Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/8/2018

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế: “Phải rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh”; Dịch sởi tăng theo chu kỳ, lo ngại bùng phát cuối năm 2018; Cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiếm nguy kịch

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: “Phải rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh”

Ngày 13/8, sau khi thị sát thực tế khám chữa bệnh tại BV Chợ Rẫy và BV ĐH Y dược TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi họp chỉ đạo các bệnh viện phải có những giải pháp để người dân không phải chờ đợi lâu.

Sáng 13/8, tại BV Chợ Rẫy, Bộ trưởng Y tế cùng đoàn công tác đã đến thăm khu ngoại trú, nơi đang có hàng nghìn bệnh nhân ngồi chờ khám. Bộ trưởng đã tiếp xúc với một số người bệnh, ân cần thăm hỏi và có những ý kiến chỉ đạo trực tiếp với ban giám đốc bệnh viện nhằm cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.

Trò chuyện với Bộ trưởng, nhiều bệnh nhân (chủ yếu là bệnh nhân ngoại tỉnh) cho biết phải đi khám bệnh từ rạng sáng và chờ đợi nhiều giờ đồng hồ nhưng chưa đến lượt khám.

Đón tiếp đoàn công tác, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, quá tải là thực trạng vốn diễn ra từ nhiều năm nay tại Chợ Rẫy. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, phần lớn người bệnh là người ngoại tỉnh, lượng người đến khám đông nhất vào những sáng đầu tuần.

Trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện khám bệnh cấp cứu 755.351 ca và điều trị nội trú có gần 70.000 bệnh nhân, trung bình mỗi ngày có 2.600 bệnh nhân. Do luôn luôn quá tải nên BV Chợ Rẫy hợp tác với 13 bệnh viện khác với gần 7.000 bệnh nhân được chuyển đến điều trị trong 6 tháng đầu năm. Mỗi ngày có khoảng gần 400 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện này.

Sau khi lắng nghe báo cáo, chia sẻ tình trạng cơ sở vốn chật hẹp của bệnh viện, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện phải hạ quyết tâm giảm lượng bệnh nhân khám ngoại trú xuống dưới 5.000 trường hợp trong mỗi ngày. Cụ thể với những bệnh nhân mắc một số bệnh thông thường, ngay khi tiếp nhận, bác sĩ hướng dẫn ngay chuyển xuống khám tuyến dưới.

Tại BV Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1 trên địa bàn quận 5), Bộ trưởng cũng chứng kiến cảnh quá tải tại khu khám bệnh. Bệnh viện tràn ngập bệnh nhân ngồi đợi, nhiều người cho biết phải đi khám từ 3 giờ sáng.

Báo cáo với Bộ trưởng sau khi thị sát khu khám bệnh, PGS.TS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, hiện tổng lượt khám ngoại trú quá tải, mỗi ngày khoảng trên dưới 8.500 người. Về nội trú, bệnh viện có 900 giường ở cơ sở 1, tình trạng quá tải cấp cứu xảy ra mỗi ngày (khoảng 60 người chờ mỗi sáng), bệnh viện không bao giờ có tình trạng trống.

“Mỗi ngày bệnh viện mổ khoảng 120 trường hợp nên bác sĩ luôn mổ sớm, giảm chờ đợi. Hệ thống thư ký hành chính giúp người bệnh thanh toán viện phí, xuất viện nhanh chóng. Việc cải tiến nâng cao chất lượng đã được bệnh viện quan tâm bằng cách thực hiện lấy mẫu xét nghiệm từ 3 giờ sáng, tổ chức đăng ký khám bệnh online, khám bệnh không nghỉ trưa. Bệnh viện cũng có thư ký y khoa để tăng thời gian tiếp xúc với người bệnh. Kết quả khám bệnh, viết toa đều thực hiện trên máy tính”, BS Bình nói.

Đánh giá cao những cố gắng của BV Đại học Y dược TP.HCM trong việc áp dụng công nghệ thông tinh vào khám chữa bệnh, tuy nhiên theo Bộ trưởng, bệnh nhân vẫn còn chờ đợi quá lâu do lượng bệnh khám ngoại trú quá lớn.

“Giải pháp cần làm là chuyển bệnh nhân nội ngoại trú về tuyến dưới, không hẹn tái khám. Trừ cấp cứu, các kỹ thuật khác phải để bệnh nhân phải điều trị tuyến dưới. Bệnh nội trú cũng nên phân định rõ bệnh nào có thể nằm ở tuyến dưới. Không thể để tình trạng quá tải tuyến trên nếu bệnh nhân vượt tuyến chỉ đi khám dạ dày”, Bộ trưởng Y tế nói.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo bệnh viện phải giảm số khám ngoại trú xuống còn dưới 4.000 mỗi ngày bằng cách chuyển bệnh nhân xuống tuyến dưới. Cần mở rộng các cơ sở, phát triển ngoại tinh, kết hợp bệnh viện quận huyện…Những bệnh nhân khám lần 2 mắc bệnh lý không biến chứng có cùng phác đồ mà tuyến dưới điều trị được thì nhất định không nhận điều trị. Nhân rộng mô hình áp dụng công nghệ thông tin, tiến tới bệnh án không giấy, thu phí không tiền mặt.

Về quản lý bệnh nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần làm mọi cách để rút ngắn thời gian và đảm bảo hiệu quả, an toàn trong suốt quá trình khám chữa bệnh. Đơn cử, nên viết các phần mềm sao cho bác sĩ, điều dưỡng và cả người nhà dù không có trong phòng bệnh cũng có thể giám sát được người bệnh trong phòng hồi sức cấp cứu… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Công an nhân dân, trang 1).

 

Dịch sởi tăng theo chu kỳ, lo ngại bùng phát cuối năm 2018

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017, chưa có trường hợp nào tử vong.

Chiều nay (14-8), tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, chưa có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các trường hợp bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch và rải rác từ đầu năm. Hầu hết các trường hợp mắc sởi đã khỏi, hiện chỉ còn 28 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Về bệnh sốt xuất huyết, ghi nhận 384 trường hợp mắc, số mắc phân bố rải rác tại 144 xã, phường, thị trấn của các quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 ghi nhận 17.619 trường hợp mắc sốt xuất huyết).

Nhận định về tình hình dịch bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đối với bệnh sởi, mặc dù số mắc tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng hiện tại các ca bệnh phân bố rải rác, chưa xuất hiện ổ dịch, đa số trường hợp mắc là trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi theo quy định. Dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời.

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục tăng nhanh tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đều năm 2019. Nguyên nhân do, dịch sởi Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình thế giới, năm 2018 -2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm.

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vaccine sởi.

Hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động đến Hà Nội sinh sống, học tập làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ thuận lợi cho vi rút sởi lây lan và gây dịch.

Trước tình hình bệnh sởi có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch: tổ chức nhiều hội nghị giao ban và xin ý kiến các nhà khoa học về công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ban Giám đốc Sở thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức rà soát và tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ đủ 9 tháng đến dưới 5 tuổi, kết quả tiêm sởi mũi 1 đạt 98,6%, tiêm sởi mũi 2 đạt 97,4% góp phần khống chế sự bùng phát và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng.

Để tăng cường khả năng tiếp cận với các loại vaccine phòng bênh, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiêm chủng theo tuần tại 584 xã, phường, thị trấn, tới nay việc này đã đi vào thường xuyên và được triển khai thực hiện tốt tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Để chủ động phòng chống dịch sởi, Sở Y tế Hà Nội lưu ý các bậc phụ huynh, cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ theo quy định, vì tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất trong công tác chống dịch bệnh sởi. (An ninh thủ đô, trang 15).

 

Cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiếm nguy kịch

Ngày 14/8, PGS.TS. Ðỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết điều trị thành công cho một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Bệnh nhân Bùi Văn S. (51 tuổi, ở Hòa Bình) có tiền sử đái tháo đường túyp 2, trước vào viện 3 tuần có 1 vết xước ở chân, kèm theo sốt cao được chẩn đoán nhiễm trùng huyết, điều trị kháng sinh liều cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình 12 ngày nhưng không đỡ. Kèm theo đó, bệnh nhân xuất hiện một ổ áp xe nên được chuyển đến khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai).

Bệnh nhân S. nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm theo ổ áp xe ở đùi. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và những dấu hiệu chỉ điểm (bệnh nhân là nông dân, tiếp xúc với đồng ruộng; có tiền sử đái tháo đường; có tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng, áp xe cơ cộng với viêm phổi…) nên các bác sĩ tại khoa Truyền nhiễm đã nghĩ đến bệnh nhân bị mắc một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên Whitmore - căn bệnh bị lãng quên nhưng gần đây xuất hiện nhiều trở lại. Kết quả cấy mẫu bệnh phẩm dương tính đúng như chẩn đoán ban đầu. Bệnh nhân được chuyển phác đồ điều trị đặc hiệu theo hướng bệnh Whitmore.

Điều trị sang tuần thứ 2 nhưng bệnh nhân vẫn xuất hiện tình trạng sốt cao liên tục 39-40oC, khó thở tăng lên vì viêm đông đặc phổi lan toả, phải hỗ trợ hô hấp, thở ô xy, ngoài ra các ổ áp xe vẫn lan rộng, ăn vào xương gây viêm xương, xét nghiệm cấy máu và mủ vẫn dương tính với vi khuẩn Whitmore. Có thời điểm, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà chờ chết vì sức khoẻ suy sụp và kinh tế gia đình kiệt quệ nhưng các y bác sĩ của khoa vẫn thuyết phục gia đình và kiên trì cứu chữa cho bệnh nhân. Đến ngày thứ 26, tình trạng bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm và đáp ứng dần với điều trị. Với việc điều trị tích cực và phối hợp của nhiều chuyên khoa, đến ngày điều trị thứ 37, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt. Sau gần 2 tháng nằm điều trị bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường, đây là một trong những ca Whitmore nặng nguy kịch, diễn biến kéo dài nhiều lúc tưởng chừng bó tay nhưng cuối cùng đã thành công nhờ sự kiên trì, quyết tâm điều trị và sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa trong bệnh viện.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. (Tiền phong, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang