Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19
Ngày 14-4, các Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 đã diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Các Hội nghị lần đầu được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhằm thích ứng bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Trong bối cảnh cả thế giới căng sức chống chọi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới sức khỏe và đời sống của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, việc ASEAN tổ chức các Hội nghị đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19 càng thể hiện trách nhiệm của các nước thành viên và đối tác của ASEAN đóng góp vào nỗ lực chung nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu. Là tổ chức đóng vai trò trung tâm ở khu vực, trải qua tiến trình hơn năm thập niên hình thành và phát triển với sức mạnh đoàn kết luôn được củng cố trước những thách thức, ASEAN tiếp tục thực thi sứ mệnh là mái nhà chung, là điểm tựa cho các nước thành viên vượt qua thử thách. Các quốc gia ASEAN quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời phối hợp tốt với các đối tác và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh hiện nay.
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, lại bừng sáng lên tinh thần của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn. Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định, đoàn kết chính là sức mạnh giúp ASEAN chiến thắng đại dịch. Thừa nhận những thách thức chưa từng có do dịch Covid-19, ASEAN cam kết dành ưu tiên cao nhất cho việc phối hợp kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan và chú trọng các biện pháp nhằm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các nước ASEAN cũng nhất trí xây dựng kế hoạch hợp tác sau dịch bệnh, nhằm sớm ổn định cuộc sống của người dân và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng ba đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhấn mạnh về kết quả hợp tác ASEAN+3 trong ứng phó hiệu quả những thách thức về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...; khẳng định tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, chung tay hợp tác để vượt qua giai đoạn đầy thử thách vì dịch bệnh hiện nay. Nhiều sáng kiến, đề xuất cụ thể được thảo luận nhằm tăng cường phối hợp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm sức khỏe và cuộc sống bình yên cho người dân, đồng thời duy trì dòng chảy thương mại, hợp tác kinh tế, vì sự phát triển năng động, bền vững của cả khu vực trong dài hạn.
Tinh thần đoàn kết và hợp tác đã được khẳng định mạnh mẽ trong những Tuyên bố được các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác đưa ra sau các Hội nghị cấp cao đặc biệt của ASEAN về ứng phó dịch Covid-19. Trong đó, ASEAN và các đối tác nhất trí nhiều biện pháp tổng thể và đồng bộ, trong Cộng đồng ASEAN và ASEAN+3, nhằm duy trì đà hợp tác và liên kết, đưa ASEAN và khu vực vượt qua thời kỳ dịch bệnh.
Chủ trì các Hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19, Việt Nam đã thể hiện rõ nét vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 với tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", thúc đẩy đồng thuận trong ASEAN, góp phần củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường tinh thần gắn kết, tương trợ lẫn nhau và nâng cao tính chủ động của Hiệp hội trước những thách thức và bối cảnh mới. Thành công trong việc tổ chức các hội nghị cấp cao của ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 khẳng định chủ trương của Ðảng, Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, ứng phó hiệu quả các thách thức, trong đó có thách thức phi truyền thống như dịch Covid-19.
Các Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 đã thành công tốt đẹp, thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất của ASEAN về tăng cường đoàn kết nội khối, hợp tác với các đối tác và cộng đồng quốc tế nhằm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách vì dịch bệnh hiện nay (Nhân dân, trang 1).
Đề xuất phân loại địa phương khi kéo dài cách ly xã hội
Ngày 14.4, nhóm các nhà KH, chuyên gia công nghệ đã làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid- 19 (Ban Chỉ đạo) để hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách ly XH” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, sau ngày 15.4.
Nhóm chuyên gia do Ban Chỉ đạo tổ chức có khoảng 300 tình nguyện viên, gồm cán bộ một số bộ, viện nghiên cứu, ĐH, doanh nghiệp, sinh viên ở trong nước và nước ngoài. Theo đó, từ đầu tháng 3, nhóm đã nghiên cứu, xây dựng, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, TP. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương.
Các địa phương được phân theo 3 nhóm: nguy cơ cao, có nguy cơ, nguy cơ thấp. Các chuyên gia đã tập trung rà soát nhóm được dự báo là nguy cơ cao, đề xuất cần tiếp tục áp dụng cách ly xã hội như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện “nới lỏng”. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ của từng địa phương sẽ thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hằng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện, năng lực ứng phó của địa phương, đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả 3 nhóm) để Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng trong ngày hôm nay (15.4). Theo đó, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm: yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa KD các dịch vụ vui chơi, giải trí…
Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển KT-XH của chính quyền, những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng. Ngoài các biện pháp quy định chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tính kỷ cương trong phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Nếu các biện pháp cơ bản đó được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát sẽ giảm đáng kể. Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, các địa phương cần sớm phân công đầu mối (cán bộ thuộc sở y tế) để cập nhật dữ liệu và sẵn sàng thực hiện truy vết khi xuất hiện ca bệnh trên địa bàn. Nhóm chuyên gia sẽ kết nối, hướng dẫn để hình thành mạng lưới phản ứng đều khắp trên cả nước. Khi dữ liệu được cập nhật, các địa phương có thể phân mức độ nguy cơ tới quy mô quận, huyện và nhỏ hơn để có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp, linh hoạt, hiệu quả (Thanh niên, trang 3).
Nhiều cảnh báo từ ca bệnh Covid-19 đã khỏi rồi lại dương tính
Theo các chuyên gia, từ câu chuyện của BN thứ 22, các địa phương cần chủ động thực hiện xét nghiệm đối với những người đã khỏi bệnh, cách ly theo dõi 14 ngày. Cụ thể, theo thông tin ban đầu, nam bệnh nhân (BN) thứ 22 (người Anh) được điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng từ 8 - 27.3. BN được xét nghiệm 3 lần âm tính và cũng đã thực hiện cách ly 14 ngày sau khi xuất viện.
Ngày 10.4, BN đi cùng bạn (BN 23) từ Đà Nẵng vào TP.HCM trên chuyến bay VN125. BN 22 được lấy mẫu sàng lọc tại sân bay; đến ngày 11.4 thì xuất cảnh về Anh. Sáng 13.4, kết quả xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới xác định BN 22 dương tính trở lại với vi rút. Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã kiểm tra, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm 50 người tiếp xúc với BN này. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 14.4, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, xác nhận có 23 nhân viên y tế, phục vụ khách sạn và lái xe có tiếp xúc gần với BN đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính; nhóm 25 người phục vụ và nhân viên an ninh trên chuyến bay đi TP.HCM trở về Đà Nẵng cũng được lấy mẫu xét nghiệm, đến chiều qua 14.4 cũng cho kết quả âm tính.
Chưa thể khẳng định tái nhiễm
Tối 14.4, Bộ Y tế cho biết cơ quan chuyên môn của TP.HCM và Đà Nẵng đang cùng phối hợp để xem xét kỹ về trường hợp này. Các đơn vị xét nghiệm sẽ có đối chiếu về kết quả, đặc điểm của vi rút gây bệnh (khi điều trị tại Đà Nẵng) và đặc điểm vi rút trong lần xét nghiệm sau, khi BN xuất cảnh về nước. Nếu cả hai lần nhiễm đều cùng một týp vi rút thì có thể xác định BN 22 tái nhiễm. Nếu týp vi rút SARS-CoV-2 mà BN bị nhiễm lần 2 khác với lần 1 thì có nghĩa BN 22 nhiễm bệnh do tác nhân khác, không do tái nhiễm.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết tại BV đã điều trị cho rất nhiều ca, trong đó có một số ca đang dương tính rồi chuyển sang âm, rồi 1 - 2 ngày chuyển sang dương tính nhẹ, rồi chuyển sang âm tính… Có ca chuyển âm - dương nhiều ngày kéo dài đến 10 ngày. “Vi rút tồn tại trong đường hô hấp khá lâu rồi mới âm tính hẳn. Do vậy, có nhiều trường hợp phải điều trị kéo dài dù BN không có triệu chứng, khỏe và BV phải làm xét nghiệm liên tục một tuần (ngày nào cũng lấy mẫu làm xét nghiệm) và nguyên một tuần âm tính mới chắc chắn là âm tính thì mới dám cho về nhà”, TS-BS Vĩnh Châu nói.
Trong khi đó, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, người bị nhiễm SARS-CoV-2 khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn phát tán vi rút, nhưng một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang vi rút (có thể lây bệnh), dù không có triệu chứng nhưng trong người có vi rút. Còn trường hợp tái nhiễm ngay cho tới nay chưa thấy, vì miễn dịch cơ thể có thể phòng bệnh 6 - 12 tháng, thậm chí 18 tháng.
Người Châu Âu mang bệnh nặng hơn
Cũng theo Bộ Y tế, các nghiên cứu ban đầu tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) đã cho thấy có sự khác biệt rõ giữa vi rút phân lập được từ bệnh phẩm của BN Covid-19 hồi đầu vụ dịch (là các ca bệnh về từ một số nước châu Á) với vi rút được thấy trên bệnh phẩm của BN về từ các nước có dịch tại châu Âu.
BS Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, tại VN đã có đủ “sắc thái” nặng - nhẹ của dịch Covid-19. Đầu tiên nhóm bệnh từ Vũ Hán về VN thì bệnh nhẹ. Những ca bệnh về từ châu Âu tới VN là nặng: thở máy, lọc máu, tim phổi nhân tạo (ECMO). Những ca bệnh lây nội tại trong nước thì nhẹ dù nhức mỏi, đau rát họng nhiều, sốt ho, nhiều ca tự lướt qua khỏi bệnh. Tuy nhiên, BS Khanh khuyến cáo biện pháp phòng ngừa không thay đổi, thậm chí càng phải bảo vệ đối tượng nguy cơ để cho vi rút lây chậm lại để dần tới mức vi rút thuần ở VN hoặc chờ tới khi có vắc xin. “Nếu số lượng người lành mang vi rút nhiều mà chúng ta bỏ qua các biện pháp phòng chống và nó lây nhiễm cho nhiều người khác thì sẽ gây cho ngành y tế nhiều khó khăn”, BS Khanh nói và khuyến cáo giờ vi rút đã tấn công vào các thành phần lao động (công nhân làm ở Samsung, người buôn bán ở chợ…). “Nếu không quyết liệt phòng ngừa ở công ty, chợ… thì không chỉ lây cho đồng nghiệp, người đi chợ mà vi rút có thể lây rất nhanh như kiểu “nhảy cóc” của quả bóng bàn. Hậu quả là xí nghiệp, công ty, chợ búa phải đóng cửa, và bị mất công ăn việc làm”, BS Khanh khuyến cáo.
“Vá” lỗ hổng phối hợp giữa các địa phương
Một vấn đề khác nảy sinh sau vụ BN 22 là đã có lỗ hổng trong phối hợp giữa CDC các địa phương. Cụ thể, khi BN 22 có thông tin dương tính (ngày 13.4), CDC Đà Nẵng hoàn toàn không nhận được bất cứ phản hồi và khuyến cáo chính thức nào từ phía CDC TP.HCM (HCDC); chỉ khi chủ động kết nối mới có được thông tin…
Ngoài ra, theo ông Tôn Thất Thạnh, hiện Bộ Y tế cũng chưa có quy định việc xét nghiệm lại sau cách ly theo dõi sk 14 ngày, đối với những trường hợp BN khỏi bệnh. “Sắp tới Đà Nẵng sẽ chủ động thực hiện xét nghiệm đối với cả BN khỏi bệnh, sau cách ly tại nhà 14 ngày. Thực ra, con số 14 ngày là con số chung về giám sát dịch cộng đồng. Còn lại mỗi ca mỗi khác, phải có hồ sơ y tế theo dõi sát sao đối với những trường hợp nào nghi ngờ về sức khỏe”, ông Thạnh nói.
Trong khi đó, để phòng chống các trường hợp khỏi bệnh tái nhiễm trở lại có thể lây lan cho cộng đồng, HCDC đã tiến hành theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các BN Covid-19 khỏi bệnh về cách ly tại nhà. Hiện HCDC đã lập hồ sơ theo dõi 25 ca, trong đó 20 ca đã lấy mẫu xét nghiệm (6 ca âm tính, 14 ca đang chờ kết quả); 5 ca chờ đến ngày lấy mẫu xét nghiệm (Thanh niên, trang 4).
Nhà thuốc phải hướng dẫn người bị ho sốt khai báo y tế
Cục Quản lý dược vừa có công văn hỏa tốc gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, đề nghị các sở y tế chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc) trên địa bàn thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch covid- 19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong quá trình hành nghề như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách với người mua thuốc... và tuyên truyền cho người dân đến mua thuốc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng chống dịch.
Trường hợp bán thuốc không kê đơn, nhân viên bán lẻ cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước của quy trình bán thuốc, thông tin, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn, khai thác rõ tiền sử bệnh của người mua thuốc. Trường hợp người mua thuốc có các triệu chứng sốt, ho, khó thở…, cần phải hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn thêm. Đồng thời, cơ sở bán lẻ thuốc báo cáo cho cơ quan y tế chức năng trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh để tiến hành theo dõi, giám sát.
Cục cũng đề nghị các sở y tế tiếp tục đẩy mạnh việc liên thông kết nối nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn và thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm việc duy trì thực hiện nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan chức năng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở bán lẻ thuốc (Thanh niên, trang 15).
Chung sống với covid- 19 bằng bộ tiêu chí an toàn
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị UBND TPHCM phối hợp với các sở - ngành xây dựng bộ tiêu chí an toàn với dịch Covid-19. Bên cạnh tiêu chí cho doanh nghiệp, cho bệnh viện thì trường học, công sở, khách sạn, cơ sở ăn uống, siêu thị, cảng hàng không, ga xe lửa, bến xe buýt hay các hoạt động đông người... cũng phải có bộ tiêu chí. Việc này để đời sống xã hội trở lại bình thường nhưng an toàn với dịch bệnh.
Chiều 14-4, đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đến thăm, động viên các đơn vị đã tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Tham dự cùng đoàn có đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy; Phan Thanh Tân, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT, Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM.
Xây dựng bộ tiêu chí an toàn với Covid-19
Tại Sở Y tế, thay mặt đoàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của ngành y tế đã góp phần giữ TPHCM an toàn với dịch bệnh. Theo đồng chí, TPHCM là nơi có nhiều người nước ngoài đến nhưng lúc cao điểm nhất (ngày 28-3) thì TPHCM cũng chỉ điều trị 42 bệnh nhân mắc Covid-19. Số bệnh nhân cần điều trị hiện nay chỉ còn vài người.
Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, kết quả trên đến từ việc lãnh đạo TPHCM lắng nghe ý kiến chuyên môn của ngành y tế; đồng thời, ngành y tế cũng nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo TPHCM trong triển khai thực hiện các biện pháp chuyên môn, từ đó mang lại hiệu quả xã hội cao.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích, một trong những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh là việc TPHCM sớm phát hiện ca mắc, tổ chức khoanh vùng và thực hiện cách ly kịp thời những trường hợp có nguy cơ. Trong đó, TPHCM chủ động tổ chức cách ly với tỷ lệ lớn (1 người mắc thì cách ly 222 người), bố trí cách ly hiệu quả (nên không dẫn đến lây nhiễm chéo) đã góp phần kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan.
Về kế hoạch sắp tới, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, hoạt động sản xuất sẽ phải trở lại, cuộc sống của người dân cũng sẽ phải trở lại bình thường. Song, trong bối cảnh chưa có vaccine phòng ngừa thì khi chuyển sang giai đoạn mới, mỗi một cơ quan, đơn vị phải có bộ quy tắc ứng xử để thích ứng với dịch bệnh. Hiện nay, trong sản xuất, các doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá theo bộ tiêu chí do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM ban hành, nếu an toàn mới được sản xuất.
Tương tự, các bệnh viện cũng tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác khám, chữa bệnh nhưng không xảy ra nguy cơ lây nhiễm.
Do đó sắp tới, các trường học, công sở, khách sạn, cơ sở ăn uống, siêu thị, cảng hàng không, ga xe lửa, bến xe buýt hay các hoạt động đông người (xem xiếc, xem phim…)... cũng phải có bộ tiêu chí an toàn với dịch Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TPHCM làm việc với các sở - ngành để xây dựng bộ tiêu chí an toàn với dịch Covid-19 cho ngành, cho các đơn vị đặc thù. Việc này nhằm đảm bảo chung sống an toàn với dịch Covid-19.
Trước đó, báo cáo với đoàn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, thông tin tóm tắt về tình hình dịch bệnh tại TPHCM. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn đã được Bộ Y tế công bố là 54 ca, trong đó có 35 ca nhập cảnh (chiếm 64,8%) và 19 ca phát hiện từ cộng đồng (chiếm 35,2%). Trong ngày 14-4 có 5 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca đã xuất viện lên 45 và hiện còn 9 ca đang tiếp tục điều trị.
Từ ngày 3-4 đến nay, tại TPHCM cơ bản không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao, trong khi phần đông người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Người đứng đầu ngành y tế TPHCM cũng chỉ rõ nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng sẽ lây lan cho nhiều người như bệnh nhân 262 (công nhân của Công ty Samsung tại Bắc Ninh). Ngoài ra, việc giao thương đi lại từ Hà Nội và các tỉnh - thành vào TPHCM vẫn còn nhiều, với khoảng 1.000 người vào TPHCM/ngày.
Vì vậy, Sở Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như của TPHCM và không lơi lỏng, chủ quan trong thực thi các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất cho đến ngày 30-4.
Cùng với đó, tiếp tục giám sát các cửa ngõ TPHCM, thực hiện xét nghiệm tầm soát tại Sân bay Tân Sơn Nhất, tại Ga Sài Gòn; tầm soát tại các khu lưu trú của khu công nghiệp, khu chế xuất và các nhóm đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng. Đồng thời giám sát chặt chẽ bằng xét nghiệm và tiếp tục cách ly tại nhà (đủ 14 ngày) đối với người bệnh mắc Covid-19 sau khi xuất viện; theo dõi tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm những người cách ly tập trung tại các tỉnh - thành về TPHCM.
Tuyên truyền giúp người dân hiểu và đồng lòng chống dịch
Chiều cùng ngày 14-4, đoàn đến thăm, động viên Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT).
Báo cáo với đoàn, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết, Sở phối hợp biên soạn, in ấn và cung cấp 5 triệu bản tiếng Việt, 200.000 bản tiếng Anh, 200.000 bản tiếng Hoa cẩm nang hỏi - đáp và phòng, chống dịch bệnh cùng 5 triệu tờ rơi tuyên truyền nội dung 12 việc cần phải làm ngay và 6 điều cần làm để hướng dẫn người dân phòng, chống dịch Covid-19 (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Tập trung ngăn chặn dịch lây lan từ Hạ Lôi
Ngày 14-4, liên quan tình hình dịch Covid-19 tại ổ dịch thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mê Linh đã rà soát được 797 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh từ ngày 20-3 đến nay. UBND huyện Mê Linh đang yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục rà soát và có biện pháp kiểm tra sức khỏe, tuyên truyền, vận động người dân tự cách ly y tế tại nhà và có sự giám sát của cán bộ y tế. Tính đến nay, trên địa bàn thôn Hạ Lôi đã ghi nhận 12 người mắc Covid-19, trong đó nhiều bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 243 làm nghề buôn bán hoa và đi lại nhiều tại chợ hoa Mê Linh. Ngoài ra, qua xét nghiệm và rà soát y tế, cơ quan chức năng phát hiện gần 1.400 trường hợp F1 và F2; tất cả đang được cách ly y tế tại khu tập trung của TP Hà Nội, tại nhà và kiểm soát dịch tễ nghiêm ngặt.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cùng 10 đội y tế các quận huyện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh virus gây bệnh Covid-19 đối với hơn 400 hộ dân (khoảng hơn 2.000 người) tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ ổ dịch Hạ Lôi sang các thôn, xã khác. Theo ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, địa phương đang lên phương án cách ly thêm thôn Liễu Trì vì người dân tại thôn này có mối quan hệ giao thương buôn bán rất nhiều với thôn Hạ Lôi, nơi có đến 70% tổng số ca F1 hiện được rà soát.
Ngày 14-4, liên quan tới trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 262 (ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) là công nhân Công ty Samsung Display (ở Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay đã xác định được 177 trường hợp có tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân thứ 262 và 525 trường hợp tiếp xúc F2. Cơ quan y tế đã lấy mẫu các trường hợp tiếp xúc để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhưng chưa có kết quả. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngoài số lượng người tiếp xúc F1, F2 lớn thì bệnh nhân 262 có thời gian sinh hoạt buổi trưa ở nhà ăn có sức chứa 1.000 người mỗi tầng và di chuyển nhiều lần liên tiếp bằng xe buýt của công ty. Do đó, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục rà soát những người có tiếp xúc với bệnh nhân 262 và tiến hành khử khuẩn tại những nơi liên quan tới trường hợp này (Sài Gòn giải phóng, trang 7).