Cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người về từ 31 quốc gia có dịch Covid-19
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa có công văn gửi các Bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh thành về việc tổ chức cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch.
Theo đó, qua nắm bắt thông tin, dự kiến trong những ngày tới sẽ có rất nhiều học sinh, sinh viên, người lao động, người nhập cảnh vào Việt Nam về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.
Theo thông báo số 98/TB-VPCP ngày 14-3-2020, trước mắt, các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 bao gồm: 26 nước thuộc khu vực Schengen (Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ), Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran.
Như vậy, trước mắt tổng cộng có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thông báo kịp thời số lượng chuyến bay, số lượng và thông tin hành khách, thời gian dự kiến hạ cánh, địa điểm hạ cánh các chuyến bay về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 cho các Bộ có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện việc tiếp nhận và tổ chức cách ly theo quy định.
Yêu cầu các hãng hàng không thông báo tới hành khách về việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, bệnh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Quốc phòng tổ chức khu cách ly và bố trí phương tiện vận chuyển để đón toàn bộ người nhập cảnh về từ hoặc từng đi qua các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày về khu vực cách ly tập trung.
Với Bộ Công an, Ban chỉ đạo đề nghị nghiên cứu phương án để rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh hoặc hoàn thiện thủ tục nhập cảnh sau để tránh tình trạng quá tải, tập trung đông người tại sân bay khi các máy bay hạ cánh;
Ban chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao theo dõi diễn biến tình hình dịch trên thế giới để báo cáo Thủ tướng chính phủ quyết định tiếp tục cập nhật danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19;
Với UBND các tỉnh/thành phố, cần thực hiện tiếp nhận, theo dõi, giám sát, tổ chức cách ly y tế và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời; Nếu âm tính, tiếp tục cách ly tập trung đến khi đủ 14 ngày.
Ban chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm với đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện để sẵn dàng tiếp nhận các trường hợp cách ly trong tường hợp các khu cách ly của quân đội bị quá tải.
Cùng đó, lập danh sách các cơ sở cách ly tại địa phương bao gồm các cơ sở hiện đang sử dụng và có thể trưng dụng làm khu cách ly tập trung, dự kiến số lượng người có khả năng thu dung vào cách ly tập trung, báo cáo về Bộ Y tế (An ninh thủ đô, trang 6).
87 người tiếp xúc với bệnh nhân 50 có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong ngày 14-3, với trường hợp bệnh nhân số 50 dương tính với Covid -19, Hà Nội đã chủ động, khẩn trương xác minh và làm rõ 87 người tiếp xúc và tiếp xúc với tiếp xúc của bệnh nhân này.
Tối muộn 14-3, kết quả xét nghiệm của 87 người nói trên bước đầu đều âm tính. Các lực lượng chức năng của Hà Nội cũng tiếp tục làm rõ các trường hợp F1,F2... liên quan đến bệnh nhân để kịp thời tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Đáng chú ý, CDC Hà Nội cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có kết quả xét nghiệm lần 3 âm tính với Covid - 19.
Trước đó, ngày 14-3, bệnh nhân (BN) số 50 là nam (50 tuổi, địa chỉ phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân đi công tác tại Paris và về nước ngày 9-3. Ngày 11-3, bệnh nhân có sốt nóng, ho khan, không tức ngực khó thở.
Ngày 13-3 bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2), được xét nghiệm và chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tối 13-3, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Thông tin từ bộ Y tế cho biết, cập nhật lúc 6h30 ngày 15-03-2020 cho biết thế giới đã có 153.957 người mắc Covid - 19, 5793 người tử vong, trong đó Lục địa Trung Quốc: 3.189 người tử vong; 147 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc: 2.604 người tử vong. Các tỉnh, thành phố tại Việt Nam có người mắc COVID-19 là: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (08); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Hà Nội (09); Ninh Bình (01); Quảng Ninh (05); Lào Cai (02); Đà Nẵng (03); Huế (02); Quảng Nam (02); Bình Thuận (09) (An ninh thủ đô, trang 3).
Chống dịch Covid-19 quyết liệt hơn
Ngày 15/3, tại hội nghị trực tuyến 700 đầu cầu trên cả nước tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang có những thay đổi trong cách đối phó với căn bệnh nguy hiểm này.
Hầu hết ca mắc Covid-19 hiện nay ở Việt Nam do xâm nhập từ nước ngoài vào, lây cộng đồng, nên ngành y tế biết rõ nguồn gốc những ca mắc trong bối cảnh một vài nước không xác định được “bệnh nhân số 0”. Theo ông Long việc xác định được bệnh nhân số 0 là điểm mạnh trong vấn đề quản lý của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay việc phòng chống dịch Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế đã có những thay đổi trong biện pháp chống dịch để phù hợp với tình hình mới. Ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Nhờ kiên quyết thực hiện khai báo y tế điện tử của tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, từ những thông tin khai báo đó, chúng ta đã kịp thời lấy mẫu, xét nghiệm, ngăn chặn các ca dương tính và tiến hành cách ly ngay lập tức tại cửa khẩu. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì các ca dương tính sẽ tràn vào Việt Nam, rất nguy hiểm”.
Vì thế thời gian tới cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ và triệt để hơn. Thứ trưởng đưa ra 5 vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay. Cụ thể, Việt Nam kiên trì chiến lược đã đề ra nhưng có những thay đổi cho phù hợp hơn. Trong đó, quan trọng nhất là quyết tâm, kiên trì ngăn ca xâm nhập. Thực tế, tại Việt Nam thời gian qua đã làm rất tốt với khu vực phía Bắc. Theo Thứ trưởng Long: “Nếu tiếp tục để các ca bệnh bên ngoài vào lây lan trong cộng đồng thì khả năng đáp ứng hết sức khó khăn. Vì thế chúng ta kiên trì, quyết liệt với chiến lược đã đề ra”.
Lãnh đạo ngành y tế nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục thực hiện cách ly triệt để như đã làm rất tốt từ đầu vụ dịch. Chính chiến lược này của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá là điều thành công nhất của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang thực hiện cách ly triệt để các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp để ngăn chặn khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Trong khi đó trên thế giới, một số nước cho cách ly tại nhà. “Tại nhà bệnh nhân, chúng tôi xác định việc lây nhiễm không chỉ do tiếp xúc trực tiếp mà còn có thể qua bề mặt đồ dùng... do đó, chúng ta thực hiện cách ly cả nhà để khoanh vùng dịch, hạn chế lây lan. Hiện tại đã có những ca bệnh phát hiện là do cách ly tập trung. Trước đây chúng ta cách ly rộng như khoanh vùng cả xã Sơn Lôi. Nhưng điểm mới trong cách ly tại Việt Nam thời gian tới là khoanh vùng nhỏ hơn, chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo vấn đề đời sống cho người dân, vừa đáp ứng được nhu cầu phòng chống dịch. Điều quan trọng là không được để lây nhiễm trong các trường hợp cách ly”, ông Long nói.
Sẽ mở rộng đối tượng xét nghiệm
Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề thứ 3 mà Việt Nam đang thực hiện là điều trị. Cách thức điều trị Việt Nam đang áp dụng khác với một số nơi. Trong giai đoạn đầu, chỉ tập trung điều trị những ca bệnh ở tuyến cao nhưng cũng đang tiếp tục phân tuyến tất cả các tuyến, kể cả tuyến xã, theo dõi những ca có triệu chứng lâm sàng rất nhẹ. Quan điểm của ngành y tế là không tập trung mà phân tán tất cả các tuyến, ca nặng điều trị tuyến trên.
Về việc điều trị của các nước trên thế giới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định không thể so sánh vì mỗi nước có chính sách phòng bệnh khác nhau. Có những nước với ca bệnh nhẹ thì cho điều trị tại nhà, nhưng có nước thì kể cả ca bệnh nhẹ cũng cho bệnh nhân vào bệnh viện. Việt Nam luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi kịch bản. Bên cạnh đó, phác đồ điều trị cũng luôn thay đổi, phù hợp tiệm cận với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm của các nước.
Ông Long nhấn mạnh là thay đổi của Việt Nam trong vấn đề phát hiện sớm. Theo đó tới đây sẽ mở rộng các đối tượng được xét nghiệm. Công suất xét nghiệm hiện đẩy nhanh lên rất nhiều. Các đơn vị được yêu cầu trả kết quả trong vòng 24h, tới đây cố gắng rút ngắn hơn thời gian trả kết quả. Tất cả hành khách nhập cảnh từ châu Âu vào Việt Nam phải đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế điện tử, lấy mẫu xét nghiệm... và cách ly tập trung.
“Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú kiểm tra, rà soát lại tất cả hành khách nhập cảnh từ các nước khối Schengen, Anh, Mỹ... trong vòng 14 ngày qua, yêu cầu họ kiểm tra nếu chưa khai báo y tế điện tử thì phải kê khai, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp này. Chúng ta làm càng nhanh, càng khoanh lại thì càng hiệu quả trong phòng chống dịch”- Ông Long nhấn mạnh.
Và vấn đề cuối cùng là áp dụng khoa học công nghệ. Đây là một trong những thay đổi chiến lược của công cuộc phòng chống dịch bệnh. “Chúng tôi đang làm việc với các hãng hàng không, đề nghị các chuyến bay khi đến Việt Nam ngoài kiểm dịch y tế phải khai tờ khai điện tử, khai ngay trên máy bay. Điều này nhằm tránh gây ùn ứ, khai giấy phải nhập lại mất rất nhiều thời gian”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói (Tiền phong, trang 4).
Bắt buộc khai báo sức khỏe du khách trên toàn quốc để kiểm soát nguồn lây Covid-19
Sáng nay, 15-3, Bộ Y tế cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức công bố ra mắt hệ thống khai báo sức khỏe du lịch, triển khai dành cho các sân bay/cửa khẩu và 100% cơ sở lưu trú/nhà hàng trên toàn quốc, nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Hệ thống khai báo sức khỏe được xây dựng nhằm hỗ trợ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong việc chủ động nắm được lịch trình của hành khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại Việt Nam. Hệ thống sẽ được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declarations để thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và khách du lịch sử dụng.
Hệ thống sẽ được áp dụng tại 100% cơ sở du lịch trên toàn quốc, bao gồm: toàn bộ các địa điểm nhập cảnh (sân bay, cửa khẩu); địa điểm ăn uống (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…); địa điểm lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ); khu vui chơi, giải trí, trung tâm hội nghị; hãng vận tải hành khách...
Người quản lý và điều hành tại các địa điểm cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện quét QR code của hành khách khi tiếp đón và cung cấp dịch vụ tại cơ sở mình để lưu lại thông tin.
Ứng dụng Vietnam Health Declaration được chính thức ra mắt ngày 09/03 là ứng dụng dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng để khai báo y tế (hỗ trợ 12 ngôn ngữ và hiện đã có hơn 100.000 hồ sơ).
Việc tích hợp khai báo sức khỏe du lịch trên ứng dụng này sẽ hỗ trợ Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 phát hiện nguồn lây bệnh và kiểm soát được hoạt động du lịch trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tại Việt Nam (An ninh thủ đô, trang 6).
Nhiều hệ lụy khi người Việt về từ vùng dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 tại châu Âu, Mỹ, nhiều gia đình có người thân tại vùng dịch muốn cho con em về nước ngay thời điểm này. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Ðắc Phu, Cố vấn Trung tâm Ðáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, trong suốt hành trình di chuyển từ nơi ở đến các sân bay đầu mối, quá trình trên máy bay và quá cảnh tại các sân bay, công dân sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo ông Phu, hiện nay, tình hình dịch Covid - 19 tại các nước châu Âu rất phức tạp, nên việc di chuyển từ nơi ở, nơi cư trú đến các sân bay trung chuyển đều không an toàn. Đặc biệt không an toàn hơn nữa khi di chuyển bằng taxi, xe buýt, các phương tiện công cộng bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, chúng ta không thể chắc chắn sự an toàn tại các sân bay, đặc biệt là nơi quá cảnh ở nước thứ 3, nên người di chuyển có thể bị nhiễm virus SARS-COV-2. Đơn cử, một Việt kiều Mỹ về TPHCM đã mắc Covid-19 khi quá cảnh ở sân bay Vũ Hán (Trung Quốc) chưa đầy 2 giờ đồng hồ vào ngày 15/1; hoặc bệnh nhân ở Bình Thuận mắc Covid-19 khi quá cảnh từ sân bay Doha (Qatar) về Việt Nam ngày 2/3”, ông Phu nói.
Theo các chuyên gia y tế, chuyến bay từ châu Âu, Mỹ về Việt Nam kéo dài 15 - 24 giờ đồng hồ trong một không gian khép kín, nếu vô tình có một ca bệnh Covid - 19 thì nguy cơ lây nhiễm cho những người đi cùng trên chuyến bay là rất lớn. Điển hình là chuyến bay mang số hiệu VN0054 xuất phát từ London và hạ cánh tại Hà Nội vào ngày 2/3 có đến 14 hành khách đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Cũng chuyến bay số hiệu đó ngày 9/3 đã có hai người mắc bệnh là một nữ tiếp viên ở Hà Nội và một nữ du học sinh ở Hạ Long.
Đó là lý do tất cả công dân về nước đều phải tuân thủ khai báo y tế trước chuyến bay, khi nhập cảnh. “Họ cần khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe của mình, những nơi mình đã đi qua, bao gồm cả những sân bay quá cảnh, trong vòng 14 ngày trước chuyến bay. Tuyệt đối không được giấu thông tin về sức khỏe, như trường hợp hành khách lên chuyến bay cất cánh được 2 giờ, gia đình mới điện thoại báo cho hãng hàng không”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Hiện nay, y học vẫn không thể xác định được công dân nhập cảnh vào Việt Nam đã nhiễm SARS-CoV-2 chưa, hay là đang trong thời gian ủ bệnh. Vì vậy, để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng trước dịch Covid-19, tất cả các hành khách, công dân đi từ/qua vùng dịch về Việt Nam đều được áp dụng biện pháp cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe. Việc cách ly này đảm bảo dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng nếu 1 công dân nhiễm Covid - 19. Với những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 thì sẽ được điều trị cách ly tại bệnh viện. Người được cách ly tập trung và cả bệnh nhân được điều trị cách ly đều vẫn phải có những bước theo dõi sức khỏe sau khi kết thúc thời gian cách ly.
Nhiều áp lực cho xã hội và ngành y
Về việc công dân đang sinh sống và học tập tại vùng có dịch vẫn tiếp tục muốn về nước, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay: “Bản thân người bị nhiễm mà không phòng bệnh tốt có thể lây lan ra cả gia đình và cộng đồng. Chúng ta có thể thấy rõ, vừa qua, hành khách ngồi khoang thương gia trên chuyến bay VN0054 nhập cảnh ngày 2/3 đã lây nhiễm cho cả người nhà, giúp việc, lái xe và thậm chí là lây nhiễm cho những cộng đồng dân cư.
Khi lượng lớn công dân ồ ạt trở về Việt Nam sẽ khiến số lượng người trong các khu cách ly đông lên, dẫn đến khó khăn về bố trí chỗ ở tại nơi cách ly. Việc kiểm soát khu cách ly, phục vụ cho những người cách ly cũng sẽ phức tạp và tốn kém hơn. Đặc biệt và quan trọng hơn nữa là công tác quản lý chống lây nhiễm trong cơ sở cách ly cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn và khó khăn hơn.
“Việc công dân Việt Nam là lao động, du học sinh trở về nước trong thời điểm này có thể tạo thêm khó khăn không chỉ cho ngành Y tế, cho các cấp chính quyền, mà cả cho đất nước và nhân dân. Gánh nặng sẽ nhân lên gấp bội phần nếu người mới nhiễm đó không khai báo trung thực. Hơn nữa, nếu một ai đó mắc bệnh và phải điều trị vì mắc Covid- 19 trong quá trình di chuyển về nước không chỉ gây tốn kém cho gia đình, nhà nước, mà còn có thể lỡ dở cả kế hoạch học tập, công việc nếu nước mà họ đang học tập, lao động áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với những người nhập cảnh trở lại”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm (Tiền phong, trang 5).