Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/6/2019

  • |
T5g.org.vn - Phúc thẩm vụ chạy thận 9 người chết: Vì sao Bộ Y tế phải ra công văn mật?; Đại diện Bộ Y tế đề nghị xem xét lại nguyên nhân tử vong của các nạn nhân vụ tai biến chạy thận; Hà Nội đóng cửa 52 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm, nhắc nhở tới... 1.317 cơ sở

 

Phúc thẩm vụ chạy thận 9 người chết: Vì sao Bộ Y tế phải ra công văn mật?

Cho rằng vụ án chạy thận nhân tạo làm 9 người chết có uẩn khúc, căn cứ luận tội chưa đảm bảo tính khoa học nên Bộ Y tế ra công văn mật gửi Bộ Công an, Viện KSND và TAND Tối cao để cung cấp tài liệu, chứng cứ. “Vụ án có nhiều uẩn khúc”.

Ngày13/6, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BV ĐK Hòa Bình. Tới dự phiên tòa với tư cách khách mời, có đại diện của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an và đại diện Bộ Y tế.

HĐXX đề nghị đại diện Bộ Y tế giải thích về công văn số 41 (mật) và công văn 2569 thể hiện quan điểm của Bộ này về vụ án, được gửi tới cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình cũng như Trung ương, trước khi phiên tòa diễn ra.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, vụ án là sự cố y khoa nghiêm trọng. Suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Bộ Y tế có quan điểm nhất quán là phải xét xử đúng người, đúng tội, không để oan sai. Theo ông Quang, sau phiên xét xử sơ thẩm, Bộ Y tế nhận được nhiều văn bản của các nhà khoa học về kỹ thuật lọc máu, hóa học, pháp y. Giữa tháng 3, Bộ Y tế ra công văn số 41 (mật) gửi Thủ tướng về việc xuất hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan nguyên nhân tử vong của các nạn nhân. Bộ Y tế ra công văn mật gửi Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để cung cấp tài liệu, chứng cứ khoa học mới liên quan đến quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo ông Quang, đến nay Bộ chưa nhận được trả lời của các cơ quan trên. “Do chưa được giải mật nên những văn bản trên chưa thể báo cáo tại tòa”, ông Quang nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nói văn bản này nêu một số căn cứ chưa đảm bảo tính khoa học, cần làm rõ. Trong đó có nội dung liên quan đến quá trình sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc nước RO số 2.

Ông Quang cũng thắc mắc vì sao bị cáo Bùi Mạnh Quốc từng đến sửa và bảo dưỡng máy RO số 2 nhiều lần, không làm xét nghiệm AAMI nhưng bệnh nhân không gặp sự cố như vụ việc xảy ra sáng 29/5/2017. Ngoài ra, quá trình sửa máy, bị cáo Quốc pha loãng dung dịch HF vào bình nước RO số 2 có dung tích 2.000 lít. Do đó, cần làm rõ mức độ HF bao nhiêu mới có thể làm chết người?

“Đề nghị làm rõ việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã phá bỏ hệ thống lọc nước RO số 2 - vật chứng quan trọng của vụ án từ trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra. Cần thiết có thể dựng lại hiện trường vụ án, thậm chí giám định pháp y quốc tế để tìm ra nguyên nhân 8 người tử vong”, ông Nguyễn Huy Quang kiến nghị khi giải thích một số nội dung trong công văn 41.

“Không có chứng cứ khoa học mới”

Đối đáp ngay sau đó, đại diện Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) cho rằng không có chứng cứ khoa học mới xuất hiện như Bộ Y tế lập luận. Viện Khoa học chịu trách nhiệm pháp lý về tất cả các kết luận đã giám định.

Về nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân, Viện đã tổ chức hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học, chuyên gia về phân tích. Tất cả cùng kết luận nguyên nhân tử vong do ngộ độc Florua như giám định.

Khi Bộ Y tế tiếp tục xin được trình bày thêm, HĐXX cho biết “đây là phiên toà phúc thẩm chứ không phải là hội thảo khoa học”. Những gì đại diện Bộ Y tế trình bày không thể nói trong vài giờ mà nếu muốn phải tổ chức hội thảo khoa học trong nhiều ngày để làm rõ. Viện khoa học hình sự khẳng định chịu trách nhiệm về giám định của mình nên HĐXX sẽ không cho tranh luận về vấn đề này.

Nói thêm về công văn mật số 41, chủ toạ cho hay, sau khi ba cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình nhận được công văn đã họp liên ngành để có văn bản trả lời Bộ Y tế. Về vấn đề này muốn cụ thể hơn Bộ Công an sẽ trả lời bằng văn bản cho Chính phủ theo yêu cầu.

Nhiều đại diện Bộ Y tế giơ tay xin được phát biểu. Tuy nhiên HĐXX giải thích rằng công văn mật số 41 không phải là chứng cứ để xem xét trong giai đoạn phúc thẩm. Tài liệu này được bỏ ngoài hồ sơ vụ án. Nhận được công văn 41, ngành tư pháp tỉnh Hòa Bình đã báo cáo ba ngành tư pháp Trung ương và được cho phép mời Bộ Y tế lên phiên toà phúc thẩm để trình bày quan điểm về những luận cứ nêu trong công văn. Nhiều luật sư đề nghị nếu không cho xét hỏi Bộ Y tế thì mời họ quay lại phần tranh luận, song chủ tọa tuyên bố chấm dứt phần “giải thích của đại diện Bộ Y tế”, dừng phiên làm việc (Tiền phong, trang 11).

 

Đại diện Bộ Y tế đề nghị xem xét lại nguyên nhân tử vong của các nạn nhân vụ tai biến chạy thận

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện Bộ Y tế cho rằng cần phải xem xét lại nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân...

Ngày 13-6, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) làm nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tiếp tục xét hỏi các bị cáo và những người có liên quan tới vụ án.  Đáng chú ý, trong phiên tòa đã có sự xuất hiện của đại diện Bộ Y tế là ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế để trả lời một số nội dung liên quan tới vụ án và công văn của Bộ Y tế được đóng dấu mật gửi một số cơ quan chức năng. Trước đó, ngày 16-3, Bộ Y tế đã có Công văn mật số 41 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xuất hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong của 8 nạn nhân trong sự cố y khoa chạy thận tại BV Hòa Bình. Tiếp đó, Bộ Y tế lại có Công văn mật gửi một số cơ quan bảo vệ pháp luật để cung cấp tài liệu, chứng cứ khoa học mới liên quan đến quá trình giải quyết vụ án tai biến chạy thận ở BV Hòa Bình. Nội dung của các công văn trên phủ nhận kết luận của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an khi khẳng định nguyên nhân gây tử vong của 8 nạn nhân chạy thận tại BV Hòa Bình là do ngộ độc florua. Bộ Y tế cho rằng nếu nồng độ Florua cao thì không chỉ 8 nạn nhân tử vong mà chắc chắn cả 18 bệnh nhân chạy thận vào thời điểm đó sẽ tử vong.

Trả lời tại tòa, Vụ trưởng vụ Pháp chế Bộ Y tế cho rằng cần phải xem xét lại nguyên nhân tử vong của các nạn nhân, "Liệu nguyên nhân chết của 8 nạn nhân có phải do florua?"- ông Quang nghi ngờ. Đồng thời cho biết triệu chứng ngộ độc florua khác so với các biểu hiện các bệnh nhân đã tử vong. Trên thế giới, ngộ độc florua là hiếm gặp, y văn chưa ghi nhận. Kết luận điều tra các nạn nhân chết do florua không phù hợp với diễn biến lâm sàng, khoa học của bệnh nhân.

Đại diện Bộ Y tế cũng đặt nghi ngờ với bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty xử lý nước Trâm An), người trực tiếp sục rửa hệ thống lọc nước RO1 và RO2 tại Đơn nguyên thận nhân tạo, BV Hòa Bình trước khi xảy ra vụ tại biến. "Tại sao 2 lần trước Quốc sục rửa máy này không xảy ra vấn đề gì, lần này lại khiến nhiều người chết. Liệu Quốc có làm điều gì hay không ?"-  ông Quang nêu câu hỏi trước tòa.

Đối đáp lại, đại diện Viện Khoa học hình sự cho rằng, đây hoàn toàn không phải là những chứng cứ mới liên quan tới vụ án được phát hiện. Viện Khoa học hình sự chịu trách nhiệm pháp lý về các kết luận giám định của Viện. “Một lần nữa, Viện Khoa học hình sự khẳng định lại việc Bùi Mạnh Quốc sử dụng axit Flohydric và HCl trong sục rửa đường ống đã dẫn đến hệ thống RO2 nhiễm florua là nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nạn nhân”-  đại diện Viện Khoa học hình sự khẳng định.

Về nguyên nhân tử vong của các nạn nhân, Viện Khoa học hình sự đã tổ chức hội thảo khoa học mời các nhà chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Viện Pháp y Quân đội, Viện Pháp y Quốc gia, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam để tham vấn về kết quả giám định cũng như nguyên nhân chết của các bệnh nhân. Tại hội thảo, các chuyên gia đã cho ý kiến khẳng định nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân là do nhiễm độc florua (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Hà Nội đóng cửa 52 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm, nhắc nhở tới... 1.317 cơ sở

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, đánh giá lại kết quả “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 (diễn ra từ 15-4 đến 15-5) vừa qua, ngoài ngành y tế, các ngành Công Thương, NN&PTNT cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cấp cơ sở đã hoạt động rất tích cực.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, toàn Thành phố có 699 đoàn thanh kiểm tra, đã kiểm tra 18.989 cơ sở, trong đó, 15.501 cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP, chiếm tỷ lệ 81,6%. Tổng số cơ sở vi phạm là 2.853 cơ sở; 210 cơ sở bị phạt cảnh cáo; 133 cơ sở bị hủy sản phẩm; 52 cơ sở bị đóng cửa; 1.317 cơ sở bị nhắc nhở.

Đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã lấy 1.049 mẫu, gồm: 199 mẫu thịt, 188 mẫu thủy sản, 200 mẫu rau củ quả, 218 mẫu thực phẩm ăn ngay, 226 mẫu ngũ cốc, hạt, quả khô, bột; 17 mẫu nước uống đóng chai, 01 mẫu kem đá gửi kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm của thành phố. Kết quả, có 1.009/1.049 mẫu đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ 96,2%. Xét nghiệm nhanh đạt 28.356/30.544 mẫu, chiếm tỷ lệ 92,8%.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi vi phạm quy định về ATTP.

Đại diện cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP Thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra, việc xử lý các vi phạm ATTP ở tuyến xã đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở.

Đánh giá về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã đã vào cuộc quyết liệt trong Tháng hành động và tạo được sự chuyển biến rõ nét. Dù vậy, đúng là việc xử phạt các vi phạm về ATTP, nhất là ở tuyến xã, phường vẫn nặng tư tưởng “tình làng nghĩa xóm” nên chưa thật nghiêm khắc, còn nghiêng về nhắc nhở, đây là điều cần sớm khắc phục.

Ngoài những tồn tại trong xử phạt vi phạm, đại diện Sở Công Thương, Sở NN&PTNT Hà Nội phản ánh thêm, việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn; tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP, môi trường theo quy định.

Các quận, huyện, thị xã, còn thiếu nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Ý thức các chủ cơ sở, nhất là các chủ cơ sở nhỏ lẻ, quán ăn đường phố còn kém và còn thực hiện một cách đối phó. Riêng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ người tiêu dùng, vẫn còn tâm lý ngại va chạm…

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị, sau "Tháng hành động vì ATTP" năm 2019, công tác này cần phải tiếp tục được duy trì, tuyệt đối không được trùng xuống.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ cần xây dựng những giải pháp đồng bộ, sâu hơn, quyết liệt hơn; hạn chế tối đa và có những biện pháp xử lý đối với hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan chính quyền, địa phương trong công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cũng kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái trên các chợ giao dịch thương mại điện tử (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Lang băm chữa bướu cổ bằng phương pháp đốt nhang hơ vào cổ rồi đắp thuốc

Bệnh nhân Đỗ Thị L., hiện đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng, vừa được đưa lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương để điều trị vì nhiễm trùng, viêm loét nghiêm trọng vùng cổ do tự chữa basedow bằng phương pháp thần bí của một “lang băm”.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, cách đây 3 tháng, chị L. phát hiện cổ mình to lên bất thường, mắt có dấu hiệu lồi to, chân tay run. Đi viện khám, chị được chẩn đoán bị basedow, về dùng thuốc đơn theo đơn của bệnh viện. Tuy nhiên sau 2 ngày dùng thuốc chị L. đã tự ý bỏ không uống tiếp mà nghe theo người quen giới thiệu để tìm đến nhà một thầy lang. Qua giới thiệu thì phương pháp của thầy lang này rất thần bí, phải chữa đều đặn 1 tuần 2 buổi, với tổng chi phí là 10 triệu đồng/ tháng  thì bà khỏi bệnh.

Chồng chị L. kể: "Lần đầu khi tới nhà thầy lang, vợ tôi được thầy khám và điều trị ngay. Sau khi châm 3 nén nhang, thầy cắm 2 nén lên bàn thờ còn 1 nén thì hơ xung quanh vùng cổ của vợ tôi, rồi chọc và bôi thứ thuốc nhầy nhầy giống như nhựa cây mà ông ấy gọi là vô cùng hiệu nghiệm vào vùng cổ. Tiếp đến ông đắp thêm thuốc lá rồi băng lại, dặn không được động vào, lần sau tới ông ấy sẽ đích thân thay băng và bôi thuốc”.

Sau khi được đắp thuốc, về nhà, chị L. thấy cổ rát rát, đến lần thứ hai sau khi đắp thuốc thì thấy cổ bắt đầu sưng nề to, đau nhức kinh khủng. Lúc này chị nhờ chồng tự tháo băng ra thì phát hiện vùng cổ đã loét lớn, sâu, mưng mủ…

Quá hoảng sợ, chồng chị L. gọi điện cho thầy lang để hỏi thì vị “lang băm” trả lời đó là biểu hiện hết sức bình thường của giai đoạn đầu mới điều trị, không phải lo lắng gì cả.

Thấy tình trạng bệnh tiến triển nặng, vợ chồng chị L. đã tới một bệnh viện tư gần nơi ở để được làm sạch vết loét và điều trị nhiễm trùng, sau đó lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương để kiểm tra.

Bác sĩ Nguyễn Giang Nam, Phó Trưởng khoa Điều trị ban ngày - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, chị L vào viện trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng vùng cổ, vết loét sâu, dài, mưng mủ, kích thước khối bướu cổ khá lớn. Đặc biệt, xuất hiện vết sẹo lồi chằng chịt sau quá trình đắp thuốc không rõ nguồn gốc.

Để khắc phục, chị L. sẽ được theo dõi và điều trị dứt điểm các vết tổn thương cũ, sau đó mới có thể tiến hành phẫu thuật lấy khối u ra được.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những trường hợp bị các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà hay nghe người khác mách bảo dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc (An ninh thủ đô, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang