Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Tiếp tục cách ly xã hội 12 địa phương đến 22.4; Khả năng nhiều người nhiễm Covid-19 chưa được phát hiện; Bệnh nhân số 266 ở Thường Tín mắc Covid-19 không ủ bệnh tới hơn 1 tháng; TP Hà Nội sẽ xét nghiệm tất cả người mua thuốc cảm, ho sốt; 71 người mắc Covid-19 tại Viêt Nam khỏi bệnh

 

Tiếp tục cách ly xã hội 12 địa phương đến 22.4

 Chiều 15.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thực hiện cách ly xã hội đối với 12 tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ cao về dịch Covid-19 đến ngày 22.4. Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều qua 15.4, Thủ tướng thúc giục thực hiện ngay gói an sinh xã hội với tinh thần “cứu đói như cứu hỏa”, không thể để chậm trễ hơn, vì người ld đang rất khó khăn, không vì thủ tục mà kéo dài việc hỗ trợ. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến 30.4. Xem xét giải quyết cho những người VN ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết. Duy trì cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào.

Trao quyền chủ động cho địa phương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc” với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sk, tính mạng của người dân, đồng thời cảnh báo “nếu làm điều gì khinh suất, bị động thì sẽ xóa đi thành quả to lớn trong thời gian qua”.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cũng cần có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại; kiên định các chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả, với mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tử vong, đồng thời giảm thiểu tác động đến KT-XH.

Từ đó, theo Thủ tướng, cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp hoàn cảnh của mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển KT-XH.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP sẽ quyết định cụ thể cơ sở kd dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất kinh doanh, nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng dịch.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn quyết định việc có thể kéo dài thực hiện Chỉ thị 16, nếu thấy cần phải áp dụng mạnh mẽ. Việc thực hiện cách ly xã hội có thể theo quy mô cấp xã, huyện, tùy theo nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn. Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về phân loại 3 nhóm nguy cơ dịch bệnh: nhóm có nguy cơ cao, nhóm nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp, dựa trên một số tiêu chí như: các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm… Trong đó, riêng nhóm có nguy cơ cao (gồm 12 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa...): cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 22.4 hoặc 30.4.

TP.HCM, Hà Nội tiếp tục yêu cầu gì?

TP.HCM thuộc nhóm nguy cơ cao về dịch Covid-19. Chiều tối 15.4, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội đến hết ngày 22.4 theo các chỉ thị của Thủ tướng. TP.HCM yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra đường vì những lý do không cần thiết, phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tại nơi công cộng, bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện không được tập trung quá 2 người, phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

TP sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về công tác phòng, chống dịch bệnh như không đeo khẩu trang nơi công cộng, trốn cách ly, chống đối người thi hành công vụ, đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, đầu cơ tăng giá hàng hóa…

Ông Liêm khẳng định TP không thiếu khẩu trang cũng như các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân trong 1 tuần tới. “TP lúc nào cũng chuẩn bị nguồn hàng vượt từ 50 - 100% so với bình thường để đảm bảo cung ứng cho người dân trong bất kỳ tình huống nào”, ông Liêm cho biết.

Chiều 15.4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội đã họp để triển khai công việc. TP.Hà Nội cũng thuộc nhóm 12 địa phương có nguy cơ cao. Thực tế, hiện nay TP.Hà Nội là địa bàn phức tạp nhất về dịch Covid-19, nơi vẫn phát sinh các ca bệnh mới. “Thủ tướng đã kết luận Hà Nội và một số địa phương khác nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 ít nhất đến ngày 22.4, hoặc 30.4 (thậm chí có thể kéo dài hơn nữa). Đề nghị các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện tốt chỉ thị”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.

Lãnh đạo TP.Hà Nội yêu cầu tiếp tục truyền thông cho người dân về việc phải thường xuyên đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, khử khuẩn bằng xà phòng, nước rửa tay...; biến việc này thành thói quen được thực hiện trong thời gian dài, kể cả sau thời điểm cách ly xã hội.

TP.Hà Nội tiếp tục xác định “khâu rà soát, phát hiện là nhiệm vụ quan trọng số 1”; “xét nghiệm là tối quan trọng”, vì cả 13 bệnh nhân ở thôn Hạ Lôi (H.Mê Linh) và bệnh nhân mới nhất ở H.Thường Tín đều từ xét nghiệm mới phát hiện ra, chứ không hề có biểu hiện lâm sàng. Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường và Công an TP.Hà Nội được giao tăng cường kiểm tra các đơn vị, cá nhân, cửa hàng bán trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước khử khuẩn, máy thở... không để bán tăng giá. Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan trực thuộc chủ động rà soát lại toàn bộ kết quả việc mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát, không để tiêu cực xảy ra (Thanh niên, trang 2).

 

Khả năng nhiều người nhiễm Covid-19 chưa được phát hiện

Ngày 15.4, Bộ Y tế thông báo ca bệnh mới nhất được công bố trong ngày là BN 267 (nam, 46 tuổi, trú xóm Hội, thôn Hạ Lôi, H.Mê Linh, Hà Nội), là bố của BN 257, chồng của BN 258, có tiếp xúc gần với BN 243 tại nhà ngày 20.3. Với BN 267, số BN nhiễm Covid-19 tại ổ dịch Hạ Lôi đã lên tới 13 người.

Tính tới cuối ngày 15.4, cả nước có 267 BN, trong đó có 160 người nước ngoài (chiếm 59,9%), 107 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,1%). Cả nước hiện còn 68.049 người đang được cách ly, theo dõi.

Về tình hình điều trị, trong ngày 15.4, có 2 BN được công bố khỏi bệnh là BN thứ 145 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, và BN thứ 235 tại BV dã chiến Củ Chi (TP.HCM). Cả nước hiện đã có 171/267 BN Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Qua thực tế phòng chống dịch của Hà Nội cho thấy, có một số ca bệnh (BN 243 và BN 266) có quá trình tiếp xúc với vùng dịch đến khi phát bệnh hiện đều rất dài (BN 243 là 23 ngày và BN 266 là 32 ngày), và khi phát hiện đều không có triệu chứng.

Hơn 50% trường hợp lây nhiễm được phát hiện đều không có triệu chứng, chỉ qua công tác xét nghiệm mới phát hiện được. Vì vậy, nhiều khả năng ngoài xã hội vẫn có các trường hợp BN đã nhiễm bệnh Covid-19 chưa được phát hiện (Thanh niên, trang 3).

 

Bệnh nhân số 266 ở Thường Tín mắc Covid-19 không ủ bệnh tới hơn 1 tháng

Sáng 15-4, thông tin từ UBND huyện Thường Tín cho biết, bệnh nhân số 266 mắc Covid-19 vừa được Bộ Y tế công bố chiều tối qua (14-4) là công dân Lê M.H., 36 tuổi, ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ca bệnh này được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14-4, sau hơn 1 tháng kể từ khi đến bệnh viện Bạch Mai chăm sóc người thân nằm viện (từ 8-10/3). Vậy có phải bệnh nhân này có thời gian ủ bệnh đến hơn 1 tháng hay không, đây là thông tin được dư luận rất quan tâm.

Thông tin cụ thể hơn về ca bệnh số 266, UBND huyện Thường Tín cho biết, từ ngày 8-3 đến 10-3, bệnh nhân Lê M.H đến chăm sóc mẹ đẻ (61 tuổi, ở xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) điều trị tại khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bạch Mai.

Trong 3 ngày này, bệnh nhân Lê M.H. nhiều lần sử dụng dịch vụ căng tin của bệnh viện Bạch Mai – nơi đã có hàng chục nhân viên căng tin và nhân viên công ty Trường Sinh mắc Covid-19.

Sau khi bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch, ngày 29-3, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội phát đi thông báo yêu cầu rà soát tất cả những người từng đến bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12-3, bệnh nhân Lê M.H. (dù đến bệnh viện Bạch Mai từ 10-3) nhưng đã thực hiện tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà suốt từ 30-3 đến 13-4.

Ngày 12-4, bệnh nhân được Trung tâm Y tế huyện Thường Tín lấy mẫu xét nghiệm, ngày 14-4 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, suốt từ khi từ bệnh viện Bạch Mai về nhà (ngày 10-3), trường hợp bệnh nhân lê M.H sức khỏe bình thường, không có biểu hiện gì. Bệnh nhân này làm ruộng, có thêu ở nhà nên chủ yếu ở nhà chứ không tiếp xúc với nhiều người.

Như vậy, sau khi đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 30-3 thì đến 12-4, bệnh nhân số 266 mới được xét nghiệm và có kết quả dương tính với Covid-19 chứ không thể khẳng định bệnh nhân này ủ bệnh tới hơn 1 tháng.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, tính đến ngày 14-4, toàn thành phố đã rà soát được 27.157 trường hợp người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai tại cộng đồng, trong đó đã lấy 25.128 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và phát hiện thêm 7 trường hợp dương tính với bệnh Covid-19.

Cũng liên quan đến ca bệnh 266 ở Thường Tín, hiện huyện đã rà soát được 25 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân và đang tiếp tục rà soát các trường hợp F2, F3 để tiến hành cách ly y tế theo quy định. Xã Dũng Tiến – nơi ở của bệnh nhân đã khoanh vùng thôn Đông Cứu, lập 5 chốt kiểm dịch, tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ thôn (An ninh thủ đô, trang 6).

 

TP Hà Nội sẽ xét nghiệm tất cả người mua thuốc cảm, ho sốt

Ngày 15-4, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đánh giá kết quả sau 2 tuần thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị ban chỉ đạo của Hà Nội đề xuất với Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 tại TP Hà Nội tới ngày 30-4; đồng thời yêu cầu tiếp tục duy trì sự thông suốt của các hệ thống chính trị, không để đình trệ; tiếp tục bảo đảm công tác khám chữa bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh được phép theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên cơ sở tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và hoạt động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp (do chính quyền, các hiệp hội ngành hàng thống nhất ban hành), có giám sát thường xuyên.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội rà soát, thông tin cho tất cả hiệu thuốc trên địa bàn, yêu cầu các trường hợp đến mua thuốc cảm, ho, sốt... phải khai báo y tế ngay lập tức và thông tin kịp thời cho trạm y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp không hợp tác, để sót thì bị xử lý theo quy định pháp luật về phòng chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế, CDC Hà Nội tiếp tục xác minh, làm rõ tất cả người dân đã đến những nơi mà bệnh nhân thứ 243 (ở Hạ Lôi, Mê Linh) đã đến từ ngày 15-3 đến 10-4 đều phải thực hiện cách ly, xét nghiệm ngay. UBND huyện Mê Linh và xã Mê Linh thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định về phong tỏa ổ dịch tại thôn Hạ Lôi; hướng dẫn người dân mỗi nhà chỉ cử một người luân phiên cách một ngày đi mua đồ thiết yếu, khuyến khích việc mua đồ dùng cho nhiều ngày, không đi lại trong thôn. Chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt công tác giám sát, bảo đảm người dân thực hiện nghiêm lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Mê Linh cho biết, tính đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã rà soát xác định được gần 1.000 người dân của 18 xã, thị trấn trên địa bàn đến buôn bán tại chợ hoa xã Mê Linh từ ngày 13-3 đến 8-4. PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế giúp Hà Nội dập dịch Covid-19, cho rằng, ổ dịch Covid-19 tại thôn Hạ Lôi là phức tạp nhất cả nước hiện nay. Để sớm khống chế được ổ dịch này cần phải đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giám sát lẫn nhau và tích cực hỗ trợ giúp đỡ, chăm sóc y tế người dân trong vùng cách ly y tế để bảo đảm an dân (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

71 người mắc Covid-19 tại Viêt Nam khỏi bệnh

Chiều tối 15-4, Bộ Y tế cho biết tới 18 giờ chiều nay, cả nước không ghi nhận thêm ca mắc mới dịch bệnh Covid-19, số ca mắc trong cả nước  vẫn dừng lại ở con số 267 ca bệnh. 

Trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,9% và 107 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,1%. 

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 68.049 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 471 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.413 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 56.165 người.

Đáng chú ý, trong ngày, cả nước có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 (ca bệnh thứ 145 và 235) được công bố khỏi bệnh, nâng số người khỏi bệnh lên  171 (trong số 267 người mắc Covid-19).

Đối với việc điều trị bệnh nhân nặng có nhiều khả quan, đặc biệt bệnh nhận rất nặng là ca bệnh thứ 91 đã có chuyển biến tích cực khi đã nhận biết xung quanh mặc dù bệnh nhân này vẫn phải tiếp tục hồi sức tích cực với thở máy, lọc máu hấp thụ kháng thể, ECMO, kháng sinh và kháng nấm (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Móc ngoặc, nâng giá vật tư y tế phòng dịch là có tội với nhân dân, mang tiếng với cộng đồng quốc tế"

Chiều 15-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19  TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch Covid -19.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích trong 40 ngày qua, Hà Nội có 74 ca nhiễm trong khi so với một số thành phố tương đồng về lượng dân, mức độ phức tạp như Moscow của Nga, đã có tới gần 10.000 ca nhiễm và khẳng định :"Hà Nội đã làm thẳng được đường cong các ca nhiễm nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của mọi người dân, chúng ta đã làm chủ được tình hình, phản ứng tốt và nhanh với các diễn biến trên tinh thần phát hiện nhanh và khẩn trương lấy mẫu, khoanh vùng dập dịch".

Nhắc lại chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng là Hà Nội cùng với một số địa phương khác nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22-4, hoặc 30-4 Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện, phường, xã tuyên truyền để nhân dân trên địa bàn  thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

Chủ tịch UBND TP giao CATP là đơn vị chủ trì, cùng với Phòng Y tế của các quận, huyện, các đơn vị tiếp tục triển khai các chốt kiểm tra, giám sát ở cửa ngõ TP; phun khử khuẩn tất cả các phương tiện; tăng cường xử phạt tất cả các trường hợp không đeo khẩu trang.

Nhấn mạnh, chỉ khi nào người dân thực hiện tốt, đồng lòng, đồng thuận chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của thành phố thì khi đó  mới có khả năng dập dịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP nêu rõ: "Có những việc làm  như đeo khẩu trang, khử khuẩn, nước rửa tay sạch sẽ phải trở thành thói quen được thực hiện một thời gian dài, chứ không phải kết thúc trong ngày một, ngày hai".

Từ tình hình thực tế, để thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị tất cả các quận, huyện, phường, xã tiếp tục tuyên truyền công khai, minh bạch tới người dân nắm được đầy đủ diễn biến dịch bệnh, để họ hiểu rõ được thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, cũng như nhận thức rõ nguy cơ để chủ động phòng chống; khi có biểu hiện ho, đau họng, sốt thì khẩn trương thông tin giữa các cơ sở y tế trên địa bàn, để được lấy mẫu xét nghiệm 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, khâu rà soát, phát hiện dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng số 1, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở tất cả trường hợp có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi (Mê Linh) hay những người có dấu hiệu ho, sốt, đau họng đi mua thuốc cần phải được phát hiện nhanh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly kịp thời.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, việc xét nghiệm hiện nay là tối quan trọng, cần triển khai bằng cả hai hình thức xét nghiệm nhanh và PCR, dẫn chứng tất cả các trường hợp ở ổ dịch Hạ Lôi và huyện Thường Tín thời gian qua đều được phát hiện qua công tác này. Từ đó, CDC Hà Nội phải triển khai lấy mẫu, xét nghiệm nhanh, xác định các trường hợp liên quan để từ đó có biện pháp phòng chống lây lan kịp thời.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế, CATP, QLTT tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị hoặc cá nhân hay các cửa hàng bán trang thiết bị y tế, không để các đơn vị này tăng giá. 

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế, các quận, huyện đã được phân bổ kinh phí giai đoạn 1 chủ động rà soát toàn bộ kết quả mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát, tiêu cực xảy ra.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói rõ: "Chúng ta đang rất nỗ lực làm tốt công tác phòng chống dịch. Nếu để tiêu cực tham nhũng lĩnh vực này xảy ra, không chỉ mang tiếng với người dân mà còn có tội. Người dân đang ủng hộ, cán bộ công chức còn góp một ngày lương ủng hộ cho mặt trận này mà chúng ta được giao nhiệm vụ lại có biểu hiện móc ngoặc, nâng khống giá để tham ô, tham nhũng thì không những mang tiếng ở địa bàn thành phố, trong nước mà cả cộng đồng quốc tế. Đồng chí Bí thư Thành ủy nói với tôi nhắc các đồng chí vấn đề quan trọng này".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sẽ mời Ban kinh tế ngân sách và Ban văn hóa xã hội của HĐND, MTTQ và các ban, ngành giám sát toàn bộ quá trình trên; đồng thời chỉ đạo các quận, huyện mời HĐND giám sát một cách công khai minh bạch công tác này.

Nhấn mạnh, tuần này là thời gian quyết định đến thắng lợi của công tác phòng chống, không để bùng phát dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị đảm bảo trực 24/24h tiếp nhận kịp thời các thông tin phản ánh những trường hợp bất thường, để kịp thời kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. 

"Theo số liệu thống kê thì đến nay, số ca nhiễm đã giảm. Sau 6 tuần, biểu đồ đã đi xuống. Nếu chúng ta làm quyết liệt công tác xác minh, phân loại sẽ chặn được lây lan dịch bệnh. Thủ tướng đã đánh giá cao Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia của người dân, sự vào cuộc có trách nhiệm từ thôn, xóm, tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, phường, xã cho đến các quận, huyện. Chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới một cách quyết liệt hơn nữa, thì hoàn toàn tin tưởng sẽ khoanh vùng, khống chế được được dịch bệnh sớm", Chủ tịch UBND TP  Hà Nội khẳng định (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Liên quan bệnh nhân số 262 làm việc tại Samsung Bắc Ninh: Đã rà soát hơn 1.000 trường hợp

Đến sáng 15-4, cơ quan chức năng các địa phương ở Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang đã rà soát được hơn 200 trường hợp là F1 và hàng nghìn F2 của bệnh nhân Covid-19 số 262 – là công nhân công ty Samsung Bắc Ninh. Xác định trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 262 (nam, 26 tuổi, thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) là một ca bệnh phức tạp do anh này làm việc tại công ty Samsung Display Việt Nam ở khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), tiếp xúc với nhiều người, hàng ngày đi xe buýt của công ty từ nhà tới nơi làm việc, do đó các địa phương liên quan đang khẩn trương rà soát F1, F2 của bệnh nhân để khoanh vùng.

Tính đến chiều qua, 14-4, tỉnh Bắc Ninh đã lập danh sách xác định 177 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân (F1) và 525 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc (F2) của bệnh nhân Covid-19 số 262. Trong đó, gần 180 người là F1, F2 đã được chuyển đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Bước đầu các mẫu đã có kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.

Tương tự, báo cáo của Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, bước đầu tỉnh này đã xác định 7 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh Covid-19 số 262. Đây là những người tiếp xúc gần hoặc đi cùng xe buýt với bệnh nhân này.

Cùng đó, Thái Nguyên đã rà soát được danh sách 125 người là F2, 207 trường hợp F3 của bệnh nhân số 262, lấy mẫu xét nghiệm được 53 người, bước đầu đều âm tính.

Huyện Sóc Sơn cũng đã rà soát được 76 trường hợp liên quan đến bệnh nhân số 262, trong đó có 5 trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã cách ly tập trung, 59 trường hợp F2 và 12 trường hợp F3 cách ly tại nhà.

Tại Bắc Giang, lực lượng chức năng đã xác định 535 người có liên quan đến bệnh nhân số 262, trong đó có hàng chục người là F1 đã được chuyển đi cách ly tập trung. Ngành y tế Bắc Giang đã lấy hơn 80 mẫu bệnh phẩm của những trường hợp F1, F2 để xét nghiệm, bước đầu đã có kết quả 25 mẫu và đều âm tính với virus SARS-CoV-2 (An ninh thủ đô, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang