Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Ngày 15/4 mới quyết định tiếp tục 'cách ly toàn xã hội', hay dừng; Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg để ứng phó hiệu quả dịch Covid-19; Nếu nới lỏng giãn cách, nguy cơ bùng phát trở lại dịch COVID -19; TPHCM đề xuất cách ly xã hội đến ngày 30/4; 7.000 hiệu thuốc phải khai báo người mua thuốc ho, sốt

 

Ngày 15/4 mới quyết định tiếp tục 'cách ly toàn xã hội', hay dừng

Chiều 13/4, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, bởi nếu lơi lỏng, dễ vỡ trận, xóa đi thành quả đã dày công suốt mấy tháng qua. Đến ngày 15/4, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể để đưa ra biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh, trên cơ sở báo cáo của các cấp, ngành.

8 địa phương kiến nghị giãn cách xã hội đến hết tháng 4/2020

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến nay Việt Nam ghi nhận 265 trường hợp mắc, trong đó 12 trường hợp ghi nhận tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Một số ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát như ổ dịch liên quan Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai (đã dỡ cách ly kể từ 0h ngày 12/4) và quán bar Buddha. Ban chỉ đạo cho rằng, trong thời gian tới chính quyền và người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, không được lơ là, chủ quan; kiên định với chiến lược chống dịch đã đề ra.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, đã tổ chức lấy ý kiến ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương về việc thực hiện Chỉ thị 16. Kết quả có 32 địa phương trả lời. Theo đó, có 2 địa phương đề nghị kéo giãn thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tuần, 8 địa phương đề nghị kéo giãn đến hết tháng 4, có 2 địa phương đề nghị kéo giãn đến hết tháng 5. Các địa phương còn lại đề nghị giãn cách xã hội đến hết ngày 15/4.

Ban Chỉ đạo đề nghị Thủ tướng xem xét cho ban hành chỉ thị mới, trong đó xem xét việc thực hiện theo tình hình dịch, tình hình kinh tế tại các địa phương. Đối với các địa phương có nguy cơ cao thì tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” một tuần sau ngày 15/4. Riêng các địa phương nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ thì dừng giãn cách xã hội, chỉ thực hiện một số biện pháp cần thiết phòng chống dịch.

Lơi lỏng, dễ vỡ trận

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước có nhiều biện pháp cương quyết về cách ly xã hội, thực hiện đồng bộ các biện pháp trong Chỉ thị 15, 16. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, mấy ngày qua, có sự lơi lỏng hơn, người ra nơi công cộng nhiều hơn so với những ngày trước đó. Một số cửa hàng, cửa hiệu thực hiện chưa nghiêm, vẫn mở cửa bán hàng mà đáng lẽ ra thuộc diện đóng cửa. Trong khi cả nước, đặc biệt là ngành Y tế và các cơ quan liên quan tích cực thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhưng tình hình lây nhiễm vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi mới đây.

“Chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta nói mục tiêu kép nhưng ưu tiên là bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân. Không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, nếu lơi lỏng, dễ vỡ trận, xóa đi thành quả trong chống dịch suốt mấy tháng qua.

Thủ tướng yêu cầu toàn xã hội tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 trong giai đoạn này. Đến ngày 15/4 Chính phủ sẽ xem xét cụ thể để đưa ra biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh, trên cơ sở báo cáo của các cấp, ngành và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở địa phương của mình, trong ngành của mình, tại cơ sở sản xuất kinh doanh nếu được phép mở theo quyết định của Chủ tịch UBND địa phương. “Các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở khu công nghiệp, đối với công nhân, người yếu thế, các công trường thi công, tăng cường bảo hộ an toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh (Tiền phong, trang 2).

 

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg để ứng phó hiệu quả dịch Covid-19

Chiều 13-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp ứng phó dịch Covid-19. Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm trong phòng, chống Covid-19; đánh giá cao Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác có nhiều biện pháp cương quyết, đồng bộ, quyết liệt trong cách ly xã hội, thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15 và 16/CT-TTg. Nhân dân cũng cơ bản ủng hộ chủ trương của Chính phủ về cách ly xã hội. Tuy nhiên, mấy ngày qua bắt đầu có sự lơi lỏng, người dân ra nơi công cộng nhiều hơn so những ngày trước đó; một số cửa hàng, cửa hiệu không trong diện được kinh doanh vẫn mở cửa. Ngành y tế, các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, ứng dụng khoa học công nghệ..., nhưng tình hình lây nhiễm cộng đồng vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi mới đây, chưa kể các ca nhiễm chưa được phát hiện, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Thủ tướng cũng lưu ý tình hình dịch trở nên phức tạp ở một số nơi trên thế giới. Do đó, chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác; phải thực hiện nghiêm trong thời gian ngắn để không phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài. Chúng ta thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên lớn vẫn bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc cụ thể hiện nay.

Chính vì vậy, việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 trong giai đoạn này là rất quan trọng. Đến ngày 15-4 tới, Thường trực Chính phủ sẽ xem xét lại cụ thể tình hình để xử lý căn bản hơn trên cơ sở đề nghị của các cấp, các ngành và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Cho nên, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đám đông... cần tiếp tục được thực hiện nghiêm ở các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn, những địa phương có dịch. Nói chung, Chỉ thị 16 vẫn tiếp tục có hiệu lực. Nếu chúng ta lơi lỏng thì dễ "vỡ trận", xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, nhân dân đã dày công thực hiện mấy tháng qua. Những nguyên tắc cơ bản vẫn là khóa chặt từ bên ngoài; tích cực chữa trị từ bên trong; khoanh vùng, dập dịch nhanh và hiệu quả; có nguyên tắc chặt chẽ trong việc đón một số em học sinh ở các nước về do hoàn cảnh bị cách ly gia đình quá lâu nhưng dù là ai ở nước ngoài về cũng phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tại ngành, địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình. Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ có quyết định cụ thể về vấn đề hình thành 63 đội truy tìm và dập dịch để tăng cường khoanh vùng, dập dịch nhanh, phát hiện nhanh, không để lây lan trong cộng đồng, nhất là những bệnh nhân gây hậu quả xấu như BN 243.

Về một số đề nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng cũng đồng ý một số giải pháp không dùng tiền mặt, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn chỉnh, đưa vào ứng dụng phần mềm giám sát, truy vết đối tượng. Đây là tiến bộ lớn, rất đáng mừng.

Thủ tướng nhắc lại chủ trương hạn chế nhập cảnh Việt Nam, có lộ trình chặt chẽ, thực hiện chặt chẽ theo sự chỉ đạo với tinh thần ngăn chặn tối đa nguồn lây từ bên ngoài. Thủ tướng cũng biểu dương lực lượng bộ đội biên phòng ngày đêm gian khổ để kiểm soát đường mòn, lối mở ở biên giới, qua đó góp phần ngăn chặn dịch. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế và các loại trang thiết bị bảo hộ chống dịch cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch trên tinh thần bảo đảm đủ cơ số dự trữ trong nước. Các bộ, ngành như Công thương, Y tế và các cơ quan liên quan làm nhanh các thủ tục, không để chậm chễ, mất thời cơ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tập trung để hình thành ngành sản xuất máy thở của Việt Nam. Yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp, các công trường thi công, nhà máy..., tập trung vào các đối tượng người yếu thế, công nhân, lái xe, người phục vụ..., coi trọng tăng cường trang bị bảo hộ an toàn.

Thay mặt Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng biểu dương Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia ngày đêm phân tích dữ liệu, đáp ứng kịp thời tìm kiếm, truy vết các ca bệnh và đối tượng liên quan, sản xuất một số thiết bị phục vụ xuất khẩu. Lực lượng khoa học công nghệ, nhất là của ngành y tế là thành công và cũng là cơ hội của Việt Nam. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc học và thi ở các cấp học để Thường trực Chính phủ quyết định việc này. Yêu cầu Bộ Công an, đặc biệt là công an các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho người dân; điều tra, xử lý nghiêm một số vụ vi phạm. Thủ tướng đề nghị Thường trực Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo có một số phương án để ngày 15-4, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cơ quan xem xét cụ thể, đánh giá đầy đủ tình hình, nhất là các nguy cơ, đồng thời xem xét vấn đề cách ly xã hội.

* Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các đơn vị công nghệ thông tin triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh từ xa với ba bệnh viện được áp dụng thí điểm gồm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam. Bước đầu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai ở Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam và Viettel triển khai ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang kháng nước, kháng khuẩn 870 phục vụ xuất khẩu và nhu cầu trong nước. Đối với khẩu trang y tế, giao Bộ Y tế rà soát, thống kê năng lực sản xuất và nhu cầu xuất khẩu theo hướng khuyến khích xuất khẩu khẩu trang y tế sau khi bảo đảm mua đủ số lượng cho tình huống dịch đã được phê duyệt trên cơ sở đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 20. Bộ Công an và Bộ Y tế làm rõ việc găm hàng khẩu trang y tế để xuất khẩu. Về việc sản xuất máy thở, đến nay, đã sản xuất được máy thở không xâm nhập và Bộ Y tế đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng (Nhân dân, trang 1).

 

Nếu nới lỏng giãn cách, nguy cơ bùng phát trở lại dịch COVID -19

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 13/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tình hình dịch trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Thực hiện nghiêm chỉ thị 16

Ban Chỉ đạo thống nhất, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp hiện nay “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”. Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch), công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Thực tế triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thời gian đầu đã thực hiện rất tốt nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn… Đương nhiên việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm sức khoẻ là trên hết, còn người còn của, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này”. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15/4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất, sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới, trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh. Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả Trung ương lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm.

Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.

Các đại biểu nhất trí với các giải pháp chặn đến cùng tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,…).

 Ðáp ứng đủ nhu cầu trong nước mới xuất khẩu thiết bị bảo hộ

Ban Chỉ đạo cho biết, chúng ta đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870), được nhiều nước đánh giá cao, do đó cần đẩy mạnh quảng bá để xuất khẩu sản phẩm này. Về khẩu trang y tế, hiện Việt Nam đã chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang y tế và quần áo chống dịch. Số lượng này cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ phải nêu cao trách nhiệm xã hội, chỉ xuất khẩu sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Đồng thời, Việt Nam chỉ khuyến khích xuất khẩu đối với những doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp rà soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ (Tiền phong, trang 2).

 

TPHCM đề xuất cách ly xã hội đến ngày 30/4

TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020 để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngày 13/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hiện nay, diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người. "Diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, đặc biệt là có thể trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người nhiễm nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng và do những lý do nào đó chưa được phát hiện. Vì vậy, những kết quả ban đầu mà TPHCM đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng.

Chính vì vậy, TPHCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ"- ông Phong nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu tập trung cho công tác dự phòng và nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh; chăm lo đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (Tiền phong, trang 2).

 

7.000 hiệu thuốc phải khai báo người mua thuốc ho, sốt

"Đây là nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch, nếu hiệu thuốc nào có người đến mua thuốc ho, sốt, cảm... để sót không khai báo y tế, không thông báo cho y tế phường, sau này có thể xem xét tước giấy phép kinh doanh" - chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo.

Tất cả các phòng khám tư nhân, các trạm y tế, các bác sĩ tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải yêu cầu khai báo y tế...

"Đây là nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch, nếu hiệu thuốc nào có người đến mua thuốc ho, sốt, cảm... để sót không khai báo y tế, không thông báo cho y tế phường, sau này có thể xem xét tước giấy phép kinh doanh" - chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo.

Tất cả các phòng khám tư nhân, các trạm y tế, các bác sĩ tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải yêu cầu khai báo y tế...

Lây nhiễm do thói quen ho, sốt tự mua thuốc uống

Ngày 13-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải thông tin tới 7.000 hiệu thuốc trên địa bàn về nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, ngành y tế phải yêu cầu tất cả các hiệu thuốc khi bán cho những trường hợp mua thuốc cảm, sốt, ho phải có khai báo y tế và báo ngay cho y tế của phường tổ chức lấy mẫu xét nghiệm với COVID-19.

Tất cả các phòng khám tư nhân, các trạm y tế, các bác sĩ tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải yêu cầu khai báo y tế với những bệnh nhân ho, sốt, khó thở đến khám, sau đó phải thông báo để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ.

Yêu cầu này xuất phát từ diễn biến ca bệnh của bệnh nhân 243. Qua kiểm tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân 243 có biểu hiện ho, sốt đã tự đi mua thuốc điều trị tại một nhà thuốc gần nhà. Sau khi tự uống thuốc, bệnh nhân có biểu hiện bình thường và đã đi lại khắp nơi (như chợ hoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc)… 

Thói quen hơi bị cảm sốt là tự ra ngoài, đến nhà thuốc mua thuốc về uống là việc lâu nay của người dân Việt, điều này dẫn đến khó kiểm soát nhiều ca bệnh có nguy cơ mắc COVID-19.

Hạ Lôi: đến từng nhà đo thân nhiệt mỗi ngày

Theo ông Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, từ ca mắc COVID-19 đầu tiên tại thôn là bệnh nhân 243, sau khi khoanh vùng nhanh gọn, chỉ qua mấy ngày xét nghiệm đã phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với COVID-19, đến nay đã có 12 người tại thôn mắc bệnh. 

Với thôn Hạ Lôi, nguồn bệnh COVID-19 đã xâm nhập trong cộng đồng. "COVID-19 là kẻ thù giấu mặt không ai biết được, qua xét nghiệm sàng lọc mới phát hiện. Điều đó cho thấy mầm bệnh đã len lỏi vào từng gia đình, từng ngóc ngách ngõ xóm ở Hạ Lôi" - ông Dương nói.

66 tổ được thành lập trong thôn Hạ Lôi, mỗi tổ phụ trách hơn 40 hộ gia đình, thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để đo thân nhiệt hằng ngày và theo dõi về y tế.

Phong tỏa, không phải cách ly

Kết luận tại cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt là tâm dịch tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết với 11.000 nhân khẩu trong thôn Hạ Lôi, từ ca bệnh đầu tiên đã xét nghiệm sàng lọc diện rộng nơi đây. 7.000 mẫu xét nghiệm có kết quả đã phát hiện 9 trường hợp mắc COVID-19, còn 3.000 mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả.

Sau khi phát hiện bệnh nhân liên quan đến chợ hoa ở xã Mê Linh, Bộ Y tế đã ra thông báo tìm những người đến chợ hoa Mê Linh từ ngày 20-3 đến nay. Tuy nhiên, với mục tiêu rà soát triệt để, chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu phải rà soát từ thời điểm ngày 15-3.

Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu ngành y tế, các quận huyện phải nhìn nhận thôn Hạ Lôi như "Bệnh viện Bạch Mai thu hẹp" và phải coi những ai đi về thôn này đều có nguy cơ lây nhiễm, rà soát tất cả những ai liên quan như đã làm với yếu tố ở ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai lúc trước. 

Ông Chung quán triệt rõ: "Biện pháp với thôn Hạ Lôi là phong tỏa chứ không phải cách ly, vì vậy phải thiết quân luật nhà nào ở nhà đó" (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Ho, sốt phải lấy mẫu xét nghiệm

Ngày 13-4, thông tin bệnh nhân COVID-19 số 262 trước đó đã ho, sốt nhưng vẫn đi làm ở Công ty Samsung Display khiến nhiều người lo ngại ổ dịch lây lan trong cộng đồng gia tăng trở lại.

Bệnh nhân 262 là nhân viên kiểm tra chất lượng của Công ty Samsung Display tại Bắc Ninh, mắc bệnh nhưng vẫn đi làm từ ngày 31-3 đến 7-4. Bệnh nhân cũng là người ở trong ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Hà Nội, đến nay đã có 12 bệnh nhân (đều liên quan bệnh nhân 243).

Sau Bạch Mai nổi lên Hạ Lôi

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua có 4 ổ dịch chính từ cộng đồng, trong đó ổ dịch quán bar Buddha ở TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai và tỉnh Hà Nam đã không ghi nhận thêm bệnh nhân mới, nhưng riêng ổ dịch ở Mê Linh lại nổi lên, liên tiếp có thêm bệnh nhân mới được phát hiện. Trong 1 tuần đã có 12 bệnh nhân, bao gồm cả người tiếp xúc với bệnh nhân - F1 và người tiếp xúc với F1, tức F2 ở ổ dịch này.

Lo ngại gia tăng khi bệnh nhân 262 lây từ ổ dịch Hạ Lôi có 1 tuần (đã có sốt) lại tiếp tục đi làm bằng xe buýt công ty cùng 40 người khác hằng ngày. Qua rà soát, ngày 13-4 Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh Bắc Ninh cho biết đã cách ly 1 phân xưởng của Samsung Bắc Ninh, đưa 44 người trong số 106 người F1 liên quan bệnh nhân 262 đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh.

Mối lo ngại khác là ngay từ Mê Linh, khi phát sinh ổ dịch từ chợ hoa Mê Linh, xã Mê Linh. Người bán hoa từ chợ này lại đi bán khắp thành phố, chưa kể chợ hoa trước khi phát sinh ổ dịch này luôn có khách du lịch từ nhiều nơi.

Việc Hà Nội dự định cách ly thêm 1 thôn của xã Mê Linh và tìm người liên quan đến chợ hoa nhằm mục đích dập dịch. Đến 13-4, đại diện Bộ Y tế cho biết đã có nhiều người mua bán hoa ở chợ Mê Linh từ 20-3 đến nay nhắn tin vào số điện thoại 8889 để được theo dõi sức khỏe.

Xét nghiệm: chuyển từ người cách ly sang cộng đồng

Đại diện Bộ Y tế cho biết trong chiến lược tới đây, khi số người phải đi cách ly ở Việt Nam đã giảm, nhóm xét nghiệm nghiên cứu cộng đồng, với nhóm đích là nhóm ẩn, như người làm nghề tự do, đi lại nhiều vào thời điểm, người nghiện chích ma túy, nhóm lái xe... Đồng thời chuyển hình thức xét nghiệm sang xét nghiệm nhanh, với loại test xét nghiệm mới cũng do Việt Nam sản xuất cho kết quả nhanh hơn nhiều so với loại đang sử dụng hiện nay (dưới 10 phút) (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Hà Nội: 2/3 ca mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng

Sáng 13/4, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, qua thực tế phân tích dịch tễ học, các ca bệnh của Hà Nội có 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua.

Do đó, nếu dựa vào triệu chứng lâm sàng thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có khả năng phát hiện 1/3 ca bệnh. 

"Đây là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới này. Dù không có triệu chứng nhưng khả năng lây lan vẫn xảy ra nên việc giám sát, phát hiện dựa vào xét nghiệm là phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch”, ông Cảm nói. Theo ông Cảm, nếu thời gian vừa qua thành phố không quyết liệt triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng thì khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát trên địa bàn là hoàn toàn có thể.

Về triển khai test nhanh, Hà Nội có 14.000 test, đã triển khai được 12.000 mẫu. Ông Cảm cho biết, đã lấy 128 mẫu test nhanh ở Mê Linh, đồng thời cũng lấy mẫu làm RT-PCR, 2 kết quả tương đồng nhau, tức 128 đều âm tính. Triển khai 277 mẫu test nhanh tại Bệnh viện Thận, đồng thời làm RT-PCR cũng âm tính. Tuy nhiên, có triển khai trên một số bệnh nhân dùng RT-PCR dương tính thì test nhanh lại âm tính. Suy ra rằng, những trường hợp này mới mắc nên chưa có kháng thể. “Như vậy, test nhanh là công cụ sàng lọc cộng đồng cần thiết, bởi trả lời kết quả nhanh, chi phí thấp, có thể sàng lọc tại cộng đồng. Tuy nhiên những trường hợp nghi ngờ vẫn phải làm bằng RT-PCR và căn cứ vào dịch tễ để làm cho chính xác”, ông Cảm nói.

Theo ông Cảm, đến nay đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch nhưng dịch đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng nên chiến lược phòng chống phải thay đổi. Giai đoạn đầu ngăn chặn, giai đoạn 2 cách ly, khoanh vùng, bao vây kịp thời. Hiện nay, giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng ở phạm vị hẹp, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt là cách ly, giãn cách ly xã hội thì việc duy trì thành quả rất khó khăn. “Việc thực hiện cách ly xã hội cần phải tiếp tục thực hiện, nghiêm túc”, ông Cảm nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng ở Hạ Lôi cần duy trì biện pháp phong tỏa. “Thực hiện như thiết quân luật. Nhà nào ở nhà đó. Trong nhà cũng phải cách ly mọi người với nhau”, ông Chung nói và yêu cầu toàn thành phố tập trung cho việc dập ổ dịch Hạ Lôi, xác minh tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân 243, tiếp tục rà soát những trường hợp F1, F2, F3, F4 của bệnh nhân này vì đây là nguồn lây chính (Tiền phong, trang 3).   

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang