Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/4/2021

  • |
T5g.org.vn - Hơn 200 nhân viên xin chuyển khỏi Bệnh viện Bạch Mai; Nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19; Một bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả kỷ lục: hơn 38 tỷ đồng; Chín tỉnh, thành phố kết thúc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt một; Bệnh tay chân miệng 'tấn công' trẻ mầm non

 

Hơn 200 nhân viên xin chuyển khỏi Bệnh viện Bạch Mai

Tối 13/4, liên quan thông tin nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, xác nhận có sự việc đó. TS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cho biết, thực tế có 221 nhân sự Bệnh viện Bạch Mai chuyển đi. Đây đều là những người không quá xuất sắc bởi trong đó có tới hơn 100 lao động phổ thông. “Họ nghỉ việc do giảm biên chế và vị trí việc làm khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn”, ông Thành cho hay.

Lãnh đạo bệnh viện thông tin, có một số người có trình độ tiến sĩ, được phong hàm phó giáo sư... cũng xin nghỉ để chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn. TS Đỗ Văn Thành khẳng định việc thay đổi nhân sự vừa qua tại Bệnh viện Bạch Mai là hoàn toàn bình thường. “Trong số 221 người nghỉ thì chỉ có 43 người là bác sĩ, điều dưỡng còn hơn 100 người là lao động phổ thông nên đây không phải tình trạng chảy máu chất xám”, bác sĩ Thành nói. Về việc thu nhập của cán bộ, bác sĩ bị giảm, bác sĩ Thành cho biết đây là tình trạng chung bởi số lượng bệnh nhân giảm nên thu nhập của cán bộ chỉ còn 30% so với trước đây.

Đối với việc cá nhân phạm lỗi nhưng Bệnh viện Bạch Mai lại có quyết định kỷ luật tập thể, bác sĩ Thành cho rằng: “Không phải ai làm nấy chịu mà phải yêu cầu lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm với sai phạm thì mới có tác dụng phòng ngừa” (Tiền phong, trang 2).

 

Nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - Bộ Y tế, đánh giá, nguy cơ Việt Nam đối mặt sự bùng phát dịch COVID-19 là rất lớn. Theo ông Phu, dịch đang bùng phát mạnh ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước Đông Nam Á gần Việt Nam,trong đó có Campuchia.

“Người Việt Nam làm ăn sinh sống ở Campuchia nhiều, việc đi lại giữa hai nước rất lớn. Trong lúc này, người Việt Nam từ Campuchia muốn trở về quê hương cũng rất cao nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là lớn”, ông nhận định.

Về nguy cơ dịch bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khi người dân đi du lịch nhiều, ông Phu cho rằng, mở cửa để phát triển du lịch, kinh tế là cần thiết nhưng phải phòng bệnh chu đáo; chính quyền nơi có các điểm du lịch, du khách và dân địa phương phải có ý thức phòng dịch cao; nếu để dịch xảy ra thì vô cùng khó kiểm soát, quản lý, phát hiện và truy vết. Vì thế, việc thực hiện thông điệp 5K là rất quan trọng, “không được chủ quan một chút nào”, ông nói.

Bộ Y tế đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có biên giới với Campuchia để tăng cường xét nghiệm, ưu tiên tiêm vắc-xin, tăng cường năng lực các cơ sở y tế. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, hiện có nhiều người nhập cảnh (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp) từ Campuchia vào Việt Nam.

Ông Phu lấy ví dụ, ca nhiễm ghi nhận tại TPHCM - bệnh nhân 2580 và ca nhiễm tại Hải Phòng - bệnh nhân 2582 đều nhập cảnh trái phép bằng tàu cá từ Campuchia. “Nguy cơ lây nhiễm cao,cần kiểm soát chặt các cửa khẩu, đường mòn lối mở, cách ly nghiêm ngặt, đừng để lọt.Nếu không, dịch sẽ bùng phát trở lại”, ông nhận định.

Tăng cường kiểm soát cửa khẩu

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Campuchia. Nhà chức trách nước này phải gấp rút triển khai tiêm chủng cũng như thực hiện các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan cảnh báo, Campuchia đang “đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia” do COVID-19, “hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đã có hơn 30 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, nhưng số ca nhập cảnh vẫn liên tục tăng. Trong đó, người nhập cảnh từ Campuchia về nhiều, đều được phát hiện và cách ly ngay. Theo ông Phu, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Người dân không nên vượt biên trái phép, nên nhập cảnh qua đường chính ngạch và tuân thủ cách ly y tế an toàn. Nếu phát hiện người nhập cảnh trái phép đã về cộng đồng, người dân nên khai báo trung thực.

Tối 13/4, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 9 ca mắc COVID-19, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bến Tre, Kiên Giang, Đà Nẵng và TPHCM. Bộ Y tế cho biết,đến nay, 59.249 người đã được tiêm vắc-xin; 9/19 tỉnh, thành phố đã kết thúc triển khai kế hoạch tiêm chủng đợt 1, gồm Tây Ninh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Giang và Bắc Ninh (Tiền phong, trang 6).

 

Một bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả kỷ lục: hơn 38 tỷ đồng

Chiều 13-4, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân Phan Hữu Ng. (37 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) chính thức xuất viện vào ngày mai (14-4) sau hơn 11 năm nhập viện và trải qua 26 lần phẫu thuật để điều trị căn bệnh Hemophilia A (rối loạn đông máu đo thiếu một trong ba yếu tố đông máu (yếu tố VIII, IX và X). Đây là bệnh nhân được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả nhiều nhất tại TPHCM lên đến 38,3 tỷ đồng.

Theo bác sĩ Phan Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Phan Hữu Ng. mắc Hemophilia A từ nhỏ, đến năm 26 tuổi bệnh trở nặng, anh nhập Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Anh là bệnh nhân có nhiều kỷ lục tại bệnh viện với số lần phẫu thuật nhiều nhất, chi phí điều trị nhiều nhất (hơn 40 tỷ đồng), thời gian nằm viện điều trị lâu nhất (11 năm) và là ca bệnh Hemophilia nặng nhất đầu tiên của Việt Nam được điều trị thành công đến thời điểm này. 

Nằm tại giường bệnh, anh Ng. cho biết, 11 năm nằm viện – cũng ngần ấy thời gian, anh sống trong bi kịch cuộc đời mình. Mắc căn bệnh “máu khó đông” từ nhỏ, thời điểm ấy Ng. chưa thể hình dung căn bệnh mình đang mang, những gì chờ đợi phía trước. Càng lớn, mỗi lần vận động mạnh bị té, cơ thể Ng. lại bầm tím hay mỗi lần đứt tay chảy máu không sao cầm nổi. Đến năm 19 tuổi, trong một lần chèo xuồng tắm sông cùng bạn bè, xuồng bị lật úp, bụng Ng. đập mạnh vào mạn xuồng, đau nhói. Tưởng rằng mọi chuyện cũng qua đi, nào ngờ các cơn đau âm ỉ, rồi sưng tấy, bầm tím kéo dài không dứt. Mãi đến lúc 26 tuổi (năm 2010), bụng ngày một phình lớn, Ng. hoảng sợ, quyết định đón xe lên Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám. “Nhìn em, các bác sĩ đều sốc, lắc đầu ái ngại. Các bác sĩ nói nếu mổ em sẽ chết liền, và khuyên hãy cố gắng sống chung với nó, được ngày nào hay ngày đó”, Ng. kể về thời khắc tuyệt vọng nhất của cuộc đời. Ng. sống chung với căn bệnh và trải qua 26 lần phẫu thuật từ năm 2010 đến nay. TS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa phỏng và phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoảng 7 năm trước, gặp Ng. ông rất sốc. Suốt cuộc đời làm nghề, từng đối diện với rất nhiều ca bệnh phức tạp nhưng ca bệnh như Ng. lần đầu ông chứng kiến. Từ đó đến nay đã 7 năm trôi qua, năm nào Ng. cũng phải “đụng dao kéo” để cắt lọc da hoại tử, hút dịch, tái tạo da..., và cho đến nay đã trải qua ít nhất 26 lần phẫu thuật với sự kết hợp của đa chuyên khoa, bao gồm huyết học, chỉnh hình, phỏng mới giữ được tính mạng.

Từ một bệnh nhân được kết luận “không xử trí gì thêm”, Ng. đã trải qua một hành trình kỳ diệu khi đã phục hồi 99% và chuẩn bị xuất viện.

Chuẩn bị tư trang cho ngày ra viện, Phan Hữu Ng. cho biết, hôm nay rất hạnh phúc, vui mừng khi được trở về nhà sau hơn 11 năm ở bệnh viện. Lên đây từ năm 2010, Ng. điều trị ở khoa huyết học 7-8 năm, sau đó chuyển qua Khoa phỏng và phẫu thuật tạo hình gần 3 năm đến bây giờ.

Một năm 365 ngày, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà và chỉ về nhà vào mấy ngày tết. Giờ chuẩn bị trở về nhà, mừng lắm. “Rất nhiều lần bi quan, muốn chết cũng không được nhưng hôm nay rất hạnh phúc và rất vui mừng. Để có động lực chiến đấu 11 năm cho đến ngày hôm nay là nhờ vào sự động viên rất nhiều từ các bác sĩ và mẹ của em. Có lúc em tuyệt vọng muốn buông xuôi, nhưng các bác sĩ ai cũng động viên em phải ráng lên”, Ng. nói.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ đó đến nay chi phí điều trị cho bệnh nhân này đã lên tới 40,8 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả 38,3 tỷ đồng số còn lại là tiền của gia đình và mạnh thường quân giúp đỡ.

Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho biết, bệnh Hemophilia không thể chữa dứt điểm, do đó cuộc sống sau này Ng. phải duy trì điều trị thuốc yếu tố VIII ở mức độ trên 50%. Điều khó khăn với Ng. và nhiều bệnh nhân khác là BHYT chỉ chấp nhận thanh toán chi phí bổ sung cho bệnh nhân điều trị nội trú, chưa chấp nhận chi trả cho bệnh nhân điều trị dự phòng tại nhà. 

Bà Đỗ Thu Hà, Trưởng phòng Giám định BHYT (Bảo hiểm xã hội TPHCM) cho biết, đây là bệnh nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả với số tiền lớn nhất từ trước đến nay, điều đó cho thấy tính ưu việt của bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi tối đa cho bệnh nhân (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Chín tỉnh, thành phố kết thúc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt một

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 13-4 Việt Nam ghi nhận chín người mắc Covid-19 tại: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang và TP Đà Nẵng (người bệnh từ thứ 2.706 đến 2.714). Đây là các ca bệnh nhập cảnh, được cách ly ngay. Hiện các người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi; Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Bến Tre; Trung tâm Y tế TP Hà Tiên (Kiên Giang); Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết: Tính đến ngày 12-4, có 59.249 người đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố. Đối tượng tiêm vắc-xin là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị người bệnh Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương. Đến nay, có  chín trong 19 tỉnh, thành phố đã kết thúc triển khai kế hoạch đợt một, gồm: Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Giang và Bắc Ninh. Riêng tỉnh Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đã triển khai tiêm đợt hai cho 311 người.

* Ngày 13-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tổ chức tiêm Covid-19 đợt một năm 2021 cho cán bộ viên chức, người lao động của đơn vị. Theo đó, 500 cán bộ viên chức, người lao động của CDC Hà Nội được đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 trong thời gian từ ngày 13-4 đến ngày 16-4. Vắc- xin Covid-19 được sử dụng là vắc-xin AstraZeneca. Tại buổi tiêm, các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động của đơn vị được khám sàng lọc và tư vấn chỉ định trước khi tiêm. Các cán bộ tiêm đã được tập huấn kỹ lưỡng theo quy trình của Bộ Y tế; vắc-xin được bảo quản theo đúng quy định. Trong ngày tiêm đầu tiên chưa ghi nhận các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng (Nhân dân, trang 8).

 

Bệnh tay chân miệng 'tấn công' trẻ mầm non

Từ giữa tháng 3 đến nay, liên tiếp nhiều trường mầm non ở TP.HCM ghi nhận tình trạng nhiều trẻ mắc bệnh TCM. Có trường thậm chí phải cho cả lớp nghỉ học 4 - 5 ngày để phòng bệnh. Dịch bệnh lây mạnh, trẻ mầm non nghỉ học cả lớp

Là một trong những trường có số ca bệnh nhiều nhất trong đợt này, bà Nguyễn Thụy Thái Hòa, Hiệu trưởng Trường MN Trúc Đào (Q.Bình Tân), cho biết ngày 17.3 có một trẻ sốt nhẹ xin nghỉ học. Một ngày sau đó, trường nhận được thông báo từ Sở Y tế thành phố về việc bé này bị tay chân miệng và sau đó là những chuỗi ngày bệnh lây lan trong trường học, trong khi đó cả ban giám hiệu và giáo viên phải cật lực ngăn chặn lây lan.

Từ giữa tháng 3 đến nay, trường đã ghi nhận 12 ca. “Theo quy định, nếu một lớp có từ 2 bé mắc bệnh thì ghi nhận ổ bệnh nên bắt buộc phải đóng cửa khử khuẩn 14 ngày. Một số trường thì họ sẽ chuyển trẻ sang lớp khác, nhưng vì lớp này thuộc nhóm trẻ 13 tháng, lo sợ các bé có thể đã có sẵn mầm bệnh nếu chuyển sang lớp khác sẽ có nguy cơ lây lan, còn chuyển sang phòng khác thì trường không có đủ cơ sở vật chất nên chúng tôi đã thuyết phục phụ huynh cho tất cả trẻ nghỉ 14 ngày để phòng bệnh và may mắn được phụ huynh đồng thuận”, bà Hòa nói và chia sẻ thêm: “Cứ mỗi cuối giờ chiều tôi phải ngồi trực điện thoại, hễ có cuộc gọi nào là tôi bị ám ảnh luôn. Vì nhiều ngày liền cứ cuối giờ chiều là có điện thoại của phụ huynh hoặc trung tâm y tế báo có trẻ của trường mắc bệnh”.

Cũng ghi nhận số trẻ mắc bệnh cao, bà Lê Thị Duyên Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Ánh Mai (Q.Bình Tân), cho biết ngày 19.3, trường phát hiện ca bệnh tay chân miệng đầu tiên. Đỉnh điểm, đến ngày 31.3, trường này cùng lúc phát hiện tới 9 trẻ thuộc 3 lớp khác nhau mắc tay chân miệng. Và đến nay, trường có tới 12 ca bệnh, trong đó lớp nhiều nhất có 7 em mắc bệnh.

Cũng là một trong những nơi có số ca bệnh trong trường học tăng cao thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Bình Chánh, cho biết từ khoảng giữa tháng 3 đến nay, khoảng 20 trẻ phát hiện bệnh trong trường mầm non. “Còn số lượng trẻ bị bệnh tay chân miệng bên ngoài trường thực sự đang rất nhiều”, bà Ly nói. Thậm chí, mới đây có trường 3 - 4 trẻ trong một lớp mắc bệnh nên trường phải cho trẻ cả lớp với khoảng 20 em nghỉ 2 - 3 ngày.

Công khai thông tin để phụ huynh hợp tác với trường

Bình Tân là quận có đông trẻ nhất và cũng đang là một trong những quận ghi nhận số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhiều nhất hiện nay.

Theo bà Cao Thanh Tuyền, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, trong tháng 3, cả quận có 27 trẻ thuộc 11 trường mắc bệnh, còn từ đầu tháng 4 tới nay cũng ghi nhận có 20 trẻ bệnh thuộc 9 trường.

“Phòng GD-ĐT quận đang đặt vấn đề phòng bệnh cho các trường lên hàng đầu. Những trường nào chưa xuất hiện ca bệnh cũng phải vệ sinh khử khuẩn thường xuyên để cắt các nguồn lây trong trường học. Còn trường nào có ca bệnh là phải báo ngay để được hướng dẫn xử lý liền”, bà Tuyền nói.

Có con học tại một trường mầm non công lập ở Q.11, chị N.T.H cũng cho biết tình trạng bệnh tay chân miệng đang lây lan mạnh ở trường này. Cụ thể, trong ngày 13.4, chị N.T.H nhận được thông báo trong ngày ghi nhận thêm 2 trẻ mắc mới, hiện tổng số ca bệnh ở trường này đã lên tới 30 ca. Trong đó lớp cao nhất có tới 13 ca và hiện đang có 3 ca phải điều trị theo dõi tại bệnh viện. “Mình tạm thời đang cho con nghỉ học để phòng bệnh vì lớp của con có hơn 10 bé mắc bệnh”, chị N.T.H nói.

Theo ông Phan Trí Dũng, chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.11, từ giữa tháng 3 tới nay, quận đã ghi nhận khoảng 50 trẻ ở các trường mầm non mắc bệnh. Trong đó nhiều nhất là ở Trường mầm non 10 với khoảng 30 em, Trường mầm non 16 ghi nhận 5 - 6 em, Trường mầm non Quận 11 khoảng 10 ca... Tình trạng bệnh lây lan ở 3 - 4 trường, nhưng một số trường xuất hiện lây lan mạnh. Những trường này hiện đang được các trung tâm y tế quận, phường tầm soát từng trẻ để ngăn chặn tình trạng lây lan.

“Hiện các trường vẫn thực hiện biện pháp phòng ngừa theo ngành y tế hướng dẫn. Nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa cho trẻ nghỉ học vì việc cho trẻ nghỉ khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn, ảnh hưởng tới công việc của cha mẹ các em nên các trường vẫn thông báo thông tin công khai cho phụ huynh biết để phụ huynh hợp tác với trường trong công tác phòng bệnh, còn các trường vẫn cố gắng ngăn chặn bệnh để trẻ được đến lớp bình thường”, ông Dũng nói (Thanh niên, trang 17).

 

Chậm triển khai 'hộ chiếu vắc xin' ở Việt Nam?

Giải pháp triển khai 'hộ chiếu vắc xin' ra sao để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế? Kể từ tháng 2-2021 đến nay, yêu cầu triển khai "hộc chiếu vắc xin", các giải pháp kỹ thuật cần có, làm sao để thực hiện "hộ chiếu vắc xin" an toàn... đã được Bộ Y tế nói đến nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dự kiến về thời điểm có thể triển khai, mặc dù đây được coi là "cuộc cạnh tranh" với các nước trong khu vực để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia, người được tiêm 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm về kháng thể (thể hiện đã được bảo vệ, loại xét nghiệm này có thể thực hiện dễ dàng với giá thành hợp lý) cộng với có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ là có thể đủ điều kiện xem xét nhập cảnh theo "hộ chiếu vắc xin", nhưng Bộ Y tế vẫn đang xem xét áp dụng trước cho người ở khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao đến mức đạt miễn dịch cộng đồng, số ca mắc thấp tương tự Việt Nam...

"Nếu thấy khó khăn mà không làm thì không bao giờ làm được" - một chuyên gia chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ: Thứ nhất, nếu áp dụng "hộ chiếu vắc xin" thì ứng xử như thế nào với những người tiêm các vắc xin khác nhau?

Vấn đề thứ hai là hiện chưa có biện pháp kiểm tra độ xác thực của giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19. Một số quốc gia để đảm bảo quyền nhân thân của người tiêm đã không cho phép kiểm tra trực tuyến giấy chứng nhận tiêm chủng. Khi số người nhập cảnh bằng "hộ chiếu vắc xin" gia tăng, đây sẽ là vấn đề cần có giải pháp kỹ thuật để xử lý.

Theo định hướng của Chính phủ, Việt Nam sẽ triển khai thực hiện "hộ chiếu vắc xin". Ở thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng bước đầu hoàn toàn có thể tổ chức các chuyến bay dành cho những người đã chích ngừa COVID-19 về lại Việt Nam và có cách ly, đặc biệt trong điều kiện có hàng loạt du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, có nhu cầu về nước.

Hiện nay các gia đình có người thân kẹt ở nước ngoài và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng mong muốn về nước, sẵn sàng cách ly theo quy định. Bộ Y tế cho biết số người kẹt ở nước ngoài còn khá nhiều, do số chuyến bay còn quá ít. "Việc này Bộ Y tế không có thẩm quyền" - đại diện Bộ Y tế chia sẻ (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang