Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện hướng dẫn cách để không 'sập bẫy' thông báo "con cấp cứu cần chuyển tiền gấp"; Rà soát toàn diện, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Rà soát giải quyết hết các vướng mắc đấu thầu y tế…

 

Bệnh viện hướng dẫn cách để không 'sập bẫy' thông báo "con cấp cứu cần chuyển tiền gấp"

Sau khi nhập số tài khoản và ngân hàng thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng là tên của Bệnh viện sẽ hiện lên. Với những số tài khoản không hiển thị tên đơn vị thụ hưởng là Bệnh viện thì cần phải cảnh giác ngay. Những ngày gần đây, thông tin lừa đảo "con đang nằm viện, chuyển tiền gấp để nhập viện/phẫu thuật" đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Khi "tin dữ" ập đến, có không ít những bậc cha mẹ vì quá lo sợ nên đã dễ dàng "sập bẫy" của những kẻ lừa đảo.

Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên, khi mọi người nhận được thông tin từ những kẻ lừa đảo, trước hết cần bình tĩnh để xác minh kỹ càng hơn. Thay vì nghe cuộc điện thoại đó và chuyển tiền thì cần xác minh lại với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, ban phụ huynh trước khi thực hiện các giao dịch tài chính.

Về phía các bệnh viện, có nhận viện phí từ hình thức chuyển khoản hay không? Việc chuyển tiền/nộp tiền trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân, sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo tính an toàn, tránh được những rủi ro không mong muốn?

Theo bà Trần Thị Thơm, Phòng Hành chính – Kế toán – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại các bệnh viện sẽ đều có tài khoản riêng. Khi nộp viện phí bằng hình thức chuyển khoản, sau khi nhập số tài khoản và ngân hàng thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng sẽ hiện lên (vd: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…), như vậy chứng minh được số tiền chuyển đi sẽ vào tài khoản của bệnh viện. Còn với những số tài khoản không hiển thị tên đơn vị thụ hưởng là bệnh viện thì cần phải cảnh giác ngay.

Về quy trình nộp tiền cho bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Thơm cho hay, trong trường hợp có người nhà đi cùng, tại khoa cấp cứu, điều dưỡng sẽ in giấy tạm ứng ký quỹ và hướng dẫn người nhà đi ra phòng kế toán (điểm thu viện phí) để nộp tiền. Còn nếu bệnh nhân cần cấp cứu mà không có người nhà đi cùng thì việc cấp cứu cho bệnh nhân vẫn sẽ được ưu tiên.

"Vì cứu người là hàng đầu, không có bệnh viện nào bỏ mặc bệnh nhân đang cần cấp cứu chỉ vì chưa nộp tiền cả. Sau khi cấp cứu cho bệnh nhân, nếu vẫn chưa có thông tin người nhà để liên hệ thì chúng tôi sẽ nhờ đến Phòng công tác xã hội, hoặc đưa lên cổng thông tin của bệnh viện, hay các phương tiện thông tin đại chúng để tìm người nhà cho bệnh nhân", bà Thơm chia sẻ.

Bà Thơm cũng cho hay, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đều có 3 hình thức để nộp tiền viện phí, bao gồm chuyển khoản, quẹt thẻ ATM hoặc nộp tiền mặt. Trong trường hợp chuyển khoản, ngoài việc để ý tên đơn vị hưởng thụ để xác minh chính xác nơi cần nộp tiền thì người nhà bệnh nhân cũng cần ghi rõ thông tin của bệnh nhân (Họ và tên, năm sinh, nhà/khoa bệnh…).

"Với những trường hợp như các cụ già chăm nhau tại bệnh viện mà không đủ tiền nộp viện phí, muốn con cháu ở quê chuyển khoản giúp, chúng tôi sẽ trực tiếp dùng điện thoại của người bệnh để gọi, hướng dẫn trực tiếp cho người nhà bệnh nhân ở quê cách thức chuyển khoản vào tài khoản của bệnh viện. Như vậy sẽ giúp cho bệnh nhân bớt lúng túng và cũng tránh được những rủi ro không đáng có", bà Thơm nói.

Bà Thơm cũng cảnh báo thêm, tại nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai đã từng xảy ra trường hợp người xấu giả làm nhân viên bệnh viện để nhận giúp bệnh nhân đi nộp tiền. Bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa giấy tờ và tiền để đi nộp hộ, không ít bệnh nhân và người nhà đã "dính bẫy", đến khi được bệnh viện thông báo chưa nộp tiền viện phí thì mới "ngã ngửa". Chính vì thế bệnh nhân và người nhà cũng cần hết sức cảnh giác với người lạ, cần trực tiếp đến điểm thanh toán viện phí để nộp tiền, hoặc chuyển khoản vào số tài khoản có hiển thị tên đơn vị thụ hưởng là bệnh viện đang khám và điều trị.

Về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cũng cho biết, trước khi thực hiện ca mổ hay thủ thuật nào, người bệnh hoặc thân nhân chịu trách nhiệm y khoa như bố, mẹ, con… cũng phải kí vào giấy cam kết phẫu thuật - thủ thuật. Đây là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lí trong hồ sơ bệnh án. Do đó, một người lạ thì không thể thay mặt gia đình ký cam kết vì khi ký cũng phải có giấy tờ pháp lý để xác minh.

"Nguyên tắc của ngành y là 'cứu người như cứu hỏa' nên không bao giờ có chuyện phải nộp tiền thì người bệnh mới được cấp cứu. Khi bệnh nhân nhập viện chúng tôi sẽ yêu cầu kê khai những thông tin cơ bản như họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ. Đối với việc đóng viện phí không bao giờ là bắt buộc ngay lập tức, càng không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc chữa hay không chữa cho bệnh nhân", PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Rà soát toàn diện, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã hết sức cố gắng, "xông pha"...
Ngày 14/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Dự buổi làm việc về phía Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn giám sát; các thành viên và khách mời đoàn giám sát.

Về phía các bộ, ngành có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và lãnh đạo các Bộ, ngành: Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…

Y tế cơ sở, y tế dự phòng đóng góp quan trọng vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân

Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định- Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", nếu làm tốt được hai khâu này thì ngành y tế sẽ hoạt động hiệu quả và làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những năm qua y tế cơ sở, y tế dự phòng ở Việt Nam có nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trải qua đợt "thử thách" chưa từng có, đây là dịp để đánh giá những lợi thế cũng như bất cập của y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, trình bày báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2017 - 2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở tương đối đầy đủ, bảo đảm tính phù hợp, khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp, tất cả các huyện đều có trung tâm y tế huyện/bệnh viện huyện đóng trên địa bàn; 100% xã có trạm y tế xã. Trên 80% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc tại trạm.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: Y tế cơ sở luôn giữ vai trai trò, vị trí là tuyến y tế trực tiếp, gần dân nhất, đóng vai trò trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo đảm cho mọi người dân luôn được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp. Trên 80% người dân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và huyện. Tỷ lệ người dân khám chữa bệnh tại bệnh viện huyện và xã chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến (trên 70%).

"Việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã làm tăng tính tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến cơ sở. Vai trò của y tế cơ sở ngày càng được khẳng định trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Đối với y tế dự phòng, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong khống chế dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, ngăn chặn đẩy lùi và thanh toán như COVID-19, Ebola, Mers-CoV trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1) được thế giới đánh giá cao.

Việt Nam được công nhận loại trừ bênh giun chỉ bạch huyết; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0.3% và giảm người nhiễm mới bền vững trong 5 năm qua; Việt Nam giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng được ưu tiên như bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Những khó khăn, tồn tại hiện hữu của y tế cơ sở và y tế dự phòng

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu một số bất cập trong cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở như công tác chăm sóc sức khỏe đang tập trung nhiều tới điều trị cho người bị bệnh tại các cơ sở y tế, chưa thực hiện tốt việc quản lý các yếu tố nguy cơ, sàng lọc phát hiện bệnh sớm cũng như quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã.

Năng lực cung ứng dịch vụ y tế của y tế cơ sở còn hạn chế; nhân lực y tế tại tuyến cơ sở thiếu các chức danh như bác sỹ, y học cổ truyền, dược sỹ trung học. Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở, mô hình tổ chức, mô hình quản lý các trung tâm y tế huyện, bất cập trong cơ chế chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế…

Về y tế dự phòng, Lãnh đạo Bộ Y tế nêu một số tồn tại, hạn chế như, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi dịch COVID-19 chưa kết thúc, nhiều dịch bệnh có xu hướng tăng. Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Công tác truyền thông phòng, chống dịch thường bị động, lúng túng, nhất là khi có dịch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực y tế cơ sở; kiến nghị Quốc hội tiếp tục thực hiện chức năng giám sát đối với việc thực hiện các chính sách về y tế cơ sở; xem xét bổ sung một số dịch vụ sàng lọc có tính chi phí hiệu quả vào phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, kế thừa chính sách của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, Bộ Y tế kiến nghị xây dựng Luật phòng bệnh để giải quyết các khó khăn, bất cập và những khoảng trống trong pháp luật hiện hành…

Cũng tại buổi làm việc, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Lãnh đạo Bộ Nội vụ báo cáo với đoàn giám sát về công tác phân bổ, tuyển dụng biên chế, nhân lực y tế; tác động của tinh giản biên chế với ngành y tế trong bối cảnh già hóa dân số, di cư tăng nhanh và mô hình dịch bệnh thay đổi. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về công tác phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về y tế trong trường học.

Thảo luận về nội dung làm việc, đa số thành viên Đoàn giám sát đồng tình với nội dung báo cáo của các Bộ đúng với yêu cầu trong đề cương đoàn giám sát nêu; đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng, sự đóng góp to lớn của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp thu ý kiến thành viên đoàn giám sát nêu và cho biết bộ sẽ đánh giá toàn diện về hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng để đề xuất các giải pháp cho giai đoạn mới, đây là cách làm tổng quan để giải quyết toàn diện các tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng báo cáo làm rõ thêm những nội dung thành viên đoàn giám sát nêu liên quan đến hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã; về việc giải thể trạm y tế để sát nhập với phòng khám đa khoa khu vực; nguồn lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng và hiệu quả sử dụng nguồn lực dành cho y tế dự phòng; biên chế y tế cơ sở, y tế dự phòng, mô hình cô đỡ thôn bản…

Đại dịch COVID-19: Y tế cơ sở, y tế dự phòng đã hết sức cố gắng, "xông pha"

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến đóng góp trách nhiệm của thành viên đoàn giám sát; báo cáo của các bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu của đoàn giám sát, đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo, cập nhật số liệu, phụ lục theo ý kiến thành viên đoàn giám sát nêu.

Khẳng định, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã hết sức cố gắng, "xông pha", hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, rất cần được Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương ngay trong báo cáo.

Bên cạnh đó, việc phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa được như mong muốn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ cần làm rõ, khoản chi cho y tế dự phòng đã thực sự bảo đảm 30% như Nghị quyết của Quốc hội hay chưa, việc tổ chức mô hình trung tâm y tế huyện như thế nào, khi có địa phương trung tâm y tế huyện thuộc Sở Y tế quản lý toàn diện, có địa phương Sở quản lý chuyên môn, kinh phí, con người của trung tâm y tế huyện lại giao UBND huyện quản lý? Hay có nơi sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm y tế huyện, có nơi lại không sáp nhập. Việc tổ chức mô hình thiếu sự đồng nhất, có gây khó khăn cho tổ chức, thực hiện hay không?

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, giải pháp của Bộ Y tế phải thật rõ ràng, kiến nghị rõ với Quốc hội, cần sửa đổi cơ chế, chính sách gì để thực sự tăng cường vai trò, nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở, y tế dự phòng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Rà soát giải quyết hết các vướng mắc đấu thầu y tế

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 21 để cho ý kiến các vấn đề lớn của luật Đấu thầu sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới.
Ngày 15.3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 21 để cho ý kiến các vấn đề lớn của luật Đấu thầu sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới.

Cho chỉ định thầu phục vụ chống dịch, cấp cứu

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết dự thảo luật đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Trong đó, tại điều 23 quy định cho phép chỉ định thầu đối với "gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân".

Ngoài ra, tại điều 28 về hình thức "đàm phán giá" được quy định áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 - 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác". Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng dành toàn bộ chương 5 (từ điều 55 đến điều 58) quy định về "mua sắm tập trung, mua thuốc"… "Các quy định về mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây", ông Cường nêu.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ băn khoăn việc chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu phục vụ chống dịch, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay có thể dẫn tới lạm dụng. Để bảo vệ người quyết định chỉ định thầu, vừa ngăn ngừa lạm dụng, bà Anh kiến nghị nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện về dịch bệnh, thành phần tham gia, trong đó nên có đại diện của cơ quan bảo vệ pháp luật và yêu cầu về giá tối thiểu và tham khảo.

Rà soát kỹ để tháo gỡ tất cả vướng mắc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị nhiều nội dung cần được quy định cụ thể trong luật như việc mua sắm vắc xin, việc đàm phán giá hay đấu thầu đối với biệt dược. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trường hợp nào đàm phán giá, trường hợp nào đấu thầu phải quy định rõ hoặc giao Chính phủ hướng dẫn để thực hiện. "Chúng ta cứ lẩn tránh, nói là biệt dược nên toàn lao vào đàm phán giá chứ không đấu thầu, mà thực tế đấu thầu rất hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát kỹ, tránh trường hợp bắt đầu bấm nút thông qua luật thì lại bảo phần này vướng mắc, trong ngành chúng tôi không thực hiện được. "Lúc đó sẽ là lỗi và trách nhiệm của các đồng chí", Chủ tịch Quốc hội nói. Theo Chủ tịch Quốc hội, do Bộ Y tế nói việc mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư vướng mắc là do luật Đấu thầu nên Bộ cần rà soát kỹ, vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi cụ thể thì đề xuất, không hợp lý thì cần phải nói ngay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết ngoài biệt dược - nghĩa là loại thuốc chỉ có một nhà sản xuất, còn có sinh phẩm tham chiếu, hoặc thuốc có từ 1 - 2 nhà sản xuất, vì 2 nhà sản xuất là không đủ 3 nhà sản xuất để đấu thầu. "Quy trình, thủ tục đàm phán giá cũng rất phức tạp, phải có hội đồng đàm phán và lại có hội đồng về thẩm định chuyện đàm phán", ông Luận nêu.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận đấu thầu trong lĩnh vực y tế có rất nhiều vấn đề bất cập. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng "nói đi cũng phải nói lại" khi những bất cập hiện nay do quá trình tổ chức thực hiện không tốt. Bên cạnh đó, các vướng mắc chủ yếu nằm ở nghị định, thông tư của chính Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết vừa qua đã giải quyết từng lĩnh vực bằng các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ rất phức tạp, mất công mà vẫn không đáp ứng được vì "ai cũng sợ" thì lần này cơ bản giải quyết được tại luật này. Ông Dũng cũng khẳng định sẽ tiếp tục rà một bước nữa "để giải quyết hết các vướng mắc" trong đấu thầu ngành y tế trong lần sửa đổi này.

Quốc hội quy định danh mục hàng hóa bình ổn giá là phù hợp

Cùng ngày, cho ý kiến về luật Giá sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022), nhiều đại biểu không đồng tình đề xuất giao việc quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá cho Chính phủ mà giữ như luật hiện hành, tức Quốc hội quyết định.

Để linh hoạt hơn, luật Giá hiện hành đã quy định trong thời gian Quốc hội không họp thì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội sau. "Theo tôi, quy định như thế là phù hợp. Cái này thực chất là chia sẻ, giải tỏa cho Chính phủ thôi chứ không phải Quốc hội ôm vào làm gì", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bộ công an đã điều tra các vụ lừa đảo "con cấp cứu, chuyển tiền gấp"

Báo cáo về tình trạng lừa đảo phụ huynh "con cấp cứu, chuyển tiền gấp" cũng như tình trạng đòi nợ thuê núp bóng đang gây bức xúc thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ xác nhận vừa qua có tình trạng mạo danh giáo viên, nhân viên y tế lừa đảo phụ huynh bằng thủ đoạn nhắn tin, gọi điện cho phụ huynh báo con gặp tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền. "Đã có một số trường hợp chuyển tiền cho các đối tượng này. Chúng tôi đã điều tra, phát hiện và cũng đã làm tốt công tác phòng ngừa", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nói.

Đối với tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, mua bán nợ, ông Tỏ cho hay các vụ việc xuất hiện từ tháng 10.2022. "Bộ Công an đã phát hiện và đang xử lý theo quy định của pháp luật đối với 15 công ty", ông nêu. (Thanh niên, trang 4).

 

Loạt dự án bệnh viện nguy cơ vỡ tiến độ

Nhiều dự án xây dựng bệnh viện lớn của Hà Nội đang có nguy cơ “có vỏ mà rỗng ruột” do khó khăn trong đấu thầu thiết bị y tế.

Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, tổng số dự án thuộc lĩnh vực y tế tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 là 22 dự án, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020; 7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư và 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Cụ thể, 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 triển khai nâng cấp, xây dựng và mở rộng 5 bệnh viện: Đa khoa huyện Thường Tín; Nhi Hà Nội giai đoạn I; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa huyện Ba Vì và Đa khoa Sơn Tây.

7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư, bao gồm: Nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Trung tâm Pháp y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, đồng thời cải tạo và nâng cấp đầu tư hệ thống khí y tế và hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Còn lại 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, gồm: Xây dựng Bệnh viện Thận cơ sở 2; cải tạo và nâng cấp Bệnh viện Bắc Thăng Long; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội; xây mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội khu vực phía Bắc; Bệnh viện Mắt thành phố Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam và cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân. Nếu lấy con số tối thiểu là 30 giường bệnh/vạn dân thì Hà Nội đang cần bổ sung 4.204 giường bệnh.

Tuy nhiên, khi triển khai, các dự án bệnh viện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

Bệnh viện có nguy cơ bỏ không

Ghi nhận tại dự án bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín (giai đoạn 1), dự án thuộc dự án nhóm B, quy mô 300 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn Bệnh viện hạng II, được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 684 tỷ đồng.

Hiện các khối nhà chính cao 9 tầng, khối nhà kỹ thuật 4 tầng đã cơ bản hoàn thành. Nhà thầu xây lắp đang thi công, lắp đặt các hạng mục điện chiếu sáng, thiết bị điện, cửa kính... Đại diện Cty CP xây lắp Xuân Mai cho biết, hiện các hạng mục xây lắp trong gói thầu đã thực hiện được khoảng 95%, với tốc độ thi công hiện nay chỉ trong tháng 6/2023 sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu xây lắp.

Hiện dự án chỉ còn 1 khối nhà nằm trên diện tích làm sân đường chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) do là nhà đất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nằm trong khuôn viên của Bệnh viện, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Bảo hiểm Thành phố, và Bảo hiểm Thành phố đã có Văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị sớm bàn giao tòa nhà phục vụ thi công. Trên mặt bằng còn 1 ngôi mộ chưa được di dời, Chủ đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Thường Tín để di dời sớm nhất có thể.

Vướng mắc nhất đối với dự án bệnh viện đa khoa Thường Tín (giai đoạn 1) là thiết bị y tế, rất có khả năng bệnh viện xây xong nhưng không có đầy đủ thiết bị để phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, không chỉ dự án bệnh viện Thường Tín, rất nhiều bệnh viện lớn của Hà Nội như dự án bệnh viện đa khoa Sơn Tây, bệnh viện đa khoa Hà Đông... cũng trong viễn cảnh tương tự.

Lý do bởi tất cả đều đang lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Khó khăn đến ngay từ khâu lập danh mục cấu hình thiết bị y tế, tiếp đến xây dựng cấu hình... Ngoài ra, có những thiết bị không có trong danh mục niêm yết trên cổng thông tin của Bộ Y tế... chủ đầu tư cũng không dám mua.

Một đại diện Ban quản lý dự án cho biết: ‘’Khó khăn là rõ ràng vì xây dựng xong một bệnh viện mà không có đầy đủ thiết bị y tế thì cũng không thể hoạt động được. Do đó chúng tôi phải vừa làm vừa dò đường. Tuy nhiên chúng tôi sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định, mong các bộ ngành sớm có những hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ cho Chủ đầu tư chúng tôi trong quá trình thực hiện”, vị này cho hay. (Tiền phong, trang 14).

 

Cách chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị ung thư

Chăm sóc người thân trong quá trình trải qua hóa trị ung thư thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, việc chăm sóc người điều trị hóa chất sẽ ít căng thẳng hơn nếu bạn biết làm những việc dưới đây.
Dưới đây, ThS. BS. Phạm Thuyên – Khoa Nội 2 - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đưa ra tư vấn về cách chăm sóc đúng bệnh nhân sau hóa trị điều trị ung thư.

Hoá trị hoạt động như thế nào?

Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các loại thuốc đặc biệt gọi là thuốc kháng ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể. Thuốc kháng ung thư có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư, làm chết tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng lan rộng sang các vị trí khác trong cơ thể.

Tuy nhiên, liệu pháp này cũng gây hại hoặc làm hỏng một số tế bào khỏe mạnh bình thường. Điều này là do hóa trị không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được sự khác biệt giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư. Song các tế bào bình thường sẽ phục hồi hoặc được thay thế bằng các tế bào mới, khỏe mạnh sau một thời gian.

Do đó, bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ cùng thảo luận với bệnh nhân và người nhà của họ về kế hoạch điều trị dựa trên loại ung thư của bệnh nhân, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khoẻ, mục đích điều trị, và điều kiện tài chính, bảo hiểm của bệnh nhân.

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị gây hại cho một số tế bào khỏe mạnh bình thường, do đó có thể gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của phương pháp này với từng bệnh nhân rất khác nhau.

Vì các tác dụng phụ là tùy thuộc vào loại hóa trị nên không phải tất cả những bệnh nhân nhận hóa trị đều sẽ có cùng các phản ứng phụ. Bệnh nhân cảm thấy thế nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ trước khi điều trị, loại ung thư đang mắc phải, mức độ tiến triển của bệnh, loại hóa trị mà bệnh nhân đang nhận và liều lượng. Các bác sĩ và y tá không thể biết chắc chắn bệnh nhân sẽ cảm thấy như thế nào trong quá trình hóa trị.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong hoặc ngay sau khi thực hiện hóa trị, trong khi những tác dụng phụ khác có thể xảy ra muộn hơn. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:

– Buồn nôn hay ói mửa

– Rụng tóc

– Tiêu chảy hoặc táo bón

– Cảm thấy yếu và mệt mỏi

– Sốt hoặc ớn lạnh

– Số lượng tế bào máu thấp có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hay chảy máu

– Thay đổi khẩu vị hoặc giảm cảm giác thèm ăn

– Các vấn đề về da

– Đau miệng hoặc lở loét ở miệng

Sau khi được hóa trị, bệnh nhân và những người chăm sóc của họ cần được chăm sóc để ngăn ngừa tiếp xúc với dịch cơ thể của bệnh nhân, bao gồm nước tiểu, phân, mồ hôi, chất nhầy, máu, chất nôn, và tiếp xúc qua quan hệ tình dục.

Bác sĩ hoặc y tá của bệnh nhân sẽ đề xuất các biện pháp an toàn tại nhà mà bệnh nhân và những người chăm sóc của họ nên làm theo, chẳng hạn như:

– Đóng nắp và xả hai lần sau khi đi vệ sinh; Ngồi vào bồn cầu để đi tiểu, nếu bệnh nhân là nam; Lau sạch các vết bắn từ bồn cầu bằng khăn tẩy; Mặc tã nếu đại tiểu tiện không tự kiểm soát được và đeo găng tay khi xử lý.

– Sử dụng găng tay khi tiếp xúc với dịch cơ thể và rửa tay sau khi cởi găng; Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh.

– Giặt riêng khăn bị dính dịch cơ thể.

– Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Cân bằng cơ thể bệnh nhân trong quá trình hóa trị

Việc duy trì cân bằng cơ thể cho bệnh nhân trong quá trình hóa trị rất quan trọng để giảm tác động của các tác dụng phụ và hỗ trợ sức khỏe toàn diện của họ.

Dưới đây là vài lưu ý để giúp bệnh nhân điều trị hóa trị có thể duy trì cân bằng cơ thể:

Ăn uống đủ chất: Người điều trị hóa trị nên ăn đủ các nhóm thực phẩm, bao gồm rau, củ, quả, thịt, cá, đậu và các sản phẩm từ sữa để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Nếu người điều trị hóa trị gặp khó khăn trong việc ăn uống, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Uống đủ nước: Việc uống đủ nước giúp cơ thể người điều trị hóa trị duy trì độ ẩm, thải độc tố và duy trì chức năng của các cơ quan nội tạng. Người điều trị hóa trị nên uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tập luyện: Tập luyện nhẹ nhàng và đều đặn giúp tăng cường sức khỏe và giảm tác động của hóa trị. Người điều trị hóa trị nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nghỉ ngơi đầy đủ: Việc nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi sau quá trình hóa trị. Người điều trị hóa trị nên ngủ đủ giấc, giảm stress và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè.

Tránh các chất kích thích: Các chất kích thích như cafein và nicotine có thể gây khó chịu và giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Người điều trị hóa trị nên tránh sử dụng các chất này trong quá trình hóa trị.

Ngoài ra, nếu người điều trị hóa trị gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình điều trị, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Sau khi hóa trị liệu kết thúc, người điều trị hóa trị sẽ có các cuộc hẹn tái khám thường xuyên với bác sĩ để theo dõi sức khỏe của họ, quản lý bất kỳ tác dụng phụ lâu dài và kiểm tra xem ung thư có tái phát, tiến triển hoặc lây lan hơn hay không. Trong những lần kiểm tra này, người điều trị hóa trị thường sẽ được khám, xét nghiệm máu, chụp X- quang hoặc chụp cắt lớp, cộng hưởng từ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Gia tăng các bệnh nhiễm trùng khó điều trị sau COVID-19

Sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng không thể điều trị hoặc khó điều trị đang là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trên toàn cầu và ở Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 10/3, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc bệnh viện cho biết, trên thế giới trong những thập kỷ gần đây mặc dù có các chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thảm họa về bệnh truyền nhiễm trên quy mô toàn thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay một số loại dịch bệnh do các loại virus gây ra đang tiếp tục là mối lo ngại cho nhiều quốc gia và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Điển hình như đại dịch COVID-19, SARS, sốt vàng da, dịch bệnh MERS-CoV, dịch bệnh Ebola, dịch cúm A...

Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã ghi nhận ở Việt Nam bao gồm: dịch COVID-19 năm 2019-2022 với hơn 11 triệu người mắc, tử vong hơn 44.000 người; cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%; dịch tả năm 2008; cúm đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009; dịch sởi năm 2014; sốt xuất huyết năm 2017...

Các chuyên gia cảnh báo, điều đáng lo ngại hiện nay là một số dịch bệnh trước đây có khả năng khống chế được bằng vaccine thì nay có nguy cơ bùng phát như sởi, thủy đậu, quai bị... Cùng với đó căn bệnh HIV/AIDS, viêm gan virus B, C và đặc biệt là vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa kháng sinh đang là các vấn đề y tế toàn cầu đặt ra các thách thức không nhỏ với hệ thống y tế của mỗi quốc gia ngay cả các những phát triển có nền y học tiên tiến.

Báo cáo của PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các cộng sự cho thấy, số ca nhiễm nấm đen (một loại ký sinh trùng có trong môi trường không khí là Mucormycetes gây ra) có xu hướng gia tăng trong và sau COVID-19. Đây là bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp, tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề, chi phí điều trị lớn.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước ngày 1/1/2020, không ghi nhận trường hợp nào nhiễm Mucormycosis, tuy nhiên, sau thời điểm này đến nay đã ghi nhận gần 30 ca bệnh. Cụ thể, năm 2020-2021 phát hiện 6 ca bệnh và chỉ trong vòng 10 tháng (tháng 1 đến tháng 10/2022) ghi nhận 22 trường hợp nhiễm Mucormycosis với bệnh cảnh lâm sàng đa dạng.

Qua chẩn đoán bằng nuôi cấy và tìm thấy tổn thương đặc trưng trên mô bệnh học, 83% bệnh nhân có mắc đái tháo đường; khoảng 30% mặc COVID-19 trong vòng 1 tháng trước khi khởi phát bệnh; hơn 80% bệnh nhân đã tiêm phòng ít nhất 2 mũi vaccine COVID-19.

Theo nhóm nghiên cứu, khác với bệnh nhân nhiễm nấm thông thường là chỉ khu trú một chỗ, nấm đen có thể lan ra nhiều bộ phận trong cơ thể nên việc điều trị phải kết hợp với nội khoa, ngoại khoa, bệnh lý nền… 72% bệnh nhân nhiễm nấm Mucormycosis có tổn thương xoang, gần 40% có tổn thương mắt, ngoài ra có 4 bệnh nhân được xác định nhiễm Mucormycosis lan tỏa với các tổn thương mắt - xoang – não - phổi.

PGS. Cường cho biết, hiện thuốc điều trị bệnh nấm đen chính là Amphotericin B và một số chế phẩm khác. Thời gian điều trị giai đoạn tấn công khoảng 2-4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính, gây nhiều phản ứng phụ và rất đắt tiền, BHYT mới chi trả 50%.

Các báo cáo trước đó cho thấy bệnh nấm đen gia tăng chủ yếu ở những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Theo báo cáo từ một số cơ sở y tế bệnh nấm đen đã ghi nhận ở những bệnh nhân COVID-19 nặng, từng phải thở máy, bị suy giảm miễn dịch và mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, ung thư, dùng thuốc corticoid kéo dài…

Tại Hội nghị khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới lần này, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm đã có 21 bài báo cáo, tập trung vào các chủ đề vi khuẩn, kháng kháng sinh, virus, nấm, kí sinh trùng và viêm gan.

Với vi khuẩn lao, các chuyên gia cảnh báo Việt Nam đang là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh tật do lao cao nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, ước tính có khoảng một nửa số trường hợp mắc lao bị bỏ sót. Ngoài ra, các chuyên gia tập trung trao đổi về các chủ đề như: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn bệnh viện, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).


Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát trong năm 2023

Theo Bộ Y tế, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát...Dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới.
Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023. Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo.

Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 43.000 trường hợp tử vong. Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9,7 triệu ca mắc. Trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện nhiều biến thể phụ của Omicron như BA.1, BA.2, BA.4, BA.5, BA.2.12.1, BA.2.74, BA.2.75 và XBB.

Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong. So với năm 2021, số mắc tăng hơn 5 lần, tử vong tăng 5,3 lần. Số mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cao hơn số mắc trung bình năm các giai đoạn trước.

Đồng thời, Việt Nam cũng ghi nhận 2 trường hợp đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp dương tính với cúm A(H5).

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới. WHO đánh giá và nhận định dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia.

Cùng với đó, các tác nhân gây bệnh, các chủng virus cúm xuất hiện, biến đổi liên tục làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine nên luôn tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Trong nước, tình hình dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Qua 3 năm dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vaccine tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn. Số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vaccine có nguy cơ gia tăng.

Sốt xuất huyết cũng có khả năng gia tăng với dự báo mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ xâm nhập của tuýp virus. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước.

Do đó, kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát, để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

Kế hoạch của Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giảm sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan...

Để đạt được những mục tiêu này, ngoài tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh theo kế hoạch, Bộ Y tế còn đề nghị nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm... (Công an nhân dân, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang