Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/9/2020

  • |
T5g.org.vn - Điều phối thuốc giải độc Botulinum vào phía Nam; 20 học sinh và 2 giáo viên ở TP.HCM nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm; Ba trường hợp mắc Covid-19 sau khi nhập cảnh; Ban hành khẩn nhiều quy định mới về đấu thầu thiết bị y tế để tránh “thổi giá"; Cứu sống thai nhi 31 tuần tuổi bị bỏ rơi sau ca phá thai

 

Điều phối thuốc giải độc Botulinum vào phía Nam

Liên quan tới vụ việc pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum khiến một số người bị ngộ độc nặng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết các bác sĩ vừa hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện, lựa chọn chỉ định theo tình trạng của bệnh nhân, nhằm điều phối thuốc kháng độc tố Botulinum từ Hà Nội (do Tổ chức Y tế thế giới viện trợ) vào các tỉnh, thành phía Nam. Trong đó, 6 lọ thuốc đã được điều phối cho 6 bệnh nhân nặng ở phía Nam. Theo phác đồ điều trị, các bệnh nhân nhẹ hơn không phải dùng thuốc và số thuốc còn lại sẽ được dự trữ cho các bệnh nhân sắp tới.

Ngay khi về tới TPHCM, các loại thuốc giải độc được giao cho đơn vị quản lý dược của Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một liều thuốc giải độc tố Botulinum do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân nặng. “Ngay sau khi nhận được thuốc, Khoa Bệnh nhiệt đới đã truyền thuốc cho bệnh nhân N.N.D. (54 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải thở máy và đang tiếp tục theo dõi sau truyền thuốc”, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết.

Để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum, Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum. Thời gian thở máy của bệnh nhân cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng hồi phục. Bộ Y tế đề nghị người dân chủ động chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận; thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (như sữa chua không còn vị chua bình thường)… Lực lượng chức năng tại 30 quận huyện của Hà Nội cũng đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm chay, siêu thị, chuỗi nhà hàng chay. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, qua kiểm tra 93/126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện và xử lý 14 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo quản thực phẩm chưa bảo đảm theo quy định. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị UBND quận huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát và thông báo đến khách hàng không sử dụng những sản phẩm thực phẩm của Công ty Lối Sống Mới đã mua (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

20 học sinh và 2 giáo viên ở TP.HCM nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Tính đến chiều 13.9, có 20 học sinh và 2 giáo viên trên địa bàn Q.2 được đưa vào Bệnh viện Q.2 với biểu hiện sốt, nôn ói, tiêu chảy… nghi ngộ độc thực phẩm.  Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Q.2, cho biết sk các học sinh và 2 giáo viên đều đã ổn định, có thể xuất viện.

Theo báo cáo của Phòng Y tế Q.2, sáng 11.9 các học sinh Trường tiểu học Bình Trưng Đông (P.Bình Trưng Đông, Q.2) có ăn bún riêu, nui xào thịt bằm ở căn tin trường; buổi trưa ăn bánh canh tôm, thịt, tráng miệng mận; ăn xế là bánh su kem. Sang chiều tối 12.9 và sáng 13.9, một số em mới xuất hiện các triệu chứng như trên nên nhập viện. Hiện các mẫu thức ăn lưu tại trường này đã được các cơ quan chức năng Q.2 niêm phong, đồng thời lấy mẫu nước uống từ bình lọc, nước đóng bình, nước chế biến thực phẩm và gửi xét nghiệm vào ngày 14.9. Phòng Y tế Q.2 đã làm việc với Bệnh viện Q.2 lưu ý việc nuôi cấy và xét nghiệm vi sinh các mẫu bệnh phẩm của các hs để xác định nguyên nhân.

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo UBND Q.2 cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND Q.2 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung tích cực khám, điều trị tốt nhất, kịp thời cho các học sinh. Đại diện UBND Q.2 cũng đã thăm hỏi sức khỏe các trẻ đang ở bệnh viện, đồng thời vận động phụ huynh đưa con em học ở Trường tiểu học Bình Trưng Đông đến bệnh viện thăm khám để đảm bảo sức khỏe (Thanh niên, trang 4).

 

Ba trường hợp mắc Covid-19 sau khi nhập cảnh

Ba ca Covid-19 mới vừa được ghi nhận tại Việt Nam là người trở về từ Nga ngày 10-9 và được cách ly tập trung tại Phú Yên ngay sau khi nhập cảnh. Các ca bệnh được ghi nhận chiều nay gồm: BN1061, nữ, 23 tuổi, có địa chỉ tại Phan Đình Phùng, Nam Định; BN1062, nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại  Phường 2, Quận 8, TP Hồ Chí Minh; BN1063, nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại  Trung Môn, Yên Sơn, Tuyên Quang. Cả ba bệnh nhân từ Nga trên chuyến bay VN5062 về sân bay Cam Ranh ngày 10-9 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Trung đoàn BB 888, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Kết quả xét nghiệm ngày 13-9 của các bệnh nhân là dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Viện Pasteur Nha Trang. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

Tính đến 18 giờ ngày 13-9, Việt Nam đã có tròn 11 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, vẫn dừng ở con số 691 ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.299 người. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, chiều nay có tám bệnh nhân được công bố khỏi bệnh bao gồm: Năm bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: BN473, BN965, BN1017, BN478 và BN917; Ba bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam: BN788, BN627 và BN928. Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 918 ca bệnh. Trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 54 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2 (Nhân dân, trang 8).

 

Ban hành khẩn nhiều quy định mới về đấu thầu thiết bị y tế để tránh “thổi giá"

Tại hội nghị triển khai thực hiện Thông tư số 14/2020/TT-BYT về đấu thầu TTBYT do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến tới tất cả 63 tỉnh/ thành vào ngày 12-9, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, quy định về đấu thầu TTBYT hiện nay còn có nhiều kẽ hở, đã làm nảy sinh một số vụ việc tiêu cực. Cụ thể, các quy định về đấu thầu, mua sắm TTBYT hiện được thực hiện theo các quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan về đấu thầu và các hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

Tuy nhiên, do TTBYT là mặt hàng đặc thù nên việc quy định đấu thầu như một loại hàng hóa thông thường kể trên gây ra nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện và quản lý. Vì thế, Bộ Y tế đã bổ sung quy định và điều chỉnh tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT về đấu thầu TTBYT, với nhiều điểm mới như sau:

- Thực hiện việc phân nhóm đối với TTBYT và việc dự thầu vào các nhóm của gói thầu để các cơ sở y tế có thể thêm cơ sở lua chọn. - Quy định rõ về điều kiện của TTBYT tham dự thầu, trách nhiệm của các nhà cung cấp liên quan đến công tác bảo hành, bảo trì và cung cấp phụ kiện, vật tư thay thế để đảm bảo hiệu quả sử dụng, đầu tư các TTBYT; từ đó tránh tình trạng mua bán lòng vòng, đẩy giá TTBYT như một số vụ việc vừa phát hiện.

- Quy định minh bạch mẫu xây dựng cấu hình, tính năng kỹ thuật và các yêu cầu về tính pháp lý đối với TTBYT khi tham dự thầu.

- Thực hiện việc công khai, minh bạch kết quả lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở đó các đơn vị có thể tham khảo về giá trúng thầu được công bố để lập dự toán giá gói thầu và đồng bộ với việc tham khảo giá trên Cổng thông tin công khai giá TBYT được Bộ Y tế công khai từ ngày 9-9-2020 để các đơn vị có thêm kênh tra cứu, tham khảo khi lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn TTBYT phù hợp.

Ngoài ra, Thông tư số 14/2020/TT-BYT cũng nhấn mạnh, TTBYT là loại hàng hóa đặc thù, việc mua sắm tại các cơ sở y tế cần tăng cường vai trò tham mưu của Phòng vật tư TBYT hoặc bộ phận quản lý TTBYT và Hội đồng khoa học tại cơ sở cũng như trách nhiệm của thủ trường các cơ sở y tế với vai trò là chủ đầu tư (An ninh thủ đô, trang 14).

 

Cứu sống thai nhi 31 tuần tuổi bị bỏ rơi sau ca phá thai

Bác sĩ Thái Bằng Giang - trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho hay em bé kể trên vào viện tối 4-7, sau khoảng 30 phút chào đời. Khi đến bệnh viện, toàn thân bé tím đen, ngưng tim, ngưng thở, ngưng tuần hoàn. Những người đưa bé đến là những tình nguyện viên chuyên giải cứu các em bé sau ca phá thai to. 

Đêm đầu tiên trôi qua rất khó khăn: bé được cấp cứu có tim trở lại, được cho thở máy, bơm thuốc hỗ trợ phổi, nhưng rồi sau 4 giờ, tình trạng của bé xấu dần, bác sĩ phải cho bé thở máy thở cao tần, là loại thiết bị hiện đại nhất hiện có để hỗ trợ thở cho các bé sơ sinh.

Bé được thở máy thở cao tần trong 5 ngày và may mắn diễn biến của bé đã tốt dần: chuyển sang máy thở thông thường, rồi thở hỗ trợ áp lực, rồi thở ôxy... 

Theo bác sĩ Giang, sau 2 tháng 1 tuần điều trị, hiện bé đã nặng 2,6kg, tự thở, hồng hào, tỉnh táo và có thể được chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội trong những ngày tới đây. 

Thông thường bé sinh non nặng dưới 2kg có thể gặp những khó khăn như tăng sinh võng mạc dẫn đến mù lòa hoặc giảm thị lực, nhưng bé sơ sinh này qua thăm khám không phát hiện bất kỳ tổn thương nào ở mắt.

Thời gian qua, Bệnh viện Xanh Pôn liên tiếp cấp cứu những bé sơ sinh đặc biệt, như em bé bị bỏ rơi hơn 40 giờ ngoài trời nắng, bé sơ sinh bị bỏ rơi ở khe tường và bé đặc biệt này, đã có 2 trong số 3 bé được cứu sống (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Đề nghị truy tố 10 bị can vụ CDC Hà Nội nâng khống giá thiết bị chống dịch

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ gian lận giá trị mua sắm hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 xảy ra tại CDC Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Theo đó, có 10 bị can trong vụ án này bị đề nghị truy tố về tội danh tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm:

Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963), Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/ dịch vụ CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979), Trưởng phòng Tài chính kế toán; Ủy viên Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/ dịch vụ CDC Hà Nội; Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1973), Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ CDC Hà Nội; Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 1975), Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội;

Hoàng Kim Thư (SN 1987, Kế toán trưởng, Phó trưởng Phòng Tài chính Kế toán CDC Hà Nội); Lê Xuân Tuấn (SN 1982), nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; Nguyễn Ngọc Nhất (SN 1986), nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985), nhân viên công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông; Đào Thế Vinh (SN 1975), Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); và Nguyễn Trần Duy (SN 1980), Tổng Giám đốc, Thẩm định viên về giá Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.

Theo kết luận điều tra, khi Hà Nội tăng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm SARS-CoV-2. Quá trình thực hiện, CDC Hà Nội liên kết với Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông để mua vật tư theo hình thức chỉ định thầu. Theo kết quả điều tra, giá của hệ thống thiết bị khi nhập về Việt Nam khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị can ở CDC Hà Nội cùng với các công ty đã cấu kết nâng khống giá vật tư cao gấp 3 lần. Theo định giá của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Nhật Cảm và 9 bị can phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục hậu quả và nộp lại số tiền chiếm đoạt. Ngoài ra, kết quả điều tra cho thấy cơ quan chức năng không đủ căn cứ chứng minh cựu Giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm tư lợi trong việc thỏa thuận trích % trị giá gói thầu. Trước đó, ngày 22-4, cơ quan điều tra khởi tố vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, đồng thời khởi tố 7 bị can. Đến ngày 1-9, CQĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố thêm 3 bị can (An ninh thủ đô, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang