang 3)

 

Tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Hà Nội đã đạt 89%

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 11-9 đến 18h ngày 12-9, Hà Nội đã triển khai tiêm được 573.829 mũi vắc xin Covid-19 (tăng 162.377 mũi tiêm so với ngày trước đó)

Theo Phương án số 170/PA-UBND về triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn Hà Nội và kế hoạch mà Bộ Y tế đề ra, đến ngày 15-9, thành phố hoàn thành tiêm mũi 1 cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Theo thống kê của 30 quận, huyện, thị xã, số lượng người dân trong độ tuổi tiêm chủng cần tiêm mũi 1 là hơn 7,033 triệu mũi, trong đó hiện đã tiêm được hơn 4,094 triệu mũi 1 (chiếm tỷ lệ gần 58,21%). Cộng dồn đến nay, toàn thành phố đã tiêm được hơn 4,4 triệu mũi (gồm cả mũi 1 và mũi 2). Riêng với mũi 1, hiện đã tiêm được hơn 4 triệu mũi trên tổng số gần 4,6 triệu liều vắc xin được Bộ Y tế cấp (đạt tiến độ 89%). (Hà Nội mới, trang 1)

 

Nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine phòng COVID-19

Trong những ngày qua, tại nhiều điểm tiêm chủng và khu vực lấy mẫu còn tình trạng tập trung đông người chờ đến lượt, gây nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có trường hợp F0 trong cộng đồng.

Hà Nội đang triển khai xét nghiệm trên diện rộng cho tất cả người dân và tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Trong những ngày qua, tại nhiều điểm tiêm chủng và khu vực lấy mẫu còn tình trạng tập trung đông người chờ đến lượt, gây nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có trường hợp F0 trong cộng đồng. Đặc biệt, với lượng lấy mẫu lớn như hiện nay, nếu việc khử khuẩn của nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình, cũng tạo ra nguy cơ lây nhiễm chéo.

Điểm tiêm chủng phải hẹn giờ khoa học

Điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ vào chiều tối 9/9 có rất đông người đến tiêm. Chị P.B.V, ở phường Bưởi cho biết: “Tôi được tổ trưởng thông báo đi tiêm rất gấp, vì huyết áp thấp nên chỉ kịp uống hộp sữa là đến điểm tiêm ngay. Nhưng khi tới nơi thấy đông người ở ngoài cổng, vào trong cũng đông nên tôi khá lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm chéo luôn thường trực ở những nơi đông người”.

Tương tự, anh N.H.B ở Hà Nội cho biết, anh tiêm vaccine theo danh sách cơ quan tại một bệnh viện, khi đến nơi, anh cũng khá bất ngờ vì thấy quá đông người tập trung để khai báo, làm thủ tục, khám sàng lọc và tiêm. “Theo tôi, điểm tiêm chủng phải hẹn lịch theo giờ để giảm bớt mật độ tập trung đông người. Tất cả đều được hẹn vào một khung giờ, tập trung đến một lúc gây tình trạng quá tải, điều này rất nguy hiểm nếu có F0 ở đây”, anh B chia sẻ.

Hà Nội đang tăng tốc tiêm chủng để đạt mục tiêu tới ngày 15/9 tiêm xong mũi 1, nên số lượng người tiêm trong những ngày qua rất lớn. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nơi tiêm chủng cũng là khu vực đông người nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu. Việc tiêm chủng để đạt được tốc độ là hết sức cần thiết vì Hà Nội là vùng nguy cơ cao, đã giãn cách thời gian dài.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chuyên gia, tại các điểm tiêm không được để tụ tập đông người, vì virus lây lan rất nhanh, nhất là biến chủng Delta. Vì vậy, Hà Nội phải có kế hoạch cụ thể như: Mỗi điểm tiêm chủng được cấp bao nhiêu vaccine thì lên kế hoạch tính toán đăng ký hẹn lịch tiêm theo giờ để phù hợp với tốc độ tiêm; đăng ký tiêm online; tổ chức tiêm ở phòng rộng như trường học; người đến tiêm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách… để tránh lây nhiễm.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, tại các điểm tiêm phải phân luồng 1 chiều, đảm bảo giãn cách từ các khâu khai báo y tế, sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm. Mỗi người phải nghiêm túc, tự giác tuân thủ nguyên tắc 5K đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch.

Từ chối xét nghiệm nếu nhân viên y tế không khử khuẩn

Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho toàn dân, song có một số nơi, một số người đã ngần ngại hoặc từ chối lấy mẫu xét nghiệm do lo lắng có thể bị lây nhiễm chéo tại khu vực xét nghiệm khi nhân viên y tế không thay găng tay trong quá trình lấy mẫu cho từng người, hoặc họ thấy quá đông người ở một điểm xét nghiệm nên đã bỏ về.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình lấy mẫu, việc không sát khuẩn tay theo đúng quy định là hành động rất nguy hiểm.

Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, có khả năng xảy ra lây nhiễm chéo nếu nhân viên y tế không thực hiện đúng quy định. Bởi vì khi lấy mẫu, nếu người được lấy là F0, virus có thể dính vào găng tay nhân viên y tế. Nếu không lập tức sát khuẩn tay sau đó, nhân viên y tế lại tiếp tục đưa tay chạm vào mũi người dân tiếp theo, nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Thậm chí, hành động này có thể gây lây nhiễm virus cho rất nhiều người đến lấy mẫu.

Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang xét nghiệm toàn bộ người dân thành phố, nếu trong trường hợp xét nghiệm quá nhiều người sẽ khiến cho nhân viên y tế kiệt sức nên việc bảo đảm sát trùng, thay găng tay là rất khó và người dân tập trung quá đông không tuân thủ giãn cách sẽ khiến cho lây lan dịch bệnh. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, nếu cảm thấy không an toàn khi nhân viên y tế không thực hiện sát khuẩn trước khi lấy mẫu, người dân có quyền từ chối lấy mẫu xét nghiệm.

Trước đó, trả lời vấn đề này, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, sau mỗi lần thực hiện lấy mẫu, nhân viên y tế phải sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn. Nếu lấy mẫu cho người này, chưa sát khuẩn mà lấy mẫu cho người kia là sai quy định.

CDC Hà Nội đã có chỉ đạo tới tất cả đơn vị, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc.

Đặt tình huống khi phải thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn, ông Tuấn cho rằng, trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình. Nếu nhân viên y tế không sát khuẩn tay đầy đủ, người dân có quyền từ chối xét nghiệm. (Công an nhân dân, trang 2)

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: Bình thường mới trong điều kiện có F0

Ngày 12-9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Cần Giờ để đánh giá kết quả nổi bật, các giải pháp triển khai trọng tâm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua và kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Cùng đi với đoàn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM.

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thời gian không còn nhiều khi sắp tới ngày 15-9. Đến giờ này đối chiếu với các tiêu chí Bộ Y tế đưa ra, huyện Cần Giờ là một trong số ít địa phương cơ bản đạt được tiêu chí kiểm soát dịch.

Với kết quả đạt được, đồng chí trân trọng ghi nhận, đánh giá rất cao và biểu dương Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Cần Giờ đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để có được kết quả, góp phần cho TPHCM có những vùng đạt được những yêu cầu cơ bản mà Chính phủ giao.

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM hoàn toàn thống nhất với những báo cáo của huyện Cần Giờ đã cho thấy được những việc đã làm, những việc đang làm và sẽ làm. Đồng chí đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo huyện, “các pháo đài”, ý thức người dân trong việc thực hiện giãn cách triệt để và tập trung giải pháp y tế để phòng chống dịch trong điều kiện dịch lan rộng ở TPHCM nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng… (Sài gòn giải phóng, trang 1)

 

Chiến lược 'sống chung' với dịch

TP.HCM hoạch định chiến lược phòng chống Covid-19 giai đoạn sau ngày 15.9 - thời điểm dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách cho người đã tiêm vắc xin tham gia các hoạt động phục hồi kinh tế.

TP.HCM tính toán “lách qua khe cửa rất hẹp” để mở cửa kinh tế trên tinh thần “chậm mà chắc, mở tới đâu an toàn tới đó”, với 2 mục tiêu then chốt: thích nghi an toàn với môi trường có dịch bệnh và phục hồi sức sống của doanh nghiệp, đảm bảo sinh kế của người dân.

Củng cố an toàn dịch tễ trên nhiều “mặt trận”

Thách thức rất lớn đối với TP.HCM thời điểm này là số ca nhiễm mới và tử vong vẫn còn cao (ngày 12.9 có 6.158 ca mắc mới, 200 ca tử vong). Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia và nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, mức độ an toàn dịch tễ trong môi trường có dịch trên địa bàn TP.HCM có chuyển biến, khi đã có gần 7,8 triệu người tiêm vắc xin, trong đó hơn 1,3 triệu người tiêm mũi 2. Số người khỏi bệnh (có miễn dịch) lên đến khoảng 150.000 người…

Đáng chú ý, Sở Y tế TP.HCM dự báo số ca nặng và tử vong sẽ giảm sau ngày 15.9 nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ như: hoàn thiện hệ thống điều trị hình tháp 3 tầng, triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà, xây dựng gói thuốc mẫu cho F0 tại nhà và sử dụng các thuốc mới trong điều trị Covid-19, nhất là tăng nhanh độ bao phủ vắc xin… Theo đó, hệ thống điều trị của TP.HCM đã không còn quá tải như ở giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với biến chủng Delta với số ca nhiễm tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn.

Theo Sở Y tế TP.HCM, lộ trình đến hết năm 2021 bao phủ 100% vắc xin phòng Covid-19 (tiêm đủ 2 mũi) cho người trên 18 tuổi, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, người có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì)…

Về đi lại, dự kiến sử dụng thẻ xanh Covid cho phép người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch (đi lại có kiểm soát an toàn dịch tễ theo nguyên tắc 5K). Với hệ điều trị tập trung tại các bệnh viện, TP.HCM nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do Covid-19. Cùng với đó, giám sát dịch tễ cộng đồng để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát, phục hồi hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân…

Chăm sóc F0 tại nhà sẽ ra sao?

Ở thời điểm này, TP.HCM còn khoảng 95.000 F0 tại nhà, và việc quản lý, chăm sóc lượng F0 “khổng lồ” này được xem là một vấn đề rất hệ trọng.

Với thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”, Sở Y tế TP.HCM kết hợp thực hiện phương án “dựa vào cộng đồng”. Theo đó, đảm bảo 100% F0 tại nhà được theo dõi tình hình sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày, được tư vấn y tế mỗi khi có nhu cầu (gián tiếp qua điện thoại hoặc trực tiếp). Đảm bảo hỗ trợ đầy đủ túi thuốc và nhu yếu phẩm cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Đảm bảo khi F0 trở nặng, có nhu cầu nhập viện thì được cấp cứu và kịp thời chuyển đến bệnh viện.

Đặc biệt, không để xảy ra trường hợp F0 tử vong tại nhà trong khi chờ được cấp cứu. Huy động hệ thống y tế tư nhân, các bác sĩ đã nghỉ hưu và nhân lực từ các ngành nghề khác tham gia hướng dẫn, tư vấn cho F0 cách ly tại nhà, kết nối với cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu khi có dấu hiệu trở nặng.

TP.HCM cũng đặc biệt lưu ý việc tận dụng các nhân viên y tế lưu trú trên địa bàn, tư vấn cho F0 là hàng xóm tại địa bàn mình đang sinh sống, đúng nghĩa “bác sĩ gia đình” hay “bác sĩ láng giềng”, và xem đây mới thật sự là giải pháp bền vững để F0 an tâm cách ly, điều trị tại nhà.

F0 gọi, trạm y tế lưu động đến liền

Hơn 522 trạm y tế lưu động có bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên… mà TP.HCM đang vận hành ở địa bàn dân cư, được xem là “đội hình chiến lược” trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Chiều 12.9, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có cuộc gọi đến Trạm y tế lưu động số 4 (407 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3) thông báo cần được thăm khám tại địa chỉ nhà trong hẻm 199 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3. Nhà có 6 người thông qua test nhanh phát hiện nhiễm Covid-19, trong đó có một người 87 tuổi.

Vừa dứt điện thoại, bác sĩ Nguyễn Đình Phương, phụ trách Trạm y tế lưu động số 4 cùng 2 học viên của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đến nhà bệnh nhân. Do có người đã lớn tuổi, bác sĩ Phương mang theo một máy tạo ô xy y tế, hướng dẫn người thân cách sử dụng máy, cách đo SpO2 và cách nhận biết chuyển nặng để chuyển viện. Sau khi thăm khám xong, bác sĩ Phương dặn dò bệnh nhân phải ráng ngồi dậy vận động, ăn uống đủ chất, không bỏ bữa…

Trạm y tế lưu động số 4 (P.9, Q.10) do bác sĩ quân y Nguyễn Thế Lưu cùng 2 học viên Học viện Quân y đảm nhiệm, đang thăm khám và phát thuốc cho khoảng 100 F0. “Mỗi ngày có khoảng 50 cuộc gọi tới đường dây nóng của trạm, chúng tôi sẽ hỏi kỹ các triệu chứng để nắm bắt các thông số cơ bản nhất để đánh giá trường hợp nào cần cấp cứu, thăm khám tại nhà, hay có thể tư vấn qua điện thoại, trao đổi qua mạng xã hội để theo dõi tình trạng bệnh”, bác sĩ Lưu thông tin.

Bác sĩ Lưu cho biết thêm, khi vừa tiếp nhận thăm khám cho các F0 tại đây, nhiều trường hợp cần được chăm sóc, thăm khám liên tục cả ngày và đêm. “Hiện nay tình hình F0 đã được kiểm soát tốt hơn khi chúng tôi nắm được danh sách những ca nặng để chăm sóc. Thấy rõ nhất qua việc các ca cấp cứu giảm dần khi các F0 được phát thuốc điều trị tại nhà. Hướng dẫn họ cách chăm sóc sức khỏe bản thân, cách hít thở, hướng dẫn thêm về chế độ ăn uống để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, công tác ổn định tâm lý bệnh nhân cũng rất quan trọng”, bác sĩ Lưu cho hay.

Hiện nay đối với F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM, tùy tình trạng sẽ được cung cấp 2 hoặc 3 túi thuốc: Túi thuốc A (thuốc thông thường), túi thuốc B (thuốc kháng đông, kháng viêm) và túi thuốc C (thuốc kháng vi rút). (Thanh niên, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang